Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Nguyên Sa và tình ca Ngô Thụy Miên

Nguyên Sa và tình ca Ngô Thụy Miên
Trong âm nhạc Việt Nam, có rất nhiều sự kết hợp giữa thi ca và âm nhạc, những sự kết hợp đó để lại cho đời sau những ca khúc bất hủ, Trong sự kết hợp đó có những sư kết hợp rất đặc biệt, gắn kết chặt chẽ, đủ để khi nhắc đến một người ta thường nghĩ ngay đến người còn lại, sự kết hợp đó được ví như sự se duyên giữa thi ca và âm nhạc. Nguyên Sa và Ngô Thụy Miên là một ví dụ điển hình của sự se duyên đó. Nhắc đến Thơ Nguyên Sa, ta thường nghĩ ngay đến những bản phổ nhạc của Ngô Thụy Miên, và ngược lại, người ta như thấy bóng dáng của Nguyên Sa trong những ca khúc của Ngô Thụy Miên.
NGUYÊN SA VÀ TÌNH CA NGÔ THỤY MIÊN
Nhà thơ Nguyên Sa, tên thật Trần Bích Lan, sinh ngày 1-3-1932 tại Hà Nội, mất ngày 18-4-1998 tại California (Hoa Kỳ), là môt tác giả quan trọng của nền văn học miền Nam trước 1975. Đặc biệt, nhiều thi phẩm trong sáng của Nguyên Sa đã lan rộng và trở thành những vần thơ “cửa miệng” của nhiều thế hệ thanh niên, qua sự phổ nhạc xuất sắc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, người nổi tiếng với những bản tình ca đọng lại với thời gian. (Mới đây, Nguyên Sa cũng là một trong vài tác giả rất hiếm hoi của thi ca miền Nam trước 1975 “được” lọt vào tuyển tập 100 bài thơ hay nhất của Việt Nam thế kỷ XX, với bài thơ “Áo lụa Hà Đông”.)
Có những nhận xét từ mọi người khi nói rằng nhạc Ngô Thụy Miên chứa đựng đầy chất lãng mạn, chịu ảnh hưởng từ thơ Nguyên Sa. Có người biện giải, những suy nghĩ đó chỉ đúng phần nào khi ông phổ thơ Nguyên Sa. Còn những nhạc phẩm khác, nhạc Ngô Thụy Miên vẫn mang đậm chất tình ca riêng biệt như những nhạc phẩm đầu tay trong tập nhạc “Tình Khúc Đông Quân”. Vì nhạc của Ngô Thụy Miên nếu đứng riêng biệt cũng không kém chất lãng mạn, trữ tình, vẫn có sắc thái độc đáo, như nhạc phẩm “Mùa thu cho em” sau này lên hàng top hit.
Tuy nhiên không ai có thể phủ nhận, khi Ngô Thụy Miên phổ thơ Nguyên Sa thì sựgiao duyên này là một cuộc giao hưởng trường cửu, như các ca khúc “Paris có gì lạ không em”, “Tuổi 13”, “Áo lụa Hà Đông”, “Nắng Paris nắng Sài Gòn”, “Tình khúc tháng 6”, “Tháng 6 trời mưa”… Sự giao hưởng này làm thăng hoa sự tuyệt tác từ thơ qua nhạc và ngược lại. Để mọi người lúc đó mới chợt nhận ra, hiện hữu có một nhà thơ tên Nguyên Sa hay một nhạc sĩ tên Ngô Thụy Miên đang thăng hoa trong đời sống văn hóa nghệ thuật.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thường tâm sự : “Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc”, cho thấy ông là người sống vì nghệ thuật hơn là nô lệ cho đồng tiền bằng những sáng tác tác phẩm của mình, vì ông còn có một nghề khác là chuyên viên của ngành điện toán. Cho đến nay Ngô Thụy Miên chỉ đến với âm nhạc bằng những cảm xúc riêng tư, không hề có mục đích thương mại, do đó những tình khúc của ông đã thoát ra sự gò bó khi dùng âm nhạc và lời ca làm sinh kế như nhiều nhạc sĩ cùng thời.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên muốn viết cho chính ông, bằng những cảm xúc thật của mình, “tôi không viết cho mọi người”. Tuy chủ trương không viết cho mọi người, nhưng dòng nhạc của ông đã nói lên được tâm sự của những ai từng có những rung động trong tình yêu….
Theo lời của nhạc sỹ Ngô Thụy Miên:
Tôi không rõ nhà thơ Nguyên Sa từ Pháp trở về Việt Nam từ năm nào, chỉ biết cùng với nhà thơ Cung Trầm Tưởng, ông đã đem Paris về cho bọn trẻ chúng tôi. Một Paris với hè phố Saint Michel, với sông Seine, tháp Eiffel, những cặp tình nhân, giáo đường sương mù… Cùng một lúc ông đã mang nắng Sài Gòn, lụa Hà Đông và đâu đó bóng dáng Hà Nội vào thi ca Việt Nam của chúng ta một cách thân thiết nhẹ nhàng.
Nhiều người hỏi tôi có quen biết hay có họ hàng với nhà thơ? Như tôi đã nói, chúng tôi không có liên hệ gì ngoài sự cảm thông của hai con người cùng yêu nghệ thuật. Nói rõ hơn, tôi chỉ là một trong hàng triệu người yêu quí thơ ông, một người may mắn có thể gửi lời biết ơn dòng thơ tuyệt vời của ông qua những nốt nhạc giản dị, chân tình.
Cuối năm 1969, khi một số tình khúc của tôi đã được phổ biến rộng rãi trên các đài phát thanh, cũng như trong những đêm sinh hoạt văn nghệ được tổ chức tại nhiều trung tâm văn hoá, hay các giảng đường đại học. Tôi đến với thơ Nguyên Sa, không từ một chọn lựa, mà vì tôi đã nhìn thấy mình trong thơ của ông, đã nghe những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ mình được ông tạo lên bằng những lời thơ ngọt ngào tình tứ, tươi mát. Cũng như bao nhiêu anh em thanh niên sinh viên học sinh của thập niên 60, tôi yêu và thuộc không ít thơ của ông. Nói đến “Áo Lụa Hà Đông”, có lẽ chúng ta mấy ai không biết:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.
Cá nhân tôi khi đọc bài thơ đã chú ý ngay 4 câu:
Em chợt đến, chợt đi anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại.
Lời thơ man mác buồn, đã vỗ về, chia xẻ tâm tư tôi ngày tháng đó. Lang thang Sài Gòn một ngày nắng nhẹ, giòng nhạc lan man trong đầu óc: “Rê Đô Rê, Sol Sib Sib Rê Rê, Sol Sol La, Sol Sib Rê Rê La…“, tôi đã hoàn tất phần điệp khúc được viết theo cung Rê thứ để thích hợp với hồn thơ. Khi phổ hai phần đầu, và cuối, tôi đã gặp khó khăn với hai câu:
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng
vì vần trắc của chữ “trắng” đã không thích hợp với giòng nhạc chuyển tiếp cần âm bảng. Sau hơn một tuần loay hoay tìm kiếm, cuối cùng tôi đã phải dùng một phương pháp phổ thơ cũ: nhạc lại lời thơ ở câu trên để chuyển ý nhạc trở về phần hai, cũng như đoạn cuối của bản nhạc:
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng.
Anh vẫn nhớ em ngồi đây, tóc ngắn
Để tạo ấn tượng nuối tiếc cho người nghe, khi kết thúc bản nhạc, tôi đã thêm câu:
Anh vẫn yêu màu áo ấy, em ơi
với giòng nhạc đi lên, chuyển từ Sol thứ qua Sib, La, và chấm dứt bằng Rê trưởng.
Cuối năm 1970, trong một đêm nhạc tình ca tại trường Đại học Khoa học, tôi đã giới thiệu bài hát tới các bạn trẻ của tôi. Sau đó bản nhạc đã được phổ biến thường xuyên qua các chương trình nhạc do tôi và nhạc sĩ Trường Sa thực hiện trên Đài phát thanh Quân Đội, cũng như trong các đêm nhạc do bạn bè chúng tôi tổ chức tại Sàigòn. Ngoài ra trong năm 1970, tôi cũng đã viết “Tình Khúc Tháng Sáu” phổ theo ý thơ bài “Tháng Sáu Trời Mưa” của Nguyên Sa. Mãi đến năm 1984 tôi mới phổ bài “Tháng Sáu Trời Mưa” của ông.
Những năm 60, 70, bọn trẻ chúng tôi dù trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, có ai không mơ một ngày được đặt chân đến Paris, được cùng người yêu dạo chơi phố phường Paris, hay lang thang bên bờ sông Seine nhớ đến một cuộc tình… Paris như một lời kêu gọi, một nơi chốn tìm về cõi tình yêu. Từ những mộng ước đó, bản nhạc thứ hai tôi phổ từ thơ Nguyên Sa đã thành hình. Có những bài thơ khi muốn phổ nhạc, người nhạc sĩ phải tìm điệu nhạc để chuyên chở ý thơ, hoặc phải thay đổi lời thơ để nhập vào ý nhạc… Riêng “Paris Có Gì Lạ Không Em” khi đọc lên tôi đã nghe phảng phất tiếng phong cầm rộn rã của nhịp 3 luân vũ. Trên phím dương cầm, giòng nhạc dồn dập, chạy dài trên 10 đầu ngón tay, tôi đã hoàn tất phổ bài thơ trong một ngày đầu xuân năm 1971. Cung Đô trưởng mở đầu nhịp nhàng:
Paris có gì lạ không em
Mai anh về, em có còn ngoan…
tôi thích nhất câu:
Là áo sương mù hay áo em
từ cung Đô trưởng đổi chuyển qua La thứ để vào phần điệp khúc:
Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là mây…

Khi Hoàng Phúc bạn tôi hát bài này lần đầu tiên, đã nói “bài này phải để chị Thái Thanh hát mới được“. Đúng như lời Phúc nói, sau này chị Thái Thanh đã thử bài này. Để thêm một chút Paris, chị đã hát:
La la la la la la
La la la la la la
khi kết thúc bản nhạc.
Sau “Áo Lụa Hà Đông” và “Paris Có Gì Lạ Không Em”, tôi đã phổ tiếp “Tuổi 13″. Cũng như “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát – Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông“, “Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc – Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường” là 2 câu thơ được bọn trẻ chúng tôi thuộc nằm lòng ngày đó. Tôi yêu cái ý thơ hồn nhiên, lời thơ trong sáng. Đọc bài thơ thấy hồn lâng lâng, như đang nhớ nhung, hẹn hò, đang đợi chờ, mơ ước. Ý nhạc đến thật nhanh:
Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng
Mưa tôi trả về bong bóng vỡ đầy tay…
Tôi đã vào đề với những nốt nhạc cao của cung Đô trưởng để diễn tả cái thắc mắc ngày mưa ngày nắng của mình. Khi chuyển qua điệp khúc tôi nhạc lại câu “Tôi phải van lơn ngoan nhé đừng ngờ…” 2 lần như một lời trấn an người tình nhỏ và kết thúc tôi nhạc lại câu “Nên đến trăm lần, nhất định mình chưa yêu” như một câu hỏi cho chính lòng mình. Tôi vẫn nghĩ bản nhạc với những niêm luật gò bó đã không thể nói lên hết được ý thơ của tác giả. Chỉ hy vọng bản nhạc đã không làm giảm giá trị của bài thơ.
Đầu năm 1974, khi quyết định cùng một nhóm bạn thực hiện cuốn băng “Tình ca Ngô Thụy Miên”, tôi đã đến gặp nhà thơ để xin phép thử 3 bản nhạc. Lần đầu tiên nói chuyện để lại ít nhiều kỷ niệm. Nhà thơ rất giản dị, dáng dấp xuề xoà. Ông rất vui khi biết tôi phổ thơ ông, và hỏi tôi sẽ nhờ ai hát? Tôi nói nhạc sĩ Văn Phụng viết hòa âm, ca sĩ Duy Trác hát “Áo Lụa Hà Đông”, Thái Thanh hát 2 bài “Paris Có Gì Lạ Không Em”, “Tuổi 13″. Và từ đó, “Áo Lụa Hà Đông”, “Paris Có Gì Lạ Không Em”, “Tuổi 13″, đã trở thành một phần đời nhạc Ngô Thụy Miên.
Năm 1980 khi tôi đặt chân đến Cali, người đầu tiên tôi liên lạc để hỏi thăm tin tức sinh hoạt văn nghệ của cộng đồng chúng ta ở hải ngoại là nhà thơ Nguyên Sa. Ông có cho tôi biết về sự ưu ái của thính giả dành cho bài “Áo Lụa Hà Đông”, cũng như cuốn băng “Tình ca Ngô Thụy Miên”. Năm sau đó tôi đã rời Cali để lên miền Tây Bắc. Ông vẫn thỉnh thoảng liên lạc bằng điện thoại với tôi, và gửi lên tôi những bài thơ mới viết về sau.
Trong những tháng ngày đầu ở Cali, mặc dù bận rộn với đời sống mới, tôi vẫn tiếp tục sáng tác. Cùng với “Em Còn Nhớ Mùa Xuân”, “Bản Tình Ca Cho Em”, “Dốc Mơ”… Tôi đã phổ bài thơ “Paris” của Nguyên Sa:
Mai tôi đi chắc Paris sẽ buồn, Paris sẽ nhìn theo…
với tôi Paris lúc đó chính là Sài Gòn, Sài Gòn của những nỗi nhớ muộn màng, Sài Gòn của những mất mát không nguôi. Ý nhạc không tuổi trẻ như “Tuổi 13″, hồn nhạc không dịu dàng như “Áo Lụa Hà Đông”. Tôi đã mượn thơ ông để gửi gắm tâm sự mình. Tôi biết khi tôi đi Sài Gòn đã buồn, và Sài Gòn đã nhìn theo.
Năm 1981, sau khi về cư ngụ tại thành phố Seattle, trong nỗi nhớ nhung con đường, những hàng quán thân quen của Sài Gòn ngày nào, cùng với ám ảnh thương yêu về Áo Lụa Hà Đông, về Paris của một thời, tôi đã viết bài “Nắng Paris Nắng Sài Gòn”:
Tôi đi giữa trời Paris mà nhớ thương Sài Gòn
Nắng Sài Gòn hôm nao dìu bước chân em
Qua phố phường vào quán chợ thân quen…
Tôi nghĩ đây là một kết hợp đẹp của một phần đời nhạc Ngô Thụy Miên và thơ Nguyên Sa.
Năm 1986, nhà thơ gọi lên tôi và nói sẽ thực hiện một cuốn cassette gồm một số bản nhạc phổ thơ mới của ông. Tôi gửi xuống ông “Tháng Giêng Và Anh”, đã được Hải Ly hát, và sau đó là Vũ Khanh, Ý Lan, Khánh Hà… Ông rất thích bài hát này. Tiếc là bản nhạc đã không được phổ biến rộng rãi như ý ông muốn.
Đầu năm 1997, tôi về Cali ra mắt cuốn CD “Riêng Một Góc Trời”, trong đó có bài “Cần Thiết” phổ từ thơ ông do Thanh Hà hát. Gần đến phút cuối chương trình, tôi được biết có ông đến tham dự. Rất tiếc tôi đã không thể đến gặp ông để chào hỏi, cũng như ngỏ một lời cảm ơn.
Năm ngoái khi anh chị Duy Trác qua Seattle thăm bạn bè, chúng tôi đã có dịp gặp lại nhau. Anh em hàn huyên tâm sự, và anh tặng tôi một cuốn cassette có chương trình phát thanh giới thiệu chủ đề “Thơ Nhạc Nguyên Sa/ Ngô Thụy Miên” do anh thực hiện tại Houston Texas. Trong chương trình này anh Duy Trác có nhắc lại:
Thi sĩ Nguyên Sa đã có lần nói rằng bài thơ “Áo Lụa Hà Đông” của ông có một số mệnh rất đặc biệt. Khi bài thơ được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ thành ca khúc, và ca sĩ Duy Trác trình bày, thì từ đó cái tên “Áo Lụa Hà Đông” đã gắn chặt tên tuổi của 3 người, thi sĩ, nhạc sĩ và ca sĩ. Nó đã trở thành một định mệnh. Mặc dù đây không phải là bài thơ hay nhất của Nguyên Sa, cũng như không phải là ca khúc tuyệt tác nhất của Ngô Thụy Miên, cũng như không phải là bài hát mà ca sĩ Duy Trác trình bày thành công nhất.
Một lần nào đó tôi đã nói “trong nhạc Ngô Thụy Miên, thơ Nguyên Sa có một chỗ đứng rất đặc biệt…” Vâng, trong nhạc tôi ý thơ ông bàng bạc khắp nơi, đâu đó thấp thoáng một chút nắng Sài Gòn, một chút lụa Hà Đông, đâu đó bâng khuâng mật chút trời Paris và người yêu rất nhỏ… Định mệnh đã cho tôi được đọc thơ Nguyên Sa, được nghe tiếng hát Duy Trác, được thưởng thức hoà âm của Văn Phụng, để ngày hôm nay, và mãi mãi sau này, dù các anh còn ở đây, hay đã đi rồi, tôi vẫn xin được gửi lời cám ơn chân thành nhất của một người viết nhạc tình ca đến các anh. Xin lần cuối gửi lời cầu chúc nhà thơ một chuyến đi xa về nơi an lành, vĩnh cữu.
Theo http://quannhac.net/

1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...