Có lẽ đã thở lầm hơi thở
Của ai kia từ buổi lọt lòng ra
Mây trắng quá suốt đời ta nói mớ
Nên suốt đời mây trắng vẫn bay xa
Chỉ mấy câu thơ, Phạm Phú Hải đã tài tình lột tả được nỗi niềm
thân phận, nghiệp mệnh khốc liệt của chính mình. Sinh năm 1950 tại Điện Bàn,
Quảng Nam, Phạm Phú Hải lớn lên bên dòng sông Hàn, Đà Nẵng. Lặng lẽ với một hồn
thơ bẩm sinh, mẫn tuệ, trực cảm mạnh mẽ, dường như thi sĩ sinh ra đời chỉ thực
hiện một sứ mệnh duy nhất là làm thơ và làm thơ mà thôi. Thơ là hơi thở, là
bước đi kỳ cùng bất tuyệt, huyền chi hựu huyền trên con đường không lộ vô vi.
Nghỉ học sớm, vì bị một căn bệnh oái oăm tâm thần phân liệt nhẹ,
nên ở nhà đóng cửa đọc sách, miệt mài, miên mật suốt mấy chục năm trường đến
độ gần như tẩu hỏa nhập ma, nhưng rồi nhờ nội lực thâm hậu đã vượt qua được cửa
ải thập tử nhất sinh kinh hồn ấy một cách ngoạn mục. Rung cảm, nhập diệu vào
cảnh giới Hoa Nghiêm trùng trùng vô lượng trí, vô lượng tâm, ăn nằm thâm thiết
cùng tam tạng kinh điển đại thừa, nhảy múa cùng triết lý Đông Tây kim cổ,
nhào lộn trên phương trời đạo lý, hý lộng tự do.
Có nhiều khi xuất thần leo lên đỉnh Linh Sơn ngồi nghe pháp âm rền
vang dội, lội xuống suối Tào Khê uống ngụm nước thiền vô niệm Huệ Năng, vào động
Thiếu Thất gõ cửa thưa hỏi, tham vấn tổ Bồ Đề Đạt Ma về pháp thiền đốn ngộ tối
thượng thừa, đùa chơi hội thoại lai rai cùng thi sĩ Vương Duy, Lý Bạch, nghe
tiếng hét gầm sấm sét của Lâm Tế, rồi dập dìu hát nghêu ngao cùng Trang Tử
theo thể điệu tiêu dao du, lãng đãng suốt đêm ngày:
Sương gieo chữ trắng nghiêng bờ sậy
Mưa phủ vần xanh lã ngọn tùng
Linh Thứu pháp âm còn cuộn dội
Tào Khê thiền khí vẫn tràn tuôn
Vương Duy dụi mắt van đơn độc
Lý Bạch huơ tay chữ điệp trùng
Nuốt lưỡi Đạt Ma cười đất sụp
Phun môi Lâm Tế hét trời rung
Thi Khê Tuyền thấm hồn thanh thản
Đạo Chấn Lôi tan mộng hãi hùng
Ngày Lão Đam giăng mây huyền ảo
Đêm Trang Chu tỏa khói mông lung
U mê chất giữa lò than rực
Hôn ám đun trong bếp lửa phừng
Tam thế cháy tiêu ngày xuống núi
Thập phương rụi nát buổi lên rừng
Tam thế là ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều tiêu dung hết.
Lên rừng xuống núi, ruổi rong khắp mười phương trong thế giới nội tâm trầm tư
uyên mặc, uyên nguyên, Phạm Phú Hải đi về mặt đất hoang vu, băng qua sa mạc
cát sỏi, đất đá lăn quay đầy gió nắng, sương mù từ nguyên sơ đắm đuối. Lủi thủi,
lầm lũi một hình một bóng lạnh rờn trong hầm hố cô đơn cóng buốt suốt tuế
nguyệt căm căm. Tự nguyện cưới hỏi cô đơn, sống trọn vẹn với niềm cô đơn tối
hậu như Bùi Giáng, như Nietzsche, như Hoelderlin, những thiên tài kỳ vĩ trên
mặt đất.
Nhìn ngắm cảnh đời bằng thái độ vô sở cầu, vô sở chấp, sống âm
thầm như giọt sương nương náu qua ngày tháng đạm bạc đơn sơ dưới mái nhà bao
dung che chở của mẹ già. Sống độc thân, độc hành, độc đạo như một giấc mộng đặt
trên một giấc mộng, không vợ con, không lý tưởng, không sự nghiệp, không tài
sản, không địa vị, không trách nhiệm, không bổn phận, không bè lũ, đảng phái,
phe nhóm nào cả. Không là chi hết trên ngõ về vô sở trú giữa không gian và thời
gian.
Lang thang thả bộ hành quanh quẩn bên mấy con đường qua lại bờ bến
sông Hàn, rồi một hôm thi nhân dấn bước rong chơi qua miền biển trời Non Nước,
đứng trên đồi cao nhất ngọn Ngũ Hành Sơn rờn biếc mộng, vời trông lên những cụm
mây trắng nắng vàng đang chuyển dịch qua đủ muôn hình vạn trạng, tạo thành
nhiều bức tranh vân cẩu mà liên tưởng đến những hình ảnh cuộc đời cũng đang
thiên diễn vô thường giữa cuộc phù du hữu hạn, thoáng chốc, mong manh như Mây
Trắng:
Lão già cưỡi con ngựa già
Trắng phau lừng lững bay qua ngọn đồi
Ngọn đồi người ngựa cùng trôi
Chao ơi ! Ta thấy cuộc đời quá mau
Cuộc đời vèo qua mau quá, mọi sự đều chóng vánh tàn tạ, tàn
phai. Cái thấy nhạy cảm ấy đã theo sát từng bước chân của thi nhân và đã tạo
thành bước nhảy khôn dò qua hố thẳm không đáy của thi tưởng xứ. Có một lần
cùng họa sĩ Hoàng Ân lang thang lên đèo Hải Vân chơi, viếng chùa Huyền Không
thăm nhà thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Hồi đó, khoảng năm 1976, chùa Huyền
Không còn trên đèo Hải Vân gần thị trấn Lăng Cô. Đêm nằm ngắm trăng sao chiếu
diệu trên sườn đồi cỏ hoa thơ mộng nhìn xuống muôn trùng biển trời bát ngát
mênh mông, thi sĩ tha hồ phiêu dật tận cõi tang bồng
Về đây nằm giữa Huyền Không
Khuya nghe bão chuyển tự lòng đất ra
Mai kia nhật nguyệt tan nhòa
Sẽ còn ta đứng bao la bóng hình
Nghìn năm trước nửa hồi kinh
Nghìn năm sau một tiếng kình bơ vơ
Thanh âm níu lại giữa tờ
Buông tay ngọn bút xóa mờ biển dâu
Tro tàn chẳng gởi về đâu
Luồn qua cửa những bóng câu âm thầm
Đồi cao khói điếc sương câm
Mây mù là bạn tri âm thuở nào
Rào rạt nguồn thơ mở bừng ra cõi miền thiên cổ như thế, mạch thơ
chảy về thao thiết uyên tư. Từ năm 1966, mới 16 tuổi, Phạm Phú Hải đã bắt gặp
nàng thơ diễm kiều đi về phiêu phưỡng, phiêu dật nên tiếng thơ tần ngần bỗng
bật dậy ngân dài giữa trường mộng nhân sinh. Tiếng thơ ấy mang âm hưởng, dư
vang khác thường như tiếng hú lanh lảnh của loài vượn trong rừng sâu rú thẳm,
như giọng chim trời đồng vọng giữa sương bóng mênh mang…
Rồi đọng lại thành
hàng nghìn bài thơ chép rải rác, thất lạc đâu đó, chỉ còn lưu giữ được qua những
thi tập : Thâm Lâm Ngâm, Tiếng Hú Đầu ( bản thảo ) và đã đủ cơ
duyên xuất bản hai tập, sau khi thi sĩ qua đời : Một Hôm Núi Khóc ( 2009
) Gánh Nước Tưới Sông (2010).
Từ mộng đến mộng trong cõi giới tuyệt trù tư tưởng đến hư tưởng,
phi tưởng, phi phi tưởng ấy, chàng thi sĩ thường xuyên rơi vào những trạng
thái xuất thần, xuất cốt, cho nên trong thơ chàng cũng thường chứa nhiều ẩn dụ,
tượng trưng, hoán dụ, siêu thực vi vu như cơn gió chiều thiên thu lồng lộng,
như con cá nhỏ chết bên cầu ấy bữa xưa rồi bất thình lình sống lại hôm nay,
như gã thư sinh vô danh nọ lên núi đá, hỏi thăm đường đến chốn Bất Lai, chốn
miền vô quy, không trở lại trần gian này nữa, như gã tiều phu kia vào rừng
xanh núi thẳm làm ẩn sĩ mười lăm năm đến độ râu tóc óng ả, tỏa ngời ngời vô
lượng quang, vô lượng ánh sáng tự do, tự tại… Có phải thế chăng, hỡi người
thi sĩ tài hoa, khi phóng bút làm bài thơ độc đáo, kỳ lạ: A, A A, A A A, A A
A A, A A A A A… (Bất Tận, Âm Thanh A Bất Tận…):
Lạnh mùa thu ở trong núi đá
Có con cá nhỏ chết bên cầu
Có con chim nhỏ vì vui quá
Cũng chết bên cầu ấy bữa xưa
Có gã thư sinh lên núi đá
Hỏi thăm đường đến chốn Bất Lai
Trăng khuya úp mở sau ngàn lá
Bướm đỏ đàn đàn chấp chới bay
Có lão tiều phu trong núi đá
Mười năm say hương quế quên về
Lều dựng gió đầy rung mái gió
Một bầu cô nguyệt chảy tràn khuya
Trăng khuyết xuôi trăng tròn trăng khuyết ngược
Bứt tháng hái ngày phơi khô năm
Năm khô râu mới đùn râu cũ
Sợi sợi ấn ngời vô lượng quang
Xuất định bốn bề sương giọt giọt
Con chim xưa sống lại bên cầu
Tiều lão mặt trời vai tịch tịnh
Mặt trời rơi xuống giữa dòng sâu
Chẳng đến đâu chẳng từ đâu đến
Con chim ngày cũ hót inh rừng
Bên cầu đứng ngắm hai dòng nước
Một chảy xuôi đông một ngược nguồn
Không ở đâu không đâu chẳng ở
Cá hồi dương lội ngược chiêm bao
Cầu gãy hai bờ xưa tương ngộ
Trùng trùng từng hột đất xôn xao
Xôn xao theo nguồn xưa suối cũ dung thông. Không ngại gì, khi một
bọt nước biết mình vốn là nước đang trôi giữa dòng sông.“Chẳng đến đâu chẳng
từ đâu đến” hay là không từ đâu đến và cũng chẳng đi về đâu, là lấy ý từ
kinh Kim Cang : “Vô sở tòng lai diệc vô sở khứ.” Thấu thị được lẽ
như thị kia bằng cách nhìn và cách thấy riêng biệt theo thể lệ như nhiên, nên
dòng thơ cứ trôi chảy, chảy trôi trong tiếng vọng không lời.
Phạm Phú Hải, một thi nhân đích thực đã nếm được vô cực vô vi,
cúi xuống hòa mình trong tịch mịch, tịch liêu vắng lặng, tha thiết ngắm nhìn
vầng trăng huyền mộng, chan chứa một điều chi bí ẩn vô ngôn. Hồn hồn ngạc ngạc
gần như tịnh khẩu suốt mấy chục năm dài, để lắng nghe tiếng thơ ngân lên trên
cung bậc vô thanh vô ý, khi người thi sĩ đi từ ý thức đến vô thức, từ thực tại
đến chiêm bao, từ bình thường đến khác thường:
Có bàn chân dài hơn con đường
Nên chân trời là những đốt xương
Của ai bỏ lại ngàn năm trước
Sửng sốt kêu lên tiếng dị thường
Ngủ cũng có đôi khi mở mắt
Chiêm bao thấy được vạn màu xanh
Giận quá giận đất trời vô loại
Nhẫn tâm xô chết những bình minh
Đi một mình đứng lại một mình
Dài hai bên thạch đỉnh chênh vênh
Thử buông tay thả người lơ lửng
Ở giữa thinh không lại ngủ quên
Trăng cho thi sĩ màu du tử
Đứng lại để nhìn vũ trụ đi
Cất bước mà xem khôn kiền chật
Bỏ bước về thanh khí tương tri
Nhạn gọi én xa mùa bước biệt
Có mây già lụm cum đi theo
Du tử cuối đời về góc núi
Bỏ lại trên sông một tiếng chèo
Một tiếng chèo khua sóng nước nhẹ thênh, không để lại vết tích
gì cả cũng như cánh chim én, chim nhạn bay qua dòng sông, không lưu dấu bóng
hình chi. Chim vẫn bay, nước vẫn chảy và ngày tháng vẫn trôi đi như mây trắng
lặng thầm. Nằm trong cô tịch, thi sĩ lặng yên, nghiền ngẫm bao tuồng đời diễn
ra khắp ta bà là bóng hiện của cảnh giới tự tâm. Tâm mình nghĩ sao thì ứng hiện
ra cảnh đời như vậy đấy thôi, như nghĩ đến màu trăng lung linh, huyền ảo là hồn
dạt dào bao màu du tử xưa sau.
Màu du tử là màu gì ? Phải chăng đó là màu lang thang, lãng đãng
phong trần, phiêu bạt man thiên, là màu trăng cố quận đã biền biệt xa trong
hút mù tiềm thức, là màu hoa trên ngàn giữa mênh mang sương bóng hay là màu
tương tri của lẽ đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu giữa trời đất nhật
nguyệt, vũ trụ càn khôn ? Chốn miền bờ cõi thanh tân nào cho trăng sao chiếu
hiện, cho trăng ngủ sườn non, nghe khe suối reo ca. Thơ và trăng cùng khiêu
vũ, múa hát trên đồi mộng. Thơ dầm dề chảy tuôn buốt lạnh ngàn trăng, hằng cửu
trăng thơ nở một nụ sững sờ.
Thơ làm cho thi nhân nhìn thấy những gì kẻ khác không thể nhìn
thấy được, chỉ có thi nhân mới thấy, mới nghe được cái thấy, cái nghe vô
hình, bất động lắng sâu dưới sự va cham của âm ba và vọt lên trên sự tịch lặng
của vô thanh vô hưởng. Tưởng như những câu hỏi của loài người về kiếp nhân
sinh, luân hồi sinh tử là dễ trả lời nhưng thực ra, có mấy ai đáp được trọn vẹn
sự hiện hữu của chính mình ? Chỉ một câu hỏi đơn sơ “Tôi là ai ?” thôi,
thì cũng đủ cho thơ mở ra bát ngát những phương trời vô tận, vô cùng như ngàn
năm mây trắng mãi lê thê :
Ai ở triền non gánh lửa về
Ai tìm tuyệt cốc đốt u mê
Ngàn sau mây vẫn là mây trắng
Trăng ngủ lưng đồi mộng suối khe
Ai bay bằng cánh nhẹ hồn nhiên
Ai mỏi hai tay gỡ trược phiền
Ta chẳng là ta nên chẳng thể
Chẳng phiêu bồng nẩy lộc uyên viên
Ai chứ ai hề ai chứ ai
Khuya nay trăng rụng bóng lưng đồi
Ai mò đáy ngọc ôm trăng lại
Ta đứng bên đồi ngắm trăng trôi
Ai chứ ai hề ai chứ ai
Khuya nay trăng bỏ dấu lưu hài
Cùng trăng ai giỡn trên đồi lạ
Bỏ bóng bên trời chẳng gởi ai
“Tôi là ai ?” như một công án thiền, chỉ khi nào hành giả
bùng vỡ công án thì mới đốn ngộ. Triết gia vĩ đại Nietzsche cũng viết một tác
phẩm thâm viễn Tôi Là Ai ? được Phạm Công Thiện dịch và ca ngợi là
tuyệt tác. Ai là tôi hay tôi là ai vẫn ngân dài trên nhịp bước đơn hành, độc
đạo.
Làm sao mà có thể nguôi ngoai cho được khi mộng thơ, mộng nhạc, mộng
tình, mộng cảm vẫn còn tràn lan, lã lướt trên phím dương cầm âm vọng thánh
thót, rộn rã, bùi ngùi dưới mờ ảo vắng lặng trăng khuya. Ơi những mùa trăng
huyền thoại từ bao kiếp trước tương tri, tương ngộ còn mượt óng long lanh
quanh vườn hồn thơ lục diệp im lìm. Tim máu sắt son còn khẽ đập nhịp chiêm
bao náo nhiệt giữa biên thùy, biên giới hữu vô, nghe đảo lộn tồn lưu rớt xuống
muôn ngàn hương tóc biếc miên man ngạt ngào:
Nhìn là sóng mắt xôn xao
Thấy là máu dội ba đào lên tim
Vui là hát lộng rừng sim
Nghêu ngao là bước đi tìm bao la
Ai là ai giữa lòng ta
Tóc bay nhớ những chiều xa những chiều
Thắp ngày lên đỉnh cô liêu
Nắng đau thắp ngọn đìu hiu cuối trời
Nhớ là quên đi cuộc đời
Quên là nhớ mãi một người chưa quen
Khuya khuya vẽ mộng bên đèn
Ngày vang vọng bóng buồn chen bóng buồn…
Yêu là chẳng dám nói năng
Thương là dụi mắt ngỡ rằng chiêm bao
Lòng trong rất mực xôn xao
Mặt ngoài rất mực ừ ào như không…
Như không, như có, như mộng như thực là một cái nhìn bảng lảng bằng
con mắt thấu triệt, xuyên suốt thiên thanh vĩnh thúy. Chỉ một cái nhìn trực
diện, nhìn thẳng vào mặt người yêu dấu mà cả vũ trụ, thiên địa, mặt trời, mặt
đất, mặt trăng đều nhìn theo, dường như trông thấy cả vĩnh hằng :
Mặt tôi nhìn thẳng mặt người
Mặt trăng mặt đất mặt trời nhìn theo
Nhìn ngắm, chiêm ngưỡng đóa kỳ hoa dị thảo là một sự kiện thiêng
liêng, ảo thực cùng tương duyên, tương cảm, tương tức, tương nhập trong tâm hồn
chàng thi sĩ đang rúng động trước một bóng hồng nhan tuyệt sắc giai nhân,
ngây ngất mộng bồi hồi, lai láng ngát phiêu diêu:
Chàng Tú Uyên và nàng Giáng Kiều
Gặp nhau kỳ ảo biết bao nhiêu
Giáng Hương mắt ấy say Từ Thức
Nước suối reo đùa chim hát theo
Có lẽ một lần trong kiếp trước
Hình như tôi ngỏ ý yêu em
Có lẽ ngày xưa trên thượng giới
Hình như ta đã bắt đầu quen…
Ta đứng nhìn nhau ở giữa sân
Tương lai là hiện tại đang gần
Một mai nắng ấm trong xuân mới
Gió sẽ hòa ca theo bước chân
Ngọc ơi! Có phải trăng là nắng
Có phải mây là nước biển khơi ?
Có phải em bay hai cánh trắng
Bay cùng em mãi mãi là tôi…
Ơi chao! Dào dạt sóng tình yêu vỗ tràn bờ cỏ hoa tuyệt diệu, đẹp
như chuyện tình lãng mạn Giáng Kiều, Tú Uyên trong huyền thoại lung linh.
Tình yêu muôn thuở, bao giờ cũng ngập đầy say đắm, đam mê, nhưng đối với
chàng thi sĩ dị thường này, tuy nói lời đắm say như vậy nhưng thực ra không
phải vậy, bởi tâm tình hiến dâng cho tất cả mười phương. Đó là thương yêu vô
điều kiện, không chiếm hữu, không đòi hỏi người kia phải hồi âm hay đáp lại
điều chi. Chỉ biết mở rộng lòng ra yêu thương và yêu thương là cảm thấy đầy đủ
rồi :
Tôi yêu trăng
Tôi yêu chim, yêu hoa, nắng gió, bầu trời, dòng sông
Nhưng tôi không đòi trăng phải yêu tôi
Tôi không đòi chim, hoa, nắng gió phải yêu tôi
Phải chăng, đó chính là đại bi tâm hay tâm từ vô lượng, phát xuất
tận trong đáy lòng phóng khoáng vô ngần của thi nhân ? Có thể là như thế, có
lẽ là như vậy, nhưng chắc chắn một điều là thi nhân yêu vầng trăng da diết
miên trường, yêu thương đến độ nhập tâm, nhập thần, nhập diệu, chiếu mang
mang:
Trăng là sự lưỡng lự của ánh sáng
Cho nên rất dễ yêu
Có một dây đàn dài
Từ cung lòng ta đến cung trăng kia
Cây độc huyền của riêng ta
Cây độc huyền của riêng ta
Nếu em cũng cảm thấy như thế
Có một dây đàn dài
Từ cung lòng em đến cung trăng kia
Em sẽ nghe được tiếng nhị huyền
Trăng ơi !
Ta nghe đâu đây tiếng vạn huyền
Ta nghe đâu đây tiếng vạn huyền
Nghe được tiếng vạn huyền, cảm được âm thanh huyền ngân linh diệu
của vầng trăng là đã thấu đạt nguồn nhật nguyệt sơ nguyên, khiến ta nhớ đến
Hàn Mặc Tử, một nhà thơ suốt bình sinh cũng thở cùng trăng, uống cùng trăng
dưới sương mờ vạn cổ. Sương trăng thấp thoáng ngàn núi trăm sông, đồng vọng
trong tiếng đàn văng vẳng Beethoven hòa quyện cùng những cung cầm thâm thiết
Chopin, Mozart, Schubert, Franz List, Johann Strauss, Tchaikovsky… Kỳ diệu
làm sao là âm nhạc, chan chứa xiết bao niềm phấn chấn như thuốc thần tiên chữa
hết bệnh ưu sầu, ưu uất nghẹn hồn câm. Thấm thía nỗi đời oan nghiệt, điêu
linh, nên nhiều khi thi nhân cũng quằn quại trong tiếng kêu trầm thống, chạnh
lòng bi đát, bi thảm sầu xót xa:
Ta ở Đông phương buồn mặt trời
Người ở phương nào sầu có vơi
Mai ta gãy cánh bên khe đá
Một tiếng kêu lên động mấy trời
Ta ở Đông phương buồn một mình
Sầu đi đi lã ngọn chênh vênh
Giữa trưa soi bóng mình lệch bóng
Nửa đêm buồn rụng hết ngón chân…
Ta gọi nắng chiều nắng gọi ta
Ôi buồn khôn xiết nói khôn ra
Một mai quảy gánh đi lên núi
Bóng núi ngày ngày đậm bóng ta
Ta gánh thời gian lên đỉnh núi
Gởi về cho một cõi người xa
Hiểu nhau đời có bao tri kỷ
Mà mỗi khuya khuya nguyệt rụng tà…
“Hiểu nhau đời có bao tri kỷ” Một câu thơ như một câu hỏi bất
ngờ làm sửng sờ bất cứ kẻ nào lầm lì, chai đá, vô tri nhất. Một câu hỏi làm
giật mình khắp thiên hạ xưa nay. Thật vậy, trong cái cõi người ta chen chúc,
nhấp nhô mấy tỷ con người đang sống lúc nhúc, chập chùng, chung đụng với nhau
đây, hỏi thử được có mấy tâm hồn là tri kỷ, tri âm ? Phạm Phú Hải thì tâm đắc,
đồng thanh tương ứng với thi sĩ Bùi Giáng. Hai người dường như có một niềm đồng
giao cách cảm sâu xa. Ngày Bùi Giáng mất, Phạm Phú Hải bàng hoàng, sửng sốt
không thốt nên lời, chỉ lặng yên cho thơ trào ra bổi hổi :
Nắm xương thi sĩ tan rồi
Ngõ nào tung khỏi luân hồi thì tung
Nắm xương thi sĩ tan rồi
Ngõ nào ra khỏi luân hồi thì ra
Nghe tin anh chết bàng hoàng
Ngoài này tôi vẫn niết bàn từng đêm
Tại sao anh lại ngủ quên
Ngoài này tôi chẳng ngủ quên đêm nào
Thiên tài tự hủy đã quy trần
Quy qua quy lại lại quy hồng
Kinh Phật thuộc làu như lão đó
Ba nghìn thế giới nhét vào trong
Ba nghìn thế giới nhét vào trong lòng, trong hố thẳm tâm tư rồi
biến hóa thành ngôn ngữ thượng thừa thi ca Bùi Giáng, một thi sĩ kiệt xuất đã
tiêu hóa Hoa Nghiêm, Kim Cang, Pháp Hoa đến tận ruột rà, làu thông diệu pháp
Thiền tông, sống mật hạnh qua cung cách cuồng sĩ phóng túng giữa muôn chiều
diệu dụng cùng bọn văn nghệ sĩ ta bà, tự nhiên như nhiên mà chuyển hóa, hóa độ,
âm thầm nhiếp dẫn về cõi tự tại, tự do cho tất cả những tấm lòng đồng điệu
phiêu nhiên.
Tuyệt cùng vũ điệu phiêu hốt trên cung bậc ngôn ngữ thi ca Phạm
Phú Hải cũng có nhiều nét tương đồng cùng Bùi Giáng, nhưng đương nhiên vẫn cốt
cách, phong vận riêng biệt, đặc thù của mình qua những phương trời viễn mộng
ngao du. Từ tình đến cảnh, từ tâm đến vật, từ hiện thực đến siêu thực, từ ẩn
dụ đến tượng trưng… bước đi của thi sĩ vừa tưng bừng, hân hoan vừa uất khí,
bi tráng, thể hiện đủ mọi tình huống cuồng say man dại, gầm hú dữ dội lẫn sầu
ca ứa lệ ngậm ngùi… Cuối cùng còn lại là lặng im niêm hoa vi tiếu theo thể lệ
gay cấn ly kỳ:
Hãy nhìn hàng chữ này đi
Em ơi ! Có thấy những gì ở sau ?
Hãy nhìn và nhìn thật lâu
Em ơi ! Có thấy ở sau những gì ?
Thấy gì không sau những dòng chữ, dòng thơ cuồn cuộn trôi chảy
hàng ngàn ngàn câu lũ lượt dưới con mắt trần gian ? Điều đó, thi sĩ không bận
tâm, chẳng cần biết tới, chỉ biết rằng mình đang mần thơ và cứ việc mần thơ
mà thôi. Làm thơ là một công việc sáng tạo mãnh liệt như nhà thơ Phạm Công
Thiện tuyên bố: “Thơ đâm chồi từ những chủng tự bí ẩn, những nguyên âm
và phụ âm linh thiêng, xuất hiện u huyền từ thai tạng của vũ trụ nguyên khai
và thời gian nguyên tiêu khẽ động. Thơ xuất hiện trước thi sĩ. Thơ chính là
tiếng nói nguyên thủy của con người. Thi sĩ được đẻ ra trong Thơ, nuôi dưỡng
bởi Thơ và trưởng thành trong Thơ. Thi sĩ chỉ được gọi là làm Thơ vì chính
Thơ đã làm ra cái làm của thi sĩ. Cái gọi là thi hứng hay cảm hứng chỉ là
cách nói lên sự xuất hiện linh động, toàn diện của Tiếng Nói uyên nguyên, thế
lực vũ bão của nguyên âm và phụ âm trong lòng thu nhập sự im lặng vào tận
trung tâm điểm ba động của vũ trụ và thế giới, của mặt đất và thiên thanh, của
nhân và phi nhân, của chư thiên và quỷ thần, của biến động lịch sử và chấn động
thiên địa. Thơ là cuộc đại ba lãng của hư không và vũ trụ vậy…”*
Thấy như vậy là quá thượng thừa. Thôi kệ ! Thơ là gì cũng được,
miễn sao mình biết thưởng thức cái hay, cái đẹp, cái tuyệt, cái diệu của hồn
thơ là đủ rồi. Thơ cũng như đạo vậy, đòi hỏi mình phải thấy, phải cảm, phải sống
trọn vẹn bằng tất cả sự chân thành tha thiết nhất, bằng từng hơi thở ra vào
sâu thẳm, nồng nàn với nhịp đập thâm tình, vô ngại từ trái tim thì sự mầu nhiệm
sẽ hiện ra như ánh sáng giữa ban ngày, huy hoàng ngay trước mắt. Chẳng thể
nghĩ bàn, không thể luận nghị chi về thơ, về đạo… mà chỉ cần cảm nhận, trực nhận
ngay lập tức là xong. Đâu cần chi phải dài dòng mổ xẻ tỉ mỉ làm gì. Thôi thì,
hãy nghe chàng thi sĩ tiên tri về cái chết của bản thân hay cái điểm cuối
cùng của tất cả mọi sinh linh đang trôi lênh đênh trên biển đời luân lạc:
Một mai kia khi mạch đời đã cạn
Âm u ơi ! Xin hãy rước tôi về
Hãy dắt tôi bằng đôi tay mềm dịu
Tôi sẽ cười sẽ hát giữa hôn mê
Tiếng hát tôi tà huy sẽ hóa xanh
Sẽ dễ thương như ngọc quý an lành
Tôi sẽ lịm dần đi cùng tiếng hát
Như mây cao dần mỏng giữa bình minh
Hãy dìu tôi lên khoang thuyền lạ ấy
Cho tôi được ngồi dựa thẳng sống lưng
Cho tôi nói với những hồn đồng hội
Rằng hãy nhìn tôi với ánh mắt êm đềm…
Âm u ơi ! Tôi xin thâm tạ
Tôi đã tìm ra tiếng nói của thiên thu
Tiếng khóc sơ sinh hơn một lần tôi đã
Và ngày mai tôi lại sẽ bắt đầu
Thi sĩ tiên tri mình chết đi và sẽ tái sinh trở lại cõi đời, cho
nên không hề sợ hãi, hoảng hốt chi cả mà còn muốn hát vang lên giữa cơn hôn
mê, thiêm thiếp mệt nhoài. Bài thơ làm năm 1973, lúc 23 tuổi, rồi lặng lẽ âm
thầm kéo dài mãi đến năm 2009, đúng 59 tuổi mới ứng vào xác thân tứ đại của
người thi sĩ tài hoa.
Nhà thơ Trần Đới, điện thoại báo tin cho tôi biết Phạm Phú Hải
đã qua đời ngày 6. 5. 2009 tại Đà Nẵng. Lặng hồn tưởng niệm trong im lìm, tôi
để lòng trôi về miền ký ức xa xăm. Thời gian từ năm 1977 đến 1979 tôi cùng Trần
Đới, họa sĩ Hồ Đắc Ngọc thường hay ghé nhà Phạm Phú Hải chơi, thỉnh thoảng
kéo ra quán cà phê bên sông Hàn, tán dốc, đọc thơ Bùi Giáng và những bài thơ
mới của Phạm Phú Hải. Hồi đó, thi sĩ ưa hút thuốc lá và thích nói chuyện về
Thiền, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nietzsche, Krishnamurti…
Rồi từ năm 1980, tôi bỏ xứ, lìa xa quê nhà Đà Nẵng làm một cuộc
lữ thiên di phương Nam hành ngút mùa lang thang sĩ cho đến tận hôm nay. Tuy vậy,
năm nào tôi cũng quy hồi cố quận một lần vào dịp nghỉ hè, để viếng thăm bạn
bè, chư bằng hữu cố tri, dĩ nhiên trong đó có Phạm Phú Hải, một hồn thơ kỳ dị,
bi tráng, trầm hùng. Xúc động trước cái chết, trước sự ra đi đột ngột, bất ngờ,
xin tiễn biệt bạn hiền một bài thơ ghi lên mây trắng giữa mông mênh:
Chết là chuyển cuộc rong chơi
Sang cung bậc khác rạng ngời tâm linh
Lúc về đây chỉ một mình
Nên đi cũng vậy lặng thinh qua bờ
Bao năm sống động hồn thơ
Cùng rung cảm với từng giờ phút giây
Là con đường mến thương này
Thương mà chẳng vướng như mây nhẹ nhàng
Chan hòa đã đến tịnh quang
Lòng trong trẻo chiếu giữa ngàn suối khe
Tịch không lộng gió trăng kề
Miền thiên thu ấy nằm nghe thấy rằng…
Thơ Phạm Phú Hải (chữ nghiêng) trích trong các thi phẩm:
Một Hôm Núi Khóc (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Hà Nội 2009)
Gánh Nước Tưới Sông (Nhà xuất bản Đà Nẵng, Đà Nẵng 2010)
* Phạm Công Thiên. Một Đêm Siêu Hình Với Hàn Mặc Tử. Nhà xuất bản
Trần Thi, Hoa Kỳ 2006 PHẠM PHÚ HẢI THI SĨ DỊ THƯỜNG
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét