Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Hương vườn cũ 5

Hương vườn cũ 5

33.

Đặng Xuân Bảng hiệu Hy Long, đậu Tiến sĩ khoa Bính Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 9 (1856). Bên Hán văn, văn chương có tiếng là hùng tráng. Bên Quốc âm, còn để lại chừng vài mươi bài thơ Hàn luật. Phần nhiều là thơ cảnh. Lời văn cổ nhã, như bài Đề Núi Dục Thúy đã trích dẫn ở trước kia [1] và bài Đề Động Bích Đào sau đây:

Động Đào mở khóa dễ ai hay
Ngó tựa Thiên Thai giữa cõi này
Róc rách một dòng khe cuốn gió
Rỡ ràng năm sắc đá chen mây
Cờ tiên cuộc trải vòng kim cổ
Thơ thánh câu đề giọng tỉnh say
Ướm hỏi chủ nhân đâu vắng tá?
Nga Sơn còn đó động còn đây. [2]
Thơ nhiều tài mà ít tình, có cảnh có thú mà ít vị. Cho nên không quyến rủ được lòng người thưởng cảnh trong thơ.
Thích thú nhất trong số thơ Hy Long mà tôi được đọc là bài:
ĐỀ ẢNH
Chen vai quả đất đứng trên vòng
Trời sanh ra ta có ý không?
Trải kiếp chưa phai hồn cố quốc
So gan mới biết mặt anh hùng
Mấy hàng tóc bạc từng dâu bể
Một tấm lòng son giãi núi sông
Gió Á mưa Âu thay đổi mặc
Trơ trơ như đá vững như đồng.
Văn hùng, khí tráng, đọc thấy phấn khởi trong lòng. Nhưng có người bảo:
- Hay thì hay thật, song không sát đề. Bởi theo phép làm thơ, cặp trạng phải thích thực đầu đề, nghĩa là phải nói thế nào cho người đọc thấy rõ là ảnh, chớ đây hoàn toàn nói người. Đó là một bài thơ “Cảm thuật” chớ không phải “Đề ảnh”.
Đánh giá như vậy cũng phải và đó là theo quy tắc trường ốc mà phê phán. Chớ thường thường thi nhân làm thơ không theo một quy tắc nào hết mà chỉ theo trào lòng của mình. Lúc cao hứng thì ngâm tràn viết tràn. Thành thơ rồi mới đặt đầu đề, cũng như con sanh rầu mới coi mặt đặt tên. Hoặc lấy vài ba ý tứ chính của bài thơ mà mệnh danh.
Bài “Đề ảnh”, nếu tôi không lầm thì là nhân nhìn bức ảnh mình, tác giả cao hứng nói lên thân thế và tâm sự mình, rồi sẵn bút sẵn nghiên mới viết thơ vào bức ảnh để trước mắt. Chỉ chép tám câu thơ mà thôi. Sau này những người thấy hay chép lại để xem, mới thêm đầu đề vào để gọi dễ nhớ. Chớ nào phải lấy bức ảnh mà ra đề để làm thơ đâu mà buộc phải sát đề.
Thơ cử nghiệp là hữu đề chi thi.
Thơ của các thi nhân chân chính thường là vô đề chi thi.
Tùy Viên gọi Hữu đề mà hay là nhân xảo, Vô đề mà hay là thiên công.
Nhưng xét cho kỹ, bài ĐỀ ẢNH đâu có phải là không ăn đề. Chữ PHAI là “hình thức nổi” để nói về ảnh. Còn năm câu từ câu bốn trở xuống đều có nói gạnh đến ảnh, nghĩa là đều dùng “phương pháp chìm” để “đề cao” ảnh. Đại để: nếu không so gan thì tưởng là một vật vô tri vô giác, có tướng không tâm, chớ nếu người đời đem gan mình ra đọ thì sẽ thấy đó là một bậc anh hùng, bởi vì người đời chạy theo thời, mà ảnh vẫn giữ vững chân tướng trước những cuộc bể dâu biến đổi.
Huống nữa Người chẳng phải là ảnh, nhưng ảnh lại là người:
Ngã bất thị cừ cừ tức ngã
Thân ly ư ảnh ảnh đồng thân. [3] 
Cho nên nói người tức là nói ảnh. Mới ngó thì như không ăn đề, nhưng nghĩ kỹ thì thật sát đề. Nếu vào trường thi, gặp được quan trường sáng suốt, không đợi thần áo đỏ gật đầu cũng phải lấy đậu.
Tôi liên tưởng đến BÀI NÓI CHUYỆN VỚI ẢNH của Tản Đà: 
Người đâu cũng giống đa tình
Ngỡ là ai lại là mình với ta
Mình với ta tuy hai nhưng một
Ta với mình sao một mà hai?
Năm nay mình mới ra đời
Mà ta ra trước đã ngoài đôi mươi
Cuộc nhân thế câu cười tiếng khóc
Nghề sanh nhai lối dọc đường ngang
Đầu xanh ai điểm hơi sương [4]
Những e cùng thẹn những thương cùng sầu.
Đôi ta vốn cùng nhau một tướng
Lạ cho mình sung sướng như tiên
Phong tư tài mạo thiên nhiên
Không thương không sợ không phiền không lo
Xuân bất tận trời cho có mãi
Mảnh gương trong đứng lại với tình
Trăm năm ta lánh cõi trần
Nghìn năm mình giữ tinh thần chớ phai. 
Tản Đà cũng như Hy Long mượn ảnh để nói mình. Nhưng mỗi tác phẩm là một góc trời riêng biệt, tánh chất khác nhau, sắc thái khác nhau.
Hy Long phơi bày ý chí.
Tản Đà diễn tả tâm tình.
Một bên thiên về lý trí.
Một bên thiên về tình cảm.
Một bên hùng hồn.
Một bên uyển chuyển.
Cả hai đều có sức tác động: Đọc bài của Hy Long, người đọc phấn chí; đọc bài của Tản Đà, người đọc bùi ngùi trong tâm. Tức là hai bài thơ về ảnh thượng dẫn đều rung cảm người đọc. Như thế là thơ hay. 
Thơ của Hy Long Đặng Xuân Bảng hầu hết đều thiên về lý trí, thơ cảnh cũng như thơ tình. [5].
Bài thơ đề Động Bích Đào và bài Đề Ảnh tiêu biểu cho thơ cảnh và thơ tình của họ Đặng.
Chú thích:

[1] Xem bài số 20 ở trước nói về Núi Dục Thúy.
[2] Động Bích Đào ở núi Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa.
[3] Cặp trạng bài thơ “Tự đề tiểu ảnh” của Thái Hư thiền sư. Đại ý nói: Ta chẳng phải mày nhưng mày lại là ta; thân vốn lìa xa ảnh, song ảnh vẫn cùng chung với thân. Đó là nói về bản thể và ứng hóa thân.
[4] Tản Đà tiên sinh bạc tóc sớm.
[5] Thơ cảnh và thơ tình nói đây là theo nghĩa rộng.
Thơ cảnh không phải là thơ tả cảnh, vì thơ Việt Nam cũng như thơ Trung Hoa không có thơ tả cảnh, như trước đây đã nói (xem bài số 8 và số 20).
Thơ tình cũng không phải thơ nói về tình ái. Cũng như cổ nhân nói “thi ngôn chí”, chí không phải chỉ nói về ý chí hay chí hướng của con người. Tình cũng như chí là chỉ tất cả những gì thuộc về phần tinh thần của con người.
34.

Thơ chịu ảnh hưởng sông núi rất nhiều. Người Nam sống trong cảnh đồng ruộng mênh mông, không có núi cao che mắt, tâm hồn bằng lặng cởi mở, tánh tình thẳng thắn dễ dãi, nên lời thơ thường trực giản chớ ít khúc chiết, tứ thơ thường bình khoáng chớ ít thâm viễn cao siêu.

Quyển Lục Vân Tiên đã phản ảnh tâm hồn người Nam được rõ rệt.
Thơ Hàn luật của các tiền bối còn lưu thế cũng mang rất nhiều tánh chất của miền Nam. Tôi chưa gặp một bài thơ một câu thơ khúc mắc hiểm hóc. Muốn nói gì thì nói thẳng chớ không rào đón quanh co, như phần nhiều thơ người miền Bắc và miền Trung.
Đặc biệt có hai nhà ít hay nói thẳng là Tôn Thọ Tường và Nguyễn Văn Lạc. Ông Tôn thường dùng lối vịnh sử để ký thác tâm sự [1]. Ông Học thường dùng lối vịnh vật để phúng thứ thế thái nhân tình. Tuy vậy lời thơ nhiều khi vẫn trực chớ không khúc. [2]
Thơ của hai ông Tôn ông Nguyễn phần nhiều còn chải chuốt tô điểm. Có thể nói là “văn chất bân bân”. [3]
Thơ của các danh nhân khác, phần lớn chất hơi thắng văn.
Sau đây tôi xin trích một ít thơ mà tôi thích:
HÀ ÂM MỘ CẢNH
Mịt mịt mây giăng kéo tối sầm [4]
Đau lòng thuở nọ cảnh Hà Âm
Đống xương Vô Định sương phau trắng [5]
Vũng máu phi thường cỏ nhuộm thâm
Gió trốt dật dờ nơi chiến lũy
Đèn trời leo lét dặm u lâm
Nôm na xin mượn vài câu điếu
Dắng dỏi đêm trường tiếng dế ngâm.
Đây là tác phẩm của Bùi Hữu Nghĩa.
Hà Âm thuộc huyện Giang Thành tỉnh Hà Tiên.
Tác giả nhắc lại cảnh binh đao năm Quý Tỵ (1833). Nguyên Lê Văn Khôi nổi dậy chống lại vua Minh Mạng vì phẫn uất việc nhà vua cho cào mả Lê Văn Duyệt. Để đủ sức chống lại quân triều đình, Lê Văn Khôi cầu cứu vua Xiêm. Vua Xiêm sai tướng đem 100 chiến thuyền vào Hà Tiên. Trương Minh Giảng đem quân chống cự. Hai bên đánh nhau gần mấy tháng trời. Người chết vô số. Cuối cùng Trương Minh Giảng phá được quân Xiêm tại sông Cổ Cắng ở Hà Âm.
Nhân đi sứ Xiêm qua ngang Hà Âm, Bùi công nhớ chuyện cũ xúc cảm mà làm thơ Hà Âm Mộ Cảnh.
Bạn thân của Bùi công là Huỳnh Mẫn Đạt và Phan Văn Trị. Huỳnh Mẫn Đạt một lớp tuổi cùng Bùi công, còn ông Phan nhỏ thua đến hai giáp, là hàng bạn vong niên. [6]
Cũng như thơ của Bùi Hữu Nghĩa, thơ Huỳnh Mẫn Đạt và Phan Văn Trị đều theo chủ trương “thi dĩ tải đạo”. Cho nên vị thơ không được nồng, sắc thơ không được thắm và nhạc thơ không được du dương. Đọc thơ của quý vị như ngồi hầu chuyện cùng các bậc phụ lão để nghe lời khuyên bảo trong việc xử thế tu thân. Cho nên khi đến cùng quý vị tôi thường theo quý vị đến những nơi cổ tích, đến những cảnh thiên nhiên, để tìm hưởng lạc thú.
Đây một bài thơ cảnh của Huỳnh Mẫn Đạt:
CẢNH TRỜI CHIỀU
Trưa sớm đường danh gió bụi nhiều
Vờn quê riêng thú cảnh trời chiều
Cành sương rai rác đơm bông bạc
Màn ráng xuê xoang phủ gấm điều
Ngả ngớn lưng trâu ngơ vọt mục
Bôn chôn lối thỏ nặng vai tiều
Xót người mệnh bạc trong chằm nhạn [7]
Ngó mống trông mây xiết bấy nhiêu! [8]
Đây một bài thơ cảnh của Phan Văn Trị: 
AN GIANG PHONG CẢNH
Linh đinh bèo nước biết là đâu
Đậu bến An Giang cảnh giục sầu
Bảy núi mây liền chim nhíp cánh [9]
Ba dòng nước chảy cá vênh râu [10]
Có rau nội quạnh dân xanh mặt
Không trái bần khô khỉ bạc đầu
Xem hết cảnh tình rồi nghĩ nghị
Thú vui chỉ có một thuyền câu.
Hai cụ Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Hữu Huân không biết có phải bạn thân của ba cụ Bùi, Huỳnh, Phan hay chăng. Nhưng chắc chắn là biết nhau và kính mến nhau vì đồng một chí hướng. Cụ Nguyễn Đình Chiểu nhỏ tuổi hơn cụ Bùi cụ Huỳnh, nhưng lớn tuổi hơn cụ Cử Trị và cụ Thủ khoa Huân.
Thơ Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Hữu Huân lời cũng cứng, tứ cũng khô như thơ cụ Bùi, cụ Huỳnh cụ Phan.
Đây thơ cụ Nguyễn Đình Chiểu:
VỊNH NGƯỜI LÀM RUỘNG
Trải qua nắng hạ trải mưa thu
Cày cấy ghe phen sức dãi dầu
Cúi ngửa chung tình mươi đám ruộng
Làm ăn giữ vốn mấy con trâu
Chuyên nghề Hậu Tắc nhà hằng đủ [11]
Giỏi việc Mân Phong nước chẳng sầu [12]
Chờ gặp mùa màng trời đất thuận
Cả trăm giống thóc một tay thâu. 
Đây thơ cụ Nguyễn Hữu Huân:
THA BANG CẢM TÁC
Có ai tri kỷ nhắn đôi lời
Biết thú chi vui rủ dạo chơi
Chốn cũ phong lưu quen những thuở
Cảnh này quyến thức nhắm không người
Ở ăn tuy phải nương cùng tục
Khó nhọc đà nên cực nỗi đời
Hương hỏa ba sinh dầu chẳng toại
Nỡ đem hình dịch để trêu ngươi.
Những bài thơ thượng dẫn, thẳng thắn mà nói, là những bài vận ngữ, là những áng văn trường ốc. Chúng còn được truyền tụng là nhờ uy danh của các tác giả. Những nhà khảo cổ thường đùng để điểm nhiễm cho thân thế cho tâm sự của các chí sĩ tiền bối hơn là để khai thác về mặt văn chương.
Nói một cách khác, thơ của các nhà chí sĩ tiền bối phần nhiều có giá trị lịch sử hơn giá trị văn chương.
Và những bài thơ chỉ có giá trị lịch sử, nghĩa là thiếu hoặc không đủ sức truyền cảm, nếu không phải tác phẩm của những người được nghìn thu tôn kính như quí cụ Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Hữu Huân…, mà là của những khách hàn mặc dung thường không có uy danh, thì một khi tác giả qua đời, chắc không còn nhiều người nhắc nhở. 
Ông Tôn Thọ Tường ra làm quan cùng thực dân Pháp, bị búa rìu thanh nghị không dung tha. Đồng thời cùng ông cũng có lắm người không khác chi ông. Thế mà ngày nay chúng ta không còn biết họ là ai là những ai. Họ sống và họ chết cũng in như cây tạp trong rừng sâu, cỏ hèn ngoài đồng rộng. Riêng ông Tôn Thọ Tường danh vẫn còn và mãi mãi còn trong sử sách, trên môi miệng kẻ yêu văn chương. Do đâu? Nếu không phải do những vần thơ kiệt tác.
Như thế văn chương làm cho người trở thành bất hủ. 
Còn trường hợp các cụ Bùi, Huỳnh, Nguyễn, Phan, Nguyễn… lại nhờ tâm chí nhờ khí tiết mà văn chương được lưu truyền nghìn muôn thu.
Như thế là người làm cho văn chương trở thành bất hủ.
Có đức thiếu tài là chất thắng văn.
Có tài thiếu đức là văn thắng chất.
Văn chất bân vân mới thật là hoàn hảo. 
Tài và đức đều do khí thiêng của non sông un đúc. Những người xem văn chương một cách sâu sắc một cách tinh vi, thường biết được nhân vật biết được phong thủy của nơi sản xuất ra những áng văn chương ấy.
Cho nên thời Tây Châu ở bên Trung Hoa, nhà vua bằng vào những câu phong dao của các nước chư hầu dâng lên mà xét về phong hóa về chánh trị để định mức thưởng phạt.
Và bằng vào những áng văn chương thời Pháp mới đặt nền đô hộ ở miền Nam, chúng ta nhận thấy sỹ khí ở miền Nam lúc bấy giờ thật cao mà cũng thật vững. Và xem tất cả những áng văn chương từ trước, chúng ta nhận thấy người miền Nam chuộng chất hơn văn. Đó là do tánh tình, do phong thủy.
Chú thích:
[1] Đã nói ở trước, bài số 25.
[2] Sẽ nói ở các bài sau.
[3] Văn chất bân bân: vẻ đẹp bên ngoài và thực chất bên trong cân xứng nhau.
[4] và 5 Trong Giai Thoại Làng Nho chép là “tối rầm”, “gắng gỏi”
[5] Trong Kiều có câu “Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu” mượn chữ và ý trong câu thơ Đường: Khả lân Vô Định hà biên cốt.
[6] Bùi Hữu Nghĩa  (1807-1872). - Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1883)
Phan Văn Trị (1830-1910). - Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)
Nguyễn Hữu Huân (1841-1875)
[7] Chằm nhạn: Nhạn trạch - Kinh Thi có câu: Hồng nhạn vu qui tập vu trung trạch. Nghĩa là chim nhạn chim hồng trở về, hợp nhau trong chằm - Nói về cảnh cư trú đông đúc của dân.
[8] Ngó mống trông mây: thoát ý câu “vọng chân quê” trong sách Mạnh Tử nói về vua Thang: Lòng dân trông ông Thang đến phạt tội điếu dân chẳng khác chi đại hạn trông mưa; thấy mây thì lòng mừng, nhưng lại sợ cứ ngó chừng xem có mống làm mất mưa đi chăng.
Câu kết tả tình cảnh của dân miền Nam khi mới thuộc quyền cai trị của Pháp.
Bài này trong Văn Đàn Bảo Giám chép có chỗ khác:
Trưa sớm đài doanh gió bụi nhiều
Vườn quê vui thú cảnh trời chiều
Cành chim rải rác đâm bông bạc
Màn chấu xuê xoa giải gấm điều
Ngả ngớn lưng trâu ngơ vọt mục
Loi thoi bóng ác khẳm thuyền tiều
Xót người mạng bạc trong trầm nhạn
Ngó mống trông mưa biết bấy nhiêu.
[9] Bảy núi là núi Thất Sơn ở Châu Đốc.
[10] Ba dòng là Tiền Giang, Hậu Giang và sông Vàm Nao.
[11] Hậu Tắc là một quan coi việc nông chính.
[12] Mân Phong: Ông thủy tổ nhà Châu là ông Khử làm quan Hậu Tắc đời vua Thuấn, được phong ở đất Thái sau cháu là Công Lưu dời sang đất Mân cũng giữ chức Hậu Tắc. Mân phong là đất Mân phong cho Công Lưu.

35. 
Ngoài những bậc có đại danh như Phan Thanh Giản, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Hữu Huân…, miền Nam còn những người có văn chương truyền thế. Như Đỗ Minh Tâm, Phan Tử Nhàn, v.v… 
ĐỖ MINH TÂM hiệu là Minh Giám, nguyên có chân nhiêu học tức là khóa sinh, nên thường gọi là Nhiêu Tâm. Học giỏi nhưng thi mãi không đỗ.
Thời bấy giờ, thực dân Pháp đã chiếm cứ Nam kỳ. Một người như ông tuy không đỗ đạt nhưng muốn xuất sĩ thật không chút khó khăn. Song ông nhất thiết không hợp tác cùng quân cướp nước. Ông ngấm ngầm rèn luyện tâm chí cho đàn hậu tiến để lo việc phục thù cho non sông. Hoài bão của ông hình hiện nơi bài: 
THUYỀN QUA SÔNG
Đoàn trước qua rồi đã mỏi tay
Đường xa riêng sợ lớp sau này
Trương buồm lướt sóng e chưa nổi
Thẳng mái ra khơi ngại chở đầy
Lo soát phải kèm tay lái bác
Biết khôn cố giữ sợi neo thầy
Chờ tan giông tố đường xưa lại
Kẻo trẻ bơ thờ khắp đó đây. 
Nhưng cơ trời không xoay lại nổi, ông đành lấy thi ca vui sống cùng tháng ngày.
Ông có tài xuất khẩu thành thơ, và thơ ông một đúc mà nên, nhưng lời văn già dặn, ít khi có câu non chữ ép. Ông sở trường về lối thơ phúng thứ.
Thơ ông sách báo xưa nay đã nói đến nhiều. Trước kia có Chương Dân Thi Thoại của Phan Khôi và hiện nay có Giai Thoại Làng Nho của Lãng Nhân là hai quyển sách viết công phu. Trong sách có nhiều thơ của Nhiêu Tâm, mỗi bài thơ đều được nói rõ về nguyên nhân sáng tác.
Để giúp bạn đọc nào chưa đọc hai quyển sách ấy, biết qua thi tài của ông Nhiêu Tâm, tôi xin lục ra đây một đôi bài làm đại biểu: 
GHẸO CÔ GÁI BÁN CAU
Hỏi cau ai bán tiếng ai rao
Tốt vóc mà trong biết thế nào
Dấu để trên buồng e đóng đục
Phành ra trước mặt thấy ngon dao
Giốc mua nên phải coi từ vú
Có bán thì cho thử chút mào
Chuốt ngót của mình ai dám chắc
Biết lòng biết mặt xỉa tiền trao. 
Bài đó chỉ làm để bông đùa mua vui, chớ không phải để châm biếm, nên không có ý đau độc. Chẳng khác nhát búa bủa vào đầu đương sự, bài VỊNH CỤC PHÂN sau đây:
Bao tử là cha, mẹ: ruột dồi
Sanh ra không chỗ để mày trôi
Chặt chân chẳng nỡ thương thằng quáng [1]
Bụm mũi mà qua gớm đứa bôi [2]
Thiếu chó bắt mèo trông ngứa mắt
Chỉ trê cùng chốt ngậm tràm môi
Lẫn thay ông lão ngồi cầu quẹt
Chấp chứa làm chi cái giống hôi. 
Nguyên một nhà giàu ở Vĩnh Long tên là bá hộ Nọn có nuôi một thầy đồ dạy con em trong nhà. Một hôm ông Nhiêu đến chơi. Thầy đồ tỏ vẻ kiêu ngạo. Nhân nghe chủ nhà giới thiệu ông Nhiêu là tay hay chữ giỏi Nôm, mới bảo ông làm thơ nghe thử. Ông khiêm tốn xin ra đề. Thầy đồ buột miệng thốt: “Cục cứt”. Ông Nhiêu ứng khẩu đọc ngay năm vần trên.
Trong Giai Thoại Làng Nho, Lãng Nhân chép có đôi chỗ khác: về đầu đề thì chép là “Vịnh cứt trôi sông”, về thân bài thì chép:
Bao tử là cha, mẹ: ruột dồi
Đặt không nên chỗ để mày trôi!
Trượt chân chẳng nỡ thây nhằm đạp
Bịt mũi mà qua đã gớm rồi 
Thiếu chó bắt mèo ngồi tạm nuốt
Có tong cùng chốt rước theo mồi
Lạ thay ông lão ngồi cầu quẹt
Chấp chứa làm chi những giống hôi. 
Chắc Lãng Nhân cũng như tôi, nghe truyền sao chép vậy, chớ không thấy bản thảo của ông Nhiêu để lại. Cho nên không dám quả quyết rằng mình chép y nguyên bản. Để mua vui, thử biện bạch thị phi: 
Về đầu đề: Nếu đầu đề là “Cứt trôi sông” thì bài thơ thiếu ý. Bởi trừ câu thừa và vế thứ hai câu luận ra, sáu câu kia đều thiếu ý trôi. Phép làm thơ hữu đề thì cả tám câu phải luôn luôn đi sát với đề, nhất là cặp trạng.
Trước khi hạ bút hành văn, người làm thơ phải xem kỹ coi cái thần của đề nằm ở chữ nào. Trong đề “Cứt trôi sông”, cái thần nằm ở chữ “trôi”. Bởi “Cứt trôi sông” khác với “Cứt nằm đất”. Thế là trong bài hầu hết các câu đều không ngậm ý “trôi”. Như thế là không sát đề. Đã biết rằng thơ làm chơi không cần phải câu nệ, miễn nói được những gì mình muốn nói thời thôi. Song phải nhớ rằng “không nên câu nệ” đâu phải “bất chấp quy củ”, các cụ ngày xưa đối với thơ đâu có chấp nhận việc “nai chạy đồng hoang”.
Theo chỗ tôi được nghe truyền thì câu “để mày trôi” ông Nhiêu ngụ ý nói mỉa ông Đồ: Ông đồ vốn là người ở xa, vì thất nghiệp phải rời quê hương vào Vĩnh Long dạy học.
Gạt bỏ hai chữ “trôi sông” ra khỏi đầu đề thì bài thơ không còn có chỗ chỉ trích, tức là hoàn hảo.
Ông Nhiêu Tâm ở miền Nam, cũng như ông Tú Xương ở miền Bắc, vì không thể đem tài năng mình ra giúp ích cho nước nhà và lại nhìn thấy trong xã hội có nhiều hạng người bất hảo nên sanh ra bất mãn, thường mượn văn chương để trút bớt nỗi khó chịu trong lòng. Do đó mà thường làm thơ châm biếm.
Bên cạnh thơ phúng thế ông Nhiêu cũng có nhiều thơ tình. Tôi được biết một bài: 
KHÓC VỢ
Cái chuỗi sầu riêng xỏ chửa đầy
Hay là bạn chết thế cho đây
Đống xương tiết liệt vun trời đất
Giọt máu cương thường thấm cỏ cây
Sông Hán một năm còn thấy quạ
Non Vu ngàn thuở khó trông mây
Suối vàng hồn mẹ may mà gặp
Xin ngỏ nhà ta nỗi nước này. 
Cặp trạng vừa nói về bà Nhiêu, vừa nói về nhiều người đàn bà đã bỏ mình trong thời kháng chiến chống Pháp, vừa nói về lòng đau đớn riêng của ông đối với bà, vừa nói đến nỗi thảm chung của nhân dân đối với đất nước.
Tình ý trong bài thâm hậu, nhưng văn chương cũng như bài Thuyền Qua Sông, không nhu nhuyễn lưu lợi bằng thơ phúng thứ là môn sở trường của ông Nhiêu.
PHAN TỬ NHÀN, húy là Tiên, người Gò Công.
Tôi chưa được rõ thân thế của ông như sao. Nhưng xem những bài thơ truyền tụng thì đoán là người có tâm huyết với non sông mà bước đường đời gặp nhiều gian nan lận đận:
TỰ THÁN
Mưa gió hôm mai khó liệu chừng
Đầy vơi còn nỗi bận cho thân
Vách thưa bóng ác không kiên mặt
Sâu rậm người quen nhác để chân
Mụ vợ than đau rơi nước mắt
Thằng con làm nũng quẩn bên lưng
Ngẩn ngơ cái phận làm nam tử
Trăm việc không qua một chữ bần.
BI THU
Rừng phong nay đã nhuộm màu thu
Hỏi lại hôm xuân đã biệt mù
Đống tuổi chập chồng năm Giáp Ất
Lằn thoi thấm thoát bóng tang du
Mãn lo tháng tới hơn người trí
Sực nhớ năm rồi sút kẻ ngu
Nam tử lỡ mang lời với thế
Gắng mà cho có chút công phu.
ĐÊM TRĂNG CẢM HOÀI
Một mình ngơ ngẩn giữa đêm trăng
Thầm nghĩ hai vai gánh nặng quằng
Gây nghiệp trẻ sau non mới đắp
Lấp ơn người trước biển chưa bằng
Ba mươi tuổi tác chau mày gấu
Nghìn dặm non sông chắt lưỡi lằn
Cái phận làm trai ngao ngán nỗi
Cao xanh kìa hỡi thấu cho chăng?
QUA CHỐN CŨ NHỚ NGƯỜI XƯA
Lối cũ Thiên Thai viếng Ngọc Chân
Cỏ hoa chào khách lạ trăm phần
Đàn xưa lóng điệu nghe hơi gió
Đá cũ quen chân lấp bợn trần
Khuyên rượu thương người trưa bóng ác
Giăng tay buồn lúc dạo vườn xuân
Tình riêng quyên giục càng ngơ ngẩn
Đứt nối lòng tơ biết mấy lần.
Văn chương tao nhã, không mang tánh chất khô khan của các nhà thơ tiền bối [3]. Chất thơ đượm đà, nhạc thơ êm ái. Đọc thơ xong còn hưởng được dư vị, dư âm.
Thơ Tử Nhàn chắc còn nhiều. Ước ao được có thêm chừng mươi bài nữa để thưởng thức cho được thỏa thuê.
Tôi còn được nghe truyền một bài thơ mà giá trị văn chương không nhượng thơ Tử Nhàn. Đó là bài CẢNH TIÊN CHÂU của Nguyễn Hữu Đức: 
Tiên Châu giăng trước Vĩnh Long thành
Đây rộn rực người đó vắng tanh
Khuất nửa cỏ cây nhà trắng trắng
Chia đôi trời nước liễu xanh xanh
Đồng quê ngày tháng ba thằng mục
Chùa Phật hôm mai một tiếng kình
Danh lợi ví như lòng chẳng tưởng
Năm hồ trăng gió có ai tranh. 
Nguyễn Hữu Đức là ai, tôi chưa được may mắn biết rõ. Nhưng cũng như Phan Tử Nhàn, cách điệu của thơ tình tứ trong thơ đã cho thấy rõ là một tâm hồn thơ phong phú. Nói về mặt kỹ thuật thì Nguyễn Hữu Đức còn lão luyện hơn Phan Tử Nhàn.
Thơ Nguyễn Hữu Đức cũng như thơ Phan Tử Nhàn là thơ tài tử, không còn chịu ảnh hưởng nặng nề của lối thơ cử nghiệp. 
Luật thơ Đường đã được điển chế nghiêm mật. Khi đem dùng vào việc khoa cử lại còn bị phiền phức hóa thêm bằng những chi tiết rắc rối để lung lạc đám sĩ tử, kiến người làm thơ mãi lo giữ gìn cho đúng qui luật mà lắm khi xao nhãng nội dung. Do đó thơ chỉ có xác.
Nhưng người học thơ Đường luật mà không biết rành qui tắc của trường thi cũng không được. Phải biết rõ những chỗ rắc rối, những chỗ khó khăn, để tránh né được dễ dàng khi gặp phải. Chẳng những phải biết mà còn phải tập luyện cho thuần thục, để có thể vứt bỏ khi cần vứt bỏ và áp dụng khi cần áp dụng, vứt bỏ và áp dụng một cách thích đáng khi thấy có lợi cho thơ. 
Trong thơ cũng như ngoài đời, không có gì tuyệt đối tốt, cũng không có gì tuyệt đối xấu. Xấu hay tốt tùy quan niệm tùy trường hợp, tức tùy người tùy lúc tùy nơi.
Và học thơ cũng như học Đạo, không nên chấp sắc cũng không nên chấp không. Nghĩa là không nên làm nô lệ cho thi pháp mà cũng không nên bỏ thi pháp. Phải thủ xả tùy nghi.
Phan Tử Nhàn và Nguyễn Hữu Đức nhờ biết tùy nghi nên đã sáng tác được những vần thơ hay, những vần thơ đọc đi đọc lại mãi không chán.
Chú thích:
[1] Tục ngữ “mỗi lần đạp cứt mỗi lần chặt chân”.
[2] Tục ngữ “lấy cứt bôi chân người” (vu cáo).
[3] và 2 Phan Tử Nhàn cũng như Nguyễn Hữu Đức là người gần đây.
26.

Tôn Thọ Tường vì ra phục vụ cho Chánh Phủ Pháp trong khi sỹ phu toàn quốc đứng lên chống thực dân xâm lăng, nên bị mang tội cùng danh giáo. Trong trăm năm đã bị búa rìu thanh nghị, ngoài trăm năm còn để lụy cho văn chương!

Những bài thơ họa vân thơ họ Tôn của các danh sĩ trong Nam, nhất là của Phan Văn Trị, là những bản án có hiệu lực nghìn thu. Và từ ngày chữ quốc ngữ thịnh hành, các nhà viết sách báo, hễ nói đến văn chương họ Tôn, thì hầu hết đều đem đời chánh trị của tác giả để mổ xẻ tác phẩm. Đến nhà thơ Đông Hồ, một nhà thơ hiền từ nhân hậu, cũng không tha thứ tội lỗi, mặc dù rất phục văn chương [1]. Bởi vì đối với người Á Đông, nhất là những người thấm nhuần đạo đức cổ truyền, những người ấp ủ tinh thần dân tộc, phẩm hạnh và văn chương thường không tách rời nhau.
Kể cũng tội nghiệp cho văn chương, vì mặt trống đã bị xuống tay thì lòng chuông tránh sao khỏi động. Mà văn chương nào có tội tình gì!
Cho nên ở đây chỉ nói đến những cái hay cái dở trong các thi phẩm của họ Tôn còn để, nghĩa là chỉ nói về mặt văn chương thuần túy mà thôi.
Thi phẩm của Tôn Thọ Tường mà tôi được đọc rải rác trong các sách, không quá hai mươi thiên. Tất cả đều theo thể thất ngôn luật:
- Thập thủ liên hoàn
- Từ Thứ qui Tào
- Tôn phu nhân qui Thục
- Bái công khóc đầu Hạng Võ
- Vịnh Kiều
- Đĩ già đi tu
- Chùa Cây Mai
- Gặp Huỳnh Mẫn Đạt
- Tây hành tức sự (họa bài Phan Lương Khê)
Hầu hết đều nhọc trí tinh công. Nhiều bài hấp thụ âm điệu thơ Lý Thương Ẩn.
Được các nhà phê bình, các nhà viết sách giáo khoa… đề cập nhiều nhất là bài TÔN PHU NHÂN QUY THỤC
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Nghìn thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô chạnh tưởng chòm mây bạc
Về Thục đành trao mảnh má hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mích lòng anh được bụng chồng. 
Thấy đôi quyển sách chép khác đôi chỗ nơi câu trạng:
- Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng. 
- Lìa Ngô luống chạnh vầng mây bạc
Về Hán đành trao phận má hồng.
Chữ “bịn rịn” hay. Nhưng chữ “trau tria” gợi ý điếm đàng không nhã.
Câu “… luống chạnh vầng mây bạc,… phận má hồng” trang trọng hơn câu “… chòm mây bạc… mảnh má hồng”. 
Không biết câu nào đúng với nguyên văn. Bài trên tôi theo nhà thơ Đông Hồ vì Đông Hồ là người Nam lại tánh rất thận trọng, đáng tin hơn hết.
Bài này sách vở bàn tán đã nhiều. Riêng nhận thấy bài của Đông Hồ trong Úc Viên Thi Thoại có nhiều ý kiến sâu sắc về văn cũng như về ý.
Giá trị văn chương của bài Tôn Phu Nhân rất cao. Đông Hồ khen là “tuyệt xảo”. Chỉ hơi tiếc là không toàn bích, vì nơi câu luận đã có “thà”, nơi câu kết còn “thà” nữa. Nhưng một vết ở dưới lớp lông, không thổi lông thì không ai thấy vết.
Bài thứ hai được chú ý là bài TỪ THỨ QUY TÀO: 
Thảo đâu dám sánh kẻ cày voi
Muối xát lòng ai nấy mặn mòi
Ở Hán hãy còn nhiều cột cả
Về Tào chi sá một cây còi
Bâng khuâng nhớ mẹ khôn nâng chén
Bịn rịn trông vua biếng giục roi
Chẳng đặng khôn Lưu đành dại Ngụy
Thân này xin gác ngoại vòng thoi. 
Vì được nhiều người chú ý, kẻ đọc qua người đọc lại, tam sao thất bổn, nên cũng như bài Tôn Phu Nhân, bài Từ Thứ qui Tào các sách chép có đôi chỗ khác với bài thượng dẫn: 
Ở Hán còn nhiều rường cột cứng
Về Tào chi sá cỏ cây còi
Bỗng nghe tin mẹ khôn nâng chén
Chạnh tưởng ơn vua biếng giục roi. 
Bài Từ Thứ văn chương không bằng bài Tôn Phu Nhân. Câu khởi có nhiều vị túc nho khen là kỳ tứ. Song tôi lại thấy có vẻ ba lơn. Còn chữ “mặn mòi” trong câu thừa lại không đắc nghĩa. Vì “mặn mòi” cũng như “mặn mà” ngậm ý ngon lành thích thú, mà “muối xát” thì rát thì xót, chớ sao lại thích lại ngon?! Đó là vì vần làm hại ý.
Còn sáu câu kia không có gì xuất sắc. 
Bài này được truyền xa rộng chỉ do năm vần “voi mòi còi roi thoi” rất kêu, rất giòn và rất khó gieo. Khách thơ Hàn luật thường dùng năm vần ấy để thách nhau xướng họa, và mệnh danh là “Từ Thứ vận”.
Ví dụ cụ cử Phan Văn Trị có bài thơ: 
VỊNH HÁT BỘI
Đứa lác đồng tiền đứa lác voi
Áo xiêm mấy lớp cũng trơ mòi
Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc
Đứa nịnh hàm râu mấy sợi còi
Trên trính có nhà còn lợp lọng
Dưới chân không ngựa cũng quơ roi
Hèn chi chúng bảo là bội bạc
Bôi mặt cùng nhau cú lại thoi.
Nói đến Tôn Thọ Tường, những người ưa thích thi xưa không ai không biết hai bài Từ Thứ quy Tào và Tôn Phu Nhân quy Thục. Riêng tôi, tôi thích nhất bài BÁI CÔNG KHÓC ĐẦU HẠNG VÕ: 
Trăm hai non nước một gươm thần
Hết giận thôi mà khóc cố nhân
Con mắt bốn ngươi nhìn với mặt [2]
Tấm thân tám thước thủi cùng thân
Bát canh Quảng Võ ơn còn nhớ [3]
Chén rượu Hồng Môn lệ khó ngăn [4]
Tấc dạ anh hùng không dễ thấu [5]
Mặc ai rằng giả mặc rằng chân. 
Bài này tương truyền ông Tôn làm lúc được tin ông Nguyễn Hữu Huân tuẫn quốc.
Ông Nguyễn Hữu Huân đồng thời cùng ông Tôn Thọ Tường, nhưng tuổi nhỏ hơn. Ông thi đậu thủ khoa lúc chưa đầy 20 tuổi. Vì đau buồn nỗi quốc gia ngộ biến, ông không xuất sỹ, ở nhà tổ chức nghĩa quân chống xâm lăng. Năm Ất Hợi (1875) bị Pháp bắt, dụ dỗ mấy cũng không chịu hàng, nên bị giết.
Ông Tôn Thọ Tường cùng ông Thủ Khoa vốn là chỗ quen biết cũ, nhưng vì chí hướng khác nhau nên trở thành đối lập.
Lời thơ bi thống, biểu lộ tấm chân tình đối với cố nhân. Văn chương đẹp và có sức truyền cảm mạnh hơn bài Tôn Phu Nhân qui Thục. Không phải tại vì bài này là văn ai, mà bài kia là văn xuân. Mà chính vì bài này giàu âm nhạc hơn bài kia, và giọng bài này lại trầm dễ đi sâu và nằm lâu nơi lòng người đọc hơn giọng bổng của bài kia. 
Tôi thích bài BÁI CÔNG KHÓC ĐẦU HẠNG VÕ chính là do cách điệu. Nhưng tôi mới nhận thức được “vị nội vị” tức cái hay của chữ của câu, của cách dàn ý cách dụng điển, chớ chưa thưởng thức được “vị ngoại vị” tức là chỗ dụng tâm của tác giả, chỗ tác giả muốn nói mà không nói, không nói nhưng đã nói.
Tôn Thọ Tường vịnh sử không phải vì cổ nhân, mà chính vì mình. Cho nên chỉ lựa những chi tiết thích hợp với hoàn cảnh mình, tâm sự mình, chớ không phải nhắm những sự kiện quan trọng, những sự kiện chính yếu trong lịch sử. Tôi không được biết những gì đã xảy ra giữa ông Thủ Khoa và ông Tôn khiến ông Tôn dùng câu chuyện nơi Quảng Võ nơi Hồng Môn để gởi gắm tâm sự. [6]
Do đó mà chưa nhận thức được ý ngoài lời nói của bài thơ.
Có lẽ vì chỗ bí ẩn trong thơ chưa phát kiến, nên bài thơ ĐẦU HẠNG VÕ xưa nay các nhà phê bình ít lưu tâm.
Sau bài Khóc Đầu Hạng Võ tôi còn thích hai bài nữa là VỊNH KIỀUĐĨ GIÀ ĐI TU.
Bài Đĩ Già Đi Tu cũng là bài thơ ký thác:
Chày kình gióng tỉnh giấc vu san
Mái tóc kim sinh nửa trắng vàng
Đài kính biếng soi màu phấn nhạt
Cửa không đành gởi cánh xuân tàn [7]
Khuây niềm hoa liễu vài câu kệ [8]
An cảnh tang du một chữ nhàn
Ngoảnh lại lầu xanh thương những trẻ
Trầm luân chưa khỏi kiếp hồng nhan.
Tình cảnh thật đáng thương! Nỗi buồn thấm thía! Ai đã từng mang lòng buồn thương vào nơi tịch mịch thì mới cảm thấy vị chua lạnh ngấm ngầm trong từng chữ từng câu.
Tâm sự ấy, nỗi niềm ấy còn bộc lộ nơi bài Vịnh Kiều:
Mười mấy năm trời nhục rửa xong
Sông Tiền Đường đục hóa ra trong
Mảnh duyên bình lãng còn nong nả
Chút phận tang thương lắm ngại ngùng
Chữ hiếu ít nhiều trời đất biết
Gánh tình nặng nhẹ chị em chung
Soi gương thiên cổ thương mà trách
Chẳng trách chi Kiều trách hóa công.
Không lẽ cứ ôm mãi mối đau thương trong lòng? Để nhẹ bớt phần nào, đổ thừa phứt cho Trời cao thẳm! Đó là thái độ là hành vi của con người đau khổ không còn có ngõ thoát. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay…
Nhưng cũng nhờ có nỗi đoạn trường mới có những vần thơ tinh diệu. Thì những bạn yêu thơ Tôn Thọ Tường tưởng cũng nên cảm ơn nỗi đoạn trường đã làm khổ họ Tôn, và hoàn cảnh đã gây nên nỗi đoạn trường ấy.
Trong mục Văn Đàn Giảng Luận của An Nam Tạp Chí thời Tiền Chiến, Tản Đà tiên sinh đã khen:
- Thơ hay có nhiều cách… Thơ vịnh sử Tôn Thọ Tường hay.
Thật vậy. Những thơ Tôn Thọ Tường còn để lại, thơ tình, thơ cảnh, thơ vịnh sử, bài nào cũng gồm đủ thanh sắc vị, ba yếu tố cần thiết của thơ. Nhưng thơ vịnh sử xuất sắc hơn cả. Bài nào cũng phiên trần xuất tân, bài nào cũng là thốn tâm thiên cổ. Ấy cũng bởi công việc là công việc của người xưa mà tâm sự là tâm sự của riêng ông, tâm sự riêng bao trùm cả công việc xưa khiến những lớp bụi thời gian không còn ngõ chen lấn vào ngòi bút. Nhờ thế mà thơ có nhiều vị tuấn vĩnh, trong làng thơ cổ điển Việt Nam, về môn vịnh sử, chưa có nhà thơ nào sánh vai.
Chú thích: 
[1] Xem Úc Viên Thi Thoại.
[2] Hạng Võ hai con mắt mỗi con đến hai con ngươi, và thân cao tám thước.
[3] Hạng Võ bắt được cha Bái Công, bảo Bái Công nếu không đầu hàng thì làm thịt nấu canh. Bái Công đáp: Cha tao cũng như cha mày, nếu mày có nấu canh thì chia cho tao một bát. Hạng Võ cảm động liền tha. Việc xảy ra tại đất Quảng Võ.
[4] Phạm Tăng bày mưu cùng Hạng Võ thết tiệc tại Hồng Môn mời Bái Công đến để giết. Nhưng thấy Bái Công đối xử theo lễ kẻ dưới, Hạng Võ không nỡ giết.
[5] Có chỗ chép là “Giọt lệ anh hùng lau chẳng ráo”. Dám quả quyết là sai vì câu trên vừa nói “lệ khó ngăn” lẽ đâu lại nói tiếp “lệ khó ráo” nữa. Huống chi “giọt lệ anh hùng lau chẳng ráo” không gói gọn được ý nghĩa của 6 câu trên.
[6] Trong Giai Thoại Làng Nho của Lãng Nhân có nói rõ về thân thế của ông Thủ Khoa, nhưng mối liên lạc giữa ông Thủ Khoa và ông Tôn Thọ Tường không thấy nói.
[7] Có chỗ chép là “cái xuân tàn”. Tôi nghĩ “cái xuân” cũng như “cái hồng nhan là của riêng bà Hồ Xuân Hương, chớ ông Tôn Thọ Tường dù đội lốt đĩ già cũng không thể để lẫn trong văn chương tao nhã của ông. Tôi nghe các cụ miền Trung đọc là “cánh xuân tàn” thì thật hợp cảnh hợp người. Cũng có người đọc là “vóc xuân tàn” song cầu kỳ không hay.
[8] Có chỗ chép là “Chạnh niềm hoa liễu…”, chỗ lại chép là “Hú hồn hoa liễu”.
27.

Người xưa luận thi thường lấy thanh đạm tự nhiên làm quí. Người sau bắt chước. Nhưng không nhớ lời dặn của người xưa: “muốn thanh đạm trước phải nùng diệm, muốn tự nhiên trước phải trác luyện công phu”. Lại lầm giản lậu là tự nhiên, khô sấu là thanh đạm. Do đó đua nhau ca tụng những câu như:

Tớ đẻ tháng mười năm Bính Tý
Năm nay Bính Tý sáu mươi năm
Kể vòng hoa giáp quanh đà khắp
Còn nợ non sông chết chửa cam… [1]
Cho là văn chương của bậc đại gia, hay một cách tự nhiên khó mà bắt chước nổi.
Thơ như thế tự nhiên thì tự nhiên thật, song quá khô khan lợt lạt như cơm lứt thiếu muối mè. Tuy thế lời văn già dặn chớ không quê như những câu:
Đủ ý đủ câu là có cách
Trơn vần trơn chữ nói ra bề
Tả cho thực cảnh y như thấy
Nói hết chân tình hẳn dễ nghe… [2]
Thật thà như lời bà lão dạy con. Nhiều người ưng thơ được giản dị dễ hiểu, đã dùng những câu ấy để làm mẫu trong khi nói về thơ.
Những câu thượng dẫn thuộc về loại vận ngữ chớ không phải thơ.
Đại biểu cho thơ tự nhiên và thanh đạm là những bài Thu của Tam Nguyên Yên Đỗ:
THU HỨNG
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
Cần trúc lơ thơ gió hắt hiu
Nước biếc trông như làn khói phủ
Song thưa để mặc bóng trăng vào
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái
Một tiếng trên không ngỗng nước nào
Nhân hứng đã vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào. [3]
THU ĐIẾU
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơn gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lững trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng đặng
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
THU ẨM
Ba gian nhà cỏ thấp le te
Ngõ vắng đêm khuya đóm lập lòe
Lưng dậu phất phơ màu khói nhạt
Làm ao lóng lánh bóng trăng loe
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
Mắt lão không viền cũng đỏ hoe
Rượu tiếng rằng hay hay chẳng mấy
Độ năm ba chén đã say nhè.
Thật là tự nhiên mà cũng thật là thanh đạm.
Những vần thơ trên kia là những con mương đào dẫn nước vào ruộng.
Ba bài thơ thu là những dòng suối trong chảy quanh co róc rách dưới chân núi.
Thanh tuyền tế ẩm tri chân vị. [4]
Nước suối trên non, muốn biết chân vị phải tế ẩm [5]. Muốn thưởng thức chân thú của ba bài thơ thu Yên Đỗ cũng phải “tế ẩm”, nghĩa là đọc kỹ càng, đọc với đôi mắt tế nhị tinh vi, với tấm lòng an nhàn thanh tịnh. Bởi đó không phải là những bức tranh lời vẽ cảnh, mà là những khung cảnh lồng tranh lòng, lòng của một thi nhân đã lắng trần cấu để hòa đồng cùng với thiên nhiên. Mà lòng tác giả đã hòa đồng cùng thiên nhiên để tạo nên những vần thơ thú vị, thì lòng độc giả cũng phải hòa đồng cùng lòng tác giả mới hưởng trọn thú vị trong thơ. Bằng không thì nước suối trên non cũng như nước mương ngoài ruộng.
Ba bài thu của Yên Đỗ do bộng trời mà ra. [6]
Riêng tiếc bài nào câu kết cũng không được thanh thoát như sáu câu trên. Đối với những câu trên, câu kết là con người trần tục nhảy vào dòng suối đương trong đương lặng, khiến bầu không khí thanh thịnh bị vương một ngấn bụi, bị vẩn một tiếng ồn.
Xem đó đủ biết làm được bài thơ xuất sắc có nhiều người làm được, làm được bài thơ toàn bích xưa nay thật ít ai. Bởi nhân vô thập toàn thì thi cũng vô thập toàn vậy.
Trở lại cùng Yên Đỗ:
Yên Đỗ thi tài cao, thi học rộng, lại là người có uy danh trong xã hội, ai ai cũng trọng vọng cũng coi như Bắc đẩu Thái Sơn. Thơ cụ đưa ra, thơ Nôm cũng như thơ chữ, ít ai dám bắt bẻ. Do đó lắm lúc cụ không thận trọng ngòi bút, viết ra những câu vô vị, như:
NHẤT VỢ NHÌ TRỜI
Nghĩ chuyện trần gian cũng nực cười
Trời khôn hơn vợ? - Vợ hơn trời?
Khôn đến mẹ mày là có một
Khéo như con tạo cũng là hai
Trời dẫu yêu vì nhưng có phận
Vợ mà vụng dại đếch ăn ai
Cớ sao vợ lại hơn trời nhỉ?
Vợ chỉ hơn trời một cái trai. [7]
Chẳng những vô vị mà còn nhảm nhí nữa là khác! Còn được lưu truyền chỉ vì cái danh của tác giả chớ không phải vì thơ. Những văn thơ như thế, trong số thi phẩm của Yên Đỗ có trên một bài.
Thi nhân có đại gia và danh gia.
Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ thuộc hàng đại gia. (Grand)
Bà huyện Thanh Quan thuộc vào hàng danh gia. (Pur)
Trong Tùy Viên Thi Thoại có nói rõ về điểm này:
“Có người bảo: “Tài đại gia như nước sông Hoàng Hà muôn dặm, cùng bùn cát chảy xuống”. Ta cho đó là thô tài chớ không phải đại tài. Đại tài như nước biển tiếp chân trời, sóng tắm mặt nhật. Trông thấy toàn vàng bạc lâu đài, hoa kỳ cỏ lạ, chớ đâu lại có cát bùn làm nhơ mắt người. Lại bảo: “Đại gia không ham điều tạp nhạp, danh gia tất phải chọn chữ chuốt câu”. Ta nói: kẻ làm thơ phải tự mạn cho mình làm danh gia, để người đời sau đưa mình vào hàng đại gia, chớ nên tự mạn mình là đại gia khiến người đời sau đuổi mình ra khỏi hàng đại gia”.
Đó là lời nói đáng ghi lòng.
Nhưng dù đại gia, dù danh gia, từ xưa đến nay từ đông lên tây không một ai thập toàn. Huống nữa vào trong một vườn hoa, nhất là vườn rộng rãi, thì làm sao tránh khỏi rác rến, tránh khỏi lá úa nhánh khô. Để khỏi uổng công vào vườn, khách tìm hoa tưởng nên bỏ qua những cảnh không đẹp mắt thích lòng để rảnh rang mà thưởng thức những hương thơm sắc đẹp.
Trong vườn hoa thơ của Yên Đỗ những bài thu kia là những đóa cúc nở sương, những đóa bạch ngọc cúc, cánh thanh hương dịu. Còn nhiều giống cúc khác: 
VỊNH THÚY KIỀU
Kiều nhi giấc mộng bật như cười
Tỉnh dậy xuân xanh quá nửa rồi
Số kiếp bởi đâu mà lận đận
Sắc tài cho lắm cũng lôi thôi
Cành hoa vườn Thúy duyên còn bén
Ngọn nước sông Tiền nợ chửa xuôi
Không trách chàng Kim đeo đẳng mãi
Khăng khăng vớt lấy một phân đuôi.
KIỀU VIẾNG MẢ ĐẠM TIÊN GẶP KIM TRỌNG
Ví chẳng đua chơi hội Đạp Thanh
Làm chi mang lấy nợ ba sanh
Kẻ còn người khuất hai hàng lệ
Trước lạ sau quen một chữ tình
Nghĩ đến suối vàng thương phận bạc
Nỡ đem lá thắm phụ xuân xanh
Trong khuôn tài sắc trời hay ghét
Trăng gió xưa nay chẳng một mình.
Thơ Vịnh Kiều của Yên Đỗ tôi được đọc trên năm bài. Không biết những bài đó có phải do cuộc thi Kiều của Lê Hoan mà ra chăng? [8]. Hai bài thượng dẫn là những đóa kim cúc, sắc đẹp những không lõa, hương thắm nhưng không nồng. Sau đây là những đóa dã cúc:
Bóng thuyền thấp thoáng dờn trên vách,
Tiếng sóng long bong lượn trước nhà.
(Vịnh lụt)
Trâu già núp bụi phì hơi nắng
Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người.
(Cảnh trưa mùa hạ)
Bạn già lớp trước nay còn mấy
Chuyện cũ mười phần chín chẳng như.
(Cảm hứng)    
Khi buồn chén rượu say không biết
Ngửa mặt lờ mờ ngọn núi xa.
(Cáo quan về nhà)                                                      
vân vân…
đều là những vần thơ hay. Nhưng không thanh thoát cao nhã bằng ba bài thơ thu.
Cho nên hễ nói đến Tam Nguyên Yên Đỗ thì phải nói đến ba bài thu trước nhất, và nói đến thơ thanh đạm tự nhiên cũng phải đưa ba bài thơ thu ra làm tiêu biểu trước nhất.
Chú thích:

[1] Thơ của cụ Huỳnh Thúc Kháng - Thơ 8 câu, đăng ở Tiếng Dân, được các nhà cựu học tán thưởng.
[2] Thơ cụ Nguyễn Hữu Bài trong tập Thơ Nôm Phước Môn xuất bản năm 1959.
[3] Đào Tiềm đời Tấn, bỏ quan về nhà ở ẩn. Bài này cụ làm lúc còn làm quan, nên mới thẹn với ông Đào.
[4] Câu chuyển bài LINH PHONG TỰ của Đào Tấn, ý nói nước thanh tuyền uống một cách chậm rãi kỹ càng thì biết được chân vị. (Quanh chùa Linh Phong có suối trong mát).
[5] Tế ẩm là uống một cách thong thả, vừa uống vừa lắng lòng cho thanh tịnh, uống với vị giác tinh tế, vừa uống vừa quán tưởng.
[6] Bộng Trời là Thiên lại - Đã nói ở các bài trước rồi.
[7] Cái trai tức con trai ở biển, hình hơi giống con ngao nhưng dẹp chớ không tròn.
[8] Xem bài số 22 ở trước.

14/4/1971
Quách Tấn
Theo http://dinhquat.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...