Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Thơ tuyển trong những tuyển thơ - Một tôn trọng thơ ca và độc giả

Thơ tuyển trong những tuyển thơ - Một tôn trọng 
thơ ca và độc giả
Hay và kỹ phải nhắc đến “Châu thổ” (nhà thơ Nguyễn Quang Thiều). Đây là cuốn thơ tuyển lần thứ nhất của ông (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2010). In một tập thơ đã không dễ dàng gì trong việc “chọn bài” với những nhà thơ kỹ tính (mà tôi nghĩ phải kỹ tính mới là nhà thơ). Khi làm tuyển, còn khó khăn hơn bởi TUYỂN đã là nội hàm “đựng” rất nhiều “quỹ” thời gian sáng tác, phương thức thể hiện, phong cách, tư tưởng của tác giả… Một tuyển nữa là “Thơ tuyển Mai Văn Phấn, cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2011). Chính các tuyển thơ đẹp và kỹ của hai ông đã cho tôi nhiều suy ngẫm khi đặt bút viết bài này. Một tôn trọng thơ ca và độc giả của nhà thơ khi làm tuyển.
Trong “Thơ tuyển Mai Văn Phấn”, rất dễ nhận ra ông bỏ đi rất ít các bài thơ in trong các tập thơ xuất bản sau năm 2000. “Hôm sau”, “Vách nước”, “Và đột nhiên gió thổi”, “Bầu trời không mái che”. Gần 300 bài thơ, trường ca từ khởi đầu “Giọt nắng” cho đến “tuyển” là một bức tranh “đa phong cách” với các tông màu ông “sử dụng” không giống bất cứ ai. Ngay những bài thơ được coi như “đã cũ” trong quan niệm sáng tạo của mình, nhà thơ Mai Văn Phấn không thể biết vẫn có một thế hệ độc giả bầu “Thuốc đắng”, “Nguyên Hồng vào nhà thờ”, “Con ngủ”, “Thu về”, “Chân thật” của ông là…đặc sắc, dẫu ông có nhận rằng “tôi viết (Giọt nắng) theo bản năng, nhằm giải tỏa tâm trạng và ám ảnh về đời sống lúc đó” thì từ “Giọt nắng – 1992” cho đến “Và đột nhiên gió thổi”, tám tập thơ đã hợp lại trong tuyển với những con đường sáng tạo không lặp lại.
Từ bản năng đến “kết hợp truyền thống với tâm thức hiện đại”, “Siêu thực, tượng trưng, biểu hiện”, “hậu hiện đại kiểu Việt Nam” và trở thành cổ điển nhưng “thuộc cổ điển mới”. Một tuyển thơ trong khi đọc đã làm tắc nghẽn mọi tư duy sáng tạo trong cá nhân tôi. Thoát khỏi từ trường sáng tạo là một khó khăn với độc giả cũng như tìm một cảm xúc “mưa xuân phơi phới bay” khi gấp lại “Thơ tuyển Mai Văn Phấn”. Một tuyển thơ không phải “kết thúc sự nghiệp” như nhiều tuyển của nhiều nhà thơ khác. Tôi tin vào cảm nhận dòng điện sáng tạo trong thơ của nhà thơ Mai Văn Phấn sẽ “tái sinh” từ trường mới khác hẳn với thơ tuyển ông vừa tuyển xong và ra mắt độc giả.
Chính bởi thái độ và cách làm việc nghiêm túc, khoa học, kỹ càng trong cách tuyển thơ đưa vào tuyển của ông.
Hai tông màu (trình bày) gần giống nhau. Thời gian xuất hiện trước sau non nửa năm trời (Châu Thổ - Nguyễn Quang Thiều) với lời đề từ “Tưởng nhớ những người thân yêu đã mất” là tuyển in dấu 30 năm trời cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa lặng phắc “tiếng người thì hiện tại”. Những giấc mơ bay từ quá khứ đến tương lai ám ảnh tôi trong hạnh phúc được đọc gần như toàn vẹn những ý tác của tác giả. Từ “Sự mất ngủ của lửa – 1992”, “Những người đàn bà gánh nước sông – 1995”, “Bài ca những con chim đêm – 1999” được tuyển vào “Châu thổ”. Những sáng tác mới (hay là tôi chưa được đọc) như “Bài ca trước phần mộ Diễm Châu”, “0h7’” có cảm tưởng Châu thổ là một ngôi nhà xây bằng vật liệu truyền thống. Rất nhiều phòng với mỗi câu thơ là một cửa sổ nhìn ra một phong cảnh với một cảm xúc khác, một chiều sâu khác, một suy nghĩ khác cho độc giả.
Cùng với những tuyển thơ của “Thơ Trần Dần” và rất nhiều các nhà thơ khác đã làm tuyển, “Châu thổ” và “Thơ tuyển Mai Văn Phấn” là hai trong những tuyển đã được chính nhà thơ làm tuyển cho mình một cách “hoàn hảo”. Từ nội dung cho tới hình thức khiến cho độc giả hoặc bất cứ ai yêu thơ, quan tâm đến thơ ca đương đại không thể không tìm đọc và tìm thấy sự trọng thị với thi ca cùng sự kính trọng sức sáng tạo trên con đường nghệ thuật cùng thi pháp của nhà thơ.
Vũ Thị Huyền
Báo Hải Phòng cuối tuần, 8/2011


1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...