Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Từ chuyện “Vầng trăng và con đường”- thêm chút “đường” vào ánh trăng

Từ chuyện “Vầng trăng và con đường”- 
thêm chút “đường” vào ánh trăng 
Tranh của Rafal Olbinski
Đêm qua nhà văn Bão Vũ gửi email cho tôi (MVP), viết:
Hôm nay mệt quá, muốn thư thái chút, bèn vào maivanphan.vn nghe ca sỹ Ngọc Tân hát "Vầng trăng và Con đường" (nhạc Duy Thái, thơ Mai Văn Phấn). Lại thấy nhớ giọng hát Ngọc Tân một thời. Muốn nhìn lại hình ảnh người ca sĩ này, bèn vào YouTube tìm, bỗng thấy một bản khác, có tên "Con đường và Vầng trăng". Nghe thử thấy phần ca từ chính là bài thơ “Vầng trăng và con đường” của Mai Văn Phấn, nhưng lại đề: Thơ của Ngọc Dung, nhạc LMST, hoà âm và trình bày Hồng Sơn. Đối chiếu với phần Solfège (nhạc) của nhạc sỹ Duy Thái thì thấy có khác về cao độ nhưng trường độ của các đoản khúc thì khá giống. Người hát cũng có kỹ thuật, phảng phất giọng của ca sỹ Việt Hoàn. Còn tên người phổ nhạc là LMST, đoán mãi không ra ai. Chả lẽ đó là nhạc sĩ Lê Minh Sơn lừng danh, nhưng còn chữ "T", nên có thể vị này khiêm nhường cho mình chỉ là "Lê Minh Sơn... Thứ" - "Phó - Lê Minh Sơn" mà thôi!
Phấn thử hỏi Nguyễn Hồng Sơn và Duy Thái xem thế nào. Thân, BV.
Đọc xong thư của nhà văn Bão Vũ, tôi lần vào Google, tìm thêm được ca khúc “Chiều Hà Nội”, cũng vẫn ê-kíp: Thơ Ngọc Dung, nhạc LMST, hoà âm và trình bày Hồng Sơn. Trường hợp này, giai điệu và ca từ chính là của ca khúc “Nhớ một chiều Hà Nội” (Nhạc: Nguyễn Hồng Sơn. Thơ: Mai Văn Phấn. Ca sỹ Ngọc Tân thể hiện) đã đăng trên maivanphan.vn. Mục TÁC PHẨM TẶNG MVP.
Tôi gọi điện hỏi nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn, thì anh bảo không rõ vụ này.
Tôi hỏi nhà văn Bão Vũ: Có nên yêu cầu LMST - người được ghi là phổ nhạc bài thơ “Nhớ một chiều Hà Nội” và Ngọc Dung - người nhận là tác giả 2 bài thơ của Mai Văn Phấn giải thích về chuyện này không.
Bão Vũ khuyên, như đùa:
- Phấn nên “hãnh diện” về chuyện này. (Bão Vũ thường đùa theo cách riêng của mình)
- Sao lại có thể “hãnh diện” về chuyện ấy? - Tôi hỏi lại.
Bão Vũ trả lời bằng cách gửi cho tôi một chuyện tình u buồn đậm chất Paris cổ điển về Guy de Maupassant (1850 - 1893), nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng của Pháp:
“Cô thợ nghèo thơ ngây đọc truyện của Maupassant và yêu tác giả say đắm. Cô đã chịu đựng sự thiếu thốn cùng cực nhiều tháng trời để có đủ tiền sắm một bộ xiêm áo rực rỡ, mặc vào và tìm đến nơi ở của Maupassant. Nhưng nhà văn đi vắng, chỉ có một gã trai trẻ quanh quẩn ở đấy. Đó là loại vô công rồi nghề hám danh thường quấy rối các nhà văn. Cô thợ trẻ tưởng đó chính là Maupassant, và cô đã bày tỏ tình yêu với nhà văn trong mộng tưởng của mình. Gã kia vốn là một kẻ đàng điếm không hề cải chính sự ngộ nhận đó, và thụ hưởng sự hiến dâng trong trắng của cô gái.
Khi trở về, Maupassant nghe câu chuyện, ông căm giận điên cuồng, nhưng đã không thách gã khốn kia đấu súng như lệ thường của thời đó. Bởi ông coi hắn chỉ là một kẻ đê tiện tầm thường, tên tuổi hắn không đáng được người đời biết đến. Cô thợ trẻ phẫn uất về sự lầm lỡ của mình, đã tìm đến một kỹ viện và mau chóng trở thành một kỹ nữ hấp dẫn bậc nhất Paris. Maupassant đã nguyền rủa sự nổi tiếng của mình. Ông muốn vứt bỏ tất cả danh vọng, sự tôn vinh của người đời dành cho mình. Ông quỳ hôn lên những dấu hài của cô gái còn in trên lớp rêu ẩm ướt trước thềm nhà để chuộc lỗi cùng nàng, dù ông không hề có lỗi. Ông ôm nỗi đau đớn dằn vặt đến cuối đời mình.”
Chúng tôi trao đổi với nhau qua điện thoại. Tôi chọc Bão Vũ:
- Có vẻ như là một “dị bản” của nhà văn Bão Vũ. Theo giai thoại về Maupassant thì sau khi nghe gã mất dạy kia kể lại chuyện, Maupassant đã... mỉm cười và cho rằng câu chuyện về cô gái cũng hay, có thể là ý tưởng cho một truyện ngắn không đến nỗi tồi.
Bão Vũ bác bỏ:
- Maupassant không thể như thế.
- Thôi được. Trở lại vụ “Vầng trăng và con đường” và “Nhớ một chiều Hà Nội”. Nên làm gì bây giờ?
Bão Vũ bảo:
- Bỏ đi. Nhạc Duy Thái vẫn hay. Giọng ca của  Ngọc Tân vẫn mãi lay động hồn ta. Thơ Phấn vẫn thế.
Tôi nghe theo lời khuyên ấy. Nghĩ: Thế cũng như là thêm chút ánh trăng vui cho con đường, cũng như thêm chút “đường” cho ánh trăng tươi mát.
Xin mời bạn đọc nghe cho vui:
A1 - Ca khúc “Nhớ một chiều Hà Nội” (Nhạc: Nguyễn Hồng Sơn. Thơ: Mai Văn Phấn. Ca sỹ Ngọc Tân thể hiện)
A2 -  Ca khúc “Chiều Hà Nội”, được ghi là: Thơ Ngọc Dung, Nhạc LMST, hoà âm và trình bày Hồng Sơn.
B1 -  Ca khúc “Vầng trăng và con đường”  (Nhạc Duy Thái - Thơ Mai Văn Phấn - Ca sỹ Ngọc Tân thể hiện).
B2 - Ca khúc “Con đường và Vầng trăng” được ghi là: Thơ của Ngọc Dung, nhạc LMST, hoà âm và hát Hồng Sơn. 
Và thêm nữa:
Bão Vũ & Mai Văn Phấn

1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...