Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Chuyện về bản giao hưởng mùa xuân

Chuyện về bản giao hưởng mùa xuân
Robert Schumann là một con người kỳ lạ, âm nhạc của ông kỳ lạ, và cả số phận của ông cũng kỳ lạ. Bản thân tài năng của Schumann cũng chứa đựng sự mâu thuẫn giữa tính bồng bột, xốc nổi và những suy tư tâm lý phức tạp, tế nhị, sâu kín, giàu sức nặng tình cảm. Schumann mất khi mới 46 tuổi (1810-1856), nhưng mười sáu năm cuối cùng của cuộc đời ông đã đủ để trở thành một cuốn tiểu thuyết mà chương đầu của nó chính là bản giao hưởng số 1 của ông – Giao hưởng Mùa xuân.
Năm 1840 là năm hạnh phúc nhất của Schumann. Ông và nữ danh cầm piano Clara Wieck đã vượt qua được những rào cản để tổ chức một đám cưới thật hạnh phúc. Đối với Schumann, đó là cả một cuộc sống mới với những giấc mơ mới. Schumann sáng tạo bằng mộng tưởng, và có lẽ phải là những mộng tưởng bùng lên trong đầu ông mới có thể khiến ông sáng tác với tốc độ phi thường đến thế. Chỉ trong bốn ngày cuối tháng giêng năm 1841, Schumann đã phác thảo xong bản giao hưởng đầu tiên của ông, giọng Si giáng trưởng, tập tác phẩm số 38. Một tháng sau đó, nó đã được hoàn thành với một cấu trúc hoàn chỉnh. Ông đã đặt tên nó là “Giao hưởng Mùa xuân”. Theo nhật ký của Clara, bản giao hưởng số 1 này cùng với tiêu đề của nó được lấy cảm hứng từ những bài thơ mùa xuân của Adolph Boettger. Nhưng chính Schumann thì lại cho rằng, cảm hứng của ông hoàn toàn bắt nguồn từ việc Clara đã khích lệ ông viết giao hưởng và từ một mùa xuân tràn ngập hạnh phúc trong tình yêu với Clara.
Bản Giao hưởng đã được chào đón nồng nhiệt ngay trong lần trình diễn đầu tiên ngày 31/3/1841 ở Leipzig, do Felix Mendelssohn chỉ huy. Tuy nhiên, Schumann vẫn quyết định sửa lại các chương vào tháng tám năm đó. Kể từ giao hưởng số 1, Schumann đã bắt đầu xây dựng cách thức sáng tác các tác phẩm lớn của ông, đó là phác thảo thật nhanh tất cả những ý tưởng bùng lên trong đầu và chỉnh sửa lại tác phẩm sau một lần trình diễn thử nghiệm.

Schumann, có lẽ cũng giống như nhiều nhà soạn nhạc thời sau Beethoven, đã cố gắng tìm cho mình một con đường khác để vượt ra khỏi cái bóng của Beethoven và Schubert. Giao hưởng số 1 của ông nằm ở giữa những cái gọi là âm nhạc tuyệt đối (absolute music/abstract music - âm nhạc thuần tuý trừu tượng) và âm nhạc chương trình (có chủ đích mô tả cảnh sắc, tâm trạng hoặc kể một câu chuyện). Toàn bộ Giao hưởng Mùa xuân là những cảm xúc tươi tắn, hồ hởi, tràn đầy những hương sắc của khí trời và hoa cỏ. Hình thức giai điệu mới mẻ, hòa âm đẹp, mang vẻ độc đáo và đầy cá tính. Schumann đã đưa vào tác phẩm của ông những yếu tố cấu trúc kỳ lạ, thuần túy là sự bốc đồng lãng mạn chủ nghĩa và không thể lý giải được theo chuẩn mực giao hưởng của Beethoven. Tuy nhiên, kiểu cấu trúc này lại được giải thích bằng chính bản thân tính hấp dẫn và vẻ đẹp mới lạ của âm nhạc.
Schumann sáng tác nhanh, nhưng âm nhạc của ông không hề hời hợt. Tchaikovsky từng viết: “Âm nhạc của Schumann là những diễn biến sâu sắc của đời sống tinh thần, những hoài nghi, những thất vọng và những hoài bão lý tưởng xâm chiếm lòng người”. Các tác phẩm của Schumann thường là sản phẩm của những cảm hứng và niềm xúc động dào dạt nhiều hơn là từ sự sắp xếp, dàn dựng mang tính kỹ thuật hay năng lực sáng tác ổn định. Chính vì thế mà giao hưởng của Schumann thường thiên về sự cường điệu cảm xúc mà ít chú ý đến cấu trúc cũng như sự phối dàn nhạc. Tuy nhiên, chính những biểu hiện tâm lý phức tạp và nhạy cảm đến mức dữ dội trong âm nhạc của Schumann đã khiến Tchaikovsky ca ngợi ông là nhà soạn nhạc giao hưởng xuất sắc nhất của trường phái giao hưởng Đức thời sau Beethoven.
Kể từ khúc dạo đầu đầy sức sống với Giao hưởng Mùa xuân, Schumann đã viết thêm ba bản giao hưởng nữa. Chúng đều là sản phẩm của tố chất thiên tài đầy thất thường. Chính Schumann có lẽ cũng đã thừa nhận rằng, sức sáng tạo của ông bắt nguồn từ tình cảm không thể tả xiết với Clara. Trong mỗi tác phẩm, Schumann dường như đều cố gắng đi tìm hình ảnh người vợ yêu dấu của ông.
Clara - Robert Schumann - Brahms
Cuối năm 1853, Schumann rơi vào trầm cảm nặng và không bao giờ hồi phục lại được nữa. Ông không còn đủ sức để chống lại những suy nghĩ điên rồ, trong đầu ông đan xen lẫn lộn những âm điệu huy hoàng với những tiếng gào thét đau đớn. Ngày 26 tháng 2 năm 1854, ông đã nhảy xuống sông Rhine với mục đích tự tử. Ông vẫn còn khóc nức nở khi người ta đưa ông về nhà. Chiếc xe ngựa chở ông đi qua một đám đông, ở đây mọi người đang tổ chức một lễ hội hóa trang địa phương. Những chiếc mặt nạ, những bộ trang phục nực cười và đầy chế giễu lại khiến trong đầu ông vang lên bản Fantasy Lễ hội hóa trang (Carnaval) - một tác phẩm nổi tiếng cho piano và ông đã từng viết. Dòng sông Rhine, nơi ông vừa nhảy xuống cũng đã từng là cảm hứng cho ông viết nên bản Giao hưởng Sông Rhine bất hủ từ bốn năm trước đó. Số phận đang trêu ngươi ông và đang làm cho bệnh của ông thêm trầm trọng. Trở về nhà, chính Schumann đã yêu cầu được đến bệnh viện tâm thần ở Endenich, vì ông sợ chứng điên của ông sẽ có thể làm hại Clara. Schumann đã phải vật lộn khổ sở với những âm thanh ma quỷ trong đầu ông, ông thường xuyên chửi mắng các bác sỹ. Ông thường ngồi cả ngày để viết những bản fugue một cách vội vã, nhưng không có tác phẩm nào làm ông hài lòng, và ông đã đốt hết chúng.
Cuốn tiểu thuyết dành cho hai người đã trở thành cuốn tiểu thuyết dành cho ba người kể từ khi vợ chồng Schumann đến thăm thiên tài trẻ tuổi Johannes Brahms, năm tháng trước khi Schumann đến Endenich. Bằng danh tiếng của một nhà phê bình âm nhạc hàng đầu châu Âu thời đó, chính Schumann đã là người đầu tiên nhận ra và tôn vinh tài năng của Brahms.
Brahms đã đau lòng đến độ quẫn trí khi người ta mang Schumann đi. Ông đã chuyển đến ở Düsseldorf để giúp gia đình Schumann chăm nom những đứa trẻ trong thời gian đợi Clara trở về từ những chuyến lưu diễn gần như bất tận của bà. Brahms và Clara vẫn thường xuyên trao đổi thư từ. Đến cuối năm 1854, quan hệ của họ đã trở nên thân thiết đến mức trong đoạn cuối một bức thư gửi cho Clara, Brahms đã viết lại một đoạn lấy từ cuốn truyện Nghìn lẻ một đêm: "Hôm nay, Thượng đế đã cho phép tôi nói với em rằng, tôi đã yêu em. Nước mắt đã khiến tôi không nói được thêm điều gì nữa." Chúng ta không thể biết được Clara đã trả lời như thế nào, bởi vì mãi nhiều năm sau họ mới lại viết thư cho nhau.
Thỉnh thoảng Schumann có viết thư về, lúc thì cho Clara, lúc thì cho Brahms. Trong những bức thư ông vẫn cố gắng chứng minh rằng đầu óc của mình đã trở lại bình thường và sẵn sàng để trở về nhà.
Cuối cùng thì Brahms cũng được phép đến Endenich để thăm Schumann. Họ đã chơi song tấu và đi dạo cùng nhau. Nhưng cũng kể từ đó, Schumann lại rơi vào sự lãnh đạm và suy sụp tinh thần một cách tồi tệ hơn, có lẽ ông cũng đã cảm nhận rằng, giữa Brahms và Clara có nảy sinh những tình cảm đặc biệt. Lần duy nhất Clara đến thăm Schumann là hai ngày trước khi ông mất. Schumann đã ở một mình lúc ông từ biệt cuộc đời, đó là khoảng bốn giờ chiều ngày 29 tháng 7 năm 1856.
Có lẽ, trước bi kịch của Schumann, không ai đau buồn hơn Brahms. Tình cảm của ông dành cho cả Robert và Clara có thể nói là quá lớn. Người ta có thể nghe được điều đó trong chính âm nhạc của Brahms. Tác phẩm mà Brahms đã viết sau cái chết của Schumann - bản Concerto cho Piano số 1, tràn đầy sự đau đớn. Ông đã cố gắng rời xa Clara để có thể quên đi tình yêu với bà.
Nguồn: Tia sáng



1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...