Đôi nét về đời làm báo của Phan Khôi
Các bản tiểu sử Phan Khôi (1887-1959) do thân nhân hoặc nhà
nghiên cứu soạn thảo thường nêu một vài sự việc như Phan Khôi đi theo Phan Châu
Trinh ra Hà Nội từ 1907 để tham gia công việc của Đông Kinh nghĩa thục và Đăng
cổ tùng báo. Tuy vậy, trên thực tế, phải sau đó mười năm, Phan Khôi mới bước
vào nghề báo.
Năm 1918, Phan Khôi bắt đầu viết cho tạp chí Nam phong với
bút danh Chương Dân. Ở đây, ngòi bút Chương Dân bộc lộ tiềm năng của một
cây bút viết cả chữ Hán lẫn chữ Việt, cả nghị luận, khảo luận lẫn sáng tác văn
chương, tuy vậy, ngoài mục Nam âm thi thoại, tác giả chưa tỏ rõ được gì
nhiều ở các bài mục khác.
Chỉ hơn một năm sau, Phan Khôi rời Hà Nội vào Sài Gòn, viết
cho tờ Lục tỉnh tân văn. Ban đầu đăng sáng tác: hai bài ca Đưa chồng và Nhớ
chồng, thác lời người vợ có chồng là lính tòng chinh sang Pháp tham gia thế chiến
thứ nhất, đều là bản dịch hai bài thơ chữ Hán đã đăng Nam phong. Nhưng
những loạt bài đăng nhiều kỳ lại là thường thức xã hội hoặc khảo cứu ngôn ngữ.
Đó là mục Làm dân phải biết (với những nội dung bài cho từng kỳ báo lần
lượt là: - Nước mẹ đẻ; - Địa dư nước An Nam; - Chính
trị nước An Nam; - Phong tục nước An Nam; - Dân phải nộp
thuế;...) và mục Ghi chép tiếng An Nam.
Thời gian Phan Khôi cộng tác với tờ Lục tỉnh tân văn rất
ngắn. Sau vài tháng, ông lại trở ra Hà Nội, cộng tác dịch Kinh Thánh Ki-tô
giáo cho hội thánh Tin Lành, đồng thời cộng tác với các tờ Thực nghiệp dân
báo và tạp chí Hữu thanh, - việc viết báo này rất ít hiệu
quả.
Vài năm sau, Phan Khôi lại vào Nam, 1926-1927 ở Sài Gòn,
không biết có viết cho tờ báo nào hay không; theo chính Phan Khôi, trong lời dẫn
khi cho đăng bài thơ Chơi thuyền trên sông Tân Bình trên tuần
báo Phụ nữ thời đàm số 3 (1.10.1933) thì, vào năm 1927, có thể là để
tránh sự truy nã, Phan Khôi phải chạy xuống Cà Mau ẩn náu nơi nhà một người bạn
là chủ đồn điền, dành thời gian tự học thêm tiếng Pháp qua thư từ với Djean de
la Bâtie, một nhà báo tự do người Pháp ở Sài Gòn.
Thời kỳ thứ hai Phan Khôi góp mặt với báo chương Sài Gòn có
thể tính từ đầu năm 1928. Thời kỳ này kéo dài đến năm 1933, gắn với các tờ Đông
Pháp thời báo, Thần chung, Phụ nữ tân văn, Trung lập tiếng Việt, cũng ít
nhiều gắn với các tờ Quần báo hoặc Hoa kiều nhật báo chữ
Hán ở Chợ Lớn. Thời kỳ này đánh dấu sự chuyển biến về chất của ngòi bút Phan
Khôi, như chính lời ông được nữ ký giả Phan Thị Nga ghi lại: "Ông bắt
đầu viết được lối văn sát sóng như lối văn ông hiện giờ, từ hồi ông làm
cho Đông Pháp thời báo ở Nam" (1).
Những công trình biên khảo hồi 1954-75 ở Sài Gòn (của Thanh
Lãng, Phạm Thế Ngũ) không nêu cụ thể bài vở Phan Khôi đăng Đông Pháp thời
báo, có lẽ chỉ đơn giản do cách xuất hiện khá kín đáo của chính Phan Khôi: tất
cả các bài đăng báo này, từ những bài tranh luận với Trần Huy Liệu
và Huỳnh Thúc Kháng về một đoạn sử quan hệ Pháp-Việt thế kỷ XVII -XVIII, cả mục Nam
âm thi thoại mà những bài đầu tiên từng xuất hiện trên Nam phong những
năm 1918-19, cả bài thơ Dân quạ đình công, v.v…, - tất cả, Phan Khôi đều
ký tắt, có khi bằng K. hoặc Kh., nhưng thường khi bằng hai chữ C.D. - hai chữ
cái đầu tên hiệu Chương Dân mà ông đã dùng trên Nam phong. Việc ký tắt kín
đáo này hẳn có liên quan đến chính cái lý do đã khiến ông phải tạm lánh ít lâu
xuống Cà Mau kể trên.
Trong số những bài Phan Khôi đưa đăng trên Đông Pháp thời
báo, chỉ có ít bài bình luận thời sự chính trị (ví dụ Cái tình thế chánh
trị xứ Trung kỳ và Nhân dân đại biểu viện xứ ấy; Ít lời lạm bàn về chánh
sách của ông Pasquier, quan Toàn quyền mới Đông Pháp), nhưng có khá nhiều
bài thiên về khảo chứng hoặc bình luận sử học. Nổi bật là chùm bài tranh luận
phản bác điều mà ông gọi là "cái thuyết nước Pháp giúp nước Nam về hồi
cuối thế kỷ XVIII"; cạnh đó là những bài cũng phản bác "cái thuyết
châu Âu sắp tan nát" của học giả Cô Hồng Minh (1856-1928), nhận diện tình
hình học thuật tư tưởng ở Trung Hoa đương đại, so sánh đặc điểm tư tưởng phương
Đông và phương Tây, khẳng định việc lớn trước mắt ở phương Đông, ở châu Á là phải "Âu
hóa", phải học văn minh phương Tây để đưa xã hội mình lên trình độ của thế
giới hiện đại (Học thuyết cũ với vận mạng mới nước Tàu; Mấy lời kết luận về
Cô Hồng Minh và cái thuyết Âu châu sắp tan nát; Tư tưởng của Tây
phương và Đông phương; Bác cái thuyết tân cựu điều hòa).
Phần văn học Phan Khôi góp với Đông Pháp thời báo khá
đa dạng: sáng tác thơ (Dân quạ đình công; Cái chết của con nhà nghèo),
bình luận văn học (Cấm sách, sách cấm; Thi văn với thời đại; Văn
chương và văn chương của nhà báo); khảo chứng (Cái dốt của triều Huế; Một
bài vận văn rất có giá trị về lịch sử: "Hà Nội chánh khí ca");
giới thiệu văn sĩ và văn chương nước ngoài (Cái thế lực của nhà văn hào [nói
về L. Tolstoy]; Hồ Thích với Quốc dân đảng; Ông Eroshenko, thi
nhân mù nước Nga); dịch thuật văn chương (dịch bài Quan về vườn, của
nhà thơ Pháp H. de Racan [1589-1670]; dịch một số tác phẩm của Eroshenko (qua bản
dịch chữ Hán của Lỗ Tấn); dịch phần đầu tiểu thuyết Bá tước Monté Cristo của
A. Dumas-père (cũng qua một bản dịch chữ Hán) và cho đăng đều kỳ như một cuốn "tiểu
thuyết chính trị").
Chính trên tờ Đông Pháp thời báo Phan Khôi đã bắt đầu
thử nghiệm một thể tài văn chương gắn liền với báo chí là thể tài hài đàm. Dưới
bút danh Tân Việt trong mục Câu chuyện hằng ngày do chủ báo Diệp Văn
Kỳ đặt ra, Phan Khôi trở thành tay bút chính tìm tòi thể nghiệm dạng sáng tác mới
mẻ này, và nhân đây xây dựng một "mặt nạ tác giả"(2) hay là
một kiểu tác giả đặc thù mà sự tồn tại "ảo" của nó là hệ quả kiểu
giao tiếp gián cách giữa tác giả với độc giả thông qua kênh truyền thông báo
chí. Vai trò Tân Việt trong Câu chuyện hằng ngày sẽ được Phan Khôi tiếp
tục trên tờ Thần chung (1920-30).
Trong số bài vở Phan Khôi góp cho mặt báo Thần chung, dễ
thấy nhất là việc duy trì mục "Câu chuyện hằng ngày" dưới
bút danh Tân Việt (tôi đếm được 337 kỳ báo có bài của mục này trên tổng số 346
kỳ báo). Trên Thần chung Phan Khôi xuất hiện với họ tên thật của mình
chỉ từ 3.10.1929 trong loạt 21 kỳ của tiểu luận Cái ảnh hưởng của Khổng
giáo ở nước ta, và sau đó trong những bài thảo luận về dịch sách Phật học với
nhà sư Thiện Chiếu. Ông cũng vẫn ký Chương Dân hoặc ký tắt C.D. trong những bài
về ngôn ngữ, về thi văn. Một bút danh khác ông dùng ở một vài bài đăng Thần
chung là Khải Minh Tử, đây là bút danh ông đã dùng cho một số bài báo chữ
Hán ông viết cho tờ Quần báo của Hoa kiều ở Chợ Lớn. Ngoài những
bài ký tên hoặc bút danh rõ rệt, có lẽ Phan Khôi còn có nhiều bài ký tên tòa soạn
(Thần Chung, T.C.) hoặc không ký tên, ví dụ nói về bút chiến, về tiềm năng
"giàu hơn Nam Kỳ" của vùng Tây Kỳ (Tây Nguyên ngày nay), về luận lý học,
về thời sự trong nước, thời cuộc Trung Hoa, v.v… Ta cũng có thể dự đoán rằng
trong những loại công việc mà báo Thần chung tổ chức như cuộc thi quốc
sử, chắc hẳn có vai trò đáng kể của Phan Khôi (3).
Giữa năm 1929, Phan Khôi tham gia từ đầu vào một tờ
tuần báo mà tên gọi của nó sẽ được nhắc nhở nhiều về sau như một thành công rất
đáng kể của báo chí tiếng Việt những năm 1930: tuần báo Phụ nữ tân văn. Đối
với cơ quan tư nhân này, Phan Khôi là một trong những người gắn bó đến mức được
gọi là "đứng mũi chịu sào" (4) cùng với Đào Trinh Nhất, nhưng nếu
họ Đào thường đảm nhận vai trò chủ bút thì họ Phan trước sau chỉ giữ vai trò một
cộng tác viên. Lượng bài ông viết đăng trên tuần báo này là khá lớn: khoảng
trên 100 bài lớn nhỏ trong tổng số 273 kỳ xuất bản tuần báo này từ 2.5.1929 đến
21.4.1935 (Chưa tính đến việc nhiều bài thực chất là những chuyên mục kéo dài
hàng chục kỳ).
Trong sự đa dạng của các đề tài được đề cập thì nổi bật vẫn
là xoay quanh đề tài về giới nữ với đủ cung bậc loại hình: nghị luận xã hội, khảo
luận lịch sử, nghiên cứu văn học, sáng tác thơ văn. Việc Phan Khôi và các tác
giả khác cùng thời ông đề cập vấn đề phụ nữ, theo nhận xét của tôi, không đơn
giản là việc kiếm đề tài cho hợp với nhãn một tờ báo, mà thực sự là việc triển
khai đường lối duy tân vào thực tế đời sống. Trong các bài viết của Phan Khôi,
chủ trương bình đẳng nam nữ, giải phóng thế hệ trẻ khỏi sự áp chế của cái khung
đại gia đình trung cổ được tác giả kiên trì theo đuổi bằng những lý lẽ thuyết
phục; có thể hình dung điều đó qua nhan đề các bài viết (Việt Nam phụ nữ
liệt truyện; Tơ hồng nguyệt lão với hôn nhân tự do; Chữ trinh:
cái tiết với cái nết; Luận về phụ nữ tự sát; Chuyện bà cố tôi (Một
cái đơn kiện cái chế độ gia đình An Nam); Nữ công; Hoàng đế với
phụ nữ; Lại hoàng đế với phụ nữ (Chuyện một bà hoàng hậu vì mắc oan mà bị
tử hình); Đàn bà mới của một nước mới Thổ Nhĩ Kỳ; Thân oan cho
Võ Hậu; Gia đình ở xứ ta nay đã thành ra vấn đề rồi; Cái chế độ gia
đình nước ta đem gióng với luân lý Khổng Mạnh; Sự lập thân của thanh niên
nam nữ đời nay; Lại nói về tam cang với ngũ luân; Tống nho với
phụ nữ; Một cái hại của chế độ đại gia đình: bà gia với nàng dâu; Vấn
đề cải cách cho phụ nữ; Vấn đề phụ nữ giải phóng với nhân sinh quan; Con
có vợ rồi có nên ở chung với cha mẹ chăng; Thanh niên với tổ quốc; Câu
chuyện lấy vợ đầm)…
Phan Khôi đã nhân tính chuyên đề về giới của tờ tuần báo này
để thử nêu các khía cạnh: văn học của các tác gia phụ nữ (Về văn học của phụ nữ
Việt Nam; Văn học của phụ nữ nước Tàu về thời kỳ toàn thịnh), và văn
học về đề tài phụ nữ (Văn học với nữ tánh; Lại nói về vấn đề văn học
với nữ tánh; Cái tánh ghen cùng dật sự thi văn bởi nó mà
ra; Theo tục ngữ phong dao xét về sự sanh hoạt của phụ nữ nước ta, v.v…).
Một loạt bài khác, Phan Khôi đã làm cho tờ Phụ nữ tân
văn nổi tiếng, được cả những độc giả có học vấn cao tìm đọc, đó là loạt
bài thảo luận về tư tưởng học thuật. Được khởi lên từ một vài bài ông đề nghị
trao đổi hoặc chất vấn về nội dung học thuật và về học phong (Đọc cuốn Nho
giáo của ông Trần Trọng Kim; Cảnh cáo các nhà học phiệt), Phan Khôi
đã khiến những cây bút hàng đầu của học thuật đương thời như Trần Trọng Kim, Phạm
Quỳnh,… lên tiếng trên tuần báo Phụ nữ tân văn phúc đáp và thảo luận
về những vấn đề ông nêu ra. Không khí tranh biện nghiêm túc mà không hề nhiễm
thói giả dối và hàn lâm kinh viện của những thảo luận này khiến ta có thể nghĩ
rằng đây là những thời khắc thăng hoa không dễ lặp lại trong hoạt động tư tưởng
học thuật ở Việt Nam. Có thể chính không khí ấy cũng đã hỗ trợ nâng bước cho
Phan Khôi, khiến ông minh mẫn khác thường; điều này không chỉ bộc lộ qua việc
không về hùa với người em rể là Lê Dư trong chuyện nói chung chung "Nước
ta có quốc học", mà còn thể hiện ở khả năng nhận định chính xác nhiều vấn
đề lịch sử và lịch sử tư tưởng ở tầm xa: Trên lịch sử nước ta không có
chế độ phong kiến, Thánh hiền ta đời xưa chưa hề có tư tưởng dân chủ.
Trên Phụ nữ tân văn, Phan Khôi, như một người chuyên
nghiệp sống bằng ngòi bút, vẫn kiêm nhiệm nhiều vai trò: vai trò dịch giả (ví dụ
trích dịch Tư Mã Thiên, Tư Mã Dung, Hàn Dũ, v.v…), vai trò nhà ngôn ngữ thực
hành với đủ loại công việc, từ việc đề xuất "viết chữ quốc ngữ cho
đúng, dùng danh từ cho trúng", "đính chính lại cách xưng tên của người
Việt Nam", cảnh tỉnh đồng bào đừng thổi phồng khác biệt phương ngữ mà vô
tình chia rẽ dân tộc (Tiếng hay văn Việt Nam cũng chỉ có một mà thôi), phản đối
chủ trương dạy tiểu học bằng chữ nho,… Ông cũng đảm nhận vai trò người sửa văn,
dọn vườn văn mà ông cao hứng tự phong cho mình "vai ngự sử trên đàn
văn". Cũng có thể thấy ông trong vai trò người giúp việc lấp các khoảng trống
cho tòa soạn bằng những mẩu "tạp trở" thông tin đủ thứ chuyện cổ
kim đông tây. Ông vừa thử vai hương sư dạy cách làm văn quốc ngữ (tập bài hướng
dẫn Phép làm văn của ông đăng Phụ nữ tân văn từ 23.10 đến
30.11.1930, hết bài thứ tư thì dừng lại), vừa lặp lại vai trò "thày đồ"
dạy chữ nho (tập bài giảng nhan đề Hán văn độc tu - phụ đề tiếng
Pháp là Chinois sans maitre - của ông được báo Đuốc nhà Nam in
và phát hành như một phụ trương trước khi đăng trên Phụ nữ tân văn liền
trong 20 kỳ, từ 18.8 đến 29.12.1932, sau này Phan Khôi cho đăng lại trên Sông Hương,
1936-37).
Ở phương diện thuần văn học, bên cạnh loạt bài chuyên về văn
học của tác gia phụ nữ và văn học về đề tài phụ nữ như đã nêu trên, ở Phụ
nữ tân văn, Phan Khôi còn có những bài mang tính khái quát lý thuyết về thể loại
(Giới thiệu lối văn phê bình nhân vật; Một lối văn mà xứ ta chưa có:
nhật ký; Sự nghị luận sai lầm bởi dùng chủ quan; Cái địa vị khôi hài
trên đàn văn; Sử với tiểu thuyết; Lối văn học của bình dân), về văn
chương và nghề văn nói chung (Một ít nghiên cứu văn học về thần mùa xuân; Sự
dùng điển trong thơ văn và sự chú thích; Cái bịnh ăn cắp của Tàu; Văn
học chữ Hán của nước ta; Sách tiếu lâm đời xưa).
Tất nhiên trong loạt bài vở đó ta không thể quên bài
báo Một lối thơ mới trình chính giữa làng thơ (đăng phụ trương Tết của Đông
tây ở Hà Nội, sau đó đăng Phụ nữ tân văn 10.3.1932), bài báo đề
xướng "thơ mới" được coi như tín hiệu phát động phong trào thơ mới tiếng
Việt (1932-45).
Tờ báo thứ tư ở Sài Gòn mà Phan Khôi tham gia là nhật
báo Trung lập. Lượng bài Phan Khôi viết và đăng tờ này có lẽ là lớn nhất
so với lượng bài của ông đăng bất cứ tờ nào trong số ba tờ báo Sài Gòn đã nêu
trên. Trước hết là mục hài đàm Những điều nghe thấy mà tòa soạn
dành riêng cho ông viết với bút danh Thông Reo (10 ngày đầu ký là Tha Sơn). Từ
2.5.1930 đến ngày Trung lập bị đóng cửa, Phan Khôi đã viết trên 600
bài cho mục này.
Về văn chính luận, một việc rất đáng kể là chỉ hơn một tháng
từ ngày ra tờ Trung lập đổi mới, Phan Khôi đã khởi ra cuộc bút chiến
giữa hai tờ Trung lập - Đuốc nhà Nam xoay quanh thái độ của
các giới tai mắt đối với các sự biến vừa xảy ra lúc đó ở Nam Kỳ (nông dân biểu
tình bị đàn áp đổ máu, các nhân vật hàng đầu của đảng Lập hiến dấu mặt im lặng…).
Các bài viết tuy ký Trung Lập nhưng, như Phan Khôi sau đó ít lâu sẽ nói rõ, tất
cả đều do một tay bút ông viết ra. Ông đã đi từ việc bình luận về thái độ của
những người được coi là làm chính trị (là nghị viên hội đồng quản hạt hoặc hội
đồng thành phố, tham gia một đảng được gọi là đảng Lập hiến…) trước những sự biến
liên quan đến vận mệnh dân chúng, chuyển sang bình luận về các vấn đề của đảng
Lập hiến Nam Kỳ.
Đối thủ của ngòi bút Phan Khôi lần này là chủ nhiệm Đuốc
nhà Nam Nguyễn Phan Long. Khi ông này trả đũa bằng thủ đoạn bôi nhọ cá
nhân người viết bút chiến với báo mình (mượn một câu ở sách Luận ngữ để
thóa mạ nhân cách Phan Khôi), Phan Khôi đã thẳng thắn công khai nguồn dư luận mờ
ám mang tính vu cáo vẫn lan truyền bằng rỉ tai trong giới về mình (theo đó người
ta đồn ông là mật thám của khâm sứ Trung Kỳ), nhân đây Phan Khôi buộc tội Nguyễn
Phan Long khơi ra chuyện vô bằng cứ đó là "đã bôi lọ cái tên của ông
trong làng báo", "làm xấu trong trường ngôn luận".
Một bài bình luận cũng rất đáng kể nữa là bài báo đăng 4 kỳ
nhan đề Vấn đề cải cách trong đó Phan Khôi nêu kinh nghiệm Nhật
Bản và Trung Hoa để khẳng định ý kiến mình: "muốn duy tân cải cách
thì phải bắt [= bắt đầu] từ học thuật tư tưởng mà duy tân cải cách trước";
đó là một chủ kiến có không ít căn cứ.
Về phương diện văn học, một điều khá nổi bật là khi hai ông
Bùi Thế Mỹ và Phan Khôi làm với Đông Pháp thời báo trong năm 1929 đã
ra được "Phụ trương văn chương", thì đến khi hai ông này làm với Trung
lập, cũng ra được "Phụ trương văn chương" vào mỗi thứ bảy hằng
tuần (khởi đầu vào đúng ngày 2.5.1931, như lặp lại điểm thời gian đáng nhớ của
giới làm báo ở Sài Gòn), cũng do Bùi Thế Mỹ là chủ bút; từ 2.5.1931 đến
29.5.1933 ra được cả thảy 104 kỳ. Ở mỗi kỳ, ngoài những mục nhỏ như "Văn
uyển" đăng sáng tác thơ, "Giấy thừa mực vụn" đăng tạp văn
hoặc chuyện làng văn, còn có một lượng khá lớn bài vở trong đó bước đầu giới
thiệu những khái quát văn học sử Việt Nam (ví dụ bài Ngôn ngữ và văn
chương Việt Nam của Bùi Kỷ từ PTVC số 8 đến PTVC số
13), nêu các vấn đề mang tính lý luận văn nghệ, giới thiệu văn chương nước
ngoài, bàn thảo để nhận diện những hiện tượng như "đạo văn", hiện
tượng nhà văn bị cáo giác là có những sáng tác gây tổn thương phong hóa,
v.v…
Ngoài bốn tờ báo tiếng Việt kể trên, Phan Khôi còn cộng tác với
một hoặc một vài tờ báo chữ Hán của Hoa kiều ở Chợ Lớn. Một trường hợp đã biết
rõ là tờ Quần báo hồi đầu năm 1929 đã đăng bài Phan Khôi chỉ ra chỗ
sai của báo ấy khi đăng một bài thơ, nói là của tác gia Trung Hoa Ngô Bội Phu nhưng
thực ra là thơ của tác gia Việt Nam là vua Thành Thái; sau đó báo đăng liền hai kỳ
bài Chính trị gia khẩu đầu chi Khổng Tử của ông; ở cả hai bài ông đều
ký là Khải Minh Tử.
Cũng trong những năm sống và viết báo tại Sài Gòn này, Phan
Khôi còn đồng thời cộng tác với một số tờ báo ở Hà Nội. Trước hết là những bài
viết có trọng lượng học thuật của ông đăng các báo trong Nam được không ít tờ
báo ngoài Bắc như Ngọ báo, Đông tây, Thực nghiệp, v.v… đăng lại; thứ hai
là loại bài ông viết riêng cho các báo ở Hà Nội. Đó, chẳng hạn là loạt bài
trong mục Độc thư tùy bút đăng trên báo Phổ thông từ 2.9 đến
7.10.1930. Chủ bút Đông tây là Hoàng Tích Chu (1897-1933) đặc biệt ưa
thích ngòi bút Phan Khôi, đưa đăng lại những bài viết tinh quái của Thông Reo
(bài về "cái bót phơi" dự đoán Phạm Quỳnh sẽ vào kinh làm bộ trưởng,
bài so sánh cô Ba Trà với Nguyễn Văn Bá để trào lộng sự tiến hóa của những người
nổi tiếng đất Sài Thành, v.v…), sau lần chủ nhiệm Đông tây vào Nam gặp
gỡ đồng nghiệp, hồi cuối 1930, người ta bắt đầu thấy Phan Khôi có những bài viết
riêng cho tờ báo này, khi ấy được coi như tờ báo của giới trẻ đất Bắc. Đó là loạt
bài trích thư Nguyễn Pho kể chuyện ngành Trung Hoa học ở trường Đại học bên
Pháp (Đông tây, 23.5; 30.5; 3.6.1931), tiếp đó là những bài về học thuật (Đôi
điều nên biết về Nho giáo, ĐT, 26.8; 2.9; 5.9; 23.9; 30.9.1931), về việc
trừng trị quan lại ăn hối lộ (ĐT, 21.10.1931; 28.11.1931), nhận xét về sự thiếu
vệ sinh và văn hóa đô thị nói chung của người Việt (ĐT, 14.10.1931), bàn về quyền
tự do ngôn luận (ĐT, 21.11.1931; 12.12.1931), đặc biệt là loạt bài tham gia luận
bàn về "vấn đề quốc học" do những tranh cãi giữa Trịnh Đình Rư và Lê
Dư khởi ra. Đây là cuộc tranh luận có quy mô rộng, thu hút chú ý của nhiều học
giả khắp nơi, được nhiều tờ báo trong Nam ngoài Bắc đăng tải, song những cứ điểm
của cuộc tranh luận này là ba tờ: Phụ nữ tân văn và Trung lập trong
Nam, Đông tây ngoài Bắc. Phan Khôi tham gia cuộc tranh luận này chủ yếu
bằng cách nêu phản đề (Luận về quốc học, ĐT, 12.8.1931; 15.8.1931; Nhân
vấn đề quốc học, ĐT 24.10.1931; 7.11.1931; 14.11.1931; Bất điều
đình, ĐT, 19.12.1931), v.v… Chính bài Một lối "thơ mới" trình
chánh giữa làng thơ, Phan Khôi cũng đưa đăng lần đầu trên Tập văn mùa xuân,
một phụ trương Tết (Nhâm Thân 1932) của báo Đông tây ở Hà Nội, hơn một
tháng sau mới cho đăng lại trên Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn.
Tháng 4 năm 1933, khi Phan Khôi từ Sài Gòn ra Hà Nội thì tờ Đông
tây đã bị đóng cửa (sau số 222 ngày 25.7.1932), nhà báo Hoàng Tích Chu đã
mất. Phan Khôi hầu như chỉ còn duy nhất một "cố nhân" là Thực
nghiệp dân báo, lúc này bước vào năm thứ 14 nhưng đã đến hồi tàn tạ. Từ giữa
tháng 5 năm ấy, ông bắt đầu tái xuất hiện trên tờ này, chủ yếu là trong vai Bướng
Nhân của mục "Bướng Nhân nhật ký" (từ 25.5 đến 4.7.1933);
tiếp đó, chừng như để đối phó với những thóc mách trong làng báo Hà Thành, ông
bỏ mục cũ ấy lập mục mới "Chuyện dóc tổ", nhưng chỉ sau hai kỳ
(25.8; 26.8.1933) thì chấm dứt cộng tác với Thực nghiệp dân báo.
Từ 17.9.1933, Phan Khôi bắt đầu xuất hiện trên tờ Phụ nữ
thời đàm.
Tờ này vốn ra mắt từ cuối 1930 như một nhật báo, thường bộc lộ
quan niệm bảo thủ của giới nhà nho đất Bắc trên vấn đề phụ nữ; đến thời gian
này, báo đang ở tình trạng ngắc ngoải. Nhận lời với ông bà Nguyễn Văn Đa, chủ
nhân tờ này, Phan Khôi bắt tay cải tổ tờ báo, chuyển nó sang dạng tuần báo.
Với tờ tuần báo Phụ nữ thời đàm, tập mới này, Phan
Khôi có 22 tuần làm việc cật lực, cả trong vai trò chủ bút, cả trong vai trò
cây viết chính. Một trong những điểm chủ yếu khi ông làm tờ "nữ báo"
này là tờ báo đã trình ra một thái độ xã hội cấp tiến, khác hẳn thái độ bảo thủ
của tờ báo cũ, nhất là trên vấn đề phụ nữ. Hầu như số nào cũng có một bài ngắn,
ký Phan Khôi hoặc P.K., nêu một khía cạnh liên quan đến nữ giới: giảng giải về
"ý nghĩa thật sự của vấn đề phụ nữ ở xứ ta" (PNTĐ, 17.9.1933), nêu
các việc đáng quan tâm gắn với phụ nữ và trẻ em như: giáo dục tiểu học (PNTĐ,
1.10.1933), làm sách giáo khoa (PNTĐ, 8.10.1933), lập ấu trĩ viên (PNTĐ,
22.10.1933), khuyến khích phụ nữ học nghề thuốc (PNTĐ, 12.11.1933), cổ vũ phụ nữ
chơi thể thao (PNTĐ, 24.12.1933), thậm chí đề xuất việc soạn sách giáo khoa
riêng cho nữ sinh trong hệ thống trường nữ học (PNTĐ, 4.2.1934). Phan Khôi cho
độc giả thấy, tờ "nữ báo" do ông chủ trì dứt khoát không hùa theo dư
luận chế nhạo hay lên án "gái tân thời" (PNTĐ, 29.10.1933), không bài
xích chuyện khiêu vũ (PNTĐ, 17.12.1933).
Ở Phụ nữ thời đàm, tập mới, Phan Khôi tiếp tục công việc
của ngòi bút bình luận thời sự với mục Dưới mắt chúng tôi; ông cũng không
quên chọn dịch các sự tích nhân vật trong các truyện ký chữ Hán thời trước cho
mục Chuyện cũ nước nhà. Nhưng điểm mới mẻ nổi bật ở ngòi bút ông thời kỳ
này là các bài viết được gọi chung là "tiểu phê bình", từ "tiểu
phê bình về nhân vật" đến "tiểu phê bình về phong tục", "tiểu
phê bình về báo chí, sách vở". Đó là những trang viết sắc sảo mà hầu như
chỉ cây bút từng trải, lọc lõi, đầy chủ kiến mới viết nổi, vì đó là nhận xét về
những nhân vật hữu danh đang sống cùng thời như Huỳnh Thúc Kháng, Đạm Phương,
Nguyễn Văn Vĩnh, Diệp Văn Kỳ, …, hoặc, đó là những nhận xét nghiêm khắc nhưng
xác đáng về các phong tục đất Bắc (lễ lạt, đình đám quanh năm, đánh lộn nằm vạ,
v.v…).
Sau số 22 Phụ nữ thời đàm, tập mới (11.2.1934),
Phan Khôi rời Hà Nội, có lẽ trở về Quảng Nam; tờ tuần báo chuyển cho Nguyễn Triệu
Luật làm chủ bút, chỉ ra thêm được bốn kỳ nữa, đến số 26 (6.6.1934) thì ngừng hẳn;
năm 1938 (từ tháng 8 đến tháng 12) xuất hiện Phụ nữ thời đàm tục bản, đó
là một nhóm Đệ Tam dùng tờ báo này làm phương tiện tố cáo và đả kích nhóm Đệ Tứ
của Huỳnh Văn Phương.
Cuối năm 1934, lại thấy Phan Khôi trở lại cộng tác với Phụ
nữ tân văn (Sài Gòn), góp mặt bằng mấy bài nghị luận rất đáng kể (Trên
lịch sử nước ta không có chế độ phong kiến, s. 268, 29.11.1934; Câu
chuyện lấy vợ đầm, s. 269, 6.12.1934; Thánh hiền ta đời xưa chưa hề
có tư tưởng dân chủ, s. 270, 13.12.1934; Ý kiến tôi đối với sự bỏ kiểm
duyệt báo quốc ngữ, s. 271, 20.12.1934). Nhưng đây cũng đã gần đến hồi kết
của tờ báo từng gắn bó nhiều nhất với những thăng hoa trong đời làm báo của
Phan Khôi. (PNTV. ngừng ở số 271; sang năm 1935 tục bản, chỉ được 2 kỳ: số 272,
ngày 11.4 và số 273, ngày 20.4.1935).
Đầu năm 1935, Phan Khôi ra Huế, làm chủ bút nhật báo Tràng
An. Tờ Tràng An (chữ Việt) ra 2 kỳ/ tuần, là một trong hai tờ báo
của chủ nhiệm Bùi Huy Tín mới ra ở Huế từ 1.3.1935, bên cạnh tờ La
Gazette de Hue (chữ Pháp) ra hàng tuần. Ngoài các bài xã thuyết về thời sự
xã hội ký tên Phan Khôi hoặc ký tên tòa soạn, ông còn mở nhiều mục cho các loại
bài phiếm luận, tạp trở như “Có có không không”, “Nhớ đâu nói đó” ,
ông viết và ký Tuệ Tinh, C.D., Sao Đuôi…; mở mục “Chuyện rông” cho
Hoài Thanh viết dưới bút danh Nhà Quê; rồì các mục mở cho ngòi bút của Tiêu
Diêu Tử (tức Tiêu Viên Nguyễn Đức Bính), cho Hương Giang Lão Nhân, Hương Giang
Thiếu Niên (chưa rõ bút danh của ai), cho các cây bút trẻ như Trần Thanh Mại,
Phan Nhưng, v.v… Quan hệ tốt giữa ông với cây bút trẻ Hoài Thanh từ Nghệ An vào
cũng bắt đầu ở tờ báo này; tờ báo trong thời gian Phan Khôi là chủ bút cũng là
nơi đăng bài của Hoài Thanh trong cuộc tranh luận “vị nghệ thuật/ vị nhân
sinh”; chính báo này đã ra số đặc biệt về ngày thất thủ kinh đô 23 tháng Năm
năm Ất Dậu với các bài chủ lực do Phan Khôi và Hoài Thanh viết (Tràng An,
21.6.1935)…
Bước ngoặt khiến Phan Khôi rời Tràng An có lẽ là
bài Nên bài xích lối văn không thành thực (T.A., 31.12.1935;
7.1.1936) một bài phê bình văn học, chỉ ra chất sáo rỗng ở một bài văn điếu
phúng, nhưng đã đụng chạm đến việc nội cung triều Nguyễn nên tác giả
của nó buộc phải rời vị trí chủ bút Tràng An.
Nhưng Phan Khôi chưa rời thành phố Huế. Đầu tháng 8/1936, ông
cho ra mắt tờ tuần báo Sông Hương, tờ báo duy nhất trong đời mình ông
là người sáng lập, là chủ nhiệm kiêm chủ bút. Ông duy trì tờ báo qua 32 kỳ, tạm
ngừng sau số ra ngày 27.3.1937; ít lâu sau ông bán lại tờ báo cho nhóm cộng sản
Phan Đăng Lưu, vẫn dưới tên Sông Hương “do Phan Khôi sáng lập”, báo
được tục bản và hoạt động trong 12 kỳ nữa (19.6.1937 - 14.10.1937).
Trong 32 kỳ Sông Hương, Phan Khôi đã tập hợp được khá
đông những cây bút khác nhau, nhiều nhất là những cây bút thiên về nghị luận,
dù viết khảo cứu hay phê bình, văn học hay sử học: Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan,
Trương Tửu, Thiếu Sơn, Trần Thanh Mại, Lê Tràng Kiều, Phan Thị Nga, Từ Ngọc,
Phan Nhưng, v.v…, cạnh đó là một số cây bút sáng tác: Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng
Lư, Nam Trân, Nguyễn Đình Miến, Xuân Tâm, Xuân Diệu, Lan Viên…
Về phần mình, Phan Khôi viết nhiều loại bài mục, từ các bài
nghị luận về thời sự xã hội đến các bài nhỏ. Ông tiếp tục các đề tài sử học, ngữ
học quen thuộc; ông cũng tạo những mục mới: Sử liệu từng mảnh vụn, Lý luận
của tôi, bên cạnh những mục ông từng viết ở các báo khác: Ngự sử đàn văn,
Chương Dân thi thoại…(5). Ông cũng cho in lại tập bài giảng Hán văn độc tu từng
in trên Phụ nữ tân văn năm 1932.
Có thể, khổ báo rộng (49 x 33 cm) của Sông Hương là
hơi trái với tính chất một tờ báo thiên về sự "học vấn và tri thức",
song đó chưa hẳn là lý do khiến tờ báo khó tồn tại dài ngày, bởi sự tồn tại
"ngắn hạn" là nét tiêu biểu của rất nhiều ấn phẩm định kỳ cùng thời đại
với Sông Hương.
Thời gian ở Huế, Phan Khôi đã tập hợp lại các bài viết trong
mục Nam âm thi thoại của mình, cho xuất bản dưới tên mới Chương
Dân thi thoại, quyển sách đầu tiên trong đời ông.
Theo nguồn tư liệu gia đình, sau khi bán tờ Sông Hương,
Phan Khôi vào lại Sài Gòn, chủ yếu dạy học tại trường tư thục Chấn Thanh mà chủ
nhân là một người Quảng Nam; cuối năm 1941, trường này chuyển về Đà Nẵng, Phan
Khôi cũng về sống ở làng Bảo An quê nhà.
Suốt thời gian đó (1937-1941), Phan Khôi vẫn viết báo, thậm
chí vẫn theo đuổi những tranh biện với đồng nghiệp ở các nơi; nhưng tìm cho hết
những tờ báo mà ông cộng tác, tìm cho được những bài báo đã đăng của ông vào thời
gian này, - là việc rất khó cho người nghiên cứu sưu tầm. Dưới đây là
một số kết quả tìm tòi đã biết:
Trong năm 1936, khi đang chuẩn bị ra tờ Sông Hương, Phan
Khôi cộng tác với Hà Nội báo (chủ nhiệm Lê Cường, chủ bút Lê Tràng Kiều),
góp những bài về sử (Một me tây thuở Gia Long - Minh Mạng, s. 17,
29.4.1936), về ngôn ngữ (Về sự thay đổi mấy vần quốc ngữ, s. 19,
13.5.1936), về nghề làm báo (Cái ác ý bởi nghề nghiệp, s. 23,
10.6.1936), về thể loại (Thơ tình trong kinh điển, s. 20, 20.5.1936; Văn
học tiểu thuyết là cái quái gì? s. 21, 27.5.1936) hoặc nhân vật (Cái chỗ
buồn cười của ông Lương Khải Siêu, s. 26, 1.7.1936)...
Trong năm 1937-38, Phan Khôi cộng tác với Đông Dương tạp
chí (tục bản, Nguyễn Giang chủ nhiệm, Vũ Trọng Phụng là thư ký tòa soạn phần
chữ Việt), có bài đăng liên tục từ số 24 (23.10.1937) đến những số cuối cùng,
trong đó đáng kể nhất là những bài ông bàn về Nhà nho và dân chủ (s.
33, 25.12.1937), Nhà nho với quân chủ (s. 36, 20.1.1938), về các nhân
vật Trung Hoa như Cô Hồng Minh (s. 24, 23.10.1937), Tôn Văn (s. 25,
30.10.1937), nữ tác gia Hoàng Lư Ẩn (s. 27, 13.11.1937), luận về địa vị văn học
Trung Hoa trên đàn văn thế giới (s. 28, 20.11.1937), về các nhân vật Việt Nam (Hạng
"lương dân" của Phan Châu Trinh hay là từ Nguyễn Thuật, Hồ Lệ đến Bùi
Bằng Đoàn, s. 30, 4.12.1937; Nội các với ngự tiền văn phòng, s. 32,
18.12.1937; Cái tâm lý người tù chính trị được tha, s. 37, 27.1.1938), đáp
lại nhà báo Phạm Mạnh Phan về chuyện nếu Phan Khôi là "học phiệt" (s.
31, 11.12.1937), v.v…
Trong các tháng 7&8.1938, Phan Khôi cộng tác với
báo Thời vụ (Hà Nội, chủ nhiệm Phạm Toàn, chủ bút Nguyễn Đức Bính) có
đăng một số bài: Không có công dân giáo dục, sẽ không thể thi hành chính
thể đại nghị (s. 42, 5.7.1938), Từ ngõ chợ Khâm Thiên đến Việt Nam tự
trị (s. 44, 12.7.1938), Giữa chánh phủ và nhân dân…(s. 51,
5.8.1938), Sẽ làm gì, ngạch nông quan? (s. 54,
16.8.1938)…
Trong các tháng 8&9.1938 ông cộng tác với tuần báo Dư
luận (Hà Nội, chủ nhiệm Đỗ Xuân Mai, chủ bút Phùng Bảo Thạch), có các bài
đăng báo như Cụ Phan Sào Nam và Nhật Bản (1.8.1838), Ésope tức
là Doãn Hỷ? (8.8, 15.8.1938), Học sinh với quốc sự (29.8.1938), Một
bài phú giá hai ngàn lượng bạc (5.9.1938), Thanh niên với hòa bình (12.9.1938)…
Trong năm 1939, ông có bài đăng khá đều đặn trên tạp
chí Tao đàn của Nhà xuất bản Tân dân (chủ nhiệm Vũ Đình Long, chủ bút
Lan Khai): Khái luận về văn học chữ Hán ở nước ta (s. 1, 1.3; s. 2,
16.3.1939), Người Việt Nam và óc khoa học (s. 3, 1.4.1939), Tục
ngữ phong dao và địa vị của nó trong văn học (s. 9&10, 16.7; s. 11,
16.8.1939), Tôi với thi sĩ Tản Đà (s. 9&10), Khổng Tử chẳng
duy vật mà cũng chẳng duy tâm (s.12, 16.9.1939), Vận ngữ với thơ (s.13,
16.10.1939).
Cũng trong năm 1939, ông cho in tiểu thuyết Trở vỏ lửa
ra trên Phổ thông bán nguyệt san (s. 41, 16.8.1939) của nhà xuất
bản Tân dân.
Trên đây ta chỉ thấy các báo ở Hà Nội mà Phan Khôi cộng tác từ
sau khi rời thành phố Huế. Nhưng ta biết là thời gian từ cuối 1937 trở đi, Phan
Khôi sống chủ yếu ở Sài Gòn. Vậy ông có viết cho tờ báo nào tại đây? Sơ bộ tìm
hiển thì tôi thấy, ông thường viết cho những tờ đang do Bùi Thế Mỹ (1904-43) chủ
trì. Đây là một người bà con với ông, từng gắn bó khá sớm với ông trong nghề
báo.
Suốt thời gian tờ Điện tín do Bùi Thế Mỹ làm chủ
bút (1935-39), Phan Khôi chỉ gửi đăng một "thi thoại" cho số Tết
1936. Nhưng khi họ Bùi chuyển sang làm chủ bút Dân báo (Sài Gòn),
Phan Khôi đã cộng tác tích cực hơn nhiều. Ông ký họ tên thật trong những bài
tranh luận của Dân báo với báo Điện tín ở Sài Gòn, với tác
giả Trúc Khê và báo Nước Nam ở Hà Nội, với báo Tiếng dân ở
Huế. Ông cũng tiếp tục sử dụng lại bút danh Thông Reo cho chuyên mục Chuyện
hàng ngày, và chỉ khi báo Tiếng dân ở Huế một lần nữa lộ cho độc giả
biết bút danh này là của Phan Khôi, ông mới đổi sang bút danh mới Hy Tô. Mục Chuyện
hàng ngày được ông duy trì đến cuối tháng 9.1942. Đây có lẽ cũng là dấu mốc
cuối cùng về bài đăng báo của ông thời kỳ trước tháng Tám 1945.
Tháng 10.1945, Phan Khôi được mời từ Quảng Nam ra Hà Nội;
chưa rõ từ đó đến khi đi ra vùng kháng chiến ở Việt Bắc, tháng 12.1946, ông có
viết cho báo chí nào ở Hà Nội hay không.
Thời gian ở Việt Bắc (1947-54), ông tập trung vào hai loại
công việc: nghiên cứu tiếng Việt và dịch thuật. Trong số các bài viết về tiếng
Việt, bài Một phương pháp dạy văn pháp tiếng ta từng được trình bày tại
Hội nghị văn hóa toàn quốc lần II (tháng 7.1948) và in trong kỷ yếu của hội nghị
này; ba bài khác (Phân tích vần quốc ngữ, Một vài nhận xét trong tiếng ta theo
chữ Nôm, Tiếng đệm) được Hội văn hóa Việt Nam cho in li-tô năm 1949; tám bài viết
khác, vào năm 1950 được Hội văn hóa Việt Nam cho in thành sách.
Ông chủ yếu cộng tác với tạp chí Văn nghệ của Hội
Văn nghệ Việt Nam, mỗi năm đăng một vài bài, ví dụ năm 1948 đăng Thơ tặng
một vệ quốc quân (s. 7, tháng 12), Vì sao tôi viết tiểu thuyết (dịch
của Lỗ Tấn, s. 3, tháng 6-7); năm 1949: Chúc phước (dịch của Lỗ Tấn,
s. 8&9, tháng 1&2), Tìm tòi trong tiếng Việt I (s. 15&16,
tháng 9-10); năm 1950: Tìm tòi trong tiếng Việt II (s.19, tháng
Giêng) giới thiệu tiểu thuyết Thời gian, tiến lên của V. Katayev (s.
22, tháng 4), Giới thiệu thơ Trung Hoa hiện đại (s. 24, tháng
6), Đọc cuốn Sử cách mạng cận đại Việt Nam của Trần Huy Liệu (s. 25,
tháng 8), Phát biểu tranh luận sân khấu (s. 26, tháng 9); năm 1953: Một vị
học giả mác-xít thiên tài (viết về Stalin, s. 40, tháng 3); năm
1954: Phấn đấu để sáng tạo những tác phẩm văn học ngày càng hay hơn… (dịch
của Chu Dương, s. 44, tháng 2). Trong giải thưởng của Hội văn nghệ Việt Nam
1951-1952, Phan Khôi được trao giải về tất cả các bản dịch thực hiện trong thời
gian này. Tại Việt Bắc thời kháng chiến, Phan Khôi xuất bản được 3 cuốn sách mỏng: Tìm
tòi trong tiếng Việt (1950), Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ học (dịch
của Stalin, 1951), Thù làng (truyện, dịch của Mã Phong, 1952).
Trở về Hà Nội sau hòa bình lập lại, Phan Khôi cũng tập trung
vào dịch thuật, trước hết là các tác phẩm của Lỗ Tấn. Ông cho xuất bản một loạt
cuốn sách: Ánh lửa đằng trước (dịch truyện của Lưu Bạch Vũ, 1954), Việt
ngữ nghiên cứu (1955), Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn (dịch,
1955), Tuyển tập tạp văn Lỗ Tấn (dịch, 1956), Tuyển tập tiểu
thuyết Lỗ Tấn, tập II (dịch, 1957).
Trong dịp kỷ niệm 20 năm mất văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn
(1881-1936), Phan Khôi có một loạt bài nói và viết: Lỗ Tấn, một đại văn
hào của Trung Quốc và thế giới (Nhân dân, 28.8.1955), Sự đấu
tranh về văn học của Lỗ Tấn (Văn nghệ, s. 92, 27.10.1955), Đời sống
và sự nghiệp văn học của Lỗ Tấn (bài nói tại lễ kỷ niệm Lỗ Tấn tại Hà Nội,
30.10.1955), Phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm mất Lỗ Tấn tổ chức tại Bắc
Kinh (đăng báo Văn nghệ, s. 145, 2.11.1956).
Trên các đề tài khác, Phan Khôi có bài giới thiệu Lý Cơ Vĩnh,
người được xem là sáng lập văn học hiện đại Triều Tiên, nhân 60 năm sinh nhà
văn này (Văn nghệ, s. 74, 10.6.1955); ông hưởng ứng đề tài đấu tranh thống
nhất bằng những bài về Nguyễn Đình Chiểu, một nhà nho chân chính miền
Nam (Văn nghệ, s. 132, 2.8. và s. 133, 9.8.1956), bằng các bài tạp
văn trong chuyên mục trào phúng Mũi nhọn ký bút danh Tơ-hông-re-o (Văn
nghệ, s. 132, 2.8; s.135, 23.8; s. 136, 30.8.1956).
Thời kỳ 1954-58, ngoài các báo của nhà nước và các đoàn thể từ
vùng kháng chiến chuyển về, ở Hà Nội còn có khá nhiều báo chí tư nhân và nhà xuất
bản tư nhân. Sau lớp nghiên cứu lý luận văn nghệ do Hội Văn nghệ Việt Nam mở (từ
1 đến 18.8.1956), Phan Khôi cũng như không ít văn nghệ sĩ khác đã mạnh dạn lên
tiếng góp ý với lãnh đạo (thường mới chỉ là lãnh đạo các ngành, trước hết là
ngành văn nghệ) về một số khuyết điểm trong công tác quản lý; không chỉ viết
trên các báo nhà nước và đoàn thể, họ còn viết và đăng trên các ấn phẩm tư
nhân. Bài báo Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi (Giai phẩm mùa
thu tập I, Minh Đức xuất bản, Hà Nội, 29.8.1956, tr.3-16) nói về những bất
cập trong việc xét giải thưởng văn học 1954-55 của Hội Văn nghệ Việt Nam, đã
gây ra những thảo luận trong giới văn nghệ. Ông cũng góp một bài Không đề
cao Vũ Trọng Phụng, chỉ đánh giá đúng cho tập sách Vũ Trọng Phụng với
chúng ta (1956) của nhà xuất bản Minh Đức. Ông có các bài ngắn trên các tập
giai phẩm của Minh Đức: Ông bình vôi (Giai phẩm mùa thu, tập II,
30.9.1956), ba bài thơ Hồng gai, Hớt tóc trong bệnh viện quân y, Nắng chiều
(Giai phẩm mùa thu tập III, 30.10.1956), dịch thơ Lý Bạch (Sách Tết 1957).
Tháng 9.1956, Phan Khôi nhận lời đứng làm chủ nhiệm tờ tuần
báo Nhân văn của một nhóm văn nghệ sĩ; ông chỉ đăng một bài Trả
lời một nhà báo ở Sài Gòn (s. 1, 20.9.1956) trên báo này và hầu như không
làm công việc tòa soạn, một phần vì bận với chuyến đi Trung Quốc dự kỷ niệm Lỗ
Tấn, nhưng Phan Khôi không hề chối bỏ trách nhiệm của mình trước sự lên án của
dư luận chính thống suốt thời gian tờ báo còn hoạt động và ngay cả sau khi tờ
báo bị cấm (từ 15.12.1956).
Đầu năm 1957, Phan Khôi tham dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần
thứ hai (từ 20 đến 28.2.1957). Ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
(thành lập tháng 4.1957), tham gia các cuộc thảo luận về thơ do tuần báo Văn (Hội
Nhà văn Việt Nam) tổ chức. Ông cũng cộng tác với Tạp chí Văn nghệ (từ
đây thuộc Hội Liên hiệp văn học và nghệ thuật Việt Nam) mà bài đăng sau cùng của
ông là bản dịch tạp văn Lỗ Tấn nhan đề Chúng ta không bị lừa lần nữa đâu (Tạp
chí Văn nghệ, s. 6, tháng 11.1957). Tác phẩm ông đăng báo cuối cùng trong sinh
thời có lẽ là truyện ngắn Ông Năm Chuột (Văn, s. 36, 10.1.1958).
Sau các đợt học tập đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm do
ban tuyên huấn trung ương Đảng LĐVN mở cho văn nghệ sĩ (đầu năm 1958), các hội
văn học nghệ thuật được chấn chỉnh lại; theo tinh thần ấy, BCH Hội Nhà văn Việt
Nam tại hội nghị lần thứ tư, ngày 2&3.7.1958, đã quyết định khai trừ vĩnh
viễn Phan Khôi (và Thụy An, Trương Tửu) ra khỏi Hội.
Sáu tháng sau, ngày 16.1.1959, Phan Khôi qua đời tại nhà
riêng ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội.
Chú thích:
(1) Phan Thị Nga: Lối tự học của những bực đàn anh nước
ta: [kỳ 1] Ông Phan Khôi học chữ Tây và làm quen với cô Luận
Lý// Hà Nội báo, Hà Nội, s. 10 (11 Mars 1936).
(2) Khái niệm "mặt nạ tác giả" [maska avtorskaja]
được một số học giả Nga định nghĩa như phương thức mà nhà văn dùng để che giấu
nhân thân của mình nhằm tạo nên ở độc giả cái hình ảnh một tác giả khác hẳn (so
với dạng thực có); đây là thủ pháp chính của mê hoặc (мистификация/
mistifikacija) trong văn chương (theo O.E. Osovsky, маска авторская/
Maska Avtorskaja/ Mặt nạ tác giả/ trong sách: Литературная
Энциклопедия Терминов и понятий/ Literaturnaja Enciklopedija Terminov i
ponjatij// A.N. Nikoljukin tổng chủ biên// Moskva: HPK
"Intelvak", 2001, tr.511-512).
(3) Chi tiết về việc này, xin xem: Lại Nguyên Ân: Phan
Khôi và cuộc thi quốc sử của báo Thần chung, Sài Gòn 1929// Xưa và
Nay, H.N., s. 310 (tháng 6. 2008), tr.18-22.
(4) Tin: "Phụ nữ tân văn" chỉ bị
đóng cửa 5 tháng// Trung lập, 14/5/1931.
(5) Xem sưu tập: Sông Hương, tuần báo ra ngày thứ bảy,
(1.8.1936 - 27.3.1937)/ Phạm Hồng Toàn sưu tầm, tuyển chọn/ Hà Nội, 2009.
Nxb. Lao Động và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 743 tr.; 19x27 cm.
Hà Nội, 2006-2009Nguồn: vienvanhoc.org.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét