Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Chút tàn phai trôi trong đời Hàn Mặc Tử

Chút tàn phai trôi trong đời Hàn Mặc Tử 
 Có những bài hát được “đóng đinh” vào tên tuổi của chỉ một người ca sỹ hát thành công nhất, được công chúng đón nhận và dành cho nhiều tình cảm nhất thì cũng có những bài hát được “đóng đinh” vào một cung bậc tâm trạng nào đó của mỗi người nghe, để những lúc sống giữa tâm trạng đó, họ lại tìm  đến với ca khúc ấy như một thói quen, một nhu cầu mà sẻ chia, giao thoa và tìm đến một trạng thái cân bằng tốt nhất cho tâm hồn giữa hiện thực cuộc sống và sự diệu kỳ của âm nhạc.
Và với riêng tôi thì “Chút tàn phai” của Bảo Chấn là một trong những ca khúc đặc biệt như thế, cho tôi tìm đến trong những lúc nản lòng và mệt mỏi giữa nhịp sống hối hả và đua chen chốn Hà thành sôi động này, để sống và ngấm cùng nỗi buồn đau của nhân vật trữ tình trong ca khúc ấy  mà quên đi thực tại mệt mỏi của mình, để sống tốt hơn và trân trọng những điều bình dị nhưng lại mang nhiều ý nghĩa mà mình đang có.      “Chút tàn phai” được viết cho bộ phim truyền hình “Hàn Mặc Tử” của đạo diễn Trần Mỹ Hà, và ca khúc này đã nhanh chóng thoát ra khỏi cái khung làm nhạc nền cho phim mà có một đời sống riêng, một sự yêu mến riêng trong lòng công chúng yêu nhạc với giọng ca nam trầm ấm của ca sỹ trẻ Lê Hiếu.
Có thể thấy hai điều cơ bản là Tình (những mối tình lãng mạn cả ngoài đời và trong mộng tưởng)  và Đời (sự đau đớn và tuyệt vọng cùng căn bệnh phong) đã dồn nén lại trong những vần thơ, làm nên khúc ca bi tráng về người nghệ sĩ tài hoa mà bạc mệnh Hàn Mặc Tử, ám ảnh và lay động nhiều thế hệ…
 Nghe “Chút tàn phai” ta cũng phần nào thấy được bức tranh đó – một bức tranh lãng đãng suy tư, bàng bạc bi kịch của nỗi đau giữa đôi bờ tình – thơ:
“Khi mùa mưa về giăng phố cũ chập chùng
Nghe vọng từ nơi ấy bài hát tình nồng
Em về gọi chiều hôm câu hát còn thơm
Chút hương tàn úa chút đêm tàn phai trăng đầu non”
Thấp thoáng đâu đây trong những ca từ này, thấy không gian của vùng biển Phan Thiết khi Hàn Mặc Tử lặn lội từ Sài Gòn về tìm gặp Mộng Cầm  - không gian bàng bạc hoài niệm mùa yêu: có “mùa mưa về giăng phố cũ”, “vọng” lên đâu đó “bài hát tình nồng”; có những đêm “trăng đầu non” thấp thoáng nơi lầu ông Hoàng của hai tâm hồn đẹp đầy mộng mơ cùng ngâm thơ thưởng nguyệt…
Theo như lời  kể của tác giả Nguyễn Viết Lãm (Tuyển tập Hàn Mặc Tử) thì “đây là mối tình sâu sắc nhất của Hàn Mặc Tử, cho nên khi Mộng Cầm phụ bạc vì thấy anh mắc bệnh hiểm nghèo, anh rơi vào một nổi tuyệt vọng thê thảm: “Họ đã đi rồi không níu lại / Lòng thương chưa đã, mến chưa bao/ Người đi, một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”.
Và  trong “Chút tàn phai” - sự tuyệt vọng ấy được thể hiện và  ám ảnh qua các hình tượng: “vầng trăng”. ‘khung cửa” và  cùng những lời van lơn, cầu khẩn âm thầm tự đáy lòng thi nhân:
“ Im lặng chờ vầng trăng chia sớt một lời
Khung cửa nào bình yên tôi nhốt một đời
Thơ ngập ngừng thương nhớ cơn bão ngoài khơi
Vẫn van xin đời vẫn van xin người đừng phụ tôi.”
Giữa bi kịch của cô đơn tột cùng của những mối tình không thành và sự đớn đau của bệnh tật, người thi sĩ họ Hàn chỉ còn có vầng trăng, chỉ biết tìm đến với trăng để thổ lộ, trút bầu tâm sự, thậm chí là thét gào, huyễn hoặc cùng trăng. Trăng thành nhân tình, trăng thành giấc mộng đưa thi nhân bay lên, thoát ra khỏi thực tại để rồi trăng ngập tràn và trở đi trở lại trong suốt những vần thơ của Hàn Mặc Tử như một biểu tượng của sự khao khát và chênh vênh giữa mộng và thực.  “Ôi trời ơi là Phan Thiết! Phan Thiết / Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi / Ta đến nơi nường ấy vắng lâu rồi / Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ / Trăng vàng ngọc trăng ân tình chưa phỉ / Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng...” (Phan Thiết )
Tôi cứ có ấn tượng và ám ảnh mãi với “Khung cửa nào bình yên tôi nhốt một đời” cùng lời thiết tha tự sâu đáy hồn “Vẫn van xin đời vẫn van xin người đừng phụ tôi”. Khung cửa ấy, lời khẩn cầu xót xa và đầy tha thiết ấy vẽ lên một bức tranh tâm trạng của  sự chơ vơ, lạc lõng, cô đơn tột cùng khi sự sống gần kề với cái chết và sự tuyệt vọng trong tình yêu. Bởi cô đơn, bởi tuyệt vọng nên mới “van xin” – xin đời và xin người “đừng phụ tôi”. “Đời” – là cuộc đời này, là cả thế giới bên ngoài “khung cửa bình yên ” kia. Vậy còn “người” – “người” là những ai?
Theo các nhà nghiên cứu văn học thì có tất cả  5 người con gái từng xuất hiện trong thơ Hàn Mặc Tử là Mộng Cầm, Thu Cúc, Mai Đình, Ngọc Sương và Thương Thương –  5 chén  nhỏ để thi nhân rót ra những gì chứa chan từ chiếc bình tràn đầy tình của đời mình. Những mối tình ấy -  cả thực và mơ đều mang lại cho thi nhân cả những khao khát, thi hứng và những bi kịch trong tâm hồn, đi từ “Hương thơm” cho đến “Mật đắng” để rồi “Máu cuồng và Hồn điên” (tên 3 phần của tập “Thơ Điên” -  Hàn Mặc Tử) - rồi say – rồi đau đớn và tuyệt vọng trong những vần thơ lạ khiến ta đôi lúc phải rùng mình và ớn lạnh:“Tôi vẫn còn đây hay ở đâu / Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu / Sao bông phượng nở trong màu huyết / Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu” (Những giọt lệ)
Thấp thoáng hiện về giữa những hiện thực cô đơn giam mình sau một “khung cửa” như thế, ký ức lại tràn về trong thẳm sâu niềm ngác ngơ và ngậm ngùi tiếc nuối:
“Ngày vui khi nắng hồng lên khe khẽ gọi tên,
Ngày mưa giông gió ngàn khơi ngơ ngác tìm em.
Tìm lại đóa vô thường ,tìm giọng hát thiên đường
Một đời tôi đi mãi theo vầng trăng khuya…”
Đan cài giữa những niềm hạnh phúc trong “ngày vui” với không gian rạng rỡ của bình minh, giữa “nắng hồng” gọi tên người tình là sự bàng hoàng và “ngơ ngác tìm em” khi những “ngày mưa giông gió ngàn khơi” kéo đến, tan đi mộng lòng… Và cứ như thế, mãi lang thang, mãi cô đơn đi “tìm lại đóa vô thường, tìm giọng hát thiên đường” theo “vầng trăng khuya” lẻ loi cô quạnh giữa trời…
Hàn Mặc Tử sinh giữa mùa trăng, lại mắc phải căn bệnh mà ánh trăng có tác động mãnh liệt lên cơ thể, tâm trí (những đêm trăng sáng không khí ởQuy Nhơn lạnh hơn và Hàn Mặc Tử phải chịu nỗi đau đớn về thể xác do căn bệnh hành hạ nhiều hơn)  nên trăng với Hàn Mặc Tử là thơ, là cuộc sống. Trăng là máu, là hồn!. Và vì thế, nghe Lê Hiếu hát “Một đời tôi đi mãi theo vầng trăng khuya” mà lòng cứ thấy nghèn nghẹn, nhói đau – đau cùng bi kịch của sự cô đơn và khát khao hòa nhập với tình, với đời của người thi sĩ trẻ tài hoa họ Hàn.                                           
 Có ai đó đã nói rằng, những mối tình của Hàn Mặc Tử trong cuộc đời khổ đau của ông vừa thực vừa hư, thực đến não nùng tuyệt vọng như đối với Mộng Cầm, hư như sương khói mơ hồ như đối với Ngọc Sương và Thương Thương, và nhiều người lầm tưởng Hàn Mặc Tử cô đơn và tuyệt vọng vì những giấc mộng tình đổ vỡ  không thành ấy.                                                   Tuy nhiên, xét trên thực tế, nỗi đau đớn và tuyệt vọng lớn nhất của Hàn Mặc Tử  lại là sự xác nhận trước cái chết của mình như một thực tế tất yếu và sự khao khát được sống, được sáng tạo mạnh mẽ trong con người ông khi gặp cảm thức tôn giáo. Thiên chúa giáo góp phần nâng đỡ, làm điểm tựa cho con người trong cuộc sống, và ở trại phong Tuy Hòa, sự nâng đỡ, săn sóc tận tình của các bà sơ trong trại cùng những người khác thực sự là một sự nâng đỡ đối với Hàn Mặc Tử. Chính cảm thức tôn giáo đó là ngọn nguồn, đã thổi bùng lên ngọn lửa khao khát và đam mê sáng tạo trong tâm hồn thi nhân…
Với “Chút tàn phai” – nhạc sỹ Bảo Chấn đã góp phần khơi gợi và mang đến cho người nghe những xúc cảm của sự đồng điệu với nỗi đau và sự cô đơn trong cuộc đời của Hàn Mặc Tử.
Tôi có thói quen những khi buồn nản trong đời lại tìm đến với “Chút tàn phai” cùng giọng hát đượm buồn và khắc khoải của Lê Hiếu vì ca từ và giai điệu ấy cho tôi cảm được nỗi đau và sự khao khát khác còn lớn hơn gấp nhiều lần những phiền muộn trong lòng mình, để quên đi thực tại, để hồn phiêu và hòa nhập cùng  tình và đời của thi sĩ họ Hàn, để biết lòng mình vẫn chưa hề sạn chai theo nhịp sống hiện đại này trước một hình ảnh, một lời cầu khẩn,  van lơn vọng vào và nhức nhối giữa thời gian:
“ Im lặng chờ vầng trăng chia sớt một lời
Khung cửa nào bình yên tôi nhốt một đời
Thơ ngập ngừng thương nhớ cơn bão ngoài khơi
Vẫn van xin đời vẫn van xin người đừng phụ tôi.”
Lương Đình Khoa   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...