Ngàn cánh sen xanh biếc
Đỗ Hồng Ngọc
Một hôm, trước hàng vạn các vị Đại Bồ tát vây quanh, Phật
nói: “ Như Lai chẳng bao lâu nữa sẽ vào Niết Bàn; sau khi vào Niết Bàn rồi,
muốn hết thảy chúng sanh, trong hàng tu học, không còn nghi ngờ nữa. Các người
muốn hỏi chỗ nào, Ta sẽ dạy cho.”.
Các vị Đại Bồ tát, trong đó có Đại Trang Nghiêm Bồ tát dẫn đầu
đồng thanh hỏi:
“Bạch Thế Tôn! Các vị đại Bồ tát muốn mau thành đạo Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác, cần phải tu hành những pháp môn nào?”.
Muốn “mau” thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ư?
Nghĩa là muốn mau thành… Phật ư? Xưa nay, ít khi nào các đệ tử Phật dám đặt một
câu hỏi “thẳng thừng” như vậy. Đây có lẽ là cơ hội tốt nhất vì Phật nói sắp “Niết
bàn”, lại cho phép “… mặc ý các ông thưa hỏi” nên mới mạnh dạn đặt một
câu hỏi bấy lâu canh cánh bên lòng chẳng tiện nói ra. Thật vậy, bấy nay chỉ
mong làm Thanh Văn, A-la-hán, Bồ-tát… mà đã rất nhiêu khê, mà nay dám hỏi làm
sao cho mau thành Phật! Thì ra chuyện muốn « thành Phật » vốn cũng là
« món tánh dục » lớn của chúng sanh ! Nhưng ở đây ta còn thấy có
một cái ý muốn cao hơn : muốn « mau » thành Phật, chớ không phải
từ từ mà thành Phật nữa kìa!
Hơn ngàn năm sau đó, Huệ Năng từ Lãnh Nam đến gặp sư phụ
Hoàng Nhẫn. Sư phụ hỏi: “Ngươi từ phương nào đến, muốn cầu vật gì ?” Huệ Năng
đáp: “Đệ tử từ xa đến lễ Thầy, chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác !”.
Không cầu gì khá!. Chỉ cầu làm Phật ! Thì
ra… ngàn xưa ngàn sau vẫn thế, chúng sanh vẫn chỉ cầu làm… Phật.
Mà Phật cũng chỉ mong có vậy, cũng chẳng mong gì hơn !
Mong cho tất cả chúng sanh “đều thành Phật đạo” mà ! Bởi tất cả chúng sanh
đều sẵn có Phật tánh như viên ngọc giấu trong chéo áo đó thôi, dù là chéo áo của
người khố rách áo ôm hay của đại gia nứt đố đổ vách cũng đều sẵn có viên ngọc
đó cả ! Phật vẫn chẳng luôn nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật
sẽ thành”… đó sao ?
Trả lời cho câu hỏi muốn mau thành Phật phải tu hành những
pháp môn nào của Đại Trang Nghiêm Bồ-tát, Phật ôn tồn đáp: “ Có một pháp
môn hay, làm cho các vị Bồ-Tát mau thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.
Các vị đại Bồ-tát nhao nhao hỏi: “Pháp môn này tự hiệu
là chi? Nghĩa như thế nào? Phải tu hành làm sao?”.
Phật đáp: “ …Pháp môn này gọi là Vô Lượng Nghĩa. Bồ-tát
nếu tu được pháp môn Vô Lượng Nghĩa này, sẽ mau thành đạo Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác”.
Chưa bao giờ Phật dễ thương đến vậy! Hỏi đâu đáp đó, ân cần,
niềm nở. Mọi người đều dỏng tai lên mà nghe.
“Vô lượng nghĩa này từ một pháp sanh ra, một pháp ấy chính
là vô tướng. Vô tướng đây nghĩa là vô tướng mà chẳng phải vô tướng, chẳng
phải vô tướng mà vô tướng, nên gọi là thật tướng”.
Ối trời! Thiệt là “điếc con ráy”! Không biết tám vạn Đại Bồ-tát
có mặt lúc đó có vị nào choáng váng, lùng bùng lỗ tai không, nhưng rõ ràng đã
không ít kẻ bỏ đi ! Nào chỉ từ một pháp, nào vô tướng, nào thật tướng…
« vô tướng mà chẳng phải vô tướng, chẳng phải vô tướng mà vô tướng »!
Ai bỏ đi mặc kệ, những người còn ngồi lại được Phật ân cần giải thích thêm:
“Các pháp xưa nay vắng lặng như hư không, sanh trụ dị diệt niệm
niệm chẳng dừng mà bản thể của nó vẫn là như như bất động, thường trụ: nó chính
là vô tướng”.
Rồi giữa lúc mọi người vẫn đang còn có vẻ ngơ ngác, Phật tiếp
tục hướng dẫn “phải tu hành cách nào cho mau thành Phật ? »:
Phải quan sát hết thảy các pháp: tánh tướng của nó xưa nay vẫn
thường không tịch (…). Do con người suy tính giả dối mà phát khởi những vọng niệm
chẳng lành, gây tạo nghiệp dữ…
Phải quan sát để rõ thấu hết thảy các pháp: pháp tướng như vậy sanh cũng
như vậy, pháp tướng như vậy trụ cũng như vậy, pháp tướng như vậy dị cũng
như vậy, pháp tướng như vậydiệt cũng như vậy. Các pháp tướng như vậy mà
hay sanh pháp dữ, pháp lành.. trụ, dị, diệt cũng đồng như vậy. Bồ-tát quan sát
bốn tướng trước sau như vậy đều biết khắp cả các pháp khác.
Rồi nói rõ thêm : Hơn nữa còn phải quan sát kỹ càng
hết thảy các pháp, mỗi niệm mỗi niệm không ngừng, sanh diệt nối nhau mãi mãi, lại
quan sát bốn tướng sanh trụ dị diệt trong hiện tại. Quan sát như thế mới hiểu
thấu nguồn gốc tánh dục của chúng sanh; tánh dục của chúng sanh vô lượng, nên
thuyết pháp vô lượng, thuyết pháp vô lượng, nên nghĩa cũng vô lượng.”.
Dĩ nhiên, kinh Vô lượng nghĩa này đã nói cho các vị Đại Bồ-tát
buổi hôm đó cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm dưới chân núi Linh Thứu. Ta bây
giờ nghe “điếc con ráy”, lùng bùng, choáng váng là phải. Nhưng, cũng bởi cái
“tánh dục của chúng sanh » là ta vốn tò mò, ham hiểu
biết buộc ta lần dò tìm kiếm, nghiền ngẫm suy tư. Có cái gì đó giấu nhẹm bên
trong chăng? Một bí tạng, một kho tàng, một bí kíp thượng thặng giúp “mau” thành
Phật chẳng hạn?
Phật nói chỉ có mỗi một pháp môn đó thôi. Không cần nhiều.
Lâu nay nói tám vạn bốn ngàn pháp môn gì đó chẳng qua là một cách nói, để đáp ứng
cái « tánh dục » vô lượng của chúng sanh thôi, chớ thiệt ra chỉ
có một, chỉ cần Một. Bởi một là tất cả và tất cả là một. Phật đã nói
điều này ngay từ buổi ban đầu, dưới cội Bồ-đề, chẳng qua người ta không thể hiểu
thấu, từ đó phải bày ra vô vàn phương tiện nọ kia.
Một pháp ấy chính là vô tướng thật tướng. « Vô
tướng đây nghĩa là vô tướng mà chẳng phải vô tướng, chẳng phải vô tướng mà vô
tướng, nên gọi là thật tướng ».
Hóa ra bấy nay ta loay hoay khổ sở chỉ vì sống trong cái “hữu
tướng / giả tướng”! Ngày nào thoát ra được, thấy được, sống được trong cái “vô
tướng / thật tướng” kia thì ta đã là một ta khác!
Ta hiểu tại sao kinh Kim Cang bảo “Phàm sở hữu tướng giai thị
hư vọng”, hễ cái gì có “tướng” (hữu tướng) đều là hư vọng; và “Ly nhất thiết tướng
tức danh chư Phật” tức là rời bỏ được hết thảy các tướng thì đã gọi được là Phật!
Bởi vì cái “tướng” kia chẳng qua chỉ là cái trình hiện bên ngoài, cái « biểu
kiến » xanh xanh đỏ đỏ… do tập hợp của trùng trùng duyên khởi cho nên nó
là “giả”, còn cái “thực” ở bên trong, ở đằng sau kia, chính là « vô tướng »!
Nhưng nhớ rằng “Vô tướng đây nghĩa là vô tướng mà chẳng phải
vô tướng” có nghĩa là tuy “vô” mà vẫn “hữu”, tuy “không” mà vẫn “có” đó,
dù là cái có “giả”, nhưng đó cũng chính là cái “diệu hữu” cần phải thấy vì nếu
không ta lại rơi vào « hư vô chủ nghĩa ». Thị pháp trụ pháp vị /
Thế gian tướng thường trụ. Miễn là đừng bám, đừng dính mắc mà chỉ nên biết
nó là « diệu hữu » để hạnh phúc ở đây và bây giờ với nó. Còn “chẳng
phải vô tướng mà vô tướng” thì cái “có” lại vốn từ “không”. Nó là cái
“chân không” đó vậy. Chân không mà diệu hữu. Diệu hữu mà chân không. Sắc tức thị
không / Không tức thị sắc. Như vậy thì cái gọi là “thật tướng” thực ra bao gồm
cảhữu lẫn vô, có lẫn không. Bám hữu đã sai mà bám vô càng
sai.
Tu hành cách nào ư ? Phật dạy : Phải quan sát
hết thảy các pháp. Tánh tướng của nó xưa nay vẫn thường không tịch. Thấu
rõ pháp tướng như vậy thì sanh trụ dị diệt nó phải như vậy, trước sau như vậy…
Phải quan sát ! Ở đây không chỉ là « định » nữa
mà phải là « quán »: Ưng tác Như thị quán !
« Quán » mới thấy, nghĩa là không chỉ nhìn một cách hời hợt mới nhận
ra. Thấy gì ? Thấy « Nó vậy đó ». Chuyện xưa lẫn chuyện nay, từ
lúc tưởng trời tròn đất vuông, mặt nhựt đứng yên một chỗ đến tỷ tỷ thiên hà
xoay xà quần, từ lúc tưởng chỉ có một vũ trụ universe đến biết có hằng hà sa số
vũ trụ multiverse, từ nguyên tử đến hạ nguyên tử, đến hạt, đến sóng để rồi đến
« bổn lai vô nhất vật »… Tới lúc « kiến tướng phi tướng »
thì đã có thể… « kiến Như Lai ». Lúc đó thì thấy Như Lai tủm tỉm cười,
nhường chỗ, mời ngồi, tay bắt mặt mừng, ân cần thăm hỏi cố nhân…
« Nói kinh này xong, Đức Phật ngồi xếp bằng nhập vào
chánh định “Vô-Lượng Nghĩa – Xứ”, thân và tâm đều không lay động ».
Trời bèn mưa hoa và khắp cõi sáu điệu rung động.
Tôi người thầy thuốc, một bác sĩ y khoa, vốn có cái học
« khoa học thực nghiệm », tò mò mà không dễ tin. Cũng vì cái “nghiệp”
của mình mà lang thang trong rừng kinh sách của bậc Y vương tìm thuốc cứu mình,
cứu người. Hơn mười lăm năm trước, do một « cơ duyên” khá đặc biệt, tôi đến với
Tâm Kinh Bát Nhã, trả lời được cho mình câu hỏi « Tại sao ?”, rồi
đánh bạo viết ra Nghĩ từ trái tim để chia sẻ cùng bạn bè trang
lứa, đồng bệnh tương lân ; sau đó, không biết thúc đẩy thế nào mà lại
lò mò tìm đến với Kim Cang để có được trả lời cho câu hỏi “Cách nào?”, rồi cũng
đánh bạo mà viết Gươm báu trao tay ; và rồi, không dừng ở đó, mấy
năm nay tự dưng lại say mê nghiền ngẫm Pháp Hoa và thấy hiện ra câu trả lời cho
một câu hỏi bấy nay canh cánh bên lòng: «Cái gì?”. Giờ đây hình như tôi đã có
chút ít hiểu biết tại sao người xưa luôn mong « Nguyện giải Như Lai chân
thật nghĩa »…
Pháp Hoa với tôi như một bài thơ vĩ đại, một đà-la-ni khổng lồ,
hàm chứa nhiều ẩn nghĩa sâu sắc, giấu nhẹm trong đó một bí tạng, một « bí
kíp » của Như Lai. Pháp Hoa như tiếng nói ú ớ của người nói không được, về
một điều « bất khả thuyết » đành phải dùng những ẩn dụ, những ngụ
ngôn… nhiều khi huyền hoặc, xa mờ để che lấp nên phải chịu khó lật từng lớp
« hoa lá cành” mù mịt kia, từng lớp vỏ trong vỏ ngoài nọ mới mong tìm thấy
được cái « lõi cây » bên trong. Pháp Hoa vừa đòi hỏi phải suy tìm cho
ra “ẩn nghĩa”, rồi phải miên mật « thực hành » mới thấy đây là diệu
pháp, kia là liên hoa…
Nghiền ngẫm thực hành Pháp Hoa, thấy… thương Phật quá! Với
lòng Từ bi vô hạn, luôn bằng mọi cách giúp giải thoát cho chúng sanh nên Phật
muôn đời vẫn luôn là « Bổn sư Thích Ca Mâu Ni» đó vậy. Chưa lúc nào
Phật gần gũi, dễ thương như ở Pháp Hoa. Có lúc hình như cũng lúng túng, cũng do
dự, có lúc phải lặp đi lặp lại đôi ba lần rằng hãy tin lời Phật, trước sau như
một, buổi đầu buổi giữa buổi cuối đều nhất quán, chỉ vì “phương tiện“ mà làm
cho đôi lúc người ta hiểu lầm nhau thôi! Nước sông khác nước giếng, nhưng nước
vẫn là nước. Cây to cây nhỏ khác nhau nhưng mưa rào, nắng sớm không phân biệt.
Rõ ràng Phật phải từng bước dẫn dắt chúng sanh. Phải dựa
trên người học mà dạy. Phải sử dụng phương pháp giáo dục chủ động tạo tham gia…
Ở Pháp Hoa, thấy Phật lo lắm. Lo thời mạt pháp, lo cõi Ta-bà đầy ác trược, lo
khi Phật nhập Niết bàn – dù chỉ là thị hiện – nếu chúng đệ tử cứ ngồi mãi dưới
gốc cây, hay « thõng tay vào chợ » mà quên đường về, hoặc say sưa hý
luận… thì rồi ai sẽ truyền trao ngọn lửa thiêng này cho muôn đời sau. Cho nên
Pháp Hoa tha thiết đào tạo một thế hệ « Pháp sư » – những sứ giả của
Như Lai, những người có thể « vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa
Như Lai” để dấn bước vào đời truyền bá Pháp Hoa. Nên khi các đệ tử thề nguyền:
” Cúi xin đức Thế tôn chớ để lòng lo lắng…” ba lần thì Phật mới…
an tâm !
Kinh này thẳm sâu thẳm sâu. Nghe một pháp mà tổng trì
được hết thảy các pháp. Giúp phát Bồ đề tâm, mau thành đạo vô thượng bồ đề,
thông đạt trăm ngàn muôn ức nghĩa, như một hạt giống sinh trăm ngàn hạt giống,
vô lượng vô biên...
Pháp như ngàn cánh sen xanh biếc, vươn lên từ chốn
bùn lầy mà vẫn tinh khiết thơm tho, Diệuvì giúp nhanh chóng thấy ra chân
lý, thấy ra thực tướng vô tướng để không còn chấp bám khổ đau, thấy
được Như Lai Đa Bảo vẫn tủm tỉm cười cười chờ đợi.
Sinh tử đại sự hóa ra… bất sanh bất diệt, chỉ quẩn quanh theo
nhịp điệu của sóng, của hạt, của có của không, của chân không diệu hữu,
của diệu hữu chân không, để rồi rốt ráo thấy « bổn lai vô nhất vật » !
”Kinh này thẳm sâu thẳm sâu. Nghe một pháp mà tổng trì được hết
thảy các pháp. Từ trong nhà các Đức Phật mà lại, đi đến chỗ phát Bồ- đề
tâm của tất cả chúng sanh, an trụ vào các chỗ Bồ-tát an trụ.
Dù Phật còn tại thế hay đã diệt độ, thọ trì đọc tụng
biên chép kinh này, lại vì chúng sanh thuyết pháp, dạy xa lìa phiền não thì
cũng như nghe chính Đức Phật thuyết pháp không khác. ”
Tôi đến với Pháp Hoa bằng tấm lòng trẻ thơ, tò mò mà ham học
hỏi, không mắc mướu vào một “pháp » nào trước đó cả… Tôi cảm nhận xuyên suốt,
nhất quán một con đường Phật dạy ngàn xưa ngàn sau không chia chẽ.
Nay ở tuổi « cổ lai hy », được sự khuyến khích của
bạn bè trang lứa, tôi ghi chép lại những « thấp thoáng », những
« lõm bõm » đó của mình bấy nay kẻo rồi tuổi già quên lãng để sẻ chia
cùng bè bạn bên chén trà sương sớm, bên bếp lửa khuya nồng… Những bài viết thấp
thoáng lời Kinh này phần lớn đã được đăng rải rác trên tạp chí Văn hóa phật
giáo, Giác Ngộ, Từ Quang…
Các nghiên cứu lịch sử hình thành kinh Pháp Hoa cho thấy Phật
Thích Ca đã giảng dạy Pháp Hoa suốt tám năm trong quá trình 45 năm hoằng pháp của
Ngài – sau thời kinh Bát Nhã – và đã được ghi chép lại qua nhiều trăm năm. Có
những phẩm được cho là đã thêm về sau nhưng dù thế nào ba phẩm Phương tiện (thứ
2), Hiện bảo tháp (thứ 11) và Như lai thọ lượng (thứ 16)
luôn đều hiện diện, chứng tỏ đây là ba phẩm cốt lõi. Kinh Pháp Hoa hiện nay với
28 phẩm được sắp xếp theo một trình tự hợp lý, ý nghĩa thâm sâu, mặc dù, tùy
căn cơ, mỗi người học Phật có thể đến với Pháp Hoa bằng cách chọn cho riêng
mình một phẩm nào đó để « chuyên sâu ». Khi ghi lại những
« cảm nghĩ » thấp thoáng này của mình sau mấy năm nghiền ngẫm
Pháp Hoa, lúc đầu tôi có dự định sắp xếp dựa trên ba phần chính cho dễ nhớ, đó
là « Mặc áo Như Lai » các phẩm liên quan đến Pháp sư ;
« Ngồi tòa Như Lai » các phẩm về tính Không và « Vào nhà Như
Lai » về các hạnh Bồ-tát để tiện việc học hành, nhưng rồi thấy vẫn nên giữ
trình tự quen thuôc cũ thì hơn, nên đã ghi lại những cảm nghĩ của mình bắt đầu
từ phẩm Pháp sư, và tóm tắt các phẩm trước đó qua « Một thuở nọ ». Tập
sách nhỏ này do vậy chỉ để đọc vui thêm lúc trà dư tửu hậu, chia sẻ cùng nhau
chút cảm nghĩ lõm bõm, thấp thoáng lúc học lúc hành lời Phật dạy. Mong được
cảm thông và lượng thứ.
Đến với Pháp Hoa là đến với Đà-la-ni, đến với Thi ca, đến
với Hội họa, không thể dùng lý trí, dùng tri thức mà « thấy biết » được,
họa chăng chỉ có thể bằng cảm nhận, bằng rung động, bằng mưa hoa…
« Một sáng chiếu phương Đông,
thể diệu toàn bày,
chẳng phải chỗ suy lường mà suy lường được,
thầm hiểu ở trong lòng,
phương tiện truyền bày một đạo nhả hương trời”.
(Diệu Pháp Liên Hoa kinh )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét