Lá rụng đầy sân
Đã sang thu mà Thái Bình vẫn
mưa, nước mắt của giời đổ trắng trên cánh đồng thẳng tắp cò bay. Quốc lộ 39
đang được nâng cấp nên nhiều đoạn vô vàn ổ gà, đọng nước như chiếc bẫy, bất ngờ
đo ván cho những ai thiếu quan sát. Tay lái dân phượt cứng như tôi mà mấy lần
suýt phải uống nước đường.
Từ Hưng Yên, tôi chạy qua cầu
Triều Dương, cứ thẳng con đường rải nhựa mà đến thị trấn Đông Hưng, nơi đây rất
nổi tiếng với đặc sản là món bánh cáy làng Nguyễn. Ngày xưa, mỗi lần qua đây,
kiểu gì tôi cũng phải mua một ít về làm quà, mặc dù bản thân ăn không qua hai
miếng là chán.
Cũng lâu rồi tôi không gặp
em, người con gái Thái Bình, hoa khôi của lớp Ngữ văn trường sư phạm. Tôi biết
giờ có gặp tôi, em cũng chẳng thể nhận ra cái anh chàng dở dở ương ương, đã
nghèo lại học hành chả ra gì của ngày xưa nữa. Cũng bởi em xinh đẹp, dịu dàng
nhất nhì khoa, cho nên dù có trí tưởng tượng tốt đến đâu, tôi cũng không bao giờ
nghĩ rằng mình sẽ có một ngày lại được ở bên em, được nghe em kể về những tháng
ngày đã qua.
Em tên Duyên, đúng như cái
tên, vừa đẹp lại vừa có duyên. Ngồi trước mặt tôi, nét xuân son ngày xưa dù có
đôi chút nhạt phai nhưng dường như không thể mất đi vẻ sâu sắc, mặn mà của thời
con gái. Thong thả cột lại mái tóc, nàng bảo tôi “Anh khen em làm gì, bà già rồi,
hết rồi”. Và em bắt đầu kể, ngoài kia, trời vẫn rả rích mưa. Chủ quán cà phê đã
thay đĩa nhạc khác, đĩa nhạc trữ tình, không gian thật thi vị…
**
Đột nhiên lão bảo em “Tối
nay tao không về đâu, đừng đợi và cũng đừng hỏi tại sao”. À, tuỳ muốn đi đâu
thì đi nhá, con này cóc cần. Thích thì ra toà. Đàn ông, thằng nào cũng thế, no
xôi chán chè rồi vuỗi tay. Em nói thế anh đừng giận, nhưng đời em khổ nhiều rồi,
cái thân con gái, lấy chồng ăn hồng phúc nhà chồng, cả đời khốn khổ lo lắng cho
họ nhà lão, cuối cùng có được coi ra cái gì đâu.
Ừ, em cứ nói đi, hôm nay phải
nói hết, đừng để lại gì cả.
Đời người, cứ mãi luẩn quẩn
trong cái vòng tham sân si, chết vẫn chưa thoát ra khỏi cái vòng ấy. Nước mắt
chúng sinh nhiều hơn nước sông Hằng. Dạ, sông Hằng ở đâu và nhiều nước ra sao
thì em không biết, chứ em đây này, nhục lắm, khốn nạn lắm, có còn gì mà chảy nữa
đâu anh. Ai đời nhà ai, chồng con gì mà làm được đồng nào lại mang đi cờ bạc nhậu
nhẹt và cho gái hết. Vợ con đói khổ cũng kệ. Anh nom em khác ngày xưa lắm phải
không, không khác mới là lạ.
Người ta ăn sung mặc sướng,
xe nọ xe kia, nhà cao cửa rộng, còn em, anh nhìn xem, có ra hình người nữa
không? Thôi nào em, kể cho anh nghe đi, đâu đuôi thế nào, anh không bênh vực
cánh đàn ông bọn anh đâu, nhưng cái gì cũng phải có nguồn cơn của nó chứ. Vâng,
em đã làm cho anh phải bận tâm. Nhưng đúng như bọn trẻ trâu bây giờ vẫn nói, cuộc
sống không giống với cuộc đời vì cuộc đời không tơi bời như cuộc sống. Ai mà học
và biết trước được chữ ngờ.
Ngày xưa, lớp mình đứa nào
cũng bảo em xinh, hay xinh là có tội anh nhỉ? Có thể lắm chứ, bởi cái xinh ấy
nó vận vào đời em như định mệnh. À, em khoan hẵng nói tới cái lão nợ ấy của em,
hôm trước nhắn tin Zalo, anh có than thở rằng bạc cả đầu rồi mà bậc lương vẫn
hai phẩy sáu bẩy chứ gì. Vâng, xã hội này nó thế, anh đã phí cả tuổi thanh xuân
nơi vùng xa vùng sâu cả chục năm giời, để cuối cùng được cái gì? Anh cay đắng
nhận ra sự phũ phàng của đời phải không.
Tay hiệu trưởng và lão giám
đốc sở không sai, không cho anh về xuôi là đúng. Anh định chuyển mà chỉ bằng tờ
giấy trắng và nước bọt thôi sao? Không có gì thì về tay không, về số mo. Anh
còn may đấy, vì anh đã tỉnh ngộ. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, dưới
xuôi hay miền ngược, lãnh đạo như nhau tất. Giá anh tỉnh sớm thì không bị phí cả
chục năm đi miền ngược thế đâu.
Ơ mà sao em đang chuyện nọ xọ
sang chuyện kia thế? Chuyện công chức lương lậu của anh có liên quan gì tới hạnh
phúc gia đình của em đâu? Có đấy anh, anh quên mất là chúng ta học cùng lớp sư
phạm với nhau à, ra trường em không phải là nhà giáo sao? Sự long đong nghề
nghiệp em và anh giống nhau đấy.
Ừ đúng, ngày ấy gái sư phạm
sao đắt giá. Mốt bộ đội giáo viên. Thứ bảy, cổng ký túc xá xanh màu áo lính. Hắn,
tuổi đương xanh, đang học năm cuối Lục quân, cao ráo, đẹp trai. Choáng ngợp lắm,
oai lắm. Cái bọn con trai sư phạm, nhất là văn khoa, èo uột, trên răng dưới cắt
tút, tương lai mờ mịt, có gì mà hấp dẫn? Ngày 20.11, nàng đã vứt ngay bó hoa
anh tặng cho bọn cùng phòng mang ra cổng bán, còn cành hồng Đà Lạt của tay sinh
viên lính kia thì ngay ngắn đầu giường.
Bó hoa của anh chỉ năm
nghìn, còn của hắn gấp mười lần. À, đời là thế, chả có gì khó hiểu. Đời sinh
viên của anh bóp bụng cả học kỳ học bổng mới cố mua được cái oác men Sony, cái
phôn nghe nhạc chạy băng xịn nhất lúc bấy giờ. Nàng mượn dùng nó đến lúc đứt
dây cua roa mà anh vẫn không líu kéo được tình em.
Ơ anh trách em đấy à? Không,
anh chỉ nhớ lại chuyện ngày xưa thôi, trách móc giờ giải quyết được gì chứ. Anh
còn may chán, thằng cha Quân Vũ cùng lớp còn ăn cái tát ghen đau đến mấy chục
năm sau mà còn chả nước non gì. Rồi ra trường, mỗi đứa mỗi ngả. Anh đi theo tiếng
gọi của Trung ương Đoàn, sinh viên vì vùng sâu vùng xa.
Còn em, tay thiếu uý lúc ấy
đã ra trường trước em và lên trung uý, hắn đã lo cho em về quê hắn, trường
chuyên hẳn hoi. Ôi, còn gì đẹp hơn những ngày bên nhau, hai đứa chung vui ý hợp
ban đầu? Vâng, sao anh biết rõ về em thế? Anh yêu em thì anh biết thôi, đừng hỏi
vì sao. Đời tỷ thứ hiển hiện vô lý mà có biết nguyên nhân đâu. Em uống thêm cái
gì nữa nhé để anh gọi, chủ quán ơi, bác làm ơn cho nhỏ âm lượng xuống một tý ạ.
Anh nói phét đấy, anh chỉ biết về em có thế thôi.
Sau ngày anh đi Hà Giang,
tin tức biệt tăm. Hơn mười năm, khi trở về xuôi, anh thành gà công nghiệp.
Không tiền, không nghề, lơ ngơ như bò đội nón. Quá khứ, hiện tại, tương lai, một
mớ hỗn độn trong đầu. Đấy, màu hồng cuộc sống anh vắn tắt thế thôi. Mà nói cho
nhanh là ngu thì chết chứ ốm đau bệnh tật gì đâu. Anh bi quan phải không?
Không, anh nói vậy thôi, chả nhằm vào ai cả. Đừng đổ tội cho số phận.
Em có điện thoại kìa, cứ
nghe thoải mái đi, lão gọi phải không? Phải về thì cứ về đừng ngại. Lão ấy là
cái mai rùa, dù có xấu xí, nặng nề nhưng vẫn có thể che chắn cho em bất kỳ chỗ
nào khi mưa bão đến. Chúng ta ảo vọng về cái hào nhoáng bên ngoài một lần thôi,
không thể lần thứ hai được. Vâng, anh khác xưa quá, thực tế và thô ráp, nhưng
mà đúng. Hai năm yêu nhau em hạnh phúc và tự hào vì hắn. Em lấy hắn phần vì
yêu, phần mang ơn hắn.
Em và hắn vẫn hạnh phúc cho
đến một ngày …
* *
Đại uý Đa vừa được thăng quân
hàm lên thiếu tá. Chồng bộ đội, vợ giáo viên, đôi lứa xứng đôi, xã hội mấy kẻ
theo kịp. Ừ thì sướng, nào uống đi các đồng chí, cỗ bàn thoải mái nhé, trong
kia rượu còn nhiều lắm. Cứ uống đi “Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu. Cổ lai
chinh chiến kỷ nhân hồi”
Giờ làm gì có chiến tranh,
nhưng có nhiều thứ để chiến lắm, vậy cứ say đi, nhịn say để làm gì. Thủ trưởng
say rồi, để bọn em đưa về. Say là say thế nào, trốn đi chẳng được sao lại về.
Các chú còn non và xanh lắm, phải lao vào đời và nếm vị đắng của nó nhé. Hừ, cuộc
sống bất công nên cọng lông không thẳng, và cuộc đời không bằng phẳng nên đừng
cố duỗi thẳng sợi lông, các chú nghe rõ chưa? Đời lính vất vả gian truân, được
phút thư nhàn, ta cứ nằm thẳng giữa giời, mưa nắng có sao.
Chính các chú bây giờ sướng đấy,
ngày trước bọn anh mới nhập ngũ khổ bỏ mẹ, thao trường rát mặt, nắng Sơn Tây
như nướng. Các chú tưởng đeo được cái lon thiếu tá mà dễ à, ồ thế mà mụ mái già
nhà anh nó cứ nghĩ anh nhặt được ấy. Cả ngày cau có, nói suốt ngày. Các chú có
biết con gì mặt mũi vênh vêu, vừa già lại xấu miệng kêu tiền tiền chưa? Là cái
con mà sau này các chú tình nguyện tha về ấy, vẫn chưa hiểu à, con vợ chứ con
gì. Hà hà, thôi nói nhiều quá, bắc cạn đi các chiến hữu.
Bộ đội gì mà lạng lách dữ vậy,
đâm vào con nhà người ta rồi kìa. Không đỡ em nó dậy mà còn đứng ì ra đó? Em có
sao không, tôi xin lỗi, để tôi kêu taxi đưa em đến bệnh viện. Hoá ra em cũng
trong nội thành, sát ngay đơn vị đóng quân, thế mà phải đợi đến lúc vụ tai nạn
giao thông, ta lao vào nhau mới biết nhau. Anh hơn em mười hai tuổi, hay em gọi
là chú nhé. Thôi, gọi anh cho trẻ, nhà em xinh xắn quá, gọn gàng ngăn nắp.
Anh không nghĩ ở cái thành
phố nhỏ bé này lại có người con gái xinh đẹp dịu dàng và tình cảm như em đâu.
Bên em anh thấy đời như trẻ lại, mọi ưu tư tan biến hết. Ôi, căn phòng bé nhỏ
sao mà bình yên. Cánh cửa sổ nhỏ nhìn ra là cây cầu Rào, người thành phố có câu
rất nổi tiếng để chê kẻ nào răng vẩu, người mới đến cầu Rào mà răng đã vào
thành phố. Lặng lẽ yên tĩnh không ồn ào như chỗ anh, em biết chọn thuê chỗ ở đấy.
Đàn ông bọn anh gặp em ai
cũng kêu trời về vợ mình thế nhỉ. Mà anh còn đòi hỏi cái gì nữa, vợ đẹp con
khôn, công việc ổn định. Lòng tham không đáy, cái gì cũng có mức độ, anh không
nên như thế. Không, anh đâu có nói xấu vợ đâu, chỉ là có gì kể thế thôi. Anh
nên quan tâm tới chị ấy, dù sao anh cũng đã có gia đình, em là gái chưa chồng,
thiên hạ dị nghị, khó sống lắm.
Này, cô nói ít thôi, nói nhiều
quá miệng nó rộng ra đấy. Không nói không được, anh xem lại bản thân anh đi,
cách cư xử với vợ con càng ngày càng tệ, anh coi cái nhà này như xóm trọ, mẹ
con tôi như kẻ ở. Thôi, tôi chán cô lắm rồi, nhà như cái địa ngục. Sầm, hắn
đóng mạnh cánh cửa và bước ra. Duyên cảm thấy bất lực và tuyệt vọng.
Ngày xưa, Đa tình cảm dạt
dào, tế nhị, chu đáo. Hắn biết lo lắng và luôn hiểu trước ý nghĩ của Duyên.
Không hiểu sao giờ đây Đa lại thay đổi nhanh như thế. Duyên có lỗi gì đâu, cũng
quần quật, hết trường lớp lại việc nhà, lo lắng gia đình, nội ngoại… Đã mấy tuần
hắn không về nhà, gọi điện tắt máy. Đơn vị thông báo hắn không đến cơ quan.
Duyên nghe phong thanh hắn có bồ, đàn ông thằng nào mà chả có bồ? Hắn vẫn còn
phong độ lắm, ai theo chân hắn mà giám sát được.
* *
Thôi chuyện qua rồi em, nhắc
lại chi thêm phiền. Giờ hắn và em đã chia tay, mọi cái cũng đã phân định. Lão tập
hai của em dù có bạc nhược những vẫn là lão chồng cưới xin danh chính ngôn thuận.
Anh không thích xét nét bình phẩm, không nuối tiếc quá khứ. Anh sống cho ngày
hôm nay, cho những gì hiện hữu ngay bây giờ.
Còn sớm quá em nhỉ, thôi hay
là thế này, dù sao anh cũng đã xuống đến đây, và cũng cả chục năm giời chúng ta
không gặp nhau. Anh em mình chạy xuống thành phố, loăng quăng tí cho nó lãng mạn.
Đời ngắn lắm em ạ. Em khăn khố vào đi, kín mít thế kia có đến thánh cũng không
nhận ra đâu.
Đi sâu vào cái ngõ này nhé,
kia rồi, tận mấy cái. Thôi vào đại đi, cái nhà nghỉ nào chả như cái nào. Một
năm ba trăm sáu mươi ngày thì cả bốn trăm nó dung túng cho bọn tội lỗi như
chúng ta. Em vào tắm trước đi, nóng lạnh bật sẵn rồi đấy. Nhanh thế, tắm chim
à. Không, em tắm ở nhà rồi. Vậy à, thằng nào chả tắm ở nhà, thôi leo lên giường
trước nằm cho ráo nước đi, đợi anh lát. Nàng vẫn trắng như ngày xưa nhỉ, cái
màu trắng làn da em dưới ánh trăng sao mà huyền diệu.
Lần đầu anh và em run rẩy vội
vàng sau vườn chuối nhà trọ ấy, chúng mình đã đi quá xa, chưng lửng, lạ lẫm, bỏng
rát. Cảm giác đầu đời đâu dễ quên, kim đâm vào thịt thì đau, thịt đâm vào thịt
nhớ nhau suốt đời. Vậy mà sau vụ kim đâm ấy, chỉ có anh nhớ thôi, còn nỗi nhớ của
em nhanh chóng chuyển sang tay đại uý.
Em cứ vui còn anh cứ đau,
ngán ngẩm cuộc đời bể dâu. Thôi, anh lại trách em rồi, tại tuổi trẻ bồng bột
mà. Anh béo lên nhiều quá, cái bụng mỡ. Thằng đàn ông nào rồi cũng có cái bụng
mỡ. Còn em, teo tóp nhẽo nhèo nhèo hết rồi, hai tập phim với mấy lần sản phẩm,
vẫn còn ngon lành mới là lạ.
Anh cứ như cái thằng mở đầu
và khoá đuôi ấy nhỉ. Gái một con, thuốc ngon nửa điếu, anh châm thuốc và giờ
đây bắn tóp. Định mệnh, sao anh yếu thế, chỉ được có thế thôi sao? Hùng hục
hùng hục, chưa đâu vào đâu chợ đã tan. Thôi, để dành tý, tối nay mụ đòi trả bài
thì vỡ mồm.
Giờ đã quá trưa rồi, anh về
Hà Nội đây. Từ từ đã anh, em còn chưa kể hết mà, em chán cái gia đình hiện tại
quá, anh nói đi, em phải làm sao bây giờ?. Cuộc đời con người dài lắm, trong chốc
lát sao kể hết được?. Anh đã nói rồi, cái áo có rách nhưng nó vẫn ấm hơn cái áo
da, tức là cởi trần ấy, em vẫn phải mặc và đừng kêu ca than khóc nhé. Thôi,
chúng ta chia tay, có gì sẽ liên lạc lại sau. Nhớ.
Tôi trở lại Hà Nội, cảm giác
chơi vơi, bỏng rát đã đưa tôi ghé qua và vào sâu trong sân trường cũ. Cảnh vật
vẫn đây mà người vắng bóng, lòng bâng khuâng, trống trải. Mùa thu, lá rụng nhiều
kinh khủng. Có ai đó nói rằng, đừng đụng vào cây mùa lá rụng. Mối tình xa xưa
cũng đã tan biến, rơi rụng như những chiếc lá tả tơi bay. Bất giác, tôi nhận ra
góc sân bé nhỏ sau giảng đường ngập đầy lá.
Tôi lưỡng lự, chần chừ một
lát rồi cài số, rồ ga, chạy một mạch về nhà. Cái áo rách dù sao vẫn ấm hơn áo
da.
Trương Văn Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét