“Bây giờ Hàn Mặc Tử nằm trên một điểm cao Gành Ráng đối diện
với Bể Đông, bể sáng chói như thơ Anh, và giông bão tựa đời Anh.”
Đọc câu này trong bài tựa “Thơ Hàn Mặc Tử” của Chế Lan Viên,
tôi cũng rất sung sướng và hãnh diện về sự nghiệp thơ văn của Anh tôi. Nhưng
cũng không khỏi băn khoăn về cuộc đời giông bão của Anh đã đi qua, mà năm mươi
năm rồi thỉnh thoảng vẫn còn bão rớt.
Điểm cao Anh đang nằm nay đã sáng lòa, vì thơ Anh đang được
những người bạn tình nghĩa Quy Nhơn, tung lên như trăng sao sáng ngời, như hoa
thơm ngào ngạt. Mộ Anh đang được phủ lên bao nhiêu hào quang sáng chói.
Nhưng liệu giông bão còn đe dọa nữa không? Vì dư âm những luồng
gió tàn bạo thổi qua xô đẩy mộ Anh, không cho tôi yên lòng, từ khi Anh rời bỏ
hàng phi lao bờ biển Quy Hòa để về năm trên Gành Ráng, nhìn lại thành phố Quy
Nhơn, nhìn lại con đường Khải Định trìu mến của Anh và của bạn bè Anh trứơc đây
năm mươi năm.
Đầu năm 1955, khi tôi trở về làm việc tại Quy Nhơn, việc đầu
tiên là tôi phải hết sức dành dụm một số tiền lớn để cải táng Anh tôi ra Gành
Ráng, nơi mà tôi đã để tâm lựa chọn và mơ ước từ khi Anh qua đời.
Tôi đem việc này thử bàn với anh Quách Tấn, lúc bấy giờ cùng
làm việc một chỗ với tôi. Anh Tấn không đồng ý. Anh nói: “Hàn Mặc Tử ngày nay
không còn thuộc về gia đình chú nữa (anh quen gọi tôi bằng chú) mà là của giới
văn nghệ sĩ, tôi biết họ đang lo. Chú đừng quan tâm tới nữa.”
Quả thực, tôi không hề nghe ai nói đến chuyện ấy, nên không
hiểu hết ý nghĩa câu nói trên. Đành phải chờ đợi vậy.
Qua năm 1957, tôi nhắc lại việc cải táng, ông Tấn vẫn bảo chờ.
Tôi nhờ anh Bùi Tuân thăm dò các nhà văn Huế và Sài gòn xem anh Tấn nói có thật
không, để tôi tự liệu vì hai năm trôi qua, không nghe anh Tấn nhắc nhở đến.
Năm sau, gặp tôi ở Sài gòn, anh Bùi Tuân xác nhận là không hề
có chuyện nhà văn miền Nam quyết định xây mộ cho Hàn Mặc Tử”. Không biết anh Tấn
nghe tin ấy ở đâu.
Ông Thái Văn Kiểm nói với Bùi Tuân, muốn tôi viết lại đời anh
Trí. Những nhà văn chân chính đều chỉ mong như thế thôi, không nghe ai nói đứng
ra cải táng cho anh Trí.
Tôi rất do dự, trước hết là lời trối mẹ tôi không muốn tôi đả
động gì đến chuyện anh Trí, mặc dầu tôi rất muốn làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên
quan đến sự nghiệp văn chương Hàn Mặc Tử.
Ngoại trừ một số ít nhà văn bạn anh Trí, thỉnh thoảng hay nói
đến Anh, còn thì xem ra có phần lãnh đạm, ngay cả trong địa hạt viết văn, đừng
nói chi chuyện đứng ra xây mộ cho Anh.
Ở miền Nam, thời kỳ ấy nhiều cảm nghị dị biệt thậm chí chống
đối rõ ràng trong chính trị và tôn giáo bắt đầu nảy sinh và ảnh hưởng đến cả địa
hạt văn chương và nghệ thuật: Tôi không muốn để anh Trí bị liên can gián tiếp.
Riêng việc xây mộ cho Anh thôi, tôi cũng đã linh cảm, qua những
ý kiến các bạn thân có nhiều cái nhìn soi bói ganh tị rồi. Chắc anh Tấn cũng biết
như vậy, nên anh không còn nhắc nhở đến việc xây mộ nữa.
Trước hoàn cảnh có phần khó khăn đó, tôi xét thấy phải hoàn
thành gấp việc xây mộ, sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro nếu có. Và âm thầm lựa chọn
địa điểm trước, vì tôi nghĩ địa điểm ở Gành Ráng là yếu tố quan trọng có thể tạo
nhiều khó khăn cho tôi, nếu tôi để mất đi hoàn cảnh thuận tiện mà tôi đang nắm.
Địa điểm tôi lựa chọn là một khoảnh đất bằng phẳng, có chiều
ngang khá rộng, nằm bên sườn Gành Ráng cao hơn mặt đường độ 5, 6 thước, có bực
đá thiên nhiên rất đẹp nếu sắp xếp lại chút ít.
Tôi đoán là một nền cũ đồn điền biên phòng có từ đời Gia
Long. Dưới chân là con đường rải đá chạy dài lên phía lầu hoang phố của Cựu
hoàng Bảo Đại. Xuống phía thấp về bên kia đường là dòng nước trong mát, từ Suối
Tiên chảy ra biển uốn quanh theo gánh đã rất nên thơ. Một chiếc cầu nhỏ dưới dốc
bắt ngang con suối rẽ làm hai ngã: lên mộ và đi vào Quy Hòa.
Những ngày cuối đời ở Gành Ráng, anh Trí thường ngồi trong
mái nhà tranh, dưới cây phượng vĩ, ngắm chiếc cầu đó, con suối đó và chắc chắn
không khỏi nhớ hai câu thơ cụ Tiên Điền:
Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối gành bắc ngang.
Tôi rất mãn nguyện đã tìm được nơi đây mà hình như định mệnh
đã dành riêng cho Anh, chờ đợi Anh từ bao giờ như Anh mơ ước tiên tri:
Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, Anh nằm chết như trăng.
Cuối năm 1958, dành dụm được 30 ngàn đồng, tính ra cũng đủ số
để cải táng và xây mộ Anh. Tôi đặt mua ở Sài gòn pho tượng Đức Mẹ ban ơn cao gần
hai thước, và đi Đà Nẵng mua một tấm bia cẩm thạch. Khi tôi đang vẽ mẫu chữ để
khắc vào tấm bia, chị Như Lễ đến thăm, trông thấy tôi ghi tên mỗi người trong
gia đình, chị bảo: “Cậu đừng quên để tên ông Tấn vào bia mộ, cho có tình nghĩa
anh em”. Tôi nói đùa: “Tôi không quên đâu, chị đừng lo. Chỉ sợ bia đá có mòn
hay vỡ đi thôi”. (Câu nói đùa này suýt thành sự thực năm 1963, khi mộ bị đập
phá).
Về sau, khi xây xong mộ, tôi trở về Nha Trang một ít lâu, được
tin anh Tấn có mang đến giao chị Lễ 20 ngàn đồng, nói là để góp phần xây mộ.
Nghĩ cũng lạ, anh Tấn không bao giờ nói chuyện trực tiếp với tôi về việc xây mộ,
mà anh cũng biết tôi vẫn giữ ý định đó. Cũng như không bao giờ cho tôi biết những
gì liên quan đến văn thơ anh Trí, sau khi anh tuyên bố đã làm mất hết. Cho nên
tôi trả lời chị Lễ không nhận bất cứ của ai đóng góp vào việc xây mộ anh Trí vì
là việc riêng của tôi. Tôi xin cám ơn anh Quách Tấn.
Tết Kỷ Hợi, tôi ra Quy Nhơn, xuống Ty Công Chánh, mượn bản đồ
vẽ lại địa điểm Gành Ráng để xin trưng một khoảnh đất bên sườn gành, gần một mẫu
tây, và lập hồ sơ chuyển qua Tòa Hành Chánh tỉnh, xin đăng ký và trước bạ.
Ở lại Quy Nhơn mấy hôm tôi vẽ lại bản đồ xây cất mộ, rồi xin
giấy cải táng, xây mộ như luật định, anh Tấn nghe tin đến hỏi.
Chiều hôm ấy, tôi mời anh Tấn đi xem địa điểm, anh rất bỡ ngỡ
vì công việc tôi đã chuẩn bị sẵn sàng mà không cho anh biết gì cả, nhưng anh vẫn
không nói gì.
Tôi báo tin anh biết, ngày mai tôi mời anh đi cải táng, và nhờ
anh chuyển lời cám ơn hảo ý giới văn nghệ sĩ như anh đã nói.
Sáng hôm sau, tôi mượn thêm một chiếc xe jeep, nhờ người cháu
rể là Nguyễn Tú đưa hai người phu bốc mộc vào Gành Ràng trước. Tôi còn phải đi
đón anh Tấn, hai bà chị và chú Hiếu sẽ vào sau.
Đến Gành Ráng mọi người đi xem địa điểm mà tôi đã thuê khai
quang hôm trước. Các tảng đá được sắp xếp lại ngay ngắn để cho dễ dàng lên xuống.
Tôi bảo Tú lại xe đưa phu vào trước Quy Hòa mà tôi đã báo tin cho các nữ tu.
Kiểm điểm lại lần chót mọi vật liệu đã chuẩn bị, tôi mời mọi
người lên xe vào dự cuộc bốc mộ. Có vẻ như ái ngại nhìn nhau, anh Tấn thì như
không nghe tôi mời, xăm xúi đi về phía quán nước bên đường. Hai bà chị và chú
em, được thể anh Tấn không đi cũng nói: “Thôi để cậu đi một mình được rồi”.
Tôi không biết phải ăn nói làm sao, đành lên xe đi một mình,
nhìn lại chiếc xe trống trơn, lòng ngậm ngùi thương Anh vô hạn.
Cũng còn may được một phần an ủi, là có người cháu rể Nguyễn
Tú vốn con ông Nghị Nguyễn Văn Tôn mà tập báo Nắng Xuân 1936 (trong đó có bài
anh Trí viết) đã gọi ông là Nghị Gật. Nay Tú tình nguyện đi theo bốc mộ Bác Trí
khiến cho tôi rất cảm kích.
Vào đến hàng phi lao, đã thấy sơ Louise, nữ tu Phanxico chờ sẵn
để hướng dẫn đến mộ. Cây thánh giá bằng xi măng cốt thép nằm ngang trên đầu mộ,
còn đọc được: Francois Xavier Nguyễn Trọng Trí.
Bà Louise chỉ vào mộ, nhìn tôi: “Ô, Jacques, ngày trước thường
vào đây săn sóc mộ, nói rằng mộ anh ông Tín đó” (Ông Jacques là lộ phu trương,
phụ trách khu vực Quy Hòam từng giúp việc ở sở tôi từ 1942-1945 thời gian tôi
làm việc tại đó).
Mộ anh Trí nằm cạnh cây phi lao hàng thứ hai, cách mực nước
biển 40 thước, hàng phi lao thứ nhất gần mặt nước hơn, nên còn thưa thớt. Giữa
hai hàng phi lao, là con đường xe chạy thẳng đến Bệnh viện.
Hai người phu phải đào sâu hơn một thước, mới gặp được hài cốt
đã rã mục gần hết. Cát biển đã bồi và thanh lọc gần hết chất đen, biến thành
xám chỗ đậm chỗ lợt. Tôi bảo người phu mộ hốt hết cho vào quách.
Tất cả đều lên xe với cây thánh giá cũ. Anh Tú lái xe ra Gánh
Ràng trước, tôi theo bà Louise vào bệnh viện, cảm ơn các bà và mọi người đã
giúp đỡ anh Trí những ngày cuối cùng tại bệnh viện. Tôi không quên xin lễ cầu hồn
trước khi cáo biệt.
Khi trở ra Gành Ráng, mọi người chờ sẵn, chỉ thiếu có anh Tấn,
không biết anh đi đâu nên phải chờ. Tôi đã cho đào huyệt trước hướng đầu vào
núi, nhìn xuống thành phố Quy Nhơn. Đang lúc ấy, anh Tấn quay lại với hai người
thanh niên tự xưng là cảnh sát địa phương.
Tôi hơi ngạc nhiên, không biết anh Tấn moi đâu ra được hai
anh cảnh sát này, vì khi vào khai quang địa điểm, tôi có tìm hỏi cơ quan Hội đồng
xã để khai báo, nhưng không có ai, cũng không có trụ sở. Dân địa phương không
có bao nhiêu gia đình.
Anh Tấn cho tôi biết, hai người này muốn xem giấy phép cải
táng và xây mộ. Tôi trả lời không tìm thấy cơ quan nên không mang theo giấy
phép. Hai người này nói năng ấp úng, nhưng không chịu rời đi.
Tôi đề nghị đưa họ về tòa Hành chánh tỉnh xem hồ sơ tôi đã đệ
nạp mà tỉnh trưởng Lê Văn Ái đã chấp thuận. Họ nhìn nhau do dự, nhưng không nói
gì, cũng không đi đâu.
Tôi bảo phu hạ huyệt, an táng xong, tôi ra xe đưa mọi người về,
và ghé lại dặn bà Quán báo cho tôi biết nếu có ai đến hỏi. Ghé lại Tỉnh đường,
tôi báo cáo cơ quan thẩm quyền, thì được biết đã lập thủ tục thông báo cho cảnh
sát đã mấy hôm trước rồi.
Hôm sau, tôi trở lên mộ chỉ dẫn cho nhà thầu mở móng theo bản
đồ đã vẽ. Nhân tiện hỏi bà Quán. Bà nói: “Ở đây không có cảnh sát, hai người
hôm qua không biết từ đâu đến”. Rắc rối nhỏ hôm qua, báo trước cho tôi biết cần
phải lưu ý nhiều nữa.
Khi đặt pho tượng Đức Mẹ ban ơn lên đài mộ, pho tượng anh Trí
mơ ước như lời trối trăn, những ngày sau cùng tôi gặp Anh, tôi cầu xin ơn phù hộ
để Anh ở đây bình yên cũng như Mẹ đã cứu thoát Anh một lần cũng trên bờ biển
này.
Ngày nay, Anh cũng đang nằm trên bờ biển này, nhưng chỗ này của
Anh cao trọng sáng chói như văn thơ Anh, của Chế Lan Viên đã viết: “May thay, Tử
là một đỉnh cao, lòa chói trong văn học của thế kỷ, thậm chí các thế kỷ…”
Ôi! Danh vọng Anh quá cao, chỗ nằm Anh quá đẹp, làm cho tôi
càng hồi hộp không yên. Tôi đã bắt chước các cụ ngày xưa khi vẽ hình mộ Anh,
xây đài trên đầu mộ theo hình dáng ba hòn núi chụm lại (thế ổn định tam sơn) một
ý nghĩa đoàn kết vững chắc, muôn đời thanh bình.
Vậy mà than ôi! Anh đã được nằm yên đâu.
Chỉ mấy tháng sau đó, khi mộ đã hoàn thành, một ông Trương
Văn Ngọc nào đó, viết trên tạp chí Văn: “Mộ Hàn Mặc Tử không có hài cốt”. Tôi
nghĩ anh Quách Tấn thường viết trên Tạp chí đó chắc cũng có trách nhiệm cải
chính giùm rồi, vì anh đã đi bốc mộ.
Vẫn chưa hết chuyện “Mộ Hàn Mặc Tử”.
Năm 1963, các nhóm chính trị tôn giáo nổi lên tranh chấp
nhau, một nhóm vô lại kéo nhau lên mộ Hàn Mặc Tử, lợi dụng tình thế hỗn loạn, đập
phá mộ Anh bị sứt mẻ nhiễu chỗ, Tượng Đức Mẹ bị gãy bàn tay.
Đáng buồn chưa! Ôi! Anh tôi!
Tôi thiết nghĩ, không ai có thể thù ghét Anh. Đời Anh chỉ sống
vì thơ, vì bạn. Vậy thì ai đã nỡ hành động thô bạo đến thế.
Viết xong tập hồi ký này, tôi như cất được gánh nặng lo âu áy
náy từ năm mươi năm nay.
Bây giờ thì những người bạn thân yêu đã trở về bên cạnh Anh, ấp
ủ tình thương lên mộ Anh, để cùng ngắm nghía nhìn về con đường Khải Định, ngày
càng tươi sáng hơn.
Bể Đông có giông bão, thì Anh cũng không còn cô đơn hiu quạnh
nữa đâu, anh Trí nhé!
Viết xong mùa Đông Mậu Thìn
Tại Thành phố Hồ Chí Minh
Thiện Nam
eva air booking
cách mua vé máy bay đi mỹ
hang hang khong korean
vé máy bay từ tphcm đi mỹ
vé máy bay đi canada giá rẻ
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Du Lich Tu Tuc
Tri Thức Du Lịch