Tiến sỹ Hoàng Kim Ngọc
Hoàng Kim Ngọc
Tóm tắt:
Lưỡi trong văn hóa truyền thống biểu
trưng cho lời ăn tiếng nói, cho lối sống, cách đối nhân xử thế. Trong thơ đương
đại Việt Nam, trên cơ sở tiếp nhận quan niệm truyền thống, biểu tượng lưỡi còn
mang những ý nghĩa mới. Lưỡi biểu trưng cho tình yêu mãnh liệt với những
khát khao nhục cảm. Lưỡi là hình tượng để qua đó thi sĩ thể hiện khát
vọng sáng tạo; những nhận thức, trăn trở trong hành trình tìm tới chân - thiện
– mĩ; những quan điểm, tư tưởng, tuyên ngôn về nghệ thuật…
1. Dẫn nhập
Biểu tượng, theo Từ điển Petit Larousse,
là “dấu hiệu hình ảnh, con vật sống động hay đồ vật biểu hiện một điều trừu tượng,
nó là hình ảnh cụ thể của một sự vật hay một điều gì đó.” Theo C.S.Jung, “Biểu
tượng là một danh từ, một tên gọi hay một đồ vật, ngay cả khi quen thuộc trong
đời sống hàng ngày nhưng vẫn chứa đựng mối liên hệ về mặt ý nghĩa, bổ sung và
cái ý nghĩa ước định hiển nhiên và trực tiếp của chúng.”
Như vậy, biểu tượng là một hình thức ký hiệu
của con người, là công cụ để con người tri nhận thế giới. Biểu tượng tồn tại dưới
hình thức ngôn ngữ là biểu tượng ngôn từ, là một hệ thống ký hiệu 2 tầng bậc,
giúp truyền tải ý nghĩa sâu xa trong một hình thức ngắn gọn, góp phần tạo hàm
ngôn. Với khả năng kết hợp của ngôn ngữ thì biểu tượng ngôn từ có thể mở rộng ý
nghĩa, đặc biệt rất hiệu quả trong văn chương. Khi thực hiện chức năng thẩm mĩ
trong một tác phẩm văn học, biểu tượng ngôn từ được cấu tạo lại, tổ chức lại
trong mối quan hệ với các nhân tố của quá trình giao tiếp đặc biệt như một hoạt
động sáng tạo. Các nhà văn, nhà thơ dựa trên những mối quan hệ hoặc bổ sung, hoặc
tương phản, hoặc đẳng cấu để tổ chức các tín hiệu thẩm mĩ hướng tới việc khắc họa
nổi bật hình tượng nghệ thuật, cũng từ đó mà thể hiện lối tư duy nghệ thuật
riêng, một phong cách sáng tạo riêng. Do vậy, một trong những chìa khóa để khám
phá giá trị nghệ thuật của một tác phẩm văn học là giải mã các biểu tượng trong
tác phẩm trên nền tri thức văn hóa chung được sử dụng dưới ý đồ, sáng tạo của
người nghệ sĩ ngôn từ.
Ở bài viết này, chúng tôi tìm hiểu ý nghĩa của
biểu tượng lưỡi trong lời ăn tiếng nói hàng ngày và trong văn học, cụ
thể là thơ ca đương đại Việt Nam.
2. Lưỡi và biểu tượng lưỡi trong
văn hóa truyền thống
2.1. Từ góc độ khoa học, Lưỡi là cơ
quan vị giác nằm trong khoang miệng của động vật có xương sống. Ở động vật có
vú, lưỡi là khối cơ vân chắc, phủ ngoài bằng lớp biểu bì phân lớp,
phía dưới là lớp mô liên kết. Mặt trên lưỡi có nhiều nhú cảm giác (chồi
cảm giác). Trên lưỡi chia thành một số vùng tương ứng với khả năng cảm
giác, vị giác khác nhau. Các vị giác mà lưỡi có thể cảm nhận rồi “phản
ánh” như: ngọt, mặn, chua, cay, đắng... (Wikipedia). Lưỡi là bộ phận
mềm, không xương, chuyển động bằng các cơ, có khả năng uốn dẻo linh hoạt. Lưỡi có
chức năng vô cùng quan trọng trong hoạt động ăn uống và nói năng của con người.
Trong ăn uống, lưỡi nhận, đưa và đảo thức ăn trong khoang miệng. Lưỡi là
bộ phận cảm nhận vị giác, giúp con người cảm nhận được các vị khác nhau của thức
ăn. Trong nói năng, lưỡi là cơ quan cấu âm không thể thiếu. Để phát
ra một tiếng/ âm tiết, con người phải sử dụng các bộ phận trong khoang miệng
như răng, môi, ngạc, dây thanh, lưỡi… Lưỡi có vai trò tạo ra sức cản
luồng không khí thoát ra từ họng để phát ra các âm thanh. [4,151]
2.2. Chính vì lưỡi có đặc điểm và chức năng
như trên nên trong quan niệm văn hóa truyền thống, lưỡi trước hết biểu
trưng cho lời ăn tiếng nói của con người.
Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới đã
cho rằng, lưỡi là biểu tượng của sự hình thành, tạo tác lời nói, là
nguồn gốc của lời. Trong tiếng Anh, tiếng mẹ đẻ được thể hiện bằng từ mother-tongue (tongue là
cái lưỡi), hoặc thành ngữ Keep your tongue cũng có nghĩa là giữ
mồm, giữ miệng, thận trọng lời ăn tiếng nói. Trong tiếng Việt, cũng có những
câu như:
- Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.
- Ngậm cái miệng lại không tao đánh cho gãy
lưỡi bây giờ!
- Ăn nói cẩn thận không có lại bị cắt lưỡi.
Khi lời nói làm phật lòng, gây tức giận người
khác, lưỡi – công cụ tạo ra lời nói đó, nguồn phát ra lời nói đó – phải
là nơi để trút giận, để ngăn nó tiếp tục.
Đức Phật đã dạy rằng bệnh tật của con người từ
miệng vào, tai ương của con người cũng từ miệng mà ra (vạ miệng). Lưỡi –
nguồn gốc của lời nói – “bị” cho là nguồn gốc của tai ương [1, 549] . Thánh
Gia-cô-bê đã nói: “Lưỡi tuy bé nhỏ, nó đã nói lên nhiều điều vĩ đại mà
chính nó cũng làm hoen ố cả con người chúng ta.” (8). Esope trong câu chuyện ngụ
ngôn nổi tiếng đã cho rằng không có gì quý giá bằng lưỡi vì lưỡi là
chìa khóa của triết lý, mỹ thuật và chân lý, cũng không có gì trên đời xấu bằng lưỡi,
nó là mầm chiến tranh ly loạn, là nguyên nhân của hiềm thù, ghen ghét (8). Lịch
sử đã chứng minh, rất nhiều trường hợp con người không cần dùng gươm dao, súng
đạn để tiêu diệt kẻ thù mà chỉ cần dùng cái lưỡi (Uốn ba tấc lưỡi). Sức
mạnh của cái lưỡi chính là sức mạnh lời nói.
2.3. Từ chỗ biểu trưng cho lời ăn tiếng nói,
ý nghĩa của lưỡi tiếp tục phát triển, mở rộng, trở thành một biểu tượng
phản ánh nhân cách con người.
Cổ nhân đã dạy: Sông sâu còn có kẻ dò,
lòng người nham hiểm ai đo cho tường; Biết mặt không biết lòng. “Mặt” là
cái thể hiện ra bên ngoài, “lòng” là suy nghĩ thực bên trong. Lời nói chính là
một trong những “mặt” thể hiện đó. “Mặt” này vô cùng đa dạng. Không phải ngẫu
nhiên mà trong tiếng Việt lại tồn tại nhiều từ ngữ, thành ngữ liên quan đến lời
nói đến như vậy (nói dóc, nói bóng nói gió, nói càn, nói cạnh nói khóe, nói chọc,
nói chơi, nói chua, nói cứng, nói mỉa, nói ngoa, nói ngang, nói nhăng nói cuội,
nói như thánh phán, nói như vẹt, nói phách, nói phét, nói trạng, nói quấy nói
quá,….). Mỗi kiểu nói thể hiện một tâm trạng, tính cách khác nhau. Như vậy, lưỡi tạo
lời nói, lời nói thể hiện nhân cách nên lưỡi biểu trưng cho nhân cách thể
hiện trong giao tiếp, ứng xử, phát ngôn hàng ngày. Do tính chất mềm dẻo của lưỡi được
ẩn dụ cho lời nói dễ thay đổi (Lưỡi không xương trăm đường lắt léo) nên nói
chung biểu tượng lưỡi khi gắn với nhân cách của con người thì thường mang sắc
thái tiêu cực. Chẳng hạn, sự độc địa, ác tâm: Miệng lưỡi thế gian; Lưỡi
người độc quá đuôi ong…; sự giả tạo, phản trắc: Lưỡi không xương nhiều
đường lắt léo(tục ngữ); chót lưỡi đầu môi (thành ngữ); Khôn khéo
chẳng qua ba tấc lưỡi (Nguyễn Công Trứ); Những sự ba đào xeo tấc lưỡi (Hồ
Xuân Hương)…
Ngoài ra, đặc điểm mềm dẻo (trong sự so sánh
với răng) của lưỡi còn là cơ sở để tạo hàm ý, biểu trưng
cho cách sống linh hoạt, khôn khéo. Xưa, Lão Tử đến thăm người thầy Phương Dung
đang ốm nặng. Lão Tử đã trả lời rất đúng ý thầy về cái răng và cáilưỡi. Sở dĩ lưỡi còn
là vì lưỡi mềm, còn răng rụng vì răng cứng. Đạo lý này không chỉ đúng
với răng và lưỡi mà còn ứng với mọi việc trong thiên hạ [9]. Triết lý
phương Đông đề cao tính linh hoạt, tùy cơ ứng biến. Sống không cứng nhắc, lựa
theo tính chất sự việc mà ứng xử có hiệu quả, lạt mềm buộc chặt còn
hơn là chỉ khư khư ôm lấy nguyên tắc của riêng mình.
Bên cạnh đó, cũng trong sự đối sánh với răng,
cặp biểu tượng răng - lưỡi còn biểu trưng cho một cách sống khác. Lưỡi và
răng được nhân hóa là hai anh em trong cùng một nhà,lưỡi là anh và răng là
em. Bài thơ vịnh chuyện Răng cắn lưỡi đã minh chứng cho điều đó: Vào
thời Tự Đức, Nguyễn Đăng Hành, con Nguyễn Đăng Giai, là người hay chữ. Nhân dẹp
được âm mưu lật đổ của Hồng Bảo, Tự Đức mở tiệc ăn mừng. Trong khi đang đãi yến
các quan, nhà vua ăn uống sơ ý nên để răng cắn phải lưỡi. Vua bèn lấy sự
việc này bảo các quan làm thơ để mua vui. Các quan đều làm thơ dâng lên vua,
nhưng chỉ có bài của Nguyễn Đăng Hành là hay hơn cả. Bài thơ như sau: Ngã
sinh chi sơ, nhữ vị sinh/ Nhữ sinh chi hậu, ngã vi huynh/ Kim triều hạnh hưởng
cao lương vị/ Hà nhẫn độc thương cốt nhục tình. Dịch là: Tớ sinh, ngươi ra
đời/ Ngươi sinh sau tớ, tớ thời làm anh/ Hôm nay ăn uống ngon lành/ Mối tình cốt
nhục sao đành hại nhau?
Rõ ràng đây là bài thơ nói về việc răng cắn lưỡi. Lưỡi có
trước khi mọc răng, vậy thì lưỡilà anh mà răng là em. Thế mà khi được miếng
ăn ngon đáng lẽ cùng nhau hưởng thụ thì răng lại nỡ lòng cắn lưỡi để
tranh ăn lấy một mình, Tự Đức xem xong biết là Hành muốn ám chỉ việc riêng của
mình, nhà vua sai đem tác giả ra cửa Ngọ Môn đánh ba chục roi về cái tội châm
biếm phạm thượng. Sau đó, để tỏ rằng mình biết quý trọng văn tài, nhà vua lại
thưởng tiền lụa rất hậu. Câu chuyện răng – lưỡi nhắc nhở ta phải biết
sống có trên có dưới, có trước có sau. (Theo Kho tàng giai thoại Việt Nam)
Như vậy, trong văn hóa thế giới, văn hóa
phương Đông nói chung, văn hóa Việt nói riêng,lưỡi đã là hình ảnh mang ý
nghĩa rộng hơn ý nghĩa biểu vật vốn có của nó. Trên nền nhận thức chung, người
Việt đã mượn lưỡi để biểu hiện cho lời ăn tiếng nói, biểu hiện cho
nhân cách, lối sống của con người.
Ngoài ra, ở một khía cạnh khác trong tình
yêu, lưỡi còn tham gia vào những nụ hôn. Thậm chí còn có hẳn một cách
hôn là hôn lưỡi. Tuy nhiên, khác với đôi môi là hình ảnh thường được nhắc
tới trong thơ ca trước đây như một biểu tượng của nụ hôn lãng mạn, thơ mộng thì
gần đây, trong thơ đương đại lưỡi mới được xuất hiện gắn liền với nụ
hôn nhưng là nụ hôn của nhục cảm khát khao mà chúng tôi sẽ đề cập rõ hơn ở phần
sau.
3. Biểu tượng lưỡi trong thơ
đương đại Việt Nam
Quá trình đi từ biểu tượng văn hóa đến biểu
tượng ngôn ngữ nghệ thuật (biểu tượng thơ văn) là một quá trình mang ý nghĩa tiếp
nhận, điều chỉnh, vừa tồn tại những nét nghĩa tương đồng, vừa có những độ chênh
nhất định tùy theo từng cá tính sáng tạo của mỗi nghệ sĩ. Biểu tượng lưỡi với
ý nghĩa chỉ lời ăn tiếng nói, chỉ nhân cách, lối sống của con người vẫn xuất hiện
trong các tác phẩm thơ đương đại, tuy nhiên nó được phát triển theo hai chiều
hướng: một là, giữ nguyên hàm ý chỉ sự lắt léo, phản trắc ; hai là, biểu tượnglưỡi được
tô đậm, nhấn mạnh trên một phạm vi, đối tượng cụ thể - con người nghệ sĩ. Bên cạnh
đó, trong số tác phẩm thơ đương đại, lưỡi còn phát triển một ý nghĩa
biểu tượng hoàn toàn mới mẻ - biểu tượng của khát khao, nhục cảm.
Tiếp sau đây, chúng tôi sẽ dành sự quan
tâm để bàn đến biểu tượng lưỡi với những ý nghĩa mang dấu ấn cách tân
của thơ đương đại Việt Nam.
3.1. Lưỡi biểu trưng cho tình yêu mãnh
liệt mang đầy khao khát nhục cảm
Thơ đương đại chứng kiến những giọng nói đột
phá của nhiều cây bút trẻ, nằm trong nỗ lực cách tân thơ từ nội dung đến hình
thức (mặc dù chưa thể đưa ra một khẳng định về thành quả của nó), để thể hiện
khát vọng nhục cảm. Có người đã nhận xét rằng, thơ đương đại lấy việc hòa nhập
đời thường làm tiêu chí, không ngại dùng những từ ngữ “trần trụi”, không ngại
nói sex một cách thẳng thắn và trút bỏ lớp áo tu từ. Lưỡi được nhắc đến
trong một số câu thơ với ý nghĩa thực, ý nghĩa biểu vật của nó.
Bằng những hình ảnh siêu thực, Mai Văn Phấn lại
diễn tả rất chân thực kiểu hôn lưỡi dài hơi “đứt cuống”, xoắn bện
“thành dây chão”, nụ hôn đắm say cuồng nhiệt làm rung động mọi nơ-ron thần
kinh, tế bào, cảm xúc chạy dọc cơ thể từ môi xuống ngực, xuống sống lưng
rồi xuống gót chân, từ trên xuống dưới, từ đầu xuống chân:
Môi sương ngậm vạt cỏ đầm
Vụt bay theo vách cao dựng đứng
Bẻ gãy, bện em thành dây chão
Nuốt sâu chiếc lưỡi xuống ngực
Tới sống lưng
Chạm gót chân anh
(Hình đám cỏ, Nhịp 4, Mai Văn Phấn).
Hồn nhiên cho lưỡi và răng anh chạm
vào cơ thể…
(Ngậm em trong miệng, Mai Văn Phấn)
Hay cảm giác nhột nhạt, mơn trớn của “Cái lưỡi mềm
của anh nơi gan bàn chân em” (Sinh ngày 4 tháng 4) trong thơ Vi Thùy Linh. Rỗi
bỗng bừng lên như ngọn lửa bỏng rát khát khao:
Bừng từng đêm lưỡi như ngọn lửa
liếm vào thân sóng nóng.
(Mùa thụ mầm, Vi Thùy Linh)
Mùi hương ngân đôi ta
Lưỡi hồng lướt lên bộ xiêm áo.
(Tháng tư, Vi Thùy Linh)
Người đàn bà làm bật tiếng tru liên hồi của
hoa, bằng lưỡi.
(Dấu vết, Vi Thùy Linh)
Rồi cả nỗi đam mê như “cơn nghiện” nha phiến:
Lưỡi. Răng. Nha phiến.
(Điệp khúc sáng mùa đông, Phan Huyền Thư)
Có thể nói, trong những dòng thơ trên, lưỡi là
hiện hình của tình yêu mãnh liệt với bao cung bậc của cảm xúc để lại dấu vết
trên cơ thể, da thịt. Nếu trước đây, chúng ta đã xúc động, run rẩy với những
ánh mắt, bờ môi, nụ hôn, bàn tay… bấu, riết, ghì … trong thơ tình 1930 - 1945,
thì đến nay người đọc được tiếp xúc với răng, lưỡi, vòm họng… trong cảm
giác lặn sâu, hòa quyện, tan chảy của tâm hồn và thể xác. Nếu so với ánh mắt
thì cảm giác mà lưỡi mang lại dường như mang tính vật chất hơn. Ánh mắt
– cửa sổ tâm hồn - là sự gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu, mang ý nghĩa tinh
thần nhiều hơn thể xác. Còn lưỡi là một trong những bộ phận chứa nhiều
dây thần kinh nhất, cho nên lưỡi với cái hôn “đánh lưỡi” và nhiều
chuyển động táo bạo đã cho ta cảm nhận bằng da bằng thịt, bằng sự đê mê của những
luồng dây thần kinh những cảm xúc nồng nàn, say đắm của tình yêu. Lưỡi đã
được trở về đúng ý nghĩa biểu vật – một bộ phận thân thể. Hãy so sánh hai câu
thơ của hai nhà Thơ Mới:
Tôi mượn tình câm mớm lưỡi răng
(Lời tuyệt mệnh, Bích Khê)
Tôi nói mùa xuân níu lưỡi tôi.
Cái lưỡi trong Thơ Mới cũng được sử
dụng để nói về những đam mê, khát vọng, tuy nhiên lưỡi ở đây không là
cái lưỡi thực, chúng mang ý nghĩa tu từ nhiều hơn, đi kèm theo là tình
câm, là mùa xuân mang tính trừu tượng. Còn lưỡi trong
thơ Mai Văn Phấn, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư… phải là những cái lưỡi đi
cùng với gan bàn chân, với răng, môi, thịt da và cơ thể…
Cái lưỡi trong không gian hư ảo
nhưng vẫn lồ lộ nhục dục:
Phiêu diêu mắt thấy con đường tơ lụa
phiêu diêu lưỡi chạm đáy mềm Âu Cơ
(Âu Cơ, Vi Thùy Linh)
Đáy mềm Âu Cơ – một hình ảnh nửa hư, nửa
thực, tuy nhiên vẫn gợi lên được cảm giác chạm đáy mềm (phần còn lại là tùy vào
sự tưởng tượng của từng người đọc).
Hay:
Đêm đã nhuốm màu lên chiếc lưỡi của
em
Để em không thể nhìn thấy anh
Bằng vị giác
(Đêm và anh, Ly Hoàng Ly)
Lưỡi của em nhìn anh trong đêm tối, giống
như bàn tay của người khiếm thị, thay đôi mắt để cảm nhận người tình.
Lưỡi biểu tượng cho cảm giác nhục thể.
Các nhà thơ đã chú tâm khai thác kĩ khía cạnh này và thậm chí từ đây còn sáng tạo
ra những kết hợp ngôn ngữ mới lạ. Theo Từ điển tiếng Việt, nghĩa thứ hai của lưỡi chỉ
một bộ phận của đồ vật như lưỡi dao, lưỡi cày, lưỡi liềm, lưỡi cuốc… [3,
598]. Đây là kết quả của phương thức ẩn dụ dựa trên nét tương đồng về tính chất,
chức năng của lưỡi: nơi tiếp xúc đối tượng khác. Trong một số tác phẩm thơ
đương đại, ta còn thấy những kết hợp từ ngữ sáng tạo, mới lạ: lưỡi sóng,
lưỡi gió, lưỡi trăng, lưỡi nến, lưỡi lửa, chùm lưỡi… với ý nghĩa chỉ cảm
giác.
Những lưỡi gió thơm tho luồn vào lỗ
tai
ấp lên hoang sơ giấc mơ của cỏ
(Dấu vết bình minh, Mai Văn Phấn)
Ngùn ngụt cháy lưỡi lửa
miên man trụ vững gió môi chao lắc
(Hình đám cỏ, Nhịp VI, Mai Văn Phấn)
Đôi môi muốn mọc chân chạy trên da thịt
Lưỡi lửa thèm thuồng nhoài đến chân rơm
(Giọng nói, Mai Văn Phấn)
Chùm lưỡi dìu nhau đứt cuống
xuyên qua tim lăn vào đất tơi
(Được quyền nghĩ những điều đã ước, Mai Văn
Phấn)
Ngân trong cái lưỡi trăng chói sáng
và sắc lẻm
(Những người đàn bà gánh nước sông, Nguyễn
Quang Thiều)
Lưỡi gió đã thò ra, đã liếm vòng quanh
Đã vỡ lá, đã gãy cành, đã dập cỏ
(Thì thào khu vườn, Nguyễn Quang Thiều)
Hoặc miêu tả sự vật có những hành động của lưỡi:
…những vệt sáng ngắn chảy từ gốc lên cành
Chúng ngoan ngoãn liếm trăng trên
những chiếc thìa lá mạ bạc
Lũ trẻ còng queo ngủ
Những dãy số đánh lừa và phản bội chúng
Trong mơ chúng có liếm trăng trên
vòm lá kia không?
(Dưới trăng và một bậc cửa, Nguyễn Quang Thiều)
Với những kết hợp như thế này, đối tượng được
miêu tả với hình thái khác lạ, người đọc được phép liên tưởng, mở rộng nhận thức
của mình về đối tượng. Những gió, nhữngtrăng, những lửa trở nên
gợi cảm hơn, mềm mại, đa tình hơn.
Tóm lại, chiếc lưỡi là một hình ảnh
thơ được trở về với nguyên dạng bản thể của nó, với nét nghĩa biểu vật, nhấn mạnh
ở nét nghĩa là chiếc lưỡi của cảm giác, không tồn tại chỉ trong hình
thức thành ngữ, ngữ cố định. Hình ảnh lưỡi đi kèm với sự sáng tạo sử
dụng của từng tác giả, mang ý nghĩa biểu cảm, cá tính với thủ pháp ám gợi, hiển
hiện dấu ấn nhục cảm phồn thực.
3.2. Lưỡi biểu tượng của tiếng nói,
nhân cách, trách nhiệm của người nghệ sĩ
Cũng theo ý nghĩa biểu tượng truyền thống
nhưng lưỡi đã có sự tiếp nối, phát triển. Lưỡimang sứ mạng của
tuyên ngôn. Trong đời sống văn học hiện nay, đặc biệt thơ ca đương đại, đang tồn
tại một nhu cầu lên tiếng, định hình quan niệm, lập trường thơ. Lúc này, lưỡitrở
về với ý nghĩa là đại diện của lời nói, của phát ngôn, hay nói đúng hơn của
tuyên ngôn. Nếu trước đây người ta thường dùng hình tượng ngòi bút (phương tiện
tạo ngôn ở cấp độ ký hiệu thứ hai – chữ viết) để biểu thị cho sáng tác của nhà
thơ, nhà văn, nhà báo nói chung (Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà (Nguyễn
Đình Chiểu), Dùng bút làm đòn xoay chế độ (Sóng Hồng) thì
nay, thơ đương đại lại dùng hình tượng lưỡi (phương tiện tạo ngôn ở cấp
độ ký hiệu thứ nhất - tiếng nói). Và hơn nữa, lưỡi nằm trong tổng thể
khuôn mặt còn thể hiện cho nhân cách, thể diện của người nghệ sĩ. Qua hình tượng lưỡi,
những trăn trở, suy ngẫm, nhân cách, trách nhiệm của người nghệ sĩ đã được bày
tỏ. trong ý nghĩa này, phải kể đến các sáng tác tiêu biểu cua các tác giả Mai
Văn Phấn, Trần Quang Quý, Nguyễn Quang Thiều, Phan Huyền Thư…:
Trớ trêu thay bi kịch của lời
nằm trong rung động lưỡi
(Không đề, Trần Quang Quý)
Nhà thơ Trần Quang Quý băn khoăn, giằng xé về
trách nhiệm với phát ngôn, lời nói. Không nói bằng chiếc lưỡi của người
khác, mỗi lần lập ngôn phải là một sự suy ngẫm thấu đáo, và tác giả đã khoác
cho chiếc lưỡi, hay chính những câu thơ của mình rất nhiều trách nhiệm, bổn
phận và vai trò:
Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của
người khác
chiếc lưỡi đi qua ngàn cơn bão từ vựng
chiếc lưỡi trồi sụt trên núi đồi
thanh âm, trên thác ghềnh cú pháp
chiếc lưỡi bị hành hình trong một
tuyên ngôn…
(Lời, Trần Quang Quý)
Đó chính là một cam kết, một khát khao, một
nguyên tắc của người nghệ sĩ thể hiện lập trường và giọng điệu riêng mang cá
tính sáng tạo của bản thân mình. Bài thơ nhan đề làLời nhưng lưỡi là
hình tượng trung tâm, biểu thị lời.
Lời nằm tại lưỡi. Bi kịch của người nghệ sĩ
là chiếc lưỡi tầm thường, cạn sức sống. Chiếclưỡi sống nhạt,
đang héo dần và đánh mất vai trò, sứ mệnh của nó, đánh mất sứ mệnh của người
làm nghệ thuật ngôn từ:
Chiếc lưỡi giẫy giụa trong vũng cạn
ngôn từ
Tôi vừa gặp nó hổn hển thoát ra từ diễn đàn hội
nghị
Tôi cũng thấy nó hôm qua đang mặc cả bán mua nì
nèo cổng chợ
Chiếc lưỡi mặc chiếc quần trễ rốn
Dè sẻn đong quá khứ
Đếm từng hạt tương lai
(Mắt thời gian cắt lớp, Trần Quang Quý)
Sự nhạt hay tằng tịu với gương mặt nhẵn mỏng
“Buôn dưa lê” thậm thụt vỉa hè
E ngại đắng cay gia vị
Thích mỡ màu chót lưỡi đầu môi
(Sự nhạt, Trần Quang Quý)
Trong khi Trần Quang Quý ngán ngẩm cùng chiếc
lưỡi “buôn dưa lê” thậm thụt vỉa hè, nhận chân những trò nhạt nhẽo của văn
chương thì Phan Huyền Thư tham dự vào Giấc mơ của lưỡi để rồi hân
hoan:
Tôi nghe sấm phục sinh rền mặt đất
cơn mưa rào lân tinh
Nấm mộ nở vụt hoa Tử huyền
Và giấc mơ của lưỡi
bắt đầu mở nguyên âm
Giấc mơ của lưỡi hay giấc mơ, khát
khao của nhà thơ muốn phá cách, sáng tạo, vượt thoát khỏi những cũ kỹ, muốn
cách tân, khác biệt, phá bỏ rào cản truyền thống, vượt thoát “vũng cạn ngôn từ”
để bơi ra đại dương của sáng tạo, cá tính. Hình ảnh “lưỡi nằm ngoan” thể
hiện sự thuận theo, chấp nhận cái cũ kỹ, sáo mòn. Giấc mơ của lưỡi là
giấc mơ được mở nguyên âm, được tái sinh sau một cơn quằn quại, cùng đó là
những hình ảnh sấm phục sinh, mưa rào, nấm mộ nở vụt hoa góp phần tạo
nên một trường nghĩa biểu thị cho phút thăng hoa sáng tạo, “sản
sinh” thi tứ của nhà thơ.
Chiếc lưỡi giãy giụa trong vũng cạn
ngôn từ phản ánh thực trạng của văn nghệ đang cũ dần, sống mòn với truyền
thống, đang đi vào khuôn sáo, nghèo nàn sáng tạo. Có ý kiến cho rằng, kể từ những
cách tân từ thời Thơ Mới thì thơ ca Việt Nam vẫn chưa thực sự tiến thêm một bước
ngoặt nào, thậm chí chỉ bước tiếp theo những bước đi của các tiền bối trong
“Thi nhân Việt Nam”. Cách tân là cần thiết, tuy nhiên nó vẫn chưa định hình được
một lối đi. Và “chiếc lưỡi giãy giụa” là một cố gắng, một khát vọng
vượt thoát khôn nguôi của người nghệ sĩ không chấp nhận chết.
Trong hành trình sáng tạo ấy, nhà thơ nhận thức
rõ mình như diễn viên xiếc chao đảo trên sợi dây bên dưới là vực thẳm. Để đạt
được trạng thái cân bằng với một bên là những cám dỗ, thỏa hiệp, hài lòng với
chính mình, một bên là những hiểm nguy đang rình rập, sẵn sàng bổ ra xâu xé con
chữ và trên đầu là trách nhiệm của người cầm bút, áp lực ấy vô cùng căng thẳng
và nặng nề.
Miệng bóng tối ghé vào thanh bạch
Hơi độc từng phun ngược lại âm hình
Nơi đoán phạt trắng đen, thiện ác
Lá cỏ trồi ra chiếc lưỡi phân
minh.
(Tập phát âm, Mai Văn Phấn)
Bài thơ với cái tên Tập phát âm, tức trước
đó chủ thể trong trạng thái câm lặng, không biết nói hoặc không nói được, bị
khóa chặt miệng hoặc đã mắc thói quen không nói... Chiếc lưỡi trong
khổ thơ cuối cùng của bài được “trồi ra” giữa ranh giới của chân - ngụy, thiện
- ác, trắng - đen... là kết quả tất yếu của lẽ phải, của tự nhiên, của khát vọng
sự sống con người. Lá cỏ trồi ra chiếc lưỡi nơi Miệng bóng tối
ghé vào thanh bạch/ Hơi độc từng phun ngược lại âm hình. Lưỡi ở
đây đã xuất hiện làm sứ mệnh “phân minh” cho lịch sử, trả lại sự thật cho lịch
sử.
Người nghệ sĩ luôn luôn đấu tranh với những lực
cản, thậm chí cả những thỏa hiệp trong con người mình. Cũng có lúc nhà thơ suy
tư về thân phận mình như thân phận cái lưỡivới cách sống mềm dẻo, linh hoạt
và được người đời cho là khôn ngoan nhưng sao vẫn thấy chạnh lòng, thẹn một điều
là không có được dũng khí của răng:
Trên nỗi đau lưỡi có thể lặng thinh
hoặc thỏ thẻ những điều ngọt nhạt
trên nỗi đau hàm răng nghiến chặt
hoặc căm giận chúng có thể cắn
Và khi bữa tiệc đã trên bàn
Lưỡi tinh tế, những chiếc răng cật lực
chúng như những nông phu trên đất đai cực nhọc
đời mình
có tên gọi giản đơn:
nhai,
cắn
(Răng và lưỡi, Trần Quang Quý)
Răng và lưỡi đại diện cho hai
loại người. Một bên là lưỡi sống theo bản lĩnh, trí tuệ, biết dùng
ngôn ngữ đối xử với đời, một bên là răng sống thẳng thắn, bộc trực. Vậy
sống như thế nào là hơn? Tác giả chỉ ra như thế, còn thái độ đánh giá là tùy
vào mỗi người đọc. Rõ ràng, câu chuyện cổ nhân xưa đã mang ý nghĩa đa chiều hơn
trong suy nghĩ của người nay.
Nhưng cũng có lúc chính người trong cuộc hiểu
rõ bi kịch mình gây ra với cái lưỡi chỉ làm hề, làm xiếc, làm giả
trên tấn trò đời và nhất là tác hại của chúng theo thói a dua. Cách nói “cộng
sinh lưỡi” của Trần Quang Quý là một sáng tạo. Cộng sinh lưỡi hay
chính là cộng sinh người dùng lời nói, phát ngôn của mình để thay đổi trật tự,
thay đổi tư tưởng, giá trị trên diễn đàn và cửa sau bóng tối:
Những chiếc lưỡi quay múa của diễn
đàn và cửa sau bóng tối
cộng sinh lưỡi sẽ thành bão vũ trụ
thổi tàn kỷ nguyên
(Những bản tin, Trần Quang Quý)
Đấu tranh với chính mình để vượt thoát khỏi
những rào cản chủ quan, lưỡi còn phải dũng cảm vì quyền được nói lên
tiếng nói của mình, không bị chi phối, bị điều khiển bởi những thế lực khách
quan:
Sau cơn bão nhân gian tôi ngồi chơi ván cờ những
cái mặt
lấy cặp môi này chặn đầu lưỡi khác
Trong cuộc tranh đấu này, Mai Văn Phấn góp
vào một chiếc lưỡi “ở những đỉnh cột”:
Lưỡi tôi bị thắt
Treo trên đỉnh cột
Mỗi lần nói
Chiếc lưỡi phải co rút kéo thân thể
béo ị lên cao
Tôi giẫy giụa tựa mảnh vải quẫy trong gió mạnh
Đang nghĩ về chiếc lưỡi đau
Hình ảnh chiếc lưỡi bị treo ở đỉnh
cột trở đi trở lại, ám ảnh, giằng xé. Chiếc lưỡi bị treo là ẩn dụ cho
những ràng buộc, níu kéo khi thi sĩ sáng tạo. Những tuyên ngôn, những quan niệm
nghệ thuật mỗi lần “cất tiếng” thì luôn bị trì kéo, níu giữ bởi rất nhiều những
chi phối, hệ lụy khác. Chiếc lưỡi và thân thể béo ị hay
lời nói và những thực tế cuộc sống khó có thể để cho lưỡi vượt thoát,
bứt phá trên hành trình sáng tạo. Nỗi đau của nó, phải chăng là những đau đớn vật
vã của người nghệ sĩ đi cùng con chữ (Tôi giẫy giụa tựa mảnh vải quẫy trong gió
mạnh). Đây là những tiếng thét quyết liệt nhưng đầy chua chát trong khát
khao được khắc họa sự thật của đời sống... Một đời sống đa dạng, đa chiều và
nhiều hệ lụy…Và phải chăng đỉnh cột là chuẩn mực, yêu cầu bị cho là cần
hướng tới. Trong khi:
Chợt cánh bướm mọc trên bờ đá
Cánh hây hây run rẩy cả chân kè
Rồi tấm biển quảng cáo nước uống tăng lực
Có ga phun sương mù và chất lượng cao
Nơi lãng mạn khác!
Thiếu nữ vặn lưng trong bìa lịch
Miệng cười tươi và giơ tay rất lâu
Tôi tồn tại bởi cánh bướm, biển quảng cáo và
thiếu nữ không quen biết
Họ nói giùm tôi cuống lưỡi vực sâu
Nhưng sao lại tồn tại biệt lập
Chắc lưỡi của họ đang treo lên những
đỉnh cột khác.
(Ở những đỉnh cột, Mai Văn Phấn)
Cứu cánh của nghệ thuật là cuộc sống, nhưng
cuộc sống muôn màu với cánh bướm, tấm biển quảng cáo hay thiếu nữ
vặn lưng trong bìa lịch lại ở những đỉnh cột khác. Thước đo dành
cho người nghệ sĩ nhiều khi không trùng với thước đo của những đối tượng khác
và bởi vậy không có tiếng nói chung? Không được nói điều cần nói? Thước đo, lý
tưởng không phải tồn tại hai chiều trên một đỉnh cột mà trong không gian ba chiều
với nhiều đỉnh cột khác nhau và bài toán của người nghệ sĩ là làm sao phải dung
hòa, phải tìm ra được phương cách tốt nhất trong tình trạng “chiếc lưỡi bị
treo”.
Lưỡi của Nguyễn Quang Thiều cũng mang ý
nghĩa của những phát ngôn, cái lưỡi là tuyên ngôn, là sự tạo tác ngôn
từ, là tiếng nói, là lập trường, quan điểm nghệ thuật nhưng trong một trận địa
mai phục:
Hãy đi thật nhẹ và tự đọc bản thảo cuốn sách
anh viết trong sợ hãi mê dại
Một con rắn rúc vào đám tóc anh và nằm phục
cái lưỡi anh lộ ra
Nó muốn giết anh khi đơn âm đầu tiên của anh
phát nổ
(Hoa tiêu, Nguyễn Quang Thiều)
Người đọc cảm nhận được nỗi nguy hiểm rình rập
chờ sẵn cái lưỡi, những hệ lụy, hiểm nguy phục kích lời nói, phát ngôn
trong hành trình của con người nhận diện sự thật, phát biểu sự thật. Lưỡi và
đầu rắn đôi khi thường đi kèm với nhau (Lưỡi chúng tôi hóa thành đầu rắn) chuyển
hóa hay tha hóa lẫn nhau, hay được đặt cạnh nhau, theo dõi nhau với một lời nhắc
nhở: Một con rắn rúc vào đám tóc anh và nằm phục cái lưỡi anh lộ
ra. Đầu rắn, lưỡi và nọc độc khiến chúng ta nhớ tới những câu cổ nhân đã dạy: Lời
nói đọi máu;Bút sa gà chết. Có những lời nói chứa nọc độc của rắn, có những
lời nói ngây thơ, sơ hở để nọc độc rắn biến chất, đổi màu.
Nghiêm khắc với chính mình, tỉnh táo với từng
con chữ, ý thức về vai trò của ngôn ngữ đối với cuộc sống, xã hội, về đời sống
văn hóa tinh thần đương thời, thông qua biểu tượng lưỡi, các nhà thơ đã
đưa ra những vấn đề, những trăn trở đối với sự nghiệp sáng tác và những “đứa
con tinh thần” của mình. Tiếp thu những nhận thức truyền thống, suy ngẫm về
tình hình thơ ca đương thời, các nhà thơ đã thổi vào hình tượng lưỡi một
ý nghĩa mới: nhân cách, trách nhiệm của người nghệ sĩ ngôn từ.
4. Kết luận
Lưỡi trong văn hóa truyền thống biểu
trưng cho lời ăn tiếng nói, cho lối sống, cách đối nhân xử thế. Trong thơ đương
đại Việt Nam, trên cơ sở tiếp nhận quan niệm truyền thống, biểu tượng lưỡi còn
mang những ý nghĩa mới. Lưỡi biểu trưng cho tình yêu mãnh liệt với những
khát khao nhục cảm. Lưỡi là hình tượng để qua đó thi sĩ thể hiện khát
vọng sáng tạo; những nhận thức, trăn trở trong hành trình tìm tới chân - thiện
- mĩ; những quan điểm, tư tưởng, tuyên ngôn về nghệ thuật… Có thể nói, nhờ sự
sáng tạo trong kết hợp từ ngữ với từ lưỡi của các nhà thơ mà ý nghĩa
biểu tượng lưỡi trở nên phong phú, đa nghĩa hơn trong sự tri nhận của
người Việt đương thời.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Alain Gheerbrant, Jean Chevalier, Từ
điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng, 2007.
2. Vũ Đức Nghiệu, Những đơn vị từ vựng
biểu thị tâm lý, ý chí, tình cảm có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người trong tiếng
Việt, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn 23, 2007.
3. Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên), Từ
điển tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000.
4. Nguyễn Thiện Giáp, Dấn luận ngôn ngữ
học, NXB GD, Hà Nội, 2002.
5. Đoàn Tiến Lực, Lửa: Từ biểu tượng văn
hóa đến biểu tượng ngôn từ, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, số 5, 2011
6. Balla, “Quyền lực của ngôn từ và quyền lực
của biểu tượng”, www.tapchisonghuong..vn
7. Trần Đức Thuận, “Lời nói gió bay, lời nói
đọi máu” www.trannhuong.com
8. Tuyển tập 34 truyện suy ngẫm. www.gxnamlo.org
eva air
giá vé máy bay đi mỹ hãng eva
hang hang khong korean
vé máy bay đi mỹ là bao nhiêu
vé máy bay đi canada tháng nào rẻ nhất
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngau Hung Du Lich
Tri Thức Du Lịch