Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Bình thơ Thế Lữ - Giây phút chạnh lòng


Bình thơ Thế Lữ - Giây phút chạnh lòng
Bài thơ Giây Phút Chạnh Lòng của Thế Lữ được viết năm 1936 để tặng cho Nhất Linh, tác giả tiểu thuyết Đoạn Tuyệt. Tôi nhớ bài thơ này được in vào đầu trang tiểu thuyết Đoạn Tuyệt.
Trong cuộc sống hàng ngày lâu lâu tâm mình hơi chùng xuống một chút, yếu đi một chút, mất đi một ít năng lượng, giây phút ấy gọi là giây phút chạnh lòng.
Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
Đã quyết không mong sum họp mãi.
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?
Đó là lời của một người con gái nói với một người con trai trong giờ phút người con trai từ giã để lên đường phụng sự lý tưởng của mình. Chuyện xảy ra đã nhiều năm trước và hôm nay người con trai đang ngồi hồi tưởng lại.
Đất nước hồi đó còn nằm dưới sự đô hộ của người Pháp. Những người thanh niên Việt Nam lớn lên bắt đầu có ý thức rằng đất nước mình không phải là một đất nước độc lập cho nên tâm tư họ có những xao xuyến, thao thức: làm thế nào để giành lại độc lập cho đất nước mình, tự mình làm chủ lấy mình?
Trong khi đó guồng máy công an, cảnh sát dưới sự cai trị của người Pháp rất hùng hậu, vững mạnh. Họ tìm mọi cách để người Việt không có cơ hội đứng dậy giành lại chủ quyền. Nhưng những thanh niên tân học thấy rõ ràng rằng người dân của một nước mà không làm chủ được đất nước của mình là chuyện rất nhục nhã, không những đối với quốc dân trong giờ phút hiện tại mà còn đối với tổ tiên, tại vì tổ tiên của mình cũng đã từng tranh đấu để quốc gia có chủ quyền, có độc lập. Trung Quốc đã từng chiếm cứ đất nước Việt Nam đến một ngàn năm. Việt Nam trở thành lãnh thổ, một tỉnh của Trung Quốc. Việt Nam trong thời kỳ ấy hoàn toàn bị mất chủ quyền đối với người Trung Quốc.
Khi Thế Lữ viết bài này thì Việt Nam đã bị Pháp đô hộ gần một trăm năm. Thế Lữ cũng như một số các bạn đã từng có cơ hội đi sang Pháp du học, đậu bằng cử nhân khoa học. Vì vậy những người đó biết thế nào là một quốc gia có chủ quyền, nên khi về nước họ rất thao thức, muốn kết hợp bạn bè, tìm mọi cách để có cơ hội giành lại độc lập cho tổ quốc.
Người Pháp không cho phép ra những tờ báo hay in những cuốn sách và thành lập những tổ chức với mục đích gây ý thức cho quốc dân nhằm khôi phục lại nền độc lập. Nhưng các thanh niên đó đã tìm đủ mọi cách khéo léo để xuất bản những tờ báo, lập những nhà xuất bản sách để truyền bá gián tiếp những tư tưởng đó cho quốc dân. Họ chỉ cần một tờ báo thôi, một nhà xuất bản thôi, vậy mà trong vòng sáu năm, bảy năm họ đã gây được ý thức trong quốc dân và ảnh hưởng của họ đối với quốc dân rất lớn. Nhất Linh là một người đã từng bí mật tổ chức những đảng chính trị để hoạt động, đã từng bị người Pháp bắt bỏ vào tù và đã từng trốn qua Trung Quốc để lánh nạn nên những điều mà Nhất Linh nói, những điều Thế Lữ nói là những điều phát xuất từ kinh nghiệm của chính mình.
Anh đi đường anh, tôi đường tôi.
Tình nghĩa tôi ta có thế thôi.
Đã quyết không mong sum họp mãi.
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?
Người con gái nói với người con trai: Anh đi cứu nước đi, em sẽ ở nhà. Người con gái này tên là Loan và người con trai tên là Dũng. Loan sinh trưởng trong một gia đình phong kiến, có những lề thói không còn phù hợp với nếp sống mới nữa và nhất là tình trạng mẹ chồng nàng dâu đã làm Loan rất khổ sở. Loan là người đã từng được đi học trường Tây và đã học hết bằng trung học Pháp. Loan đã bị ảnh hưởng tư tưởng Tây phương về tình yêu tự do và không muốn bị ràng buộc vào đại gia đình. Nhưng vì hoàn cảnh, Loan bắt buộc phải lấy Thân mà không được lấy người mình yêu là Dũng. Tại vì Dũng có những tư tưởng cách mạng nguy hiểm nên cha mẹ Loan cấm không cho phép Loan yêu Dũng, lấy Dũng mà bắt Loan phải lấy Thân, một người con trai rất tầm thường.
Hai vợ chồng Loan có một đứa con nhưng chẳng may đứa bé đó chết và bà mẹ chồng nghĩ rằng vì Loan không thể sinh đẻ được nữa nên đã bắt ép Loan phải đồng ý cho Thân cưới một người vợ lẽ. Loan là một thiếu nữ được học trường Tây, cô mang trong mình tư tưởng tự do cá nhân của Tây phương mà phải sống trong khung cảnh gia đình phong kiến với những lề thói ép buộc như vậy thì rất là đau khổ, cho nên Loan thường hay nhớ tới người yêu xưa là Dũng. Còn Dũng thì thấy mình không còn có cơ duyên nào nữa để có thể cưới Loan nên quyết tâm đi kháng chiến, đi làm cách mạng.
Có một nguyên do thầm kín nữa là mẹ của Loan có mắc nợ mẹ của Thân nên phải hứa gả Loan cho Thân. Điều này Loan chỉ khám phá ra sau khi sự việc bị đổ vỡ. Trong một cuộc xung đột, khi Thân xông tới để đánh Loan thì tai nạn xảy ra. Thân vấp té vào lưỡi dao Loan đang cầm để rọc giấy, lưỡi dao đó đâm vào bụng Thân và Thân chết. Lúc ấy báo chí Hà Nội loan tin: Cô Loan giết chồng! Cô Loan giết chồng! Rốt cuộc nhờ một cặp vợ chồng người bạn vận động các luật sư giỏi để cãi cho Loan nên cuối cùng thì Loan được tha bổng vì đây là trường hợp tai nạn chứ không phải là tội cố ý giết chồng. Lúc đó Dũng đang hoạt động cho cách mạng, bí mật đi công tác về thành phố và đã nghe tin có buổi xử án như vậy.
Đêm đó là một đêm giao thừa, và người con trai không có gia đình đã bôn ba nhiều năm, sống rất vất vả, khó khăn, trong khi về công tác ở thành phố và được nghỉ ngơi một vài ngày trước khi tiếp tục lên đường thì nghe tin tòa xử trắng án cho Loan. Dũng nhớ tới ngày xưa khi hai người yêu nhau, và có ý muốn rằng bây giờ Loan được tự do rồi, thì mình sẽ tìm cách liên lạc với Loan để nối lại tình yêu ngày xưa. Dũng nhờ hai vợ chồng cô giáo Thảo liên lạc để dò xem ý của Loan như thế nào? Đây là những ý tưởng tới với Dũng khi Dũng nằm trên căn gác một mình lạnh lẽo chiều cuối năm và nhớ lại những điều ngày xưa Loan đã nói với Dũng lúc hai người chia tay nhau:
Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
Lúc ấy giọng điệu Loan rất cứng cõi, mạnh mẽ để giúp Dũng phấn chấn lên đường, có thêm  nghị lực mà hoàn thành công việc.
Nàng còn nói: Duyên của chúng ta không thuận lợi thì em đi lấy chồng, anh đi làm cách mạng. Tại sao phải vương vấn với nhau cho nó khổ? Anh cứ đi đi và em sẽ âm thầm yểm trợ.
Đã quyết không mong sum họp mãi.
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?
Tại sao phải bịn rịn, anh cứ đi, em không sao đâu!
Non nước đang chờ gót lãng du
Đâu đây vẳng tiếng hát chinh phu
Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc
Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ
Nước non đang cần những người con trai như anh. Anh hãy đi đi. Chinh phu là những người con trai đi đánh trận, đi làm cách mạng đánh đuổi quân ngoại xâm.
Em có thương, có tiếc thật nhưng vì lý tưởng mà em đành để cho anh đi và em thúc đẩy cho anh đi, anh là con trai, anh không nên bịn rịn.
Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ.
Hải hồ tức là sông biển, nơi người con trai có không gian thênh thang để tung hoành. Ý nói rằng tình là cái vướng víu, nếu anh có chí hướng cao cả, anh phải giật đứt sợi giây tình để anh có không gian thênh thang mà thực hiện chí hướng của người con trai.
Anh đi vui cảnh lạ, đường xa,
Đem chí bình sinh dãi nắng mưa,
Thân đã hiến cho đời gió bụi
Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ?
Anh đang đi trên con đường rất đẹp, con đường của cách mạng, con đường đem lại độc lập tự do cho đất nước. Anh đã có chí bình sinh, có tình yêu đối với tổ quốc, anh sẽ không sợ nắng mưa, khó khăn. Cuộc sống của anh đã hiến tặng cho lý tưởng phụng sự đất nước, tại sao anh còn bịn rịn?
Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ?
Người con gái đem chút duyên tơ, sự thông minh và thiện chí của mình để giúp người con trai ra đi, rất vững vàng. Nhưng sức người có hạn, cô chỉ nói được như thế trong mười hai câu thôi, đến câu thứ mười ba thì người con gái chùng xuống.
Rồi có khi nào ngắm bóng mây,
Chiều thu đưa lạnh gió heo may.
Dừng chân trên bến sông xa vắng,
Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây.
Trong bốn câu này, tâm tình của Loan bắt đầu chùng xuống và tất cả những thiện chí được diễn tả trong mười hai câu trên do đó đã tan thành mây khói. Trên con đường anh đi, có khi nào anh dừng lại ngắm một bóng mây ở chân trời? Và một buổi chiều nào lành lạnh có gió heo may, đứng trên bờ sông xa vắng thì xin anh nhớ lại một chút là ngày xưa chúng ta đã từng yêu nhau.
Dừng chân trên bến sông xa vắng
Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây,
Như vậy là chết rồi !
Xin anh cứ tưởng, bạn anh tuy
Giam hãm thân trong cảnh nặng nề.
Vẫn để hồn theo người lận đận,
Vẫn hằng trông đếm bước anh đi.
Anh nên nhớ bạn của anh tuy đang bị kẹt trong một hoàn cảnh nặng nề, khó thở, nhưng mà trái tim của người đó vẫn luôn luôn theo dõi bước chân anh và cầu nguyện anh đạt thành chí nguyện. Đó là những lời mà cô nàng đã nói nhiều năm về trước và bây giờ anh chàng nhớ lại. Anh cảm thấy cô độc, cảm thấy cuộc đời của người chinh phu lạnh lẽo, có những giây phút nhớ nhà, có những giây phút cần có sự ấm cúng, có những giây phút cần sự có mặt của một người thương. Giây phút đó là giây phút chạnh lòng.
Lấy câu khẳng khái tiễn đưa nhau,
Em muốn cho ta chẳng thảm sầu.
Nhưng chính lòng em còn thổn thức,
Buồn kia em giấu được ta đâu?
Chàng trai ngay từ lúc đó đã biết rằng tuy cô gái đang dùng những lời khẳng khái để động viên mình nhưng kỳ thực trái tim của nàng đang còn thổn thức lắm.
Lấy câu khẳng khái tiễn đưa nhau,
Em muốn cho ta chẳng thảm sầu,
Là sự vuốt ve, là lòng tốt của người con gái.
Nhưng chính lòng em còn thổn thức
Anh biết rằng trái tim của em đang thổn thức, nỗi buồn ấy của em, làm sao giấu được anh?
Em đứng nương mình dưới gốc mai,
Vin ngành sương đọng, lệ hoa rơi,
Cười nâng tà áo đưa lên gió,
Em bảo: hoa kia khóc hộ người.
Khi hai người chia tay, họ đứng ở dưới một gốc mai. Loan vịn vào cành mai và có những hoa mai rơi rụng xuống. Hoa khóc chứ em đâu có khóc, Loan đã nói như vậy.
Rồi bỗng ngừng vui cùng lẳng lặng,
Nhìn nhau bình thản lúc ra đi.
Nhưng trong khoảnh khắc thờ ơ ấy,
Thấy cả muôn đời hận biệt ly.
Hai người nói nói, cười cuời nhưng tới giây phút biệt ly, người con trai phải đi thôi. Hai người không còn nói nữa, họ im lặng, họ im lặng trong chốc lát rồi người con trai bước đi. Giây phút đó là giây phút khó khăn nhất của cả hai người vì không có hy vọng gì để trong tương lai hai người có thể đoàn tụ với nhau được.
Anh đi đường anh, tôi đường tôi
Đất nước đang lâm nguy, lại thêm ảnh hưởng nặng nề của chế độ phong kiến, nên đã gây ra không biết bao nhiêu mất mác, chia ly đau thương. Ta có thể thấy, hai vấn đề lớn của đất nước vào những năm 30 :
-  Vấn đề thứ nhất : đất nước không có chủ quyền.
-  Vấn đề thứ hai : xã hội đang bị chìm đắm, ràng buộc trong những lề lối phong kiến, xưa cũ.
Dân trí chưa mở và những tập tục phong kiến chưa thể tháo được là hai trở lực mà cả hai người đang phải chịu đựng. Người con trai ra đi hoạt động để thay đổi tình trạng, còn người con gái ở nhà có thể làm được gì hay chỉ tiếp tục làm nạn nhân cho những tập tục phong kiến của gia đình cô?
Nhất Linh sinh vào năm 1905 và viết cuốn tiểu thuyết này lúc 31 tuổi. Cuốn sách có tựa là « Đoạn Tuyệt », muốn đoạn tuyệt với tất cả những cái gì cổ hủ, phong kiến của xã hội, của gia đình, nó đã trói buộc tự do của con người. Thế Lữ đã viết bài thơ « Giây Phút Chạnh Lòng » này để tặng cho Nhất Linh cũng vào năm đó, tức là năm 1936.
Hồi đó họ chỉ là một nhóm nhỏ có khoảng sáu bảy người gọi là « Tự Lực Văn Đoàn ». Họ sinh ra vào đầu thế kỷ hai mươi, khoảng năm 1905, 1906 và 1907. Họ có cơ duyên được đi học và được ảnh hưởng tư tưởng tự do dân chủ của Tây phương nên họ quyết định phải làm một cái gì cho đất nước. Một mặt họ muốn tổ chức những hội kín để vận động quần chúng đi tới chuyện lật đổ chánh quyền Pháp, một mặt họ biết rằng mật thám Pháp có khắp nơi, trong đó có rất nhiều người Việt đi theo Pháp để làm tay sai, để do thám họ vì vậy công việc của họ rất khó khăn. Biết bao nhiêu người đã bị bắt, bị ở tù, bị xử tử vì đã muốn đứng dậy để làm cách mạng đánh đuổi Pháp.
Năm 1932, có một tờ báo sắp chết tên là Phong Hóa, nhóm văn sĩ ấy xin lại giấy phép của tờ báo đó và với tài năng của mình, họ làm cho tờ báo đó trở thành một tờ báo rất nổi tiếng trong quốc dân. Họ viết những truyện ngắn, những truyện dài, họ làm những bài thơ, họ viết những bài khảo luận đánh động vào tâm trí của giới trẻ và tức khắc rất nhiều thanh niên trong toàn quốc đã trở thành độc giả của báo Phong Hóa (Bộ mới 1932, số 13).
Nhất Linh tên thật Nguyễn Tường Tam có người em trai tên là Nguyễn Tường Long lấy bút hiệu Tứ Ly. Tứ ly là giờ xấu nhất trong ngày (người ta thường kiêng làm những chuyện quan trọng vào giờ này), và Tứ Ly đã thật sự là một cây bút châm biếm tài tình. Tất cả những gì cổ hủ, lỗi thời, tất cả những gì lố bịch, ông ta đều dùng ngòi bút để châm biếm và cây bút Tứ Ly đã làm cho chính quyền, nhất là chánh quyền Pháp, rất sợ hãi và đến năm 1936 chính quyền Pháp bắt buộc phải đóng cửa tờ Phong Hóa.
Chưa chịu thua, nhóm Tự lực văn đoàn đã tìm cách cho ra đời một tờ báo khác với tên gọi « Ngày Nay ». Kỳ này, Nguyễn Tường Long bỏ bút hiệu Tứ Ly, lấy bút hiệu mới là Hoàng Đạo –Hoàng đạo là giờ tốt nhất trong ngày. Với những bài khảo luận, truyện ngắn, truyện dài, họ giúp mở dân trí, và chỉ trong vòng bảy tám năm, họ đã giúp thay đổi được suy nghĩ của cả một thế hệ thanh niên trong nước. Tôi lớn lên trong hoàn cảnh ấy và đã bị ảnh hưởng tư tưởng và văn chương của Tự Lực Văn Đoàn khá nhiều.
Một người con trai lớn lên trong không khí, trong hoàn cảnh ấy, rõ ràng chỉ có hai cách lựa chọn : một là vâng lời cha mẹ đi cưới vợ và sống trong môi trường cũ ; hai là bỏ nhà đi làm cách mạng. Một là làm như Loan, lập gia đình, sanh ra vài ba đứa con, cho nó đi học rồi chịu đựng tất cả những tập tục cổ hủ; hai là làm Dũng, cương quyết bỏ ra đi làm cách mạng. Nếu không có nhân duyên trở thành người xuất gia, chắc tôi cũng đã đi vào một trong hai con đường ấy, và hôm nay, tôi đã không ngồi đây.
Thời đó ảnh hưởng của Tự Lực Văn Đoàn rất lớn, thơ của Thế Lữ, của Xuân Diệu và tiểu thuyết của Khái Hưng, của Nhất Linh ảnh hưởng đến tuổi trẻ rất nhiều. Thơ của Nguyễn Bính, những câu thơ rất đơn giản cũng đã ảnh hưởng sâu sắc tới tôi. Xin đọc lại vài câu để xem có thầy cô nào nhớ nhà không?
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi, chị một em, em một chị
Trời làm xa cách mấy con sông…
Cột nhà hàng xóm lên câu đối
Em đọc tương tư giữa giấy hồng
Gạo nếp nơi đây sao trắng quá
Mỗi ngày phiên chợ lại thêm đông
Tôi đọc những dòng này hồi mười mấy tuổi mà tới bây giờ vẫn còn thuộc.
Gạo nếp nơi đây sao trắng quá
Mỗi ngày phiên chợ lại thêm đông…
Đêm nay em thức thi cùng nến
Ai biết tình em với núi sông
Lớn lên, đêm giao thừa nào, tôi cũng ưa ngồi một mình, đốt đèn bạch lạp, và đọc thơ, chỉ vì chịu ảnh hưởng vỏn vẹn hai câu thơ của Nguyễn Bính. Và khi trở thành một ông thầy tu trẻ, tôi vẫn còn thói quen đó, cũng tìm ba ngọn bạch lạp, cũng đem thơ của thi sĩ mình yêu thích ra đọc. Bây giờ, tôi bỏ cái tật ấy rồi, đêm giao thừa ngồi chơi với đệ tử thôi.
Ngày xưa có cái mốt là những người trí thức văn nghệ sĩ tới giờ giao thừa là phải đốt nến, đốt trầm lên để đọc thơ, nhất là nến bạch lạp (đèn cầy trắng) và thơ phải in trên giấy thật tốt tức là giấy bản trắng. Đọc thơ Đường in trên giấy lụa dưới ánh sáng của bạch lạp là một hình ảnh đẹp. Hồi đó chưa có đèn điện, mà thắp đèn dầu mờ mờ thì đọc thơ không được rõ lắm. Vì vậy thắp lên một ngọn bạch lạp, thắp lên hai ngọn bạch lạp, hoặc thắp lên ba ngọn bạch lạp để đủ ánh sáng mà đọc thơ.
Cách đây mấy hôm, tôi thấy có một vị trên xóm Thượng đọc tiểu thuyết của Minh Đức Hoài Trinh, tôi nói thôi đừng có đọc cái này. Tại vì tôi biết hơn ai hết, mình đọc cái gì thì sẽ thường chịu ảnh hưởng cái đó. Vì vậy phải rất cẩn thận với nội dung văn nghệ mà mình tiêu thụ. Trong luật nói rằng, vị sa di, sa di ni muốn đọc sách gì thì phải hỏi y chỉ sư, điều này rất đúng. Vì nếu rủi mình đọc lỡ những cuốn có chất độc, thì nó hại mình lâu lắm.
Hồi còn làm học tăng tại Phật học đường Báo Quốc, tất cả các tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn chúng tôi đều không được đọc. Có mấy chú học tăng « ăn gian », làm một thư viện bí mật, mua những cuốn tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, đem giấu lên trên một cây nhãn, nếu chú nào muốn đọc thì chỉ cần ra leo lên cây nhãn mà đọc, ở dưới dù các thầy cứ đi ngang qua mà không biết rằng trên đầu mình học tăng đang đọc tiểu thuyết. Mình tưởng như vậy là mình khôn ranh lắm, mình qua mặt được mấy thầy, ai dè làm như vậy là tự đầu độc mình. Dầu đã là Tỳ kheo, Tỳ kheo ni rồi, mình cũng phải cẩn thận lắm mới được, chỉ nên đọc những cuốn sách nào, và thưởng thức những tác phẩm văn nghệ nào mà không đem lại độc hại cho trái tim của mình mà thôi.
Năm 1935 Hội Phật Giáo Bắc Kỳ xuất bản một tạp chí Phật học tên là tờ Đuốc Tuệ. Sự kiện của tờ Đuốc Tuệ, đã cứu được tôi. Nếu chỉ có Tự Lực Văn Đoàn thì một là tôi làm Loan và hai là làm Dũng. Nhưng nhờ có Đuốc Tuệ nên tôi đã làm Phùng Xuân. Tuy đã là Phùng Xuân rồi nhưng Loan, Dũng vẫn cứ đi bám lấy tôi. Tại vì những hạt giống mình đã gieo trước đó vẫn tiếp tục đi theo mình. Nhưng hạt giống của Đuốc Tuệ rất mạnh nên nó có thể ôm được cả hai hạt giống kia mà không sao cả. Tờ Đuốc Tuệ có những bài viết về Nhân Gian Phật Giáo, tức là về đề tài Phật Giáo Đi Vào Cuộc Đời. Và mầm móng về ước nguyện đem đạo Phật nhập thế trong tôi đã có từ đó.
Tờ Đuốc Tuệ có nhiều bài viết nói đến các thiền sư Việt Nam trong quá khứ và hạnh nguyện của các ngài trong việc giúp dân, giúp nước. Điều này giúp tôi thấy được, đạo phật có thể đóng một vai trò rất lớn trong công cuộc xây dựng đất nước và cứu độ con người. Con đường phục vụ đất nước theo tinh thần đạo phật nhập thế đã mở ra cho tôi một chân trời mới rất rộng lớn.
Tại thư viện quốc gia Pháp ở Verseille, quý vị có thể tìm được những tờ Đuốc Tuệ ngày xưa, vì mỗi số Đuốc Tuệ được phát hành, thì phải đem nộp lưu chiểu một bản. Và người Pháp đã đem về nước đầy đủ các ấn bản đã được phát hành từ số đầu – khoảng nam 1935, đến số báo cuối, khoảng nam1945, và lưu trữ nó tại thư viện quốc gia Pháp. Tờ Đuốc Tuệ chỉ được lưu hành khoảng mười năm. Nếu không có tờ Đuốc Tuệ và không có mười năm đó, đã không có tôi đang ngồi đây. Do vậy, những cái mà quí vị đang làm như Lá Thư Làng Mai, nhà xuất bản Parallax, nhà xuất bản Lá Bối, những khóa tu được tổ chức khắp nơi sẽ có ảnh hưởng rất lớn trong các thế hệ. Có thể trong vòng năm năm hay mười năm nữa, mình sẽ có thể tạo ra được một thế hệ mới, mình có thể làm nên lịch sử. Mình nên biết, mình đang nắm giữ lịch sử trong tay.
Ngày xưa nhóm Tự Lực Văn Đoàn chỉ tồn tại dưới mười năm, nhưng đã làm được chuyện rất lớn. Chúng ta với tư cách là một tăng thân, nếu ý thức được con đường mình đi thì trong mười năm chúng ta cũng có thể làm được lịch sử.
Năm năm theo tiếng gọi lên đường,
Tóc lộng tơi bời gió bốn phương,
Mấy lúc thẫn thờ trông trở lại,
Để hồn mơ tới bạn quê hương.
Cuộc sống của người chiến sĩ, của người đang ở chiến khu rất cực nhọc, không có sự an ủi, thiếu thốn tình thương nên thỉnh thoảng trong lòng hay nhớ lại người yêu cũ. Đây là một điểm yếu, và người con trai biết rằng nếu muốn thành đạt chí nguyện thì mình phải cương quyết đi tới, đừng để cho tâm hồn chùng lại, đừng để cho lòng mình có những giây phút trầm lắng xuống. Nhưng đã sinh ra làm con người thì làm sao tránh thoát khỏi những giây phút gọi là chạnh lòng đó? Vì vậy lòng mình, nhiều khi tự nhiên bất chợt yếu đi.
Ta muốn lòng ta cứ lạnh lùng,
Gác tình duyên cũ thẳng đường rong.
Song le hương khói yêu đương vẫn,
Phảng phất còn vương vấn cạnh lòng.
Người con trai nào lớn lên hoặc người con gái nào lớn lên mà không khao khát thương yêu? Dù lý tưởng của mình có vĩ đại cách mấy, dù Bồ Đề Tâm của mình có vững chãi cách mấy thì sự khao khát ấy cũng luôn luôn còn đó. Trên bước đường phụng sự, trên bước đường cách mạng, trên bước đường lý tưởng nếu có xảy ra những giây phút Phảng phất còn vương vấn cạnh lòng cũng là chuyện bình thường thôi. Tôi đã quán chiếu và đã thấy trong trường hợp của một nhà cách mạng và trong trường hợp của một người tu, có sự khác nhau.
Có một bài thơ khác của Thế Lữ có thể giúp mình hiểu được thêm về bài Giây Phút Chạnh Lòng này, đó là bài Tiếng Gọi Bên Sông. Tôi xin đi lạc đề một chút để đọc bài thơ này.
Ta là một khách chinh phu,
(một người đi làm cách mạng, một chiến sĩ)
Dấn bước truân chuyên khắp hải hồ.
Mũ lượt bốn bề sương nắng gội,
Phong trần quen biết mặt âu lo.
Vất vả bao từng, chi xá kể?
Gian lao như lửa rèn tâm trí,
Bấy lâu non nước mãi xông pha,
Chưa phút dừng chân, chưa lúc nghỉ.
Trong thuở bình sinh đôi mắt ta
Không hề cho đẫm lệ bao giờ.
(tôi chưa bao giờ khóc)
Cười theo thất bại, khinh nguy hiểm,
Nện gót vang đường nhịp khúc ca.
Đang độ nam nhi vui trẻ hoài,
Sầu tư bi thiết, gác bên tai.
Trái tim chỉ rộn khi căm tức,
Ghét lũ vô minh, giận nỗi đời.
Vì bất bình, vì muốn có tự do dân chủ và bình đẳng xã hội mà đi làm cách mạng vậy thôi.
Trong khi lật đật nẻo sông Mê,
Trận gió heo may đuổi nhạn về.
Bụi cuốn đường xa, chinh khách mỏi,
Bỗng nghe tiếng hát vẳng bên kia.
Cố nhiên trên bước đường của người chiến sĩ, lâu lâu cũng có những giờ phút mỏi mệt và trong những giờ phút ấy nếu có một tiếng hát rất trong trẻo vẳng lên thì lòng người chinh khách sẽ bị chùng lại:
Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền,
Êm như hơi gió thoảng cung tiên,
Cao như thông vút, buồn như liễu,
Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên.
Một người đi đường trường từ ngày này sang ngày khác, hai chân đã mỏi, mồ hôi đầm đìa, khát nước, cổ cháy khô mà tự nhiên thấy được một dòng nước trong, nghe được tiếng suối reo thì không dừng lại sao được? Trong lúc mệt mỏi lại được nghe một tiếng hát vẳng bên đường.
Chinh phu trong dạ dường tê tái,
Quay gót ta buồn trông trở lại.
Đường vẫn còn xa, còn phải đi,
Song le tiếng hát bên sông gọi.
Người thiếu nữ bên sông nói rằng anh đi đâu mà vội mà vàng, anh hãy ngừng ở lại đây, và cái đó đánh động tới sự khao khát yêu thương của người con trai.
Tiếng ái ân kia réo rắt hoài,
Mà lời mây nước giục bên tai.
Có hai khuynh hướng chống đối nhau, một bên là tiếng hát của ái ân, cứ tiếp tục réo rắt; một bên là lời mây nước giục bên tai, anh phải đi, anh phải đi, tại vì chí nguyện anh buộc anh phải dứt khoát lên đường.
Tiếng ái ân kia cứ réo rắt hoài,
Mà lời mây nước giục bên tai.
Đau lòng dứt mối tơ vương vấn,
Nước mắt đầu tiên lã chã rơi.
Người con trai vừa khóc vừa bước đi vì không thể nào dừng lại được nữa, tại vì dừng lại là phản bội chí nguyện của mình. Có cái thế tương phản ở trong lòng làm người con trai phải khóc.
Đau lòng rứt mối tơ vương vấn,
Nước mắt đầu tiên lã chã rơi.
Đây là lần đầu tiên người con trai khóc.
Trong thuở bình sinh, đôi mắt ta,
Không hề cho đẫm lệ bao giờ,
Tôi chưa bao giờ khóc hết, tôi chỉ :
Cười theo thất bại, khinh nguy hiểm,
Nện gót vang đường nhịp khúc ca.
Bây giờ, tôi khóc, vì có sự mâu thuẫn trong lòng. Mâu thuẫn giữa sự khao khát yêu thương và chí nguyện muốn thành tựu. Là con trai mới lớn, mình khao khát yêu thương như bất cứ người con trai nào. Nhưng non sông mờ cát bụi, nếu mình vướng víu vào chuyện tình duyên, làm sao mình có thể đạt thành chí nguyện? Cần phải dứt khoát, và lần đầu tiên nước mắt rơi xuống.
Ta muốn lòng ta cứ lạnh lùng.
Đó là cái lý trí.
Gác tình duyên cũ thẳng đường trông
Song le hương khói yêu đương vẫn
Phảng phất còn vương vấn cạnh lòng
Không đuổi nó đi được, nó vẫn còn nằm trong trái tim.
Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan
Trong lúc gần xa pháo nổ ran
Rũ áo phong sương trên gác trọ
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang
Đây là một đêm giao thừa, là giờ phút người con trai chùng chân mỏi gối, là giờ phút người con trai nhớ về người yêu cũ và cảm thấy rất cô đơn và rất khao khát thương yêu.
Ta thấy xuân nồng thắm khắp nơi
Ai cũng đang lo chuẩn bị đón giao thừa. Ở Việt Nam có tám chục triệu người, ở Trung quốc có một tỷ hai trăm ngàn người đang chuẩn bị đón giao thừa. Nhà nào cũng có một cành mai, cũng có một cành đào, cũng có năm bảy cái bánh chưng, cũng có một phong pháo, chỉ có một mình là không có gì cả, ngoài một cái áo, một đôi giầy đầy bụi đường. Khi mùa xuân về và mọi người đang được đoàn tụ thì mình - thân chiến sĩ cô đơn trong cuộc đời, mình thấy mệt mỏi và khát khao.
Ta thấy xuân nồng thắm khắp nơi,
Trên đường rộn rã tiếng đua cười,
Động lòng nhớ bạn xuân năm ấy,
Cùng ngắm xuân về trên khóm mai.
Ta tìm thấy ba chữ xuân trong bốn câu thơ này : xuân nồng thắm khắp nơi, xuân đã về, bạn xuân năm ấy. Loan và Dũng cũng từng ngắm xuân về trên khóm mai. Ngày chia ly của hai đứa là một ngày xuân. Hôm đó, Loan mặc áo dài, tay vịn vào cành mai, nói những lời tiễn biệt. Loan làm rung cành mai, những cánh mai rơi xuống, và Loan nói, cây mai khóc dùm em, chớ em đâu cần khóc, em bảo hoa kia khóc hộ người.
Lòng ta tha thiết đượm tình yêu.
Như cảnh trời xuân luyến nắng chiều,
Mắt lệ đắm trông miền cách biệt,
Phút giây chừng mỏi gót phiêu lưu…
Cuộc sống của người chiến sĩ quá kham khổ, quá khắt khe, thiếu vắng những cái vỗ về và nuôi dưỡng cho nên ý tưởng muốn bỏ cuộc đời chiến sĩ nó hấp dẫn, nó cứ tới ám ảnh hoài.
Cát bụi tung trời - Đường vất vả
Còn dài - Nhưng hãy tạm dừng chân.
Chàng chiến sĩ ấy cho phép lòng mình chùng xuống trên căn gác trọ phong sương đó.
Tưởng người trong chốn xa xăm ấy
Chẳng biết vui buồn đón gió xuân?
Không biết Loan còn nhớ mình hay không? Loan còn thương mình hay không? Dũng rất cần tình thương đó.
Đêm hôm ấy liên lạc được với vợ chồng cô giáo Thảo, Dũng biết là Loan được tha bổng, Loan bây giờ có tự do rồi. Dũng có thể trở về với Loan như một cặp thanh niên tự do, không còn bị lề lối phong kiến ràng buộc nữa. Loan có thể xin đi dạy học hay đi làm nghề nào đó, Dũng cũng có thể đi kiếm một việc làm, hai người có thể kết hợp lại thành một gia đình. Trong căn gác đó Dũng lấy cây viết chì và một tờ giấy viết thơ cho Loan: Nếu em còn thương anh thì chúng ta hãy nghĩ tới chuyện trở về với nhau.
Nếu chuyện này xảy ra thì không biết rằng lý tưởng của anh chàng sẽ đi tới đâu? Nếu hai người cưới nhau, hai người cần làm việc để kiếm sống thì lý tưởng của người chiến sĩ, người chinh phu đâu còn giữ được nữa? Vì vậy coi như con đường của Dũng bị thất bại.
Quí vị nào chưa từng có cơ hội nghiên cứu về lịch sử của đất nước, chưa biết những gì đã xảy ra cho những thế hệ con trai và con gái sinh ra từ đầu thế kỷ thứ hai mươi thì đây là sự mời gọi, quí vị phải tạo ra cơ hội để làm chuyện đó.
Quán chiếu thì chúng ta sẽ thấy con đường cách mạng cứu nước là một con đường rất hấp dẫn đối với thanh niên và con đường làm cách mạng xã hội để giải thoát thân phận của con người cũng là một con đường rất hay và những thanh niên sinh ra từ đầu thế kỷ thứ hai mươi đã dấn thân vào một trong hai con đường đó.
Khi đem vào tình trạng một chiều thứ ba, tức chiều tâm linh, chúng ta thấy rằng chúng ta có thể có một bức tranh khác. Tờ Đuốc Tuệ đã đem tới một chiều thứ ba trong không gian của tôi và trong lòng người con trai mười lăm tuổi hồi đó đã mở ra được một hướng đi.
Bây giờ nhìn lại, tôi thấy một cách rất rõ rệt là khi mình đi tu, cũng giống như mình đi làm cách mạng, tại vì hành động cạo đầu của mình đích thực là một hành động rất cách mạng. Hủy hình phi pháp phục, tức là hủy cái đẹp hình thức, mặc cái áo thầy tu là hành động can đảm. Cát ái từ sở thân, cắt đứt những dây lưu luyến ràng buộc với những  người thân, đó là quả thực là một hành động cách mạng.
Hủy hình phi pháp phục
Cát ái, từ sở thân

Bỏ cái đẹp hình thức, mặc vào chiếc áo thầy tu, xa lìa những người thân yêu để đi theo lý tưởng độ chúng sanh, đó là nội dung phần đầu bài kệ được đọc lên khi đưa mái tóc cho thầy cạo. Đó là con đường lớn của cách mạng.
Xuất gia cũng là làm cách mạng, đích thực làm cách mạng, nhưng người xuất gia có một mái nhà gọi là gia đình tâm linh, có những giới luật, có sự tu tập.
Khi làm cách mạng, mình chia sẻ với những người đồng chí lý tưởng cách mạng, tức là phục hồi độc lập quốc gia, thực hiện dân chủ. Mặc dù có chung lý tưởng nhưng phương tiện dùng để đi đến mục tiêu đó khác nhau. Đơn cử như việc thành lập rất nhiều đảng trong hoàn cảnh ấy :Quốc Dân đảng, Đại Việt đảng, đảng Cộng Sản,…và những đảng này có thể không hài hòa nhau, có thể chống đối nhau, loại trừ nhau.
Nếu có cơ hội, mình nên đọc lại lịch sử của đất nước giai đoạn này. Mình biết được, giữa đảng Quốc Dân, đảng Đại Việt, đảng Cộng Sản và những đảng khác có những bất hòa nào? Có ý hướng loại trừ nhau, tiêu diệt nhau, ám sát nhau như thế nào? Những chuyện này gây ra niềm đau rất lớn cho những thanh niên đi làm cách mạng. Bởi cùng làm cách mạng, nhưng nếu không cùng đảng, bắt buộc họ phải lên án lẫn nhau, thậm chí còn bắt cóc, ám sát nhau.
Trong môi trường của người tu thì không có chuyện đó xảy ra. Trong tăng thân mình đã có giới luật, mình đã có lý tưởng, mình đã có nguyên tắc Lục Hòa, mình đã có những phương pháp thực tập và vì vậy cho nên dầu người kia theo Tịnh Độ, dầu người kia theo Thiền, dầu người kia theo những tông phái khác thì không có lý do gì mình phải chống đối. Đạo Phật có tới tám vạn bốn ngàn pháp môn và tinh thần của đạo Phật là tinh thần của sự bao dung cho nên những người xuất gia không bao giờ nghĩ đến chuyện thủ tiêu nhau, tiêu diệt nhau. Đó là một sự khác biệt rất lớn giữa những người đi xuất gia với những người đi làm cách mạng.
Điều khác biệt thứ hai, khi làm cách mạng, mình có thể thấy con đường quá dài. Có khi sống hết cuộc đời rồi, mà vẫn chưa thấy được cụ thể một kết quả nào của cách mạng mang lại. Hoặc đảng của mình, đường lối của mình đôi khi bị tiêu diệt, bị đàn áp đến nỗi không còn có thể phục hồi được. Có khi hai mươi năm, ba mươi năm, năm mươi năm vẫn không thấy được một kết quả nào cụ thể mà sự tổn thất về nhân mạng vẫn tiếp tục xảy ra.
Trong khi đó, nếu mình tu tập nghiêm chỉnh với tăng thân thì trong vòng vài ba tháng, mình đã thấy an lành, mình có thể bắt đầu độ được người. Nếu các thiền sinh từ xa tới thấy các sư cô, các sư chú –dù họ chỉ thực tập được sáu tháng hay một năm –đi đứng trong chánh niệm, có oai nghi, có nụ cười, có sự tươi mát, họ có niềm tin nơi chánh pháp, và họ đã đỡ khổ rất nhiều.
Ngày xưa, khi số lượng các thầy, các sư cô ở Làng còn ít, tôi hay đi hướng dẫn các khóa tu một mình. Tuy những khóa tu đó rất thành công, nhưng không thể so sánh được với những khóa tu sau này. Khi tôi đem tới khóa tu ba mươi vị xuất gia hay năm mươi vị xuất gia, các thiền sinh thấy các vị xuất gia đi theo đều biết đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm, nói cười trong chánh niệm. Điều này đã mang lại cho họ niềm tin về chánh pháp. Rõ ràng, không cần phải tu năm mươi năm hay sáu mươi năm mới có thể mang lại hạnh phúc cho người khác, chỉ cần hành trì giới luật, uy nghi và chánh niệm có nội dung trong vòng ba tháng, năm tháng hay sáu tháng, mình có thấy được hiểu quả của con đường xuất gia.
Trong khi đó người thanh niên đi làm cách mạng có thể thấy con đường dài hun hút, tổn thất có thể tới hàng ngày mà sự ích lợi thiết thực của con đường lý tưởng chưa thấy đâu cả?
Mình không cần phải đợi khi nào trở thành giáo thọ rồi mới bắt đầu độ đời. Ngay trong ngày đầu tiên, giờ đầu tiên, nếu mình có hạnh phúc, mình thực sự nương tựa vào tăng thân thì niềm hạnh phúc đó được biểu hiện ngay trong lời nói, tiếng cười, dáng đi của mình, và như thế, mình bắt đầu làm hạnh phúc cho tăng thân và cho những người tới với mình.
Điểm khác giữa người tu với người làm cách mạng là thấy được kết quả của những hành động của chính mình. Bởi giáo lý đạo Bụt là giáo lý vượt thoát thời gian, đến để mà thấy, có hiệu lực ngay trong giây phút hiện tại, nếu bắt đầu thực tập thì thấy có kết quả ngay lập tức, dù kết quả còn khiêm nhường.
Điểm khác biệt thứ ba, những người đi làm cách mạng ít được hưởng tình huynh đệ, tình gia đình, cuộc sống của họ phong sương rất nhiều, còn sự tập mỗi ngày của người tu hướng đến tình huynh đệ, thực tập như thế nào để sư anh, sư chị, sư em của mình trở thành những người thương thật sự của mình, thực tập như thế nào để mỗi ngày có cơ hội để thương và được thương, thực tập như thế nào để xây dựng không khí đầm ấm của một gia đình tâm linh và do đó chúng ta có cơ hội mỗi ngày để thương và để được thương.
Người tu sĩ không thiếu thốn tình thương như người chiến sĩ, vì mỗi ngày, ta đều thực tập hiến tặng tình thương theo tinh thần tứ vô lượng tâm –thứ tình thương không bi lụy, không vướng mắc, không đánh mất tự do của mình và người kia. Ta hiến tặng tình thương ấy cho những người bạn tu của ta, cho những người đến tu học với ta. Do vậy, ta không bị lâm vào tình trạng của Dũng
Đọc bài thơ này, ta thấy thương cho những người con đã ra đi để tranh đấu cho chủ quyền quốc gia, bình đẳng xã hội. Lý tưởng đó rất đẹp, lý tưởng đó không thua gì lý tưởng của một vị Bồ Tát, nhưng tổ chức cách mạng có thể đã không nuôi dưỡng được người cách mạng như tăng thân nuôi dưỡng được những người xuất gia.
Một đảng chính trị, một đảng cách mạng, một hội cách mạng có thể áp dụng những phương thức để nuôi dưỡng những thành viên của họ. Nhưng cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa thấy được dấu hiệu rõ rệt nào chứng tỏ điều đó. Còn với đạo Bụt, qua hơn 2500 năm lịch sử, chúng ta thấy rất rõ, chúng ta có đủ những lề lối, những phương thức, những pháp môn áp dụng để có thể đi trọn được con đường tu tập của chúng ta với tư cách một vị Bồ Tát. Và đức Thế Tôn mong muốn rằng, chúng ta trở thành những vị Bồ Tát có thể giúp được mình và giúp được người.
Chúng ta xuất gia là phát nguyện dấn thân vào một cuộc cách mạng lớn. Chúng ta có nhiều cơ hội thành công cuộc cách mạng này, vì chúng ta có tăng thân và có pháp môn rất rõ ràng, rất thực tế. Vấn đề bây giờ là khả năng nắm lấy cơ hội đó nơi mỗi người. Nếu khéo léo thực tập mỗi ngày để được nuôi dưỡng và nuôi dưỡng đến các thành viên khác của tăng thân thì thành công là vấn đề nằm trong tầm tay của mình. Và mình sẽ có rất ít những giây phút chạnh lòng. Giả sử, nếu có xảy ra những giây phút như vậy, mình vượt qua rất mau. Vì mình có tình thương của thầy, tình thương của anh, tình thương của chị, tình thương của em, tình thương của Bụt nên mình sẽ không lâm vào tình trạng của Dũng trong bài thơ này.
Bài thơ này nói về tình yêu lứa đôi, nhưng nếu đọc thơ với con mắt của chánh pháp, mình có thể sử dụng những yếu tố không phải phật pháp để làm thành phật pháp. Phật pháp tức Thế gian pháp, đó là điều mình đã được học. Đọc thơ với sự quán chiếu sâu sắc, tình thương trong mình sẽ trào dâng. Mình thương cho Loan, mình thương cho Dũng, mình thương cho biết bao thế hệ thanh niên đã có một tấm lòng, đã có chí nguyện thương nước, thương dân và cải tạo xã hội. Nhưng vì chưa có những điều kiện thuận lợi để thực hiện chí nguyện ấy nên không biết bao nhiêu người đã ngã gục.
Tôi đã có nói với quý vị, chúng ta đang nắm lịch sử trong tay. Bởi chúng ta đã và đang có rất nhiều cơ hội góp phần vào việc tạo nên một thế hệ mới lành mạnh. Ngày xưa, nhóm Tự Lực Văn Đoàn hoạt động chưa tới mười năm. Hơn nữa lại hoạt động trong tình cảnh rất khó khăn. Nhưng họ đã rất thành công trong sự nghiệp của mình.
Ngày xưa, Hoàng Đạo, em ruột của Nhất Linh, đã lấy bút hiệu là Tứ Ly viết một tác phẩm với tựa là Mười Điều Tâm Niệm. Mười Điều Tâm Niệm kêu gọi thanh niên đi làm cách mạng. Chúng ta nên đọc nó và quán chiếu bằng con mắt trạch pháp, xem thử điều nào có thể chấp nhận được, điều nào hơi quá đà.
Theo giáo lý Tứ đế, chúng ta cần nhìn sâu vào khó khăn, đau khổ của tình trạng hiện tại để hiểu được nguyên nhân đưa đến những khó khăn, khổ đau đó –Nhìn vào khổ đế thấy được Tập đế. Thấy được Tập đế, chúng ta sẽ khai mở con đường Đạo đế để đi tới kết quả là Diệt đế.
Tất cả những gì ta làm, ta nói, ta viết đều có tác dụng mở rộng con đường cho những thế hệ tương lai. Nhóm Tự Lực Văn Đoàn tồn tại rất ngắn, chúng ta có thể may mắn hơn họ. Những gì chúng ta đang làm như mở những khóa tu cho người Việt, cho người Mỹ, người châu Âu, cho người Nhật, cho những nhà tâm lý trị liệu, cho giới văn nghệ sĩ, cho giới thương gia, cho giới bảo vệ môi trường, cho những thầy giáo, cô giáo,…là những phương tiện, những cơ hội hướng dẫn cho thế hệ tương lai con đường của chuyển hóa, con đường của trị liệu. Chúng ta đang thật sự làm một cuộc cách mạng, chúng ta phải ý thức điều đó. Chúng ta không làm như những cá nhân, chúng ta làm với tư cách một tăng thân.
Chúng ta phải biết trân quí thời gian của mình. Trong mỗi giờ, mỗi phút, chúng ta phải nắm tay nhau, chúng ta phải thấy được lý tưởng vĩ đại, cao đẹp của chúng ta, chúng ta phải làm cho được, thực hiện cho được chí nguyện lớn của chúng ta trong thế kỷ hai mươi mốt này.
Còn khoảng một giờ đồng hồ nữa, chúng ta sẽ bước sang một năm mới. Đây là năm đầu của thiên năm đầu của thế kỷ mới, của thiên niên kỷ mới. Đọc bài thơ này, chúng ta phải ý thức rằng, chúng ta đang có may mắn được cùng sống với nhau như một tăng thân, chúng ta có lý tưởng, đường hướng và phương tiện để hoàn thành cuộc cách mạng của chúng ta. Thế giới hôm nay cần cuộc cách mạng đó, vì có rất nhiều người đang chìm đắm trong đau khổ, trong hận thù, trong đam mê. Chúng ta sẽ thành công như một tăng thân, chúng ta sẽ thành công như một dòng sông mà không phải là những giọt nước.
Trong giờ giao thừa, chúng ta sẽ tụng chung với nhau bài tụng Hạnh Phúc để chúng ta biết rằng, mình đang có nhau, đang cùng đi trên cùng một con đường. Nếu chúng ta ý thức được điều này, hạnh phúc của chúng ta sẽ tăng tiến rất mau chóng, và năng lượng đó sẽ giúp chúng ta thành đạt được lý tưởng mà chúng ta đã nguyện đi theo.
Hủy hình phi pháp phục
Cát ái, từ sở thân
Xuất gia hành Phật đạo
Nguyện độ nhất thiết nhân
Đó là giây phút mà ta nói lên lời cam kết, lời thề của tất cả những người xuất gia.
Giây phút chạnh lòng
Tặng tác giả "Đoạn Tuyệt"
"Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
Đã quyết không mong xum họp mãi.
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?
"Non nước đang chờ gót lãng du,
Đâu đây vẳng tiếng hát chinh phu,
Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc
Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ.
"Anh đi vui cảnh lạ, đường xa,
Đem chí bình sinh dãi nắng mưa,
Thân đã hiến cho đời gió bụi
Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ?
"Rồi có khi nào ngắm bóng mây
Chiều thu đưa lạnh gió heo may
Dừng chân trên bến sông xa vắng,
Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây;
"Xin anh cứ tưởng bạn anh tuy
Giam hãm thân trong cảnh nặng-nề,
Vẫn để hồn theo người lận đận;
Vẫn hằng trông đếm bước anh đi."
Lấy câu khẳng-khái tiễn đưa nhau,
Em muốn cho ta chẳng thảm sầu.
Nhưng chính lòng em còn thổn-thức,
Buồn kia em giấu được ta đâu?
Em đứng nương mình dưới gốc mai,
Vin ngành sương đọng, lệ hoa rơi,
Cười nâng tà áo đưa lên gió,
Em bảo: hoa kia khóc hộ người.
Rồi bỗng ngừng vui cùng lẳng lặng,
Nhìn nhau bình-thản lúc ra đi.
Nhưng trong khoảnh khắc thờ-ơ ấy,
Thấy cả muôn đời hận biệt-ly.
Năm năm theo tiếng gọi lên đường,
Tóc lộng tơi bời gió bốn phương.
Mấy lúc thẫn thờ trông trở lại,
Để hồn mơ tới bạn quê hương.
Ta muốn lòng ta cứ lạnh lùng
Gác tình duyên cũ chẳng đường trông.
Song le hương khói yêu đương vẫn
Phảng phất còn vương vấn cạnh lòng.
Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan.
Trong lúc gần xa pháo nổ ran.
Rũ áo phong sương trên gác trọ.
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.
Ta thấy xuân nồng thắm khắp nơi,
Trên đường rộn rã tiếng đua cười,
Động lòng nhớ bạn xuân năm ấy.
Cùng ngắm xuân về trên khóm mai.
Lòng ta tha thiết đượm tình yêu,
Như cảnh trời xuân luyến nắng chiều,
Mắt lệ đắm trông miền cách biệt,
Phút giây chừng mỏi gót phiêu lưu...
Cát bụi tung trời - Đường vất vả
Còn dài - Nhưng hãy tạm dừng chân,
Tưởng người trong chốn xa xăm ấy
Chẳng biết vui buồn đón gió xuân?
Thế Lữ (1936)
Thế Lữ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, còn có bút danh Lê Ta, sinh ngày 6 tháng 10 năm 1907, tại ấp Thái Hà, Hà Nội trong một gia đình Ki tô giáo. Ông quê ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (nay là Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông theo người nhà lên sống ở Lạng Sơn từ nhỏ cho đến năm 11 tuổi. Năm 1918, Thế Lữ về sống ở Hải Phòng và từ năm 1925 đến năm 1928 học thành chung ở trường Bonnal (ở địa điểm nay là trường Ngô Quyền). Học đến năm thứ ba thành chung, ông thôi học lên Hà Nội học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau đó một năm (1930), ông bỏ học. Năm 1932, Thế Lữ bắt đầu tham gia Tự Lực Văn Đoàn và là một trong những cây bút chủ lực của báo Phong hóa, Ngày nay, Tinh hoa. Ông mất tại Sài Gòn ngày 3 tháng 6 năm 1989, để lại cho đời nhiều tác phẩm: Mấy vần thơ, Vàng và máu, Bên đường Thiên Lôi, Gió trăng ngàn, Trại Bồ Tùng Linh,Ba hồi kinh dị, Con quỷ truyền kiếp, Lê Phong phóng viên, Gói thuốc lá, Đòn hẹn, ,…
*Gồm 7 người là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, và Xuân Diệu.
 Theo http://langmai.org/

1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...