Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Vài lời cùng tập thơ “Rơi ngược” của Ngô Thị Hạnh

Vài lời cùng tập thơ “Rơi ngược” của Ngô Thị Hạnh
Khi sóng qua rồi anh lại như xưa…!
Với anh, em như chuồn chuồn xanh
mỏng manh tựa sóng
khi sóng qua rồi anh lại như xưa!
Ba câu này được trích trong bài “Vu vơ”, chắc chắn không phải là những câu thơ hay nhất tập; chưa phải là những câu thơ mà tác giả tâm đắc; và thậm chí, theo chủ quan của tôi, chưa phải là những câu thơ hay của Ngô Thị Hạnh.
Những câu thơ được tôi trích ngẫu nhiên, với một ý định khá đơn giản rằng: dù lật bất cứ trang nào, đọc vào bất kì bài nào… Ngô Thị Hạnh vẫn là tác giả của những “Bài Tình”. Vẫn là tiếng thì thầm của người con gái, của phận nữ với tất cả những bị động mà chính bản thân đang chủ động nhận về. Vẫn là những hình ảnh có mẫu số chung trong các bài thơ tình ngày trước, của các tác giả trước; vẫn là những mơ ước, mong chờ; vẫn là khát khao mãnh liệt, nhiều khi đến rạo rực… về một tình yêu sẽ được dựng xây ngay bây giờ, hoặc là, ngay ở tương lai gần.
Với một cảm quan như thế, hiển nhiên rồi, trong tập này chúng ta không thể yêu cầu tác giả cất lên giọng kêu đòi Nữ quyền (Feminism), một kiểu tác phẩm đang có tính thời thượng trong các tác giả nữ hiện nay. Chúng ta cũng không thể yêu cầu tác giả phô trương, đúng hơn là trình diễn các kĩ thuật, các thủ pháp mới trong trào lưu Hậu hiện đại (Postmodernism), cũng đang là mốt nổi trội hiện nay…Xét trong bình diện này, có thể nói Ngô Thị Hạnh là một tác giả lạc điệu; một tác giả còn đứng bên ngoài thời cuộc; bị thời cuộc đẩy ra ngoài. Hoặc chính như phát biểu:  “Tôi chọn vị thế đứng bên ngoài các trào lưu” (Ngô Thị Hạnh).
Tôi cũng thấy một thủ pháp cũ, đúng hơn một thao tác quen thuộc trong tập thơ này, đó là tác giả vẫn cố gắng dùng những từ “đắt đỏ”, vẫn cố tạo ra những câu thơ hay. Và nếu được, là một bài thơ hay. Mà không có nỗ lực cấu trúc một tập thơ hoàn chỉnh. Mà theo quan niệm hiện nay, một tập thơ hoàn chỉnh, không cứ là một tập hợp những bài thơ hay; không muốn nói là, không nhất thiết phải bao gồm tất cả những bài thơ hay. Đó là còn chưa nói, để có được những bài thơ hay, không phải là công việc dễ dàng, muốn là được. Và điều này, cũng là một đặc điểm làm Ngô Thị Hạnh khác với phần nhiều các tác giả cùng lứa hiện nay; buộc chị đứng bên ngoài các dòng chảy chung của các cây viết cùng thời. 
Tuy nhiên, Ngô Thị Hạnh không làm thơ vì tất cả những điều đó. Với niềm tin gần như tuyệt đối vào công việc sáng tác của mình, chị vẫn viết, và viết. Cái niềm tin đến hồn nhiên này đem lại cho người đọc một niềm vui, và cả sự thán phục. Làm thơ, nhiều người thường khó đứng bên ngoài các danh lợi; thường không trốn khỏi các thị phi; nhưng cũng có nhiều người không vướng bận. Và đây, có một người làm thơ nhưng đứng bên lề các bon chen về địa vị trên văn đàn. Một người làm thơ chỉ viết về người tình; chỉ nghĩ về các mối tình đi qua trong tâm tưởng… Ngô Thị Hạnh, như đã nói, là một người viết những “Bài tình”; quan sát mọi sự trong tâm thế của cái nhìn nữ lưu, một thứ thơ hoàn toàn của tính nữ.
Nếu nhìn tập thơ [gồm những bài riêng lẻ] bằng quan niệm về một cấu trúc kiểu truyền thống thì tập này của Ngô Thị Hạnh cho người đọc một cảm giác khá thú vị. Sự thú vị này chỉ sinh ra khi ta đã đọc cả tập thơ trước - tập “Vang vọng” của tác giả này. Khoảng cách giữa hai tập là cả một quá trình tự  thay đổi chính mình, từ nhận thức đến cách thể hiện cảm xúc trong mỗi bài. Và dường như chính tác giả cũng nhận biết được điều ấy, cho nên quyết định xuất bản để còn đi tiếp. Từ góc độ của một người đọc, không cố ý khu biệt mình vào một định chế nghệ thuật nào, tôi viết những ý tản mác này để chúc mừng tác giả “Rơi ngược” luôn tiếp tục suôn sẻ với chọn lựa của chính mình.
Lý Đợi


1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...