Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Mùa thu trong thơ và nhạc

Mùa thu trong thơ và nhạc 
Theo quy luật của tạo hóa: hè qua, thu tới; thay vào cái nắng oi ả của mùa hè là lớp nắng vàng như rót mật và những làn gió nhẹ đầu tiên báo hiệu tiết trời đổi thay. Khoảnh khắc giao mùa sang thu luôn làm cho lòng người dịu xuống. Sự ồn ào náo nhiệt dường như đã nhường chỗ cho sự lắng đọng để thanh âm của tiếng rơi nghiêng là cả một khoảng trời thơ mộng.
Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng thật tinh tế khi viết những câu thơ này. Ông dùng hình tượng âm thanh của “tiếng rơi nghiêng” để nói lên sự tĩnh lặng trong khoảnh khắc giao mùa. Khi chiếc lá lìa cành như con thuyền chao nghiêng, mỏng manh chở bao hy vọng vượt qua thử thách khắc nghiệt của quy luật cuộc sống. Chỉ một chiếc lá rơi thôi mà đem đến biết bao cảm xúc cho những tâm hồn nhạy cảm.
Trong bối cảnh buồn của mùa thu với ngập lá vàng rơi. Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã viết bài "Mùa thu không trở lại" để nói lên nỗi sầu tan tác của ông:
"Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại
Em ra đi mùa thu, sương mờ giăng âm u
Em ra đi mùa thu, mùa thu không còn nữa
Đếm lá mùa thu, đo sầu ngập tim tôi…"
Ra đời từ năm 1950 nhưng cho đến nay, những câu hát ngập tràn cảm xúc của “Thu quyến rũ” vẫn khiến bao thế hệ người yêu nhạc Việt Nam đắm chìm vào một không gian lãng mạn mỗi độ thu về. Thu trở nên quyến rũ và đẹp hơn bao giờ hết qua lời kể của một chàng lãng tử si tình đã “trót yêu” tà áo xanh rực rỡ mà mùa thu tự khoác lên mình.
"Anh mong chờ mùa thu
Trời đất kia ngả màu xanh lơ
Đàn bướm kia vui đùa trên muôn hoa
Bên những bông hồng đẹp xinh
Anh mong chờ mùa thu
Dìu thế nhân vào chốn thiên thai
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa thu quyến rũ anh rồi …"
Miên man trong cảm xúc thu, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cảm nhận được mùa thu với những trái tim yêu thương “vương màu xanh mới”mà ở đó người nghe còn như đắm chìm vào một thiên nhiên đang chuyển mình với “mưa giăng lá đổ” với “nai vàng hát khúc yêu đương”.
“... Anh có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
Anh có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và anh có nghe khi mùa thu tới
Mang ái ân, mang tình yêu tới
Anh có nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé...”
Bài hát “Mùa thu cho em” vang lên khiến người ta liên tưởng đến bài thơ “Tiếng thu” của nhà thơ Lưu Trọng Lư.
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô ?
Mùa thu của Lưu Trọng Lư cho thấy một hình ảnh vô cùng đẹp đẽ của người cô phụ Việt Nam trông ngóng kẻ chinh phu trở về từ một tiền tuyến xa xôi, cái hình ảnh tiêu biểu thật đáng yêu của bao người phụ nữ Việt Nam trong bất cứ cuộc chiến nào suốt dòng lịch sử của dân tộc
Không tình tứ, mơ mộng như “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư, mùa thu trong “Đây Mùa Thu tới” của Xuân Diệu lại có gì đó bi lụy, hiu hắt, ngay từ câu mở đầu người ta đã thấy nỗi buồn nhuốm từ cây cỏ sang con người:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng.
Đây mùa thu tới, mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng           
Rồi đọc tiếp những câu thơ sau, người nghe lại thấy thấm thía một nỗi cô đơn, như có gì chia ly, báo hiệu sự cô đơn, lạnh lẽo của buổi giao mùa:
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
Có thể nói cảnh thu của Xuân Diệu thật đẹp, song lại man mác đượm buồn, nó như thể hiện sự cô đơn trong lòng thi nhân thuở ấy. Cái buồn trong thơ của Xuân Diệu có lẽ cũng là nỗi buồn nhè nhẹ, nỗi buồn của những người thuộc thế hệ trước khi: “Hôm nay trời nhẹ lên cao. Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”
Cũng lấy mùa thu làm cảm hứng để viết về tình yêu, “Hai Sắc Hoa Ti Gôn” vẫn mãi là những vần thơ trác tuyệt về mùa thu:
Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn,
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,
Tôi chờ người đến với yêu đương.
Từ đấy, thu rồi, thu lại thu,
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ...
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ.
Mặc dù đến nay tác giả của “Hai Sắc Hoa Tigon” nhiều người vẫn không biết chắc bút hiệu “T.T.Kh”  là ai? Dường như đó vẫn là những bí ẩn của thi ca Việt Nam, nhưng thôi có lẽ cứ để những bí ẩn đẹp đẽ kia mãi vẹn nguyên, cứ để những mối tình dang dở sẽ tinh khôi khi không có gì là trọn vẹn.
Ca khúc “Thơ tình cuối mùa thu” được nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nữ sĩ Xuân Quỳnh từng làm xao xuyến bao trái tim người nghe. Vẫn là lá vàng, mây trắng, hoa cúc vàng…  những hình ảnh muôn thưở của mùa thu nhưng nhà thơ Xuân Quỳnh có sức lay động lớn bởi sự mộc mạc, chân thành riêng chị.“Thơ tình cuối mùa thu” là khúc tự tình của chính nữ sĩ về tình yêu bất diệt nơi con tim mình.
Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa Thu đi cùng lá
Mùa Thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh môg
Mùa Thu vàng hoa cúc
Chỉ còn anh và em
Là của mùa Thu cũ
Chỉ còn anh và em
Và lại một mùa thu nữa lại về, cùng với những giai điệu man mác buồn của những khúc thơ thu, giai điệu viết về mùa thu cũng thường nhè nhẹ, có chút gì đó xa xăm như hòa với tiết thu của đất trời đủ để khiến lòng xao xuyến và đón nhận tiết trời đổi thay, đón nhận giây phút giao mùa.
Khánh Linh-PTDT Nội Trú



1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...