Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh 26/9/1948 tại Hải Phòng, là con thứ hai trong một gia đình có bảy người con. Ông lớn lên với sách vở, thơ văn, vì gia đình có mở một nhà sách tên Thanh Bình ngay thành phố Cảng, và sau này mở trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) Sài Gòn, trước trường tiểu học Pháp Aurore.
Sau khi gia đình vào Sài Gòn, Ngô Thụy Miên theo học và tốt nghiệp về hai bộ môn vĩ cầm và nhạc pháp do các nhạc sĩ Hùng Lân và Đỗ Thế Phiệt giảng dạy tại trường Quốc Gia Âm Nhạc vào năm 1965, tuy nhiên ông bắt đầu viết nhạc từ năm 1963.
Tình khúc đầu tiên mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sáng tác là bài “Chiều nay không có em” (1965), được giới SVHS thời đó hưởng ứng rất nồng nhiệt. Vài năm sau, ông cho xuất bản một tập nhạc đầu tay lấy tựa “Tình Khúc Đông Quân” in ronéo phát hành tại Sài Gòn (1969). Đông Quân chính là bút hiệu đầu đời của ông trước khi đổi tên Ngô Thụy Miên như bây giờ.
Trong tuyển tập “Tình Khúc Đông Quân”, Ngô Thụy Miên đã ghi lời tâm bút thay cho lời ngỏ trên trang đầu, là những tình khúc viết cho bạn bè và tình yêu, trong đó gồm 12 bài tình ca gồm : Giáng ngọc, Mùa thu này cho em (sau đổi Mùa thu cho em), Gọi nắng (tức Giọt nắng hồng), Dấu vết tình yêu (là Dấu tình sầu), Cho những mùa thu (là Thu trong mắt em), Tình khúc tháng 6, Nhạt Tình (là Dấu vết tình yêu), Mây hồng (là Tuổi mây hồng), Gọi tên em, Ái xuân, Mùa thu về trong mắt em (là Mắt thu) và Ngày mai em đi. Ca khúc mới nhất của Ngô Thụy Miên có tên “Một lần là mãi mãi”.
Sau những sáng tác từ năm 1963, các nhạc phẩm của Ngô Thụy Miên đến với công chúng vào năm 1965, sau đó ông có những nhạc phẩm phổ thơ của thi sĩ Nguyên Sa Trần Bích Lan, qua các bài Áo lụa Hà Đông, Paris có gì lạ không em, Tuổi 13…
Còn trong thời gian theo học đại học, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã nhiều lần trình diễn và phổ biến những sáng tác của ông tại các hội quán văn nghệ, các trung tâm văn hóa và giảng đường đại học. Năm 1974, Ngô Thụy Miên thực hiện cuốn băng nhạc đầu tay “Tình Ca Ngô Thụy Miên” gồm 17 tình khúc được viết trong khoảng thời gian 1965 – 1972. .
Sau ngày 30/4/75 đến tháng 10/78, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đến đảo Pulau Bidong, Mã Lai, và ra mắt một sáng tác viết từ năm 1975, là bài “Em còn nhớ mùa xuân” gởi tặng riêng người yêu là Đoàn Thanh Vân, là con gái của nam tài tử Đoàn Châu Mậu (trong một gia đình gồm những người hoạt động về điện ảnh và âm nhạc như Đoàn Châu Mậu bố của Đoàn Châu Nhi, Đoàn Châu Bào, Đoàn Thanh Sâm, Đoàn Thanh Tuyền một thời cùng với nhạc sĩ Đức Huy. Có sự kết hợp thành cặp song ca Đức Huy – Đoàn Thanh Tuyền nổi tiếng trong những sinh hoạt nhạc trẻ vào đầu thập niên 70).
Tình yêu giữa Ngô Thụy Miên và Đoàn Thanh Vân bắt đầu khi cả hai gặp gỡ nhau tại trường Quốc Gia Âm Nhạc, bị ngắt quãng một thời gian để sau đó lại tái hợp vào năm 1973 rồi đi đến quyết định thành hôn. Nhưng ngày 30/4/75 đến như một sự chia cách, khiến dự định thành hôn của hai người đã không thành, vì Đoàn Thanh Vân theo gia đình ra đi trong những ngày đầu tiên, trong khi Ngô Thụy Miên ở lại Sài Gòn. Chính niềm thương nhớ đó đã tạo thành cảm xúc cho ông sáng tác ra ca khúc “Em còn nhớ mùa xuân”.
Sau đó nhạc sĩ Ngô Thụy Miên được bảo lãnh sang Montréal, Canada, vào tháng Tư năm 1979. Đoàn Thanh Vân từ San Diego, được tin người yêu đã đến Canada, đã bay sang nối kết lại cuộc tình. Cùng năm 1979, cả hai qua sống tại San Diego rồi dời lên Orange County. Năm 1980, Ngô Thụy Miên bắt đầu đi làm về ngành điện toán cho trường UCLA, tại thành phố Olympia thuộc tiểu bang Washington.
Trong thập niên 1990, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tiếp tục sáng tác với những ca khúc mới như Cần thiết, Em về mùa thu, Trong nỗi nhớ muộn màng… và nhất là Riêng một góc trời (1997). Năm 2000, là bài “Mưa trên cuộc tình tôi” được khán thính giả đón nhận một cách đặc biệt. Tổng cộng đến nay, Ngô Thụy Miên sáng tác được trên 70 ca khúc, với khoảng 20 bài từ trong nước.
Tác phẩm:
Ái xuân
Áo lụa Hà Đông
Bản tình cuối
Bài tình ca cho em
Biết bao giờ trở lại
Biển và em
Bốn mùa quạnh hiu
Cần thiết
Chiều nay không có em
Chiều qua công viên
Chiều xuống Paris
Dấu tình sầu
Dấu vết tình yêu
Dốc mơ
Em còn nhớ mùa xuân
Em về mùa thu
Giáng ngọc
Giã từ em Cali
Giọt buồn mùa đông
Giọt nắng hồng
Giọt nước mắt ngà
Gọi tên anh
Mắt biếc
Mắt thu
Mây bốn phương trời
Miên khúc
Một cõi tình phai
Một đời quên lãng
Mùa thu cho em
Mùa thu xa em
Nắng Paris, nắng Sài Gòn
Niệm khúc cuối
Nỗi đau muộn màng
Nỗi đau từ đấy
Ở nơi nào em còn nhớ
Paris có gì lạ không em
Riêng một góc trời
Tháng giêng và anh
Thu khóc trên ngàn
Thu trong mắt em
Tình cuối chân mây
Tình khúc buồn
Tình khúc mùa xuân
Tình khúc tháng sáu
Trong nỗi nhớ muộn màng
Từ giọng hát em
Tuổi mười ba
 Theo http://quannhac.net/

1 nhận xét:

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...