Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Giấc mộng cuộc đời, giấc mộng thi ca

Giấc mộng cuộc đời, giấc mộng thi ca

(Đọc tập thơ: "Ngày của chiêm bao" 
của Thái Hồng, NXB Hội Nhà Văn, 2009)
Cuộc đời mỗi con người có sự giăng mắc, đan cài giữa mộng và thực, giữa ước mơ và sự thật hiện hữu. Thơ của nhà thơ cũng chính là giấc mộng được thêu dệt bởi thế giới ngôn từ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, tình yêu và sự sống. Đọc "Ngày của chiêm bao" của nhà thơ Thái Hồng, tôi cảm nhận được những cung bậc, sắc màu của giấc mơ ẩn hiện và thấp thoáng phía sau ngôn từ của từng câu thơ, bài thơ. A. De Vigny từng viết: "Thơ vừa là khoa học vừa là một tình cảm cuồng nhiệt". Đọc thơ của Thái Hồng tôi cảm nhận được một giọng thơ thấm đẫm chất suy tư, ngẫm nghĩ về thân phận của người phụ nữ, số phận của cái đẹp và những trăn trở về những nỗi niềm nhân thế. Không chỉ có thế, cảm xúc thẩm mỹ trong nhiều bài thơ của Thái Hồng thường tuôn trào, bộc phát mạnh mẽ, thể hiện nỗi khát khao được sống tận cùng và yêu tận cùng:
"ta nghênh ngang với phố
vốc đời mình quăng hết buổi rong chơi"......
dù chỉ một lần ta chính ta khoảnh khắc
hoa mặt trời vàng cháy trong đêm tròn một giấc mê"
(Hoa mặt trời vàng cháy trong đêm)
"em vinh quang trong vỡ nát trái tim mình"
(Những con bò tót lao về phía đỏ)
"Ngày của chiêm bao" có nhiều câu thơ khắc họa những cung bậc, sắc màu của giấc mơ. Hình tượng giấc mơ trong thơ của Thái Hồng mang sắc thái và biểu tượng của một thế giới khác, mang vẻ đẹp lung linh và huyền diệu. Hình tượng giấc mơ trong thơ của Thái Hồng chính là sự thăng hoa của những ẩn ức vô thức và ẩn chứa sự sống, khát vọng của đời người:
"những giấc mơ khuya rực rỡ mặt trời
tròn đầy vầng trăng khuyết"
(Lặng im bóng tối)
thôi dỗ lòng quay về giấc mơ
chờ đánh thức bằng nụ hôn huyền diệu"
(Người đàn bà và những giấc mơ cổ tích)
"đôi khi hoài niệm đẹp như một giấc mơ
mở ngăn cũ
lộng gió mùa hương"
(Đôi khi)
Friedrich Schiller viết: "Tiềm thức hợp với suy tưởng tạo thành nhà thơ". Nhà thơ Thái Hồng có một số câu thơ tài hoa với hình tượng thơ lung linh, ảo hóa bộc phát từ tiềm thức kết hợp với sự suy tưởng tạo nên sự giao động thẩm mỹ trong tâm hồn người đọc:
"em ướt mỏng giữa đời khô chật
cọng sương trong
lãng đãng dốc sương mờ"
(Hồn khói)
"khuya buồn ta thức cùng ta
lặng nghe tiếng gió thoảng qua sân người
bàn tay lật cuộc khóc cười
thềm rêu vừa đủ chỗ ngồi đợi mưa"
(Thức)
Thơ của Thái Hồng không có nhiều câu thơ hay nhưng tứ thơ và hình tượng thơ thường độc đáo, giàu tính suy tưởng, cảm xúc bộc phát mãnh liệt, khuấy đảo trí tưởng tượng của người đọc. Một số bài thơ của Thái Hồng có tứ thơ lạ, vạm vỡ về tư tưởng và độc đáo về phong cách thể hiện như: "Những con bò tót lao về phía đỏ", "Người hành hương lặng lẽ", "Đôi khi", "Hoa mặt trời vàng cháy trong đêm"...vv...Đọc thơ Thái Hồng, tôi cảm nhận được một thái độ lao động nghệ thuật hết mình, nghiêm túc và niềm đam mê của tác giả đối với công việc sáng tạo thơ ca đầy nhọc nhằn nhưng cũng đầy hạnh phúc. Ngôn ngữ thơ của Thái Hồng mang vẻ đẹp thô mộc, đặc quánh như mật và chất chứa sự trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời. Thơ của chị là thơ của sự trải nghiệm là sự thăng hoa của nước mắt và nỗi đau hóa thân thành hoa hồng và sương mù bay lãng đãng trong giấc mơ.
Giấc mộng cuộc đời và giấc mộng thi ca của nhà thơ như hai chiếc bình thông nhau, đan cài và hòa quyện, tạo nên một thế giới vừa thực vừa ảo, vừa tràn đầy sự sống vừa chất chứa khát vọng đối với tình yêu và cái đẹp. "Ngày của chiêm bao" của Thái Hồng mang vẻ đẹp của sự đắm say đối với con người, tình yêu và sự sống, đồng thời chất chứa sự suy tư, nỗi niềm nhân thế của nhà thơ. Cầu mong giấc mộng mãi hiện hữu trong cuộc đời của nhà thơ và mỗi người.
Mỹ Tho, tháng 11-2009
Võ Tấn Cường


1 nhận xét:

  Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng – Bút ký của Lệ Hằng 24 Tháng Năm, 2023 “Thấu Huế rồi.” Tôi háo hức suốt cả quãng đèo xanh bạt ...