Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Nguyễn Thị Bích Hải dịch thơ tình Trung Hoa

Nguyễn Thị Bích Hải dịch thơ tình Trung Hoa
                              Tây Thi bên hồ sen. (Ảnh Internet)
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hải là người tuyển chọn và biên soạn Tuyển tập 108 bài thơ tình Trung Hoa (NXB Thuận Hóa, 1996). Ngoài bài viết hết sức công phu Tình yêu trong thơ Trung Hoa, chị còn tự mình dịch 72 bài thơ. 36 bài còn lại chị sử dụng bản dịch của các bậc tiền bối như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Bổng, Nam Trân, Khương Hữu Dụng, Tương Như…Tôi đã đọc khá kỹ 72 bài dịch thơ của chị với tấm lòng trân trọng và cảm phục. Thực tế cho thấy phần lớn những người vừa biết chữ Hán vừa có tài làm thơ như Tản Đà, Nam Trân, Khương Hữu Dụng… đều để lại không ít bản dịch hay. Cá biệt có trường hợp chuyên viết văn xuôi nhưng dịch thơ chữ Hán cũng hay chẳng thua kém các nhà thơ danh tiếng (như cụ Ngô Tất Tố). Một số nhà nghiên cứu, phê bình cũng tham gia dịch thơ. Những bản dịch của họ khá sát với nguyên tác nhưng xem ra  ít có bài hay.
Chị Nguyễn Thị Bích Hải là một chuyên gia về thơ Đường (chị là tác giả chuyên luận Thi pháp thơ Đường, NXB Thuận Hóa, 2006), cho nên việc chị dịch khá sát những bài thơ tình Trung Hoa cũng là điều dễ hiểu. Cái làm nhiều người bất ngờ nhất là chất thi sĩ tài hoa trong các bản dịch của chị. Cũng như những bậc tiền bối, chị Bích Hải khá linh hoạt khi lựa chọn các thể thơ để dịch. Với những bài ngũ ngôn tứ tuyệt, chủ yếu chị dịch theo thể thơ năm chữ.
Chẳng hạn như bài Giang biên liễu của Ung Dụ Chi, nguyên tác: Niễu niễu cổ đê biên/ Thanh thanh nhất thụ yên/ Nhược vi ti bất đoạn/ Lưu thủ hệ lang thuyền (Thướt tha bên con đê cổ/ Xanh xanh một cây khói/ Giá mà tơ liễu không đứt/ Thì giữ lấy để buộc thuyền chàng). Chị dịch: Bên đê cổ tha thướt/ Liễu như vòm khói xanh/ Giá mà tơ chẳng đứt/ Giữ lấy buộc thuyền anh. Đây là bài dịch tương đối sát ý, sát lời, chị chỉ thay đổi vần và hiệp vần (nguyên tác vần iên chị chuyển thành vần anh, nguyên tác gieo vần chân và vần cách, chị chỉ gieo mỗi vần cách). Như vậy, chị đã linh hoạt chuyển bản dịch của mình qua thể thơ tự do chứ không gò bó theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt như nguyên tác.
Bài Tây Thi của La Ẩn, nguyên tác: Gia quốc hưng vong tự hữu thì/ Ngô nhân hà khổ oán Tây Thi/ Tây Thi nhược giải khuynh Ngô quốc/ Việt quốc vong lai hựu thị thùy? (Việc hưng vong của quốc gia tự có thời vận/ Người nước Ngô sao cứ oán mãi Tây Thi? Nếu bảo Tây Thi làm nghiêng đổ nước Ngô/ Thì nước Việt bị diệt vong là do ai?). Chị Bích Hải dịch: Đất nước hưng vong tự có thì/ Tây Thi sao cứ bị trách hoài/ Nếu Ngô mất nước vì Tây tử/ Việt kia mất nước bởi tay ai? Cũng như bài Giang biên liễu, ở bài thơ này chị không giữ nguyên vần i mà chuyển sang vần ai, chị không gieo theo vần chân và vần cách mà chỉ gieo mỗi vần cách…
Với những bản dịch theo các thể thơ tự do như vậy, tuy chị dịch khá sát ý, sát lời nhưng cái chất thi sĩ, cái chất tài hoa chưa bộc lộ rõ cho lắm. Cái chất tài-hoa-thi-sĩ của chị chủ yếu được bộc lộ một cách rõ nét qua những bản chị dịch theo thể lục bát.
Ngay từ thời đang là sinh viên, tôi đã đọc thuộc một số bản dịch theo thể thơ lục bát của các dịch giả Tản Đà, Ngô Tất Tố, Nam Trân… Nguyên tác hai câu kết trong bài Tiết phụ ngâm (Trương Tịch): Hoàn quân minh châu song lệ thùy/ Hận bất tương phùng vị giá thì(Trả lại chàng viên minh châu, hai hàng nước mắt tuôn trào/ Hận vì không gặp nhau khi chưa lấy chồng). Cụ Ngô Tất Tố dịch: Trả ngọc chàng, lệ như mưa/ Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng, rất sát ý mà lời thơ hết sức nhuần nhuyễn, hết sức Việt Nam. Giờ đây, đọc một số bài dịch thơ tình Trung Hoa theo thể lục bát của chị Bích Hải tôi cũng có cảm nhận tương tự. Chẳng hạn bài Ký viễn của Lý Bạch, nguyên tác hai câu kết: Tương tư hoàng diệp lạc/ Bạch lộ thấp thanh đài (Nhớ nhau lá vàng rụng/ Sương trắng ướt đẫm rêu xanh). Nguyễn Hữu Bổng từng dịch: Nhớ nhau lá vàng rụng/ Rêu biếc sương dầm dề. Tưởng dịch như thế là hay lắm rồi, không ngờ chị Bích Hải chuyển qua thể thơ lục bát lại còn hay hơn: Tương tư cho lá vàng rơi/ Cho sương trắng bủa biếc ngời rêu xanh! “Nhớ nhau lá vàng rụng” thì sát lời mà chưa thật thoát ý, còn “Tương tư cho lá vàng rơi” vừa sát lời lại vừa thoát ý.
Ở một bài khác, bài Hoa Sơn kỳ, nguyên tác khổ kết: Tương tống Lao Lao chữ/ Trường Giang bất ưng mãn/ Thị nùng lệ thành hư (Tiễn nhau bên bến Lao Lao/ Trường Giang chẳng nên đầy/ Là nước mắt em tràn ngập). Chị Bích Hải dịch: Tiễn nhau bên bến Lao Lao/ Lệ em lặng lẽ chảy vào Trường Giang/ Dòng sông nước mắt mênh mang… Hình ảnh “dòng sông nước mắt mênh mang” hết sức ấn tượng. Âm hưởng câu thơ dịch cứ lan mãi, lan mãi trong không gian vô cùng, vô tận. Và đây là nguyên tác trong bài Quy tín ngâm của Mạnh Giao: Lệ mặc sái vi thư/ Tương ký vạn lý thân/ Thư khứ hồn diệc khứ/ Ngột nhiên không nhất thân (Mực hòa nước mắt viết thành thư/ Gửi đến người thân xa vạn dặm/ Thư đi hồn cũng đi/ Bỗng chốc chỉ còn trơ lại hình hài). Chị Bích Hải dịch: Mực hòa nước mắt thành thư/ Gửi người yêu quý bây giờ muôn xa/ Thư đi hồn cũng đi mà/ Chỉ còn trơ lại thân ta sững sờ. Với bản dịch này chị đã Việt hóa thơ Đường một cách hết sức tài tình. Tôi chợt nhớ đến từ mà trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…Câu cuối, chị thêm vào hai chữ sững sờ rất đắc địa, tưởng chừng như mạch thơ kia từ cảm xúc trong lòng chị tuôn trào chứ không phải ép mình theo nguyên tác.
Bài Thi của Bổng Kiếm Bộc lại được dịch một cách thanh thoát Chú chim xanh ngậm chùm nho/ Bay về đậu xuống bên bờ giếng dây/ Chỉ e chim giật mình bay/ Mỹ nhân chẳng dám đưa tay vén rèm từ nguyên tác: Thanh điểu hàm bồ đào/ Phi thượng kim tĩnh lan/ Mỹ nhân khủng kinh khứ/ Bất cảm quyển liêm khan (Chú chim xanh ngậm chùm nho/ Bay lên đậu tận lan can giếng vàng/ Người đẹp ngại làm chim sợ bay đi mất/ Không dám vén màn lên). Chị đổi “lan can giếng vàng” thành “giếng dây” rất phù hợp với cách tiếp nhận của người Việt Nam. Vì ở nước ta, loại giếng có lan can rất hiếm, trong khi đó loại giếng có cần buộc dây gàu lại khá phổ biến.
Tuy nhiên, chuyển từ thể thơ Đường luật sang thể lục bát là rất khó. Nên việc chị Bích Hải có một số bản dịch chưa thật thành công cũng là điều dễ thông cảm. Trong luật lục bát vẫn cho phép gieo vần “thông” (vần gần giống nhau) nhưng phải hết sức hạn chế. Ví như, ở bài Tý dạ ca có hai câu rất hay: Lý ty nhập tàn ky/ Hà ngộ bất thành thất (Dệt tơ trên khung cửi nát/ Lỗi ở chỗ nào mà chẳng thành tấm lụa?). Chị Bích Hải dịch: Tơ trên khung cửi rối bời/ Vì sao chẳng vẹn lứa đôi hỡi chàng? Hai câu lục bát trong bản dịch của chị không thể nói là không nhuần nhuyễn nhưng ý thơ thì hơi bị lộ so với nguyên tác. Nguyên tác, tác giả chỉ nói “lỗi ở chỗ nào mà chẳng thành tấm lụa”. “Vì sao chưa vẹn lứa đôi hỡi chàng” tuy diễn đạt đúng tâm trạng nhân vật trữ tình nhưng vì hơi bị lộ nên phần nào đánh mất tính hàm súc, đa nghĩa của bài thơ.  
Mai Văn Hoan
.

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...