Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Đã biết mùa thu

Đã biết mùa thu
Sống ở Nha Trang hầu như quanh năm biển xanh nắng vàng, tôi thầm ao ước có một lúc nào đó được nghiệm sinh ở một nơi có bốn mùa rõ rệt và một lần nào đó được dẫm chân lên những con đường ngập lá vàng hoặc thả bộ dưới những tán lá phong nhuốm “màu quan san”. Nhưng ước là ước thế thôi, tôi vẫn thầm biết ơn ba má đã sinh mình ra ở một thành phố biển có khoảng 300 ngày nắng trong một năm, không nhiều ướt át, cũng không rét muốt, dùng một cái áo mưa có khi hai, ba năm, đến lúc cũ xịt mà vẫn chưa rách, thỉnh thoảng sắm vài cái áo len mong mỏng diện cho có sắc màu mùa đông đôi ba ngày trước Noel.  
Một ngày giữa tháng tám, Nha Trang có lúc lên đến 35 – 36 độ, tôi lên đường đi Đà Lạt theo một chương trình tập huấn. Mấy hôm nay bão số 4 đi lên hướng Tây Bắc nên Nha Trang vẫn ngà ngật trong cái nắng hè oi ả. Coi dự báo thời tiết, thấy Đà Lạt khoảng 25 độ, nên cũng không mang theo đồ ấm chi nhiều. Vả lại, nhiều lần đi Đà Lạt, dân Nha Trang ít nhiều có kinh nghiệm, lên đến nơi, nếu lạnh, thì ra ngay chợ Đà Lạt mua mặc luôn, rẻ hơn sắm tại Nha Trang mà lại khỏi mang xách lích kích.
Xe Phương Trang máy lạnh rì rì, ngủ quên một giấc lên đến Khánh Vĩnh, xe dừng lại nghỉ ngơi nửa tiếng, nắng vẫn ươm vàng nhưng nhìn lên hướng Đà Lạt đã có cảm giác lành lạnh nôn nao. Tự dưng tôi thấy nhớ Nha Trang, Nha Trang nhu mì như một cô gái rất hiền, không hề biết đỏng đảnh.
Lên đến những rừng thông, bầu trời đùng đục, thỉnh thoảng mây trắng nhường chỗ cho mặt trời ghé mắt, dọi xuống một dòng nắng bạc. Ra dáng Đà Lạt lắm rồi. Những đồi đất đỏ bazan cao thấp với những chòm cây ngang ngang đầu gối, ngực người, lá xanh bóng như cây trà nhưng xem ra không phải cây trà vì đồi trà ở đâu cũng thế, rộng mênh mông và thành hàng thẳng tắp. Bỗng, tôi giật phắt người, chồm dậy, bám vào cửa kính làm cậu sinh viên ngồi cạnh phải rời mắt khỏi băng hài Hoài Linh trên tivi, nhìn tôi dò xét. Những cây hồng, hồng trứng, đang mùa chín quả. Những trái hồng màu vàng cam vắt chùm, ẩn hiện trong bóng lá xanh thẫm như những trái ping pong dễ thương, như những bóng điện màu nhỏ nhắn rực rỡ. Đất trời đã sang thu mà tôi không hề hay biết. Nhờ mùa hồng tôi nhận biết bóng hình mùa thu. Và tự nhiên, tôi biết thêm một điều nữa, những “khu vườn chè” mà tôi vừa đi qua là những vườn hồng mới trồng, một vài mùa tới sẽ thắp lên tín hiệu mùa thu.
Khi lớp tập huấn đã đi qua một vài ngày đầu làm quen, tôi thích trò chuyện với Bảo Trâm – cô giáo ở trường chuyên Bảo Lộc. Tôi đem nguyện vọng được bước chân vào một vườn hồng nói với Bảo Trâm. Cô ấy nói phải đón xe buýt xuống chân thác Prenn, ở đó hồng được trồng rất nhiều, vô vườn cứ ăn thỏa thích rồi mua mang về. Bảo Trâm rủ tôi về Bảo Lộc để thưởng thức hồng với cốm do mẹ cô ấy làm nhưng thời khóa biểu lớp học kín mít, chúng tôi đành từ bỏ kế hoạch ấy. Bảo Trâm vẫn băn khoăn với ước mơ của tôi, một buổi sáng, sau khi điểm tâm ở khách sạn Tân Thanh, đã thân chinh dẫn tôi đi lên con đường Trần Phú mong tìm thấy những cây hồng quả chín. Đang đi và trò chuyện, bỗng cô ấy ngừng lại nhìn chăm chú con đường dưới chân, và reo lên: “Cây hồng kìa cô ơi!”.
Đúng thiệt, cây hồng với những chùm trái trên cao. Nó vẫn đứng đó trên con đường tôi đi học mấy hôm nay. Nó lặng lẽ đứng cạnh một vạt hoa hoàng hôn tím như… hoàng hôn nên chúng tôi chỉ lo ngắm hoa, chụp hình mà không hề ngó lên. Con đường Phạm Ngũ Lão ôm sau lưng trường chuyên Thăng Long Đà Lạt đã thật lãng mạn với hoa loa kèn vàng, hoa pháo da cam, hoa hồng nhung huyết dụ, hoa hoàng hôn càng lúc càng tím khi chiều buông… đã làm tôi yêu Đà Lạt đến ngất ngư, vậy mà còn có một cây hồng trái chín vàng lúc lỉu. Tôi tha thiết có được một trái hồng trên tay, ao ước được cầm mùa thu trong lòng bàn tay ngay cái nơi cho tôi biết mùa thu biết là bao. Nhưng chẳng có trái nào rụng xuống dưới gốc cây và cũng chẳng có cái gì để khoèo, để vít một cành xuống thấp. Đành đứng dưới gốc nhìn lên, thương đến ngơ ngẩn.
Thấy tôi xuýt xoa mãi, Bảo Trâm dẫn tôi đến một thung lũng nhỏ gần gần nhà thờ Con Gà, cố đi tìm một khu vườn hồng trong trí nhớ. Đã bao thời gian đi qua trong ký ức cô ấy, tôi không nghe cô ấy kể, nhưng vườn hồng ấy bây giờ đã nhường chỗ cho nhà cửa san sát. Cô ấy kể tôi nghe, cách đây vài ba năm khi các khách sạn Đà Lạt phải bắt thêm quạt máy, người Đà Lạt đã rất buồn. Tôi an ủi cô bạn nhỏ rằng Đà Lạt rất đặc biệt với “năm không”(*) trong đó có không máy lạnh. Cô ấy cười nhưng xem ra không thật tròn. Bỗng, lại Bảo Trâm reo lên: “Cô ơi, cây hồng!”. Một cây hồng cổ thụ đứng lặng lẽ sau một hàng rào kín bưng, rủ bóng xuống một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ rất Đà Lạt xưa.
Thấy chúng tôi lấp ló nhìn ngó nghiêng ngửa, chủ nhân ngôi nhà bước ra sân, chỉ cho chúng tôi cách vào trong sân – khom người chui qua giữa một chỗ hàng rào thấp ngang gối và một sợi dây cột ngang ở trên. Chưa bao giờ tôi thấy một cái cổng lạ như thế, một cái cổng chỉ để ngăn người ngay chứ chắc chắn không thế chặn kẻ gian. Xem ra ở đây thật an bình “đêm năm canh an giấc ngáy kho kho, thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”. Đi suốt Đà Lạt đã mấy ngày, không thấy ai ngắt một đóa hoa, hái một trái quả. Tôi xin với chủ nhân được chụp hình cây hồng và nếu được hãy cho tôi hái một quả hồng. Bà cụ nói chụp hình thì được nhưng bà chỉ trông nhà giúp nên không thể cho tôi dù chỉ một quả. Thôi, không được đằng chân lân đằng đầu thì đành chấp nhận vậy. Cây hồng có đến sáu gốc, tán rộng phải đến năm, sáu mét, trái vắt cục vắt hòn, bóng mướt như những nắm xôi gấc nhỏ bé ngọt ngào. Tôi đã có thể sờ những quả hồng trên cây, áp vào má để cảm nhận cái mát rượi của Đà Lạt một sớm mai.
Tôi đem cái ngơ ngẩn mùa thu Đà Lạt vào lớp học. Nhớ bữa mới lên đây, xe trung chuyển của hãng Phương Trang đưa về tận khách sạn Tân Tiến. “Bác tài” trước đây có một thời gian ở Xóm Bóng Nha Trang, lấy vợ Đà Lạt đành theo quê vợ, gặp người Nha Trang nên mừng rỡ nói chuyện tíu tít. Cậu ấy nói mấy hôm nay, một ngày Đà Lạt có bốn mùa, đó là điều không phải lúc nào cũng có, vì Đà Lạt mùa này lẽ ra đã vào mùa mưa. Tôi nhìn mùa thu Đà Lạt qua cửa kính lớp học, “phố núi cao” “trời thấp thật buồn”, tuy chẳng có “anh khách lạ đi lên đi xuống” nhưng “đời còn dễ thương” lắm lắm.
Tôi muốn ngắm nhìn một buổi sáng mùa thu trên hồ Xuân Hương nên để đồng hồ báo thức, dậy sớm, thả bộ xuống hồ. Mặt trời trên cao nguyên có vẻ tỉnh giấc muộn hơn ở biển Nha Trang. Năm giờ rưỡi mà mặt hồ vẫn bàng bạc màn sương trắng mơ hồ. Tháp chuông trường Cao đẳng Sư phạm in bóng lên thinh lặng của bầu trời tím thẫm. Một lát sau, mây hồng bắt đầu xuất hiện đẩy màu tím trôi nhanh về cuối trời. Chỉ có thể nhận biết mặt trời đã lên khi thấy trên mặt hồ những vạt nước óng ánh như dát vàng. Phía con đường chạy lên Đồi Cù, bóng đêm vẫn lẩn khuất, những chiếc xe chạy trên đường vẫn phải mở đèn chiếu sáng, mặt hồ ở phía đó xanh thẫm “làn thu thủy” màu mắt ai nghiêng nước nghiêng thành. Đứng ở hồ Xuân Hương nhìn ngược lên dốc, ánh nắng đầu ngày bắt lấy màu ngói đỏ thắm, tường vôi trắng lóa, hàng thông xanh màu mạ non đến lạ. Thế rồi bất chợt mây mù kéo đến nhanh như một cỗ xe tứ mã, trời rây rây màn mưa đủ để ướt tóc, ướt áo. Chạy thi với mưa gió về đến khách sạn, tắm xong thấy mát lạ mát lùng. 
Chuẩn bị kết thúc một tuần tập huấn, lớp B chúng tôi tập văn nghệ thật vui và đoàn kết. Nhớ Nha Trang, tôi chọn bài hát của Văn Ký “Ơi Nha Trang mùa thu lại về” được mọi người vỗ tay khích lệ. Buổi chiều giao lưu trình diễn, tiết mục lớp tôi hùng hậu mở màn. Vì vậy, khi buổi giao lưu vẫn còn, một số người trong lớp đã rời hội trường đi dạo chợ đêm lần cuối. Tôi kéo Bảo Trâm hai chị em xuống chợ. Và tôi thầm cám ơn quyết định sáng suốt này của cả hai tên.
Xuống đến ngã sáu trước chợ Đà Lạt, tôi nhận ra mình đang đi trong sương thu. Bảo Trâm có lẽ đã nhận ra điều đó nhưng do cô ấy bận trả lời điện thoại vì một việc chuyên môn nên đã không cho tôi biết tôi đang được sống trong những giây phút hiếm hoi của mùa thu Đà Lạt. Sương thu kéo đến như một trận bão mây, rào rạt, giàn giạt, bay cuộn cuộn. Chúng tôi nhảy lên bùng binh ngã sáu hòa trong đám đông ngửa mặt lên trời cười reo nắc nẻ, hú lên như những thổ dân “da vàng” giữa trời nước mênh mang. Sương mù chỉ năm, mười phút rồi biến mất như một giấc mơ có bà Tiên, ông Bụt. Thu Đà Lạt đó. Lần này lên Đà Lạt tôi may mắn biết bao. Tôi đem cái cảm giác rưng rưng đó đi lòng vòng tận cùng chợ đêm, rồi ngồi co ro ở một quán sữa đậu nành uống đến đâu biết ấm áp đến đó.
Hôm sau, tôi rời Đà Lạt trên một chuyến xe trưa để may ra một lần nữa có thể chiêm ngưỡng sương gió phiêu du trên đỉnh đèo. Lần trước, cách đây chừng hai tháng, khi đi cùng nhà trường tham quan Đà Lạt trở về, một cảnh tượng đẹp đến run rẩy trái tim khi xe chậm chậm đi vào mê trận một màn sương đặc quện. Những cây cổ thụ tán tròn như tùng bonsai tầng tầng lớp lớp hiện bóng sau bức cổ họa vẽ bằng mực tàu. Xa xa những thác nước đổ xuống từ vách đá ẩn hiện như có như không, cho người ta cái cảm giác một tiền kiếp xa xăm. Nhưng lần này con đường đưa tôi về quê rất lạ lẫm, không giống gì lần trước. Khi xe chạy trên một sườn núi có ngôi trường tiểu học đứng chon von mang cái tên dễ thương lạ lùng - “Long lanh” - khói trắng bất chợt từ dưới thung sâu uốn éo vươn lên từng luồng, từng cột khổng lồ rồi loang ra, loang rộng, hòa trong màu nắng làm thành một tấm voan mỏng tang màu mỡ gà mơ mơ bay bay múa lượn. Tôi ngoái lại phía sau lưng, hai dãy núi ngọn cao ngọn thấp đổ xuống tạo hình chữ V, nắng dịu dàng đổ trên sườn non chỗ thưa chỗ dày làm nên tất cả các cấp độ vàng mà bảng màu do con người tạo ra chắc chắn phải chào thua. Nhìn phía trước mặt, một không gian vàng rực rỡ, sáng lấp lóa như ánh bạc, tôi biết là thành phố Nha Trang của tôi đó.
Về tới Nha Trang, nắng còn rười rượi, tôi chọn cách về nhà theo xe trung chuyển để được nhìn thành phố của mình sau một tuần xa cách. Đường Yersin thẳng tăm tắp vươn về phía biển, chiều hôm đó đẹp một cách kỳ lạ. Trời xanh ngăn ngắt, mây trắng đọng lửng lơ không trôi, bất giác câu thơ Yên Đổ: “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”. Phải rồi, tôi đã nhận ra rằng mây thu Đà Lạt ít khi đứng yên, nó bay đi rất nhanh, còn mây mùa thu nơi tôi sống, không bay mà đứng yên, trắng xốp, nhẹ (và chắc là thơm nữa) như những đám bọt xà phòng.
Đà Lạt cho tôi biết mùa thu, mùa thu Đà Lạt. Đà Lạt còn cho tôi nhận biết một điều quý giá nữa, Nha Trang cũng có mùa thu, và mùa thu Nha Trang rất kinh điển nữa là khác.  
(*) Một hướng dẫn viên du lịch khi đưa lớp tôi lên đỉnh Langbiang, nói Đà Lạt có “năm không”: không đèn xanh đèn đỏ - không máy lạnh - không xe xích lô - không khói nhà máy, xí nghiệp - không siêu thị. Nhưng một nữ giáo viên ở Bình Định nói Đà Lạt có “mười không”, tiếc là tôi chưa kịp hỏi. 
Chế Diễm Trâm


1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...