Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Những tình khúc bất hủ về mùa thu Hà Nội

Những tình khúc bất hủ về mùa thu Hà Nội
Thùy Dương
Mùa thu buồn, lãng mạn với những nét đẹp nồng nàn, bình dị đã tạo nên những cảm xúc sâu lắng trong thi ca. Nhiều nhạc sỹ đã mượn hình ảnh của mùa thu để sáng tác thành những bản tình ca trữ tình, lãng mạn.
"Có phải em là mùa thu Hà Nội" (nhạc sĩ Trần Quang Lộc, thơ Tô Như Châu)
"...Tháng Tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhi?
Từ độ người đi, thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội?
Tuổi phong sương, ta cũng gắng đi tìm
Có phải em, mùa thu xưa?..."
Phần nhạc của đoạn đầu nằm trong âm giai Trưởng, nghe sao quyến rũ lạ thường. Đã có rất nhiều giọng ca nổi tiếng thể hiện ca khúc này nhưng có lẽ để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng khán giả là giọng ca đầy nội lực, truyền cảm của nữ ca sỹ Thu Phương. Cô được mệnh danh là ca sỹ của mùa thu Hà Nội. Với biết bao tình cảm đắm say, nhạc sỹ Trần Quang Lộc đã để lại cho những người yêu nhạc thu một tác phẩm bất hủ. Có một điều đặc biệt rằng, cả tác giả và người phổ nhạc bài thơ – nhạc sỹ Trần Quang Lộc đều chưa được đến Hà Nội. Ấy thế mà sao lời ca lại chân thực, sâu lắng đến vậy. Một Hà Nội hiện hữu thật gần trong trái tim bao người con đất Việt. Dù ở đâu, họ vẫn hướng về Hà Nội trong niềm thương nỗi nhớ không nguôi. Tất cả nỗi lòng ấy, bất cứ khi nào sẽ trào dâng thành những vần thơ, ý nhạc  thân thương. Để rồi những ca từ mượt mà cứ mãi trong ký ức bao thế hệ không biết tự bao giờ. Và mỗi độ thu về, ca khúc ấy lại vang lên đầy trong trẻo.
"Nhớ mùa thu Hà Nội" (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)
"...Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng
Cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau
Phố xưa nhà cổ, mái ngói thẫm nâu
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội..."
Bức tranh thu Hà Nội sẽ không thể thiếu sắc vàng của cây cơm nguội, màu lá đỏ của cây bàng, màu nâu của những ngôi nhà cổ, và màu xanh của cốm Vòng. Rung động trước hồn sắc thiên nhiên tuyệt đẹp đó, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã gửi trái tim yêu thương của mình vào những ca từ đầy chất thơ. Nữ ca sĩ Hồng Nhung là người thể hiện thành công nhất ca khúc này. Hà Nội hiện lên dịu dàng, thơ mộng, thánh thiện biết bao. “Nhớ mùa thu Hà Nội” là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, những giai điệu đẹp trong tác phẩm đem đến cho người nghe cảm giác bâng khuâng, xao xuyến. Làm sao có thể không rung động trước những nỗi niềm ấy?
"Chiều Hà Nội" (nhạc sĩ Vũ Quang Trung)
"... Hà Nội trong mắt ai, hay chiều buông góc phố em
Nghe tiếng chuông ban chiều gọi...
Hà Nội trong mắt em, hay mùa thu tiếng lá rơi
Và em đến với tôi một chiều, chiều Hà Nội
…Em xa anh, lá thu rơi, ngập đường góc phố
Em xa anh, đường phố như say, dòng người đó đây
Em xa anh, để tiếng chuông khua lạnh lùng thành
Đừng xa anh, đến bên anh, trọn đời hỡi em”.
“Chiều Hà Nội ra đời vào năm 1993, khi nhạc sĩ Vũ Quang Trung còn rất trẻ. Chàng trai đất Hà Thành ấy đã đem đến cho mùa thu Hà Nội, cho những người đang yêu sự đắm say, quyến rũ đến lạ. Từng ca từ thấm đẫm hơi thở của tình yêu nồng cháy. Mùa thu với nét đẹp đượm buồn, man mác dễ đánh thức những cảm giác yêu thương trong lòng mỗi người. Vẻ đẹp của buổi chiều thu Hà Nội, khi những tia nắng dịu dàng của buổi cuối ngày chiếu rọi qua từng góc phố hòa chung với những trái tim yêu thương tạo nên sự đồng điệu, gắn kết.
"Hà Nội Đêm Trở Gió" (nhạc: Trọng Đài , lời: Chu Lai - Trọng Đài)
"... Hà Nội ơi, nhớ về mùa thu tháng mười
Áo học trò xanh những hàng me”
“Hà Nội đêm trở gió” không chỉ là ca khúc thành công của nhạc sỹ Trọng Đài, mà còn là một nhạc phẩm bất hủ của nền âm nhạc Việt Nam. Có lẽ do bài hát được sáng tác trong lúc tác giả đi du học tại Nga nên những kí ức thân thương về Hà Nội lại càng ùa về ào ạt hơn. Hà Nội ơi, ta nhớ không quên:
“Hà Nội ơi! Hà Nội ơi!
Ta nhớ không quên những tháng năm qua
Một nét riêng tư gợi nhắc cho ai
Là nhắc đến những kỷ niệm đã qua
Hà Nội ơi! Nhớ về mùa thu Tháng Mười,
Áo học trò xanh những hàng me
Hà Nội ơi! Ta nhớ không quên
Hà Nội ơi! Trong trái tim ta”
Với bất kì ai, những hình ảnh "gió dọc về trên phố phường, nắng vàng hồng tươi những nụ cười", hay "cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng" thật đậm chất thơ. Chất thơ ấy được giọng ca khỏe khắn, cảm xúc của Mỹ Linh thể hiện thành công bao năm qua.
"Hà Nội mùa thu" (nhạc sĩ Vũ Thanh)
"... Em nghe chăng, trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình
Hà Nội mùa thu, ôi xao xuyến trong lòng ta
Như bâng khuâng, nghe gió đưa
Vang vọng giữa Ba Đình
 Lời Người thu năm ấy 
Màu cờ thu năm ấy 
Vẫn đây xanh trời mây …
Em bên anh, ta bước đi nghe lòng nghĩ suy gì
Hà Nội, tim ta đó
Dặm dài trong gian khó
Vẫn ngát xanh, xanh mùa thu
Ca khúc “Hà Nội mùa thu” gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Thùy Dung. Thu Hà Nội đẹp với những cơn gió heo may nhẹ nhàng, những làn sương khói giăng, những con phố tràn ngập lá vàng rơi. Không chỉ có thế, Hà Nội mùa thu còn mang ý nghĩa về sức sống mãnh liệt của thủ đô từng trải qua biết bao cuộc kháng chiến trường kỳ với những khó khăn, gian khổ. Lời ca mang nỗi nhớ khắc khoải về mùa thu những “năm ấy”.
 "Im lặng đêm Hà Nội" (nhạc sĩ Phú Quang, thơ Phạm Thị Ngọc Liên)
"... Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn, trong căn phòng nhỏ
Đêm cuối thu, trăng lạnh mờ sương
Chỉ còn nỗi im lặng phố khuya
Không gian dạ hương sâu thẳm..."
Mùa thu là mùa đẹp nhất của Hà Nội và là mùa đã đem đến cho biết bao người nghệ sĩ sự thăng hoa của những cung bậc cảm xúc. Cũng là một sáng tác nổi tiếng về mùa thu Hà Nội nhưng “Im lặng đêm Hà Nội” của nhạc sĩ Phú Quang dường như mang nỗi buồn da diết hơn cả. Nỗi buồn ấy đã chạm đến trai tim cảm xúc bao người, để rồi khi người ta có nỗi lòng thì “Im lặng đêm Hà Nội” lại vang lên đầy da diết, khắc khoải.
Có lẽ, chẳng cần bàn thêm về vị trí của Phú Quang trong những tình khúc bất hủ về mùa thu. Những ca khúc của nhạc sỹ phảng phất nỗi cô đơn của một con người luôn sống khắc khoải với những điều đã qua. Trong sáng tác của Phú Quang, thơ và nhạc hòa quyện với nhau tạo thành những giai điệu nhạc thơ huyền ảo. Những lời ca trầm lắng cứ nhẹ nhàng đi vào từng hơi thở của bao người. Nội dung bài hát là lời tâm sự của cô gái trẻ về mối tình đầu tan vỡ được diễn ra trong một đêm thu Hà Nội Đêm cuối thu Hà Nội mang đến những cơn gió se lạnh làm cho nỗi cô đơn càng trở lên mênh mông, sâu lắng hơn. Người thiếu nữ ấy chỉ mong tìm được một tâm hồn đồng điệu để xoa dịu đi nỗi cô đơn trong lòng. Đây cũng là một trong những ca khúc mang đậm chất người Hà Thành lãng tử, hoài niệm. Nghe những ca từ của nhạc sỹ Phú Quang, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận mùa thu của tiêng mình trong đó.
Những bài hát của nhạc sĩ Phú Quang mộc mạc và giản dị, điều đó toát ra từ trong chính tâm hồn của người nhạc sĩ tài hoa. Nhạc sỹ đã trải lòng mình qua những tác phẩm và được người nghe nhạc yêu thích và đón nhận với nhiều tình cảm.
 "Hoa sữa" (nhạc sĩ Hồng Đăng)
"... Kỷ niệm ngày xưa, vẫn còn đâu đó
Những bạn bè chung, những con đường nhỏ
Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm
Có lẽ nào, anh lại quên em, có lẽ nào..."
Sẽ là thiếu xót nếu trong những nhạc phẩm về mùa thu Hà Nội mà không nhắc đến “Hoa sữa”. NSND Lê Dung là người đầu tiên thể hiện ca khúc này nhưng đến những năm 90, “Hoa sữa” lại được khán giả biết đến nhiều hơn qua giọng ca của nữ ca sĩ Thanh Lam. Những ca từ của bài hát được vang lên lần đầu tiên trong bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” của nữ đạo diễn Đức Hoàn vào năm 1978. Không có một ca từ nào trong bài hát nhắc đến địa danh Hà Nội nhưng chỉ cần mùi hoa sữa nồng nàn là người ta đã hình dung ngay được rồi. Có lẽ bởi thế mà tác phẩm của nhạc sĩ Hồng Đăng mãi sống trong tiềm thức của người yêu nhạc Việt Nam. Chính nhạc sỹ Hồng Đăng đã từng thú nhận, ông sáng tác bài hát này trong sự hồi tưởng về những điều đã nghe, đã đọc về hoa sữa mà chưa một lần nhìn thấy cành hoa sữa. Đó cũng chẳng phải là một điều gì quá ghê gớm, bởi bao năm nay “Hoa sữa” vẫn luôn ngọt ngào trong lòng công chúng. Tinh thần Hà Nội trong giai điệu nhẹ nhàng như chính tâm hồn ông…
“Thu quyến rũ” (nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh)
“…Anh mong chờ mùa thu
Dìu thế nhân vào chốn thiên thai
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa thu quyến rũ anh rồ
...Anh mong chờ mùa Thu
Tà áo xanh nào về với giấc mơ
Mầu áo xanh là mầu Anh trót yêu
Người mơ không đến bao giờ”.
Nhạc sỹ Đoàn Chuẩn và Từ Linh có lẽ đang mang nỗi buồn hay vấn vương tiếc nuối gì đó nên đã gởi gấm tâm trạng của họ qua nhạc phẩm. Nỗi buồn ấy, phải chăng là mùa thu?Đối với hai nhạc sỹ, thu luôn quyến rũ và họ mong ngóng thu quay trở lại để làm nguồn cảm hứng cho các sáng tác âm nhạc. Cao Minh và Tuấn Ngọc là hai ca sĩ thể hiện thành công nhất nhạc phẩm “Thu quyến rũ”. Được ra đời từ những năm 1950 nhưng đến nay, ở nhiều chương trình ca nhạc “Thu quyến rũ” vẫn vang lên đầy da diết. Thu trở nên quyến rũ hơn bao giờ hết qua tâm sự của một chàng lãng tử si tình. Những tình khúc mùa thu của Đoàn Chuẩn là những hoài niệm về những mối tình đã qua. Chất đa tình, phong lưu, lãng tử của ông được đưa vào nhạc thật tinh tế. Đoàn Chuẩn sáng tác không nhiều nhưng mỗi bài hát của ông lại gắn với một giai thoại khác nhau và chủ yếu là về mùa thu vì đơn giản đối với ông “đó là mùa của tình yêu”. Đã trải qua hơn nửa thế kỷ, “Thu quyến rũ” vẫn có chỗ đứng riêng trong lòng nhiều thế hệ khán giả.
 “Thu cô liêu” (nhạc sĩ Văn Cao)
“...Thu cô liêu, tịch liêu
Cô thôn chiều, ta yêu thu, yêu mùa thu
Vàng hoen đáy nước soi rõ đường đi
Một mùa thi, một mùa thi
Lá xanh rơi rụng, buồn chi lá vàng...”
“Thu cô liêu” mang giai điệu êm đềm, dịu dàng. Hẳn những người yêu thích ca khúc này sẽ không thể quên hình ảnh ca sĩ Hồng Nhung duyên dáng cất cao tiếng hát trong trẻo giữa một bãi cỏ lau đu đưa trong gió. Mùa thu thường khơi gợi cảm xúc tình yêu giữa đôi lứa. Tiết trời se lạnh của mùa thu cùng những chiếc lá vàng rơi khiến con người trở nên khao khát được yêu thương chia sẻ. Cố nhạc sĩ Văn Cao từng tâm sự rằng: “Những kỷ niệm về mùa thu thì có quá nhiều trong cuộc đời, không chỉ mùa thu cách mạng mà còn cả mùa thu tình ái. Mùa thu gợi một cái gì đó về nam nữ, có lẽ là mùa cưới.
“Mùa thu lá bay” (nhạc Hoa, lời Việt: Nam Lộc)
“... Mùa thu lá bay anh đã đi rồi
Vỡ tan ôi bao giấc mộng lứa đôi
Giờ đành lìa xa thế nhân sầu đau
Hẹn anh kiếp sau ta nhìn thấy nhau...”
Không ai có thể phủ nhận “Mùa thu lá bay” đã làm nên tên tuổi của Kim Anh. Ngay từ khi câu câu hát đầu tiên được vang lên thì tất cả dường như đã chìm đắm trong giọng ca đầy mê hoặc ấy rồi. Nghe “Mùa thu lá bay” dễ thấy một nỗi buồn man mác, nỗi buồn của sự biệt ly, chia lìa lứa đôi. Người con gái trong ca khúc một mình với nỗi xót xa và mong một ngày được đoàn tụ với người mình yêu ở kiếp sau. Chính giai điệu buồn ấy đã để lại cho người nghe nhiều khắc khoải. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.Cảnh vật thay đổi làm cho lòng người thêm bâng khuâng. Xuân về xanh tươi, đến thu thì úa vàng và cuối cùng rơi rụng, lìa cành. Mùa Thu đến như gợi nhớ trong ta biết bao kỷ niệm mà ta một thời đã trải qua.
Lời kết: Những bản tình ca chất chứa hơi thở tình yêu và cuộc sống cứ mỗi độ thu về lại vang lên đầy quyến rũ, da diết. Cảnh vật chỉ đẹp, chỉ thơ mộng khi nó phảng phất một chút buồn. Nỗi buồn làm cho lời nhạc trở nên quyến rũ. Và những vần thơ, những áng văn hay, những nhạc phẩm được công chúng yêu thích nhất vẫn là những bản nhạc buồn, chất chứa nỗi lòng.


1 nhận xét:

  Người trẻ thời đại 4.0 đang để cho văn chương “chết” mòn? 18 Tháng Năm, 2023 Trong hai năm trở lại đây, văn chương trẻ luôn được Hội n...