Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Những mùa thu trong thơ Hồ Thị Mỹ Hạnh

Những mùa thu trong thơ Hồ Thị Mỹ Hạnh
Hồ Thụy Mỹ Hạnh là một trong những cây bút nữ có tiềm năng của tỉnh nhà, chị đã trình làng 4 tập thơ riêng, tập mới nhất mang tên “Mưa Trên Sông”. Do sở VHTT Lâm đồng xuất bản năm 2005.
Đọc các trang thơ của Hồ Thụy Mỹ Hạnh tôi chợt nhận ra một điều rằng mùa thu là nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tác của chị, trong 4 tập có tới gần 20 bài, trong đó mùa thu không chỉ ẩn trong tứ thơ mà hiện diện ngay tiêu đề của mỗi bài, ví dụ như: Thành phố mùa thu, Giai điệu mùa thu, Lặng lẽ mùa thu, Thu khúc, Bâng khuâng mùa thu, Gởi anh mùa thu, Bây giờ là mùa thu, Đơn Dương mùa thu…
Mỗi mùa thu đến, Hồ Thụy Mỹ Hạnh lại chìm vào một tâm trạng xa xăm, thổn thức!
Những mùa thu xa xưa, đã có một tình yêu đi qua đời cô gái và để lại trong lòng cô nhiều vấn vương, tiếc nuối:
Đến bao giờ mà thu nay vội đi
Anh có biết cái gì còn ở lại…
Trong tim em một mùa thu khắc khoải
Đã nhuộm vàng kỷ niệm của ta xưa
(Thành phố mùa thu)
Hình như mùa thu về
Không gian chừng trở lạnh
Cơn mưa chiều đã tạnh
Sao còn buốt hồn em
(Bây giờ là mùa thu)
Những mùa thu sau đó, nỗi nhớ chẳng hề phôi phai, nó vừa da diết lại vừa xa vời, thôi thúc hồn thơ của nữ sĩ, tựa như một món nợ định kỳ phải trả:
Em bao giờ cũng thế
Làm thơ cho mùa thu
Để lá vàng kể lể
Trên lối đi sương mù
(Thu sầu)
Bóng dáng người xưa vẫn găm vào lòng cô gái một nỗi nhớ the thắt, bề ngoài tưởng như không cồn cào nữa, nhưng những đợt sóng ngầm vẫn xoáy dữ dội dưới lòng sâu:
Lặng lẽ chiều, cái lặng lẽ mùa thu
Nắng vội vã theo mặt trời lặn xuống
Những cánh chim trên đường bay về muộn
Có chở giùm nỗi nhớ của em theo
Lặng lẽ chiều, lặng lẽ tiếng thông reo
(Lặng lẽ mùa thu)
Trong cái khoảnh khắc chao nghiêng ấy, cô gái gởi nỗi niềm vào không gian, dẫu vẫn biết lời nhắn nhủ sẽ chẳng đến được với người thương, nhưng đã có lá thu vàng cùng chia sẻ:
Em sẽ gởi cho anh
Nỗi nhớ vàng như lá
Khoảng cách này xa quá
Biết có đến nơi không ?
Như mưa rơi vào sông
Nỗi niềm không tràn được
(Bâng Khuâng mùa thu)
Nhưng, như một nhà văn đã nói, thời gian là phương thuốc hiệu nghiệm giúp vết thương lòng lành lại, cô gái đã dần dần điềm tĩnh hơn, bình thản hơn khi gặp lại mùa thu, cái buồn chỉ còn nhè nhẹ, phảng phất :
Thu đến mang về những áng mây
Giọt mưa nhè nhẹ rớt vào tay
Phải chăng mưa cũng rơi vào mắ
Nên thoáng chút gì trong mắt cay
(Đà lạt thu)
Nếu trong tất cả các bài thơ vừa nêu trên đều có chung một nét buồn man mác thì đến bài Đơn Dương mùa thu người đọc chợt bắt gặp một sắc màu mới trong tứ thơ của Hồ Thụy Mỹ Hạnh. Lúc này nhà thơ không chỉ mượn mùa thu như cái cớ để giãi bầy, dường như đang lắng nghe hơi thở của mùa thu, hoà vào hương thu, quyện vào hồn thu, như một phần trong đó;
Khẽ khàng thôi, mùa thu Đơn Dương
Để mây ngủ chớ làm thức giấc
Gió đừng thổi để hương đừng bay mất
Hãy xanh hơn bầu trời lặng im
(Đơn Dương mùa thu)
Lời thơ êm ả mà khoẻ khoắn, phải chăng chủ thể trữ tình đã vững vàng, mạnh mẽ hơn sau những trải nghiệm!
Một nhược điểm trong thơ Hồ Thụy Mỹ Hạnh là chị đã vẽ nên những bức tranh thu quá buồn bã, ảm đạm. Thật may, bài Đơn Dương mùa thu này để ở trang cuối cùng của tập  “Trăng 30” đã mang lại một hiệu quả tâm lý tích cực, hé ra một tia nắng mới trong cảm xúc sáng tác của người viết và mở ra một bầu trời thu trong trẻo hơn trong cảm nhận của người đọc.
Điểm nổi trội trong kỹ năng cầm bút của Hồ Thụy Mỹ Hạnh là lời thơ rất duyên dáng, giàu hình ảnh và có sức biểu cảm cao. Ví dụ như trong hai khổ thơ sau:
Buổi chiều đưa nắng về đâu
Để hoàng hôn đến bắc cầu vào đêm
(Chiều tàn thu)
Khẽ khàng thôi mùa thu Đơn Dương
Để mây ngủ chớ làm thức giấc
Những vần thơ trên nghe gợi cảm đến nao lòng, lời thơ mượt mà, uyển chuyển. Chiều đưa nắng, hoàng hôn bắc cầu, hình tượng thật đẹp. Khẽ khàng thôi mùa thu Đơn Dương, nghe thật trìu mến và mềm mại, đầy nữ tính.
Dạo bước cùng Hồ Thụy Mỹ Hạnh qua nhiều mùa thu, mỗi mùa một dáng vẻ.. Tới điểm dừng chân cuối cùng là mùa thu ở Đơn Dương, nơi chị đang sống và làm thơ, người đọc có thể hoàn toàn yên tâm rằng chị có đủ nghị lực để vượt lên số phận vốn ít may mắn của bản thân và có đủ tự tin để vươn cao hơn trong sáng tác.
Bạch Nhật Phương
Tạp chí Lang Bian_số 55


1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...