Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Người đương thời Thơ mới bàn về thơ Lưu Trọng Lư

Người đương thời Thơ mới bàn về thơ Lưu Trọng Lư
Ngay từ khi các bài thơ mới được in rải rác, trước ngày ra đời tập "Tiếng thu" (1939), thơ Lưu Trọng Lư đã được bạn đọc hết sức quan tâm. Trên cả hai báo Ngày nay và Văn học tạp chí (1935), Lê Tràng Kiều đã cho in bài "Một nhà thơ mới rất chú trọng về âm luật: Lưu Trọng Lư", nhấn mạnh vai trò nhạc điệu trong thơ Lưu Trọng Lư và chính chất nhạc đó đã kiến tạo nên một chất giọng thơ kiểu mới. 
Lưu Trọng Lư (1912-1991) - quê ở xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình - là một trong số những người khởi xướng và cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào Thơ mới. Được ví như một “chiến tướng”, ngay từ đầu Lưu Trọng Lư đã xuất hiện cả trên tư cách nhà thơ và người phê bình, luận thuyết, đấu tranh cho Thơ mới thắng lợi. Hoài Thanh - Hoài Chân trong Một thời đại trong thi ca đã xác nhận vai trò tướng Lưu: “Lần lượt những bài thơ mới, vốn làm từ trước, được đưa lên mặt báo. Người hưởng ứng nhất là ông Lưu Trọng Lư. Sau khi đăng bài của ông Phan Khôi chẳng bao lâu, Phụ nữ tân văn nhận được một bức thư hoan nghênh ký cô Liên Hương (Faifo), một bài thơ mới Trên đường đời ký Lưu Trọng Lư và một bài nữa Vắng khách thơ ký Thanh Tâm. Ký nhiều tên cho rộn thế thôi chứ đi lại cũng chỉ một người” (Thi nhân Việt Nam, 1942)… Điều chúng tôi đặc biệt quan tâm ở đây, bên cạnh những bài phát biểu quan niệm, trao đổi với Phan Khôi, Tản Đà, Bùi Công Trừng về nghệ thuật Thơ mới và trực tiếp giới thiệu thơ Xuân Diệu, Nam Trân… bản thân các tác phẩm thơ của Lưu Trọng Lư cũng đã được người đương thời như Lê Tràng Kiều, Trần Thanh Mại, Việt Châu, Nguyễn Vỹ, Hoài Thanh - Hoài Chân, Vũ Ngọc Phan, Kiều Thanh Quế… cùng phán xét, đánh giá và tiếp nhận theo nhiều cung bậc khác nhau.
Ngay từ khi các bài thơ mới được in rải rác, trước ngày ra đời tập Tiếng thu (1939), thơ Lưu Trọng Lư đã được bạn đọc hết sức quan tâm. Trên cả hai báo Ngày nayvà Văn học tạp chí (1935), Lê Tràng Kiều đã cho in bài Một nhà thơ mới rất chú trọng về âm luật: Lưu Trọng Lư. Trong bài viết này, Lê Tràng Kiều nhấn mạnh vai trò nhạc điệu trong thơ Lưu Trọng Lư và chính chất nhạc đó đã kiến tạo nên một chất giọng thơ kiểu mới: “Muốn chứng tỏ các nhà thơ cổ biết rằng thơ mới là một thứ thơ có âm nhạc hẳn hoi, không gì hay hơn là đưa thơ của Lưu Trọng Lư mà nói, một thi sĩ xưa nay rất chú trọng về mặt âm nhạc của thơ. Lưu Trọng Lư chính là một người đầu tiên gieo hạt thơ mới vào đất Bắc. Trong một số mùa xuân của báoPhong hóa, lần đầu Lưu quân cho đăng mấy bài thơ của mình... rồi từ đó, mỗi kỳ luôn luôn trên mặt báo ấy người ta thấy đăng những bài của Nguyễn Thế Lữ, của Tân Việt và của Vũ Đình Liên. Độc giả làm quen với Thế Lữ dần dần quên lãng Trọng Lư. Điều ấy rất dễ hiểu, vì bao giờ người ta cũng thích những cái thái quá hơn là những cái vừa chừng... Người ta ưa thơ mới, người ta lại ưa thơ thật “mới”. Cứ bình tĩnh mà xét, thơ Trọng Lư không phải là không mới, nhưng cái “mới” ở trong thơ Lưu Trọng Lư rất khó nhận vì nó mới ở tình cảm, ở âm điệu, ở hình ảnh (images). Thơ Thế Lữ, thơ Huy Thông thì phần nhiều “mới” ở tư tưởng, ở ý tứ, “mới” một cách rõ ràng hơn, “mới” một cách táo bạo”... Lê Tràng Kiều nâng tầm so sánh thơ Lưu Trọng Lưu với các nhà thơ trong nước và với thi sĩ tượng trưng nổi tiếng người Pháp Paul Marie Verlaine (1844-1896): “Cũng như Paul Verlaine, Lưu Trọng Lư đã tạo thành một lối thơ riêng, hẳn là của mình, một lối thơ vừa nhẹ nhàng, ngây ngô vừa mơ hồ, bóng bẩy, gợi những mối cảm vừa phe phẩy vừa thâm trầm, một lối thơ mới mẻ, trong trẻo như nguồn mới chảy ra, một lối thơ mà vần điệu rất là phóng túng, biết nương tựa vào nhau để tạo nên một khúc nhạc thánh thót làm cho người nghe vừa vui vừa buồn”…
Qua dẫn chứng bằng các bài Bên thành, Uyên ương, Lại nhớ, Tiếng thu, Hoa bên đường… nhà phê bình cho rằng, ngay cả khi xuất hiện lớp nhà thơ mới “mới một cách táo bạo” thì chất nhạc vẫn là mạch nguồn thơ Lưu Trọng Lư và góp phần quyết định làm nên đặc trưng giọng điệu Thơ mới:
“Những tình cảm tả trong thơ Trọng Lư là một thứ tình cảm dồi dào, mới mẻ, tế vi, tế vi quá cho nên người đọc khó nhận ra, vì thế, những bạn hâm mộ thơ mới ít ưa thơ Trọng Lư bằng thơ Thế Lữ là một nhà thơ mới, “mới” một cách táo bạo.
Nhưng đối phó với phái thơ cũ, thì thơ Trọng Lư là một cái chiến lũy chắc chắn vô cùng, vì thơ Trọng Lư có một cái âm nhạc rất dồi dào, rất phong phú”...
Sau khi tập Tiếng thu ra đời, nhà phê bình Trần Thanh Mại đã có bài viết Lưu Trọng Lư: Thi sĩ giang hồ (Đông Dương tuần báo, số Xuân Canh Thìn, 1940; in sách Đời văn II, 1942) và đặc biệt đề cao chất thơ trong thơ Lưu Trọng Lư:
“Nếu như ngày nay trong cái thể thơ người ta đang hay làm bây giờ, và người ta đã gọi là thơ mới, có người làm thơ “thuần túy” thì người ấy chỉ có thể là Phạm Văn Dật, tác giả Bâng khuâng, và Lưu Trọng Lư, tác giả Tiếng thu.
Lắm câu thơ của Lư có những âm hưởng của thơ Đường, nó dịu dàng phơn phớt, mát mẻ, lơ thơ, và hay gợi cho người đọc những nỗi u hoài mênh mang, bát ngát; những mối nhớ nhung nhè nhẹ xa xăm: Chiều sương, rừng tím, lệ muôn hàng/ Xao xác ghe đầy bến Trúc Lang/ Cây, nước, say theo người tráng sĩ/ Con đò quên cả chuyến sang ngang (Chiều cổ)”…
Một cách thành thực, Trần Thanh Mại cũng nêu ra những sở đoản của thơ Lưu Trọng Lư mà theo ông, nó như hệ quả tất yếu của một chất thơ sở trường đã đi quá giới hạn:
“Nhưng mà đại phàm không có việc gì không có bề mặt và bề trái của nó, không có đồng thời với phần hay cái phần dở của nó.
Nếu như cái đời giang hồ của Lưu Trọng Lư đã cho chàng những thi tứ dồi dào, những cảm hứng bồng bột, một nghệ thuật dễ dàng, thì chính nó lại cũng không cho chàng có thì giờ để kiểm soát lại những thi tứ, cảm hứng và nghệ thuật ấy: chàng còn phải chạy ngược, chạy xuôi chật vật để giành với đời sự sống hằng ngày”...
Trần Thanh Mại cũng thẳng thắn chỉ ra những câu chữ, hình ảnh, thi tứ mà ông cho là trùng lặp (cho dù hậu thế có thể cảm nhận khác hơn):
“Lưu Trọng Lư còn có cái tật xấu nữa là ít săn sóc đến những câu của mình đã viết ra. Như trong bài Giang hồ mà cái năng lực dẫn khởi, não nùng không còn chối cãi được nữa, chàng luôn luôn vấp phải những ý tứ và những chữ lặp đi lặp lại nhiều lần. Vừa mới ta thấy:
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn
Thì cách đấy dăm hàng ta lại thấy:
Con thuyền còn buộc trăng buông lạnh lùng.
Rồi tiếp liền theo ngay:
Chừ đây trăng nước não nùng,
Chừ đây hoa cỏ bên sông rũ buồn.
Để cách đấy ít câu ta lại thấy:
Gió đùa trăng trên bãi lạnh lùng! ”…
Ngay sau đó, tác giả Việt Châu trong bài Đọc thơ tình cảm (thơ Lưu Trọng Lư) và bàn với các ông Lê Tràng Kiều, Trần Thanh Mại in trên báo Mai ở Sài Gòn (số 85, ra ngày 12-5-1939, tr.9) đã nêu rõ quan niệm riêng của mình về lối “thơ tình cảm” và đề cao thơ tình cảm của Lưu Trọng Lư:
“ Có người sẽ hỏi: Thơ nào chẳng là tình cảm?
Thơ tình cảm đây là sánh với những trường thơ lạ khác mà mang danh. Đã chẳng có những trường thơ lạ… rất lạ đó sao?
Viết bài này tôi chủ ý nói đến một thứ thơ thuần tình cảm mà thôi - thứ thơ mà ông Lưu Trọng Lư đứng đầu trong phái… Vì thế, bài này cũng có thể đeo cái nhan đề làĐọc thơ Lưu Trọng Lư.
Đọc và bàn Lưu Trọng Lư, tôi muốn hoàn toàn lấy một hồn thơ để hiểu một hồn thơ bạn. Tôi không muốn dẫn một thành ngữ nào, một châm ngôn của triết nhân nào; tôi cần phải bình dị"...
Sau khi xác định vai trò của ý thơ, lời thơ và chất nhạc trong lối thơ tình cảm, Việt Châu chuyển sang phê phán kiểu thơ minh họa, vụ lợi, chỉ biết nặn chữ nặn nghĩa mà thiếu chất trữ tình:
"Tóm lại, không văn hoa chi hết, ta phải nói thẳng: 1- Thi nhân có cảm tình như thường nhân nhưng giàu hơn. 2- Thi nhân có những ý đẹp lời êm. 3- Thi nhân vẫn là người, mà lại người nhiều hơn chúng ta nữa. Thế thôi.
Vì đó, ta thấy say sưa thấm thía khi đọc thơ tình cảm. Ta thấy ta được có người nói ra dùm những cõi lòng của ta một cách đầy đủ, thỏa thích.
Vậy chỉ có thơ tình cảm mới là thơ "chính danh" mà thôi.
Tại sao người ta còn cầu kỳ và lập dị để viết những lời thơ mắc mớ không hợp với lòng người? Sự thực, những loại thơ khác kia cũng có cái hay riêng của nó, nhưng đó chỉ là cái tiểu xảo lòe người. Tôi quả quyết rằng thi sĩ của các phái thơ khác kiahọ làm thơ bằng óc nhiều hơn bằng tim. Hay bảo là: họ chỉ làm bằng óc, cũng được.
Sao lại nói là làm thơ bằng óc? Họ nghĩ rồi, bóp đầu, bóp trán như những nhà khảo cứu khoa học, để rồi… phát minh. Phải nên nói là họ "phát minh" ra mới đúng. Họ cầu kỳ đến khó chịu, chúng tôi đã phải mệt với những câu lảm nhảm vô vị mà gần đây người ta - vì theo thời thượng, trào lưu - xu phụ, tán dương"...
Rồi sau khi bình giảng các bài Xoan đỏ, Cô bé vườn đông, Một chút tình, Việt Châu đi đến kết luận:
"THƠ LƯU TRỌNG LƯ là thơ của người đời, thơ của thiên nhiên.
Và chỉ như thế mới là THƠ mà thôi.
Tôi sẽ thấy ai rất đáng bỉ, khi họ sẽ phê bình thơ Lưu Trọng Lư với những chữ: hứa hẹn, tài hoa, chân tài, thiên tài,v.v… Ông Lưu Trọng Lư, cũng như tác phẩm của ông không cần một chút xíu nào cái giọng phê bình rất nhạt (tuy rằng kêu) ấy.
Phải chăng, ông Lưu Trọng Lư! một tiếng khen thành thật, một niềm tri kỷ thanh cao quí gấp vạn lần lời xu phụ, tán - dương - vô - ý - thức?"...
Rồi đến khi Lưu Trọng Lư in bài thơ Vô liêu đến chiếc đồng hồ trên Tiểu thuyết thứ Bảy và bị phê phán khá nặng lời thì Ngô Vũ đã lên tiếng phản biện, phản vấn, công kích trở lại trong bài báo Hai bài thơ... hài hước? (Tiểu thuyết thứ Bảy, số 343, ra ngày 1-1-1941) và đi sâu bình giảng nghĩa lý bài thơ:
"Báo Đồng thanh trong Nam vừa đây có một bài nói về hai bài thơ của Tiểu thuyết thứ Bảy đăng trong số 338, ra ngày 7 Dècembre 1940. Bài báo ấy không ký tên, và có ý nói rằng chúng tôi đã cho đăng lên báo mình hai bài thơ “hài hước” mà không biết. Hài hước bởi vì tác giả bài báo kia đọc lên không hiểu chi chi cả...
…Còn bài thứ hai của thi sĩ Lưu Trọng Lư thì lại càng dễ hiểu hơn nữa, bởi thi sĩ đã để hai câu Kiều này lên trước:
Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ,
Một màu quan tái bốn mùa gió trăng.
Hai câu Kiều tỏ rõ cái tâm trạng của một kẻ nhớ cảnh xa xôi rộng rãi của đời lang thang.
Thi sĩ tự vì mình với đôi kim đồng hồ đã dừng lại trên những giờ giấc của vợ con trong nhà:
Đôi kim đã chết trên giờ thê nhi.
Thi sĩ ở một cái tỉnh nhỏ buồn tẻ mà.
Sông bờ thưa vắng biệt ly,
mà dân thì hiền, của thì rẻ:
Người lành của rẻ có đi cũng sầu.
Bởi vậy, rượu uống một mình hình như cũng nhạt, thơ cũng hóa ra suông tình:
Thơ suông rượu cũng xuống mầu,
Người thơ rượu quanh quẩn chỉ những lên lầu rồi lại xuống lầu, như con ngựa chồn chân đập chân trong tầu ngựa hẹp:
Lên lầu rồi lại xuống lầu, dở say.
Thơ như vậy, và ý tình như vậy mà trong làng văn tự cũng còn có người chê bai được, thực đáng buồn quá lắm. Cho mới biết ở đời này bao giờ cũng còn có nhiều người chỉ biết có lòng đố kỵ mà thôi chứ không cần gì nghệ thuật hay tư tưởng!”…
Trong phần mở đầu công trình đại thành Thi nhân Việt Nam, hai nhà phê bình Hoài Thanh - Hoài Chân trước hết xác định vai trò Lưu Trọng Lư trên tư cách “Người hưởng ứng thứ nhất” phong trào Thơ mới: “Lần lượt những bài thơ mới, vốn làm từ trước, được đưa lên mặt báo. Người hưởng ứng nhất là ông Lưu Trọng Lư. Sau khi đăng bài của ông Phan Khôi chẳng bao lâu, Phụ nữ tân văn nhận được một bức thư hoan nghênh ký cô Liên Hương (Faifo), một bài thơ mới “Trên đường đời” ký Lưu Trọng Lư và một bài nữa “Vắng khách thơ” ký Thanh Tâm. Ký nhiều tên cho rộn thế thôi chứ đi lại cũng chỉ một người. “Tình già”, “Trên đường đời”, và “Vắng khách thơ” là ba bài mang tên thơ mới được đăng báo trước nhất. Trong ba bài ấy thì bài thứ ba đã là một bài có giá trị. Kế đó, Phụ nữ tân văn còn đăng thơ mới của Nguyễn Thị Manh Manh (tức Nguyễn Thị Kiêm), của Hồ Văn Hảo và nhiều người nữa”...
Hai nhà phê bình tiếp tục nhấn mạnh chất thơ và “dòng thơ” Lưu Trọng Lư, xác định những nét riêng đặc sắc của phong cách thơ đặt trong tương quan một thời đại thi ca:
“Tôi muốn xếp riêng vào một dòng những nhà thơ tuy có chịu ảnh hưởng phương Tây nhưng rất ít và cũng không chịu ảnh hưởng thơ Đường. Thơ của họ có tính cách Việt Nam rõ rệt.
Đứng đầu dòng này là Lưu Trọng Lư. Điều ấy không có gì lạ. Lưu Trọng Lư nhác đọc sách nhất trong các thi sĩ đương thời. Họ Lưu ưa sống trong cuộc đời nhiều hơn trong sách vở. Sách Tàu hay sách Tây cũng vậy. Thi nhân chỉ nhớ mang máng một ít Kiều, một ít Chinh phụ ngâm, năm bảy câu trong bản dịch Tỳ bà hành cùng vài bài cổ phong từ khúc của Tản Đà. Trong những thể thơ ấy, Lưu Trọng Lư đã gửi rất dễ dàng nỗi đau buồn riêng của một người thanh niên Việt Nam thời mới…
Các nhà thơ về dòng này thường có lời thơ bình dị. Họ ít ảnh hưởng lẫn nhau và cũng ít có ảnh hưởng đối với thi ca cận đại. Thi phẩm của họ có tính cách vĩnh viễn nhiều hơn tính cách một thời. Vả họ nương vào thanh thế phương Tây cũng ít. Lưu Trọng Lư có thơ đăng báo trước Thế Lữ. Nhưng đến khi Thế Lữ ra đời, người ta tưởng không có Lưu Trọng Lư nữa. Gần đây trong hàng thanh niên hình như có người lại sực nhớ tới tác giả Tiếng thu. Phải chăng thi ca Việt Nam đã đi đến chỗ xoay chiều?”…
Rồi sau khi cảm nhận, phân tích, lý giải, biện luận về mối quan hệ giữa đời và thơ, thế giới tưởng tượng, hình ảnh và âm điệu câu thơ Lưu Trọng Lư, hai ông đi đến kết luận: “Sao lại có người có thể đọc những câu thơ như thế mà vẫn dửng dưng. Họ bảo những nỗi đau thương ấy thường quá. Vâng, thường, thường lắm, thường như hầu hết những nỗi đau thương thành thực của loài người. Tôi không muốn nói nhiều. Trước sự đau thương của người bạn, tôi muốn im lìm, kính cẩn. Tôi chỉ biết, dầu có ưa thơ người này người khác, mỗi lúc buồn đến, tôi lại trở về với Lưu Trọng Lư. Có những bài thơ tôi cứ vương vấn trong trí tôi hằng tháng, lúc nào cũng như văng vẳng bên tai. Bởi vì thơ Lư nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cũng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta”…
Trong tâm thế hướng đến phác họa toàn cảnh bức tranh văn học nửa đầu thế kỷ, Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại (Quyển III, 1943) đã nhấn mạnh tính phổ quát của những cảm thu, tình thu, cảnh thu, sắc thu, chiều thu, ngày thu và tâm tưởng bốn mùa thu:
"Ấy, đọc Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, tôi vừa tưởng nhớ đến tiếng thu, cái tiếng thu làm cho cỏ cây rầu rĩ úa vàng, tôi lại vừa cảm thấy cái tiếng thu cứ ít lâu lại cứ văng vẳng bên mình, cái tiếng mà ta không thể căn cứ vào thời gian và không gian mà cho tinh chất..."
…"Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư thật không khác gì những tiếng đàn thu não nùng của Verlaine trong Bài hát thu về. Thật nó nhẹ nhàng từ âm điệu đến ý tưởng, nó cám dỗ ta bằng sự mơn man, rồi thấm dần vào cõi lòng ta, làm cho ta phải ngây ngất về cái hiu quạnh ở bên sự sống của loài người. Người cô phụ, con nai vàng, bất cứ là người hay vật, đã góp phần vào cuộc sống thì đều phải rạo rực, ngơ ngác về cái tiếng thổn thức của mùa thu dưới ánh trăng mờ.
Mà ngọn thu phong ấy còn đưa về cho ta những gì nữa? Nó đưa về làn mây bạc với mọi điều mơ mộng của tuổi xanh, làm cho người thanh niên, dẫu có cái buồn vơ vẩn, nhưng vẫn chứa chan trong lòng biết bao tình yêu đằm thắm: Mây trắng bay đầy trước ngõ tre/ Buồn xưa theo với gió thu về (Mây trắng)…
Tiếng thu đã đến khắp muôn vật muôn loài, thì trong những lúc u sầu, tiếng gì buồn dịu chả có thể làm cho ta kể là tiếng thu? Cho nên “tiếng thu” có thể là tiếng giọt mưa đông tí tách, giọt mưa hạ rào rào, hay tiếng chuông phảng phất trong bầu trời xuân.
“Người buồn cảnh có vui đâu…”. Lúc nào trong tâm hồn ta còn vẳng tiếng thu, thì lúc ấy ta còn thấy cái sầu man mác nó tràn lan đến cảnh vật bên mình; rồi bất kỳ một âm thanh gì nhè nhẹ chìm chìm, có thể gợi nỗi buồn trong lòng ta, đều làm cho ta vấn vương thắc mắc…
…Nhưng Lưu Trọng Lư là một người buồn, nên thơ ông, khi đọc lên, buồn vô hạn. Ngay như ngày nắng mới là một ngày vui cho tất cả mọi người, mà riêng ông lại mượn ngày nắng mới để thở than về một thời ký vãng đau thương: Mỗi lần nắng mới hắt bên song/ Xao xác gà trưa gáy não nùng”...
Từ đây Vũ Ngọc Phan đi sâu phân tích những đặc điểm thuộc về thi tứ, cảm xúc, âm điệu, nội dung và hình thức nghệ thuật các bài thơ, câu thơ:
“Cái hay trong thơ của Lưu Trọng Lư ở sự thành thực, tấm lòng sầu não của ông thế nào, sự ước mong của ông thế nào và có thể thổ lộ ra được chừng nào, ông thổ lộ ra chừng ấy. Ông không hề gò từng chữ, bó từng câu để cho lạc mất ý mình; thơ ông nếu lời tinh tế thì tự nó tinh tế, chứ thật ông không bao giờ gọt dũa. Những chữlao đao, la đà, tần ngần trên này là những chữ rất tự nhiên, người nào say đều biết nói ra cả, không riêng gì ông. Cái hay ở như toàn bài, ở như cái ý say nó bao trùm hết cả bài thơ, không ở riêng một chữ nào.
Ông không hề nắn nót lời thơ, nên trong những bài trường thiên, thường có rất nhiều chữ trùng, ý điệp. Trong một bài (Bài Giang hồ trong tập Tiếng thu) - đã đành rằng dài - mà có tới bốn câu đều có chữ "lạnh lùng":
  - Con thuyền còn buộc, trăng buông lạnh lùng;
  - Gió đùa trăng lên bãi lạnh lùng;
 - Vội vàng khép cửa gió heo lạnh lùng;
 - Lạnh lùng thay gió thổi đêm đông!
Vẫn biết những câu ấy ở cách xa nhau mươi dòng, nhưng nếu đứng vào phương diện nghệ thuật mà xét thì cũng khí "lạnh lùng" nhiều quá. Rồi lại có những câu na ná một điệu như những câu trong Tỳ bà hành:
Khoan đừng tơ tưởng vợ con chuyện nhà;
Giang hồ rượu ấy còn pha lệ người;
Đợi trầm bay rộn rã lời ca;
Nghe xong ta ngắm trời xa; vân vân…
Một bài như thế, nhưng lại có những câu tuyệt diệu như sau này:
Hết say vẫn bàng hoàng trong mộng,
Xót xa thay cái giống giang hồ!
Ngón đàn thêm một tiếng tơ,
Mà người sương gió nghìn thu nhọc nhằn.
Thôi rồi ra chốn nước non,
Lồng son lại để sổ con chim trời.
Đọc thơ Lưu Trọng Lư, ta nên coi như những tiếng buồn thảm của lòng mà không nên xét về nghệ thuật. Tuy thế, thơ ông vẫn có một cái đặc biệt là rất giàu về âm điệu, nên đọc dễ nhớ, dễ thuộc lắm. Còn ý và lời thơ thì nửa cũ, nửa mới, làm cho những người chuộng hẳn cũ và những người thích hẳn mới đều không ưa, nhưng thơ họ Lưu đã tự vạch lấy cái địa vị rất xứng đáng của mình. Có thể nói thơ ông là tấm gương phản chiếu tâm hồn một hạng thanh niên Việt Nam buồn nản trong lúc hai văn hóa Đông Tây giao nhau.
Thử hỏi những người thanh niên trí thức Việt Nam, mấy ai không nghe văng vẳng "tiếng thu" ngân trong những lúc lặng lẽ mơ màng với hồn thơ và hồn đất nước? "...
Từng có lần nhà phê bình Kiều Thanh Quế sau khi điểm danh 32 tác giả và số tập thơ kèm theo (cả thơ mới và cũ) trong sách Ba mươi năm văn học (1941), đã xác định: "- Lưu Trọng Lư trong rừng thẳm, trên lưng “con nai vàng ngơ ngác”, nâng niu chiếc sáo trúc thổi khúc Tiếng thu (1939) tuyệt vời”...; thì qua ba năm sau, ông viết bài Thi sĩ Lưu Trọng Lư với Tiếng thu (Tri tân, số 138, tháng 4/1944). Trong phần mở đầu, Kiều Thanh Quế tán đồng các ý kiến của Trần Thanh Mại, Nguyễn Vỹ và đi đến xác quyết thơ Lưu Trọng Lư “bao giờ cũng chỉ biết chú trọng có âm thanh và nhạc điệu” gắn với các thuộc tính “Khi thì nỉ non…”, “Khi thì lẳng lơ…”, “Khi thì sang sảng như tiếng hát đò đưa…”, “Khi thì buồn bã lạ…”, “Khi thì ai oán não nùng, đầy vơi niềm trắc ẩn, tràn ngập lòng xót thương”… Ở phần sau, Kiều Thanh Quế cho biết:
“Nhưng du dương nhứt, réo rắt nhứt và tượng trưng nhứt, có lẽ là khúc Tiếng thutuyệt vời:
Em không nghe mùa thu
dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
hình ảnh kẻ chinh phu
trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu,
lá thu kêu xào xạc,
con nai vàng ngơ ngác
đạp trên là vàng khô?
Giá trị của bài Tiếng thu này là ngoài việc phá được một âm thanh du dương, một nhạc điệu réo rắt, còn tượng trưng một bức họa chấm phá: một bức thủy mặc Tàu, hay một tấm Kakemono Nhựt cũng nên!
Một tấm Kakemono Nhựt thì có lẽ đúng hơn! Vì tôi đã may mắn tìm ra được một tấm tranh Nhựt có những nét chấm phá hệt như bức họa Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Xin trình bày dưới đây, để tặng thi sĩ họ Lưu và để hiến tất cả độc giả từng nâng niu tập thơ Tiếng thu:
(1) Oku - yama ni
(2) Momiji fumi wake
(3) Naku shika no
(4) Koe kiku tokizo
(5) Aki wa kamshiki
Bài thơ Nhật ấy, tôi bất tài, không thể dịch y nguyên tác ra quốc văn nổi. Còn thoát ý nó, lại là việc thừa. Vì trước tôi, Lưu Trọng Lư đã thoát ý nó, viết nên bài Tiếng thurồi.
Vậy để làm quà cho những bạn đọc hiếu kỳ, tôi chỉ xin chép hai bản Pháp văn của bài thơ Nhựt ấy:
Bản Pháp văn I:
(1) Au coeur de la montagne,
(2) Foulant l’erable qu’il écarte,
(3) la cerf gémit:
(4) Et à l’écouter, jamais
(5) L’automne ne m’a pesé plus triste!
Bản Pháp văn II:
(5) Combien triste est l’automne
(4) Quand fentends la voix
(3) Du cerf qui brâme
(2) En foulant et dispersant les feuilles des érables
(1) Dans les profondeurs de la montagne! ”...
Tuy nhiên, Kiều Thanh Quế không cho biết xuất xứ. Nay xin nói thêm, bài thơ này từng được dẫn với đầy đủ nguyên bản tiếng Nhật, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ trong tập Le problème de la poésie Japonaise, Paris, 1938; tr.38-39 (Tư liệu do cố Nguyễn Hữu Đang cung cấp cho chúng tôi vào năm 1994 - NHS)...
Qua trường hợp này, có thể thấy Lưu Trọng Lư đã thực sự chịu ảnh hưởng, tiếp thu, mô phỏng bài thơ Nhật và “thoát ý nó”. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là bản dịch thuần túy. Có thể khẳng định Lưu Trọng Lư đã tiếp nhận tứ thơ và sáng tạo lại, chuyển hóa bài thơ từ năm câu thành chín câu với ba phân đoạn, kết thúc mỗi phân đoạn là một câu hỏi, tạo nên một tác phẩm thi ca giàu hình ảnh, nhạc điệu và man mác chất trữ tình. Trên tất cả, thơ Lưu Trọng Lư đã được người đương thời yêu mến, tiếp nhận, luận bình, đánh giá cao bằng chính thước đo giá trị nghệ thuật.
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn



1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...