Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Ngô Thụy Miên – Một góc trời riêng

Ngô Thụy Miên – Một góc trời riêng 
     Tôi định viết ghi chép này bằng việc giới thiệu Ngô Thụy Miên tên thật là gì, sinh năm nào, mất năm nào, giống như một khuôn phép hành văn theo chuẩn mực đã từng được học trong trường những năm trước nhưng tôi lại muốn định hướng ngay từ đầu, rằng tôi chỉ muốn nói chuyện về âm nhạc. Vậy nên chỗ này không phải để viết về tiểu sử Ngô Thụy Miên, nếu những chi tiết ấy không mảy may liên quan đến những nhạc phẩm của ông. 
     Ngô Thụy Miên vốn là người gốc Hải Phòng, theo gia đình vào Sài Gòn từ những năm còn rất nhỏ tuổi, tuổi thơ của Ngô Thụy Miên gắn liền với thơ văn và sách vở do gia đình ông có một tiệm sách trên đường Phan Đình Phùng. Ngô Thụy Miên cũng là nhạc sĩ được rèn giũa và lớn lên trong những ngôi trường nhạc Pháp một thời rất thịnh hành trong giới trung-thượng lưu ở Việt Nam. Ngô Thụy Miên trưởng thành trong giai đoạn được coi là rực rỡ nhất của văn học, nghệ thuật Miền Nam Việt Nam trước 1975, giai đoạn dòng nhạc trữ tình hay còn gọi là Tân nhạc Miền Nam Việt Nam đạt đến đỉnh cao với hàng loạt những tên tuổi đã ghi dấu cho đến tận ngày nay như Phạm Duy, Lam Phương, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9…
     Về căn bản, tình khúc của Ngô Thụy Miên mang âm hưởng chung của tình ca thời đại ông đang sống, nhạc phẩm của ông lúc nào cũng miên mang những nỗi buồn đẹp đẽ, phong tình, lãng mạn, da diết, đài các. Tình khúc đầu tiên ông viết là “Chiều nay không có em” (1965 – khi ông mới 17 tuổi) với bút hiệu Đông Quân. Bài hát sớm được giới học sinh sinh viên Sài Gòn truyền tai nhau và hưởng ứng nồng nhiệt bởi giai điệu trữ tình gần gũi, lời ca đẹp với những ý thơ ngọt ngào giàu hình ảnh và cảm xúc:
Rồi mai mình em thôi trên phố người
Sao mắt nhung không nuối tiếc khát khao đợi chờ
Không có em còn ai thương lá thu bay
Còn ai vương vấn cơn say
Đời gian dối cô đơn mình ta

    4 năm sau (1969), Ngô Thụy Miên có tập tình khúc đầu tiên được lấy tên là Tình Khúc Đông Quân in ronéo gồm 12 bài hát, trong đó có nhiều bài vẫn nổi danh cho đến tận ngày nay như: Mùa thu cho em, Tình khúc tháng Sáu, Mắt thu (Thu trong mắt em), Ngày mai em đi, Bài tình ca cho em…
   Trong suốt 12 tình khúc ấy, Ngô Thụy Miên như chép lại những kỷ niệm, những tình cảm của ông bằng những nốt nhạc dịu dàng, giai điệu chậm đều và vẫn là những ý thơ đẹp phảng phất nỗi buồn. Hình như tất cả các bản tình ca thiết tha đều buồn da diết, tình khúc của Ngô Thụy Miên cũng vậy. Tuy nhiên, cuộc tình buồn của một người trẻ thì lãng mạn, và ngọt ngào, và đắm say hơn:
Anh muốn cùng mây giăng kín đường về
Gọi tên em, gọi tên em cho mát bờ môi ấy
Hãy nói bằng đôi môi, bằng tiếng rượu nồng
Mình yêu nhau, mình yêu nhau
Dù trời mưa bay, mưa bay …

           (Tình khúc tháng Sáu)
Rồi một mùa Thu nữa theo mắt em về trong nắng
Chuyện mình xin quên lãng cho bước chân dìu cay đắng
Chuyện mùa Thu năm ấy
Hãy xin ghi vào giấc mơ
Thu đi cho lá thôi về
Đếm bước Đông nghe buồn hơn

                    (Thu trong mắt em)

    Nhắc đến Ngô Thụy Miên không thể không nhắc đến Nguyên Sa và những bài thơ của Nguyên Sa. Chính Ngô Thụy Miên trong một bài viết của mình đã từng không ngớt lời bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình với nhà thơ Nguyên Sa. Có thể nói, sự gặp gỡ giữa Ngô Thụy Miên và Nguyên Sa là một cái duyên lớn trong âm nhạc. Trước lúc Ngô Thụy Miên phổ nhạc những bài thơ của Nguyên Sa, Nguyên Sa đã là một cái tên lớn trong nền văn học Miền Nam Việt Nam bấy giờ. Giới học sinh sinh viên thời ấy không ai không thuộc làu trên môi một đôi câu của thi sĩ trẻ, người đã mang từ Paris, hè phố Saint Michel với sông Seine, tháp Effel, những mùa đông mù sương, những tuyết trắng và những cặp tình nhân về cho thi ca Sài Gòn thêm đài các. Nguyên Sa cũng chính là người mang Áo lụa Hà Đông, nắng Sài Gòn và đâu đó những bóng Kiều, nàng thơ Hà Nội vào thơ rất nhẹ nhàng, rất gần gũi mà không gượng ép.
     Nhạc phẩm “Áo lụa Hà Đông” chưa chắc là nhạc phẩm hay nhất, nhiều người biết đến nhất và yêu thích nhất của Ngô Thụy Miên cũng như bài thơ Áo lụa Hà Đông chưa chắc là bài thơ Nguyên Sa tâm đắc nhất nhưng sự kết hợp của hai tâm hồn đồng điệu trong Áo lụa Hà Đông thì ai cũng thấy được:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng.
    Đoạn cao trào với những câu hát thảng thốt hơn mà vẫn ngọt ngào đến mềm môi, trách cứ đấy mà thương yêu quá đấy:
Em chợt đến, chợt đi anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại.
     Không nổi bật như Áo lụa Hà Đông nhưng “Paris có gì lạ không em” cũng là một tác phẩm đánh dấu sự gắn kết giữa hồn thơ nhạc của Nguyên Sa và Ngô Thụy Miên:
Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim?
 

  Nếu để ý một chút sẽ thấy, những hình ảnh em ngoan, lá hoa buồn vương, ngõ vắng đường mịt mù, áo mỏng chiều sương… trong thơ Nguyên Sa luôn phảng phất đâu đó trong suốt những bài tình khúc của Ngô Thụy Miên, tạo nên một nét thơ mộng và dịu dàng riêng cho những tình khúc của ông trong suốt thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ trước, tạo thành nét đài các và hoài cổ đặc trưng, nét miên man rủ buồn trong nhạc cảm của những tình khúc Ngô Thụy Miên.
    Những tha thiết, những dịu dàng ấy cũng chính là cảm hứng cho Ngô Thụy Miên phổ nhạc một bài thơ khác của Nguyên Sa: Tuổi 13
Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng
mưa tôi trả về bong bóng vỡ đầy tay
trời nắng ngạt ngào tôi ở lại đây
như một buổi hiên nhà nàng dịu mát.
Trời hôm ấy 15 hay 18
tuổi của nàng tôi nhớ chỉ 13
tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ
tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ.
     Suốt cuộc đời mình, Ngô Thụy Miên chỉ viết tình khúc mà không mảy may có động chạm gì đến những vấn đề chính trị, xã hội nhức nhối khác như các nhạc sĩ cùng thời ông, trong nhạc của ông lúc nào cũng là những tình yêu. Càng về sau những tình yêu trong tình khúc của Ngô Thụy Miên càng đẹp và càng buồn. Qua lần hồi những nỗi buồn man mác, những xúc cảm tinh khôi của thuở đầu đời, tình khúc của Ngô Thụy Miên có hồi ướt đẫm những nỗi buồn tưởng như không thể nào khỏa lấp được:
Dù cho mưa, tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy, có lá buồn gầy
Dù sao, dù sao đi nữa, tôi vẫn yêu em

     (Niệm khúc cuối)

     Từ lúc:
Mây có bay và em có hay?            
Ta ngại ngùng yêu em lần đầu.
     Cho đến khi:
Mưa đã rơi và nắng đã phai
Trên cuộc tình yêu em ngày nào
     Rồi buồn da diết đến tưởng chừng không lối thoát:
Một ngày nào đó tóc xanh xưa bạc màu.
Một ngày nào đó ta có thôi hết yêu người?

       (Bản tình cuối)
     Những thay đổi ấy có lẽ do gắn liền cùng với những biến cố trong đời của Ngô Thụy Miên. Đất nước những năm chiến tranh, những nỗi buồn lớn hơn nỗi buồn của tình yêu trai gái, những định mệnh chua chát, những cuộc ly tan không kịp trao một tờ thư, một lời hẹn cho tương lai, những ranh giới mong manh giữa sống chết, ra đi – ở lại, những xót xa buồn của những ngày phiêu bạt rời bỏ quê hương, những hoang mang của phận người bé nhỏ trước những guồng quay quá mạnh của bánh xe số phận. Ngô Thụy Miên cuối cùng cũng rời khỏi Sài Gòn, mất dấu với người yêu và sau vài năm lưu lạc mới được bảo lãnh sang Montréal, và mãi năm 1979 ông mới được đoàn tụ với người yêu của mình. Những tình khúc ông viết khi này thường là nỗi buồn đến hoang mang, hoặc là nỗi nhớ đến quay quắt những gì đã gắn bó với mình khi trước: người yêu và Sài Gòn.
Mắt biếc năm xưa nay đâu cánh sao còn đây tóc mây nào bay
Phố vắng mênh mang mưa rơi ước mơ nào nguôi tình đã phai rồi
Tình yêu như mây khói thoảng theo gió buồn mơ hồ
Tình yêu như giông tố qua phố đìu hiu
Nhớ dáng xưa yêu kiều trong chiều nhạt nắng, cung đàn gợi ý
Chờ nhau trong tê tái…

                (Mắt Biếc)
     Thập kỷ 90 đánh dấu sự trở lại của Ngô Thụy Miên với những tình khúc mới như Cần thiết, em về mùa thu, Trong nỗi nhớ muộn màng… Được đón chào nồng nhiệt nhất là tình khúc Riêng một góc trời được ông viết vào năm 1997.
Riêng một góc trời - Tuấn Ngọc 
     Mang âm hưởng xa xăm đầy hoài niệm, Riêng một góc trời khiến tôi say mê như thể trân trọng một món quà quý vừa được mang về từ quãng nào đó trong quá khứ của mình.
Tình yêu như nắng, nắng đưa em về, bên dòng suối mơ
Nhẹ vương theo gió, gió mang câu thề, xa rời chốn xưa
Tình như lá úa, rơi buồn, trong nỗi nhớ
Mưa vẫn mưa rơi, mây vẫn mây trôi, hắt hiu tình tôi
     Tôi không thể nào quên lần đầu nghe Tuấn Ngọc hát tình khúc này vào một chiều mùa thu năm 2002 khi tôi 17 tuổi. Từng nốt nhạc như thấm đẫm một nỗi miêng mang, một nỗi chơi vơi đến lạc loài, đến vô định. Em trong tình khúc sao mà quá xa vời, quá diệu vợi mà thật gần gụi như chính một “em” nào đó của riêng chúng ta, đã để lạc mất, đã đánh rơi trong một miền nhớ thương thăm thẳm nào đó từ quá khứ. Tôi nhớ, có lần Ngô Thụy Miên đã nói, ông vốn không bao giờ chủ ý viết nhạc cho ai, ông viết là để cho mình, viết cho những xúc cảm của mình trước nhất, nhưng rất nhiều người, những người lớn và cả những người trẻ như tôi, tìm thấy trong tình khúc Ngô Thụy Miên những điều về chính mình. Phải chăng, với tất cả những người đã từng yêu, đã từng đắm say trong hạnh phúc, vui sướng và cả mất mát, đau khổ trong tình yêu thì dù có khác nhau đến đâu cũng sẽ luôn tồn tại những ý niệm, những cảm xúc giống nhau đến kỳ lạ, trong cả hạnh phúc và nỗi đau:
Tìm đâu thấy, tìm đâu thấy nữa
Khi mùa đông về theo cánh chim bay
Là chia cách đôi nơi, là hạnh phúc rã rời, người ơi
     Ngô Thụy Miên đã sống, đã yêu và đã viết tình khúc như thế, chân thành như kể những câu chuyện tình mình với một kẻ tri âm. Kẻ tri âm ấy là âm nhạc, nhưng thật may, âm nhạc là kẻ rộng lòng, nên chúng ta biết có một Ngô Thụy Miên và có hơn 70 tình khúc Ngô Thụy Miên vẫn đang thổn thức cùng năm tháng. 
Riêng một góc trời - Anh Thơ
ST sưu tầm ( http://www.bmmua.com)
blog: Phố núi và bạn bè... 

1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...