Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Lời và nhạc Trịnh Công Sơn

Lời và nhạc Trịnh Công Sơn
     Thế hệ chúng tôi, những người vào đời sau khi đất nước thống nhất, chấm dứt cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc kéo dài 30 năm.Trong những cuộc hành trình đến với mọi miền quê của Tổ quốc ở phía Nam, hành trang tinh thần của mỗi người không thể thiếu vắng những khúc hát của người nghệ sĩ một thời “hoa bướm ngày xưa”.
   Nhắc đến nhạc Trịnh Công Sơn, nhiều bạn trong chúng tôi nhớ đến những ngày miền Nam vừa giải phóng, dưới mái nhà lá của ký túc xá một trường đại học ở miền Trung, vào giờ giải lao giữa buổi học hay trong đêm, trong tiếng đàn ghi ta bập bùng, ai đó khe khẻ hát: “Gọi nắng cho tóc em dài đường xa áo bay…”, rồi “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…”. Những khúc hát ấy đều nghe trộm, rồi tự bao giờ, nó nhập vào trí nhớ.
   Những ngày vào Nam công tác, đất nước vừa qua cảnh binh đao, cảnh sắc ở những vùng đất một thời chinh chiến vẫn còn nguyên cả đấy! Những vòng dây thép gai, những lô cốt, những xác xe tăng vẫn còn ngổn ngang trên đất Quảng Trị. Vẳng nghe trong bài hát của Trịnh Công Sơn về nỗi đau một thời: “Một chiều mùa đông/ Hai bên là rừng/ Một cổ xe tang/ Trái mìn nổ chậm…”
     Những ngày đầu đến nhiệm sở, lạ đất lạ người, những chiều Chủ nhật buồn, thả hồn trong những bài hát có “cơn mơ chiều nhiều hoa nắng rơi”, có dáng em “như cánh vạc bay…” làm xao xuyến tâm hồn, thức dậy những tình cảm nhẹ nhàng và trong sáng, để biết yêu thương, biết buồn và biết mơ mộng: “Nắng có hồng bằng đôi môi em? Mưa có buồn bằng đôi mắt em?Tóc em từng sợi nhỏ/ Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh…”.
     Những người đi xa, không ai dễ quên những bài hát của Trịnh Công Sơn đã trở thành hành trang trong những cuộc hành trình cùng với sương gió của mọi miền quê. Có lẽ, thường ngày cuộc sống với bao bận rộn, ít ai nghĩ đến nhạc của ông. Nhưng trên những chuyến đi ấy, có lúc tâm hồn con người như tìm thấy sự thanh thản. Mặc dù ai chẳng thế, đi thì mong cho đến, về rồi lại ra đi. Và trên hành trình đi ngược về xuôi, thấm thía làm sao câu hát: “Trên bước chân em âm thầm lá đổ/ Đường dài hun hút cho mắt thâm sâu…” . Hoặc, trong một thoáng cô đơn một chiều mưa, có ai còn nhớ: “Chiều này còn mưa/ Sao em không lại? Nhỡ mai, trong cơn đau vùi/ Làm sao có nhau?...”.
   Lời và nhạc Trịnh Công Sơn luôn hướng về những cảm xúc, tình yêu thương nồng nàn mà nếu thiếu nó, ông rất buồn và không hình dung nổi khi tình yêu thiếu vắng trên cõi đời này: “Khi tình đã vội quên/ Tim lăn trên đường mòn… Khi về trong mùa đông/ Ta rong rêu muộn màng…”.
    Hơn ai hết, lời và nhạc Trịnh Công Sơn đã thể hiện sự ý thức sâu sắc cái bé nhỏ, cái hư vô của thân phận con người. Sự giả định về cái tôi trong mỗi con người - “hạt bụi”, với cảm giác thời gian trôi nhanh, được cảm nhận: “Bao nhiêu năm làm kiếp con người/ Rồi một ngày tóc trắng như vôi… Cho trăm năm về hết một ngày”.
     Ý thức sâu sắc về đời người nên ông có một thái độ sống, một sự thăng hoa rất nghệ sĩ, như là sự hoà nhập vào bản thể của vũ trụ, để có Một cõi đi về vừa nặng nhân duyên nhưng cũng thấu cảm cái lẽ vô thường của cõi đời, kiếp người.
      Lời và nhạc của Trịnh Công Sơn vừa thâm thuý, vừa cao cả mà không xa vời với tâm sự con người là vì vậy. Và cũng vì vậy, những bài hát của ông đã đi vào tình cảm và tâm hồn nhiều thế hệ người Việt hôm nay.
                                                   Nguyễn Văn Kha   
                 
                       

1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...