Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Những nhạc phẩm hay mang không khí mùa hè

Những nhạc phẩm hay mang không khí mùa hè 
Mùa hè với nắng, gió, bầu trời xanh và những chuyến đi xa đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ viết nên những giai điệu nổi tiếng như ‘Vào hạ’, ‘Vĩnh biệt mùa thương’, ‘Nắng vàng, biển xanh và anh’ hay ‘Quán café mùa hè’.
xin giới thiệu với độc giả 10 bài hát hay mang những sắc màu của mùa hè.
1. “Vào hạ” (nhạc sĩ Lê Hựu Hà)
“… Hãy thắp sáng tâm hồn
Cháy lên trong tim mỗi người
Những yêu thương trong cuộc đời
Mùa hạ ơi, tình phơi phới
Bạn ơi xin hãy vứt hết nỗi buồn…”
Vào hạ là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà, ra đời vào những năm 1990. Mang giai điệu rộn ràng, sôi động, ca khúc này được thể hiện qua giọng hát của diva Mỹ Linh (nghe ca khúc). Rất nhiều thanh niên Việt Nam trong thời kỳ đó đã đón nhận nồng nhiệt và thuộc lòng từng câu hát của Vào hạ. Mùa hè là lúc chúng ta gác lại những công việc, mệt mỏi trong một năm để “vươn đôi cánh mềm lặng lẽ kiếm chốn nao bình yên”.
Một không khí đầy nhiệt huyết của mùa hè với những hình ảnh như “dòng sông xanh kia nằm yên như không muốn trôi” hay “rì rào ngọn heo may thở than qua muôn khóm cây” đã được người cố nhạc sĩ thể hiện qua phần lời ca đầy chất thơ của Vào hạ.
2. “Mùa hè yêu thương” (nhạc sĩ Quốc An)
“… Nhớ rồi quên, bao năm tháng dịu êm, giờ chỉ là dĩ vãng
Mùa hè ơi sao đến vội vàng
Chia tay nhé bạn thân
Và từ biệt mái trường…”
Hè sang cũng là mùa mà những cô, cậu học sinh cuối cấp từ biệt mái trường để đi tới những chân trời mới. Những tiếng ve kêu gọi hè, những tà áo trắng thướt tha trong sân trường, màu phượng vĩ đỏ rực và những gương mặt bịn rịn lúc chia tay đã trở thành một hình ảnh đẹp và khó quên trong nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam mỗi khi hè về.
 Mùa hè là mùa chia tay của học sinh cuối cấp. Ảnh: Hoàng Hà. Chính vì vậy, mùa hè còn thường được gọi là mùa chia tay học trò. Khi tháng 5 về, nhìn những bóng dáng tà áo trắng trên đường phố, chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta sẽ không khỏi bồi hồi, hoài niệm về một “mùa hè yêu thương” của dĩ vãng. Mỹ Tâm là một trong những ca sĩ đã thể hiện thành công ca khúc Mùa hè yêu thương của nhạc sĩ Quốc An (nghe ca khúc).
3. “Phượng hồng” (nhạc: Vũ Hoàng, thơ: Đỗ Trung Quân)

“… Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu
Chùm phượng vĩ em cầm tuổi tôi mười tám
Thưở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu…”
Được phổ nhạc từ bài thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân, Phượng hồng là lời tâm sự của một chàng trai về mối tình đầu đã qua. Những ký ức hiện hữu trong anh ta là chiếc giỏ xe rực đỏ màu hoa phượng vĩ, cơn mưa bất chợt giăng ngoài cửa lớp, bài thơ tình lưu giữ trong trang vở và đặc biệt là “tà áo ai bay trắng cả giấc mơ”. Không biết từ bao giờ, hình ảnh hoa phượng đã gắn liền với những mối tình tuổi học trò.
 "Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu?". Ảnh: Xuân Chính. Mối tình thưở học trò ấy trôi qua đúng vào mùa hè, trong sự ngẩn ngơ của chàng trai, để rồi sau đó anh ta chỉ biết trách cô gái rằng: “em chở mùa hè của tôi đi đâu?”. Trong số những ca sĩ từng thể hiện, Tấn Minh được đánh giá là người đã thể hiện được cảm xúc nhất những nỗi niềm tương tư của chàng trai trong Phượng hồng (nghe ca khúc).
4. “Lời yêu thương” (nhạc ngoại, lời Việt: Đức Huy)
“… Anh muốn được cùng em về vùng biển vắng
Mình sẽ sống những ngày hè nhuộm nắng
Dưới bóng dừa lả lơi, sẽ nói yêu em mãi
Nói những lời yêu thương đã từ lâu ôm ấp trong lòng hoài…”
Vào thập niên 1990, nhạc sĩ Đức Huy đã viết lời Việt cho ca khúc nhạc Jamaica nổi tiếng có tên Jamaica Farewell của danh ca Harry Belafonte. Lời yêu thương ra đời và đã chinh phục nhiều thế hệ người yêu nhạc Việt Nam trong gần hai thập kỷ qua. Đặc biệt, câu hát “Anh muốn được cùng em về vùng biển vắng, mình sẽ sống những ngày hè nhuộm nắng” ngày trước đã được vô số chàng trai hát để tỏ tình với người mình yêu.
 "Anh muốn, được cùng em về vùng biển vắng...". Ảnh: Phạm Thúy Hằng. Cho đến nay, giai điệu của Lời yêu thương vẫn chưa bao giờ bị coi là cũ. Người hâm mộ vẫn luôn nhớ tới màn hòa giọng tuyệt vời của 4 giọng ca Đức Huy, Tuấn Ngọc, Duy Quang, Thái Châu trong một chương trình ca nhạc (nghe ca khúc). Ca sĩ Ý Lan cũng từng thể hiện rất thành công bài hát này (nghe ca khúc).
5. “Quán café mùa hè” (nhạc sĩ Huy Tuấn)
“… Quán café phố mưa,
Mình anh trong quán đêm ướt đèn
Phố không người, hạt mưa trắng bay
Hè đã sang rồi đấy…”
Mùa hè còn nổi tiếng với những cơn mưa dài bất chợt trên đường phố. Những lúc đó, người người chỉ mong được vào một nơi nào đó, nhâm nhi và tận hưởng từng ngụm café thơm ngát. Chỉ có những khi như vậy, chúng ta mới cảm nhận được rõ nét nhất mùi vị và cảm xúc của thiên nhiên, khi cái nắng oi ả, nhễ nhại bị xua đi bởi sự tươi mát của những con mưa rào.
 'Quán cafe mùa hè' nằm trong album vol.3 có tên 'Made in Vietnam' của Mỹ Linh. Ảnh: st. Dường như cái cảm giác ngồi café một mình ngắm mưa, sở thích của rất nhiều người, đã gợi cảm hứng cho nhạc sĩ Huy Tuấn viết nên Quán café mùa hè với những giai điệu đầy quyến rũ và ngẫu hứng. Ca khúc này nằm trong album thứ ba của Mỹ Linh, Made in Vietnam, phát hành năm 2003 (nghe ca khúc).
6. “Hạ trắng” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)
“… Gọi nắng
Trên vai em gầy, đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say
Lối em đi về trời không có mây
Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy…”
Cả bài hát không hề nhắc tới từ “hạ” nhưng qua những câu hát bất hủ và giai thoại về giấc mơ “hạ trắng”, người nghe có thể cảm nhận được câu chuyện mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã kể trong Hạ trắng là vào một mùa hè oi ả, “trời không có mây”. Được người cố nhạc sĩ sáng tác vào năm 1961, Hạ trắng luôn gợi một hình ảnh xa xăm về quá khứ. Khi câu hát “gọi nắng, trên vai em gầy, đường xa áo bay” vang lên, người nghe như bị hút vào và lơ lửng trong cái thinh không của thời gian, để rồi sau đó bị kéo trở lại bởi tiếng gọi của “mùa thu tới”.
 'Hạ trắng' là một trong những nhạc phẩm nổi tiếng nhất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: st. Trải qua 50 năm, Hạ trắng vẫn mang một sức sống mãnh liệt như thưở ban đầu, vẫn đưa người nghe “lang thang” trong những ý niệm vô hình về thời gian mỗi khi những giai điệu quen thuộc được cất lên. Khánh Ly (nghe ca khúc), Lệ Thu (nghe ca khúc), Tuấn Ngọc (nghe ca khúc) hay Quang Dũng (nghe ca khúc) đều là những ca sĩ đã trình diễn thành công nhạc phẩm bất hủ này.
7. “Nắng vàng, biển xanh và anh” (nhạc sĩ Lê Hựu Hà)

“… Nắng lên rồi đêm vội đi ngày đang tới
Đất với trời bắt tay nói câu chào nhau
Gió tung tăng, vui đùa bay làn tóc rối
Cả thiên nhiên cũng hân hoan đón mặt trời…”
Lại là một tình khúc mùa hè của cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nắng vàng, biển xanh và anh mang nhịp đập, hơi thở của những trái tim đang yêu. Khi mùa hè đến, “cả thiên nhiên cũng hân hoan đón mặt trời”. Mùa hè trong rất nhiều ca khúc khác như Phượng hồng, Vĩnh biệt mùa hè thường gợi cảm giác chia ly, nhưng với hai sáng tác của Lê Hựu Hà là Vào hạ và Nắng vàng, biển xanh và anh, mùa hè lại gợi lên sức trẻ đầy nhiệt huyết.
 Nắng vàng, biển xanh và anh. Ảnh: st. Biển xanh, nắng gió là hai thứ mang đậm không gian của mùa hè. Trong khung cảnh tươi đẹp ấy, một đôi tình nhân đang trao nhau những nụ hôn cháy bỏng. Đó là những hình ảnh mà người nghe có thể hình dung ra khi thưởng thức Nắng vàng, biển xanh và anh qua giọng hát của ca sĩ Hồng Nhung (nghe ca khúc).
8. “Hè muộn” (nhạc: Bằng Kiều, lời: Dương Thụ)
“… Một ngày đi qua, và đêm cũng qua
Lá xanh đã vàng, phượng vĩ đã tàn
Nhưng em đâu có hay hồn nhiên như đám cỏ hoa
Không biết hè muộn còn rực cháy…”
Hè muộn là một ca khúc trữ tình do chính Bằng Kiều đồng sáng tác với nhạc sĩ Dương Thụ. Bài hát nói về nỗi chờ mong người yêu đến mòn mỏi của một chàng trai, cho tới khi “lá xanh đã vàng, phượng vĩ đã tàn”. Nỗi nhớ của chàng trai được khép lại bằng một câu hỏi cảm thán: “không biết hè muộn còn rực cháy”. Anh ta cố gắng níu kéo những giấc mơ và những tia nắng cuối cùng của mùa hè, dù những giọt sương đêm của mùa thu đã bắt đầu chớm xuất hiện.
Chàng trai ấy vẫn lưu giữ hình ảnh “bước chân nhẹ nhàng” của người yêu và mong mỏi về một “giây phút hè muộn tình nồng cháy”, nhưng mùa thu lại sang rất vội vàng. Nhiều ca sĩ từng thể hiện Hè muộn, nhưng đây vẫn là bài hát gắn với tên tuổi ca sĩ Bằng Kiều (nghe ca khúc).
9. “Vĩnh biệt mùa hè” (nhạc sĩ Thanh Tùng)
“… Mùa hè bâng quơ, bâng quơ nỗi nhớ
Những chiếc lá non vươn trên cành cây khô
Mùa hè bâng khuâng hoài,
Để tim xốn xang hoài
Và lòng ta bỗng, như mong chờ bóng ai…”
Là một trong những bản tình ca nổi tiếng nhất về mùa hè của nhạc Việt, Vĩnh biệt mùa hè được nhạc sĩ Thanh Tùng viết bằng cảm xúc sau khi đọc kịch bản bộ phim cùng tên của nhà văn Nguyễn Đông Thức. Khi mùa hè trôi qua, tiết trời dịu mát của mùa thu thường để lại trong con người một cảm giác bâng quơ, tiếc nuối, đúng như câu hát của nhạc sĩ Thanh Tùng - “mùa hè bâng khuâng hoài, để tim xốn xang hoài”.
 Một trong những hình ảnh đặc trưng của mùa hè. Ảnh: Xuân Chính. Những câu chuyện tình yêu đầu đời cũng thường được kết thúc vào mùa hè với “nước mắt vương trên bờ môi”. Lời ca của Vĩnh biệt mùa hè đã ví tình đầu như là cơn giông mãnh liệt, nhưng khi ra đi lại rất vội vàng, “gieo bao đớn đau cho tâm hồn ngây thơ”. Ca sĩ Thanh Lam được đánh giá là người thể hiện thành công nhất bản tình ca nổi tiếng này (nghe ca khúc).
10. “Đêm hè” (nhạc sĩ Tuấn Hùng)
“… Mùa hè ấy, còn lại trong mỗi người
Từng hình bóng, từng giọng nói tiếng cười
Từng bài hát, nhịp nhàng rung nết môi
Và hạt nắng, hàng cây gió lung linh…”
Được biết đến lần đầu trong bộ phim truyền hình Ngày hè sôi động vào năm 2001, Đêm hè do nhạc sĩ Tuấn Hùng thể hiện cùng em gái Phạm Thúy Hằng (cựu thành viên nhóm nhạc Me xanh và cũng là diễn viên trong phim) từng được rất nhiều bạn trẻ Việt Nam yêu thích (nghe ca khúc).
Mặc cho những lùm xùm xung quanh chuyện tác quyền và giải thưởng âm nhạc thể nghiệm năm 2006 của nhạc sĩ Tuấn Hùng, nhiều khán giả vẫn nhớ đến Đêm hè bởi giai điệu độc đáo, phảng phất chất Jazz kết hợp với nhạc điện tử và phần lời ca ý nghĩa, mang không khí mùa hè của tuổi trẻ.
Theo http://vforum.vn/

1 nhận xét:

  Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng – Bút ký của Lệ Hằng 24 Tháng Năm, 2023 “Thấu Huế rồi.” Tôi háo hức suốt cả quãng đèo xanh bạt ...