Trong nhiều thế kỷ các nhà lý luận thường tranh cãi rất mất
nhiều thời giờ về lý thuyết phản ánh.
Thơ có phản ánh thực tế không? Theo tôi, đó là một cách đặt vấn
đề không thoả đáng. Nó gây nhiều sự lẫn lộn vô ích và có hại. Điều quan trọng
nhất không phải thơ có phản ánh thực tế hay không mà phản
ánh như thế nào.
Người ta hay nhắc đến trường hợp nhà thơ Trương Kế với bài Phong
Kiều dạ bạc nổi tiếng.
Đêm nằm thuyền trằn trọc, Trương bỗng bật ra hai câu thơ kiệt
xuất:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
(Trăng lặn quạ kêu sương đầy trời
Cây phong bên sông và lửa chài đối giấc ngủ buồn bã)
Làm đến đó thời tắc.
Trương loay hoay mãi nhưng nghĩ không ra. Bài thơ bốn câu có
nguy cơ bị chết yểu nửa chừng.
Đương chán, bỗng tiếng chuông chùa Hàn Sơn vẳng tới. Như có
thần nhân mách bảo, Trương cầm bút viết tắp lự hai câu thơ:
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo
khách thuyền
(Chùa Hàn Sơn ngoài thành Cô Tô
Nửa đêm chuông ngân đến thuyền khách)
Không ít các nhà lý luận cho rằng tiếng chuông đã sinh ra hai
câu thơ, hay nói một cách khác thực tếtiếng chuông đã được phản ánh trong
hai câu thơ này. Chao ôi! Số tao nhân mặc khách mất ngủ trên sông nghe tiếng
chuông đêm là bao nhiêu người, tiếng chuông chùa Hàn Sơn có phải chỉ đêm nay mới
đánh đâu mà sao chỉ câu thơ Trương Kế còn vẳng lại. Tiếng chuông chùa đã có từ
ngàn năm nhưng hình như nó chỉ tồn tại với đời từ khi có câu thơ của
Trương Kế.
Chính vì vậy mà một số nhà phê bình cực đoan thuộc trường phái
duy mỹ của Osca Wide đã kết luận: Chính Trương Kế đã sinh ra tiếng chuông kia(!)
Tiếng chuông như đã có sẵn trong đầu nhà thơ và tiếng chuông
ngoại giới chỉ có nhiệm vụ làm nó thức giấc như cái hôn của chàng Hoàng tử làm
thức giấc nàng Công chúa ngủ trong rừng.
Quả táo rụng trúng đầu nhiều người chứ có phải chỉ trúng đầu
một mình Newton đâu, sao chỉ có duy nhất nhà khoa học đảo quốc sương mù nghĩ ra
định luật vạn vật hấp dẫn.
Vậy quả táo có trước hay định luật nổi tiếng kia có trước?
Ta lại có nguy cơ rơi vào cái vòng luẩn quẩn con gà sinh ra
quả trứng hay quả trứng sinh ra con gà.
Thật ra từ khi con người xuất hiện, tự nhiên không còn tính
thuần tuý khách quan của nó nữa. Nói như các nhà vật lý lượng tử nó đã trở
thành một khách thể- chủ thể (objectif- subjectif). Tự nhiên trở thành có
nghĩa và nghĩa đó là do con người cung cấp cho nó, hay nói một cách khác,
tự nhiên đã trở thành một khách thể văn hoá.
Ta từng khen một cảnh đẹp hay chê một cảnh xấu.
Đẹp hay xấu không phải một thuộc tính của tự nhiên. Tự nhiên
chỉ tồn tại. Thế thôi.
Chính con người, chính văn hoá đã cấp cho nó ý nghĩa đẹp hay
xấu.
Có lẽ vì thế mà giai đoạn tập rượt của con người kéo dài đến
thế so sánh với giai đoạn tập rượt của các động vật khác. Con người chủ yếu là
sinh vật phát nghĩa (homo- significans).
Giai đoạn tập rượt này có thể kéo dài suốt đời. Phát nghĩa gắn
liền với học tập, với văn hoá.
Một con người ăn lông ở lỗ có thể dửng dưng bước trên một cây
cầu vắt qua suối hai bên trồng liễu nhưng một người đã đọc Nguyễn Du:
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
Con người đó không thể qua cầu mà không bâng khuâng tức cảnh
sinh tình.
Cho nên nói con người văn hoá là con người cảm thông với ý
nghĩa của vạn vật chung quanh, hơn nữa, trên những ý nghĩa đã tồn tại, còn
có khả năng tạo ra những ý nghĩa mới.
Platon trong phương án tổ chức nước Cộng hoà hoàn toàn có chức
năngcủa ông đã đề nghị nên tống tiễn các nhà thơ ra khỏi nền cộng hoà vì thơ
không có chức năng thiết thực gì, nhưng với trực giác của một nhà triết học thượng
thặng, ông không quên căn dặn nên tống tiễn các nhà thơ ra khỏi nền cộng hoà với rất
nhiều hoa.
Platon không hiểu (hay cố tình không hiểu) rằng con người ta
không phải chỉ sống bằng bánh mỳ mà còn sống với những nhu cầu tinh thần khác
cũng bức thiết không kém, trong đó có nhu cầu về cái đẹp.
Không phải cảnh nên thơ xui khiến con người làm thơ
mà phải nói rằngcảnh trở nên thơ do cái nhìn thơ của thi nhân đối
với nó.
Cuộc sống thực dụng, vật chất mài mòn cảm giác khiến con người
ngày càng trở thành dửng dưng hơn, vô tâm hơn với ngoại giới.
Một nhà thơ lớn hàng đầu của thi ca nhân loại, Apollinaire,
thường lo lắng đến viễn cảnh một ngày kia con người không ai còn ngạc nhiên nữa
trước hình ảnh một con tàu.
Con người hiện đại ngày càng tách rời khỏi tự nhiên khỏi môi
trường sống của nó.
Một tương lai bê tông hoá là một viễn cảnh không lấy gì làm tốt
đẹp đối với thế giới.
Người ta ngày càng nhắc nhiều đến nhu cầu xanh của
cộng đồng.
Người làm thơ cũng như người cán bộ môi trường có nhiệm vụ
chăm lo đến nhu cầu xanh của đời sống.
Nhiệm vụ của nhà thơ là tạo ra những cái nên thơ mới làm
cuộc sống ngày một “xanh sạch đẹp” hơn, có ý nghĩa hơn, thi vị hơn và đáng sống
hơn.
Việc sản xuất ra những cái nên thơ mới đã trở thaàh
nhu cầu thiết yếu của một xã hội ngày càng công nghiệp hoá ở mức cao, một đóng
góp quan trọng trong việc cải thiện chất lượng sống của con người kĩ
học.
Ngày xưa chỉ có cảnh trăng thanh gió mát, cảnh heo may xào xạc,
cảnh chia ly bên cầu liễu là nên thơ. Các nhà thơ hiện đại đã có công tạo ra những
cái nên thơ mới bằng những chất liệu từ trước đến nay vẫn bị coi là dung
tục.Nhờ họ mà con tàu xuyên Xyberi, chiếc máy giặt, miếng thịt, con sò, con hến,
bột xà phòng…(xem B.Xăngđra, F.Pongiơ…) đều trở thành nên thơ trong thế giới
hàng ngày của nghiệm sinh.
Thơ chống lại nguy cơ sa mạc hoá của tâm cảnh.
Với các nhà thơ hiện đại, mỹ học ngày càng đồng
nghĩa với đạo đức học.
Khi Mạnh Hạo Nhiên sau một đêm mưa to gió lớn thức giấc tự hỏi:
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu
(Đêm qua tiếng gió mưa
Hoa rụng nhiều hay ít)
Ông không hề thuyết giảng dông dài về đạo đức, về lòng bác ái
nhưng một con người đêm nghe tiếng gió mưa, sớm tự hỏi về hoa như vậy liệu có
thể là một kẻ độc ác và nhẫn tâm không?
Đọc một câu thơ hay, ta thường có cảm giác đứng trước một bến
đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng thiện những
vùng trời tốt đẹp hơn, nhân tính hơn…
Cổ nhân nói:
“Con người là sinh vật của những khoảng xa”.
Thơ chính là tiếng nói của những khoảng xa đó.°
(Văn Nghệ số Tết Ất Dậu, 2005)
Tô hồng là bầy vẽ thêm thắt vào hiện thực những màu sặc
sỡ làm mờ những yếu tố tiêu cực, khuếch đại những mặt tích cực để quảng cáo.
Sản xuất cái nên thơ là đi sâu vào bản chất hiện thực,
phát lộ những hàm nghĩa chưa biết, những mặt chìm của tảng băng, tăng cường
nhân tính đẩy lui nguy cơ sa mạc hoá vô cảm của thiên hướng tiêu dùng ngày càng
phát triển trong một xã hội quá ư thực dụng.
Một đằng là sự loé sáng của phát minh.
Một đằng là sự loè loẹt của hàng chợ.
Lê Đạt
đại lý vé máy bay eva air
giá vé máy bay đi mỹ hãng eva
phòng vé korean air tại tphcm
vé máy bay đi mỹ mùa nào rẻ nhất
vé máy bay đi canada giá bao nhiêu
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Du Lich Tu Tuc
Kien Thuc Du Lich