|
||
Có những người chưa bao giờ đặt chân đến Huế nhưng qua các
bài hát lại thuộc lòng tên những danh lam thắng cảnh của đất cố đô như sông
Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, đài Nam Giao, thôn Vĩ Dạ,
v.v… Huế là cái nôi văn hóa của miền Trung, là nguồn cảm hứng của các văn
nhân, nghệ sĩ, là nơi dừng chân của các tao nhân mặc khách . Người ta biết đến
Huế nhiều nhưng ít ai biết đất cố đô đã sản sinh ra bao nhiêu nhạc sĩ sáng
tác tài hoa. Khi người Pháp đặt chân lên đất nước VN họ mang theo vào cả nền
âm nhạc Tây phương và đem truyền bá trong dân chúng . Những nhạc sĩ của
đất Thần Kinh cũng dần dần làm quen với ký âm pháp phương Tây và từ đó các nhạc
sĩ sang tác tân nhạc đầu tiên ra đời.
Người nhạc sĩ tiền phong của nền tân nhạc VN ở cố đô Huế là
nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Ông sinh ngày 22 - 05 – 1919 và
mất ngày 06 – 12 – 2002 tại Saigon, hưởng thọ 84 tuổi. Ông
sinh ra trong một gia đình yêu thích âm nhạc. Năm lên 9 tuổi, ông bắt đầu
học đàn nguyệt sau đó qua sách vở của người Pháp ông tự học ký âm pháp. Năm
1936, ông tốt nghiệp bậc trung, học tại trường Khải Định Huế và cũng năm này,
ông sáng tác bản nhạc đầu tay “Tiếng sông Hương” là bài tân nhạc đầu tiên của
xứ Huế. Lúc ấy ông mới 17 tuổi nhưng tên của ông đã bắt đầu đi vào làng âm nhạc
VN. Năm 1939 ông lại cho ra đời bản “Đêm đông” là một kiệt tác của tân
nhạc VN thời bấy giờ. Bài hát với nét nhạc trữ tình êm ái tiềm ẩn một nỗi buồn
man mác, lời ca trau chuốt, mượt mà, đã đi vào lòng người VN qua bao thế hệ.
Nữ ca sĩ Bạch Yến là người hát bài “Đêm đông” hay nhất. Bài ca này, lúc đầu
được viết theo thể điệu Tango, nhưng khi Bạch Yến trình diễn thì chuyển qua
Slow Rock nghe hay hơn. Trong thập niên 60, cô cũng đã trình bày
nhạc phẩm này trong sô Ed Sullivan của Mỹ. Năm 1942 nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương
sang tác thêm ca khúc “Bướm hoa” cũng được nhiều người ưa thích nhưng không bằng
“Đêm đông”.
Sau đó, ông theo kháng chiến tập kết ra Bắc. Ở ngoài Bắc
trong thời gian chống Pháp, ông viết bản “Bình Trị Thiên khói lửa”, soạn nhạc
cho các điệu múa của các vở kịch “Chim gâu”, “Tấm Cám”, “Múa ô”, “Chàm rông”.
Nhạc phẩm “Bài ca trên núi” ông viết cho phim “Vợ chồng A Phủ”.
Sau một thời gian tu nghiệp tại CHDC, Đức, ông trở về nước
làm giám đốc Nhạc viện Hà Nội và tiếp tục sáng tác. Ông có những tác phẩm về
khí nhạc như “Lý hoài nam”, “Buôn làng vào hội”, “Quê hương”. Trong thời
gian ở Đức ông có sáng tác khí nhạc như “Ngày hội non sông”, “Rhapsodie 2”,
“Trở về đất mẹ”. Bản giao hưởng “Đồng khởi” của ông được trình diễn ở Leipzig
(CHDC Đức) năm 1971.
Cho dù các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương có uyên
bác đến đâu đi nữa rất ít người biết đến. Đa số người VN chỉ biết đến ông
qua nhạc phẩm “Đêm đông” mà thôi .
Đêm đông xa trông cố hương buồn lòng chinh phu
Đêm đông bên sông ngẩn ngơ kìa ai mong chồng
Đêm đông thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư
Đêm đông ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng
Đêm đông ta lê bước chân phong trần tha hương
Có ai thấu tình cô lữ đem đông không nhà .
Đêm đông - Elvis Phương
Hoàn cảnh đưa đẩy nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sáng tác
bài ca bất hủ này đã được chính tác giã kể lại cho nhạc sĩ Trương Quang Lục
như sau:
“Sau khi đỗ Thành Chung ở Huế tôi ra Hà Nội học để thi Tú
Tài. Dịp Tết Nguyên đán năm 1939, không có đủ tiền để về quê ăn Tết, đêm giao
thừa tôi đi lang thang khắp phố phường Hà Nội dưới trời mưa phùn lạnh buốt,
không một bóng người qua lại trên đường. Qua ga Hàng Cỏ nghe tiếng còi vang
lên trong đêm khuya càng thêm nhớ nhà da diết. Dọc phố Khâm Thiên một vài căn
nhà vẫn còn sáng đèn. Nghe tiếng chân qua đường, một cô gái bước ra nhìn, thất
vọng quay vàoh soi gương treo cạnh cửa, đưa tay vuốt mái tóc. Trời đã khuya,
tôi trở về phòng trọ, gió lùa qua khe cửa rít lên từng hồi suốt đêm. Tôi trăn
trở không ngủ được, nghĩ đến cuộc đời bất hạnh của những người nghèo khổ, tha
hương trong đêm đông lạnh lẽo. Và bài hát “Đêm đông” ra đời trong đêm ấy.
Ông sinh năm 1914 tại làng Đạo Đầu, huyện Triệu
Phong, tỉnh Quảng Trị và mất năm 1997 tại Saigon, hưởng thọ 83 tuổi. Tuy sinh
ra tại Quảng Trị nhưng suốt cuộc đời và sự nghiệp của ông đã gắn liền với cố
đô Huế.
Với bút hiệu Đạo Tâm, ngoài tân nhạc ra ông là một nhà
nghiên cứu, một nhạc sư cổ nhạc VN. Ông biết sử dụng nhiều loại nhạc khí cổ
truyền khác nhau, là người có công phát triển và bảo tồn nền cổ nhạc miền
Trung. Năm lên 8 tuổi ông bắt đầu học đàn. Năm 16 tuổi ông đã hòa
nhạc cổ thu vào dĩa Beka của Đức.
Năm 1932 ông áp dụng ký âm pháp Tây phương vào cổ nhạc VN ở
Huế. Công trình của ông rất được nhiều người tán thưởng. Năm 1938 ông đậu thủ
khoa đàn nhị. Tháng 8 năm 1945, sau khi Việt Minh lên nắm chính quyền,
ông về quê Quảng Trị. Nhưng cuộc đời của ông chỉ có duyên nợ với đất Thần
Kinh, nên năm 1950, ông trở lại Huế. Cũng năm này ông thành lập Viện Tỳ Bà nhằm
phục hưng quốc nhạc VN, bảo tồn nhiều loại nhạc khí cổ truyền, tàng trữ sách
vở về âm nhạc cũng như những tài liệu thu thanh quí giá. Chỉ cần vào cửa Thượng
Tứ, rẽ trái khoảng một trăm thước ta sẽ thấy Viện Tỳ Bà của nhạc sĩ Nguyễn Hữu
Ba. Ông được triều đình Huế tặng thưởng huy chương Long Bội Tinh và vinh tặng
chức Hàn lâm viện Đãi chiếu. Sau 1954, ông vào Nam, dạy tại trường Quốc
Gia Âm Nhạc Saigon, làm khoa trưởng lý thuyết các trường đại học Vạn Hạnh,
Saigon, Huế. Sau đó, ông trở về làm giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế. Sau
biến cố Tết Mậu Thân (1968) Viện Tỳ Bà bị tàn phá, gia đình ông dời vào
Saigon. Sau năm 1975, gia đình ông thành lập một cơ sở nhỏ chuyên sản xuất
các loại đàn cổ rất tinh vi ở quận Phú Nhuận, đồng thời ông cùng người con
gái lớn là nhạc sĩ Tuệ Quang mở lớp dạy đàn tranh, học sinh theo học rất
đông. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba là người có công truyền bá cái tinh hoa của nền
quốc nhạc về nhiều phương diện như trình diễn, khảo cứu, cổ động và
giáo dục. Ông đã đào tạo được nhiều học trò nổi tiếng trong ngành cổ nhạc như
Phạm Thúy Hoan (Saigon), Phương Oanh (Paris), Quỳnh Hạnh (Paris).
Tác phẩm ông để lại cho hậu thế cũng khá nhiều . Về tân nhạc
gồm có các nhạc phẩm như : “Quảng đường mai (1940)”, “ Xuân
xuân (1947)”, “Lửa rừng đêm (1947)” , “Thu khói lửa (1950)”, “Tiếng hát
quân Nam (1950)”, “Ánh dương trời Nam (1951)”. Về các tác phẩm nghiên cứu và
giáo dục gồm có : “Tự học đàn nguyệt (1940)”, “Vài thiên kiến về âm nhạc
(1950)”, “Bản đàn tranh (1951)”, Nhạc pháp quốc học (1960)”, “Đàn tỳ bà
(1962)”, “Đàn độc huyền (1962)” “Đàn nhị huyền (1962)”,
“Bài ca Huế (1962)”, “Phương pháp học đàn tranh (1962)”, “Dân ca VN (1961)”.
Năm 1966, thu thanh tài liệu nhạc Huế (nhạc Cung đình và nhạc Phật giáo) cùng
với Ca Huế cho cơ quan UNESCO vào dĩa 33 vòng đặt tên là VIETNAM
1. Năm 1971, thu thanh VIETNAM 2 do ông cung cấp tài liệu, với sự
trợ giúp của nhạc sĩ Trần Văn Khê. Năm 1998, cả hai dĩa VN1 và
VN2 được hãng đĩa Rounder Records ở Mỹ tái bản dưới hình thức CD.
Nhạc sĩ Văn Giảng sinh ngày 12 tháng 05 năm 1924 tại Huế,
trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Ông nội của ông là một nhạc sĩ cổ
nhạc. Lúc còn nhỏ ông học đàn mandoline. Khi lên trung học thấy người ta đàn
guitare ông rất thích. Có giai thoại kể rằng, thuở đó, trong khu phố của ông
có một người biết đàn guitare, ông đến xin học; nhưng ông thầy này ra
điều kiện là phải mua tặng cho ông ta một cây đàn guitare mới. Nhà nghèo làm
sao có tiền mua đàn để tặng, ông phải đành ở nhà tự học. Nhưng sau môt thời
gian, tài nghệ sử dụng đàn guitare cùng kiến thức về âm của ông đã vượt qua
ông thầy, và chính ông này lại đến nhờ ông chỉ bảo thêm. Năm 1949, ông sáng
tác bài “Thúc quân”, một bản nhạc hùng rất được nhiều người ưa thích. Cùng
năm này, ông cho ra đời bài “Ai về sông Tương” với bút hiệu Thông Đạt.
Nhạc phẩm này được thính gìả cả nước tiếp đón một cách nồng nhiệt qua các đài
phát thanh, riêng đài Pháp Á chọn làm bài hát hay nhất trong năm 1949, và được
tái bản 6 lần không kể những lần in tại hải ngoại sau 1975. Hiện nay, nhạc phẩm
này được đánh giá là một trong 10 bài hát hay nhất trong âm nhạc VN. Có một
giai thoại khác về nhạc sĩ Văn Giảng với bài “Ai về sông Tương” như sau:
“Trong các thập niên 40, 50 ở Huế có nhà xuất bản Tinh Hoa nổi tiếng, chuyên
xuất bản các nhạc phẩm của các nhạc sĩ trong nước. Một hôm, ông Tăng Duyệt,
giám đốc nhà xuất bản, nói với nhạc sĩ Văn Giảng đại khái rằng, ông chỉ biết
làm nhạc hùng chứ không biết làm nhạc trữ tình như các nhạc sĩ khác; vì trước
đó, Văn Giảng chỉ sáng tác nhạc hùng mà thôi. Ông im lặng không nói gì cả. Về
nhà, ông lặng lẽ sáng tác bài “Ai về sông Tương” và gởi đến các đài phát
thanh trong nước. Ông Tăng Duyệt nghe bài hát hay quá muốn xuất bản nhưng
không biết Thông Đạt là ai. Một hôm nhạc sĩ Đỗ Kim Bãng và nhà văn Lữ Hồ
đến nhà Văn Giảng chơi , thấy bản thảo của bài hát này và
nói cho ông Tăng Duyệt biết. Ông này liền lái xe chạy đến nhà nhạc sĩ
thương lượng ký hợp đồng xuất bản. Thời đó, các thanh niên đều thuộc
bài này và thường hay hát nghêu ngao:
“ Ai có về bên bến sông Tương,
nhắn người duyên dáng tôi
thương,
sao đành nỡ dứt tơ
vương…”
Ai về sông Tương - Elvis Phương
Trong hai thập niên 50-60, ông là giáo sư âm nhạc tại các
trường trung học ở Huế như Quốc Học, Hàm Nghi, Trường đào tạo giáo viên tiểu
học và trưởng ban nhạc đài phát thanh Huế. Trong thời gian này ông cho xuất bản
tập nhạc “Hát mà học” gồm 10 bài hát dành cho thiếu nhi. Ông được học bổng
du học ngành nhạc tại Hawai và Bloomington.
Năm 1956 ông thành lập ban hoà tấu Việt Thanh gồm các nhạc
cụ cổ truyền như tỳ, nhị, độc huyền, nguyệt , sáo, vv… và ông sáng tác cho
ban này bản hòa tấu “ Ai đưa con sáo sang sông” dài 60 phút.
Ngoài ra ông còn cho xuất bản sách “Kỹ thuật hòa âm” dày 350 trang
.
Năm 1969, ông vào Nam, dạy tại trường QGAN Saigon
và soạn hòa âm cho hai hãng dĩa Asia và Sóng nhạc. Ông được Bộ Văn Hóa
cử làm Trưởng phòng học vụ Nha Mỹ thuật, đảm trách học vụ các trường âm nhạc
Saigon, Huế và các trường Cao đẳng Mỹ thuật.
Năm 1970, ông được Huy chương vàng giải Văn học Nghệ thuật
của Tổng thống VNCH với bản “Ngũ tấu khúc” (Quintet for flute and strings).
Ông còn được đề cử làm giám đốc nghệ thuật điều hành Đoàn văn nghệ VN gồm
100 nghệ sĩ tân, cổ nhạc và vũ do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ
trách, cùng ban vũ cổ truyền do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba đảm trách, tham dự Hội
Chợ Quốc Tế ở Osaka Nhật Bản.
Ngoài tên Văn Giảng với các bài ca hùng tráng như
“Thúc quân”, “Lục quân VN” ( bài hát này dược các quân trường ở miền
Nam chọn làm bài ca nhịp bước cho các tân binh mới nhập ngũ ) , “Đêm Mê Linh
” , “Quân hành ca ”, “Qua đèo ”, “ Nhảy lửa ” , ông còn có bút hiệu Thông Đạt
với các nhạc phẩm trữ tình như “Ai về sông Tương ” , “Đôi mắt
huyền ”, “Hoa cài mái tóc ”, “Thương tà áo bay ”, “Tình em biển rộng sông
dài ”, “Xin đừng bỏ nhau ” , “Xin đừng chờ em nữa ” , “Năm nay em mấy tuổi” và bút hiệu Nguyên Thông với các ca khúc Phật giáo như “Từ Đàm quê
hương tôi ” , “ Mừng Đản sanh ” , “ Ca Tỳ La Vệ ” , “ Vô thường ” , “ Hoa cài
áo lam ” , “ Bao la vô tận ” ,” Bờ mê bến giác ” , “ Buông xả ” ,” Dòng sinh
diệt ”, “Đời sống Đức Phật ” ,” Giả hợp ” , “ Hãy tự giác ” , “ Mong tỉnh ngộ
” , “ Tâm bệnh ” , “ Tìm đâu xa ” , “ Vũ khí chơn tâm ” .
Sau 1975 ông kẹt lại ở Saigon và có mở lớp dạy nhạc tại đường
Phạm Văn Hai , gần chợ Ông Tạ , quận Tân Bình . Năm 1981 ông vượt biên
đến đươc Natuna của Nam Dương và để cám ơn hòn đảo đã cho ông dừng chân trên
đường đi tìm tự do ông sáng tác bản “ Natuna người tình đầu ”. Hiện giờ
ông đang định cư tại Thành phố Foolscray , bang Victoria , nước Úc . Ông là một
nhạc sĩ có tài , nhạc phẩm của ông phong phú , đa dạng . Ông đã đóng góp nhiều
cho nền âm nhạc VN nhưng không hiểu tại sao các Trung Tâm sản xuất DVD ca nhạc
lại nỡ quên đi không làm DVD về sư nghiệp âm nhạc của ông .
Người nhạc sĩ đầu tiên của đất Thần Kinh mang dòng máu
hoàng tộc là Ưng Lang . Ông tên thật là Nguyễn Phước Ưng Lang , sinh năm 1919
tại Huế . Ông chuyên về Hạ uy cầm ( guitare hawaienne ) một loại đàn rất
thông dụng thời bấy giờ . Ông là tác giả những nhạc phẩm như “
Chiều về thôn Vỹ ” , “ Nhạc lòng ” , “ Chiều tiễn biệt ” và nhất là ca
khúc “ Mưa rơi ” viết chung với Châu Kỳ đã đưa tên tuổi ông đến với những
người yêu nhạc VN . Tác phẩm “ Mưa rơi ” là kết quả của mối tình đầu
đau thương của tác giả . Sau khi tốt nghiệp Trường Công chánh Huế
ông được bổ nhiệm về Sở Lục Lộ tỉnh Nghệ An đặt ngay tại thị xã
Vinh . Lúc ấy ông 21 tuổi . Ông được gia đình bà chị có cửa
hàng buôn bán tại Vinh cho một căn phòng để ở . Phòng ông có cửa sổ
nhìn sang dãy nhà đối diện bên kia đường . Chiều chiều sau khi đi làm về
ông thường mở cửa sổ cho mát và lấy đàn ra lả lướt vái bài cho đỡ buồn .
Không ngờ tiếng đàn Hạ Uy cầm du dương của ông lại lọt đến tai của các
nghệ sĩ của thị xã . Họ mời ông gia nhập “ Ban Nhạc Mang Hưng ” mà đa số
nhạc sĩ là người Việt gốc Hoa . Nhưng đối với ông tiếng đàn lọt vào tai các
nhạc sĩ của thị xã không quan trọng bằng lọt vào tim của một hoa khôi sống với
cha mẹ trong căn nhà đối diện với nhà chị ông . Ta hãy nghe nhạc sĩ Lê hoàng
Long nói về giai nhân , người yêu đầu tiên của nhạc sĩ Ưng Lang như sau
: “ Ưng Lang đưọc biết mỹ danh người đẹp là Ch.L. tuổi vừa đôi chín . Từ
đó , hàng ngày khi màn đêm buông xuống , Ưng Lang lại lấy đàn ra nắn phím
buông tơ. Tiếng đàn Hạ Uy cầm réo rắt , ngân nga vọng sang tận bên kia
đường rồi vang trong nhà người đẹp. Ngày nào như ngày ấy, đúng giờ là tiếng
đàn lại nỉ non, thánh thót khiến mỹ nhân nhẹ nhàng thướt tha, uyển chuyển,
lúc ẩn, lúc hiện sau tấm màn cửa đong đưa như đang uốn lượn trong vũ khúc trước
làn gió nhẹ. Tay nắn phím, tay buông tơ nhưng mắt Ưng Lang vẫn kín đáo nhìn
nên thấy cảnh đẹp như Hằng Nga trong vũ khúc Nghê Thường. Tức cảnh sinh tình, tiếng đàn Ưng Lang lại càng thêm thánh thót và nghe thấy buồn man mác hơn.
Nếu ai nhìn thấy được cảnh ấy, khách quan cũng nhận định giai nhân và nghệ
sĩ tình trong như đã, mặt ngoài còn e. Ưng Lang mừng thầm cho rằng
đây là mối lương duyên tiền định nên ngày ngày chải chuốt từ y phục đến tiếng
đàn ”. Sau đó hai người yêu nhau bằng một mối tình thật đằm thắm
và thơ mộng. Họ cùng thề non hẹn biển sống với nhau đến hết cuộc đời. Nhưng
có ai biết được chữ ngờ. Đôi tình nhân đâu biết cuộc tình nồng thắm của họ sẽ
phải tan vỡ vì chiến tranh. Tháng 3 năm 1945 Nhật đảo
chánh Pháp và ra lệnh cho tất cả các công chức phải trở về nguyên quán . Ưng
Lang cũng không thoát khỏi cái lệnh quái ác ấy nên phải khăn gói trở về làm
việc tại Sở Công Chánh Thừa Thiên. Buổi tiễn đưa đôi tình nhân bịn rịn
chia tay lòng đau như cắt . Về đến quê nhà lại gặp cảnh mưa rơi rả rich suốt
ngày, bầu trời u ám , nỗi buồn càng thêm da diết . Trong hoàn cảnh đó Ưng
Lang sang tác nhạc phẩm “Mưa rơi” và bài hát này đã trở thành ca khúc
vượt thời gian:
Mưa rơi, chiều nay vắng người
Bên thềm gió lơi, mơ bóng ngàn khơi
Mưa rơi, màn đêm xuống rồi
Mây sầu khắp nơi, thương nhớ đầy vơi
Mưa rơi, đìu hiu giữa trời
Đêm dài vắng ai, thương nhớ nào nguôi.
Mưa rơi - Khánh Ly
Sau ngày chia tay hai người thường xuyên viết thư cho
nhau và chờ ngày sum họp. Nhưng tháng 8 năm 1945 chiến tranh nổ ra,
không biết gia đình của Ch.L. trôi giạt phương trời nào và từ đó đôi tình
nhân mất hẳn liên lạc . Vài năm sau Ưng Lang lập gia đình , sống và làm việc
tại Huế . Trước 1975 ông là giáo sư trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế.
Mãi đến 20 năm sau ông mới được tin Ch.L. , người yêu cũ, đã chết
trong chiến tranh .
Nhạc sĩ Châu Kỳ sinh ngày 05/11/ 1923 tại
làng Dưởng Mong , tỉnh Thừa Thiên trong một gia đình sống bằng nghề cổ
ca nên ông rất am hiểu về cổ nhạc miền Trung. Học xong chương trình tiểu
học tại trường Tiểu học Dưởng Mong , ông lên Huế học tại trường
Pháp Việt. Ông có giọng hát rất hay nên bạn bè rất thích nghe ông hát. Thấy
ông hay hát những bài do Tino Rossi ca trong các dĩa của Pháp nên
ông đưọc sư huynh Pétrus Thiều dạy cho nhạc lý Tây phương . Khởi
đầu ông học đàn mandoline. Câu chuyện vui ông kể trên sân khấu Thúy Nga là mối
tình đầu lãng mạn của lứa tuổi dậy thì thiếu suy nghĩ khi ông muốn dùng tiếng
đàn mandoline để chinh phục trái tim người đẹp Kim Anh , con gái của vị thượng
thư , để rồi bị giai nhân từ trên lầu tạt nước xuống khiến ông phải ôm đàn chạy
trốn . Nhưng thế sự thăng trầm, cuộc đời dâu biển, mười mấy năm sau ông gặp
lại người đẹp tại Saigon trong cảnh nghèo khổ, xác xơ trong khi ông đang là
một ca,nhạc sĩ nổi tiếng. Sự gặp gỡ mang nhiều kịch tính này làm ông ngậm
ngùi nghĩ đến những đổi thay của đời người và ông viết nên nh.phẩm“Giọt lệ đài trang”.
Lúc ông còn theo học bậc trung học thì chị của ông là Châu
Thị Minh thành lập đoàn ca kịch Huế lấy tên là Hồng Thu. Đoàn rất cần
ca sĩ trẻ nên bà chị tha thiết yêu cầu ông giúp. Vì gia đình nghèo ông do dự
không biết nên tiếp tục học hay là đi giúp chị. Cuối cùng ông bỏ học đi theo
chị , trước là để giúp chị trong lúc khó khăn, sau là có tiền giúp cha mẹ.
Từ đó ông theo đoàn đi lưu diễn khắp nơi. Thoạt đầu đoàn sang Lào trình diễn
tại Savannakhet đến Thakhet rồi thủ đô Vạn Tượng. Sau khi gặt
hái đưọc kết quả tốt đẹp ở Lào, đoàn làm một vòng lưu diễn các tỉnh VN. Đoàn
ra Bắc xong trở lại Huế rồi vào Nha Trang. Tại đây, trong số khán giả thường
trực, có một nữ sinh tuyệt đẹp, con nhà tử tế được nhiều chàng trai trong tỉnh
theo đuổi, cô vẫn dửng dưng như không. Nhưng khi thấy chàng ca sĩ Châu
Kỳ đẹp trai với giọng hát trầm ấm, quyến rũ, tim cô rung động rồi si mê
chàng ca sĩ. Châu Kỳ cũng ngất ngây trước vẻ đẹp của cô nữ sinh lãng mạn và
hai người yêu nhau. Nhưng thuở ấy, cái thành kiến “xướng ca vô loại vẫn bám rễ
trong đa số gia đình VN nên cha mẹ của Đoàn Thị Sum, tên cô nữ sinh , cấm
không cho cô gặp Châu Kỳ nữa. Thất vọng vì tình, cô uống thuốc độc tự tử và
chết ngày 10-12-1942. Ông quá đau khổ muốn chết theo người yêu, nhưng các nghệ
sĩ trong đoàn ra sức an ủi, can ngăn, nhắc cho ông biết còn bổn phận đối với
cha mẹ và gia đình, nên ông mới khuây khỏa phần nào. Do đó, ta mới biết được
chút ít tại sao những bản tình ca của ông hồi đó đều là nhạc buồn như
“Khúc ly ca”, “ Xin làm người tình cô đơn”, v.v… Nghe tin Huế bị bão lụt,
ông trở về Huế thăm gia đình. Nhưng khi về đến quê mẹ Thanh Hà, ông thấy
quang cảnh xác xơ, ruộng đồng bị tàn phá, ngôi nhà cũ đã bị san bằng và mẹ
ông bị lũ lụt cuốn trôi đi mất. Hoàn cảnh khổ đau này khiến ông viết lên bài
“Trở về”, bài hát tiêu biểu cho sự nghiệp âm nhạc của Châu Kỳ :
Về đây buồn trông cánh chim bay
Về đây buồn nghe gió heo may
Về đây đâu còn phút sum vầy
Đâu còn thắm niềm say
Lạnh lung ngắm trời mây…
Trở về - Hồng Nhung
Năm 1947, ông vào Saigon hát cho đài phát thanh Pháp Á
trong ban “Thần Kinh” của nhạc sĩ Mạnh Phát với các ca sĩ thời đó như Minh Diệu,
Minh Tần, Mộc Lan, Linh Sơn, Phan Đức…và ban “Tiếng Thùy Dương” do chính ông
làm trưởng ban. Trong thời gian này ông và ca sĩ Mộc Lan yêu nhau và trở nên
vợ chồng. Cặp danh ca Mộc Lan – Châu Kỳ rất nổi tiếng thường xuất hiện trong
các chương trình đại nhạc hội và chương trình phụ diễn tân nhạc tại các rạp
chiếu bóng.
Cuối năm 1949, cặp ca sĩ Châu Kỳ - Mộc Lan được
ông Thái Văn Kiểm, lúc ấy là Giám đốc Thông tin Huế, mời về hát cho Đài phát
thanh Huế. Tình nghệ sĩ thường hay mong manh, năm 1952 cặp vợ chồng Châu Kỳ -
Mộc Lan chia tay nhau. Ông buồn bã một mình trở lại Saigon. Đây cũng là thời
gian buồn khổ khác của Châu Kỳ và ông đã viết lên những bản nhạc buồn như “Từ
giã kinh thành”, “Mưa rơi” (viết chung với Ưng Lang) và ông định cư tại
Saigon cho đến ngày nay. Ông tiếp tục hát cho các Đài phát thanhQuốc Gia,
Pháp Á và đi trình diễn trong các đại nhạc hội khắp nơi trong nuớc. Sau đó,
ông bị động viên và phục vụ trong đoàn Văn nghệ quân đội.
Năm 1955, Châu Kỳ kết hôn với Kha Thị Đàng, một cô gái miền
Nam. Hôn lễ được cử hành tại nhà hang Trương Ký ở Chợ Lớn. Trong số khách
tham dự có rất nhiều ca, nhạc sĩ như Phạm Duy, Phạm Dình Chương, Hoài
Trung, Thái Thanh, Thái Hằng, Khánh Ngọc, Dương Thiệu Tước, Trần Văn Trạch,
Thu Hồ, Văn Phụng, Châu Hà, Hoàng Trọng, Thẩm Oánh… Đôi vợ chồng sống rất hạnh
phúc và có bốn người con, ba trai, một gá . Tất cả đều lập gia đình.
Ngoài những bản nhạc nêu trên, Châu Kỳ còn có những nhạc phẩm
sau : Khi ánh trăng vàng lên khơi, Chiều trên đồi thông, Cố đô yêu dấu, Đừng
nói xa nhau, Em không buồn nữ chị ơi, Khuya nay anh đi rồi, Lá vàng khóc lá
xanh rơi, Miền Trung thương nhớ, Giữa lòng đất mẹ, Tôi chưa có mùa xuân, Đón
xuân này nhớ xuân xưa, Sao chưa thấy hồi âm, Cánh nhạn hồi âm, Con đường xưa
em đi, Cuối đường kỷ niệm, Nước mắt quê hương, Em sắp về chưa, Vào mộng cùng
em, Được tin em lấy chồng…
Sau 1975, ông bán căn nhà cũ và chiếc xe Vespa dọn qua Tân
Qui, Nhà Bè trong căn nhà ọp ẹp với chiếc xe đạp cũ. Tại đây, ông đã sáng tác
bài “Bóng mát Tân Qui” lời ca Của Kiên Giang , “Một mình với ghi-ta”, “Giọt
đàn với giọt lệ”, "Bỏ phố lên rừng” , “Đôi dép ngược”…
Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo sinh năm 1923 tại Huế, trong một
gia đình nho giáo gốc Minh Hương. Năm 1940 lúc lên 17 tuổi, ông đã bắt đầu sống
tự lập. Ông ra Bắc làm việc cho tờ báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ông
học chữ Hán với cụ Phan Bội Châu, học nhạc với nhạc sĩ Đặng Thế Phong và Nguyễn
Văn Thương.
Năm 1944, ông trở về Huế và làm việc tại Sở Bưu điện
Huế.
Năm 1945, ông thôi việc và mở một tiệm bán sách trên đường
Trần Hưng Đạo. Ông xuất bản nhạc phẩm “Quảng dường mai” của Nguyễn Hữu Ba và
từ đó, ông đi luôn vào ngành xuất bản âm nhạc. Vì công việc làm ăn nên ông
thường hay đi Hà Nội, do đó ông quen biết nhiều nhạc sĩ sống ở miền Bắc như
Văn Cao, Phạm Duy, Nguyễn Xuân Khoát, Bùi Công Kỳ, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đình
Phúc, v.v… Trong thời gian này, theo phong trào chống Pháp ông sáng tác bản
nhạc đầu tay “Không làm nô lệ”.
Name 1948 ông cộng tác với nhà xuất bản Tinh Hoa của ông
Tăng duyệt, và chính ông đã giúp ông Tăng Duyệt phát triển thành nhà xuất bản
nhạc phẩm uy tín nhất VN.
Năm 1952, ông Tăng Duyệt cử ông vào Saigon lập chi nhánh
nhà xuất bản Tinh Hoa 2 để xuất bản những nhạc phẩm của các nhạc sĩ miền
Nam.
Năm 1956, nhà xuất bản Tinh Hoa Huế ngưng hoạt động,
vì tình hình chính trị thay đổi. Tại Saigon, một mình Lê Mộng Bảo khai trương
nhà xuất bản lấy tên là Tinh Hoa Miền Nam. Ông có tài kinh doanh nên ngoài việc
xuất bản ông còn phân phối nhạc phẩm đến tận các nhà sách và các nhà dù bán
nhạc trên các lề đường Saigon. Nhà xuất bản nhạc phẩm của ông là nhà xuất bản
VN đầu tiên có tên trong danh mục các nhà xuất bản nhạc quốc tế “Worldwide
music trade directory”.
Ông có nhiều nhạc phẩm sáng tác như “Đổi thay”,
"Mùa ve sầu”, “Phận nghèo”, “Thân phận”, “Bọt bèo”, “Xa anh rồi”, “Không
hiểu tại sao”, “Sao lừa dối em”. Ông có sáng tác chung với các nhạc sĩ khác
như Văn Phụng, Mạnh Phát, Tô Kiều Ngân, Phạm Mạnh Cương… Ông cũng có bài tân
cổ giao duyên “Thân phận” soạn chung với soạn giả cải lương Quế Chi. Bản này
được thu thanh vào dĩa, qua giọng ca của Minh Vương và Thanh Kim Huệ.
Ông cùng các nhạc sĩ Lê Thương, Nguyễn Hữu Ba, Phạm Duy,
Xuân Phát… thành lập Hội nhạc sĩ VN.
Năm 1973, ông cùng với nhac sĩ Văn Giảng, các ca sĩ Mộc
Lan, Kim Tước phụ trách lớp nhạc lý tại Viện khoa học giáo dục. Ông cùng với
nhạc sĩ Song Ngọc phụ trách chương trình “Hoa tình thương” trên Đài truyền
hình VN và đi lưu diễn tại các tiền đồn xa xôi. Ông cũng là chuyên viên báo
chí, thời Hoàng Đức Nhã làm Bộ trưởng Thông tin và Dân vận. Ông phụ trách tờ
báo “Lẽ sống” ở Saigon.
Sau 1975, ông đi học tập cải tạo đến 1981. Năm 1993 ông
sang Hoa Kỳ theo diện HO và đang định cư tại Cali.
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên sinh năm 1930 tại Huế, trong một
gia đình trí thức và yêu văn học, nghệ thuật.
Ông có người anh tên Lê Mộng Hoàng, là một ca sĩ có giọng
ca Ténor nổi tiếng trong thập niên 40 của Đài phát thanh Huế. Nhưng ông anh
thích làm diễn viên điện ảnh hơn làm ca sĩ. Sau khi du học ở Pháp về ngành điện
ảnh, ông trở về VN đạo diễn phim “Bụi đời” và Lê Mộng Nguyên viết nhạc
cho phim.
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên sáng tác nhạc hồi còn rất trẻ, nhưng
mãi đến năm 1948 ông mới cho ra mắt nhạc phẩm “Mừng Khánh Đản” nhân dịp
khánh thành chùa Từ Đàm Huế, “Vó ngựa giang hồ”, “Mùa lúa mới”, “Trường ca
quân tiến”…
Khi ông 19 tuổi ông yêu tha thiết một cô gái Huế tên M. và
chính người đẹp này là nguồn cảm hứng để ông viết bài “Trăng mờ bên suối”
(1949). Sáng tác xong, ông gởi ngay cho nhạc sĩ Thu Hồ, lúc ấy đang là
một ca sĩ nổi danh của đài phát thanh Pháp Á, mặc dù trước đó hai người chưa
hề quen biết nhau. Thu Hồ đã thu thanh bản nhạc này với ban nhạc Trần Văn Lý.
Từ Huế, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên nghe giọng hát cũa Thu Hồ trình bày nhạc phẩm
của mình, với cái radio của người hàng xóm tên Lê Văn Hy, qua làn sóng điện của
đài Pháp Á.
Trăng mờ bên suối - Thanh Thúy
Từ đó ông tiếp tục gởi thêm những bài khác cho Thu Hồ, và hai người
trở nên đôi bạn thân cho đến cuối cuộc đời.
Năm 1950, ông sang Pháp du học về ngành luật. Sau khi đỗ tiến
sĩ ông dạy tại Đại học Paris về Luật hiến pháp, Khoa học Chính trị
và kinh tế.
Năm 1996, ông về hưu và được bầu vào Hàn Lâm Viện
Khoa học hải ngoại Pháp.
Những nhạc phẩm của Lê Mộng Nguyên gồm có :
1948 - Mừng Khánh Đản, Mùa lúa mới, Vó ngựa
giang hồ
1949 - Trăng mờ bên suối, Một chiều thương nhớ, Trọng
Thủy Mỵ Châu, Chiều thu Mưa Huế.
1950 - Hoàng Hoa Thôn, Nhớ Huế, Bài thơ Huế, Cô gái Huế, Về
chơi thôn Vỹ Dạ, Đôi mắt nhung, Mơ Đà Lạt, Ly hương.
1951 - Bên dòng sông Seine, Xuân tha hương , Lá thư cho mẹ,
Trời Âu.
1957 - Bụi đời Người đã trở về. 1980 – Xuân về
nhớ mãi quê hương . 1988 - Chiề vàng trên chợ Đông Ba . 1991 –
Quê tôi . 1992 - Kiếp giang hồ.
Nhạc sĩ Thu Hồ tên thật là Hồ Thu sinh ngày
14-10-1919 tại làng Tân Mỹ (gần Thuận An), tỉnh Thừa Thiên. Ông có khiếu về
âm nhạc và thơ lúc mới 12 tuổi. Ông là ca sĩ đầu tiên đưa những bài hát VN đầu
tiên đến với thính giả, là gạch nối giữa những bài hát Pháp lời Việt do cô
Kim Thoa, Thanh Tùng, Tư Chơi khởi xướng và các bài hát hoàn toàn VN.
Thời gian theo học tại trường trung học Pellerin, ông ở trọ tại nhà ông bác của
nhạc sĩ Trần Văn Lý và được nhạc sĩ truyền dạy cho nhạc lý Tây phương. Ông rất
thích hát những bài mà Tino Rossi hay hát. Ông cũng là ca sĩ đầu tiên hát trước
công chúng tại Hội Chợ Huế bài “La chanson du gondolier”.
Năm 1943 ông làm trưởng ga xe lửa Dầu Giây. Xa quê ,
xa gia đình, ông nhớ nhà, rồi nhớ đến hai câu ca dao “Chiều chiều ra đứng ngõ
sau / Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều” khiến ông nhớ đến mẹ và viết nên
bài “Quê mẹ”. Tuy là tác phẩm đầu tay, nhưng lại là bài hát tiêu biểu trong sự
nghiệp âm nhạc của ông.
Năm 1947 ông tham gia vào ban “Thần Kinh nhạc đoàn ” với
ban nhạc của nhạc sĩ Trần Văn Lý và các ca sĩ như Châu Kỳ, Mộc
Lan, Minh Diệu, Minh Tần, Kim Nguyên, Mạnh Phát, Thu Thu, Vĩnh Lợi, vv
…
Năm 1948 đài Pháp Á mở thêm chương trình tân nhạc VN và mời
ông cộng tác. Từ đó, tiếng hát cũng như tên tuổi của ông đã vang đi khắp nước.
Ngoài đài Pháp Á, sau này đổi tên thành Đài phát thanh Saigon ông còn hát cho
đài Quân Đội. Thu Hồ không chỉ là ca sĩ mà còn là nhà soạn kịch và diễn viên
sân khấu. Ông đã soạn trên một trăm vở kịch và cũng là diễn viên trong
các vở kịch như “Hai chàng một áo”, “Thầy lang bất đắc dĩ”, vv… Thẩm Thúy Hằng
đã mua những kịch bản của ông để diễn trên Đài truyền hình.
Năm 1954 ông đi quân dịch, làm Trưởng ban tuyên truyền
lưu động Đệ I Quân khu đi ủy lạo binh sĩ ở các tiền đồn biên giới. Trong dịp
này ông làm bài “Khúc ca Đồng Tháp”.
Năm 1957, mãn hạn quân dịch, ông gia nhập ban văn nghệ
“Vì dân” của Tổng nha Cảnh sát Quốc gia.
Từ 1959 đến 1970, ông là giáo sư âm nhạc các trường trung học
ở Saigon như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Bá Tòng, Thiên Phước, Thánh
Thomas… Ông là thành viên của SACEM, hội âm nhạc của Pháp, trụ sở đặt tại
Paris.
Thu Hồ còn là nhà thơ đưọc nhiều người mến mộ. Ông cho ra mắt
tập thơ mang tên “Ánh bình minh” năm 1965.
Sau năm 1975, ông kẹt lại ở Saigon. Năm 1990, Mỹ Hà con gái
lớn của ông và chồng là tài tử điện ảnh Trần Quang bảo lãnh gia đìng ông sang
Hoa Kỳ. Ông sống tại Santa Ana với người con thứ là ca sĩ Mỹ Huyền cho đến cuối
đời.
Năm 1993 ông và nhà thơ luật sư Ðỗ Đức Hậu được Hội Thi sĩ
quốc tế (International Society Of Poets) bầu là “Đại sứ thi ca hòa bình”
trong hội nghị thi ca họp tại Hoa Thịnh Đốn.
Để đánh dấu nhạc phẩm “Quê mẹ” tròn 50 tuổi, một đêm ca nhạc
mang tên “Đêm quê mẹ” được tổ chức tại vũ trường Ritz tối 14-10-1993
tại Anaheim. Trong dịp này ông cho ra mắt tuyển tập nhạc “Hoa bốn mùa”
gồm 22 bản nhạc ưng ý nhất của ông như “Quê mẹ”, “Tiếng sáo chiều quê”, “Sầu
ly biệt”, “Nhớ nhau”, “Tím cả rừng chiều”, “Cô nữ sinh Đồng Khánh”, “Tà áo
Trưng Vương”, “Mái tóc em gái Gia Long”, “Trăng huyền diệu” vv…
Một tuần trước khi ông từ giã cõi đời, các bạn bè đã tổ chức
một đêm dạ vũ tương trợ dành cho ông tại Vũ trường Ritz. Theo ý nguyện
của ông các bạn trích ra 567$ góp vào quỹ tượng đài Chiến sĩ tự do.
Ông mất ngày 19-5-2000, hưỏng thọ 81 tuổi.
9 - NHẠC SĨ NGÔ GANH
Nhạc sĩ Ngô Ganh chuyên về đàn Piano. Ông không để lại gì
nhiều về sự nghiệp âm nhạc của ông, chỉ vỏn vẹn vài ba bài nhạc như “Con chim
non”, “Chu Văn An”, “Trần Quốc Toản”, “Mưa dầm”, “Hương Bình”, “Hương Giang
dưới trăng”… Người dân xứ Huế chỉ biết ông là một nhà giáo và nhất là lối sống
bình dân,giản dị, hoạt bát, lạc quan mang tính khôi hài của ông. “Thầy Ganh
đi mô rứa hè ?” Đó là câu chào hỏi chân tình mà người dân Huế dành cho ông. Mọi
người đều gọi ông là “thầy Ganh” vì ông là giáo sư âm nhạc trường Đồng Khánh
và Khải Định, hai trường Trung học lớn tiêu biểu cho đất Thần Kinh thời bấy
giờ. Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm ông giữ chức Giám đốc Đài phát thanh
Huế. Ông là người có công thành lập một đội ngũ nhạc sĩ tân và cổ nhạc cho
đài.
Ông còn là nhà hoạt động chính trị kín đáo. Ban đầu ông gia
nhập những tổ chức theo khuynh hướng của cụ Phan Bội Châu. Một thời ông là hội
viên của nhóm Tinh Thần do Bác sĩ Nguyễn Tăng Nguyên lãnh đạo. Khi ông Trần
Văn Lý lên nắm chánh quyền thì nhạc sĩ Ngô Ganh có mặt trong danh sách đảng Cần
lao Cách mạng, ở Huế do ông Nguyễn Chí Kỉnh lãnh đạo (không phải đảng Cần lao
Nhân vị của ông Ngô Đình Nhu). Hai nhóm Nguyễn Tăng Nguyên và Nguyễn Chí Kỉnh
đã bí mật quyên góp tiền bạc giúp ông Ngô Đình Diệm trên đường bôn ba hải ngoại.
Người dân xứ Huế sống thân mật với Nhạc sĩ Ngô Ganhvì ông
không ham danh lợi và nhất là cái lối sống khác người của ông. Lối sống này
đã ảnh hưởng đến những người sống cận kề ông. Ta hãy nghe ông Tôn Thất Lan, học
trò cũ của Nhạc sĩ Ngô Ganh nói về cách sống và làm việc của ông :
“Tôi kẻ những dòng nhạc và viết lên đấy những nốt đen, trắng,
tròn… đầu tiên lên bảng đen bằng phấn trắng vào năm 1950, lúc tôi theo học lớp
Nhất (lớp 5 bây giờ) trường Thượng Tứ, Huế. Thầy dạy nhạc của chúng tôi bấy
giờ là nhạc sĩ Ngô Ganh. Đầu thầy cắt ngắn, đã len lỏi nhiều đốm trắng, bạc.
Thầy vui tươi, hoạt bát va rất hóm hỉnh. Đó là phong cách rất “lạ lùng” của
thầy cô giáo thời đó. Dạy và học là hai việc làm song song tuyệt đối nghiêm
chỉnh, không hề có chút đùa nghịch hay dí dỏm nào. Thầy, trò nhìn ngắm nhau bằng
những đôi mắt “đứng tròng” trong thế người thẳng đứng. Trong không khí khá nặng
nề u uất đó - ảnh hưởng còn vang vọng lại của một quan niệm phong kiến xa
xưa, sự xuất hiện linh hoạt, đầy ấn tượng của thầy Ganh quả là một sự kiện lạ
lung làm tất cả những cậu bé phải “làm mặt nghiêm” chúng tôi ngỡ ngàng và vô
cùng… sung sướng. Một vài chúng tôi mơ hồ cảm nhận rằng đời thật sự là hồn
nhiên, là vui tuơi mà sao chúng tôi lại bị bắt phải quên nụ cười !
…Trên bục giảng, thầy Ganh không giảng mà hát, vừa đi vừa
làm điệu bộ…. Sau thời gian “quen biết” ngắn ngủi, thầy trò xa nhau và chúng
tôi cũng quên mất thầy. Rồi sau đó nghe thầy làm Quản đốc Đài phát thanh Huế.
Ở đây, thầy lại cũng rất dí dỏm, thầy dùng chữ “deux couleurs” (hai màu) để
phê bình một giọng ca không rõ ràng tự nhiên, khi khan khan khi the thé. Đặc
biệt là thầy có minh họa rất tài tình và độc đáo “36 nụ cười”, trong đó có nụ
cười “rửa đọi”, nụ cười “mở nút chai”, nụ cười “Xé áo” thật độc đáo mà
ai nghe cũng cười.
Có nhiều giai thoại về thầy Ganh, hay đúng hơn về tính hay
diễu cợt, châm biếm mà nhiều người không quên. Lối đặt tên của thầy thật ngẳng
đời làm người nghe - những người trong cuộc - rất khó chịu, bị “chơi” mà
không nói được. Thầy nuôi hai con chó, một con mang tên “Ỷ thế” , một con “Ba
láp” (bậy bạ). Khi có những người khách là quan viên chức không được mời… ,
thầy thường kêu hai con chó ra la rầy “Đồ ỷ thế” (cậy quyền), “Đồ ba
láp”.
Nhà thầy có hai người giúp việc đều mang tên rất đẹp, rất
khuê các như Tuyết Mai, Kim Ngọc, hay đại loại như thế trong khi con gái của
thầy thì lại mang những tên rất bình dị, dân dã như Xoài, Mít, Ổi… khách rất
đỗi ngạc nhiên khi được giới thiệu con gái và người giúp việc của thầy, tình
thế thật tréo cẳng ngỗng...
Món quà thầy Ngô Ganh biếu cho các thế hệ mai sau là một lối
sống bình dị, lạc quan, một phong cách tự nhiên hài hước giúp cho mọi người
vào thập niên 40, 50 quên đi, bỏ đi một quan niệm sai lầm của xã hội phong kiến,
trong đó người nghệ sĩ - người làm đẹp cuộc đời – là “xướng ca vô loại”. Đáng
buồn và đáng giận thay!”
Ông mất năm 1980 trong cảnh nghèo khổ, trong sự quên lãng của
nhiều người.
Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng gốc Quảng Nam, sinh năm 1932 tại
Huế. Ông là bạn đồng khoá với nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương từ trường trung học Khải
Định cho đến trường Cao đẳng Sư phạm và Đại học Văn khoa Hà Nội. Ông học
đàn với nhạc sĩ Lê Quang Nhạc, học lóm nhạc lý Tây phương với nhạc sĩ
Văn Giảng và học thêm cổ nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba. Những
năm học trung học ông tham gia sinh hoạt văn nghệ trong trường và trong
Gia đình Phật tử với các bạn như Phạm Mạnh Cương, Hồ Đăng Tín,
Hoàng Nguyên, Kiêm Đạt, Diên Nghị, Tạ Ký (thơ), Minh Tuyền (nhiếp ảnh), Lữ Hồ
(văn học)…
Năm 1949, ông sáng tác ca khúc “Mục Kiền Liên” và trình bày
trong mùa Vu Lan tại Huế.
Năm 1951, ông làm bài “Mùa thi” được ban hợp ca Thăng
Long dựng thành nhạc cảnh và trình diễn nơi ở trong nước.
“Hôm nay mùa thi , bao nhiêu người đi
Xe rộn ràng, lớp ồn ào, niềm vui vấn vương.
Thi ơi là thi, sinh mi làm chi ,
“bay” nghẹn ngào, “bám” ồn ào, buồn vui vì mi” .
Sau đó được ban Gió Nam của nghệ sĩ Trần Văn Trạch cùng ban
Thăng Long trình diễn “Mùa thi” tại Hà Nội năm 1954. Ban Thăng Long đã làm
bài hát này nổi tiếng và đưa tên tuổi ông đến giới hâm mộ nhạc VN.
Năm 1953, ông ra Hà Nội học tại Đại học Văn khoa và Cao đẳng
Sư phạm. Trong thời gian này ông học thêm âm nhạc với nhạc sĩ Hùng Lân. Cuối
năm 1954, ông di cư vào Saigon .
Năm 1955, ông tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm, được bộ Giáo dục
biệt phái sang bộ Quốc phòng và dạy tại trường Võ bị Quốc Gia Đà Lạt
từ 1955 đến 1960. Trong thời gian này ông sáng tác bản “Khúc hát ngày
mai” được ban Thăng Long trình bày trên đài phát thanh Saigon và đài Quân đội.
Năm 1960 về lại bộ Giáo dục ông dạy tại trường Trần Lục rồi
Nguyễn Du. Trong năm này ông cho ra đời bài “Mưa đêm ngoại ô” và năm 1963 bài
“Bước chân chiều Chủ nhật” do Thanh Thúy hát.
Năm 1965 ông nhập ngũ khóa 21 trường Võ bị Thủ Đức. Ra trường
với cấp bậc chuẩn úy, ông làm việc dưới quyền của thi sĩ Tô Kiều Ngân, lúc ấy
là đại úy Trưởng phòng và thi sĩ Tô Thùy Yên, trung úy phụ tá Trưởng phòng của
Phòng Văn nghệ Cục Tâm lý chiến. Tại đây ông cùng làm việc với các nhạc sĩ
khác như Lam Phương, Duy Khánh, Trầm Tử Thiêng, Song Ngọc, Phạm Minh Cảnh,
Anh Việt Thu, vv… Cùng phục vụ trong Cục Tâm lý chiến ông cũng đã gặp và quen
biết các nhạc sĩ cùng các văn, nghệ sĩ như Trần Trịnh, Trần Thiện
Thanh, Mai Trung Tỉnh, Tường Linh, Du Tử Lê, Phạm Lê Phương, Tạ Tỵ….Cũng
trong thời gian này ông viết bản trường ca “Những người đi giữ quê hương” được
Ban hợp ca Quân đội trình bày tại rạp Thống Nhất nhân ngày Quân lực VNCH năm
1969, dưới sự điều khiển của nhạc sĩ Vũ Minh Tuynh và Ngô Mạnh Thu .
Năm 1969 ông được biệt phái về lại bộ Giáo dục và tiếp tục
dạy học cho đến tháng 4-1975. Sau đó, ông đi học tập cải tạo đến năm
1978.
Năm 1980, ông vượt biên rồi được định cư tại Hoa Kỳ. Ông đi
học lại nghề cũ và dạy học ở Boston cho đến 1999 th2 về hưu. Trong thời gian ở
Mỹ ông phổ nhạc bài thơ “Tháng ba đi hành quân” của Trần Hoài
Thư.
Ngoài những nhạc phẩm nêu trên ông còn những sáng tác khác
như : Mưa đêm ngoại ô, Sương đêm, Vòng tay giữ trọn ân tình, Vui dựng gia
đình, Xin dìu nhau đến tình yêu.
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên tên thật là Cao Cự Phúc sinh ngày
03-01-1932 tại Quảng Trị, nhưng lớn lên và học hành tại Huế.
Ông mất ngày 21-08-1973 tại Saigon trong một tai nạn xe cộ lúc
ông 41 tuổi là lúc tài năng sáng tác đang lên.
Ông học trung học tại trường Quốc Học Huế, đậu Cử nhân Anh
văn tại Đại học Saigon, dạy anh văn và âm nhạc tại Đà Lạt, Vĩnh Long,
Saigon.
Ông phụ trách ban nhạc đại hòa tấu “Hương thời gian”
trên Đài truyền hình VN và chương trình “Tiếng thời gian” trên Đài phát thanh
Saigon.
Ông có nhiều kỷ niệm với Đà Lạt và hai nhạc phẩm nói về miền
cao nguyên này là “Ai lên xứ hoa đào”, “Bài thơ hoa đào” trở thành tác phẩm
tiêu biểu của ông. Hai tác phẩm này hiện nay được nữ ca sĩ Ánh Tuyết trình
bày rất thành công, đã làm rung động những tâm hồn yêu nhạc. Nhạc đã hay mà lời
lại như thơ.
Ai lên xứ hoa đào - Ánh Tuyết
Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi
Nghe hơi gió len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi
Thông reo bên suối vắng lời dặt dìu như tiếng tơ
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ
Nghe tâm tư mơ ước chuyện Đào nguyên đẹp như chuyện ngày
xưa …
Về xứ Huế, ông đã để lại cho đất Thần Kinh nhạc phẩm “Tà áo
tím”, một bài hát trữ tình lãng mạn, êm đềm, thơ mộng và đã được ca sĩ
Hà Thanh ru vào lòng người:
Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang
Tôi gặp một tà áo tím nhẹ thấp thoáng trong nắng vương
Màu áo tím sao luyến thương, màu áo tím sao vấn vương
Rồi lòng bâng khuâng theo màu áo ấy, màu áo tím hôm
nào
Tình quyến luyến ban đầu, chập chờn tâm tư màu áo thoáng
chiêm bao…
Những ca khúc khác của Hoàng Nguyên gồm có : Anh đi mai về,
Anh đi về đâu, Bài Tango riêng cho em, Cho người tình lỡ, Đường nào em đi, Đường
nào lên Thiên thai, Duyên nước tình trăng, Em chờ anh trở lại, Lá rụng ven
sông, Lời dặn dò, Sao em không đến, Thuở ấy yêu nhau.
Nhạc sĩ Nhị Hà tên thật là Lê Quang Mại, sinh ngày
24-08- 1935 tại Quảng Bình, nhưng lớn lên tại Huế và học trường trung học
Khải Định. Sau khi đỗ Tú tài 2, ông vào Saigon. Sáng tác của ông không nhiều,
nhưng mọi người đều biết tên ông qua nhạc phẩm “Mẹ tôi”, và nhất là từ khi ca
sĩ Như Quỳnh hát bài này trên sân khấu Thúy Nga.
Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày
Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai
Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại
Cầu mong con mình có một ngày mai…
Nhạc phẩm thứ hai của Nhị Hà được nhiều người biết đến lá
bài “Trở về thôn cũ” nói lên cảnh quê hương điêu tàn đổ nát vì sự tàn phá của
chiến tranh trong thời chốn
Nhưng sao hôm nay tôi trở lại quê xưa
Tuy con sông xưa vẫn êm đềm uốn quanh
Còn đâu đồng xanh, còn đâu gia đình
Còn đâu bóng hình mẹ già mến yêu…
Ngoài hai tác phẩm tiêu biểu trên, ông còn sáng tác các bài
như: Đừng trách người đi, Lá thư xuân, Nhớ một mùa hoa…
Nếu không có bài hát “Phật giáo Việt Nam” được dùng làm bài
ca chính thức cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì rất ít người VN
biết đến nhạc sĩ Lê Cao Phan.
Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc, Nam, Trung từ đây
Một lòng chúng ta tiến lên vì Đài Sen…
Trước đây, ông chỉ sáng tác những ca khúc vui tươi dành cho
thiếu nhi, cho học sinh, nên thường những ai làm nghề nhà giáo mới biết đến
ông. Các bài hát vui của ông dành cho thiếu nhi gồm có : Bài ca tình bạn, Ca
múa học vui, Hai chú gà con, Nhi đồng múa ca, Ra chơi, Tập tầm vông, Tiếng
còi đánh thức, Vui đi học.
14 - NHẠC SĨ LÊ QUANG NHẠC
Hiện nay người ta chỉ biết nhạc sĩ Lê Quang Nhạc là người
Huế. Ông là giáo sư âm nhạc của vài trường trung học ở cố đô, đồng thời là nhạc
sĩ dương cầm trong ban nhạc của Đài phát thanh Huế trong thập niên 50. Tác phẩm
duy nhất của ông còn lại đến bây giờ là nhạc phẩm “Xa quê”.
Nói đến nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương , người yêu nhạc nhớ đến
“Thu ca”, một trong những ca khúc được thu thanh nhiều nhất từ trong nước đến
hải ngoại, và cũng là nhạc hiệu quen thuộc của những chương trình ca nhạc của
ông tại các Đài phát thanh và truyền hình Saigon trước năm 1975.
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương sinh quán tại Huế, tỉnh Thừa Thiên.
Ông theo học bậc trung học tại trường Khải Định, đỗ Tú tài 2 năm 1953.
Sau đó, ông ra Hà Nội tiếp tục việc học, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm và Cử
nhân Văn khoa 1955.
Từ 1955 đến 1958, ông là giáo sư tại trường trung học Nguyễn
Đình Chiểu, Mỹ Tho.
Thu ca - Khánh Ly
Từ 1958 đến 1975, ông là giáo sư môn triết và môn văn tại
trường trung học công lập Pétrus Ký và các trường tư thục lớn ở Saigon như
Văn Học, Nguyễn Văn Khuê, Bồ Đề, Hưng Đạo, Văn Lang, Lê Bảo Tịnh, Huỳnh Thị
Ngà, Thượng Hiền…
Từ 1960 đến 1975, ông vừa dạy học vừa hoạt động âm nhạc.
Ông là trưởng ban các chương trình “Hoa thời đại” của Đài Phát thanh Saigon,
“Tiếng hát hậu phương”, “Nghệ sĩ và chiến sĩ” của Đài Tiếng nói Quân đội,
“Chương trình Phạm Mạnh Cương” của Đài truyền hình. Ông còn là giám đốc trung
tâm “Tú Quỳnh”, một trung tâm băng nhạc quy mô đầu tiên tại Saigon.
Năm 1980, ông rời Việt Nam và định cư tại thành phố
Montreal, tỉnh Quebec, Canada. Ông tiếp tục hoạt động văn nghệ: thành lập
ban nhạc Phạm Mạnh Cương với hai người con là nhạc sĩ Phạm Mạnh Quỳnh và Phạm
Lê Diễm Phúc. Đồng thời ông là chủ biên nguyệt san Thẩm Mỹ từ năm 1994 đến
nay.
Một số nhạc phẩm nổi tiếng của ông đã xuất bản và thu thanh
tại VN trước 1975 : Thung lũng hồng, Mắt lệ cho người tình, Tóc em chưa úa nắng
hè, Thương hoài ngàn năm, Tình yêu đã mất, Giã từ cố đô, Về thăm cố đô, Loài
hoa không vỡ, Tháng bảy mưa ngâu, Sầu ly biệt, Nhạc khúc mừng xuân, Thu về
trong mắt em…
Tháng 04-2003, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đã được
trung tâm Thúy Nga mời xuất hiện trên băng Vidéo “Paris By Night 70”, chủ đề
“Thu ca” cùng với hai nhạc sĩ Lê Dinh và Trường Sa.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ngày 28-02-1939 tại Lạc Giao
(cao nguyên miền Trung) trong một gia đình trung lưu gốc Thừa Thiên. Ông lớn
lên tại Huế và đỗ Tú tài ban triết học ở trường Chasseloup Laubat Saigon. Ông
tự học nhạc, học sáng tác không qua một trường lớp nào cả. Trong thập niên
60, nhạc của ông xuất hiện như một ngôi sao sáng trong vòm trời âm nhạc VN.
“Ướt mi” là tác phẩm đầu tay được sáng tác năm 1958 . Ông mất ngày 01-04-2001
tại Saigon.
Tác phẩm âm nhạc của ông có trên 600 ca khúc, với nội
dung gồm 3 khuynh hướng : tình yêu, quê hương (mà người ta thường gọi
là nhạc phản chiến) và thân phận. Nhạc của ông có nhiều cái hay cái lạ, không
cầu kỳ, không ngoại lai, không ồn ào, luôn luôn giữ được bản sắc dân tộc. Nhạc
của ông không bài nào giống bài nào, cũng không tương tự với một nhạc phẩm
nào của người khác. Mỗi bài hát của T.C.Sơn có một nét độc đáo riêng. Ngay cả
lời ca trong nhạc T.C.S. cũng có một sắc thái riêng, không giống với các nhạc
sĩ khác. Lời ca của TCS không sống sượng theo lối tả chân, không văn chương
theo lối mòn sáo rỗng hay rập khuôn theo những qui ước có sẵn. TCS có lối sử
dụng ngôn ngữ một cách khéo léo, mới lạ để diễn tả một thứ tình cảm lâng
lâng, mơ hồ, phải nhờ cảm tính người ta mới hiểu được. Ví dụ TCS nói đến tình
yêu đôi lứa mà không dùng đến chữ “yêu” vì đã có bàn tay, mái tóc, đôi mắt…
nói hộ cho rồi:
Mưa vẫn mưa bay trên từng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đưòng dài hun hút cho mắt them sâu…
(DIỄM XƯA)
Lùa nắng cho buồn vào tóc em
Bàn tay xanh xao đón ưu phiền
Ngày xưa sao lá thu không vàng
Và nắng chưa vào trong mắt em…
(NẮNG THỦY TINH)
Mỗi bài ca là một bài thơ. Ngoài chất thơ ra trong nhạc TCS
còn mang chút triết lý về thân phận con người, hạnh phúc, khổ đau, lẽ vô thường
của kiếp sống:
Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày…
(CÁT BỤI)
Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng
Sông bao lần sông đã ra đi
Những ngàn năm trôi đến bây giờ
Sông ra đi hay mới bước về …
(GẦN NHƯ NIỀM TUYỆT VỌNG)
Ôi tiếng buồn rơi đều
Nhìn lại mình đời đả xanh rêu…
(TÌNH XA)
Tình xa - Khánh Ly
TCS đã từ giã cõi đời, ông đã trở về với “Cát bụi”, “Một
cõi đi về” của kiếp con người vì ông cũng chỉ là một “Đóa hoa vô thường”. Đường
trần ông đã đi qua, “Dấu chân địa đàng” ông để lại là một gia tài âm nhạc tuyệt
vời gồm có các tuyển tập:
1967 – Ca khúc Trịnh Công Sơn - Tình Khúc Trịnh Công Sơn
- Ca khúc da vàng .
1968 – Kinh Việt Nam
1969 – Ca khúc da vàng 2 - Ta phải thấy mặt trời .
1972 – Như cánh vạc bay - Cỏ xót xa đưa - Khói trời mênh
mông - Tự tình khúc - Phụ khúc da vàng.
1973 - Lời đất đá cũ - Nhân danh việt Nam.
1989 - Một cõi đi về .
1991 – Em còn nhớ hay em đã quên - Cho con.
1992 - Lời của dòng sông - Khói trời mênh mông 2.
1993 – Bên đời hiu quạnh - Trong nỗi đau tình cờ - Thuở ấy
mưa hồng.
1995 - Những bài ca không năm tháng.
1999 - Tuyển tập ca khúc Trịnh Công Sơn 1, 2, 3, 4, 5, 6.
Ngoài các nhạc sĩ chào đời ở Huế hoặc lớn lên và học hành tại
Huế, còn có những nhạc sĩ tuy không sinh ra ở Huế nhưng có một thời gian sống
hoặc làm việc ở đây, rất nặng lòng với đất cố đô và đã sáng tác nhiều ca khúc
bất hủ dành cho xứ Huế. Trong số nhạc sĩ này ta có Duy Khánh, Hoàng Thi Thơ,
Dương Thiệu Tước, v.v…
Nhạc sĩ Duy Khánh tên thật là Nguyễn Văn Diệp, sinh năm
1936 tại làng An Cư, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông thuộc dòng
họ quan phụ chánh đại thần Nguyễn Văn Tường triều Nguyễn. Tuy không sống ở Huế
nhưng Quảng Trị rất gần với cố đô, nên ông thường lui tới với các bạn bè ở
đây. Ông rất nặng tình với xứ Huế và là người nhạc sĩ có nhiều nhạc phẩm nói
về quê hương miền Trung của ông như : Ai ra xứ Huế, Sầu cố đô, Nén hương yêu,
Sao không thấy anh về, Thương về miền Trung, Bao giờ em quên, Biết trả lời sao,
Lối về đất mẹ, Huế đẹp Huế thơ.
Những ngày cuối đời, ông sống tại Hoa Kỳ và cho xuất bản
hai tập nhạc gồm những nhạc phẩm được sáng tác từ trước đến nay. Tập 1
mang tựa đề “Huế đẹp và thơ”, tập 2 “Nỗi niềm riêng”.
Ngày 10-01-2003, một buổi dạ vũ mang tên “Tạ tình tiếng hát
và dòng nhạc Duy Khánh” được tổ chức tại vũ trường Majestic, thành phố
Huntington Beach, quận hạt Orange County, để nhớ công lao của ông đã đóng góp
cho nền âm nhạc VN.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh ngày 01 – 07 – 1928
tại làng Bích Khê, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông học trung học tại
Huế. Ông theo kháng chiến một thời gian, sau đó vào Saigon lập nghiệp và sinh
hoạt âm nhạc cho đến 1975. Sự đóng góp to tát của ông cho nền âm nhạc VN mọi
người đều biết. Vì quê ở miền Trung, nên nhạc của ông cũng mang âm hưởng tiếng
hò giọng hát miền Trung. Riêng về xứ Huế, ông có những nhạc phẩm như “,
Chiều cố đô”, Tâm tình gửi Huế, ”…
Năm 1975, khi biến cố 30/4 xảy ra, lúc đó, ông đang hướng
dẫn đoàn văn nghệ VN trình diễn ở Nhật. Sau đó ông định cư tại Hoa Kỳ và mất ngày 23/9/2001 tại Glendale, Nam Cali, thọ 74 tuổi .
Ông là nhạc sĩ gốc miền Bắc nhưng nổi danh qua hai bản nhạc
miền Trung: ‘Tiếng xưa” và “Đêm tàn Bến Ngự”. Ông sinh ngày 15 – 05 –
1915 tại làng Vân Đình , huyện Sơn Lãng , phủ Ứng Hòa , tỉnh Hà
Đông, trong một gia đình nho học truyền thống. Năm 1930 ông gia nhập nhóm
Myosotis, là nhóm nhạc sĩ đầu tiên khởi xướng tân nhạc VN. Ông chủ trương viết
“nhạc Tây theo điệu ta”.
Trong thời gian ông và vợ, là ca sĩ Minh Trang, vào
Huế thăm bạn bè đồng thời nghiên cứu về dân ca Huế và cổ nhạc miền Trung, ông
đã dùng ký âm pháp Tây phương ghi lại một cách chính xác những câu hò, điệu
hát của địa phương như hò mái đẩy, ca Huế, nhạc cung đình…
Tiếng xưa - Thanh Thúy
Cái âm hưởng buồn mênh mông của cổ nhạc Huế bắt nguồn từ tiếng
hát ai oán của người dân Chàm mất nước đã ảnh hưởng đến người nhạc sĩ miền Bắc,
và ông đã sáng tác bản “Tiếng xưa”. Rồi trong một đêm trăng ông cùng các bạn nghệ sĩ tổ chức đi thuyền ca hát trên sông Hương, một thú vui tao nhã của các văn nhân, nghệ sĩ lúc bấy giờ. Đêm về khuya, mọi người đều đã an giấc trong khoang thuyền. Không ngủ được, ông ra mũi thuyền ngồi ngắm trăng. Giữa cảnh im lặng trời nước mênh mông, nhìn những con đò cập bến sát bên nhau khiến ông bâng khuâng, cảm hứng dạt dào, ông liền lấy sổ tay ra ghi chép và viết nên nhạc phẩm “Đêm tàn Bến Ngự”. Hai ca khúc bất hủ này trở thành tác phẩm tiêu biểu ông...
Nguyễn Văn Chánh
|
Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015
Những nhạc sĩ gốc Huế
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch
Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
đặt vé eva airline
các hãng máy bay đi mỹ
korean air vn
giá vé máy bay đi mỹ giá rẻ
vé máy bay đi canada giá bao nhiêu
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Du Lich Tu Tuc
Tri Thuc Du Lich