Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Đi tìm những vầng trăng trong thơ Hàn Mặc Tử

Đi tìm những vầng trăng trong thơ Hàn Mặc Tử  
Có thể nói ánh trăng trong thơ Hàn Mặc Tử như một “linh vật” rất huyền nhiệm lạ kỳ. Dưới mắt ông trăng là một thực thể có linh hồn. Chừng như ông nghe được hơi thở, bước đi, sự chuyển dịch của bóng trăng. Do đó, với mức nhạy cảm đặc biệt, ông đã hòa nhập cùng: say trăng, giỡn trăng, ôm ấp trăng, lúc nhìn trăng nằm sóng soãi.... 
Ánh trăng sao như trùm lên cơ thể, như đồng hành, là hình là bóng trong ông:
Áo ta rách rưới trời không vá
Suốt bốn mùa trăng mặc vải trăng
Như vậy, mà có lần ông muốn đoạn tuyệt cùng trăng, muốn xa rời vầng trăng:
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò
Nhưng làm sao mà xa rời được, đó là cách nói để thể hiện sự khao khát, thèm trăng hơn nữa. Cũng như muốn giết người mình thương, thật ra là còn in mãi trong lòng, ôm ấp không nguôi:
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù cho kiếp bẽ bàng…
…nhưng người ơí sao người trong mộng vẫn hiện về..
Những năm thập niên 1940, ngôn ngữ thơ ca còn phần nào ước lệ, khuôn sáo, mà giọng điệu ngôn ngữ trong thơ Hàn Mặc Tử thật táo bạo, sáng tạo, cách nhìn độc đáo về thiên nhiên. Với ánh trăng nếu Lưu Trọng Lư viết: 
Em nghe chăng mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức.. 
Xuân Diệu thì: 
Xao xác tiếng gà, trăng ngà lạnh buốt
Hoặc khác hơn nữa: 
Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh
Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần
hay Tế Hanh: 
Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà....
thì đối với Hàn Mặc Tử ánh trăng là khoảnh khắc nhập thần lạ kì, siêu nhiên:
Có ai nuốt ánh trăng vàng
Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga
hoặc: 
Đêm qua trăng vướng trên cành trúc
Cô láng giềng bên đã chết rồi
Ông sử dụng các độïng từ rất độc đáo:
Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu... 
Đợi gió đông về để lả lơi
Hay: 
Sột soạt gió trêu tà áo biếc 
Bên giàn thiên lý bóng xuân sang 
Ánh trăng đi từ sự ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác, tạo sự hứng khởi diễm tuyệt mà không phải ai cũng thấy được: 
Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm 
lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe 
Hay một cuộc giao thoa kì diệu giữa cõi người và cõi trời: 
Người trăng ăn vận toàn trăng cả 
Gò má riêng thôi lại đỏ hườm 
Nếu hình ảnh trên là sự cảm nhận nét rạng rỡ, chói lọi của ánh trăng tròn đầy mầu sắc, thì với thi sỹ ánh trăng thượng tuần có khác hơn: 
Trên đọt tre già trăng lưỡi liềm 
Hỡi trăng hãy chặt khóm thùy dương 
Trăng lưỡi liềm là trăng non, ánh sáng dật dờ, trong khoảnh khắc ấy, thi sỹ muốn hưởng trọn vẹn ánh trăng, nên không cần cây cỏ xung quanh (muốn chặt cả khóm thùy dương nữa). Tác giả xót xa khi thấy một ánh trăng mỏng manh, xao xác: 
Ánh trăng mỏng quá không che nổi 
Những vẻ xanh xao của mặt hồ 
Có lần thi sỹ đã đã tìm nơi hoang vắng, để tận hưởng ánh trăng cho trọn vẹn, lấy ánh trăng đắp cho mình để ngủ say một giấc miên viễn: 
Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ 
Đầy mình lốm đốm những hào quang 
Trong mảng văn xuôi” Chơi Giữa Mùa Trăng “, ông đã sợ mất đi ánh trăng huyền ảo “những ánh trăng sẽ tan ra bọt mất”. Ông thảng thốt tiếc nuối:”- Không! không chị ơi! rồi ánh trăng đêm nay sẽ tan đi, ta sẽ buồn và nhớ tiếc. Em muốn bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm thôi...... “Và đến 1940 ước nguyện đó đã thành sự thật khi ông trút linh hồn để “bay thẳng lên trời” cùng ánh trăng vĩnh cửu. 
Nhận xét về thơ ông, xin mượn tạm câu nói của Kiều Văn (Lời giới thiệu thơ Hàn Mặc Tử- nhà xb Đồng Nai. 1995.) để thay lời kết: 
“ ...Hàn Mặc Tử sử dụng từ ngữ dân gian thông thường, đặt đúng chỗ và thổi sinh khí cho nó tạo nên những câu thơ kì lạ, làm chấn động tâm trí người đọc, lời thơ của ông đã để lại những vết bỏng, những vệt sáng vĩnh viễn trong tâm tưởng chúng ta.” 
Ngữ Yên






1 nhận xét:

  Mùi tờ đô – Truyện ngắn của Lê Thị Nhung 21 Tháng Năm, 2023 Lão Hiên lẩm bẩm khi lão xoè tập tiền ra trước mặt. Mắt lão sáng lên, cái ...