Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Lặng lẽ, những mảng màu tỏa sáng

Lặng lẽ, những mảng màu tỏa sáng
Hoạ sĩ Nguyễn Văn Tuyên
Đó là hoạ sĩ Nguyễn Văn Tuyên sinh năm 1947 tại Thành phố Huế, đam mê và theo học vẽ từ lúc 10 tuổi. Anh đã tốt nghiệp trường Quốc Gia Cao đẳng Mỹ Thuật Huế năm 1968. Năm 1969 người hoạ sĩ trẻ thuở đó được trao giải nhất triển lãm tranh Mùa Xuân tại Huế (do Phủ Quốc vụ Khanh đặc trách văn hoá tặng), năm 1972 anh triển lãm tranh chung với hoạ sĩ Nguyễn Thi phòng Thông tin Văn hoá Hoa Kỳ Huế, thời đó trên báo Mặt Trận có những phụ bản in tranh phản chiến của anh, điều này đã tạo ra những xáo trộn trong cuộc sống của anh. Năm 1997 triển lãm chung tại Hội VHNT Huế, triển lãm chung với nhóm hoạ sĩ Việt Nam tại Mỹ, năm 1998 triển lãm tranh tại Mỹ do gallery Lã Vọng của Hồng Kông giới thiệu. Ngoài ra tranh của hoạ sĩ còn được chọn sưu tập bởi các cá nhân ở các nước Mỹ, Thuỵ Sĩ, Úc, Hồng Kông,... Hiện nay tranh của anh treo tại gallery Ngọc Diệp số 1 đường Hùng Vương, số 4 đường Lương Thế Vinh thành phố Huế, tại Furama Resort thành phố Đà Nẵng cùng với tranh của các hoạ sĩ có tiếng được du khách mến mộ.
Sống trong một ngôi nhà bên dòng sông Hương thơ mông, cách thành phố Huế chừng 10 km, anh đã trải qua bao biến cố của xã hội, gia đình nhưng ánh nhìn trong đôi mắt anh luôn hướng về phía những chân trời nhân bản, điều đó đã được anh thể hiện trong tác phẩm của mình. Nhiều bức tranh của anh gợi lên nỗi buồn man mác, có bức tạo nên cảm xúc tràn ngập cho người xem khi liên tưởng đến đời sống của cư dân trên sông. Có bức diễn đạt sự cô đơn của kiếp người giữa không gian vô hạn và có những bức tranh như mô tả bốn mùa đang trôi qua thành phố thơ mộng.
Với gam màu vàng của lá úa, người xem như đang khẻ chạm vào mùa thu kiêu bạt, rồi mùa đông hiu hắt trong màu trắng đục với cơn mưa phùn xam xám đã tạo ra cảm giác cô quạnh buốt giá, chìm sâu trong sắc màu tươi đỏ là những tia nắng xuyên qua từng kẻ lá đã tạo nên bức tranh của mùa hạ lung linh nắng gió và mùa xuân như đang hiện ra trước mắt người thưởng ngoạn với mảng màu xanh non của lá cây tràn đầy sức sống...
Mỗi bức tranh của anh được thể hiện bởi một tông màu và những vết loang nhẹ về miền hư ảo xa xăm, rồi từng tia hy vọng, những buồn vui là điểm nhấn gợi lên những rung cảm nơi người xem. Khi ngắm bức tranh Suy tưởng bên hoa sen đã đưa người thưởng ngoạn trở về với vẻ đẹp thiêng liêng, kín đáo của người con gái những thập niên trước. Với màu vàng dìu dịu của ánh trăng khuya trên dòng sông huyền ảo (bức Thuyền trên sông trăng), sắc vàng lung linh, trang trọng đã gợi lên trong tâm thức người xem sự liên tưởng đến ánh đạo vàng trong Phật giáo... (bức Sân chùa). 
Màn mưa sau ô cửa nhạt nhoà một khoảng sâu hun hút về phía cánh rừng khi chiều xuống (bức Cánh rừng buổi chiều). Có tác phẩm khiến người xem có cảm giác đang đứng dưới cơn mưa sao từ cõi huyền linh đem lại những ước vọng an lành cho con người (bức Nguyện cầu).
Những buổi sáng mù sương, tôi thường lang thang qua những dòng sông nhỏ quanh thị thành, lạc giữa sương mù xứ Huế mới cảm nhận được chất thuỷ mặc trong tranh của người hoạ sĩ sống lặng lẽ trong góc khuất đời mình. Mỗi màn sương mỏng giữa chốn đô hội lần lượt mở ra trước mắt tôi những tác phẩm của hoạ sĩ. Bước chân tôi rơi nhẹ giữa lớp lớp sương mù đã giúp tôi hiểu hơn những gì ẩn sau mỗi lớp màu sương khói trong tranh của anh. Khuất sau màn sương đó là nếp sống của những con người lao động chân chất và những cư dân lênh đênh trên các con đò dọc theo dòng Hương từ tờ mờ sáng để sinh nhai...
Màu sắc trong hầu hết các bức tranh của người hoạ sĩ thầm lặng này như gợi lên một nỗi buồn tinh khôi, dưới lớp màu mong manh nhưng chất chứa đằng sau sắc màu ấy là một kho tàng văn hoá sống của quá khứ đang mất dần giữa đời sống đô thị. Tôi như cảm nhận được nỗi ám ảnh lớn trong đời của hoạ sĩ Nguyễn Văn Tuyên là những hình ảnh lướt nhanh qua cuộc đời, nhưng mãi lưu lại trong tâm thức anh. Vì thế hình ảnh con người đã hiện lên trong các tác phẩm một cách lặng lẽ giữa cuộc sống đầy biến động. Những chiếc đò lơ lững trên sông, những ngôi nhà miền sông nước, những dáng người khốn khó,... được hoạ sĩ diễn đạt khi tỏ khi mờ trong gam màu bình dị, gần gũi với làng quê. Những khoảng tối và đốm sáng tràn đầy xúc cảm, những thân cây mùa đông trụi lá, những con phố hiu quạnh,...tất cả cảnh vật hiện ra trong khoảng lặng tờ mờ giữa mù sương xứ Huế. Tôi nghĩ rằng để cảm nhận được điều đó, tâm hồn tác giả phẳng lặng như mặt hồ, trở thành tấm gương phản chiếu cảnh vật xung quanh và bằng tài năng diễn đạt kết hợp với cảm xúc mãnh liệt từ nội tâm của người hoạ sĩ, anh đã đưa người xem đến với sự tĩnh lặng khi thưởng ngoạn.
Các tác phẩm của anh chia làm nhiều mảng rất rõ nét, từ những bức tranh tĩnh vật diễn tả nét văn hoá làng quê Việt, nhiều bức vẽ con phố xưa, ngôi làng nhỏ hoà vào đất trời,... Đã có người nhận định, anh Tuyên vẽ phong cảnh như cắt từng đoạn sông Hương, từng khoảng vườn thiên nhiên xứ Huế, từng dáng thuyền xưa trên dòng Hương giang,... trộn cùng cảm xúc của anh gửi vào tác phẩm. Anh còn thể hiện tài tình sắc độ của sông theo từng thời khắc; màu trắng đục của buổi sớm mù sương, khi màn sương tan, những giọt nắng vàng trong veo đầu ngày đọng trên lá cỏ, loang trên mặt sông; rồi màu xanh của mây trời, lúc chiều xuống là màu lục của lá cây, rồi màu khói lam chiều ảm đạm và khi mặt trời khuất dạng là màu tím của hoàng hôn bát ngát,... phải ngắm nhìn và theo dõi sắc độ của dòng sông mỗi ngày suốt bốn mùa anh mới chuyển tải được những phổ màu đó vào tác phẩm của mình và đó cũng chính là niềm trăn trở của một hoạ sĩ với quê hương, vùng đất mà mình gắn bó. Đặc biệt trong hầu hết những tác phẩm của anh, người xem không bao giờ phát hiện ra dấu vết một nét cọ, nét bay hay bất kỳ một dụng cụ để vẽ nào, tất cả đã hiện ra trong những bức tranh như có một bàn tay tài hoa của thiên nhiên sắp đặt. Trong một lần trò chuyện, hoạ sĩ đã tình cờ tiết lộ, anh đã dùng các ngón tay của mình để tạo ra các tác phẩm. Khi nói về phong cảnh thiên nhiên xứ Huế các văn nhân, thi sĩ, hoạ sĩ,... luôn nhắc đến chất thuỷ mặc được tạo hoá ban tặng bàng bạc khắp nơi ở vùng đất kinh kỳ. Trong hội hoạ, khi nghe từ thuỷ mặc ta sẽ nghĩ ngay đến yếu tố nước, và độ đậm nhạt của nét bút cùng với sự rung cảm và tài năng diễn đạt hình, ý, thần của người nghệ sĩ  để tạo ra tác phẩm sống động. Vậy mà bằng chất liệu sơn dầu, mỗi tác phẩm của anh Tuyên lại gợi lên chất thuỷ mặc một cách kỳ ảo, với sự loang chảy và tan rữa rất tự nhiên qua các phổ màu đạt độ chín hoàn hảo, đã dẫn dắt người xem vào thế giới của những cảm xúc nguyên sơ. Làm được điều đó một phần là do tài năng thể hiện của tác giả và sự cảm nhận tinh tuý của người hoạ sĩ. Tội mạo muội gọi anh là người vẽ phong cảnh sau những lớp sương mù. 
Khi được hỏi về các dự định sáng tác trong tương lai, anh lại lặng nhìn về phía xa xăm, với ánh mắt buồn sâu thẳm. Tất cả tấm lòng của anh, niềm trăn trở của một hoạ sĩ trước cuộc sống chính là dự định sáng tác của một người hoạ sĩ chân chính. Dù không nói ra nhưng ánh mắt con người ấy như mách bảo tôi như vậy.
Huế, 2/2009
 Lê Huỳnh Lâm

1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...