Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Tâm sự cùng Phạm Văn Nhàn qua “Màu thời gian”

Tâm sự cùng Phạm Văn Nhàn qua “Màu thời gian”
Tôi nhận được tập truyện  “Màu Thời Gian” của Pham Văn Nhàn “qua tay” của N.L.U. Ngay trang đầu, cậu ấy viết : “Thay mặt tác giả ở chốn xa xôi, kính tăng anh chị…”. Nhận được sách, như gặp lại được bạn – người bạn văn đã hơn ba mươi năm lưu lạc xa cách ; bây giờ đang ở bên tôi, trước mặt tôi…
Tôi nhìn tấm cảnh của PVN.  ở trang 4 bìa sách – cảm thấy yên tâm, và một nỗi vui mừng vì sự khổ ải đã không làm anh thay đổi bao nhiêu! “Màu Thời Gian” gồm 8 truyện ngắn (và 5 bài viết về “Những người bạn tôi”). Tôi chọn truyện cuối – “Vẫn Những Mùa Xuân”  viết về người em trai của PVN – thiếu úy Phạm Bảy, đã chết trước một tháng khi miền Nam sụp đổ; để đọc trước tiên.
Bằng giọng văn thuật chuyện rất tự nhiên, nhẹ nhàng, có chút bi hài, và “phớt tỉnh” – PVN. đã qua sự nhớ tưởng về cái chết của người em trai – và cũng là một chiến hữu ; vẽ ra được toàn bộ thảm cảnh của chiến tranh, từ nhiều góc độ; từ bản thân, gia đình, bằng hữu, tình yêu, cuộc sống. Có thể nghĩ, “Vẫn Những Mùa Xuân” không nói đến súng đạn, chết chóc, hận thù, kêu gào (…) nhiều như vài tác giả đã viết về cuộc chiến trước 75; nhưng đã mô tả lại gần như rất đủ, những mảnh đời bi thương, biến động nội tâm – một cách rất thật, rất tỉnh, rất … thản nhiên! – “chiến tranh dai như đỉa đói, làm sao tránh khỏi hả mẹ”.
-… Bao nhiêu năm trong quân đội. Lội từ miền cao xuống đồng bằng, cuối cùng thì bị thương cưa chân. Nay nghe ông trung úy nói hiệp định ký, có hòa bình, tao chẳng biết đi về đâu sau cái tết này? “ (trang 90).
Cái tâm trạng chẳng biết “đi về đâu”, cuộc đời mình sẽ ra sao, như Tư , như Vân, như Bảy (…) trong cuộc chiến này- nhất là sau 1975 – là của cả một thế hệ – một lớp người được gọi tên là “kẻ chiến bại”. Hình ảnh của tương lai, của ngày mai, làm gì có trong chiến tranh –“Ai vậy mẹ? Bộ mẹ muốn người ta trở thành bà góa. Mẹ mang tội đấy” (trang 94) – đến cái hạnh phúc tưởng đơn giản nhất (và cũng cần thiết nhất) cho đời người là tình yêu, là một mái ấm gia đình, cũng là điều … ít ai dám nghĩ đến.
Và như người mẹ già gian truân, khổ ải vì đàn con của Bảy đã rất sợ khi mùa xuân đến (!):“Mùa xuân. Tự nhiên bà nghĩ tới mùa xuân, bà sợ…” – “ Bà đâm ra sợ mỗi lần xuân đến!” (trang 95). Nếu chiến tranh còn, sự hận thù còn – thì cuộc đời, mùa xuân “Vẫn những mùa xuân”  ảm đạm, đau thương, vô vọng như thế!
Chiến tranh trong truyện PVN – dù là một người lính ngày đêm giáp mặt với những trận đánh, với súng đạn, chết chóc (…) ; nhưng đặc biệt tác giả ít nói đến chuyện ở chiến trường – có lẽ coi đó là một việc bình thường ; mà chỉ nói đến “phía sau”, đến thân phận, với nỗi ưu tư khắc khoải của cả một đời người.
Sự tàn phá nguy hại nhất của chiến tranh không chỉ ở những làng mạc, thành phố bị thiêu cháy, những tổn thất về vật chất ; mà là sự mất mát về con người – làm chai mòn tâm hồn, hủy diệt đời sống tâm linh ; sống trong nỗi bất an; bàng hoàng, vô vọng thường trực. Nỗi kinh hoang, đớn đau, chán chường này kéo dài, chưa biết đến bao giờ mới thực sự chấm dứt. Truyện PVN thường viết về những hoài niệm như một chút an ủi, một chút nhớ thương, một chút mơ mộng nuối tiếc… Với P.V.N dù là một nơi “Góc Phố Cũ” (tr.6) cũng đủ khơi dậy cả một quá khứ mù tăm dài dặc với bao biến động khi trở về : “Còn sống, nhưng không ai nhìn ra khi lão bước xuống xe lam đứng nơi góc phố cũ. Lão vừa đi chậm rải trên lề đường vừa suy nghĩ còn ai ở đây để tìm lại thăm” (tr.8); nhưng rồi “”Thấy cái gì cũng lạ. Lạ lắm. Chỉ có những cánh rừng trước mặt lão là không thay đổi”. Và sau cùng, “Tự nhiên những giọt nước mắt của hai người lính già ứa ra trong cái lạnh hây hây của sương rừng! “.
Cho dầu thực tại là vậy. Là sự trống trải. Là sự bi thương. Nhưng diễm phúc và may mắn thay – người lính P.V.N. trong nỗi bất hạnh cùng cực ấy, đã luôn giữ được tâm tình trong sáng, an tịnh, để “Tìm Về” (tr.17) để cảm nhận, để thương yêu… Dù mô tả thực tại có phũ phàng đến đâu, PVN. không lớn giọng, không quá bi thương, mà luôn nhen nhuốm những tia sáng ấm áp, lạc quan – để “sống” thực cho mình. Thật thơ mộng, êm đềm với “buổi sáng im ắng nào đó đứng trên nóc lô cốt nhìn dòng sông sau những đêm thức trắng canh giữ chân cầu. Nhìn dòng nước chảy đục ngầu dưới cầu, hắn và những người lính của hắn biết là đêm qua trên thượng nguồn đã có cơn mưa núi”. (tr.18). Và với P.V.N “chiến tranh như bị hương thơm của những loài hoa trong vườn nhà Thạch xua đi, chỉ còn lại nỗi thanh bình trong những lối đi mòn qua những câu hát của người cùng đi trốn ngủ!” (tr.21) – Thật nhạy cảm và lãng mạn!
Tính nhân văn trong truyện PVN thể hiện rõ nét trong tính cách, lối sống, nếp nghĩ của nhân vật. Nhân vật Mịch (trong Màu Thời Gian) đã vương lên từ nghèo khó, bằng chính sự rèn luyện, chịu đựng của mình ; nhưng khi đã đạt đến một tình trạng cao hơn ; luôn luôn nhìn lại, nhìn xuống cuộc đời, để xẻ chia, để cảm thông với tất cả – cho dù là một đứa bé. “Có gì đâu, xe chạy một đỗi thì chỗ ngồi cũng rộng thôi. Ông nghĩ như vậy, cho nên dù bị ngồi kẹp giữa những hành khách mà ông lại thấy vui, gần gũi bà con trong gang tấc” (tr.47). Và “Thời đó, biết bao nhiêu lần ông hành quân qua những xóm làng, cũng những đám ruộng đó, cũng nhữ ụ rơm đó, cũng những con trâu  đứng nhìn ngơ ngác những toán lính đi qua. Xóm làng đối với ông nghe sao gần gũi. Như hôm nay cái háo hức như về lại với ông ngày nào….” (tr.49). Hình ảnh Mịch “vẫn ngồi bên lề đường, lặt từng hạt bắp luộc, nhai chậm rãi như níu kéo lại những con sóng thời gian đã trôi qua đời ông lặng lẽ…”. (tr.57).Sự ly tan trong gia đình người bác, người chị (Một Chút Ngậm Ngùi – tr.27) không phải là ít khi cuộc chiến kéo dài đến 21 năm – “Chiến tranh kỳ quặt, rõ ràng nồi da xáo thịt trong ngôi nhà của bác tôi”. Vợ chồng không dám nhìn nhau, cha con không dám nhận nhau – giữa hận thù vây bủa, phủ chụp lên thân phận con người… “Tại hắn hay tại ai ? Hắn không đổ thừa cho một ai cả. Tại tai ách lòng trời mới ra nông nổi”. (Hương Xưa – tr.43). Đó chính là nét đặc thù bi đát nhất của cuộc chiến ở Việt Nam. Trong cuộc sống được tính từng ngày, trong nỗi gian nan kề cận cái chết, “Hắn” vẫn yêu, vẫn mơ mộng, vẫn hồn nhiên sống cho đời sống hiện tại của mình : Đó cũng là tâm trạng của lớp trẻ miền Nam. Đó là bản năng tồn tại của giới trí thức văn nghệ một thời đất nước chiến chinh, một thời quê hương đổi thay, điên đảo… Một chút gì của “Hương Xưa” (một bản nhạc, giọng hát, góc phố, con đường, chiếc mũ 6 múi, mùi hương hoa sứ, chiếc áo blouse trắng..) cũng là một gợi nhớ miên man, cũng là một niềm an ủi tuyệt vời; tuy rằng “hắn bấy giờ như cọng cỏ khô trôi bềnh bồng giữa dòng kênh nước đục” (tr.46).
Tôi đọc truyện PVN như để nhớ lại anh, tìm lại hình ảnh của anh, mà đã hơn 30 năm không được gặp lại, thiếu vắng tin tức. Tôi đã thực sự cảm thấy thích thú bởi qua 8 truyện ngắn trong “Màu Thời Gian”, truyện nào cũng có thấp thoáng bóng dáng, cuộc đời, tình cảm của anh được ghi lại một cách bình dị, chân thật- giống như con người của anh đời thường. Qua MTG  tôi biết rõ thêm một cách sâu đậm về PVN – một người bạn văn mà tôi quý mến. Thêm nữa điều khiến tôi đọc MTG  “một hơi” không nghỉ là sự gần gũi, sự thiết thân của từng nhân vật với cuộc sống của mình. Tôi cảm nhận MTG cả sau, và ngoài những trang viết, bởi vì  nó rất giống mình !
 “Màu Thời Gian” có đổi thay, có biến động, có là “màu gì” đi nữa – thì đó cũng chính là cuộc đời của PVN , của tôi, của lớp trẻ miền Nam… Phải cần được chia xẻ, cảm thông và trân quý ! Qua MTG, tôi nghĩ – PVN đã tâm sự với chúng ta rất nhiều điều (…).
Mang Viên Long


1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...