Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Nhạc sĩ Lam Phương

Nhạc sĩ Lam Phương
Trong nền âm nhạc Việt Nam, có lẽ hiếm nhạc sĩ nào có phong cách sáng tác đa dạng như Nhạc sĩ Lam Phương, từ những ca khúc “bình dân” cho  đến nhạc lính, tình ca, quê hương cho đến dòng nhạc có tính sang cả như các ca khúc: Cỏ Úa, Phút Cuối, Mưa Lệ…
Nếu dòng nhạc Lam Phương dễ dàng hòa nhập vào lòng người bởi những ngôn từ đơn sơ, đầy cảm xúc và những giai điệu êm ái trữ tình thì cá nhân người nhạc sĩ tài hoa này cũng dễ dàng chiếm trọn cảm tình mọi giới bằng một nụ cười đôn hậu và một giọng nói nhỏ nhẹ chân tình. Rõ ràng là có một sự tương đồng nhất định giữa các ca khúc và nhạc sĩ. Mỗi ca khúc đã chiếu rọi vào một phần nhỏ trong đời sống của chính tác giả.
Đời sống của Lam Phương trải qua nhiều nỗi cơ cực và là một tấm gương phấn đấu không mỏi mệt. Và có lẽ vì đã nếm nhiều gian nan nên nhạc sĩ đã thành công rất vinh quang trong sự nghiệp âm nhạc với trên 200 nhạc phẩm thời danh trải dài suốt hơn 50 năm sáng tác. 
I. Tiểu sử nhạc sĩ Lam Phương:
Nhạc sĩ Lam Phương
Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, ông sinh ngày 20/03/1987 tạilàng Vĩnh Thanh Vân, hiện nay là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Nội tổ của anh vốn là người gốc Hoa, bỏ nước sang Việt Nam lập nghiệp trong đợt di dân ồ ạt của người Hoa chống đối với nhà Mãn Thanh. Đời ông nội của Lam Phương đã bắt đầu lai Việt Nam và đến thân phụ của anh thì chẳng còn dấu vết gì là người Hoa nữa.
Lam Phương là con đầu lòng, nhưng lớn lên chỉ thấy mẹ và các em trong cảnh nghèo nàn xác xơ. Ông bố đã bỏ đi theo người đàn bà khác từ lúc Lam Phương chưa đủ trí khôn. 
Với Lam Phương, Rạch Giá là nơi chôn nhau cắt rún, vui chơi, học hành và khôn lớn. Bao kỷ niệm thân yêu đã bàng bạc trong những bài ca, ý nhạc mà anh sáng tác suốt trên lộ trình dài nghệ thuật. Năm lên 10, ông được gửi lên Sài Gòn trọ học tại nhà người bác ruột ở đường Đinh Công Tráng (gần nhà thờ Tân Định). Tuần lễ trước khi từ giã quê nhà, nhạc sĩ đã lang thang trên khắp các bờ đê, ngồi thẫn thờ hàng giờ nhìn đàn cò trắng tung bay trên đồng lúa xanh rờn, nhìn đám lục bình trôi trên bến Dầu Voi (nơi hội nhập của hai giòng sông).
Ở nhà bác Tư, ngoài giờ học ở trường Les Lauriers, ông dành thời giờ học nhạc với nhạc sĩ Hoàng Lang. Thương cậu học trò nhỏ nghèo nhưng đầy năng khiếu và đam mê âm nhạc, người thầy dốc lòng truyền dậy mà không lấy nhạc phí. Sau vài tháng thụ huấn nhạc lý, vì bận rộn bài vở, thi cử nơi học đường, ông phải tạm ngưng việc học nhạc để đi làm. Tất cả những khó khăn, trắc trở đó đã không làm thui chột lòng đam mê âm nhạc và ước mơ trở thành nhạc sĩ. Có được đồng nào là ông tìm mua các sách nhạc để nghiền ngẫm, tự học thêm. Sau đó, ông có cơ duyên gặp gỡ được nhạc sĩ Lê Thương hướng dẫn thêm phương pháp soạn ca khúc phổ thông. “Tôi chỉ có thể dạy em về kỹ thuật sáng tác, nhưng hồn nhạc thì tôi không dạy được, cái đó là do thiên phú nơi môĩ người”. Câu nói chân tình của nhạc sĩ Lê Thương được ông khắc ghi mãi đến hôm nay. 
Đến năm 1958, Lam Phương lên đường nhập ngũ. Khúc quanh này của cuộc đời ông được phản ảnh qua những bản nhạc lừng danh như: “Chiều Hành Quân”, “Tình Anh Lính Chiến”, “Kiếp Tha Hương”…
Cuối thập niên 1960 – thời kỳ vàng son nhất của ông – Lam Phương lập gia đình với Túy Hồng. Người ca kịch sĩ này đã trình bày một cách hết sức truyền cảm những ca khúc của ông như: “Mộng Ước”, “Thu Sầu”, “Phút Cuối”… nhưng rất tiếc bà chỉ nổi tiếng trong lãnh vực kịch nghệ.
Sự thành công vượt bực của Lam Phương trong giai đoạn này khiến cho các nhà xuất bản ban đầu tẩy chay, không phổ biến những sáng tác của ông, nhưng sau đó, khi thấy Lam Phương tự xuất bản và phát hành mà tên tuổi vẫn đi lên, họ lại tìm tới thương lượng để mua các tác phẩm của ông với giá thật cao. Nhờ thế, Lam Phương đã qua được cơn bỉ cực và an cư trong những ngôi nhà khang trang ở khu cư xá Lữ Gia và rồi trên đường Nhật Tảo. Ông là một trong những nhạc sĩ thành công nhất về mặt tài chính, Khi di cư sang Mỹ vào năm 1975, tài khoản tại Ngân hàng của Ông có hơn 30 triệu (Lương của một Tổng Giám Đốc thời đó chỉ là vài chục nghìn/tháng).
Sang Mỹ với hai bàn tay trắng, Lam Phương làm đủ các nghê để kiếm sống: từ lau dọn, thợ mài, thợ tiện… Sang Mỹ chưa được bao lâu ông khám phá ra người bạn đời không còn thủy chung với anh nữa. Anh cay đắng vật vã, cố gắng hàn gắn nhưng không xong. Năm 1981, Ông chia tay với và người bạn đời sau đó ông sang Pháp cùng với cô em út mở một nhà hàng ở Paris. Tại đây Lam Phương tiếp tục sống lầm lũi cho qua ngày, mãi cho đến khi anh bất ngờ gặp một khúc rẽ tình cảm mới: Một người đàn bà rất đẹp đã đến với trái tim anh, giúp anh xóa đi những ngày tăm tối vừa qua. Nhờ khúc rẽ ấy, chúng ta mới có được một loạt ca khúc chan hòa niềm vui như Mùa Thu Yêu Đương, Tình Hồng Paris, Tình Đẹp Như Mơ, và nhất là Bài Tango Cho Em. 
Năm 1995, ông trở về Hoa Kỳ, cư ngụ ở California. Ngày 13 tháng 3 năm 1999, ông bị đứt mạch máu não ở bán cầu não bên trái. Tuy được cấp cứu kịp thời, nhưng hậu quả là ông bị liệt nửa thân người. Sau 5 năm kiên trì tập luyện, ông đã có thể di chuyển quanh nhà một mình mà không cần gậy. Hiện nay, ông sống tại Garden Grove, sức khỏe khả quan hơn nhiều . Bản tính lạc quan đã giúp ông đủ sức mạnh tinh thần để chịu đựng nổi bất hạnh và vượt qua nghịch cảnh.
II. Sự Nghiệp sáng tác:
Thầm lặng là khoảnh khắc thời gian tiếng nói con tim vang vọng nhiều nhất. Hay nói một cách triết lý hơn như triết gia Heidegger, ” kỷ niệm thường làm ta đau khổ vì sự gần gũi những gì đã xa cách “. Nếu hai nhận xét trên phản ảnh đúng phần nào tâm thức và cuộc đời con người thì có lẽ không sai lắm với nhạc sĩ Lam Phương. Đối với người nghệ sĩ này dường như trên phân nửa thời gian của một ngày ở trên đời là sống với thầm lặng. Trời đã sinh ra anh như vậy và người đời cũng may có một người như anh vậy, dành cả một đời người viết nhạc để ru đời.
Như đã nói, Lam Phương có phong cách sáng tác hết sức đa dạng, ở hầu hết các thể loại, mà thể loại nào cũng hay, cũng nổi tiếng.
Sự nghiệp âm nhạc của Lam Phương bắt đầu với tác phẩm “Chiều Thu Ấy” vào năm 1952. Nhưng hai năm sau, “Chuyến Đò Vĩ Tuyến” và “Kiếp Nghèo” mới thực sự tạo tên tuổi cho ông. 
Khi Lam Phương xoay qua sáng tác loại dân ca theo thể điệu mambo thì những dòng nhạc mới này của ông đã thẩm thấu vào lòng mọi tầng lớp dân chúng rất nhanh. Những ca khúc rất thịnh hành lúc bấy giờ như: “Khúc Ca Ngày Mùa”, “Trăng Thanh Bình”, Nhạc Rừng Khuya”… đã làm say mê bao người yêu nhạc. 
Đến năm 1958 là thời gian Lam Phương gia nhập quân đội thì ông nghiêng hẳn những sáng tác của mình về những nhạc phẩm đề cập đến đời lính chiến. 
Trong giai đoạn trước năm 75, sức sáng tác của Lam Phương càng dàn trải trên nhiều thể loại rất phong phú mà đặc biệt một điểm là hầu hết ca khúc nào anh đưa ra cũng đều trở thành Top Hit trên thị trường, điển hình như Chờ Người, Tình Bơ Vơ, Duyên Kiếp, Thành Phố Buồn, Tình Chết Theo Mùa Đông, Thu Sầu, Nghẹn Ngào, Trăm Nhớ Ngàn Thương, Phút Cuối, Ngày Buồn v.v…đưa anh vào vị trí một nhạc sĩ thành công nhất Việt Nam.
Sau khi ông chia tay với người bạn đời, nỗi xót xa, cay đắng trong đời ông vội vàng hiện hình trong những sáng tác như: “Tình Vẫn Chưa Yên”, “Lầm”, “Một Đời Tan Vỡ”…
Sau năm 1981 Ông chuyển sang sinh sông tại Paris. Thời gian sống ở Paris chính là thời gian sáng tác dồi dào nhất của ông với khoảng trên 100 nhạc phẩm trong tổng số 200 nhạc phẩm trải dài suốt cuộc đời âm nhạc của ông, phần lớn là tình ca cùng một số nhạc quê hương và nhạc thời chinh chiến. Khung cảnh mới lạ, mang tính chất lãng mạn và cổ kính của thủ đô nước Pháp đã ảnh hưởng sâu xa đến dòng nhạc của Lam Phương khiến ông cảm thấy thoải mái hơn trong việc sáng tác. Từ đó nhiều nhạc phẩm đặc sắc của Lam Phương được ra đời như “Mùa Thu Yêu Đương”, “Tình Hồng Paris”, “Cho Em Quên Tuổi Ngọc”, “Bài Tango Cho Em”, “Cỏ Úa”…
Với hơn 200 nhạc phẩm trong suốt 50 năm sáng tác. Lam Phương là một trong những nhạc sĩ được yêu mến nhất. Có lẽ ca từ đơn sơ, đầy cảm xúc đã khiến những nhạc phẩm của ông rất gần gũi với người nghe. Ông cũng chính là tác giả được người nghe “chế” lại lời cho các nhạc phẩm của mình nhất.
Một số sáng tác tiêu biểu của Lam Phương
Chiều thu ấy (1952)
Chuyến đò vĩ tuyến (1954)
Kiếp nghèo (1954)
Khúc ca ngày mùa
Trăng thanh bình
Đoàn người lữ thứ
Chiều tàn
Sầu Cố đô
Lá thư Miền Trung
Bức tâm thư
Nắng đẹp Miền Nam
Tình anh lính chiến
Phút cuối
Chiều hành quân
Đêm dài chiến tuyến
Buồn mà chi
Biết đến bao giờ
Kiếp tha hương
Mùa thu yêu đương
Tình hồng Paris
Cho em quên tuổi ngọc
Tình vẫn chưa yên
Lầm
Một đời tan vỡ
Từ ngày có em về
Tình đẹp như mơ
Bài tango cho em
Cỏ úa
Một mình
Tình bơ vơ
Thu sầu
Duyên kiếp
Thao thức vì em(Em là tất cả)
Thành phố buồn
Mưa lệ
Tiễn người đi
Đêm tiền đồn
Ngày hạnh phúc
http://quannhac.net/

1 nhận xét:

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...