Vọng Phu thạch
Thi ca không phải chỉ
là tiếng nói, tư duy, cảm xúc của riêng cá nhân người thơ, mà còn phản ảnh tình
hình lịch sử, thời đại, tâm lý dân chúng và xã hội. Sống trong một chế độ phong
kiến quan liêu, quân chủ bất công của Trung Hoa thời Đường, vai trò của người
phụ nữ bị lu mờ, thân phận của họ thảm thê, bị dồn ép vào bóng tối của cuộc đời,
phải nhẫn nại chịu đựng đắng cay trăm bề, không còn biết ý nghĩa của hạnh phúc
và gia đình.
Người phụ nữ thời đó phải chấp nhận số phận hẩm hiu cho đến hết cuộc
đời. Những tôn chỉ cho người phụ nữ phải triệt để thi hành là "tứ đức",
"tam tòng", chỉ là cái cớ bất công để bó buộc người phụ nữ phải làm
công bộc cho chồng và cả gia đình chồng. Họ đã được biến thành những công cụ
"mua vui" , qua những hủ tục "năm thê bảy thiếp" . Đó là những
bất hạnh của người phụ nữ đẹp phải chịu đựng, an phận qua cái hủ kiến vô lý
"tạo vật đố hồng nhan" (trời ganh ghét má hồng). Những quan niệm hủ lậu
"trọng nam khinh nữ", "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu
tử tòng tử ", "văn dĩ tải đạo", "phụ nhân nan hóa"
luôn luôn canh cánh và đè nặng tư tưởng và cách sống trong xã hội Trung Hoa.
Nên những bài thơ đề cào vai trò phụ nữ trong xã hội Trung Quốc, hoặc tôn vinh
cái vẻ đẹp và hạnh phúc của tình yêu trai gái nam nữ, thật là hiếm hoi trong
khu rừng Đường Thi trùng trùng điệp điệp …,những nhà thơ Đường e rằng bị xã hội
kết án là không mang tinh thần trượng phu, đi ngược lại những quan niệm đạo đức
phong kiến và lễ giáo đã là gốc rễ in sâu trong tiềm thức họ ngàn đời. Tuy vậy
cũng có những nhà thơ đã cách tân xã hội, đã mạnh dạn lên án tố cáo những bất
công vô lý của giai cấp thống trị phong kiến như Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị đi đầu, rồi
đến các nhà thơ Lý Bạch, Lý Thân, Mạnh Giao, Đỗ Tuân Hạc, Vương Kiến v.v…đã
đem lại vài luồng gió tươi mát đầy sinh khí để gây sự khởi sắc cho thơ ca tụng
tình yêu và phụ nữ, như Lý Bạch và Bạch Cư Dị với Thái Liên Khúc, Tử Dạ Thu Ca,
Trường Tương Tư, Trì Thượng, Trường Can Hành ...Và đặc biệt là cũng xuất hiện
những bài thơ ca tụng những đức tính, phẩm cách, đạo đức, sự thủy chung, đoan
chính của người phụ nữ như Du Tử Ngâm, Chức Phụ Từ, Liệt Nữ Tháo (Mạnh Giao),
Tiết Phụ Ngâm (Trương Tịch) v.v..Vọng Phu Thạch của Vương Kiến cũng là một bài
thơ đã tạo nên những biểu tượng sâu sắc, nêu cao giá trị tinh thần cao quí của
người phụ nữ thời xưa.
Vương Kiến là thi sĩ đời Đường, sống một cuộc đời nghèo
khó. Thi ca của ông thể hiện tính chất tiêu cực bộc lộ tình cảm cá nhân chua
xót, vất vả không được may mắn trên đường đời, công danh, sự nghiệp. Ngoài những
bài thơ phản ảnh sự thống khổ của tầng lớp dân chúng vì sưu cao thuế nặng, vì sự
bóc lột áp bức của tầng lớp thống trị quan liêu, phong kiến, ông đã quan tâm đến
nguyện vọng tha thiết yêu chuộng hòa bình của mọi người dân trong xã hội, khi
mà chiến tranh đã cướp đi những người thân yêu quyến thuộc trong gia đình như
chồng, con, anh em … Ông đã từng đến làm việc tại nhiều vùng biên cương xa xôi
hiểm trở, và đã thông cảm với những nỗi niềm lo lắng, những cảm xúc riêng tư của
các binh sĩ, phải xa gia đình vợ con. Nhiều bài thơ của ông đã miêu tả cảnh
chiến trường hãi hùng, cảnh chia ly thê lương não nuột, và đặc biệt ông đã sáng
tác những bài thơ đề cao vai trò của phụ nữ, và nói lên những bất công thiệt
thòi, những nỗi buồn đau, mất mát, chia ly, tan vỡ của người phụ nữ trong gia
đình cũng như ngoài xã hội, điển hình là bài thơ Tân Giá Nương, Vọng Phu Thạch,
qua bút pháp giản dị, sáng sủa, không khuôn sáo, nhưng ý tưởng sâu sắc tinh tế,
có sức thuyết phục, làm rung động lòng người.
Vọng Phu Thạch tức là Đá Trông Chồng.
Chuyện xưa kể rằng ở thành phố Vũ Xương, tỉnh Hồ bắc Trung Quốc, một người vợ
có chồng đi xa lâu ngày không về. Hàng ngày nàng vẫn ra bến sông ngong ngóng đợi
chồng về. Người vợ kiên trinh vẫn giữ vững lòng chung thủy, vẫn chờ đợi, chờ
hoài nhưng người chồng vẫn không bao giờ trở về, và nàng đã hóa thành đá, vẫn
muôn đời chờ đợi chồng mặc cho gió mưa vần vũ trên đầu. Hòn đá đó được đặt tên
là Vọng Phu Thạch, vẫn đứng sừng sững bên bờ sông Trường Giang, gần thành phố
Vũ Xương. Bài thơ man mác trữ tình diễn tả tình cảnh chua xót đau lòng của người
vợ đứng đợi chồng bên dòng sông mênh mang sóng nước bập bềnh trôi vô tận, giữ đất
trời mênh mông tĩnh mịch, nhưng đôi mắt đăm chiêu của người vợ vẫn hướng mãi về
phía chân trời mà người chồng đã một lần ra đi. Người vợ vẫn chờ đợi mãi, thách
đố cả thời gian bao la, và không gian vô tận, nhưng người chỗng vẫn biền biệt ở
một khung trời xa xăm nào đó, đến khi người vợ hóa thành đá xanh, đứng mãi ngàn
năm, vẫn ngong ngóng đợi:
(bản chữ Hán của Mai Tâm)
Vọng Phu Thạch
Vọng phu xứ
Giang du du
Hóa vi thạch
Bất hồi đầu
Sơn đầu nhật nhật phong hòa vũ
Hành nhân
qui lai thạch ưng ngữ
Vương Kiến
Dịch nghĩa:
Ở nơi đứng trông chồng
Nước sông
cuồn cuộn chảy
Hóa thành đá
Đầu không ngoảnh lại
Đỉnh núi ngày ngày đội gió mưa
Khi nào người (chồng) đi xa trở về thì đá mới nói.
Đá Chờ Chồng
1- Nơi ngóng
trông chồng, nước chảy mau
Đến khi hóa đá chẳng quay đầu
Mặc cho mưa gió quanh
đầu núi
Chắc đợi chồng về mới nói sau
2- Bên sông ngồi ngóng trông chồng
Trăm
năm khắc khoải một lòng sắt son
Hóa thân thành đá mỏi mòn
Gió mưa vần vũ ... đầu
không ngoảnh về
Phải chăng nàng giữ lời thề
Đến khi đá nói....lúc nghe chàng về
!
Hải Đà phỏng dịch
Lưu Vũ Tích là nhà thơ Đường có tinh thần bất khuất, mang
tư tưởng "hành hiệp trọng nghĩa" của hiệp sĩ, có thái độ xem thường,
phản kháng những thói xấu xa, nhỏ nhen, đê tiện của bọn quan lại quyền quí. Ông
đã công khai chỉ trích mỉa mai bọn đại thần nịnh bợ. Ông đã bị dèm pha, và mấy
lần bị giáng chức đổi đi các tỉnh thật xa. Thi ca của ông bộc lộ những tình cảm
tha thiết, đầy nhân bản, những gắn bó yêu thương, những phẩm chất tốt đẹp, đức
hạnh, kiên trinh, đáng đề cao và quí trọng của người phụ nữ, điển hình là bài Vọng
Phu Sơn, nhưng hòn núi trông chồng trong bài thơ của Lưu Vũ Tích nói về một địa
danh ở huyện Dương Đồ, tỉnh An Huy.
(bản chữ Hán của Mai Tâm)
Vọng Phu Sơn
Chung nhật vọng phu, phu bất quy
Hóa vi cô thạch, khổ tương ti (tư)
Vọng lai dĩ
thị kỷ thiên tải
Chỉ tự đương thời sơ vọng thì
Lưu Vũ Tích
Núi Trông Chồng
Đợi
chồng đâu thấy…suốt ngày trông
Hóa đá cô liêu, cảm xót long
Vẫn mãi ngàn năm
ngong ngóng đợi
Ban đầu thuở ấy vẫn chờ mong
Hải Đà phỏng dịch
Lý Bạch trong
bài thơ Trường Can Hành, một khúc ca thời xưa, kể chuyện tình của đôi trai gái
cùng sống ở xóm Trường Can, yêu nhau từ bé, cô gái lấy chồng năm mười bốn, phải
xa chồng năm mười sáu, đã thổ lộ tâm tình nhung nhớ, có đoạn nhắc đến "Vọng
Phu đài ", cũng có ý nói lên sự thương yêu chung thủy của nàng:
"…Thập
tứ vi quân phụ
Tu nhan vị thương khai
Đê đầu hướng ám bích
Thiên hoán bất nhất
hồi
Thập ngũ thủy triển mi
Nguyện đồng trần dữ hôi
Trường tồn bão trụ tín
Khởi
thượng vọng phu đài …“
(trích Trường Can Hành – Lý Bạch)
"…Lấy chồng năm
mười bốn
Thơ ngây với thẹn thùng
Cúi gầm bên vách tối
Chẳng đáp lại một câu
Mười
lăm em khôn lớn
Nguyện sống chẳng rời nhau
Ôm cột giữ lời nguyền Vọng phu đài
chẳng lên..."
Hải Đà (trích dịch)
Hình ảnh "hòn vọng phu" cũng đã
được đem vào thi ca Việt Nam. Ở Lạng Sơn hay ở Bình Định miền Trung giữa cảnh
núi non hùng vĩ, nổi bật giữa nền trời xanh, là Hòn Vọng Phu vươn mình lên cao,
đó là khối đá hoa cương to lớn bên cạnh một hòn đá nhỏ bé hơn. Thi sĩ Nguyễn
Du của đất Thăng Long ngàn năm lịch sử , trong thi phẩm chữ Hán "Thanh
Hiên Thi Tập" , cũng đã có bài thơ vịnh Vọng Phu Thạch, muốn nói về
"đá trông chồng" , tức là đá Tô Thị vọng phu, ở tỉnh Lạng Sơn, Bắc Việt
Vọng Phu Thạch (Nguyễn Du)
Thạch da ? Nhân da ? Bỉ hà nhân ?
Độc lập sơn đầu
thiên bách xuân
Vạn kiếp diểu vô vân vũ mộng (2)
Nhất trinh lưu đắc cổ kim than
Lệ ngân bất tuyệt tam thu vũ (3)
Đài triện trường minh nhất đoạn văn (4)
Tứ vọng
liên sơn Diếu vô tế (5)
Độc giao nhi nữ thiện di luân (6)
Nguyễn Du (Thanh Hiên
Thi Tập)
Theo chú giải của thi sĩ Quách Tấn (Tố Như Thi) như sau:
Dịch nghĩa
đen:
Đá chăng ? Người chăng?
Người là ai đó ?
Đứng một mình trên đầu núi hàng
trăm nghìn xuân
Muôn kiếp không hề có giấc mộng mây mưa
Một chữ trinh giữ lại
được tấm thân xưa và nay
Ngấn lệ không ngới giọt mưa ba thu
Chữ rêu ghi mãi lời
văn một đoạn
Nhìn bốn phía núi liền nhau mênh mông không dứt
1- Vọng Phu Thạch = Đá Vọng Phu , Ở Việt Nam
có Đá Vọng Phu tại Lạng Sơn và Bình Định. Bên Trung Hoa có ở tỉnh Vũ Xương.
Nguyễn Du chưa vào đến Bình Định. Bài Vọng Phu Thạch không chép vào Bắc Hành Tạp
Lục mà chép vào Thanh Hiên Thi Tập . Như vậy chúng ta có thể quyết đoán rằng
bài nầy vịnh Vọng Phu Thạch ở tỉnh Lạng Sơn.
2- Vân vũ mộng = mộng mây mưa, mộng
ái ân. Vua Tương Vương nước Sở đi chơi ở quán Cao Đường nằm mộng thấy giai
nhân đến cùng chung gối . Vua phán hỏi, giai nhân đáp: thiếp là Thần Nữ núi Vu
Sơn, sớm làm mây, tối làm mưa chốn Dương Đài.
3- Tam thu vũ = mưa trong ba
tháng thu , ngụ ý là Tương Tư "Nhất nhật bất kiến như tam thu hề" (cổ
thi) "Ba Thu dọn lại một ngày dài ghê" (Kiều)
4-Đài triện: ngấn rêu
trông hình chữ triện
5-Diếu = xa xôi, tức chữ Diêu đọc theo thanh sắc
6-Di luân
= Di là Thiên đạo, Luân là nhân văn = luân thường đạo nghĩa (trích Tố Như Thi,
bản dịch Quách Tấn)
Núi Trông Chồng
(theo bài Vọng Phu Thạch của Nguyễn Du)
Đá
hay người chẳng biết là ai ?
Đỉnh núi ngàn xuân đứng miệt mài
Bỏ mộng mây mưa từ
vạn kiếp
Giữ thân trinh tiết đến muôn đời
Ba thu mưa lệ hoài không dứt
Một áng
văn rêu mãi tuyệt vời
Núi biếc mênh mông trùng điệp điệp
Luân Thường phận gái
gánh trên vai
Hải Đà phỏng dịch
Bài thơ của Nguyễn Du đã diễn tả được cái cảnh
chờ chồng của người thiếu phụ, nhưng cũng đồng thời ca tụng cái đức tính trinh
tiết một dạ một lòng của người đàn bà xa chồng…Thi sĩ Quách Tấn là một người
có tâm hồn cao rộng, tư tưởng thâm thúy và sâu sắc, cũng trong một bài thơ Đá Vọng
Phu của Ông đã có câu:
"Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp
Tóc thề mây núi bạc
phơ phơ"
nói lên cái nỗi sầu bi thảm của người thiếu phụ trông chồng mòn mỏi,
bấp chấp cả không gian và thời gian của vũ trụ mênh mông nghìn trùng .. Mặc cho
gió táp mưa sa, mặc cho nắng quái mưa dầm, khói sương mù mịt, mây phủ trên đỉnh
non cao vời vợi .. nhưng tình chung thủy và lòng tiết trinh của người đàn bà vẫn
muôn đời bất biến …
Thi sĩ Thái Thuận, biệt hiệu Lữ Đường sống vào đời nhà Lê,
đã được nhiều người ca ngợi là thơ Ông không kém gì thơ Đường và thơ Tống. Nhà
thơ Quách Tấn là người đã có công bỏ ra nhiều năm dịch và giới thiệu tác phẩm Lữ
Đường Thi của thi sĩ Thái Thuận. Trong tập Lữ Đường Thi do thi sĩ Quách Tấn
tuyển dịch (NXBVH) có bài thơ Vọng Phu Sơn:
Hóa thạch sơn đầu kỷ tịch huân
Thương tâm vô lộ cánh phùng quân
Thiên nhai mục đoạn niên niên nguyệt
Giang thượng
hồn tiêu mộ mộ vân
Thanh lệ nhất ban hoa lộ trích
Ly tình vạn chủng thảo yên
phân
Tương Phi* nhược thức tương tư khổ
Bất tích ai huyền ký dữ văn
Vọng Phu
Sơn (Thái Thuận)
Dịch nghĩa:
Đầu non đã hóa đá bao nhiêu sáng tối rồi
Đau lòng
không có đường gặp lại chàng lần thứ hai
Năm năm mỏi mắt nhìn bóng trăng cuối
trời
Chiều chiều hồn tan theo những đám mây trên song
Móc đọng trong hoa nhỏ từng
hàng lệ trong trẻo
Khói vương trên cỏ nảy nở vạn mối tình biệt ly
Nàng Tương
Phi nếu biết được nỗi khổ của kẻ tương tư
Chớ tiếc giây đàn não nuột, xin gửi đến
cùng nghe
*Ghi chú: Tương Phi = nàng Phi ở sông Tương. Vua Thuấn băng hà, hai
bà vợ là Nga Hoàng và Nữ Anh khóc ở sông Tương. Nước mắt lẫn huyết rơi vào
thân trúc hóa thành những chấm đen. Cổ nhân gọi trúc ấy là Ban ban trúc, và gọi
hai bà là Tương Phi . (trích "Lữ Đường Thi" - Quách Tấn tuyển dịch)
Hóa đá non cao chất tháng ngày
Chân trời mắt mỏi
năm năm nguyệt
Mặt sóng hồn tan lớp lớp mây
Sương đọng lòng hoa rơi giọt thảm
Khói vương sắc cỏ rối niềm tây
Tương Phi ví biết tương tư khổ
Dây gởi sầu dây gởi
gắm dây
Núi Vọng Phu (bản dịch Quách Tấn)
Trong tập thơ Tây Hồ của Nhà cách mạng
Phan Châu Trinh cũng có bài thơ vịnh Vọng Phu Thạch như sau.
Vọng Phu Thạch
(Phan Châu Trinh)
Hạn vận: không chồng trông bông long
Sự tám mươi đời (1) có
biết không?
Người chăng? hay đá? vợ chăng? chồng?
Đi đâu đến nỗi quên tin tức?
Đứng đó bao giờ luống đợi trông?
Tu vậy hay sao, đầu trụi lủi?
Khóc chi lắm
hử ? mặt phồng bong
Trời cao bể rộng người còn mất?
Biết nặng hòn non, nhẹ cái
lông?
Phan Châu Trinh (Bình Định 1905)
Chú thích:
(1) Sự tám mươi đời: việc
xãy ra từ xưa, từ lâu lắm rồi, người ta thường nói "việc tám mươi đời
vương, bảy mươi đời đế"
(2) Theo tác giả Vũ Tiến Quỳnh thì "Tây Hồ
Thi Tập của cụ Phan Châu Trinh gồm những bài thơ quốc âm, tuy chỉ ghi được 70
bài, tập thơ nầy rất đa dạng: có thơ châm biếm, thơ đùa bạn, thơ tán tĩnh phụ nữ,
thơ tả cảnh, thơ thuật hoài, ngôn chí, thơ khóc viếng người mất . Bài "Vọng
Phu Thạch" nghịch ngợm một cách trang nhã và diễn tả như trên " (VTQ)
. Tuy là lời thơ "nghịch ngợm" , nhưng câu cuối của bài thơ "Biết
nặng hòn non, nhẹ cái lông ?" là muốn đề cao cái đức hạnh, phẩm cách, tiết
tháo, trung kiên của người phụ nữ biết rằng "có cái chết nặng như Thái
Sơn, có cái chết nhẹ tựa lông hồng …", chẳng sá gì xác thân, miễn sao giữ
toàn vẹn cái chính nghĩa mà mình theo đuổi, và trong trường hợp này là cái đức
tính trinh tiết một lòng một dạ của người đàn bà . Bài thơ Vọng Phu Thạch của cụ
Phan Châu Trinh muốn nói đến một sự tích (huyền thoại) ở huyện Phù Cát (tỉnh
Bình Định) có hòn đá nhìn xa giống như người mẹ bồng con. Truyền thuyết kể rằng: xưa có hai anh em róc mía, tranh nhau ăn, người anh nổi giận cầm dao chém vào
đầu em gái, rồi hoảng sợ, trốn đi; về sau, họ lưu lạc mỗi người một phương nào
không biết, mà sau này người anh lấy phải em . Nhân ngồi bắt chấy cho vợ, chồng
thấy sẹo trên đâu vợ, hỏi sự truyện nguyên do, nhờ vậy mà người anh mới biết được
là mình lấy lầm em gái làm vợ. Người anh hối hận vô cùng, bèn thác cớ đi buôn,
theo buồm vào nam rồi đi biền biệt không bao giờ trở về. Người vợ hàng ngày ẵm
con ra đứng ở bờ biển trông chồng, mãi không thấy, hóa đá tại đó, nhiều nhà thơ
đã đề vịnh đá Vọng Phu Phù Cát.
(3) Núi Vọng Phu là một trong những địa danh nổi
tiếng của tỉnh Bình Định, như ca dao đã nói: "Bình Ðịnh có núi Vọng Phu,
Có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh .." Nhà giáo Phạm Khắc Trí trong một lần về
xứ, một buổi sáng đi ngang qua núi Vọng Phu ở Bình Định, trên đường từ Qui Nhơn
vào Nha Trang, khi nhìn thấy hòn đá mẹ bồng con, một hình tượng kiên trinh giữa
trời đất mênh mông, bất chấp thời gian vô tận, đã làm ông bồi hồi nhớ lại bài
thơ của người xưa Vương Kiến mà động lòng cảm xúc:
Đứng ngóng chồng
Sông mênh
mông,
Hóa thành đá, Vẫn một lòng.
Đầu non mưa gió ngàn năm đợi,
Người về nghe
được đá khóc không?
dịch thơ Hòn Vọng Phu (Phạm Khắc Trí)
Câu truyện "Nàng
Tô Thị" cũng có một nội dung gần giống ở trên, kể về hai anh em Tô Văn và
Tô Thị. Hai anh em nô đùa với nhau, người anh (Tô Văn), ném đá trúng đầu em
gái (Tô Thị), bị thương chảy máu nhiệu Người anh sợ quá bỏ trốn đi. Rồi sau nầy,
em gái mở quán nem ở Kỳ Lừa, và người anh đem thuốc Bắc từ Cao Bằng về Lạng Sơn
bán, và hai người gặp và lấy nhau. Và sau đó cũng vì khám phá vết sẹo trên đầu
vợ, mà người anh lấy cớ nhà vua bắt lính thú mà phải lên đường ra đi.
"Rồi
kỳ hạn cũng hết, nàng trông đợi chồng đỏ cả mắt mà chàng vẫn không về cho. Nàng
ôm con lên chùa Tam Thanh kêu cầu. Hôm ấy, trời nổi cơn giông. Nàng nhớ chồng,
thương thân, bế con ra ngoài chùa, trèo lên một mỏm đá cao chót vót, nhìn về hướng
chồng đi. Mây đen kéo đầy trời. Gió rít lên từng hồi qua khe đá. Mưa như trút
nước. Chớp lòe khắp núi. Nàng vẫn bế con đứng trơ trơ, đăm đăm nhìn về hướng chồng
đi. Toàn thân quả núi rung chuyển dưới những luồng sét dọc ngang. Mưa mỗi lúc một
to. Tô Thị vẫn bế con đứng trơ trơ trên mỏm đá cao chót vót. Sáng hôm sau, mưa
tạnh, gió yên, mặt trời tỏa ánh sáng xuống núi rừng. Nàng Tô Thị bế con đã hóa
đá tự bao giờ. Ngày nay, còn truyền lại câu ca:
"Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh..."
(Vũ Ngọc Phan kể)
Hồ Dzếnh, một thi
sĩ nổi tiếng của nền thi ca tiền chiến mà nhà văn Mai Thảo đã ghi lại cảm nghĩ: "thơ Hồ Dzếnh tiền chiến là cái trạng thái ngu ngơ trong suốt nhất của một
tiếng thơ mà chủ đề là tình yêu và ánh sáng …".
"Núi Vọng Phu"
là một trong những bài thơ hay của ông dạt dào ý tình "Quê Ngoại" đã
lưu lại dấu ấn hằn lên những nỗi "nhớ rêu phong hồn cẩm thạch", và
Ông đã để cảm xúc dâng trào ngọn bút khi được chiêm nghiệm hòn vọng phu, mang
hình ảnh "đỉnh núi mọc hình người" mà ông hồi nhỏ thường thắc mắc hỏi
mẹ:
Núi Vọng Phu
Nghe nói ngày xưa biển ở đây
Biển đi để lại núi non này
Mưa
nguồn chớp bể chia hai ngả
Hòn vọng phu thương vọng hải đài
Thuở nhỏ tôi thường
hay hỏi mẹ
Vì sao đỉnh núi mọc hình ngườỉ
Đợi chồng lâu quá nên thành đá
Hòn vọng
phu kia đứng với đời
Tôi lớn dần lên đá vẫn chờ
Khi xa heo hút giữa sương mờ
Khi gần sừng sững chiều biên giới
Như bức phù diêu nét chửa khô
Không chỉ quê
tôi núi đợi chồng
Còn nhiều nơi khác cảnh chờ mong
Bắc Nam đâu cũng niềm son sắt
Tạc giữa trời cao dáng thủy chung
Ôi nhớ rêu phong hồn cẩm thạch
Mối tình vời vợi
giữa không gian
Bốn nghìn năm ấy bao sương gió
Mà vẫn đinh ninh thiếp đợi chàng
Hồ Dzếnh
Vườn thơ tình của Du Tử Lê luôn xanh tươi mơn mởn, mỗi bài thơ tình của
ông là một đóa hoa diễm tuyệt, hé nở một cách tự nhiên . Lời thơ là những cảm
xúc dạt dào, nhỏ nhẹ, thiết tha, và êm ái . Hình ảnh "vọng phu" cùng
đã một lần được người thơ làm sống động một cách duyên dáng, ẩn chứa một chút
hoài niệm làm nao lòng:
em về trong bão giông tôi
que diêm Đông Hải, dáng ngồi
vọng phu
lệ còn trên gối, tôi thu
bàn tay ngón út giam tù tháng năm
Em Về Thăm
Thẳm Núi Non (Du Tử Lê)
Hình ảnh người thiếu phụ đã hóa thành đá, nhưng hình
tượng đó không phải là vật vô tri vô giác, mà lại được người thơ linh động hóa
"giọt lệ còn rưng rưng ... ", một chút gì huyền hồ hư ảo, nhưng đã gợi
lên cảm xúc dào dạt, nồng nàn ..
Ta thành hoa vọng phu
Để tang chàng hiệp sĩ
Thắm
đỏ mà cho ai
Thôi đành thôi, tái nhợt...
Người gọi ta hoa đá
Lòng ta đâu lạnh
lùng
Hãy ngắm nhìn cho kỹ
Giọt lệ còn rưng rưng ...
Sự Tích Hoa Đá (Lâm Thị Mỹ
Dạ)
Thi sĩ Hoàng Mạnh Giao trong thi phẩm "Quê Hương Xứ Người và Đời
Tôi", đã gắn liền hình ảnh người phụ nữ với tấm lòng hy sinh cao cả, đức
tính quảng đại bao la, trung hậu đảm đang, luôn nhẫn nhục chịu đựng, trước những
đổi thay của thời cuộc. Phải chăng người thơ đã muốn đề cao đức hạnh những người
phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến đã vượt qua bao gian truân thử thách, chống chọi
nhiều nghịch cảnh đau thương, để vẹn toàn hai chữ "thủy chung" ...
Ôm
con khóc hận mấy thu đông
Mong đợi tin chồng mãi ngóng trông
Chống gió đêm ngày
trăm hận tủi
Ngàn mưa năm tháng, chẳng phai lòng
Tấm trinh, quyết giữ tròn ân
nghĩa
Thể xác đành cam phận má hồng
Mong đợi tin chồng thân hóa đá
Muôn đời tiết
nghĩa rạng non song
Vịnh Đá Vọng Phu (Hoàng Mạnh Giao)
Cái hình ảnh đẹp đó với
phẩm cách cao thượng cũng đã được đem vào những áng thơ diễm lệ suy tôn người
tình muôn đời yêu dấu, một cảm nhận hiền hòa trìu mến như mãi gắn bó, bền chặt
trong tâm hồn người thơ:
Đêm qua mơ thấy bóng em
Canh khuya một bóng chong đèn
đọc thơ
Không gian trầm lắng như tờ
Tóc mây sợi nhỏ buông hờ lẻ loi
Đêm khuya
tiếng vạc xa vời
Ôm con lệ đổ khóc đời vọng phu
Mịt mờ khuya sớm đèn lu
Giật
mình thức dậy mấy thu qua rồi
Mơ (Bảo Cường) – 1979
Biểu tượng "vọng
phu", thấm đượm màu sắc nhân gian, đã được người thơ gửi gắm một chút lòng
mộc mạc, thiết tha, chân tình đến người vợ thủy chung, mang hình ảnh hy sinh,
chịu đựng, nhọc nhằn, lo lắng, chắt chiu .... đã tạo được một chân dung tinh thần
vĩnh cửu của văn hóa dân tộc phương Đông:
trong thơ xưa ai gánh gạo đưa chồng
hay vẫn chỉ là em nỉ non tiếng khóc
hay vẫn chỉ là em bốn mùa khổ nhọc
hồn vọng
phu đã lội mấy sông đời?
Thơ Tặng Vợ Nhà (Hoàng Lộc)
Hình ảnh "vọng phu thạch"
cũng đã được đưa vào vọng cổ, trong một bài nhiều người biết đến là Dạ Cổ Hoài
Lang. "Bản vọng cổ, trước hết có tên là Dạ Cổ, do ông Cao Văn Lầu, tục gọi
là Sáu Lầu ở Bạc Liêu sáng chế vào năm 1920 (ba năm sau khi cải lương ra đời).
Sanh năm 1890, ông Sáu Lầu được 30 tuổi khi ông chế bản vọng cổ. Lúc ấy ông cưới
vợ được 10 năm, nhưng không có con. Cha mẹ buộc ông phải cưới vợ khác vì sợ
tuyệt tự . Ông buồn rầu không còn muốn làm ăn gì nữa. Ban ngày ra ngoài đồng,
ông nghiền ngẫm những lời vợ ông nói với ông trước khi chia tay, ông vốn biết đờn
cổ nhạc nên trong tâm trạng người chồng đau khổ trước cảnh gia đình tan rã, ông
cảm hứng tạo ra bản nhạc 20 câu gọi là "Dạ Cổ Hoài Lang" (Đêm khuya
nghe tiếng trống nhớ chồng) có ý để kỷ niệm mối tâm tình của vợ ông đối với
ông" (GS Trần Văn Khải sưu tầm)
Bàn về bài vọng cổ nầy, GS Trần Văn Khê có
lời bình: "Nhớ người ra đi, nhắc người đừng phụ tình bạc nghĩa. Người ở
nhà mòn mỏi trông tin nhạn, luôn luôn mong mỏi từng giây phút trùng phùng. Tâm
trạng đó là tâm trạng chung của nhiều thiếu phụ Việt Nam thời bấy giờ. Vì bổn
phận, vì nhiệm vụ chồng phải "chấp kiếm lên đường", đi ra biên ải.
Cái buồn dính liền với bản chất người Việt Nam đa tình, đa cảm, hay quyến luyến,
hay bịn rịn, dầu sanh ly hay tử biệt, khó cắt đứt sợi dây vô hình cột chặt người
ở lại với người ra đi.
Bài Dạ Cổ Hoài Lang gợi lên được cái buồn bí ẩn trong
thâm tâm của con người Việt Nam. Trong cổ nhạc Việt Nam chưa có bài nào, bản nhạc
nào được như bài Dạ cổ hoài lang, biến thành "Vọng cổ", từ một sáng
tác tập thể, sanh ra từ thế kỷ, lớn lên, sống mạnh, phát triển không ngừng, biến
hóa thiên hình vạn trạng, mà sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt trong nước
và rải rác khắp năm châu. (GS. Trần Văn Khê , Paris – 1998)
Dạ Cổ Hoài Lang
(nhịp
đôi)
Từ là từ phu tướng
Bửu kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin
chàng
Đêm năm canh mơ màng
Em luống trông tin nhàn
Ôi, gan vàng quặn đau
Đường
dầu xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Còn đêm luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng, luống trông tin chàng
Lòng xin chớ
phụ phàng
Chàng hỡi chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Biết bao thuở
đó đây xum vầy
Duyên sắt cầm đừng lợt phai
Thiếp cũng nguyện cho chàng
Nguyện
cho chàng hai chữ bình an
Mau trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi
(Trích sách
"Nghệ Thuật Sân Khấu" của Trần Văn Khải)
Cố nhạc sĩ Lê Thương đã để lại
cho nền âm nhạc Việt Nam ba tuyệt tác đó là Hòn Vọng Phu 1 , Hòn Vọng Phu 2, và
Hòn Vọng Phu 3. Trong 3 nhạc phẩm của Ông đều có hình ảnh của người thiếu phụ bồng
con ngóng trông chồng ở bến sông. Người chồng là chinh phu ra đi vì lời thề
cùng non sông đất nước, chẳng hẹn ngày về. "Người mong chồng còn đứng
muôn năm"... đã nói lên cái đức tính thủy chung muôn đời của người phụ nữ
Việt Nam, luôn chịu đựng, hy sinh, nhẫn nhục trong thời chiến, đã trải qua bao
nhiêu thử thách đắng cay trên đường đời:
Vui ra đi rồi không ước hẹn ngày về,
ai quên ghi vào gan đã bao nguyện thề.
Nhìn chân trời xanh biếc bao la,
người
mong chờ vẫn nhớ nơi xa
Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về,
bao nhiêu
phen thời gian xóa phai lời thề,
người tung hoành bên núi xa xăm,
người mong chồng
còn đứng muôn năm
Vọng Phu 1 (Lê Thương)
"Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc
mơ", mặc cho gió mưa vần vũ, giữa trời mây bao la bát ngát nghìn trùng,
nhưng "giấc mơ chờ chồng" vẫn không bao giờ phai nhòa trong trâm trí
của người thiếu phụ, vẫn muôn đời đạo nghĩa sắc son, chỉ mong đợi một ngày
chàng trở về hiên ngang, oai hùng trong chiến thắng, khải hoàn ca.
Người vọng
phu trong lúc gió mưa,
Bế con đã hoài công để đứng chờ,
Người chồng đi đã bao
năm chưa thấy về
Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ
Vọng Phu 2 (Lê Thương)
Cũng
với hình ảnh "ai bế con mãi đứng chờ" trong Vọng Phu 3, trơ như đá, vững
như đồng, mặc cho sự đố kỵ của thế nhân, sự thử thách của thời gian và vũ trụ,
vẫn đăm đăm trông ngóng chồng về. Nhạc sĩ Lê Thương trong Vọng Phu 3, đã tạo dựng
hình ảnh người chinh phu đã trở về với khúc ca khải hoàn, nhưng than ôi, có còn
chăng chỉ là thương tiếc, nghẹn ngào, tê tái, vấn vương "từ bóng cây ngôi
mộ bên đường"…một uẩn khúc muôn đời, làm rơi lệ, xao động lòng người
khôn nguôi …
Nơi phiá Nam giữa núi mờ
Ai bế con mãi đứng chờ
Như nuớc non xưa đến
giờ? …
Nhớ cố huơng lưu luyến sao tiếng tấc lòng mau dồn
chân
Vết buớc đi trên phím đá mòn còn in dấu
Từ bóng cây ngôi mộ bên đuờng
Từ
mái tranh bên đỉnh trong làng
Nguồn sử sanh âm thầm vẫn sống
Bao mối thuơng
vang dậy trong long
Vọng Phu 3 (Lê Thương)
Qua những ca khúc của nhạc sĩ Lê
Thương hình ảnh của Hòn Vọng Phu bỗng trở nên uy nghi lẫm liệt trong lịch sử,
văn hóa dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống tôn trọng đạo lý làm người, hình ảnh
cảm động đó đứng sừng sững và chế ngự tâm tư , tình cảm của mọi người qua bao
biến thiên thăng trầm của thời đại và lịch sử…
Kết luận: Hòn Vọng Phu là hình ảnh
gợi cảm của người mẹ bồng con bên bến sông, giữa cảnh tĩnh mịch mênh mang của đất
trời vô tận, mắt đau đáu nhìn về một phương trời xa thẳm, ngóng đợi chờ mong
người chồng ra đi đã lâu mà chưa về lại. Những hình ảnh xúc cảm đó đã thấy ở
Trung Hoa và vài nơiø tại Việt Nam, đã luân lưu và hằng sâu trong trí tưởng
nhân gian từ nghìn xưa cho đến ngàn sau. Những câu truyện kể lại mặc dầu chỉ là
huyền thoại, nhưng hình ảnh "mẹ bồng con" đó đã biểu tượng cho đức
tính thủy chung cao đẹp muôn đời của người phụ nữ Việt Nam, nhất là trong thời
chiến, vẫn hy sinh chịu đựng, một đời tận tụy, lo âu khổ cực trăm chiều vì chồng
con. Hình ảnh gợi cảm, trìu mến , thấm tận đáy lòng đó, là tặng phẩm tuyệt tác
của tạo hóa ban cho con người, là biểu tượng của truyền thống yêu thương của
dân tộc, đã là đề tài cho nhiều áng thơ tha thiết nồng nàn, dòng nhạc chan chứa
trữ tình trong thi ca.
Vọng Phu Thạch
Thơ Phóng Tác: Vương ngọc Long
Nhạc: Mai
Đức Vinh
Lênh đênh sóng nước bập bềnh trôi
Lơ lửng mây bay phủ núi đồi
Tiễn biệt
người đi sầu chất ngất
Bẽ bàng thiếp với nỗi đơn côi
Ngồi ngóng trông chồng tận
bến song
Dạt dào con nước chảy mênh mông
Chàng đi chinh chiến bao giờ lại
Hóa
đá xanh rêu …thiếp đợi chàng
Đã mấy thu rồi đã mấy thu
Sầu giăng mắt lệ kiếp
phù du
Thiếp thân hoa lạnh trong hồn đá
Ôm bóng người đi khói tỏa mù
Ngày qua
mòn mỏi đợi chờ ai
Xót nỗi cô liêu đá ngậm ngùi
Vẫn mãi ngàn năm ngong ngóng đợi
Ban đầu thuở ấy chẳng mờ phai …
Đầu không quay lại .. nhớ thương người
Dãi gió
dầm mưa giữa đất trời
Mong nhớ ! chàng ơi ngày trở lại
Reo vui đá bỗng thốt nên
lời
Đã mấy thu rồi đã mấy thu
Sầu giăng mắt lệ kiếp phù du
Thiếp thân hoa lạnh
trong hồn đá
Ôm bóng người đi khói tỏa mù ...
Hải Đà
Ghi chú: Chân thành cám ơn
anh Mai Tâm đã gửi tặng tấm hình và các bản viết chữ Hán. và thi sĩ Phạm
Khắc Trí đã gửi tặng tấm hình Hòn Vọng Phu-Bình Định và bài thơ dịch của tác giả
.
Hoa Trong Nhac
hãng eva air có tốt không
vé máy bay đi mỹ hạng thương gia
phòng vé korean air
bán vé máy bay đi mỹ giá rẻ
vé máy bay đi canada giá bao nhiêu
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngau Hung Du Lich
Tri Thuc Du Lich