Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Từ những cánh hoa rơi đến một triết lý sống

Từ những cánh hoa rơi đến một triết lý sống 
Trần Huyền Nhung
HOA TRẮNG
Giâu gia hoa nở bao giờ
Sớm hôm bỗng thấy bất ngờ hương bay
Bấy giờ mới ngước lên cây
Từng chùm hoa nhỏ thơ ngây dịu dàng
Mới đầu hoa lấm tấm vàng
Đến khi trắng muốt là tàn mất hoa
Có gì muốn nói với ta
Nhưng chưa nói được thì hoa lìa cành
Bước đi chậm nhẹ chứ anh
Vùng than đen, trắng những nhành hoa rơi…
Bồ hòn, 2-1970
Trần Nhuận Minh
Thú thực là tôi chưa nhìn thấy hoa giâu gia bao giờ. Đọc bài thơ Hoa trắng của Trần Nhuận Minh, mới biết loài hoa ấy cũng có hương và một chỉ dẫn quan trọng: Mới đầu hoa lấm tấm vàng/ đến khi trắng muốt là tàn mất hoa.
Hóa ra loài hoa có cái tên hoang dã ấy cũng còn rất đẹp nữa, đẹp cả khi sinh thành lẫn khi kết thúc một vòng đời của nó. Có lẽ cái màu trắng muốt kia cũng giống như cái trắng muốt lụa là trinh bạch của những bông hoa quỳnh mãn khai lúc nửa đêm, đẹp đến mức khiến lòng ta phải nhói lên những niềm bất an. Người ta bảo chơi hoa quỳnh là chơi sự chết của một bông hoa, nghe lạnh cả người nhưng ngẫm ra không đến mức vô lý. Ranh giới bảo toàn cái đẹp bao giờ vẫn cứ mong manh, bao giờ cũng khiến người ta có cảm giác là nó sắp tan biến đi như thế. Hơn ai hết, thi sĩ – kẻ nhạy cảm nhất với cái đẹp lại chính là kẻ thứ nhất dễ hoang mang nuối tiếc với sự mất còn của cái đẹp. Chính Blaga Đimitrova đã từng viết: Những loài chim đẹp nhất đẽ biến mất trong dòng đời. Những bông hoa đẹp nhất như những vết thương và chóng tàn hơn cả…
Tôi chợt nhớ đến loài hoa phù dung mang ý nghĩa tủi phận mà ai đó đã viết rằng:
Phù dung để gọi tên em
Cũng xinh, cũng đẹp, cũng nền cánh tươi
Cũng biết buồn, cũng biết vui
Chỉ vì lời nói chôn vùi tình em
Và:
Phù dung sớm nở tối tàn
Trời xanh ơi hỡi có oan không trời!
Không chỉ Tố Hữu, rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã có những tác phẩm cảm thông về cuộc đời, số phận của những bông hoa sặc sỡ " sớm nở, tối tàn" đó .Cốt truyện lặp lại không mới mẻ nhưng luôn là một đề tài đáng để chúng ta quan tâm.
Không phải ngẫu nhiên mà Hoàng Phủ Ngọc Tường có cả tập thơ mang tên "Người hái phù dung”. Dung nhan của loài hoa sớm nở tối tàn này thường trở đi trở lại trong văn thơ ông. Trong "Hoa bên trời”, trên xe lăn trong những ngày giao thời 2005, ông viết: Hoa phù dung biểu lộ lòng ham thích cuộc sống, mặt khác nó phải sống hụt một đời hoa... Mỗi lần nghe nhắc đến hoa phù dung, tôi lại thấy cảm giác rờn rợn như với một số phận đầy bi thảm. Như thể nó không phải một loài thực vật, mà là một thiếu nữ.
Tôi ngờ rằng nỗi nhói đau trong tâm hồn Trần Nhuận Minh đã bắt đầu từ cái màu trắng muốt của những” chùm hoa nhỏ thơ ngây dịu dàng” kia. Nó đẹp nhường ấy mà sao anh chỉ nhận ra trong một khoảnh khắc bất ngờ, vào cái lúc nó sắp sửa không tồn tại nữa! Nỗi nhói đau có màu sắc triết học và một thoáng ân hận của cõi lòng đã đẩy mạch thơ về phía xót xa hơn, nhân tình thế thái hơn:
Mới đầu hoa lấm tấm vàng
Đến khi trắng muốt là tàn mất hoa
Có gì muốn nói với ta
Nhưng chưa nói được thì hoa lìa cành
Tôi đặc biệt thích mấy chữ không có ý nghĩa tự thân thì, là, nhưng trong bốn dòng thơ này. Chúng đã xác nhận một sự thật tàn nhẫn về những bông hoa. Chúng góp phần tạo ra một giọng kể tỉnh táo trong những câu thơ. Nhưng ẩn chứa sau đó là một nỗi buồn sâu thẳm không ngôn ngữ trực tiếp nào nói hết được. Người ta có thể dài lời khi vui, nhưng khi buồn thì không thể và thực ra cũng chẳng cần. "Có gì muốn nói với ta. Nhưng chưa nói được thì hoa lìa cành”. Chúng ta đã từng chậm trễ như thế trong cuộc đời. Sự thờ ơ của tâm hồn, sự lãnh đạm của con mắt nhiều khi đã khiến chúng ta không thiết lập được mối cảm thông, chia sẻ cùng đồng loại. Chuyện hoa, chuyện đời lẫn trong nhau. Ý thơ đã được mở ra rất tự nhiên. Dư âm của những câu thơ còn dằn vặt người đọc…
Và như vậy, vượt khỏi chuyện hoa thì "bước đi chậm nhẹ chứ anh” sẽ là lời đề nghị về một thái độ sống. Hãy biết cảm nhận và nâng niu cái tốt đẹp, hãy biết lắng nghe và sẻ chia cùng đồng loại. Hiển hiện một điều tưởng như nghịch lý: Nhiều khi vội vã sống ta lại trở thành kẻ chậm trễ, nhưng nếu biết "bước đi chậm nhẹ” rất có thể ta sẽ đến được những bến bờ xa nhất. Hai màu đen và trắng đặt bên nhau trong câu thơ cuối như một nét nhấn thị giác rất có ấn tượng. Ta bỗng muốn được cùng nhà thơ thả bước đi chậm nhẹ đầy suy tư bên những lối mòn hoa rụng…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...