Những dòng sông chở hồn câu hát Ví!
Với mỗi người con đất Việt, nhắc đến sông là nhắc về quê
hương, về tuổi thơ với những xóm làng bình yên, mướt xanh bờ bãi. Nhắc đến sông
là nhắc nhớ về đạo lý biết ơn cội nguồn, về những chiến công của cha ông, về những
giá trị văn hóa lịch sử trường tồn của dân tộc. Cũng chính những dòng chảy ấy
đã chuyên chở bao tâm tư tình cảm, bao nhớ thương của tình yêu đôi lứa, gợi lên
bao nỗi u hoài, suy tư của kiếp người, của chia ly, xa cách… Sông mang trong nó
tình cảm con người và trong lòng người luôn có những con sông dạt dào, tuôn chảy.
Bởi thế dù đi đâu, ở đâu, mỗi chúng ta đều luôn khao khát được một lần trở về
bên con sông quê hương để vẫy vùng, để đằm mình trong dòng chảy ân tình, ngọt
ngào đó. Trong cái nét chung ấy, mỗi dòng sông lại chứa đựng trong mình dấu ấn
riêng của từng mảnh đất, từng vùng miền, phản ảnh những đặc trưng về văn hóa, lịch
sử nơi nó đi qua.
Tìm về với Nghệ Tĩnh, chúng ta sẽ được biết đến một vùng non
nước hữu tình mà núi Hồng sông Lam đã trở thành biểu tượng, đi vào biết bao
nhiêu bài thơ, câu hát. Về với Nghệ Tĩnh là ta được đắm mình trong những câu
ví, giặm ân tình, man mác, bâng khuâng. Trong những câu hát ấy ta thấy những
dòng sông và trên những dòng sông, tiếng hát được vang lên, say đắm lòng người.
Vậy hãy thử làm một cuộc hành trình đi tìm dấu ấn những dòng sông trong câu ví
để hiểu hơn về hồn cốt con người xứ Nghệ- Một mảnh đất gian khó mà nghĩa tình,
son sắt.
Trong âm nhạc dân gian xứ Nghệ nói chung, hình ảnh những con
sông xuất hiện rất nhiều nhưng ở đây bài viết chỉ xin được nói đến sự gắn bó của
những con sông và điệu Ví. Bởi lẽ như nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Thái Kim
Đỉnh đã nói “Ví là điệu hát của vùng sông nước, sinh ra trướcc tiên từ vùng
sông nước sông Lam, sông La.” Trong lời ca, trong âm hưởng những câu hát ví ta
cảm được không gian của những dòng sông rõ nét. Mỗi khúc sông, mỗi dòng chảy lại
mang đến một dấu ấn riêng cho câu hát.
Đối với người con của Nghệ An, Hà Tĩnh, hình ảnh sông Lam và
sông La luôn ăn sâu trong tiềm thức. Sông La chảy qua huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh,
là hợp lưu của hai con sông: Ngàn Phố và Ngàn Sâu và là một phụ lưu của sông
Lam. “Sông Lam hay còn gọi là sông Cả, dòng chính chảy trên đất Nghệ An dài khoảng
390km. Phát nguyên từ đất Lào, dòng chính là Nậm Nơn nhánh là Nậm Mộ, hợp lưu ở
Cửa Rào thành sông Lam.”[1]Sông Lam và sông La gặp nhau tại Ngã ba Phủ
(Hưng Nguyên- Nghệ An) rồi chảy ra Cửa Hội,tạo thành ranh giới giữa hai tỉnh
Nghệ An và Hà Tĩnh. Những con sông này không chỉ là những dòng chảy địa lý mà
còn là dòng chảy của lịch sử, văn hóa nơi đây. Những dòng sông đã góp phần tạo
nên một vùng đất phong cảnh hữu tình. Cũng chính từ những mặt nước ấy, các câu
Ví được ngân lên da diết để hôm nay chúng ta có một di sản văn hóa mang tầm cỡ
nhân loại.
Hát ví có nhiều thể loại, gắn với từng sinh hoạt lao động của
người dân như ví phường vải, ví phường cấy- phường gặt, ví trèo non, ví nhổ mạ,
ví róc cau lau mía, ví phường vàng…nhưng có lẽ điệu ví cất lên da diết, bay bổng,
ngân vang nhất là trên sông nước. Chính vì thế các điệu ví đò đưa (Ví đò đưa
sông La, ví đò đưa sông Lam, ví đò đưa sông Phố, ví đò đưa chuyển phường vải,
ví đò đưa nước ngược) luôn khiến lòng người nghe bâng khuâng, xuyến xao hơn cả.
Đây là những điệu ví ra đời sớm nhất, gắn với môi trường diễn xướng sông nước
và công việc của người chèo thuyền, chèo đò. Chính cái không gian mênh mông ấy
đã tạo nên chất trữ tình đậm nét cho thể loại này. Tiếng hát cất lên giữa những
đêm khuya, vắng vẻ như lời độc thoại của người lái đó mang nỗi buồn khắc khoải
đến nao lòng.
Bóng trăng em tưởng bóng đèn
Bóng cơn em tưởng bóng thuyền anh xuôi
Tiếng hát vang lên giữa mặt nước mênh mông, hát chỉ để bộc bạch
tâm sự, hát cho vơi nhớ thương, hát cho chính mình. Tiếng hát hòa vào tiếng vỗ
của sóng nước, lan tỏa mênh mang, vọng đến cả đôi bờ, cả núi non. Thiên
nhiên trở thành người bạn của con người, thấu tỏ những nỗi niềm sâu kín.
Cha mẹ cho em sang chiếc đò nghiêng
Đò trùng triềng đôi mạn em ôm duyên trở về.
Cũng có khi tiếng hát ấy được đáp lại từ một con thuyền nào
đó ngang qua, hay từ trên bờ vọng xuống. Chỉ kịp hát với nhau đôi ba câu rồi lại
xuôi đi, rời xa như dòng sông chưa từng một lần đứng yên, chưa từng một lần ngừng
chảy.
Cũng như chẳng khúc sông nào là giống nhau, mỗi điệu ví cũng
mang một nét riêng trong lời ca, trong âm nhạc. Ở những khúc sông nước chảy xiết,
lắm thác ghềnh như sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, người chèo đò phải làm việc rất vất
vả. Họ phải dồn hét sức mình để chèo chống, nhất là những khi ngược dòng. Bởi
thế những câu hát cũng ít khi cất lên hơn, chỉ thỉnh thoảng chen vào nhịp lao động
một vài câu để bày tỏ nỗi niềm hay lấy tinh thần.
Anh về chín khúc hói nai
Cội sào xuôi ngược biết lấy ai đỡ đần.
Khi thuyền xuôi về những khúc sông rộng, nước lặng hơn hay có
sức gió thì người chèo thuyền được ngơi tay. Lúc này họ có thể thảnh thơi cất
lên tiếng hát. Những tiếng hát vút cao trên sông nước, khi thì mang cái khoan
khoái thảnh thơi giữa không gian thơ mộng, khi lại chất chứa nỗi niềm buồn tủi
thân phận, khi lại là những lời đối đáp với những con thuyền cùng xuôi dòng hay
ngược hướng lướt qua, có khi là với khách trên thuyền
Ơ…Sông Ngân Hà vịt ăn vịt ơ lội
Con rùa vàng cắn cội cây ơ si
Chứ em thương ai thì em nói đứt đi
Kẻo tiếc công anh lặn ơ lội chứ mấy năm trời tròn
Ơ xuống dưới sông Lam tìm con cá lội
Lên núi Hồng Lĩnh hái một trái sim
Có thương nhau nên em mới đi tìm
Bây giờ kháp ơ mặt như Kim kháp ơ Kiều
Về mặt âm nhạc, sự thay đổi của môi trường diễn xướng có chi
phối rõ nét đến âm thức trong các điệu ví. Đi vào từng điệu ví cụ thể ta sẽ thấy
rõ được sự chuyển biến đó.
Trong ví đò đưa sông La (phổ biến ở Đức Thọ Hương Sơn- Hà
Tĩnh), mở đầu thường bắt đầu bằng từ “Người ơi” cao vút, cấu tạo ở quãng hai
trưởng. Có lẽ bởi khi đến sông La, lòng sông đã rộng hơn, hai bờ cách xa nhau
hơn nên những con thuyền, bè xuôi ngược trên dòng sông giờ đây muốn giao lưu phải
cất lên tiếng hát thật cao, bay bổng để có thể mang thông điệp gửi đến người muốn
gửi. Và từ “Người ơi” đã được cấu tạo ngân vang như một tín hiệu, kêu gọi người
nghe hướng đến những lời sắp giãi bày:
Người ơi thuyền anh xuôi Chế sáu chèo
Thuyền em ngược Lạng cheo leo một mình
Ví đò đưa sông La thường có 4 âm: Mí-rế-đố-lá, giống với ví
đò đưa chuyển phường vải. Trong các điệu thức này, quãng ba thứ thể hiện rõ nét
trong khi đó chất trưởng lắng xuống khiến cho các câu ví mang tính trữ tình,
thiên về nội tâm. Trong cái âm hưởng trầm buồn ấy có sự ngậm ngùi của thân phận,
có niềm cay đắng, tủi hờn, có sự cô đơn, nhỏ bé của con người lênh đênh giữa
không gian rộng lớn
Người ơi, dưới bến Tam Soa sương trùm sóng vỗ
Trên ngọn Tùng Sơn thông rủ gió gào
Cánh buồm bạt gió lao đao
Hận chìm đáy nước hờn cao ngất trời
Đối với ví đò đưa sông Lam, từ “Người ơi” lại được cấu tạo ở
quãng ba thứ. Âm điệu của ví sông Lam mênh mang, trầm buồn hơn so với ví sông
La. Nhìn vào sự thay đổi của những khúc sông ta có thể hiểu được dễ dàng sự
thay đổi ấy. Về đến sông Lam nước thường lặng, sông sâu hơn và chèo thuyền
thong dong hơn. Đó là giây phút, sau những vất vả chèo chống thác ghềnh, họ đối
diện với sự mênh mông, vắng lặng và suy ngẫm về cuộc đời. Trong không gian ấy
người lái ngồi bên mạn thuỳen buông một câu hát tâm tình, như kể lể, như thở
than, khắc khoải:
Ai biết cuộc đời răng là nhục là vinh
Thuyền em lên thác xuống ghềnh
Nước non là nghĩa là tình ai ơi
Cấu tạo của âm hát khi thả xuống thấp đến nghẹn ngào (là đục),
khi vút cao khắc khoải (là vinh), thể hiện những nỗi niềm tâm sự về cuộc đời, về
thân phận và có khi cả về thế sự rất sâu sắc.
Trong khi đó, ví đò đưa nước ngược lại là những làn điệu cấu
tạo từ 5 âm: Mí-rế-đố-la-sol. Câu ví không có nhịp điệu khoan thai như ở hai loại
ví trên, trong câu hát thường đệm vào chữ “đó” ở cuối câu và bắt đầu bằng “Ơ”
hoặc “Ơ là người ơi”. Âm mở đầu là âm Mí, vút lên như một lời gọi, kéo sự chú ý
của mọi người. Trong nhịp điệu của câu hát ví đò đưa nước ngược ta nghe được sự
vất vả, khó nhọc của những người lái thuyền khi phải ngược dòng, vượt qua bao
ghềnh thác
Ơ…Một chiếc ghe lui năm bảy chiếc néo giằng
Ta nhất tâm đợi bạn bạn lại dùng dằng đợi ai (đó)
Vậy đấy âm nhạc dân gian là tiếng lòng, là hơi thơ của người
dân lao động. Nếu chú ý lắng nghe từng nhịp điệu, mỗi lời ca, ta sẽ thấy trong
đó biết bao nhiêu tâm sự chất chứa, ta sẽ thấy được một dòng chảy của văn hóa,
của lịch sử. Cha ông ta sâu sắc lắm, tinh tế lắm. Trong những câu chữ tưởng chừng
mộc mạc, đơn sơ ấy, là những thông điệp gửi gắm ý nghĩa lớn lao.
Mỗi lần nghe những câu ví cất lên giữa sóng nước bao la ta
như nghe vọng về nỗi niềm của cha ông từ hàng ngàn năm trước và bắt gặp chính nỗi
niềm của mình hôm nay. Cái mênh mông, cái sâu lắng và da diết buồn thương ấy cứ
thế len lỏi, ngấm sâu vào máu thịt, vào tâm hồn ta để rồi khi bước chân đến
đâu, chợt nghe một tiếng “người ơi…” cất lên thôi đã thấy cháy lòng, se thắt.
Những điệu ví hình thành trên sông nước, mang hình ảnh những con sông quê hương
theo ta đi suốt dặm dài đất nước. Có lẽ đó là môi trường diễn xướng tuyệt vời
nhất, gợi tình nhất của những câu ví. Chúng gắn bó với nhau, hòa vào nhau bởi
đó là những gì máu thịt nhất với đời sống, tâm hồn của người dân xứ Nghệ. Bởi
thế khi nghe những câu ví ta lại thấy mình như đang được trở về, đứng trước con
sông quê hương, được ngụp lặn cho sạch hết những bụi bặm, buồn phiền phố thị. Bởi
thế những câu hát ví luôn khắc khoải trong lòng mỗi đứa con xa quê như một lời
nhắc nhở, một tiếng gọi trở về:“Đốt lòng nhau câu hát ví/ Đi xa ai nỏ muốn về”.
Bài viết có tham khảo thông tin từ các nguồn tài liệu:
Lê Hàm (Chủ biên-2000), Âm nhạc dân gian xứ Nghệ, NXB
Nghệ An, Nghệ An.
Ninh Viết Giao (2003), Về văn hóa xứ Nghệ, NXB Nghệ An,
Nghệ An.
Ninh Viết Giao (Chủ biên- 2005), Nghệ An lịch sử và văn
hóa, NXB Nghệ An, Nghệ An.
đại lý vé máy bay eva tại tphcm
giá vé máy bay đi mỹ hãng eva
korean air vietnam
vé máy bay đi mỹ khoảng bao nhiêu
vé máy bay đi canada tháng nào rẻ nhất
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thức Du Lịch