Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Chân dung các nhà văn trong hồi ký văn học

Chân dung các nhà văn trong hồi ký văn học
Trong đời sống văn học, thể ký chiếm một vị trí quan trọng. Ký bao giờ cũng viết về người thật, việc thật, thường được viết như là sự phản ứng trực tiếp với những biến cố thời sự trước những vấn đề nóng bỏng đương được đặt ra trong cuộc sống.
1. Con đường đến với văn chương và vị trí của các nhà văn trên văn đàn
Nhiều tác giả viết hồi ký, đã lấy đoạn đời thơ ấu mở đầu cho tác phẩm của mình. Đọc hồi ký Tô Hoài (Cát bụi chân ai), ta bắt gặp một cậu bé Hoài luôn là một thế giới tưởng tượng phong phú và với sở thích: “suốt ngày, tôi vùi đầu vào cái chỗ đọc sách”. Và thế giới nhân vật tiểu thuyết đã đi vào tâm hồn cậu. Chính vì vậy, “tôi ham viết từ khi ít tuổi. Tôi có cảm tưởng học đến đâu viết đến đấy. Bắt chước viết đến đấy”. Cũng chính sự đam mê và tâm hồn phong phú đã chắp cánh cho nhà văn Tô Hoài sau này đã khẳng định căn nguyên đến với nghề: “...những quyển tiểu thuyết Đỏ và Đen của Stăngđan, tiểu thuyết của Panai Istrati mà Vũ Ngọc Phan khuyên tôi đọc, đó là cái duyên quyến tôi vào nghề văn”.
Trong hồi ký “Song đôi”, ta thấy cuộc sống làng quê đã đi vào tâm hồn Xuân Diệu gợi cho nhà thơ những cảm xúc. Rồi những người thầy với “những bài diễn giảng (văn học) tác động mạnh vào tâm trí tôi”. “Song song với văn chương là ảnh hưởng âm nhạc với tôi, cải lương đã tăng chất trữ tình cho thơ tôi. Nó giúp cho chủ nghĩa lãng mạn ở trong thơ tôi được phát triển mạnh”.
Còn Tố Hữu, trong hồi ký “Nhớ lại một thời”, với tình yêu thích văn thơ của những người trong gia đình như ông ngoại, cha, mẹ đã ảnh hưởng lớn đến Tố Hữu - thơ Tố Hữu.
Đặng Thai Mai, đã thể hiện niềm tự hào và hạnh phúc của mình trong hồi ký khi nghĩ về ông nội và người cha của mình, về người thầy Lê Thước đã dạy cho ông biết học, biết đọc sách, biết viết văn. Tiếp nối bầu không khí học thuật của gia đình, Đặng Anh Đào trong tập hồi ký “Tầm xuân” cũng cho người đọc thấy được hình ảnh người cha (Đặng Thai Mai) đã ảnh hưởng như thế nào đến con đường văn chương của bà.
Tự bao giờ, cuộc sống vùng quê trong không khí hương cau, hoa ngâu, những lũ chim gà quấn quýt bên nhau, những lễ hội hát Ví, hát Lim, hát quan họ, hội Vẽ, hội Thương…... đã làm cho tâm hồn Anh Thơ cứ mơ mộng và thích làm thơ (Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng chia cắt).
Cái mà người ta trông đợi ở một cuốn hồi ký vẫn là phần liên quan đến nghề nghiệp của tác giả trên nền chung của xã hội mà nghề đó có liên quan. Đọc hồi ký của Tố Hữu, ông đã khẳng định mình thuộc dòng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Còn Anh Thơ, nữ thi sĩ trong cái duyên của “Bức tranh quê” đã khẳng định về nét đẹp của thơ mình không giống một ai. Và bà tự thấy mình có thể nói chuyện với các thi sĩ sông Thương về sự nhận xét và đánh giá thơ của chính mình. Hay Lưu Trọng Lư khi tự đánh giá về vị trí của mình trong cuốn hồi ký “Nửa đêm sực tỉnh” đã thông qua lời nhận xét của cụ Phan Khôi về tập truyện ngắn “Người sơn nhân”, cho rằng: “Tôi là người viết truyện giỏi nhất, từ Hoàng Ngọc Phách đến Tự lực văn đoàn không ai hơn tôi”. Còn nhìn vào cuộc đời sáng tác của Tô Hoài, người đọc cũng rất tâm đắc về lời nhận xét về mình của ông: “Tôi vào nghề văn có trong ngoài ba mươi năm trước 1945, và viết như chạy thi”. Đào Xuân Quý, một nhà thơ, nhà phê bình văn học đã chân thành nhận xét về sáng tác của mình: “thơ của mình có một giọng buồn buồn nhẹ nhàng thôi, theo kiểu trường phái lãng mạn ở các nước phương Tây cuối thế kỷ XIX”. “Từ khi đến với văn học đến nay, cũng đã có sự thành công rất nhiều trên ba lĩnh vực: thơ, tiểu thuyết, phê bình và dịch thuật”.
Những trang viết về con đường đến với văn chương, vị trí trên văn đàn; bên cạnh những gợi mở mà người đọc từ trước đến nay chưa có dịp biết đến, ta còn nhận ra ở những trang hồi ký do quen tay, giỏi thích ứng hoặc do mải làm hàng, trong văn họ không khỏi nhiều trang, nhiều đoạn mang tính cách độn, đắp thêm vào.
2. Dựng chân dung các nhà văn trong đó có chân dung tự họa của chính mình
2.1. Chân dung Nguyễn Bính
Đọc những vần thơ chân quê của nhà thơ Nguyễn Bính, người đọc hình dung đó là con người giản dị, mộc mạc, chân chất như vần thơ của tác giả. Nhưng khi đọc những tác phẩm hồi ký của các nhà văn, ta lại thấy một Nguyễn Bính ngoài đời, một con “ma men” tùy tiện và phóng túng trong lối sống và sinh hoạt, là một con người có tính cách lăng nhăng. Nguyễn Bính xuất hiện với cái tên B trong hồi ký của Anh Thơ về hình dáng, cử chỉ…... thật khác xa với một Nguyễn Bính trong suy nghĩ của bà khi hình dung về con người này qua thơ.
2.2. Chân dung Xuân Diệu
Xuân Diệu trong mắt các nhà văn là một con người trang nhã, rất gần gũi, nhẹ nhàng, thân ái và rất thủy chung. Cả cuộc đời cho lao động văn học, không hề lãng phí thì giờ vào chuyện bon chen, chạy vạy để mong kiếm được chút quyền, chút lợi hão mà nhiều người ham muốn. Thế nhưng cuộc sống nội tâm của con người tài năng, tài hoa này với bao nỗi đau phải chịu đựng. Chính trong những hồi ký của các nhà văn viết về chân dung Xuân Diệu, người đọc trào lên một cảm xúc, cảm thông chia sẻ với nỗi đau, nỗi bất hạnh của “nhà thơ tình không tuổi” này.
2.3. Chân dung Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân xuất hiện ngay đầu những trang hồi ký của Tô Hoài với vóc dáng của một chàng trai trẻ những năm 30 đỏm dáng và chơi chua khác người. Đó là một con người có tính cách ngang tàng, dường như không thích khuất phục ai. Đó là một con người tài hoa và giàu lòng tự trọng, cầu kỳ cẩn thận trong nếp sống, không xô bồ, vồ vập mà kín đáo, thâm trầm…... đã yêu ai ghét ai thì khó mà giấu được bởi tính “thẳng như ruột ngựa”. Song con người ấy, ác khẩu đến mức nghiệt ngã cũng là một con người tình nghĩa với bạn bè, bao giờ cũng gửi thiếp chúc Tết cho những người quen biết, tặng hoa hồng quý cho người cần tặng, chia sẻ từng chén rượu ngon với bạn bè. Người đọc thấy trong những hồi ức miên man ấy một cái gì như sự nể trọng, khâm phục nhà văn Nguyễn Tuân.
Nét nổi bật nhất trong việc xây dựng chân dung là các nhà văn biết chọn lựa, nắm bắt cái thần của đối tượng. Một Nguyên Hồng chen vai giữa mọi người, như mọi người, mặt lúc nào cũng đăm đăm  không phải khó đăm đăm mà đăm đăm chăm chú, dường như ít khi rỗi rãi, cả lúc đương đi. Một Nguyễn Huy Tưởng hiền lành, chân thực, xốc vác với công việc chung, bao giờ cũng nhìn người, nhìn sự vật ở những khía cạnh tốt đẹp nhất…...
2.4. Chân dung tự họa của các nhà văn
Đến với tác phẩm hồi ký của các nhà văn, người đọc được bắt gặp một cái Tôi từng trải, cái Tôi lăn lộn với cuộc sống để tồn tại và hoạt động xã hội. Tô Hoài từ một cậu bé đánh giày, một anh kế toán sổ sách, một anh thất nghiệp lang thang…... đã trở thành nhà báo cách mạng, một anh cán bộ miền núi, rồi một nhà văn lão thành ngày hôm nay: Phó Tổng thư ký Hội nhà văn, Giải thưởng văn học Hồ Chí Minh năm 1996. Anh Thơ từ một cô gái nhút nhát ngỡ ngàng trong cái ngày nhận giải thưởng của Tự lực văn đoàn đã trở thành một biên tập viên cho tờ báo Đông Tây rất nhiệt tình, tài năng và vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng. Còn Nguyễn Hiến Lê, ra đời trong hoàn cảnh nho học không còn sủng ái, sau những ngày lêu lỏng, cậu bé biết giật mình nghĩ lại để rồi mình hứa với mình tu chí học hành phấn đấu vươn lên. Chân dung Tố Hữu thì được khắc họa gắn liền với những mốc son trong cuộc đời hoạt động của nhà thơ “trữ tình chính trị” này.
Tìm hiểu về bộ phận hồi ký văn học là một vấn đề khá lý thú. Cần có những công trình lớn tiếp tục nghiên cứu thì mới có thể giải quyết được một cách toàn diện, đồng bộ những vấn đề của thể loại này trong suốt tiến trình vận động của nó.
 Nguyễn Quang Hưng 


1 nhận xét:

  Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng – Bút ký của Lệ Hằng 24 Tháng Năm, 2023 “Thấu Huế rồi.” Tôi háo hức suốt cả quãng đèo xanh bạt ...