Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Tất cả các dòng sông đều chảy

Tất cả các dòng sông đều chảy 
Thích đọc tiểu thuyết vào tầm 12h đêm và kéo dài đến 3-4h sáng, thậm chí đến lúc hai mắt ríp lại thì thôi, lần này là Tất cả các dòng sông đều chảy của nữ nhà văn Nancy Cato. Bốn phần như bốn mảnh ghép lại hoàn chỉnh một đời người, gắn liền với sự tái tạo và chết đi của những giọt nước-những dòng sông.
Nhân vật Philadelphia xuất hiện như một giọt nước trong veo, biết hoà mình vào dòng sông mà chính cô không biết nó sẽ gắn liền với số phận mình. Nước gợn lăn tăn, một ánh sao run run phản chiếu và vỡ ra như những mảnh kim cương… Dòng sông chảy giữa hai bàn chân cô … Quả quyết, không dứt, từ cội nguồn xa xôi, dòng sông chảy về biển cả xa lạ. Lần đầu tiên cô thấy sự tuôn chảy vô tận của nó thật là hết sức kỳ diệu. Đó là một dòng sông chưa bị chế ngự.
Thời gian chảy đến cuộc đời cô như một lẽ dĩ nhiên. Nó là một con sông mà cuộc sống chúng ta chỉ là những phần tử nước. Mối tình đầu non nớt, vụng dại kết thúc bằng sự ra đi của Adam-người mà đến khi tóc hoa râm cô vẫn còn nhớ đến. Trắc trở, long đong như đúng con thuyền mang tên Philadelphia, người mà cô dong duổi cùng là Brenton- một chàng trai với sự chinh phục ngọn sóng và sự tranh đua. Sáu đứa con, đứa đầu và đứa cuối chết khi mới ra đời, bốn đứa còn lại đều lớn lên và rẽ nhánh cho riêng mình. Con sông vẫn lướt xuôi dòng mặc ai làm gì nó. Lúc khô cạn, lúc lại đong đầy như tình cảm con người, đôi chút vụng trộm và thèm khát. Suy cho cùng, hào phóng về cuộc sống và lãnh đạm với cá nhân là đặc thù của thiên nhiên. Thiên nhiên chỉ quan tâm tới việc duy trì nòi giống. Cuộc sống vốn tự nó kì lạ. Đẹp kỳ lạ.
Tất cả các dòng sông đều chảy không đơn thuần là chuyện một đời người mà ở đó, suy rộng ra là cả đời sông. Đời người như đời sông, như cuộc sống hoà tan với thời gian, luôn trôi đi nhưng không ngừng đổi mới, mãi mãi biến chuyển nhưng muôn đời vẫn thực. Rồi cuối cùng cũng phải về bờ bến cuối cùng. Tất cả sông rồi sẽ đi về biển, từ biển bao la sẽ rót vào những lòng sông mêng mông tràn đầy. Mạch luân lưu không ngừng nghỉ ấy chính là cuộc sống. Ta tin rằng một cuộc sống trọn vẹn đã tăng thêm một cái gì đó vào thế giới của ý thức, giống như mỗi giọt nước thêm vào thể tích của dòng sông và mỗi chúng ta, trong hoàn cảnh sống của mình, đều có thể thừa hưởng cái dòng ý thức đó hoặc làm giàu thêm cái dòng ý thức đó…
Những trang tiểu thuyết khiến người đọc mường tượng tiếng đập của sông nước gắn liền với thanh xuân cho đến lúc tuổi già bóng xế của Philadelphia. Bà đưa đôi mắt xanh mờ nhìn lên vầng dương ấm áp. Cái đập chắn sóng bằng đá phía trên ngăn không cho bà nhìn thấy chân trời. Nước chỗ này nông và ấm. Một đợt sóng nhẹ lướt tới, đập vào đùi bà. Lại một đợt khác. Bà cảm thấy cát chạy khỏi các ngón chán bà mỗi khi nước rút. Bà chờ đợi sóng mới, người tình xưa đó: sông đong đưa, dâng lên và rút đi, một nhịp điệu từ ngàn đời.
Đấy là cuộc sống, không có cái chết, mặc dù biển cả là nơi kết thúc của những con sông chảy ngoằn ngoèo. Cơ thể, cá nhân, ký ức có thể mất đi trong đại dương vô thức mênh mông, từ nơi đây những dòng nước sẽ lại hình thành.
Thời gian như dòng nước trôi mãi mãi
Mang đi xa những đứa con thân yêu của mình…
Vâng, sẽ không bao giờ có cái chết, vì nơi tận cùng cũng là khởi thuỷ cho những mầm sống mới.
Tất cả các dòng sông đều chảy về biển cả…
Quách Duy Chung

1 nhận xét:

  Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng – Bút ký của Lệ Hằng 24 Tháng Năm, 2023 “Thấu Huế rồi.” Tôi háo hức suốt cả quãng đèo xanh bạt ...