Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Vài cảm nghĩ về bài thơ “Chiều nghe câu hát bên sông” của Nguyệt Lãng

Vài cảm nghĩ về bài thơ “Chiều nghe câu hát bên sông” 
của Nguyệt Lãng
 Chiều nghe câu hát bên sông
                          Trời mưa bong bóng… buồn da diết
Câu hát theo mưa nổi phập phồng
Nhà ngoại lạnh lùng cơn gió tạt
Mái còn nghiêng giọt chạm dòng sông
Gió đưa cây cải… buồn u uất
Bỏ lại rau răm với cuộc đời
Cay đắng đã làm tao võng đứt
Ai ngờ câu hát cũng mồ côi?
Gió đưa bụi chuối… buồn day dứt
Nứt nẻ chân son phải lâm bùn
Lặn lội theo con còng con ốc
Phận người ngập lún với đồng bưng 
Em tôi khát sữa… buồn thê thiết
Nước mắt thấm nhòa ngực vú cau
Chị ngủ mơ người cho bú thép
Mút mòn câu hát lưỡi em đau
Câu hát buồn giăng tràn mặt nước
Chạnh đời trôi nổi kiếp long đong
Chiều nghe câu hát bài thơ khóc
Câu hát chìm sâu quợn đáy sông 
                                           Nguyệt Lãng
Cảm nghĩ của Châu Thạch:
Đọc xong bài thơ tôi thấy những căn nhà xiêu vẹo nằm kề bên mép nước và những em bé cơ bần trong căn nhà đó. Đọc xong bài thơ tôi thấy những mảnh lưng trần nhỏ nhoi hằng ngày mò còng bắt ốc, và nghe được tiếng khóc kêu gào khát sữa của những trẻ mồ côi vang vọng đâu đây. Đọc xong bài thơ hồn tôi vần vũ như cả bầu trời đang mưa gió nhưng lại mong manh như những chiếc bong bóng nước nhỏ trôi trên dòng nước. Tôi không buồn thê thiết, buồn u uất như tác giả mà sao cõi lòng tôi cứ chùng xuống, cứ nghẹn như có điều gì vướng mắc trong tâm. Có bài thơ làm tôi vui, có bài thơ làm tôi buồn, nhưng bài thơ  “Chiều nghe tiếng hát bên sông” của Nguyệt Lãng là bài thơ làm tôi khổ. Khổ vì cảm xúc mạnh trước những nghịch cảnh, những nỗi thương tâm mà tác giả truyền cảm, và khổ cũng vì một phần tôi không viết ra được hết, không nói lên rốt ráo những gì bài thơ đã nói.
Một buổi chiều tác giả đã nghe tiếng hát bên sông, và tiếng hát ấy chắc quá buồn nên đã làm cho người nghe cũng buồn theo da diết:
               Trời mưa bong bóng… buồn da diết
               Câu hát theo mưa nổi phập phồng
               Nhà ngoại lạnh lùng cơn gió tạt
               Mái còn nghiêng giọt chạm dòng sông
“ Trời mưa bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai”. Có lẽ câu hát bi thảm nầy vọng lên trên dòng sông đang trôi, giữa một cơn mưa dai dẵng đầy bong bóng đã làm lay động tâm hồn tác giả. Ở đây tác giả không nói ai hát. Vậy thì tiếng hát của ai? Nhưng thôi đừng nghĩ tiếng hát ấy của ai, vì nó sẽ làm cảm xúc trong lòng ta đi lệch hướng. Ví dầu tiếng hát ấy của ai thì nó cũng diễn tả được thảm cảnh bi thương của những người con không có mẹ. Không có mẹ thì phải sống với bà, và hình ảnh ngôi nhà ngoại mà đứa trẻ thơ kia tá túc bi đát làm sao. Nhà ngoại trống huơ trống hoác mà giọt nước mái nhà rơi xuống chạm dòng sông đồng nghĩa với cuộc sống luôn đùa giởn với tử thần trước mỗi trận mưa to hay mỗi mùa nước lũ. “ Trời mưa bong bóng”… Câu ca dao lấy cơn mưa để than thở cho những cuộc đời mất mẹ, lại được hát bên dòng sông trong một buổi chiều mưa khiến cho nỗi buồn chồng lên nỗi buồn. cảm xúc nhân lên cảm xúc trong lòng người nghe là một nhà thơ có tâm hồn dễ dàng rung động. Thế rồi cảm xúc nầy chưa dịu xuống cảm xúc khác lại dâng tràn khi tác giả lại nghe tiếng hát chuyển qua một điệu buồn u uất vì mất mẹ thật rồi:
                          Gió đưa cây cải… buồn u uất
                          Bỏ lại rau răm với cuộc đời
                          Cay đắng đã làm tao võng đứt
                          Ai ngờ câu hát cũng mồ côi?
“ Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu đời đắng cay” Đây là câu ca dao được truyền tụng nhiều luận thuyết về sự ra đời của nó. Nhưng chung quy ý nghĩa của câu ca dao đều nói về sự chết của một người để cho người ở lại chịu bao nỗi đắng cay của cuộc đời. Câu hát vọng trên sông nói về một hoàn cảnh đau lòng như thế khiến cho người nghe liên tưởng đến biết bao nhiêu điều hệ lụy của những đứa trẻ mồ côi. “ Mồ côi tội lắm ai ơi/ Đói cơm rách áo ai người lo cho” là câu ca dao than khóc cho những cuộc đời không may. Đứa trẻ mồ côi chịu cay đắng ở đời khác chi tao võng của nó bị đứt đi từ buổi sơ sinh. Có lẽ người hát cũng xúc động đến nỗi nghẹn ngào làm cho câu hát khựng lại, và  người nghe đau lòng đến nổi cho rằng: “ Ai ngờ tiếng hát cũng mồ côi?”. Tiếng hát bên sông lại tiếp tục, day dứt tấm lòng con người đa cảm, và nhờ đó có thêm một vế thơ buồn day dứt:
                          Gió đưa bụi chuối…buồn day dứt
                          Nứt nẻ chân son phải lấm bùn
                          Lặn lội theo con còng con ốc
                          Phận người ngập lún với đồng bưng.
“ Gió đưa bụi chuối sau hè/ Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ” là một điệu ru buồn nằm lòng của những kẻ hát ru em. Câu hát nầy chắc chắn đã vang vọng trên sông chiều hôm ấy, một chiều mà cái buồn hội tụ từ nội tâm tác giả đến cảnh vật bên ngoài, cộng thêm tiếng hát gợi hình những cuộc đời khổ lụy, khiến cho lòng người dễ đau thêm niềm đau nhân thế. Từ câu hát đó, tác giả thấy gót chân son lấm bùn của những đứa trẻ mồ côi cha “ Lặn lội theo con còng con ốc” và “ Phận người ngập lún với đồng bưng”.
Câu thơ như tiếng kêu thương từ nơi đồng lầy, như bàn tay chới với đưa lên giữa trời trong cơn mưa xối xả. Chưa hết đâu, phận người còn đau thương hơn ở vế thơ sau:
                    Em tôi khát sữa…buồn thê thiết
                    Nước mắt thấm nhòa ngực vú cau
                    Chị ngủ mơ người cho bú thép
                    Mút mòn câu hát lưỡi em đau!
“ Ngực vú cau” là ngực còn nhỏ, ngực của những đứa trẻ 12, 13 tuổi. “ Bú thép” là bú nhờ người ta, là bú sữa không phải của mẹ mình mà là bú sữa của người cám cảnh, một người tốt bụng! Câu ca dao “ em tôi khát sữa bú tay/ Ai cho bú thép ngày rày mang ơn” chắc đã được hát lên. Câu ca dao nầy cho thấy hình ảnh còn đau thương hơn hình ảnh những đưa trẻ ngồi ăn xin bên vệ đường, còn thảm thương hơn hình ảnh những đứa bé đói ăn ở châu Phi. Câu ca dao nầy vang vọng trên sông và làm thành một bi cảnh trong tâm trí tác giả, vẽ lên khung cảnh bé chị bế bé em đi xin bú thép, và rồi thi chị em mệt lã thiếp đi trong giấc ngủ lơ mơ. Chị thì mơ có người cho em mình bú thép, em thì mơ được bú và đã bú mãi đến làm đau chiếc lưỡi, nhưng chỉ là bú trong mơ chớ có vú đâu,  vì ngủ mệt, vì mãi mê nghe câu hát của chị.  
“ Mút mòn câu hát” là bú thế nào? Là cảnh buồn của những bé con bú thép còn hoài trong điệu hát, vĩnh viễn trong cuộc đời , là tiếng hát vọng vào tai và hình ảnh bú thép quyện đau trong lòng tác giả, thực tại và ảo ảnh khiến tác giả tưởng rằng đưa bé đang mút mòn câu hát. Nhưng câu hát không mòn. Câu hát chỉ mòn khi trên đời không còn cảnh đau lòng ấy nữa.
Bài thơ được kết lại với tiếng hát buồn giăng trên mặt nước, rồi chìm xuống làm quợn cả dòng sông nhưng thật ra đó là tiếng buồn của tâm hồn  cô đọng trong đáy lòng thi sĩ, và quợn cái đau của kiếp nhân sinh trong cõi đời nầy:
                  Câu hát buồn giăng trên mặt nước
                  Chạnh lòng trôi nổi kiếp long đong
                  Chiều nghe câu hát bài thơ khóc
                  Câu hát chìm sâu quợn đáy sông.
“ Chiều nghe câu hát bên sông” là bài thơ buồn . Những nổi buồn da diết, thê thiết… v.v. chỉ là cái buồn của tiếng hát, của ca từ giăng kín dòng sông, nhưng cái buồn thể hiện trong bài thơ là nỗi buồn trùm lấp, ôm kín cả không gian và thời gian, được suy diễn từ nỗi buồn của câu ca trên bến nước. Những kiếp người long đong không phải ở một nơi nào, một thời đại nào, mà nó đầy dẫy giữa thế gian và còn hoài trong cuộc sống . Vì vậy nỗi buồn mà Nguyệt Lãng viết đã có từ bao thế hệ và đến nay nó mới nhập vào ngòi bút tài hoa. Đây là một bài thơ “ Rằng hay thì thật là hay/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”.
Châu Thạch 



1 nhận xét:

  Chùm thơ của Thái Trạch Dân ( 蔡澤民 – Đài Loan) 17 Tháng Năm, 2023 Tiểu sử nhà thơ, TS. Thái Trạch Dân ( 蔡澤民 ) Tiến sĩ Thái Trạch Dân...