Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Những giây phút hạnh phúc nhất của nhạc sĩ Tân Huyền

Những giây phút hạnh phúc nhất 
của nhạc sĩ Tân Huyền
Nhạc sĩ Tân Huyền tên thật là Phan Văn Tần, sinh ngày 5-4-1931, quê ở Ðức Thọ (Hà Tĩnh). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông làm công tác tuyên truyền văn nghệ ở Vinh, Bến Thủy. Những sáng tác đầu tiên của Tân Huyền như: Mùa trăng về, đặc biệt Nhớ vào quê em (1950) được phổ biến rộng rãi từ những ngày đầu kháng chiến.
Hơn nửa thế kỷ sáng tác, Tân Huyền đã có hàng trăm ca khúc với nhiều chủ đề cảm hứng từ hiện thực cuộc sống và có sức lan tỏa trong cộng đồng. Ngoài ca khúc, Tân Huyền còn sáng tác một số tổ khúc hợp xướng và ca cảnh: Những người con của biển (Ðoàn ca múa Thái Bình dàn dựng, 1993), Quê hương chúng tôi (Ðoàn ca múa Quảng Nam - Ðà Nẵng, 1978), Ðường Trường Sơn đêm đêm (Ðoàn ca múa Trị Thiên - Huế, 1972). Một trong những ca khúc của Tân Huyền về đề tài anh hùng liệt sĩ có sức sống cùng năm tháng là Cỏ non Thành cổ.

Ông sáng tác ca khúc này vào ngày đầu xuân năm 1990, khi đi thâm nhập thực tế để viết về đề tài chiến tranh cùng các nhạc sĩ: Huy Thục, Thuận Yến, Vũ Thanh; và họ đã đến vùng đất Quảng Trị nơi từng diễn ra cuộc chiến khốc liệt nhất tại các tỉnh khu 4 cũ. Khe Sanh, Ái Tử, Cồn Tiên, Dốc Miếu và đặc biệt là Thành cổ Quảng Trị là những địa danh lịch sử về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm máu lửa giữa ta và địch... Mảnh đất này trước đây Tân Huyền cũng từng qua lại nhiều lần, từ Vĩnh Linh, địa đạo Vĩnh Mốc đến gần phía bên này cầu Hiền Lương.
Trong chiến tranh, Tân Huyền đã đến nhiều vùng quê khác nhau và gặp nhiều cảnh ngộ, nhiều nỗi đau chiến tranh. Gia đình ông cũng có nỗi mất mát và đau thương. Tân Huyền kể: "Em trai tôi vào quân ngũ lúc 18 tuổi. Từ ngày em trai tôi đi, chiều chiều ở một làng quê nghèo, mẹ tôi thường đứng tựa cửa nhìn về phương nam ngóng đợi. Rồi một ngày, giấy báo tin em tôi hy sinh gửi về làng...".
Tôi đến Thành cổ Quảng Trị vào một buổi sáng mùa xuân đẹp trời. Trên cao, những đám mây trắng bồng bềnh trôi. Dưới mặt đất, những thảm cỏ non xanh rờn trải rộng. Khi đến nhà lao Quảng Trị... vẫn cỏ non xanh như thế. Nhà văn Nguyễn Quang Lập đi cùng tôi cất tiếng: "Anh Huyền ơi, dưới thảm cỏ này là máu xương của chiến sĩ ta đã đổ xuống trong 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ, anh nên viết một bài hát về quá khứ chiến tranh hào hùng và khốc liệt". Trong tôi chợt bật lên giai điệu đầu tiên của bài hát: Cỏ non Thành cổ, một mầu xanh non tơ. Bình minh Thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa... Nào có ai ngờ, nơi đây một thời máu đổ. Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ, khi chồng con không trở về...".
Sau khi trở về nhà, Tân Huyền cứ bâng khuâng mãi với suy nghĩ: một là có những cái chết tạo dựng nên sự sống cũng như xương máu các chiến sĩ đã ngã xuống cho lớp cỏ non mọc xanh tươi như mùa xuân ngày hôm nay; hai là, nhiều lúc chúng ta vô tình quên đi quá khứ hào hùng của các thế hệ trước, quá khứ hào hùng ấy lại được tô thắm bằng xương máu của bao lớp người.
Vì vậy, đến lời của đoạn hai bài hát này Tân Huyền viết: Cho tôi hôm nay vào Thành cổ, thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ. Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hy sinh cho hạnh phúc quê mình... Một tuần sau, bài hát hoàn thành, ông đã hát cho mọi người nghe. Tất cả đều rưng rưng nước mắt. Tân Huyền coi đây là những giây phút hạnh phúc nhất, hiếm có của đời mình... Sau này, ca khúc Cỏ non Thành cổ được Nhã Phương, Lệ Thu, Thái Bảo, Kim Tiến, Minh Huyền... thể hiện và nhanh chóng lan tỏa rộng rãi. Tác phẩm được Bộ Quốc phòng tặng thưởng danh hiệu "Bài hát xuất sắc nhất về đề tài lực lượng vũ trang". Ghi nhận sự đóng góp của Tân Huyền cho âm nhạc nước nhà, Ðảng, Nhà nước ta đã tặng ông Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật (2001)...
Cỏ non Thành cổ là một ca khúc đặc sắc, tỏa sáng sự tri ân đối với những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên chiến trường Quảng Trị, đồng cảm sẻ chia chân thành với những anh, chị em thương binh đang hằng ngày chống chọi với thương tật của mình để cùng bao người xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.
THÁI KIỀU NGÂN
Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ
Bình minh Thành Cổ cỏ mềm theo gió đung đưa.
Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ
Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ.
người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ
Khi chồng con không trở về...
Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ
Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ.
Cỏ xanh non tơ cỏ. xanh non tơ.
Xin chớ vô tình với người hy sinh
Trên mảnh đất quê mình. 

Bài hát CỎ NON THÀNH CỔ
Tác giả: TÂN HUYỀN
Theo http://www.vnmilitaryhistory.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...