Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Tản mạn về chút hương hoa trong thơ

Tản mạn về chút hương hoa trong thơ
Một phút yên tĩnh để hưởng chút hương hoa của đời, chút hương hoa trong thơ ca, nhạc họa
 Người say đắm… tìm hoa
“Tân trang nghi diện hạ chu lâu/ Thâm tỏa xuân quang, nhất dạ sầu/ Hành đáo trung đình sổ hoa đóa/ Tình đình phi thượng ngọc tao đầu”. Tạm dịch là: “Áo thay thơm ngát xuống lầu/ Ánh xuân gội mát sạch sầu đêm qua/ Lên đình mái tóc cài hoa/ Chuồn xinh bay đậu nõn nà ngọc trâm”.
Đó làmấy câu thơ của thi sĩ đời trung Đường Lưu Vũ Tích tả hương thơm trên mái tóc một cung nữ. Bốn câu thơ đã giúp ta cảm nhận được vẻ đẹp và hương thơm ngào ngạt tươi mát của nàng cung nữ và của chiếc trâm ngọc trong một sáng xuân. Ngay cả chú chuồn chuồn xinh cũng bị quyến rũ bay tới ngây ngất đậu trên mái tóc nàng.
Nói tới hương hoa, dù là ở đâu, chúng ta cũng đều đang hướng tới cái đẹp. Mà cái đẹp thì ai mà chả yêu thích mê say?! Tôi còn nhớ những chuyện ngày xưa, chúng tôi mê, chúng tôi say đọc thơ của nhà thơ Xuân Diệu cũng một phần nhờ vào bút pháp “Thơ Hương” đầy tính trữ tình của ông: Trăng mối lái phủ màng tơ ảo mộng/ Gió chắp cánh cho hương càng tỏa rộng/ Xốc nhau đi vào khắp cõi xa bay/ Và hương bay thì hoa tưởng hoa bay (Hoa đêm).
Hoa cỏ thiên nhiên, nguồn cảm hứng cho thơ ca, nhạc hoạ
Đó là một chút hương tản mạn. Rồi còn đó những mùi hương bao la vô tận: Gió nọ mà bay lên nguyệt kia/ Thêm đem sương cánh xuống đầm đìa/ Ngẩng đầu ngắm mãi chưa xong nhỉ/ Hoa bưởi thơm rồi: đêm đã khuya (Buồn trăng). Hay chút hương nồng đượm:Cam quýt thêm na, ổi rộn ràng/ Hái hoa ngâu rực chiếc nong vàng/ Canh khuya chợt thức nghe hoa ngát/ Giấc ngủ như là đã ướp hương (Vườn Thuận Vi). Và còn đó, cũng chính nhà thơ tình tài hoa này còn gợi cho ta nghe trong nhạc điệu có hương. Thứ hương nhạc say sưa: Này lắng nghe em khúc nhạc thơm/ say sưa như rượu tối tân hôn/ Như hương thấm tận qua xương tủy/ Âm điệu thần tiên thấm tận hồn (Huyền diệu). Hay một thứ hương nhạc ngọt ngào: Hãy nghe lẫn lộn ghé bên tai/ Giọng suối lời chim tiếng khóc người/ Hãy uống thơ tan trong khúc nhạc/ Ngọt ngào kêu gọi thuở xa xưa.
Không những thế, không biết tự khi nào, trong dân gian đã lưu truyền biết bao nhiêu bài thơ, câu thơ hay nồng đượm chất hương hoa. Tôi là người thường may mắn được các cụ đồ Nghệ đọc cho nghe những vần thơ huyền diệu: Hoa thơm, thơm lạ, thơm lùng/ Thơm cây, thơm rễ, người trồng cũng thơm. Câu ca dao như một làn hương bay. Hoa đẹp như người, người đẹp như hoa. Và hương, hương thơm từ cội rễ, đáy lòng.
Ông Phạm Đình Ân đã từng nói rằng: Ai đã từng sống một thời thơ ấu ở một vùng quê nông thôn nào đó hẳn sẽ không quên được hoa bìm. Những chú bé lớn lên trở thành người con trai, cái nhìn khác trước, thấy Bìm bìm luồn lách vườn em (bìm bìm chứ không phải là anh). Hình như cô gái kín đáo ẩn mình sau những dây hoa hồng tím. Thế là, Anh theo con bướm tìm xem mặt nàng. Hay Dạ hương biến hóa tài tình/ Hương bay một nẻo, hoa rình một nơi. Và rồi, trong sự e ấp, thẹn thùng của người con gái, chàng trai khen người mình yêu: Má em như thể bông sen/ Ngón tay hoa huệ, miệng em: hoa hồng. Hoặc: Miệng cười như thể hoa ngâu/ Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.
Còn tôi thì lại tiêng tiếc mãi khi bói mãi, tìm mãi mà không ra được lối tỏ tình ở những đôi trai gái thời nay như lối tỏ tình của đôi trai gái ngày xưa. Khi nghe người yêu tỏ tình: Anh yêu em yêu nhất hoa hồng/ Để cho anh bế, anh bồng trên tay. Thì trong ngập tràn của hạnh phúc, cô gái cũng phúc đáp lại: Ước gì anh hóa ra hoa/ Cho em nựng lấy để mà cài khăn. Thật đẹp, ai cũng muốn dành lấy hương hoa cho người mình yêu. Họ đến với nhau bằng cả tấm lòng yêu thương trân trọng, coi hoa là một biểu hiện của tình yêu cao đẹp.
Và còn có những câu ca dao càng nghe, càng ngẫm, càng thấy giật mình: Thương em ruột thắt tận da/ Chờ búp sen nở sáng ra mới về. Vâng, người con trai thương vợ đến thế là cùng. Thức suốt đêm để cùng đau với cái đau thắt của người vợ trong đêm trở dạ. Tia sáng lóe ngời trong ca dao chính là đứa con ra đời như búp sen nở trong đêm. Thật là độc đáo. Không có tấm lòng sâu nặng yêu thương thì không thể thốt lên được những lời thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn cao cả ấy.
Cùng với xu thế đi lên của xã hội, năm nay, cả đất nước ta đã và đang bước vào một vị thế mới và tầm cao mới của thời hội nhập; trong bộn bề công việc và sự phát triển đi lên một cách chóng mặt của xã hội; một phút yên tĩnh để hưởng chút hương hoa của đời, chút hương hoa trong thơ ca, nhạc họa thật là quí báu và cần thiết biết chừng nào. Vâng, bất cứ ở thời đại nào sao nỡ bỏ ngoài đời chút hương hoa….
Nguyễn Thị Ý
VietBao.vn 


1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...