Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Nhạc Từ Công Phụng, tuổi thanh xuân và lối thiên đàng đã lấp...

Nhạc Từ Công Phụng, tuổi thanh xuân và lối thiên đàng đã lấp... 
Kể từ trên nửa thế kỷ trước, có một người nhạc sĩ với cây đàn ghi ta, trong trang phục quần xanh áo chemise trắng quen thuộc của sinh viện học sinh thời ấy cất tiếng hát lên bản tình ca “Bây Giờ Tháng Mấy,” bản tình ca đầu đời trên sân trường Ðại Học Văn Khoa Saigon, những gương mặt trong sáng, những ánh mắt lấp lánh như trăng sao của tuổi trẻ một thời đứng, ngồi say sưa theo dõi.
“Bây Giờ Tháng Mấy,” sáng tác đầu tay của Từ Công Phụng được hát lên đã làm rung động biết bao nhiêu con tim đứng ngồi chật ních trên thềm đất Văn Khoa...
Thời gian đã trôi qua, nhưng câu hỏi “Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em” vẫn còn vương vấn trong lòng những người thời ấy, cho dù mái đầu nay đã tuyết sương. Và đặc biệt nhất là vẫn làm rung động bao thế hệ tiếp nối. Chẳng hạn như Nguyễn Trường Trung Huy, một người bạn trẻ của tôi trên Facebook, hiện đang ở Sài Gòn bày tỏ: 
“Nghe nhạc Từ Công Phụng cũng là lúc chúng ta lắng lòng lại, có cảm giác như ngồi bên hiên nhà, thong dong và thả hồn mình theo từng cung bậc âm giai trong âm nhạc của ông, cái cảm giác nhẹ nhõm và dạt dào lạ! Nhạc của ông không bi lụy, không thê lương, mà đó chỉ là phút xao lòng của một chút lãng mạn, một lãng mạn mới, một rung động... mới, và một thiết tha.... mới! Trong những ca khúc của ông, dường như lúc nào cũng có thể nhìn thấy bóng những dòng sông, áng mây, bờ biển, những cơn mưa, những mùa Thu... Và đặc biệt, từ cấu trúc của thanh âm tới cấu trúc của ca từ, bao giờ cũng toát ra cái vẻ êm đềm chầm chậm lan trải. Buồn! Nhưng chẳng tuyệt vọng, không đớn đau, càng không chua chát.
“Gom môt chút nắng vàng
Hắt lên soi hạnh phúc trên tháng ngày đã qua.
Em nhìn thấy chút gì?
Có phải chăng rạn vỡ trong tâm hồn chúng ta?”
Ðó, âm nhạc của Từ Công Phụng là như thế đó, trách móc cũng vừa phải, yêu thương cũng vừa phải, như một âm thầm chịu đựng của lẽ vô thường,”thôi dòng đời đó cuốn người đi”; thế nhưng... niềm nhớ thì da diết và mãi mãi không buông rời...
Bởi thế, chúng ta, đã nghe, và đã nhớ rất nhiều vì những niềm tiếc thương cho những cuộc tình không thành ấy. Và chúng ta, thầm cảm ơn, Từ Công Phụng, đã đến trong cuộc đời này, đã thay chúng ta nói hộ những cảm hoài sâu xa nhất! Thứ âm nhạc mượt mà như tơ óng, và trau chuốt trong ca từ, dễ làm say lòng bất cứ ai...
“Nếu có điều gì vĩnh cửu được”, thì em ơi, đó là, âm nhạc của họ Từ!
Và bây giờ xin hãy cùng sống lại một thời của tuổi trẻ Saigon, một vài hình ảnh về những ngày xa, xưa nhưng không cũ ấy. Thời nào thì cũng có những nét tươi đẹp, sôi nổi của tuổi trẻ với những ước mơ hồng... Thập niên 1960.
Ngôi trường Ðại Học Văn Khoa tọa lạc ở góc đường Gia Long-Nguyễn Trung Trực. Nơi đó là “Tổng hành dinh” của những kế hoạch các chương trình sinh hoạt thanh niên, sinhviên, học sinh, xã hội của Việt Nam Cộng Hòa. Xin trích hồi ký của anh Hoàng Xuân Sơn hiện nay định cư ở Canada:
“Tinh thần làm việc chung rất cao, không có phân biệt kẻ trước người sau, chức phận lớn nhỏ nhưng vẫn theo đúng quy củ nề nếp tổ chức. Mọi việc tiến hành tốt đẹp...
Nhờ óc tổ chức khéo léo, có cơ sở trường ốc của anh Lê Ðình Ðiểu, cộng thêm kinh nghiệm và nhiệt huyết của những thành viên trẻ, CPS (tên gọi tắt của Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Ðường) sớm chiều trở nên một trong những cơ quan nòng cốt, tiên phong trong các sinh hoạt đoàn thể thời bấy giờ. Trong nhiều sinh hoạt, phải kể đến sự hỗ trợ tác động của nhóm Trầm Ca (tiền thân của Phong Trào Du Ca VN) gồm có Nguyễn Ðức Quang, Trần Trọng Thảo, Hoàng Kim Châu với loạt nhạc hùng mạnh, trong sáng, khởi động lòng hăng hái của tuổi trẻ tham gia vào những công tác tự nguyện xây dựng xã hội, quê hương.”
Rồi Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng từ Ðà Lạt trở về, làm tươi mát thêm với những bản tình ca lãng mạn, giọng hát, dáng dấp rất thư sinh. Bây giờ tháng mấy, sáng tác đầu tay của Từ Công Phụng được hát lên đã làm rung động biết bao nhiêu con tim đứng ngồi chật ních trên thềm đất Văn Khoa...
Tình ca Từ Công Phụng, tất cả như những tác phẩm ca ngợi tình yêu mượt mà và ghi dấu những cuộc tình ly biệt... “Lối rêu xưa đã mờ dấu chân người, Người buồn cho mai sau, Cuộc tình ta tan mau.”
Qua nét nhạc êm đềm và lời ca đẹp như thơ, chúng ta cảm nhận được nỗi rung động của người nhạc sĩ qua nét vẽ bằng âm nhạc. Âm nhạc Từ Công Phụng là những bức tranh tình yêu dù nhạt nhòa kỷ niệm nhưng vẫn không phải là hư cấu, không phải là ẩn dụ mà rất hiện thực. Nó phản ảnh trung thực được tình cảm lãng mạn trong tâm hồn người nghệ sĩ.
“Thôi đừng lừa dối nhau làm gì. Thôi... đừng tìm nhau nữa mà chi. Ðường vào ngày mai sỏi đá, thôi, em về quên hết đi ngày xưa...”
Mỗi bản tình ca của Từ Công Phụng đều ghi dấu vết kỷ niệm của ông và của người nghe nữa. Nó gợi cho ta chợt sống lại một phút giây nào đó trong đời. Những thơ mộng của lứa đôi, niềm khắc khoải của chia lìa đều thấp thoáng trong không gian âm nhạc Từ Công Phụng. Ðây là những bài ca dành cho những người đang yêu nhau, những ai phải xa nhau, biết yêu lúc xa và nếu được gần hau thì hãy sống sao cho hết lúc gần...
Những người đang yêu, được yêu đã hát lên thay cho lời tình tự, những người đã lạc mất nhau trong đời hát nhạc Từ Công Phụng như một xót xa, tiếc nuối khôn nguôi.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng, bằng âm nhạc đã tô điểm cho đời sống chúng ta thêm nhiều màu sắc. “Bây Giờ Tháng Mấy,” những nốt nhạc viết lên khi tuổi thanh xuân mười tám là những nét dễ thương của tuổi trẻ nhìn đời bằng đôi mắt lóng lánh tin yêu, bằng trái tim rạo rực sôi nổi, tràn trề hy vọng. 
Tình yêu và âm nhạc từ ngàn xưa cho đến mai sau bao giờ cũng muôn đời gắn bó. Người ta hát về tình yêu từ đời này sang đời khác, người ta viết về tình yêu bằng trái tim dạt dào hạnh phúc khi yêu và đớn đau khi mất. Mỗi người có cách diễn tả khác nhau. Ở Từ Công Phụng, nhạc của ông cũng như con người ông bao giờ cũng thong dong, đằm thắm. Như thơ Hoàng Anh Tuấn “Bước rất nhẹ như mây mềm dưới gót”, như Huy Cận: “Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung, Có ai đàn lẻ để tơ chùng, có ai tiễn biệt nơi xa ấy, Xui bước chân đây luống ngại ngùng”... Nhẹ nhàng. Êm dịu và rất bình thường như thế đấy, nhưng tình yêu thì cứ ngập tràn, tha thiết mà trong chúng ta ai chẳng từng có lần bâng khuâng khi chợt nghĩ về nhau. Nhiều khi vì cuộc khó khăn, vội vã hình như chúng ta như quên mất thực tại, thiên nhiên không kém thơ mộng, cho đến khi nghe một bài hát nào đó, với giọng hát diễn tả tự nhiên, ta mới bừng tỉnh “cuộc sống vẫn tươi đẹp vô cùng.” Và chúng ta lại nhìn đời, nhìn người sống quanh ta bằng tình cảm trong sáng, bao dung và tin yêu hơn.
Hãy thử nghe lại nhạc Từ Công phụng mà xem:
“Xin đỉnh yên bình một mùa xuân ôm kín khung trời, của tuổi thơ thôi rã thôi rời. Xin đừng làm bão tuổi đôi mươi, để vòng tay khắc khoải ôm xuôi từng niềm vui theo biển gió... Hãy ôm trọn... ôm trọn tuổi xuân...”
Vâng, nếu trên con đường đời có đôi khi bị vấp ngã, hãy mạnh dạn đứng lên, màu hồng lấp lánh đang ở phía trước đón chờ.
Bản tình ca đầu đời trên sân trường Ðại Học Văn Khoa Saigon, những gương mặt trong sáng, những ánh mắt lấp lánh như trăng sao của tuổi trẻ một thời đứng, ngồi say sưa theo dõi.
Trong nhạc Từ Công Phụng, tình yêu rất đỗi nhẹ nhàng. Tình yêu nào cũng đẹp cho dù đã tạ từ nhau. Nhạc của Từ Công Phụng, trong một buổi chiều êm đềm nào đó, nghe chính tác giả hát là một điều thú vị. Giọng hát như gợi nhớ một chút gì mênh mang, đưa ta về khung trời cũ. Nét nhạc của Từ Công Phụng đã tạo cho tiếng hát của ông hay chính tiếng hát đã chuyên chở nhạc Từ Công Phụng? Một thoáng mây bay, một làn gió nhẹ rung lá, một vạt nắng mỏng manh: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn, Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?” (Tản Ðà) Và... tiếng hát như tự nơi nào đến, xa vắng, gợi buồn, nhất là trong những buổi chiều với những ai còn còn vọng hoài cố quốc:
Một chiều êm tay đan tay dìu em trên lối đưa em đi nhẹ vào đời.
Bằng vòng tay tôi nâng niu mùa thu thức giấc, đưa em vào ngày tháng vỗ về. ...
Nhạc Từ Công Phụng là như thế đấy!.
Bích Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng – Bút ký của Lệ Hằng 24 Tháng Năm, 2023 “Thấu Huế rồi.” Tôi háo hức suốt cả quãng đèo xanh bạt ...