Sự tiếp nối làm thay đổi căn bản
hệ thống văn chương truyền
thống nước ta
Văn học Việt Nam trước thế kỷ XX nằm trong quỹ đạo văn học Trung đại phương Đông thuộc hệ hình tiền hiện đại. Khi tiếp xúc với phương Tây, qua trường hợp nước Pháp làm điển hình, văn học Việt Nam bắt đầu quá trình hiện đại hóa theo quy luật phát triển của văn học thế giới lấy mẫu hình châu Âu. Từ đây, văn học Việt Nam bắt đầu chuyển đổi sang hệ hình hiện đại với quan niệm mới về văn học, về nhà văn, về công chúng, với sự ra đời những thể loại mới trong thơ, tiểu thuyết, kịch nói. Đây là nhận định của giáo sư Trần Ngọc Vương tại hội thảo ở Hà Nội về “Ảnh hưởng của văn học Pháp đối với việc hình thành nền văn học mới của Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20”.
Ba mươi năm đầu thế kỷ XX được xem là "giai đoạn giao thời",
mở màn cho một nền văn học Việt Nam hiện đại thông qua sự tiếp biến với văn học
Pháp. Quá trình hiện đại hóa đó cũng là quá trình dân tộc hóa của nền văn học
Việt Nam. Giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Vương - chuyên gia đầu ngành về văn học Việt
Nam cổ cận đại và Lịch sử tư tưởng văn hóa Việt Nam cho rằng chính sự tiếp biến
và dung nạp ấy đã tạo nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng và phong phú như ngày
nay: "Văn học Việt Nam trong truyền thống là nền văn học khu vực, nằm
trong quỹ đạo của các nước Đông Nam Á, lấy văn học Trung Quốc là trung tâm. Cuối
thế kỷ 19, đầu 20 thì Văn học Việt Nam có sự chuyển dịch quỹ đạo sang văn học
thế giới, lấy văn học châu Âu và văn học Pháp là trung tâm và mô hình định hướng.
Khi du nhập vào Việt Nam thì nó đã làm thay đổi toàn bộ hệ thống văn học truyền
thống. Trước đây văn học VN thuần túy là văn dĩ tải đạo, thi sĩ ngôn chí… thì
nay văn chương được xem là một loại hình nghệ thuật của ngôn từ, có vai trò
quan trọng trong việc truyền đạt cảm xúc, thẩm mỹ và tìm sự cộng hưởng giữa người
đọc với người đọc, giữa người viết với người đọc…
Hệ thống chủ đề và đề tài cũng được thay đổi rất nhiều. Nếu
như trong quá khứ tác phẩm văn chương chỉ quanh quẩn với tiêu chí “tâm, chí, đạo”
“văn học chức năng”… Thì khi có sự giao lưu văn học Pháp chủ đề được mở rộng và
phong phú hơn rất nhiều. Nhiều tác phẩm văn học đã tiếp cận với thế giới bên
ngoài và hướng nhiều tới đời sống hiện thực. Hình tượng nghệ thuật và thể loại
cũng được thay đổi căn bản, tiến một bước dài trong lịch sử văn chương nước
nhà: "Hình tượng văn học đã thay đổi. Nếu như trước đây hình mẫu đều phải
là tài tử giai nhân, vua sáng tôi hiền, mẫu người có tính chất đại diện của mô
hình đạo đức phong kiến. Thì đến thời kỳ cận đại, hình tượng văn học đã có sự
chuyển dịch, mẫu người đời thường hơn, các nhân vật đa dạng phức tạp, nhiều tầng
bậc khác nhau. Chủ đề riêng tư vốn là điều cấm kỵ, được cho là nhạy cảm thì nay
cũng được tiểu thuyết và kịch phản ánh.
Thay đổi tiếp theo là về thể loại. Trước đây chúng ta chỉ có
“văn thơ phú lục” “văn trường ốc” “văn chương khoa cử”… Thì khi văn học Pháp du
nhập vào đã được chia làm 3 bộ phận: Tiểu thuyết - tức tự sự); Thơ - tức
trữ tình và Kịch - đối thoại phản ánh xung đột, mâu thuẫn trong đời sống xã hội
đương thời…
Những tác phẩm qua nguyên thế kỷ, được tái bản vẫn còn sức thu hút với bạn đọc bởi những giá trị kinh điển của nó.Buổi hội thảo “Ảnh hưởng của văn học Pháp đối với việc hình
thành nền văn học mới của Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20” đã thu hút không chỉ các
học giả nghiên cứu văn học thời cổ đại, trung đại, mà còn nhận được sự hưởng ứng
của đông đảo các bạn trẻ quan tâm tới mảng đề tài này. Là một sinh viên Khoa
Kinh tế - Trường Đại học Hà Nội, bạn Bùi Quang Việt biết tới buổi hội thảo thông
qua mạng xã hội facebook. Vì vậy bạn đã tới hội thảo từ khá sớm để tìm cho mình
một chỗ ngồi lý tưởng. Kiến thức bạn lĩnh hội được qua cuộc trò chuyện của giáo
sư, tiến sĩ Trần Ngọc Vương đã giúp bạn hiểu hơn về văn học truyền thống có sự
khác biệt nào so với văn học hiện đại hôm nay: "Tham gia buổi hội thảo vì
em thích văn học phương Tây và văn học Việt Nam thế kỷ trước. Buổi hội thảo đã
bổ xung cho em kiến thức về văn học Việt Nam, về lịch sử hình thành, và lý do tại
sao văn học nước ta lại có bước phát triển rực rỡ như hiện nay. Văn học Pháp là
cầu nối giúp văn học nước ta kết nối với nền văn học thế giới, đồng thời xây dựng
được đội ngũ trí thức, nhà văn mà thời kỳ phong kiến rất hạn chế. Ngoài ra kiến
thức về ngành nghệ thuật của nước Pháp khi du nhập vào Việt Nam đã giúp các
ngành nghệ thuật của Việt Nam thêm phần phong phú đa dạng, tư duy được nhiều
khía cạnh khác nhau về đời sống…
Không có nhiều các công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của văn
học nghệ thuật Pháp đối với việc hình thành nền văn học nghệ thuật mới của Việt
Nam đầu thế kỷ 20. Thơ mới, Tiểu thuyết, Kịch nói, Tân nhạc, Hội họa mới ra đời,
định hình phát triển và trở thành nền móng cho nền văn học nghệ thuật hiện đại
của nước ta. Để bước tiếp trên con đường hội nhập với văn học nghệ thuật toàn cầu,
thì những ảnh hưởng như thế này sẽ góp phần làm phong phú hơn văn học bản địa,
giúp độc giả có cái nhìn khách quan nhiều chiều về sự phát triển nền văn học
nghệ thuật của nước ta. Và những buổi hội thảo như thế này sẽ còn lan tỏa và được
đông đảo các bạn trẻ đón nhận.
1/8/2019Dương Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét