Khi nói đến Nguyễn Văn Nho, bạn bè văn nghệ tứ xứ mười
phương ở Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, Đà Lạt…ai ai cũng dành cho nhiều thiện cảm và
nói đó là một nhạc sĩ tài hoa đồng thời là một thi sĩ có nhiều năng khiếu thông
minh như xuất khẩu thành thơ, phổ thơ thành nhạc ngay tại chỗ, ngay nơi bàn nhậu
tiệc tùng lai rai. Tài tình nhất là độc tấu guitar cổ điển, chơi nhạc hòa tấu đến
độ nhập diệu xuất thần, đưa nghệ thuật âm thanh lướt trên những cung bậc hoằng
viễn thiên thu.
Từ thời còn thanh xuân tuổi trẻ mới 21, 22 tuổi chàng đã viết
truyện, dịch thuật, sáng tác thơ nhạc và những hoạt động đa dạng khác. Các tác
phẩm tâm đắc như Cuồng ngôn giữa ngàn hư mất (tùy bút 1981); Dạ khúc trên
đường về (nhạc 1983), Con đường
trong sương (truyện dài 1984); Bông cỏ nở từ những niềm sâu lắng (thơ 2002). Ở
một góc lặng thầm trên mặt đất (thơ, bản thảo) đặc biệt là bài viết
về Thiền tông Tản mạn về số 0 và Sunyata đã thổi bừng lên ngọn lửa
sáng tạo rực ngời cháy đỏ trên ngút ngàn hoang lương phong trần lữ thứ giữa cõi
đời mộng huyễn phù du: “Từ đó, thi ca bắt đầu trở về như một trò chơi táo bạo
và kỳ diệu của ngôn ngữ. Một trò chơi thế mệnh, dẫn dắt thi sĩ vượt qua, vượt
qua và vựơt qua mãi từng sa mạc hoang lương ngút ngàn cỏ cháy…Dừng lại có nghĩa
là tự trói đời mình trong vòng tay quy ước, tiến đến có nghĩa là đương đầu với
niềm cô đơn sâu thẳm của kẻ muốn tìm gặp một Quê hương trong vùng tưởng nhớ, một
Quê hương đã rời xa và không bao giờ tìm được.”* Nguyễn Văn Nho đã nói như
thế và mặc nhiên chấp nhận niềm sâu thẳm cô đơn để dấn thân trên cuộc lữ thi ca
tư tưởng dặm dài:
Giữa giang hồ một lữ khách khoan thai
Nhả khói thuốc vào đầu sông sương bạc
Một câu thơ một điệu đàn ý nhạc
Hòa tung tăng vào vô ngại sinh lưu
Những lối mòn thời đại quên tên
Người ngắm mãi bóng chiều trên lau lách
Rồi đi biệt vào những mùa hoang lạnh
Tìm cho ra một hơi thở sa mù
Cùng quê hương Duy Xuyên Quảng Nam với
thi sĩ thượng thừa Bùi Giáng, Nguyễn Văn Nho cũng có tố chất dị thường xuất
chúng cũng phiêu bồng phóng khoáng hào sảng, nhập cuộc chịu chơi mà vẫn đứng riêng
biệt một cõi riêng mình. Sinh năm 1959 lớn lên ở phố cổ Hội An, thường lội nước
tắm sông Hoài một thời trẻ dại, thích đạp xe chơi rong thong thả qua những
cánh đồng lúa xanh vàng hoa nắng từ chốn quê này qua vùng phố nọ, ngắm những
dòng sông thơ mộng chảy mãi về đâu ngoài Cửa Đại xa mù vời vợi trùng khơi. Với
cây đàn guitar mang trên vai rất lãng mạn nghệ sĩ, ưa rong rêu lêu lổng rong
chơi như thế nhưng thi nhân vẫn hoàn thành xong Thạc sĩ Toán ở Đại học Huế. Có
một thời gian giảng dạy Đại học Sư phạm Đà Nẵng rồi bỏ dạy nửa chừng, giống như
Phạm Công Thiện bỏ dạy Đại học Vạn Hạnh lên đường lang thang sang Paris Pháp
quốc hay như Nietzsche bỏ dạy Đại học Barlin lên miền núi cao sống với nỗi cô
đơn khốc liệt, im lặng sấm sét hơn mười năm trầm tịch mịch, Nguyễn Văn Nho cũng
bỏ dạy Đại học Đà Nẵng, nhưng không lên núi ẩn cư mà chuyển qua Nhà xuất bản
Giáo Dục làm biên tập viên, dịch giả và viết một đống sách Toán học cho học
sinh từ Tiểu học đến Trung học rèn luyện ôn thi. Bây giờ thì chàng gác bỏ tất cả,
đã thực sự giã từ các tổ chức, các đám đông tập thể, lặng lẽ lui về hoạt động
âm thầm một mình một bóng giữa phương trời cao rộng tự do khoáng đãng của riêng
mình.
Tinh sương là tiếng đàn phiêu hốt, hồn thơ lãng đãng rạt rào
phong phú vẫn bay hoài chất ngất trong tâm hồn kẻ thi sĩ kỳ lạ kia,
vẫn bát ngát trên con đường thênh thang sáng tạo, vô vàn chan chứa quyện hòa cả
nguồn thơ suối nhạc mênh mang. Nhạc và thơ là cung bậc hòa âm nhập diệu phiêu
diêu chuếnh choáng rất mãnh liệt thiết tha mà cũng vô cùng thong dong trầm lặng:
Bằng giọng thơ hiền như cỏ hoa
Tâm trí dần phai những phiên tòa
Con nước vơi đi từng ố dục
Quá khứ cũng về thay xiêm y
Cùng suối nguồn trăng lộng vô vi
Quên cả mười năm cuộc miên trì
Trút giữa hoàng hôn ngàn khắc khoải
Chăn gối cùng đêm giấc trẻ thơ
Thôi nhé chào xa dốc bụi mờ
Và cơn đuối mộng đục trang thơ
Về nghe nhã nhạc trong mầm sống
Cung đàn vô lượng thương yêu như nguồn suối bất tận chảy về
da diết trên dặm ngàn viễn xứ tận cuối biển đầu non. Một khi trái tim kia rào rạt
suối nguồn yêu thương như vậy thì tự nhiên kẻ rong chơi thấu hiểu diệu dụng của
tình yêu vô điều kiện dù không thể diễn bày hay bất
khả lý giải bằng ngôn ngữ trần gian. Vì thế, thi nhân im lặng lắng nghe bông
cỏ nở từ những niềm sâu lắng, nghe ra bao điều huyền ảo vô vi. Chỉ còn biết
nghiêng hồn mình xuống hố thẳm uyên nguyên khơi mở mà cùng em ngồi lại bên suối
ngàn để thưởng thức những tiếng hát phiêu nhiên trong ngần ngân nga từ nhật
nguyệt thiên địa miên man:
Em ngồi xuống cùng ta nghe suối hát
Lời diệu huyền trong mạch đá rêu phong
Lời suối kể chuyện tháng ngày phiêu bạt
Nguồn uyên nguyên dần xa mãi khe mương
Em ngồi xuống cùng ta nghe suối hát
Hồn lắng về khi rừng nhạt mây giăng
Từ phiêu lãng cuốn theo bờ huyễn ảo
Phút ngồi đây hòa điệu với hư không
Mây mùa thu buổi chiều giăng móc núi
Con bướm vàng vẫn nội cỏ đong đưa
Một chiếc lá xa cành rơi xuống cội
Ta về nguồn trong tiếng suối ngân vang
Em ngồi xuống cùng ta nghe suối hát
Giữa tịch nhiên lòng đã vắng phong ba
Em có thấy trong lời ru của suối
Một con đường ẩn hiện cõi sương sa
Phong ba bão táp đã vắng lặng giữa lòng sâu yên tĩnh tịch
liêu. Một chút lòng thanh thản an nhiên thôi cũng đủ chứa cả ba nghìn thế giới
phải không em?. Một chút lòng nguyên sơ trong trắng vốn sẵn hằng hữu giữa trời
thơ đất mộng bao la. Có ai trong chúng ta còn nhớ được điều này như nhà thơ
Hoelderlin đã từng nhớ: “Con người ngụ cư trên mặt đất như một thi nhân.” Vâng
mỗi người trong chúng ta đều là một thi nhân, một nhà thơ đang hít thở bầu khí
hậu trong ngần trên mặt đất. Hãy lắng nghe tiếng hát trong tận đáy hồn thâm
thúy của mình, lắng nghe những tiếng lòng trong trẻo rung ngân linh diệu và
cùng em hát với cỏ hoa chiều phiêu phưỡng khói sương phơi:
Ơi cánh hoa vàng lay bay trong gió chiều nay
Có tiếng sông trầm sâu như hơi thở mùa thu
Em có nghe lòng ta như lau cỏ đìu hiu
Phơi giữa muôn ngàn hương rơm hương cỏ đồng quê
Yêu người đâu dám tỏ
Ta về yêu cỏ hoa
Hát với ngày hoang dã
Bằng nụ cười sơ khai
Thoảng hương lòng hoa dại
Phong trần vương vấn nợ
Ta còn trên bể dâu
Vẫn nghe lòng phơi mở
Những hoang tình vu vơ
Trên ngõ về im lặng
Ơi cánh hoa vàng lay bay trong gió chiều nay
Đã biết bao lần ta nghe câu hát của em
Câu hát thanh bình xua tan bao nỗi bồng bênh
Ta đứng trong chiều nghe ra hương ngát mùa thu
(Hát với cỏ hoa chiều, nhạc 1984)
Nghe mùa thu hương trời xanh tỏa ngát trong tiếng hát của em
của nàng thơ hay của những tâm hồn thi nhân là bất tuyệt. Một khi trên cõi ta
bà sa mạc hoang vu này vẫn còn sót lại một chút tình thương yêu thoáng hiện giữa
lòng người thì chắc chắn mọi sự chưa hẳn là bế tắt tuyệt vọng. Ồ chỉ cần một
chút tình yêu thương chân thật cũng đủ cứu vớt cõi người ta khỏi rơi tòm xuống
hố hư vô trống rỗng, khỏi biến thành những con người máy không hồn bởi sự sùng
bái sai lầm nền cơ khí kỹ thuật của thời hiện đại mà từ đó, vô tình đã giết chết
tình cảm, tâm tư đã làm tan hoang tinh thể sơ nguyên huyền nhiệm của con
người. Chỉ cần một nụ cười, một ánh mắt hay một tấm lòng chơn chất thật thà của
em thôi là cũng đủ hồi sinh bao cảm hứng rực ngời mới lạ trong tận đáy tim nồng
nàn dạt dào xiết bao ý tình thi vị cảm khái:
Em có cả tấm lòng sâu vạn đại
Nên chẳng buồn chi chuyện kỳ hẹn sai giờ
Em cũng xót xa nỗi niềm cỏ dại
Nên yêu đời trong tiếng vọng nguyên sơ
Không biết tự bao giờ em đã đến giữa trần gian này, khiến cho
mặt đất ngất say trong cơn rung động choáng váng. Em về đây từ một thế giới ban
sơ vừa mộc mạc giản dị vừa vi diệu tuyệt cùng. Thế giới của thơ và họa giao
thoa trong tiếng nhạc của trời giữa thiên thu vời vợi. Nơi đây dư vang của huyền
thoại quy hồi và em xuất hiện, xuất hiện như một loài hoa thảo lan ngan ngát
hương màu phất phiêu dặt dìu siêu nhiên diệu ảo:
Thảo lan ơi em về chi bên suối
Cho rừng xanh thầm hỏi chuyện sương ngàn
Để anh về bên bờ đá rêu phong
Nghe suối hát nhìn em hiền lay nhẹ
Chiều ở bìa rừng từng trũng nắng vàng hoe
Lòng rạo rực muốn quỳ hôn ngọn cỏ
Chiều ở trong hồn đọng lại bên khe
Anh vu vơ hát hòa theo giọng gió
Về cô lẻ những con đường đây đó
Em thẹn thùng lấp ló những khe nương
Anh một đời rêu cúi tạ những con đường
Từng áo não giữa khung trời băng giá
Hôn trời đất hôn cánh rừng dầu dãi
Thảo lan ơi còn suối mát trong hồn
Anh dâng hết tưới lên đồng thiên khải
Những bằng hữu thân tình, những người em thi ca thâm thiết,
những ai ai đây đó đã từng chứng kiến Nguyễn Văn Nho “vu vơ hát hòa theo giọng
gió” thì mới cảm hết vẻ đẹp xuất thần nhập cốt phiêu nhiên của chàng thi
sĩ kỳ tuyệt. Tiếng đàn guitar lã lướt du dương trên mười ngón tay nhập diệu hòa
với giọng hát, giọng ngâm thơ cao vút thuần nhiên khiến cho những thanh âm trầm
bổng réo rắt dập dềnh trên giai điệu phiêu bồng như làm va chạm tận đáy hồn
thiên cổ, rung ngân từng tiếng lòng phiêu diêu tiêu sái quá đỗi lâng lâng như
cung bậc vĩnh hằng Beethoven, Chopin, Tehaikovsky, Schubert, Mozart…Rất nhiều
lần rồi, tôi cùng Văn Nho ngao du lang bạt khắp đó đây trên đỉnh núi Bà
Nà Đà Nẵng, ngoài Huyền Không Sơn Thượng Huế hay trong Cửa Đại bên bến sông
Hoài phố cổ Hội An, rồi chuếnh choáng lai rai Sài Gòn, lên tận xứ sương mù phố
hoa Đà Lạt… Cho nên thường có dịp trực tiếp thưởng thức những suối nhạc nguồn
thơ dạt dào lai láng chảy từ một tâm hồn thượng đẳng thăng hoa. Ơi những ngày
tháng du ca Đà Lạt, thành phố cao nguyên xanh ngát ngàn thông reo vi vu vi vút,
suốt sớm trưa chiều tối hôm nào bữa nọ, chàng nhạc sĩ say ngà ngà đã hát vang
trên những đỉnh đồi sương sa chới với:
Với sương mờ phủ ven đồi
Với hàng thông lạnh ngàn đời tịch nhiên
Với lòng ta bạc ưu phiền
Chiều đôi chân mỏi trên miền quạnh hiu
Vầng trăng khuyết dọi sương chiều
Chìm con dốc mỏi hắt hiu bóng người
Em về rủ áo đôi mươi
Nhìn trăng phương lạ khóc người đã xa
Với ta chìm giữa dương tà
Với hồi chuông gọi đường về tịch liêu
Với hồn hoang của muôn chiều
Và đôi tay vẫy trong giờ biệt ly
Ly biệt chia tay rồi lại trùng phùng tao ngộ khắp hang cùng
ngõ hẻm trên rừng dưới biển rộn rã xôn xao. Lưu luyến giã từ Đà Lạt rồi về Huế,
tiếp tục dạo khúc cung cầm dọc bờ bến sông Hương cùng bạn bè văn nghệ, những kẻ
lưu lạc tha phương vào những chiều mưa lác đác cuối năm trầm ngâm lạnh buốt sầu
vu vơ mơ mộng:
Huế những chiều một mình tóc đẫm mưa đông
Hớp tí rượu nồng rồi khẽ ngâm thơ
Mưa qua hồn ủ ấp cơn mê
Huế những chiều dạo với anh em
Lạnh cóng bàn tay tiếng đàn không trọn
Ngồi trút cho nhau từng phiến ưu tư
Huế những chiều một mình đếm ngói bâng quơ
Vẫn tiếng đàn trầm hồn thả đi hoang
Qua sông rồi lại nhớ bên kia
Huế những chiều dạo với anh em
Một chút tình trao sưởi lòng sái nhịp
Và những tàn khuya chung rượu sân ga
Ngày tôi xa tôi xa
Dòng sông xuôi về mấy nẻo
Em còn thương còn thương
Đứng bên từng khóm lá
Nghe vòm cây kể chuyện đời anh
(Huế những chiều đông, nhạc 1981)
Chuyện đời thi sĩ như nước chảy mây trôi, nhạt nhòa tóc rối
phôi pha qua muôn trùng vạn lối cao nguyên, hải đảo sơn hà xa ngút mù xa, biết
sao mà kể cho hết được phải không ? Thôi thì cứ bồng tênh phiêu phưỡng theo
sương ngàn gió núi lên trên tuyệt đỉnh Bà Nà giữa thiên thanh vĩnh thúy để nghe
chàng nghệ sĩ cất điệu tiêu dao ca nhã nhạc dậy lừng hạo nhiên chi khí vang vọng
xuống chập chùng dưới kia cõi đời phù vân nhân thế:
Về đến đây rồi Bà Nà ơi !
Vườn Tịnh Tâm kia lặng bóng chiều
Thạch Đơn hòn dựng phơi niềm nhớ
Thách cả mười phương chuyện nắng mưa
Ngỡ như mình bước giữa đường xưa
Mấy kiếp chờ nhau lạnh mấy mùa
Suối Nai ngơ ngác dòng trong sáng
Vỗ đá hờn kia điệu hát buồn
Về đến đây rồi em biết không
Sương tạc hình ai nỗi nhớ này
Không trăng vẫn đứng đồi Vọng Nguyệt
Trừng mắt đêm sâu chuyện kiếp người
Suối Mơ vẫn chảy ngoài truông vắng
Người vẫn còn mơ giữa phố phường ?
Bên thác Cầu Vồng ta đứng đợi
Một bóng chim xa chẳng tái hồi
Hát ca đã cái đời cho đến tàn khuya sương ướt lạnh đầy hồn
tim bổi hổi, rồi sớm tinh sương vừa mênh mang vừa rộn ràng xuống núi theo gót
gió trùng khơi lồng lộng bay ra ngoài biển trời hải đảo Cù Lao Chàm, uống rượu
ngâm thơ hạo nhiên chi khí, túy lúy say sưa giữa bao la chập chùng sóng vỗ rào
rạt dâng đầy:
Lại về đây biển chiều nay
Chén trà bãi vắng ngồi say nghĩa tình
Đã hừng lại mộng phiêu linh
Giữa ngày hoang dại giật mình nghe ra
Âm vang lời biển quan hà
Nghe ghềnh sóng vỗ gọi tà dương trôi
Ta còn đây cả mộng đời
Với tình huynh đệ với lời thiên thu
Giống như Alexis Zorba ra hải đảo Crete sống triệt để trọn vẹn
hết mình, tràn lan ca hát nhảy múa hoan say với cây đàn santuri thì Nguyễn Văn
Nho cũng vậy cũng ngất ngây túy lúy cùng với bạn bè, với lãng mạn nàng thơ ngư
nữ mặn nồng, dù chỉ dăm ba ngày nhưng cũng đủ thấm thía hương vị khác thường giữa
bát ngát đại dương. Rồi chàng rưng rưng vác cây đàn lửng thửng quay về phố cổ Hội
An, ngồi lại bên thềm xưa lối cũ nghe rêu phong thiên cổ lên tiếng hát ngậm
ngùi, thương nhớ một mùa trăng xa ngái còn thấp thoáng giữa dòng đời lấp lánh
long lanh:
Anh lại về đây em ơi
Ngóng mây trời dòng sông chiều vắng
Bước âm thầm đường xưa lối cỏ
Chờ đò sang sông
Hơn một tình yêu trôi đi
Lối thiên đường nằm trong mộng ước
Cánh chim trời ngàn tơ trĩu nặng
Tìm đâu bến bờ
Nhưng dù trời sương băng rơi
Cho dù buồn hơn mưa thu
Cho dầu ta cánh mỏng tơi bời
Và dù đời rong phong phiêu
Ta vẫn cứ như dòng sông qua mọi bến bờ
Bờ bến sông Hoài lăn tăn sóng vỗ xô lùa bèo dạt hoa trôi dọc
ven triền lau lách sông Thu Bồn qua bên kia cồn bãi nương dâu xanh biếc Duy
Xuyên, nghiêng nghiêng mấy hàng cây cau đứng lưa thưa bên rào giậu mồng tơi hoa
mướp bướm vàng chập chờn bay lượn vương vương hoa nắng chiều tà, nhà thơ thở nhẹ
từng hơi thở nhớ thương da diết thiết tha vô cùng vô tận về người em Hà Huệ yêu
dấu nhất đang dạy học trên xứ miền cao nguyên Bảo Lộc xa mù, một người tình
vĩnh cửu như dòng sông trí tuệ luôn luôn dào dạt chảy về đẫm ướt những trang
thơ:
Ở nơi đó sương có mờ dáng nhỏ
Chiều có vương mây núi thấp trong lòng
Bưu điện mỗi ngày em nhắn nỗi chờ mong
Vai có run lên nỗi niềm gió núi?
Có chiều nào không em âm thầm qua suối
Soi mặt mình thấy lệ ngấn long lanh
Rừng hoang vu cây sầu ngọn tủi cành
Từng dốc lên nghe sỏi hờn đá dỗi
Trời ở nơi này lạnh chưa tím bờ môi
Mà lòng anh thì đã mấy đông rồi
Đêm anh qua phà buồn ngắm trăng trôi
Không nguôi được những đêm nằm biển hát
Còn bước chân hoang hàng cây chiều xơ xác
Thị thành ơi sông nước với bạn bè
Đi để thấy một đời anh dang dở
Chuyện mình yêu nhau ôi đâu phải tình cờ
Tình cờ sao được phải không em, khi mình kỳ ngộ nhau là nếp
duyên tiền kiếp nhiệm huyền. Hãy đáp ứng từng phiến nghiệp đời mê đắm lâm ly,
cùng đồng thanh tương ứng những điệp khúc rung ngân ân ái say sưa cho đến tận
cùng cảm giác hoan lạc đê mê, để từ đó mà có thể tạo một bước nhảy trọng đại,
chuyển nhịp sang cung bậc mới:
Bến chờ chi cho sương nặng bồi hồi
Ngành ngọn ấy suốt một mùa bão nổi
Ta vẫn tang bồng nhưng tóc chừng đã đổi
Theo dòng trôi bỏ lại bụi vô minh
Vẫn mực đèn khuya nhưng chuyển rộng điệu tình
Ta nghe tiếng côn trùng hơi thở đất
Một tiếng chim giữa trời đêm phiêu dật
Vẫy tay người cơn mộng giữa chiêm bao
Chiêm bao mộng mị là gì mà thi sĩ đành phải từ tạ những giấc
mơ đời hư huyễn ? Tạ từ giã biệt để tiếp tục đăng trình với bầu rượu túi thơ
qua những bến bờ thênh thang trên dặm ngàn viễn xứ lênh đênh… “Đi để nhớ những
chiều pha tóc trắng. Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu.” Lời thơ Tuệ Sỹ đồng
vọng gõ nhịp dưới gót giang hồ phơ phất chân đi. Đến rồi đi, gặp gỡ rồi
ly biệt biết bao lần rồi hỡi những thiền sư, cuồng sĩ, văn nghệ sĩ, hồng nhan,
thục nữ, nàng thơ ? Từ cuộc thơ đến cuộc tình, từ cuộc tình đến cuộc mộng
rồi từ cuộc mộng đến cuộc lữ mang mang, chàng thi sĩ hào hoa phong nhã lại
phiêu phưỡng lên đường bay lượn như con chim đến từ xứ lạ ngứa cổ hát khơi vơi
những tình ca thâm thiết nguyệt tận, những sầu ca bi tráng giữa bóng chiều tà
sương khói phủ hoang vu:
Để bây giờ trên bốn mùa phố cũ
Đêm từng đêm sầu dội mãi tâm hồn
Từng ý nhạc cũng theo về mộng huyễn
Tháng ngày ơi ngan ngát một phương trờ
Mời em hát cùng tôi bài nguyệt tận
Dẫu đời em đâu đáng để đau buồn
Vùng sương đọng trong bờ mi tôi đó
Là lời trao còn giữ lại trong tim
Hát khơi vơi vậy thôi như Nguyễn Du vi vu hát “Cùng
trong một tiếng tơ đồng. Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm” như Phạm
Công Thiện hát đơn ca “Mùa xuân bay thành khói. Tôi ca hát một mình” như
Beethoven lặng lẽ Hòa tấu khúc thứ 9bất hủ du dương, như Trang Tử nghêu
ngao khúc Tiêu dao du hý lộng tuyệt trù, như Lý Bạch ngâm nga “Xử
thế nhược đại mộng. Hồ vi lao kỳ sinh” bồng bềnh dọc khắp bãi bờ Trường
Giang xanh ngát, như Rainer Maria Rilke hát Ngợi ca nỗi cô đơn ở tận
miền tuyết băng Đức quốc, như Apollinaire hát chan chứa nỗi niềm Say đắm
ca bên bờ sông Sein huyền mộng Paris, như Hoelderlin nghìn dặm lưu linh
khúc Thần cảm ca trên đường trở về cố hương Schwabbach nghi ngút sa
mù, như Rimbaud chuếnh choáng hát du ca trên Con tàu say ngoài ven trời
vạn dặm xa xăm nước Pháp ngút ngàn hoang lộ mang mang, như Bùi Giáng nhảy múa
hát ca Thơ vô tận vui túy lúy càn khôn giữa phố thị Sài Gòn, như
Alexis Zorba ca hát múa nhảy tràn lan Hoan khúc chịu chơi ngoài hải đảo
trùng dương bát ngát, như Hàn Mặc Tử tương tư hát tặngGái quê những lời Thơ
điên siêu thần bạt thánh say khướt cả thần hồn… Còn Nguyễn Văn Nho cũng
trút hết ruột rà xương xảu máu me ra mà hòa âm tha thiết Da khúc trên đường
về qua cung bậc vô thanh giữa nhật nguyệt thiên thu lai láng bồi hồi:
Còn ai bây giờ ngồi kể chuyện khơi vơi
Ngày tháng đó và mây trời bữa nọ
Tôi đã trút giữa giờ thiêng đỉnh ngọ
Chuyện trần gian trên đôi cánh thiên di
Tôi về lại giữa lưng chừng mây nổi
Cuộc dừng chân chưa hò hẹn bao giờ
Tưởng đã tắt những nhịp đời bổi hổi
Mà vẫn trong lòng điệu hát vô thanh
Điệu hát vô thanh mà vẫn chan hòa đồng vọng ngân nga vang lừng
những âm giai hài hòa tiết điệu phiêu linh như có lần thi sĩ tâm sự: “Dạ
khúc trên đường về... Có phải từ đó, thi ca trở về như một con đường cứu chuộc
và âm nhạc theo ý nghĩa sâu lắng của danh từ cũng trở về như một phương tiện bi
thiết để cấu dệt nên miền quê trong ảo tưởng?. Có phải ca khúc, chiếc cầu nối lại
đôi bờ ngôn ngữ với âm thanh cũng giong buồm theo tư tưởng để ngợi ca nỗi chết,
ngợi ca sinh ly, ngợi ca những sai lầm ngu xuẩn chính mình, suốt một thời gian
chẻ làm tư truyền thống, giá trị, thả phăng mình trong nước lũ mây trôi ?”** Hỏi
tức là trả lời, để cho mọi sự cứ vốn y nhiên hiện hữu như thế trong một niềm
sâu xa im ắng, lắng nghe dòng sông đời ca hát khoan thai:
Ai đứng trong tàn khuya
Để nghe dòng sông hát rằng
Có ra đại dương mới hay đảo hoang
Từng đêm bão táp
Sương có giăng nhiều thêm
Có phai nhàu thêm cõi lòng
Mới yêu đời sống bằng từng cảm thông
(Tiếng hát dòng sông đêm ,nhạc 1983)
Tấm lòng thi sĩ bộc lộ chia sẻ một cách chân thành như vậy đó
và dốc hết tài hoa ra để biến đời sống thành nhạc thành thơ, đem lại nguồn vui
hoan hỷ cho mọi người, nhưng ở một mặt khác của tồn sinh bức bách, nhà thơ vẫn
ngậm ngùi trong nỗi sầu nhân thế bể dâu. Niềm đau sâu thẳm ấy khó thể nguôi
ngoai cứ quằn quại khắc khoải, cứ thao thức lùng bùng như bị vây khổn trong một
thành vách sương mù ngột ngạt nào đó quá đỗi âm u:
Ở một góc buồn trên mặt đất hoang vu
Tôi ngồi đếm những chiều vàng nhân thế
Từng con sông chảy qua đời ân huệ
Những con đường nghẽn lối trong sương
Ở một góc buồn trên mặt đất hoang lương
Tôi chao đảo giữa mù phương lốc xoáy
Đã tê điếng một tấm lòng dàn trải
Ngồi nơi đây sám tội với giang hồ
Ở một góc buồn trên thế giới lô xô
Tôi ngồi đếm những dòng người xe cộ
Và dụi mắt giữa bụi mù lịch sử
Tôi giam tôi trong ân nghĩa khôn hàn
Tính mệnh quê hương Việt Nam đang chìm ngập trong dòng sử lịch
mịt mù dâu bể tang thương, thi sĩ cảm thấy hoang mang hụt hẫng, chới với
bước đi lạc loài lạc lõng trong chập choạng đen ngòm âm u tăm tối trong nỗi
sầu vạn đại, chẳng biết hỏi ai đây hỡi cội nguồn hun hút dấu bơ vơ:
Hỏi nước cũ bên nguồn xưa có nhớ
Hỏi anh em niềm tri ngộ sơ đầu
Tôi trở về lạc lõng giữa đêm thâu
Chỉ có mưa giăng và điện đường nhàn nhạt
Lòng nhúc mỏi từ ngày đầu phiêu dạt
Hỏi quê hương ồ mắt đã vàng hoe
Tôi biết mình lầm lần trở lại đêm nay
Mà có chi đâu một khung trời đã úa
Thương một người em rẽ từ ngã ba này
Buổi sáng em đi có mình ta rưng lệ
Ngõ cũ vườn xưa và niềm đau nhân thế
Hòa quyện trong ta nỗi chết chiều nay
Nỗi chết và sự sống, khổ đau và hạnh phúc, giọt lệ và nụ cười…kỳ
diệu thay, tự bao giờ đến bây giờ vẫn cùng song hành khắng khít quyện hòa nhau
để từ đó, con người bước qua vượt qua nhịp cầu thanh thản tự do. Vì thế cho nên
người thi sĩ tuy đã chạm mặt tột cùng nỗi buồn đau buốt cóng, nỗi sầu bi đổ nát
tàn xiêu trong bóng chiều hiu hắt nắng xế vàng vọt của quê hương nhưng trong tận
đáy lòng sâu thẳm vẫn còn le lói ẩn hiện, vẫn còn trì ngự một niềm tin tưởng
thường tự tại khinh an:
Thân có lạnh giữa bao mùa bão loạn
Lòng vẫn vui trong lời nói đơn sơ
Cành xa xa chim chuyền qua bỉ ngạn
Trong tàn xiêu đời vẫn đẹp vô ngần
Ơi chao ! “Trong tàn xiêu đời vẫn đẹp vô ngần” chính
là thông điệp của chàng thi sĩ. Đẹp như bài thơ thuở đầu đời rung động tặng
em, đẹp như tình yêu diệu huyền trong cuộc lữ. Từ chỗ nhận thức rực ngời lửa
sáng tạo mới mẻ trinh nguyên đó, tình yêu sẽ đưa con người ta tới một cõi từ ái
phong quang mở rộng, là căn bản của một cuộc phát nguyện đại bi tâm. Thương yêu
hết mặt đất trần gian, khắp muôn chiều nghìn nẻo hoang liêu. Yêu từng sợi nắng
giọt mưa, từng lá cây ngọn cỏ, từng hoa trôi bèo dạt đến những phiến đời tàn
phai vàng úa, hiu hắt ê chề... đều yêu thương và yêu thương hết thảy, muốn ôm ấp
nâng niu trìu mến vào bao dung rộng lượng ở trong lòng:
Em biết không
Những chiều một mình đứng ở đồng quê
Không nói được...
Những lần nhìn bên kia sông tím thẩm
Anh muốn ôm từng sợi nắng vào lòng
Như thể anh ôm từng nỗi đời héo hắt
Hắt hiu tàn tạ vàng úa từng nỗi đời khổ lụy đã khiến cho thi
nhân chạnh lòng trắc ẩn khôn khuây. Thấy và nghe xiết bao não nùng thống thiết,
biết nói chi hơn là cảm thương vô hạn chốn trần ai đầy máu lệ xót xa quặn thắt.
Lặng lẽ trầm tư từ nỗi cô đơn tối hậu để chiêm nghiệm, lịch nghiệm cõi tồn sinh
qua mọi ngõ ngách sâu kín nhất trong tâm hồn, đột nhiên rất nhiều lần nhà thơ
chợt sững sờ thảng thốt trước vẻ đẹp đơn sơ của một đóa hoa dại ven đường hay
bâng khuâng đứng giữa ngã tư phố thị vàng vọt ánh điện mờ hư vô trống rỗng, rồi
đôi lúc cũng rạo rưc đốt lên làn khói thuốc Đà Lạt sưởi ấm sân ga những khuya
buồn chờ đợi tiếng còi tàu hụ vang rộn rã và biết hít thở hương gió bình
nguyên, thưởng thức rừng đèo heo hút reo vui trong từng đọt lá xanh vàng hoa nắng
lung linh... Một mình và chỉ một mình đi theo ý chí mãnh liệt của mình, không
nhập vào đám đông, chối từ quyết liệt những bầy lũ, phe nhóm, hội đoàn, đảng
phái. Tuyệt đối dứt khoát không gia nhập bất cứ một đảng điếc nào hay một
hệ thống ý thức hệ nào cả, nhà thơ cô đơn lẫm liệt, hiên ngang lui về đối diện
trực tiếp với chính mình trong niềm cô liêu khôn cùng vắng lặng:
Chiều vươn vai chim chóc gọi đàn về
Anh cúi xuống đóa dại vàng trên bãi
Khói đầu sông vi vút chuyện xưa sau
Khi còn lại một mình anh với phố
Đèn vàng khuya tiếng chó vọng xa gần
Ngã tư buồn ngó lại thấy bâng khuâng
Anh khẽ hát điệu nhạc gì xa vắng
Khi còn lại một mình anh trên bến
Còi tàu vang rờn rợn bước phong trần
Anh châm thuốc thở bằng làn khoi trắng
Để bọt bèo mộng tưởng đọng trên vai
Khi một mình tay vẫy phía đồi cao
Gió bình nguyên thổi ngược gọi rừng đèo
Tim tím rụng nắng chiều qua đọt lá
Là biết mình muôn thuở vẫn còn đi
“Là biết mình muôn thuở vẫn còn đi.” Phải chăng đó là sứ
mệnh của thi ca hay là bước đi kỳ cùng của cuộc lữ ? Nơi đó chứa đủ mọi dư vang
siêu hình của bao niềm hoài vọng giữa dòng đời miên viễn thiên thu. Ra đi
tức là trở về. Trở về với chính lòng mình lấp lánh thanh tân, hoàn toàn mới lạ,
mới mẻ từ nguyên ủy nguyên sơ. Quy hồi cố quận tâm linh hay quê nhà Duy Xuyên
ngan ngát hoa ngàn cỏ nội cũng giống nhau thôi. Ngồi lắng nghe từng cơn gió đời
lồng lộng rỗng rang thổi nhẹ nhàng ngoài bờ tre bụi trúc hòa quyện cùng hương
trời quyến rũ thơm ngát mộng ngàn thu:
Chừ về lại với ruộng đồng năm tháng
Giọng tre hiền như thuở ấy tôi đi
Và quỳ xuống lần khân cùng khóm chuối
Hôn đất trời vời vợi cõi riêng tôi
Cõi riêng tôi có con đường bỏ lại
Nửa đời đi hoang dại mấy phương trời
Hai tròng mắt đục bao niềm sân hận
Xin ngồi đây sám tội với mây trôi
Chừ cố quận không nghe lòng viễn xứ
Như ngày xưa trăn trở mộng rừng sâu
Nghe thân thiết giọt sương trời trên cỏ
Thấy lòng mềm như nắng úa phai tan
Ơi giọng tre lưu luyến lắm chiều vàng
Ngân nga mãi một bài thơ thân thuộc
Chừ về lại với tâm hồn cỏ mượt
Với mùi bùn hương lúa đã thiên thu
Thiên thu vĩnh cửu chẳng ở đâu xa mà hiện hữu sờ sờ ngay mỗi
sát na trước mắt. Thấy ngay tức khắc mặt mũi xưa nay hay bản lai diện mục của
mình hay không là tùy cái nhìn trực giác thấu thị của chúng ta mà thôi. Triết
gia vĩ đại Nietzsche đã trực kiến được điều đó khi Quy hồi vĩnh cửu qua
tác phẩm sấm sét Zarathustra đã nói như thế và rất nhiều thiền sư,
nghệ sĩ lớn của nhân loại đã khám phá ra cái bản lai diện mục của chính mình.
Từ những niềm sâu lắng nọ, sơ nguyên nào còn vọng lại, sơ thủy
nào còn ngân rung thầm kín nỗi niềm trong lòng người em thi ca độ lượng bao
dung ? Thi sĩ đi về trên thể điệu vô thủy vô chung, cùng rung cảm cùng chia sẻ
đầm đìa bao mộng tình hư huyễn phù du mà vẫn yêu thương vô lượng cuộc sinh tồn.
Còn gì bi tráng một cách chân thành như thế ? Xin tri ân những thuyền
quyên thục nữ, những hồng nhan tri kỷ tri âm thầm lặng và cảm tạ những phương
trời gió loạn, những bạn bè cảm mộ sẻ chia từng triết lý suy tư:
Xin cảm tạ những chiều rơi cố xứ
Có bàn chân khép lại ngõ hoang mê
Mười lăm năm một đoạn đời lữ thứ
Trắng hồn tôi trên cuộc mộng vô cùng
Cảm tạ đất trời cao lượng bao dung
Mưa với nắng nhịp đời lên bổi hổi
Cảm tạ sương ngàn lộ vắng thương khung
Phủ hồn tôi trên tháng ngày nghiệt ngã
Ơn các em những mối tình không vẹn
Những phương trời khép lại cuối chiêm bao
Vẫy tay nhé một lần xin khất hẹn
Là lời trao còn giữ lại trong tim
Lời cảm tạ sau cùng xin trao gởi
Ơi tha nhân ơi bằng hữu thâm tình
Đời thì rộng nhưng đành thôi áo rũ
Lạy nghìn xưa và lạy cả mai sau
Một khi cúi xuống trải lòng ra cảm tạ, tri ân tất cả trần
gian như thế và tự nguyện trở về sống với thế giới nội tâm thâm hậu là thi sĩ mặc
nhiên đã thể hiện, bày tỏ một thái độ đứng trước cuộc đời. Bởi tự bao giờ, thi
nhân đã thấy rõ tận tường cái mặt mũi xưa nay của chính mình trong một đêm ngắm
trăng rằm nơi chùa cổ Phước Lâm ở Hội An. Chỉ một lần duy nhất thôi cũng đủ
hoát nhiên hiển lộ một điều chi vi diệu nhiệm mầu độc đáo vô song trong tuyệt
cùng quang minh tĩnh lặng:
Trăng im lìm giữa thiền đường
Người im lìm lắng nghe sương gọi thầm
Hỡi mù sa cõi trăm năm
Làm sao che được trăng rằm nguyên sơ?
Kể từ khi thấy được vầng trăng rằm hay ánh trăng tâm vi diệu ấy,
thi nhân đã âm thầm mang về rải khắp nhân gian bằng phương tiện thi ca và âm nhạc
như ngụ ngầm chiếu soi lại chân dung của muôn loài vạn hữu của thập loại chúng
sinh của anh và em của tình yêu và cuộc đời. Cuộc đời và tình yêu là hai đề tài
muôn thuở của con người trên mặt đất muôn nơi. Tuỳ theo cảm nhận, lãnh hội của
mỗi một người trong chúng ta mà thấy như thế này hay như thế nọ đó thôi. Ở đây,
nhà thơ đã cất lên tiếng hát thi ca quá mộng vào một chiều du xuân thong dong
thả nhẹ từng bước chân qua hồ Tịnh Tâm ở Huế, sực nhìn thấy bàu rau muống trổ đầy
hoa xinh xắn tinh khôi mới lạ mà thốt nhiên cảm ngộ rộ bừng ra lẽ Nhất Như của
vạn vật đất trời cùng tương ứng tương nhập sự đời lý đạo viên dung:
Bóng ai lửng thửng qua cầu
Hoa rau muống nở một bàu tinh khôi
Lòng xuân ngan ngát đất trời
Đạo đời tương nhập trong lời cỏ cây
Khi trăng còn ở đồi tây
Tình tôi là nụ cười này tiễn nhau
Một nụ cười tươi tắn thi sĩ tặng trao cho cuôc đời giữa bầu
trời mênh mông Không Tánh xanh ngần. Tất cả muôn loài vạn hữu xưa nay đều nằm gọn
trong vũ trụ Tánh Không này, dù đời hay đạo, phàm hay thánh, chánh hay tà, ma
hay Phật, vọng hay chân, mộng hay thực, mê hay ngộ…cũng đều nằm gọn ghẽ trọn vẹn
giữa lòng Tánh Không mông mênh hoằng viễn đó, như Nguyễn Văn Nho có lần phát biểu: “Ngày nay, Tánh Không luận đả nghiễm nhiên trở thành một luận thuyết đẹp và
sâu đến nỗi những trí tuệ siêu việt luôn bị hấp dẫn và họ ngày càng khám phá ra
biết bao huyền nhiệm trong mối tương ưng giữa luận thuyết và chiều sâu tâm hồn
của những trí tuệ đó, cái chiều sâu không thể định danh và sâu đến nỗi bất khả
diễn bày”***. Hay như thiền sư thi sĩ Tuệ Sỹ nói: “Qua Tánh Không luận
của Long Thọ bấy giờ, ngôn ngữ không còn là một hình ảnh héo hắt của thực tại
sai biệt và sai biệt. Nó không đi chơi vơi trên thực tại mà đóng vai trò truyền
thông như tiếng gọi từ trên một đỉnh núi của tuyệt đối vô tri, từ trên một đỉnh
núi nghìn đời bất khả xâm phạm, luôn luôn thách đố bước tiến của con người. Nó
đánh mất đi cái cụ thể nghèo nàn trong tầm mắt của phàm phu đến một chân trời rực
rỡ của sáng tạo”****. Như vậy, Tánh Không dung chứa bao hàm cả đạo
hay đời, Phật hay ma, chánh hay tà… và khơi mở con đường hân hoan sáng tạo vô
lượng vô biên. Rốt lại đều là những trạng thái tân kỳ vi tế vốn xảy ra trong
lòng tâm linh hoằng đại bao la mà gần gũi nơi mình, ngay giữa thực tại hiện tiền
đây thôi. Tâm thanh tịnh thì ba nghìn thế giới cũng thanh tịnh bình yên nên thi
nhân vẫn cứ tự do lãng tử phiêu bồng, rong dạo qua chơi bên những chốn miền
không có đâu nơi với điệu cười hào phóng rất mực thong dong:
Lòng im mây trắng ngang đầu
Sóng miên man vỗ nghìn câu tâm tình
Còn chi hơn giữa phù sinh
Nằm quên mộng ước quên mình là ai
Quên ta quên người, gợi nhớ đến bức tranh thứ tám “Người
trâu đều quên” trong Thập mục ngưu đồ của Thiền tông. Phải chăng đó là trạng
thái vong bặt đối đãi, vô ngại, vô ngã, chẳng còn mảy may ý niệm bản ngã, hoàn
toàn không còn chấp ngã, trạm nhiên vắng lặng cái tôi ? Thôi chẳng cần bận tâm
làm chi nữa, chỉ thầm cảm nhận tự nhiên như nhiên và sống như thế như thế là
tuyệt vời rồi, phải vậy không Nguyễn Văn Nho ?
Có lẽ ở đây cũng nên nhắc đến Huyền Vi và Huyền Vân, hai ái nữ
thiên thần của thi sĩ. Trong khi Huyền Vi duyên dáng thùy mị ở nhà nhiếp tâm ngồi
thiền định, trì chú Đại Bi thì Huyền Vân đoan trang lại phiêu lãng qua bên kia
xứ miền Singapore sống tự lập với cây đàn piano. Nếu có ai một lần diễm phúc được
nghe Huyền Vân ngồi thanh thản lướt nhẹ bàn tay trên những phím đàn bay bổng
thanh thoát thì tự nhiên sẽ tan biến hết mọi áo não ưu phiền. Huyền Vi cùng với
Huyền Vân. Đẹp như lòng biếc tuyệt trần nhân gian. Hòa âm tâm huyết cung đàn.
Làm cho mặt đất ngân vang tiếng cười…Thôi bây giờ, không gì hơn, ta xin ngâm
bài thơ cho hai tiểu thư nghe chơi nhé ! Bài thơ Suối nhạc nguồn thơ này
ta làm riêng tặng Nguyễn Văn Nho trước ngày chia tay tạm biệt Đà Nẵng, lên đường
tiếp cuộc lữ phiêu diêu:
Nhiều chuyến lên đường mây lưu viễn
Rồi những quy hồi bến sông quê
Đã biết bao lần say chuếnh choáng
Hát đi dạ khúc trên đường về
Hát với cỏ hoa chiều phiêu hốt
Từ độ bao giờ vẫn ngân nga
Cuộc thơ cuộc mộng lồng cuộc lữ
Nghe thấu sau xưa buốt ruột rà
Tận trong lòng thẳm thầm cảm xúc
Ở một góc buồn giọng thơ ngâm
Thấm thía niềm chi mà khắc khoải
Tài hoa lãng đãng với cung cầm
Ngâm đi nhân thế sầu dâu bể
Lệ đã tràn sông đẫm mịt mù
Thôi chỉ còn em hòa điệu thở
Và bản tình ca giữa thiên thu
* Nguyễn Văn Nho. Lời tựa Bông cỏ nở từ những niềm sâu lắng.
Hội Nhà Văn xuất bản, Hà Nội 2002.
** Nguyễn Văn Nho. Lời tựa Dạ khúc trên đường về (nhạc)
Wildflowers xuất bản, USA 1983.
*** Nguyễn Văn Nho. Tản mạn về số 0 và Sunyata. Tạp chí
Giác Ngộ 2011
**** Tuệ Sỹ. Triết học về Tánh Không. An Tiêm xuất bản,
Sài Gòn 1970
Thơ nhạc Nguyễn Văn Nho (chữ nghiêng) trích trong các tập:
Dạ khúc trên đường về (nhạc) Wildflowers xuất bản, USA
1983
Bông cỏ nở từ những niềm sâu lắng. Hội Nhà Văn xuất bản, Hà Nội
2002
Ở một góc lặng thầm trên mặt đất. Bản thảo.
Trả lờiXóađặt vé máy bay eva air
gia ve may bay eva di my
vé máy bay korean airlines
giá vé máy bay đi mỹ giá rẻ
đặt vé máy bay đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thức Du Lịch