Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

‘‘Làng quê đang biến mất’’ - Cái nhìn thẳng vào góc khuất xã hội

‘‘Làng quê đang biến mất’’ - Cái nhìn thẳng vào góc khuất xã hội
Những vấn đề nhức nhối tồn tại trong nhiều mặt đời sống được đem ra luận bàn và phân tích dưới góc độ văn hóa. Tác phẩm thể hiện cái nhìn tâm huyết và đầy trách nhiệm của tác giả đối với đất nước.
Tên sách: Làng quê đang biến mất?
Tác giả: Tạ Duy Anh
Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2014

Trong khuôn khổ hơn 300 trang sách với 66 bài bình luận xã hội, Tạ Duy Anh đề cập nhiều mặt tiêu cực trong đời sống. Trong đó, tác giả phân tích những băng hoại đạo đức và nhân cách của một bộ phận như nạn tham nhũng, thói quan liêu, cửa quyền. Lối tư duy, hành xử nặng tính tiểu nông, manh mún, duy ý chí của một số thành phần cũng được ông đưa ra mổ xẻ. Tạ Duy Anh nói về các vấn đề qua lăng kính văn hóa, với một thái độ khách quan và công tâm. 
Làng quê đang biến mất là một lời cảnh báo trước tình trạng "đô thị hóa" đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, nhưng lại không có sự quy hoạch bài bản xảy ra ở nhiều vùng nông thôn. Thực trạng này khiến những cảnh quan thanh bình của làng quê như: cổng làng, lũy tre xanh, ao làng trong vắt, hay từng đàn đom đóm bay đêm... sẽ chỉ còn trong sách vở, tư liệu. Thay vào đó là một lối sống, một không gian văn hóa lai-căng "không phải của người nhà quê, nhưng cũng rất lâu nữa hoặc không biết đến bao giờ, mới là của người thành thị".
Làng quê - đó không chỉ là một không gian sống. Với một quốc gia có nền văn minh lúa nước từ lâu đời như nước ta, đó còn là cả một không gian văn hóa truyền thống. Nhà văn Tạ Duy Anh cho rằng: "Nói một cách dễ hiểu nhất thì chúng ta đang cùng nhau đồng loạt bỏ mặc cho làng quê yêu dấu biến mất với một sự vô cảm đáng sợ. Và như vậy cũng sẽ biến mất phần không gian đặc sắc nhất của văn hóa Việt".
Trong rất nhiều vấn đề muốn bàn luận cùng bạn đọc, nhà văn bày tỏ đôi điều suy nghĩ về "tình thầy trò" thời hiện đại. Ông cho rằng tình thầy trò phản ánh gương mặt của nền giáo dục: "Bởi vì đây là mối quan hệ thiết lập trên nền tảng của học vấn và nhân cách. Nó đòi hỏi một bên hy sinh vô bờ bến, một bên thì tu dưỡng bản thân không ngừng. Mối quan hệ này nhất định phải là thuần túy tinh thần"- (Tình thầy trò và gương mặt của nền giáo dục).
Trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, giá trị đồng tiền được xem trọng quá mức. Người ta coi tiền là tiêu chí quan trọng để đánh giá con người, là thước đo cho tài năng và thậm chí... là cả trí tuệ. Chính điều này đã làm "biến chất" nhiều tình cảm cao đẹp. Vì tiền, không ít người thầy xem nhẹ sự nghiệp trồng người mà mình gánh vác. Nghề giáo đối với họ không còn là "nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Vì những điểm số, những sự bợ đỡ, vuốt ve có thể mua được bằng tiền, hay rất nhiều tiền mà nhiều học trò không còn sự tôn trọng với thầy giáo. Bởi tư tưởng "có tiền là có tất cả" đã bén rễ, ăn sâu vào  đầu chúng từ chính môi trường giáo dục. Hậu quả đã được bày ra trước mắt: "Và tất nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó. Những hành động như học trò tạt a xít, đánh trọng thương hoặc dọa giết thầy... xảy ra ở khắp nơi. Ngược lại chuyện thầy cô hành hạ, nhục mạ, xâm hại học trò cũng không còn là chuyện hiếm. Thậm chí nhiều chuyện đáng xấu hổ đã thành phổ biến mà ai nói ra thì chính người ấy ngượng trước. Cả hai cách hành xử, mang tính nhân quả, song song tồn tại, cho thấy nhà trường hiện nay ít nhiều đánh mất vai trò của một thánh đường đạo đức".
Trong Làng quê đang biến mất, tác giả cũng đề cập tới tình hình biển Đông và sự tranh chấp quyết liệt về pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc suốt hai tháng nay về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - một vấn đề nghị sự nóng bỏng trên chính trường trong nước và quốc tế. Cách đó khá lâu, nhà văn Tạ Duy Anh bằng cái nhìn đa diện từ nhiều mặt: chính trị, văn hóa, lịch sử đã chỉ ra sự ngạo mạn, vô căn cứ và hống hách của Trung Quốc trước những luận điệu họ đưa ra về chủ quyền đối với Hoàng Sa.
Trung Quốc đang trên đường trở thành một cường quốc, nhưng đó chỉ là về chính trị và kinh tế, còn cách cư xử thì hoàn toàn ngược lại: "Thương thay cho Trung Hoa vĩ đại, mấy nghìn năm mà trong vấn đề ngoại giao, vẫn chưa thoát khỏi tầm vóc cũng như thái độ tự ti, yếm thế của một tiểu quốc. Thế giới còn phải mất nhiều công để dạy họ. Về phần mình, có lẽ chúng ta lại phải cần đến những bức thư Nguyễn Trãi gửi bọn Phương Chính bị vây khốn như lũ chuột trong thành Đông Quan 600 năm trước để nhắc họ về sự thảm bại của thứ văn hóa cậy mạnh nói càn" - (Lý sự kiểu Tàu).
Bằng ngòi bút chính luận sắc sảo cùng cái nhìn toàn diện và công tâm về nhiều mặt của đời xã hội, những trang viết của nhà văn Tạ Duy Anh đã góp phần thức tỉnh người đọc, cho chúng ta thấy được nhiều góc khuất tối tăm của xã hội. Làng quê đang biến mất thực sự là tác phẩm mang tính thời đại, ở đó chất báo chí, chất sử học và văn học đan xen phản ánh muôn mặt của đời sống xã hội Việt Nam đương đại. Những câu chuyện vẫn xảy ra thường ngày của xã hội được Tạ Duy Anh góp nhặt, mổ xẻ, phân tích và đánh giá dưới cái nhìn văn hóa của một nhà văn giàu trải nghiệm. Đây không chỉ là một tác phẩm văn học nó còn là tâm huyết của một công dân có trách nhiệm với xã hội mình đang sống.
Quỳnh Anh
Nguồn: vnexpress.net


1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...