Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Còn đây một đoá Trà My

Còn đây một đoá Trà My
Nguyễn Xuân Hoàng           
 (Nhân đọc tập thơ Trà My của Nguyễn Xuân Hoa)
Dường như ai rồi cũng ít nhất một lần trong đời tìm đến với thi ca. Có người đến rồi ở lại đó mãi mãi. Có người đến rồi đi như cơn gió thoảng, chỉ để lại những dấu chân xanh hoài trên đám cỏ thơm. Suốt một đời làm công tác quản lý văn hóa, bỗng có ngày Nguyễn Xuân Hoa cho ra mắt bạn đọc tập thơ đầu tay “Trà My”. Thực ra “đầu tay” cũng chỉ là một cách nói, và phàm những người yêu thơ vẫn thường làm thơ tự thuở nào không còn nhớ, và anh đã làm thơ khi không thể không làm. Lời trích đầu tập thơ, Nguyễn Xuân Hoa đưa nguyên ý Khổng Tử “Thi dã tâm chi thanh dã”, là lời tự bạch trọn nghĩa nhất một tất lòng tìm đến với thi ca.
Cũng đã lâu lắm mới gặp lại hơi hướm trí tuệ của những vần thơ siêu thực. Thơ như cái màu trắng trong suốt không lời và như hơi thở rất nhẹ và sâu :
            Thèm đặt một nụ hôn lên bờ tóc hoang phế
            Cầm tay thành phố buồn đi trong mưa.
                                                (Cảm nhận Huế)
Có lẽ phải sống thật nhiều, thật kỹ, thật hoang vắng mới có thể chạm đến cõi siêu thực hồn hoang như vậy. Đó là hiện thân của một tình yêu xao xuyến trong đổ nát. Chỉ còn lại đau đáu một niềm nuối tiếc khôn nguôi. Không có trăn trở, chiêm nghiệm, không có nhận thức như lột trần chiếc áo cũ đang mặc thì sẽ không có thơ. Vì vậy mà triết lý về đời sống vẫn là một sự lựa chọn khả thủ của nhiều người làm thơ. Từ sự trải nghiệm đến tận cùng cuộc đời, anh viết :
            Sự nghiệt ngã của cuộc đời như hoa hồng
            Đẹp và có gai
            Làm sinh sôi mọi niềm hạnh phúc
            Làm đau một đời người.
                                                (Sự nghiệt ngã của cuộc đời)
Câu thơ không buồn, không vui, thiệt trầm tĩnh mà sao ứ đầy một dư vị xót xa. “Đẹp và có gai”, đời là vậy... Có cái đẹp nào mà không tất yếu sinh thành từ cay đắng. Nguyễn Xuân Hoa đã lãnh hội đời sống từ chân giá trị khổ đau. Đó cũng là một nhân thế xót xa buồn vui, những số phận và những cảnh đời :
            Tạ từ một cuộc rong chơi
            Dăm ba bạn cũ
            Bên trời ngả nghiêng
            Có thằng ngất ngưỡng như tiên
            Có thằng nửa dại, nửa điên với đời.
Và trong sự chiêm nghiệm sáng suốt ấy đã có lúc Nguyễn Xuân Hoa cảm thấy mỏi gối chồn chân, một nỗi mệt mỏi cứ loang dần như một vệt dầu sôi ở đâu đó giữa tâm hồn:

            Đời cũng chật không hơn bàn tiệc
            Loanh quanh hoài ly cốc cứ chạm nhau.
                                     (Đêm rượu nguyên tiêu)
Có lẽ là vì tất cả nguyên cớ ấy, mà Nguyễn Xuân Hoa đã tìm đến thơ ca, anh giải bày, bộc lộ và chia xẻ với mình, chia xẻ với tha nhân. Ẩn hiện giữa vô thường, những câu thơ như men rượu gạo nồng nàn mùi hương lúa những cánh đồng xa :
            Đôi khi thơ như trái đắng
            Vô tình rụng xuống đời ta
            Buồn như một thời xa vắng
            Mẹ ngồi với khúc bi ca.
Như con suối nhỏ chảy giữa đôi bờ suy tưởng, những bài thơ tình trong tập “Trà My” thật đẹp và buồn. Dường như không có hạnh phúc nào là không có nước mắt. Và Nguyễn Xuân Hoa đã tự nói với mình :
            Mê hoặc đời tôi bằng chiếc bùa hạnh phúc
            Em đóng giữa tim tôi
            Vòng kim cô nước mắt.
Hình ảnh “vòng kim cô nước mắt” là một sáng tạo riêng của Nguyễn Xuân Hoa khi anh khái quát và qui nạp nỗi đau tình yêu bằng một ước lệ gần gũi. Dường như đề tài tình yêu vẫn còn để mở ở “Trà My”, tác giả muốn nói vào một dịp khác, ở một tập thơ khác. Và chơi chơi thật thật anh đùa :
            Thơ làm cho vợ đọc chơi
            Cũng nghe thấm nỗi đau đời của thơ.
Người đọc nhận thấy có một hơi thở nhẹ thoảng qua suốt tập thơ “Trà My”, hơi thở ấy như cố nén lại một gấp gáp, để chu tròn một sự bình thản hồn nhiên. Những lúc ấy, thơ anh thật đẹp và hiền. Tôi thích những câu thơ lành lẻ như thiên nhiên này: “Bình yên một ngày nắng mới/Hồn nhiên chim hót rất hiền/Chập chùng xe về cuối phố/Chở cả nắng vàng tháng giêng”.
Có lẽ cũng cần nói thêm một chút về nghệ thuật. Dù là làm thơ tự do hay lục bát, tập “Trà My” là một phức hợp đa giọng điệu. Trong khi thơ tự do anh làm rất giàu chất siêu thực (bờ tóc hoang phế, hất ngược bờ tóc về đêm trước...) thì ở thể thơ lục bát vốn khó làm gần đây, vẫn có những nét duyên mới dân gian (Ta ngồi giữa cuộc chơi vơi/ Nửa miền tiên cảnh, nửa đời rất đau...).
Đọc suốt một lượt tập thơ, rồi đọc lại những câu thơ mình yêu thích, tôi hình dung trong đêm tối lặng lẽ những cánh hoa trà my khép hờ. Người thi sĩ lặng lẽ bên hoa, mang trong trái tim vòng kim cô nước mắt và viết lên giấy trắng u hoài tên của một loài hoa.
 Theo http://tapchisonghuong.com.vn/

1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...