Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Ngỡ bây giờ là bao giờ

Ngỡ bây giờ là bao giờ
Tiếp xúc với cội nguồn
Chúng ta rất may mắn được ngồi với nhau như một gia đình tâm linh trong giờ phút cuối năm này. Chúng ta ngồi với nhau trong tình huynh đệ. Tết là một dịp để ta kết nối lại với tổ tiên. Cây có cội, sông có nguồn và con người thì có tổ tiên. Trong buổi thiền tọa hôm nay chúng ta đã kết nối được với tổ tiên. Chúng ta biết tổ tiên đang có mặt trong từng tế bào cơ thể. Một người mất gốc, một người bị cắt đứt liên hệ với tổ tiên không thể là một người có hạnh phúc. Cũng như cây không có gốc rễ thì cây không thể sống, nếu chúng ta không tìm tới gốc rễ thì chúng ta không sống được. Tết là một dịp để chúng ta tìm về nguồn và tiếp cận được với gốc rễ của mình.
Thắp hương trên bàn thờ tổ tiên không phải là một hành động mê tín
Ở các nước Á Châu cũng như ở Tây phương, người ta nghĩ có hai cõi: Một cõi gọi là cõi âm, là nơi mà những người đã chết đang sống (the Nether World) và một cõi gọi là cõi dương, là nơi chúng ta đang sống bên này. Hình như đây là một tín ngưỡng có tính cách phổ quát trên thế giới. Hầu hết chúng ta đều nghĩ có một cõi mà trong đó chúng ta đang sống và sau khi chết thì chúng ta đi sang cõi kia gọi là cõi âm. Và chúng ta tìm đủ mọi cách để thiết lập sự liên lạc giữa cõi dương và cõi âm.
Người Á Châu gọi cõi âm là cửu tuyền hay chín suối (the World of Nine Sources). Người ta cũng gọi nơi đó là suối vàng, và chúng ta thao thức muốn thiết lập liên hệ với cõi đó để có thể nói chuyện với tổ tiên, với ông bà cha mẹ đã khuất.
Ở Việt Nam, chúng ta có phong tục thờ cúng tổ tiên. Mỗi nhà, dù có nghèo đế đâu đi nữa thì cũng có một bàn thờ để thờ ông bà. Trên bàn thờ có một bình hương, và có thể cũng có hình ảnh của một người đã khuất bóng như là ông nội, ông ngoại, bà nội, bà ngoại, người đại diện cho cõi âm. Từ mấy ngàn năm nay chúng ta thực tập tiếp xúc với cõi đó bằng cách là mỗi ngày chúng ta tới trước bàn thờ tổ tiên, đốt một cây hương và cắm lên bát nhang. Công việc này mất khoảng một hay hai phút, nhưng ngày nào chúng ta cũng dâng một cây hương lên bàn thờ. Trong giờ phút đó chúng ta có cơ hội tưởng nhớ và thiết lập liên hệ giữa chúng ta với ông bà tổ tiên ở cõi bên kia.
Có một lần tôi thuyết trình ở Học Viện Chính Trị Hồ Chí Minh. Trong số người tham dự có rất nhiều nhà khoa học và lý thuyết gia Marxist. Tôi nói rằng: Hành động tới trước bàn thờ đốt một cây hương, tiếp xúc với tổ tiên không phải là một hành động mê tín mà là một hành động rất khoa học. Trong khi chúng ta lau bụi trên bàn thờ tổ tiên, trong khi chúng ta đốt một cây hương và cắm vào bát hương thì lòng của chúng ta hướng về tổ tiên. Như vậy chúng ta làm cho vững mạnh sự liên hệ của của mình với tổ tiên. Sức khỏe của con người, nhất là sức khỏe tâm thần tùy thuộc ở chỗ ta có gốc rễ hay không. Con người không có gốc rễ là một con người không lành mạnh. Vì vậy mỗi ngày ta để một hay hai phút tiếp xúc với tổ tiên là để củng cố và làm vững chãi lại sự liên hệ giữa ta và tổ tiên. Đó là một hành động rất khoa học giúp ta giữ vững được sức khỏe tâm thần. Vì vậy các ngài đừng cho đó là một hành động mê tín.
Đốt vàng mã không phải là một hành động mê tín
Một nhà khoa học nói: Chuyện đốt vàng mã quả thật là mê tín!
Tôi nói: không phải! Có một tâm tình nào đó nằm dưới hành động đốt vàng mã, tiền bạc, nhà cửa, xe hơi, máy tính để những người bên cõi âm có mà sử dụng. Bề ngoài trông như mê tín nhưng bên trong có chứa một tâm tình rất đẹp. Tại sao người ta làm như vậy? Tại vì người ta tưởng nhớ, thương tiếc những người thương đã qua đời. Đó là phương cách để biểu hiện những tâm tình rất tốt đẹp như sự hiếu thảo, sự thương nhớ. Những đức tánh đó rất là quí mà nếu để mất đi thì con người không còn văn minh nữa và đau khổ rất nhiều. Vì vậy hành động bề ngoài trông như mê tín dị đoan như đốt vàng mã, đốt tiền giấy đó chất chứa một cái gì rất là cao đẹp của truyền thống. Đó là sự tưởng nhớ tổ tiên, cội nguồn.
Vì vậy trong khi chưa tìm ra được phương pháp khác mà quí vị lại bắt người ta bỏ phương pháp đốt vàng mã thì đồng thời quí vị cũng làm cho người ta bỏ đi những cái đẹp trong tâm hồn của họ.
Tìm những phương thức để thay thế
Năm 1962 tôi viết đoản văn “Bông hồng cài áo”. Những sinh viên của các trường đại học Sài Gòn đã tổ chức lễ “Bông hồng cài áo” đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Đó là một hành động rất đẹp! Chúng ta làm một cái lễ rồi mời bố mẹ tới và tỏ bày lòng hiếu thảo của mình. Mỗi người sẽ được cài lên hai bông hoa, nếu bố mẹ còn sống thì mình được cài hai bông hoa màu hồng, nếu một trong hai người đã chết thì mình được cài một bông màu hồng và một bông màu trắng, và nếu hai người đều mất rồi thì mình được cài hai bông màu trắng. “Bông hồng cài áo” cũng là một nghi lễ nhưng không có vẻ mê tín. Từ năm 1962 đến nay cũng đã nửa thế kỷ rồi, lễ “Bông hồng cài áo” đã thay thế được một phần nào cho tục đốt vàng mã, v.v…
Tôi nói với các nhà khoa học và các lý thuyết gia Marxist tại Học Viện Chính trị Hò Chí Minh: “Chừng nào quí vị chưa tìm ra được những phương thức mới để nuôi dưỡng những tình cảm đẹp đẽ đó thì quí vị đừng nên bài bác những cái mà dân chúng đang làm”. Và các vị đã thấy được điều này. Trước đó các quan chức rất sợ đốt nhang, sợ người ta thấy mình đang khấn vái trước bàn thờ. Nhưng sau buổi gặp gỡ đó thì các nhà chính trị ở Việt Nam bắt đầu công khai thờ cúng tổ tiên và thắp hương trước quần chúng. Rất là hay! Khi dự hội đền Hùng, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đều đứng ra thắp hương một cách thoải mái mà không sợ người ta cho là mê tín dị đoan. Đó là một trong những đóng góp của chuyến về năm 2005 của Thầy và tăng đoàn Làng Mai.
Hai cõi chỉ là một
Tại Làng Mai, chúng ta đi sâu vào trong giáo lý đạo Bụt. Chúng ta đã khám phá ra rằng hai cõi đó, cõi âm và cõi dương, thật ra chỉ là một cõi mà thôi. Có một dòng sông, nhưng không có sự chia cách. Nếu biết cách ta có thể tiếp xúc với người thương, cha mẹ, tổ tiên ngay trong giây phút này mà không cần phải đi qua cõi kia.
Khoa học cũng đi trên con đường đó. Khoa học cũng tìm cách để nối lại những hố ngăn cách. Ngày xưa người ta tưởng vật chất và năng lượng là hai cái khác nhau và vật chất không phải là năng lượng, năng lượng không phải là vật chất. Nhưng bây giờ khoa vật lý học đã tìm ra sự thật, đã nối kết được và nói rằng: Vật chất và năng lượng không phải là hai cái tách rời nhau ra mà có. Năng lượng có thể trở thành vật chất và vật chất có thể trở thành năng lượng. Đó là luật bảo tồn năng lượng của nhiệt động học. Như vậy là không còn ranh giới giữa năng lượng và vật chất. Khoa học đã có cái nhìn bất nhị (non-dualistic) giữa vật chất và năng lượng.
Khoa học cũng đã khám phá ra rằng giữa từ (magnétisme) và điện (électricité) cũng không có ranh giới. Từ chính là điện và điện chính là từ. Hai cái là hai mặt của cùng một thực tại. Có một dòng sông, nhưng không có ranh giới giữa bên này và bên kia. Âm thanh và không khí cũng không phải là hai cái khác nhau. Khi những phân tử của không khí rung động thì tạo nên âm thanh, vì vậy âm thanh và không khí là một. Sức nóng và vật chất cũng vậy, những phân tử của vật chất di động mạnh tạo thành sức nóng. Khi chúng ta nấu nước trong microwave thì những phân tử nước di động rất mau, chạy như điên nên tạo ra sức nóng. Vì vậy sức nóng và vật chất là một thứ.
Khoa học đang đi trên con đường thống nhất và lấy ra rất nhiều ranh giới giữa cái này và cái kia. Xưa nay từ mấy ngàn năm chúng ta cứ tưởng trời và đất là hai thực tại khác nhau. Ta tưởng tượng trên trời có một triều đình, triều đình đó lo chuyện trên trời nhưng đồng thời cũng lo chuyện dưới đất. Thiên (trời) và địa (đất) khác nhau. Nhưng khi tìm ra được luật “hấp dẫn phổ biến” (gravitation universelle) thì chúng ta biết rằng cả trời và đất đều bị luật đó cai quản. Chúng ta tìm ra sự thật là trời ở ngay dưới đất và đất ở ngay trong trời. Trời là một phần của đất và đất là một phần của trời. Hãng Air France có câu quảng cáo rất hay, không biết do thi sĩ nào đã làm ra: Faire du ciel le plus bel endroit de la terre. Làm cho trời trở thành một nơi đẹp nhất của đất. Như vậy đất và trời không phải là hai cái, đất và trời là một, không có ranh giới giữa đất và trời.
Nếu học Phật và đi cho sâu thì chúng ta thấy không có ranh giới giữa cõi âm và cõi dương. Nhìn kỹ cõi dương ta thấy cõi âm nằm ngay trong đó, và ta có thể sờ mó, liên hệ hay nói chuyện được với những người ở cõi âm.
Có bao giờ quí vị đã nhìn kỹ một đám mây chưa? Đám mây có màu vàng, màu hồng, màu trắng hay màu đen. Một lúc nào đó đám mây biến thành một cơn mưa, và chúng ta nói rằng đám mây chết. Ta nói đám mây chết tại vì chúng ta không còn thấy đám mây trên trời nữa. Nhưng đám mây thật sự không bao giờ chết. Đám mây chỉ trở thành tuyết hay thành mưa mà thôi. Đám mây đi luân hồi. Nhìn cho kỹ chúng ta có thể nói chuyện với đám mây: " Đám mây ơi, ta biết nhà ngươi sẽ không chết! Nhà người sẽ trở thành tuyết, thành mưa, thành nước đá, nhưng nhà ngươi không bao giờ có thể chết được. Ngày mai nếu nhà ngươi không có mặt trên trời thì ta cũng sẽ không than khóc tại vì ta biết nhà ngươi không bao giờ chết, và ta có thể tìm ngươi trong hình thức mới là tuyết hay là mưa hay là dòng sông". Đó là sự quán chiếu.
Các nhà khoa học cũng biết như vậy. Họ đã tìm ra luật bất sinh bất diệt của vật chất và năng lượng. Luật thứ nhất của nhiệt động học nói rằng chúng ta không thể nào sáng chế ra hay tiêu diệt được năng lượng và vật chất. Vật chất có thể trở thành vật chất khác, vật chất có thể trở thành năng lượng, năng lượng có thể trở thành năng lượng khác và năng lượng có thể trở thành vật chất nhưng bản chất của năng lượng và vật chất là không sinh cũng không diệt. Đó là điều chúng ta đọc trong Tăm Kinh Bát Nhã: Tự tánh của các pháp là không sinh không diệt, không thêm không bớt. Điều này rất là khoa học!
Cầu cơ, lên đồng
Ở Việt nam, tại vì chúng ta rất thương tiếc những người đã khuất nên ta tìm đủ mọi cách để liên lạc và nói chuyện với những người đã khuất. Chúng ta dùng nhiều phương pháp, trong đó có phương pháp cầu cơ và phương pháp lên đồng.
Trong truyền thống lên đồng có nhiều cái hay và có nhiều tính chất nghệ thuật. Lên đồng, tiếng Anh là going into trance, đã có cả ngàn năm ở Việt Nam. Chúng ta muốn liên hệ với bà mẹ núi rừng. Ở Việt nam người ta tin có một Đức Mẹ, Đức Mẹ này không phải là mẹ của chúa Jésus. Đức Mẹ này là mẹ của chúng ta lúc từ trên rừng gọi là Mẹ Thượng Ngàn hay Mẫu Thượng Ngàn (la mere savrée des forêts). Chúng ta cũng có một bà mẹ khác ở dưới nước. Không có rừng thì làm sao chúng ta sống mà không có nước thì chúng ta cũng không sống được. Vì vậy nước là một bà mẹ gọi là bà Mẹ Thoải hay Mẫu Thoải. Thoải là thủy, tức là nước. Bà mẹ rừng khi hiện ra thì luôn mặc áo màu xanh, còn bà mẹ nước thì mặc áo trắng. Ở Việt nam có nhiều đền chùa thờ hai bà mẹ đó: Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Nhiều khi chúng ta cầu mẹ về dạy cho ta phải sống như thế nào để có an lạc, hạnh phúc trong gia đình và trong xã hội. Vì vậy chúng ta có những cậu đồng và những cô đồng.
Người lên đồng phải ăn chay nằm đất nhiều ngày, tắm gội sạch sẽ cho thật tinh khiết để Mẫu Thượng Ngàn hay Mẫu Thoải nhập vô. Mẫu có thể ca hát, nhảy múa, ban ra những lời khuyên nhủ cho chúng ta. Chúng ta rất khao khát được nghe những lời khuyên nhủ đó. Những người khuất mặt có thể trở về để dạy cho chúng ta.
Sư cô Chân Không kể chuyện là một hôm trong gia đình tổ chức cầu cơ, cầu bố của sư cô về để nói chuyện với những thành phần trong gia đình. Sư cô hỏi bố:
- Không biết ba cất giấy khai sinh của con ở đâu mà con tìm hoài không thấy?
Bố cô trả lời và cô đi tìm được giấy khai sinh đó.
Dân Việt nam chúng ta có khuynh hướng muốn tiếp xúc với những người thương đã mất để nói chuyện.
Mỗi người tới dự buổi hầu đồng phải tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo rất đẹp, ngồi im lặng và bắt đầu nghe nhạc. Những bài chầu văn làm cho mọi người buông bỏ hết những vướng bận của đời sống hàng ngày để tập trung tư tưởng vào thế giới huyền bí. Mọi người đều lâng lâng, và trong khung cảnh đó năng lượng tập thể làm cho thần linh nhập vào con người của cậu đồng hay của cô đồng và người đó sẽ đứng dậy múa, hát hay ban bố những đạo từ để giúp cho ta sống như thế nào để có hài hòa trong gia đình và trong xã hội. Lên đồng, tuy rằng có mê tín nhưng mà cũng có những cái đẹp, những cái hay, có đạo đức trong đó. Vì vậy quí vị đừng vội lên án những phương thức đó!
Bói Kiều ở Làng Mai
Hôm nay chúng ta nói về những kỷ niệm và hạnh phúc. Ở Làng Mai trong ba ngày Tết chúng ta có bói Kiều. Cụ Nguyễn Du, tuy không lên đồng, không nhập vào người nhưng cụ nhập vào những quẻ. Chúng ta sẽ hỏi cụ về tương lai, về hiện tại của chúng ta. Nếu ở lại Làng được ngày mồng một, mồng hai, mồng ba thì quí vị có khả năng được bói một quẻ.
Còn nhiều nợ lắm sao đà thác cho
Hồi đó Thúy Kiều được về ở với Thúc Sinh. Thúc Sinh là con quan và đã có vợ. Nhưng vì mê Kiều quá nên Thúc Sinh đem hết tiền mua Kiều về từ chốn thanh lâu để hai người được sống chung. Họ sống với nhau rất hạnh phúc được nửa năm. Ban đầu ông bố của Thúc Sinh không đồng ý, nhưng sau thấy Kiều nết na dễ thương nên ông cũng đồng ý và cuối cùng thì Kiều đã chinh phục được trái tim của ông. Hai người sống như vậy và biết rằng mình không thể nào giữ được bí mật hoài, một ngày nào đó bà vợ cả sẽ biết nên Thúy Kiều to nhỏ với Thúc Sinh:
- Anh về nói sự thật cho chị biết đi, em bằng lòng làm vợ lẻ. Anh nên về nói hết sự thật với chị cho rồi, nếu không thì sẽ không yên đâu!
Thúc Sinh nghe lời Kiều đi về nhà. Trong khi đó thì bà vợ cả đã biết, bà tìm cách bắt cóc Kiều về để làm tình làm tội. Bà sai hai tên du côn tới chỗ Kiều ở, đi rất mau bằng đường thủy. Tới nơi ban đêm chúng đốt nhà, bắt cóc Kiều bỏ lên thuyền chở về, rồi lấy một tử thi bên sông liệng vào đám cháy để gây sự nghi ngờ là Kiều đã bị chết cháy. Khi người nhà dập tắt lửa và đi tìm thì thấy một thân xác bị cháy đen. Mọi người đều tin rằng Kiều đã chết, trong khi đó thì Kiều đang còn sống. Thúc Sinh đi về thăm vợ cả và không ngờ rằng người yêu của mình đã chết. Thúc Sinh về nhà thấy vợ im lặng không nói gì cả thì nghĩ tại sao mình phải nói sự thật ra làm gì. Và Thúc Sinh cũng không nghe lời Kiều khuyên nên nói sự thật cho vợ biết. Khi Thúc Sinh quay trở lại thì thấy Kiều không còn nữa, người ta đã làm bàn thờ cho Kiều, Kiều đã đi sang thế giới bên kia. Nỗi đau của Thúc Sinh như thế nào, chúng ta có thể tưởng tượng được. Hai người mới ở với nhau được nửa năm. Sau này với Từ Hải, Thúy Kiều cũng chỉ ở được nửa năm mà thôi. Thúy Kiều cũng có những ngày tháng hạnh phúc chứ không phải không có. Thúy Kiều có được nửa năm với Thúc Sinh, người thật sự thương Kiều và Kiều cũng có được nửa năm với Từ Hải là người đàn ông thứ hai đã thương Kiều thật sự.
Thúc sinh về tới nơi nghe Thúy Kiều đã chết thì đau xót quá chừng. Kiều chết đi mà không để lại một lời nên Thúc Sinh rất khao khát muốn hỏi Kiều một câu: “Tại sao em đi mà không để lại một lời nào hết?”
Trong chúng ta cũng có người ở trong trường hợp của Thúc Sinh. Ta có một người thương tự nhiên bỏ ta đi mà không nhắn lại một lời nào. Thúc Sinh nghe đồn rằng trong vùng có một ông lên đồng, một đạo nhân có pháp thuật rất lớn. Khi nhập định ông có thể xuất hồn đi vào cõi âm để tìm linh hồn Kiều mà hỏi, và ông sẽ về báo cáo lại câu trả lời của Kiều cho Thúc Sinh. Tốn biết bao nhiêu là công sức Thúc Sinh mới mời được ông đạo nhân. Ông lập một đàn, làm phép, phủ phục, đội một cái khăn rồi xuất hồn đi vào cõi âm. Chưa tàn một cây hương ông đã trở về và báo cáo:
- Tôi đi khắp cõi âm mà vẫn không tìm được mặt mũi của Thúy Kiều. Tôi đã đi khắp nơi ở cõi âm, tôi đã điều tra mà không thấy Thúy Kiều ở đâu cả. Tôi đã tra xét thì người ta nói cho tôi biết là người này chưa chết. Người này còn tai nạn rất nhiều.
Người này nặng kiếp oan gia
Còn nhiều nợ lắm sao đà thác cho
Mệnh cung đang mắc nạn to
Một năm nữa mới thăm dò được tin
Người này dễ dầu gì mà chết, vì còn rất nhiều oan trái. Đương sự đang bị tai nạn rất lớn. Sự thật là đương sự đang bị người ta bắt về đánh đập và buộc làm đầy tớ hầu hạ trong nhà.
Cụ Nguyễn Du viết như thế này:
Gần miền nghe có một thầy
Phi phù trí quỷ cao tay thông huyền
Trên tam đảo dưới cửu tuyền
Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng
Sắm sanh lễ vật rước sang
Xin tìm cho thấy mặt nàng hỏi han
Đạo nhân phục trước tỉnh đàn
Xuất thần giây phút chưa tàn nén hương
Trở về minh bạch nói tường
Mặt nàng chẳng thấy việc nàng đã tra
Người này nặng kiếp oan gia
Còn nhiều nợ lắm sao đà thác cho
Mệnh cung đang mắc nạn to
Một năm nữa mới thăm dò được tin
Trên tam đảo là ở cõi trời, dưới cửu tuyền là dưới cõi âm. Ông thầy đã nói đúng, người này chưa chết. Nhưng gia đình không tin nên vẫn tiếp tục cúng 49 ngày.
Đoạn tràng cho hết kiếp này mới thôi
Kiều chết lần thứ hai ở sông Tiền Đường. Nhiều người tưởng Kiều đã chết nhưng thật ra Kiều còn sống. Đang còn sống là một phép lạ! Thúy kiều vẫn đang còn sống, đó là một phép lạ rất lớn. Ta đang ngồi đây với thầy, với bạn. Ta đang còn sống tại vì ta đang còn thở.
Khi Thúy Kiều bị ép phải lấy ông thổ quan địa phương thì Kiều chịu không nổi nên nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử để giữ tròn khí tiết với Từ Hải. Tuy Kiều biết là mình không có ý giết Từ Hải, mình chỉ muốn cho chiến tranh chấm dứt và trăm họ được yên vui nên mới xui Từ Hải về hàng.
Nhưng Hồ Tôn Hiến là người không có đạo đức, người đã ra hàng mà còn tìm cách sát hại. Khi Thúy Kiều gặp lại Kim Trọng thì có làm 10 bài thơ, trong đó có một bài nói rằng khuyên Từ Hải ra hàng là hành trì theo chánh đạo để chấm dứt nạn đao binh chứ không phải có ý muốn giết Từ Hải. Nhưng một người mà giết kẻ đã chịu ra hàng là một người không có đạo đức. Đó là Thúy Kiều lên án Hồ Tôn Hiến. Mục đích của Kiều không phải là giết Từ Hải mà là cứu dân, nhưng vì vậy mà Từ Hải phải chết. Tuy mình không có ý giết nhưng người kia đã chết vì mình. Bài thơ đó như thế này:
Khuyên hàng là việc phải
Trong nguyên văn là chữ chánh đạo. Truyện Kiều được viết dựa trên một bản văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân mà khi đọc thì ta thấy có những chi tiết không có trong Truyện Kiều. Mười bài thơ Kiều làm để tặng Kim Trọng khi hai người gặp lại nhau là một trong những tư liệu mà ta không tìm thấy trong Truyện Kiều.
Giết hàng là bất nhân
Mình làm việc phải nhưng Hồ Tôn Hiến giết người quy hàng là việc bất nhân.
Em làm theo chánh đạo
Ai ngờ chàng mệnh vong
Mình chỉ làm theo tiếng nói của lương tâm để cho dân bớt khổ, nhưng chính vì vậy mà Từ Hải phải chết. Vì vậy mặt mũi nào mà sống với người chồng khác nên Kiều chết ở sông Tiền Đường để giữ thanh danh và tỏ lòng trung kiên với Từ Hải. Khi Kiều gieo mình uống sông Tiền Đường thì tất cả mọi người đều nghĩ là Kiều đã chết. Chỉ có một người biết là Kiều chưa chết, đó là một vị sư cô tên Giác Duyên.
Lúc Từ Hải thành công Kiều có mời những vị ân nhân của mình tới để tạ ơn. Trong những vị ân nhân đó có sư Giác Duyên. Sau khi từ giã Kiều sư Giác Duyên có gặp một đạo cô tu theo đạo Lão và đạo cô này có khả năng thấy được tương lai. Sư Giác Duyên hỏi đạo cô về tương lai của Thúy Kiều. Ngày xưa Thúy Kiều đã từng xuất gia dưới pháp danh là Trạc Tuyền và được ở chùa cùng sư Giác Duyên một thời gian. Hai người rất thương nhau. Nhưng sau vì tai nạn nên Kiều bị rơi vào thanh lâu một lần thứ hai và cuối cùng thì gặp được Từ Hải. Khi được sư Giác Duyên hỏi về tương lai của Thúy Kiều thì Tam Hợp đạo cô có một bản phân tích về Kiều rất hay:
Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành
Vô duyên là không có may mắn. Thúy Kiều đẹp, thông minh nhưng không có những điều kiện may mắn.
Lại mang lấy một chữ tình
Khăng khăng mình buộc lấy mình vào trong
Đó là lời phán quyết của một đạo sư. Vì vướng víu vào chữ tình cho nên không ai trói buộc mình mà chính mình tự lấy dây trói mình mà thôi.
Vậy nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn ngồi không vững vàng
Những chỗ thong dong là những chỗ chùa, thiền đường hay Làng Mai. Trong khi mọi người đi đứng thong dong thì mình đi như bị ma đuổi.
Ma đưa lối quỷ dẫn đàng
Lại tìm những chốn đoạn tràng mà đi
Hết nạn ấy đến nạn kia
Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần
Kiều phải làm gái giang hồ hai lần và làm đầy tớ hai lần.
Oan kia theo mãi với tình
Một mình mình biết một mình mình hay
Cái khổ đau đó không nói được với ai.
Làm cho sống đọa thác đày
Đoạn tràng cho hết kiếp này mới thôi
Đó là lời phán quyết của số mạng.
Ngày xưa Phạm Duy có viết mấy câu hơi giống như vậy:
Trăng ơi yên lặng suốt đời
Mà sao ta vẫn đứng ngồi không yên
Đứng không yên mà ngồi cũng không yên tại vì mình không có sự bình an trong lòng. Muốn có được sự bình an trong lòng là phải tu. Ta phải biết thực tập hơi thở và bước chân để làm lắng dịu những cảm xúc, những nỗi khổ niềm đau trong lòng để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống và được nuôi dưỡng bằng những mầu nhiệm của sự sống hầu tìm ra được một hướng đi. Nếu không thì mình đi không yên mà ở cũng không yên. Ma đưa lối quỷ dẫn đàng, ma là những sầu khổ, bực tức trong ta.
Ni sư Giác Duyên nghe vậy hoảng hồn:
Giác Duyên nghe nói rụng rời
Một đời nàng hỡi thương ôi còn gì
Như vậy thì còn gì là một cuộc đời nữa? Còn gì cho mình và còn gì cho người kia, còn gì cho nhau? Nhưng đạo cô Tam Hợp nói không sao, tuy vậy nhưng trong lòng của Kiều cũng còn những hạt giống tốt, còn những thiện căn tức những gốc rễ lành mạnh mà cha ông để lại. Chính những hạt giống tốt mà tổ tiên trao lại cho Thúy Kiều sẽ cứu được Kiều.
Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều
Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm
Lấy tình thâm trả nghĩa thâm
Bán mình đã động hiếu tâm tới trời
Tuy vướng vào tình ái nhưng không phạm giới tà dâm, Thúy Kiều có những điểm tích cực. Trong buổi đầu gặp gỡ, Kim Trọng muốn ép duyên nhưng Thúy Kiều nhất định không chịu. Thúy Kiều theo đúng đạo lý cổ truyền, nếu mình không giữ mình thì tình yêu không còn là tình yêu mà chỉ là nhục dục mà thôi. Sexual desire is not love, đó là giới thứ ba trong năm giới tại Làng Mai. Trong giới thứ ba của năm giới của Làng Mai nói rất rõ là tình yêu không phải là tình dục. Đêm hôm đó Thúy Kiều đã giữ được giới này và do đó Kim Trọng đã giữ được một hình ảnh rất đẹp của Thúy Kiều.
Thúy Kiều đã bán mình để lấy 300 lượng vàng chuộc cha ra khỏi vòng tù tội. Đó là chữ hiếu (lấy tình thâm trả nghĩa thâm). Kiều đã hy sinh chuyện tình để làm tròn chữ hiếu, biết rằng mình sẽ phản bội Kim Trọng nhưng Kiều phải cứu cha trước.
Hại một người, cứu muôn người. Tuy Từ Hải chết nhưng cứu được bao nhiêu ngươi khỏi phải chết vì chiến tranh. Do đó nghiệp của Thúy Kiều sẽ nhẹ đi và Kiều sẽ bắt đầu có hạnh phúc trở lại, đó là lời nói của Tam Hợp đạo cô.
Đạo cô biết trước rằng Thúy Kiều sẽ tự tử ở sông Tiền Đường và khuyên sư Giác Duyên nên tới sông Tiền Đường chực sẵn. Chỉ năm năm nửa thôi thì Thúy Kiều sẽ tự tử ở đó và Giác Duyên sẽ có cơ hội cứu được Thúy Kiều. Sư Giác Duyên tới bên sông Tiền Đường lập một cái am và thuê hai người đánh cá (Giác Duyên có một số tiền mà Thúy Kiều đã tặng ngày xưa) giăng lưới, không phải để bắt cá mà để chờ Trạc Tuyền.
Thúy Kiều đi thuyền tới chỗ đó thì sóng nổi lên đùng đùng, hỏi ra mới biết đó là sông Tiền Đường. Kiều nhớ lại trong giấc mơ ngày xưa mình gặp Đạm Tiên và Đạm Tiên đã nói rằng sau này hai người sẽ gặp lại nhau ở sông Tiền Đường. Thúy Kiều nghĩ rằng bây giờ chắc là đến lúc mình phải chết nên làm một bài thơ để lại và nhảy xuống sông tự tử. May thay lúc đó có hai ngư phủ vớt Kiều lên. Sau khi cứu được Trạc Tuyền sư Giác Duyên đưa nàng về chùa, cho xuất gia thọ 10 giới và làm sư cô trở lại. Hai người sống với nhau ở đó, bên sông Tiền Đường.
Một nhà vinh hiển riêng oan một nàng
Chỉ vài tháng sau thì gia đình của Kiều đi ngang qua đó. Họ biết tin chiến tranh đã chấm dứt và muốn tới tận chỗ để tìm hỏi tin tức của Thúy Kiều. Người ta cho biết rất rõ là Thúy Kiều có công lao như vậy mà không được đền trả còn bị ép gả cho một ông quan địa phương vùng núi. Vì vậy Thúy Kiều đã nhảy xuống sông tự tử. Gia đình của Kiều đau đớn vô cùng. Lúc này Kim Trọng đã làm quan và đã cưới Thúy Vân. Vương Quan, em trai Thúy Kiều cũng đã làm quan và cưới vợ.
Hàng Châu tới đó bây giờ
Thật tin hỏi được tóc tơ rành rành
Hàng Châu là chỗ Thúy Kiều đã tự tử. Người ta cho biết sự thật với rất nhiều chi tiết.
Rằng ngày hôm nọ giao binh
Thất cơ Từ đã thu linh trận tiền
Nàng Kiều công quả chẳng đền
Lệnh quan lại bắt ép duyên thổ tù
Nàng đà gieo ngọc trầm châu
Sông Tiền Đường đó ấy mồ hồng nhan
Sông Tiền Đường là mộ của Thúy Kiều.
Than ôi không hợp mà tan
Một nhà vinh hiển riêng oan một nàng
Lúc đó gia đình Kiều lập một đàn tràng, làm một đại trai đàng trên bờ sông để cầu siêu cho Kiều. Trong nguyên lục có một bài văn chiêu hồn rất là thấm thiết. Trong khi thầy đang lập trai đàn cúng tế thì ni sư Giác Duyên đi ngang qua. Ni sư vào xem thì thấy trên linh vị đề tên Vương Thúy Kiều. Ni sư nói:
- Quí vị là ai? Người ta đang còn sống sờ sờ mà sao lại làm trai đàn cúng người ta?
Cơ duyên đâu bỗng lạ sao
Giác Duyên đâu bỗng tìm vào tới nơi
Trông lên linh vị chữ bài
Thất kinh mới hỏi: Những người đâu ta?
Với nàng thân thích gần xa
Người còn sao bỗng làm ma khóc người?
Đây là lần thứ hai người ta cầu siêu cho Kiều trong khi nàng vẫn còn sống. Hôm nay chúng ta ngồi thiền và nói “tôi biết là tôi vẫn còn sống“ là để nhắc cho mình biết biết rằng mình vẫn còn sống và sự kiện này là một phép mầu nhiệm. Ta còn sống và đang ngồi đây với thầy, với bạn là một sự mầu nhiệm. Ta phải ăn mừng mới được!
Ngỡ bây giờ là bao giờ
Lúc đó gia đình Kiều nói với Giác Duyên:
- Ni sư ơi, đây là cha của Kiều , đây là mẹ của Kiều, đây là em gái, đây là em trai của Kiều, đây là em dâu của Kiều và đây là người yêu cũ của Kiều.
Này chồng, này mẹ, này cha
Này là em ruột, này là em dâu
Ni sư Giác Duyên nói:
- Tôi có tình bạn với Thúy Kiều, vì vậy khi Kiều tự tử thì tôi đã rước về. Chùa ở gần đây lắm, chỉ có hai cây số mà thôi. Nếu quí vị muốn tôi có thể dẫn quí vị đi gặp Kiều lập tức.
Đó là một tin quá sức là mừng, không thể nào tưởng tượng được. Bao nhiêu chuông, mõ, xôi, chuối, hương, đèn đều bỏ đi và tất cả mọi người đều theo ni sư về chùa tìm Kiều.
Quanh co theo dải giang tân (giang tân là bờ sông)
Khỏi rừng lau đã tới sân Phật đường
Giác Duyên lên tiếng gọi nàng
Buồng trong đã dạo sen vàng bước ra
Trông xem đủ mặt một nhà
Xuân già còn khỏe huyên già còn tươi
Hai em phương trưởng hòa hai
Đó chàng Kim đó là người ngày xưa
Ngỡ bây giờ là bao giờ
Rõ ràng trước mắt còn ngờ chiêm bao
Câu hay nhất là câu: ngỡ bây giờ là bao giờ. Mình không chờ đợi một giờ phút như ngày hôm nay. Hiện tại đẹp quá chừng, đẹp cho đến nỗi mình tưởng nó không có thật. Mười lăm năm, đêm nào cũng tưởng nhớ, đêm nào cũng tuyệt vọng, bữa nay tự nhiên thấy được tất cả những người mình thương đang có trước mặt.
Câu “ngỡ bây giờ là bao giờ” là một câu siêu tuyệt! Tôi đề nghị quí vị nên viết câu này treo lên tường, tại vì ta không biết trân quí những gì ta có. Ta đang sống mà không biết trân quí sự thật là mình đang còn sống. Ta cứ để phiền não, tham sân, giận hờn, tuyệt vọng chiếm ngự mình. Ta không thật sự sống được giây phút mà cuộc đời ban cho ta. Ta không có khả năng sống cái bây giờ, ta luôn nhớ tiếc cái quá khứ hay lo lắng cho cái tương lai, mà cái bây giờ rất là mầu nhiệm. Ta cứ nghĩ tới một tương lai nào đó. Bao giờ mà tôi có cái đó, bao giờ mà tôi làm được chuyện đó, bao giờ mà tôi có bằng cấp đó, bao giờ mà tôi cưới được người đó, bao giờ mà tôi có được cái nhà như vậy, bao giờ mà tôi có công ăn việc làm đó thì tôi mới có hạnh phúc.
Cái “bao giờ” đó có thể không bao giờ tới. Trong khi đó thì ta hy sinh cái “bây giờ” cho cái “bao giờ”.
Cái “bây giờ” là cái rất quí báu. Với một hơi thở ta trở về với hình hài của mình và thấy hình hài này là một tặng phẩm quí giá của tổ tiên. Ta có biết trân quí hình hài này không hay ta đày đọa nó? Nếu đày đọa hình hài thì ta đày đọa cả bố mẹ mình vì bố mẹ mình cũng ở trong đó. Nếu ta đày đọa tấm thân thì ta cũng đày đọa tổ tiên vì tổ tiên cũng nằm trong đó.
Thở vào tôi biết là tôi có một hình hài, chính trong cái “bây giờ” ta biết là mình có một hình hài và ta mang theo cha mẹ, ông bà, tổ tiên trong hình hài của mình. Ta hy sinh cái “bây giờ” để đi tìm cái “bao giờ” trong tương lai, một ảo ảnh của hạnh phúc. Ở Làng Mai, luôn luôn bằng bước chân và bằng hơi thở chúng ta trở về cái “bây giờ” để chăm sóc và trân quí cái “bây giờ”, tại vì sự sống chỉ có mặt trong cái “bây giờ”. Quá khứ đã đi qua và tương lai chưa tới, sự sống chỉ có thể có mặt trong cái “bây giờ”. Vì vậy tại Làng Mai, mỗi hơi thở, mỗi bước chân phải có công dụng đem ta trở lại cái “bây giờ”.
Ngỡ bây giờ là bao giờ
Rõ ràng trước mắt còn ngờ chiêm bao
Ngày hôm nay ta đang còn sống, ta đang ngồi với người thương của mình. Ta đang có thầy, ta đang có bạn. Ta còn đòi gì nữa, tại sao ta không có hạnh phúc ngay trong giây phút này.
Bây giờ rõ mặt đôi ta
Ngay đêm đầu tiên mà Kiều và Kim Trọng gặp nhau thì Nguyễn Du đã có tuệ giác cái “bây giờ” là cái quan trọng nhất. Ngày hôm đó gia đình Kiều đi ăn giỗ bên quê ngoại. Thúy Kiều lấy cớ nhức đầu hay đau bụng gì đó để ở nhà. Khi gia đình đi rồi Thúy Kiều ra rút vài cây ở hàng rào để lẻn qua thăm Kim Trọng. Hai người chơi với nhau một thời gian, thấy đã chiều rồi nên Thúy Kiều tạm biệt Kim Trọng để về xem gia đình đã về nhà chưa. Về nhà thấy gia đình chưa về nên Thúy Kiều tiếc, đi sang trở lại. Lúc đó trăng đã bắt đầu lên. Hai người đã sống với nhau những giờ phút rất căng thẳng. Hai người đã chờ đợi lâu lắm mới có giây phút này nên mỗi giây phút đều rất khẩn trương. Kim Trọng mệt quá tại vì sống với Kiều 7, 8 giờ đồng hồ rất khẩn trương, cho nên khi Kiều trở về nhà thì Kim Trọng mệt quá gục đầu xuống ngủ. Khi Kiều trở qua thì trăng mới lên, tiếng chân Kiều bước lên sỏi làm Kim Trọng thức giấc. Nhưng trong trạng thái nửa thức nửa ngủ đó ngẩn lên nhìn thì Kim Trọng không biết có phải thật là Kiều không hay đây chỉ là một hình ảnh trong giấc mơ?
Sinh vừa tựa gối thiêu thiêu
Giữa chiều như tỉnh giữa chiều như mê
Tiếng sen sẻ động giấc hòe
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần
Bâng khuâng đỉnh giáp non thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng
Kim Trọng hỏi:
- Có phải thật là em trở lại đó không hay đây chỉ là hình ảnh trong giấc mơ của anh?
Kiều trả lời rất hay, câu này là tuệ giác của Nguyễn Du. Trong Truyện Kiều cũng có khi thi hào Nguyễn Du thuyết pháp, nhất là trong đoạn đầu và đoạn cuối. Nhưng thi hào mà thuyết pháp thì thuyết rất dỡ. Nhưng đến khi thi hào làm thơ thì rất hay, trong đó có nhiều pháp rất thâm diệu. Nguyễn Du không muốn thuyết pháp mà chỉ muốn làm thơ thôi nhưng trong thơ có những bài pháp rất tuyệt diệu. Thúy Kiều đã trả lời như thế này:
Nàng rằng khoảng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa
Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao
Hai câu sau rất là thần diệu. Bây giờ rõ mặt đôi ta, tức trong giây phút hiện tại này tôi nhìn thấy anh và anh nhìn thấy tôi. Chúng ta có cơ hội để nhìn rõ mặt nhau thì chúng ta phải nhận diện sự có mặt của nhau là một điều rất là quí giá. Nếu không thì những gì xảy ra hôm nay sẽ trở thành chiêm bao mà thôi.
Người thương của ta là bố ta, mẹ ta, người bạn hôn phối của ta hay con của ta. Ta đang được sống với người đó, nhưng hôm nay ta bận rộn quá chừng, ta không có thì giờ để nhìn mặt người đó. Lúc ăn sáng ta không có thì giờ để nhìn người đó, buổi chiều đi làm về cũng không có thì giờ để nhìn người đó. Ta không có thì giờ để nhìn mặt nhau. Sống như vậy đâu có thể gọi là sống văn minh? Ta sống quá bận rộn!
Bí quyết ở chỗ là ngày hôm nay ta có thì giờ để thấy nhau, để nhìn được mặt nhau và thấy được sự có mặt của người kia là rất quí giá. Nếu hôm nay ta không làm được chuyện đó thì ngày mai tất cả đều trở thành một giấc mơ mà thôi. Như vậy thi hào Nguyễn Du khuyên ta nên trở về với giây phút hiện tại để nhận diện những gì quí giá mà hiện giờ ta đang có. Những gì ta đang có là hình hài này chưa đến nỗi dị lắm, hai mắt ta còn sáng để có thể ngắm trăng sao, hai chân ta còn khỏe có thể đi thiền leo núi với thầy. Biết bao nhiêu mầu nhiệm như vậy mà ta không nhận diện. Người thương của ta còn đó, ta có thể điện thoại hỏi thăm, ta có thể thực tập câu linh chú thứ nhất: I am here for you. Je suis là pour toi chéri. Nhưng ta không làm như vậy tại vì ta không biết được sự quí giá của “bây giờ”. Như vậy cái “bây giờ” sẽ đi qua như một giấc mộng và ngày mai chỉ còn lại giấc mơ thôi.
Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao
Khi Nguyễn Du không thuyết pháp mà chỉ làm thơ thôi thì ông thuyết pháp rất hay. Nhưng khi thi sĩ thuyết pháp thì lại thuyết pháp rất dỡ.
Nạn xưa trút sạch làu làu
Khi Giác Duyên cứu được Thúy Kiều và hai người tu chung với nhau thì họ có một thời gian rất hạnh phúc. Cụ Nguyễn Du đã viết ra những câu rất thần diệu.
Khi vớt được Thúy Kiều lên thuyền người ta đã làm đủ cách để Thúy Kiều tỉnh dậy. Thúy Kiều tỉnh dậy thấy mình đang ngồi trên thuyền với người bạn tu là ni sư Giác Duyên.
Thấy nhau mừng rỡ trăm bề
Dọn thuyền mới rước nàng về thảo lư
Thảo lư là ngôi chùa bằng lá.
Một nhà chung chạ sớm trưa
Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng.
Một nhà chung chạ sớm trưa tức buổi sáng anh cũng có em với anh, buổi sáng con có bố, có mẹ với con. Ta ý thức rằng ta đang được ở chung với nhau. Ta đang còn có nhau, đó là một hạnh phúc rất lớn.
Muối dưa chay lòng là ăn uống một cách đơn giản nhưng rất là hạnh phúc, tại vì sống nếp sống đơn giản thì ta có thì giờ để thương nhau, lo lắng cho nhau. Còn nếu muốn có đồng ra đồng vào thật nhiều thì ta làm gì có thì giờ để nhìn mặt người thương? Muối dưa chay lòng là một bí quyềt: Sống đơn giản lại để đừng mất thì giờ nhiều quá thì tự nhiên ta có “gió trăng mát mặt”. Ban đêm thì có trăng, nếu ta ở thành phố thì làm gì thấy được trăng? Hơn nữa ta bận rộn quá làm gì có thì giờ ngắm trăng? Ta không hưởng được ngọn gió tới mơn trớn mặt của mình. Thiên nhiên là một kho tàng của hạnh phúc, có trăng, có gió, có sao, có trời. Nhưng nếu ta bận rộn quá thì ta đánh mất thiên nhiên và không hưởng được những mầu nhiệm của thiên nhiên. Lòng ta đơn giản, không có lo lắng, sầu khổ tại vì ta không tham lam kiếm cho được nhiều tiền (muối dưa chay lòng).
Bốn bề bát ngát mênh mông
Tức là có rất nhiều không gian và thời gian để sống và để cho nhau.
Triều dâng hôm sớm mây lồng trước sau
Mỗi buổi chiều được nghe tiếng hải triều rất hùng vĩ, mỗi buổi sáng được thấy mây dàn trước ngõ. Như vậy hai người sống rất hạnh phúc.
Chỉ có điều là Kiều nhớ nhà. Tôi nghĩ thế nào Giác Duyên cũng biết tâm trạng của Kiều. Bây giờ Thúy Kiều có tự do, được cứu sống rồi, được tu học với người sư chị một cách hạnh phúc nhưng có một điều là Thúy Kiều nhớ nhà quá. Tôi nghĩ thế nào Giác Duyên cũng giúp cho Kiều thỏa mãn được điều này. Giác Duyên là một ni sư rất giỏi, là một du tăng, vì vậy thế nào Giác Duyên cũng nói với Thúy Kiều:
- Em đừng lo, một ngày nào đó chị sẽ tổ chức để hai chị em đi du hóa và từ từ mình đi về Bắc kinh để tìm ra gia đình của em.
Chắc chắn là Giác Duyên có nói câu đó với Thúy Kiều, nhưng chưa thực hiện được thì Giác Duyên đã khám phá ra sự có mặt của gia đình Kiều bên bờ sông và hai bên đã đoàn tụ.
Nạn xưa trút sạch làu làu
Duyên xưa chưa dễ biết đâu chốn này
Tất cả những tai nạn xưa bây giờ không còn nữa.
Để trước sau như một
Hôm qua tôi có ngồi xuống dịch lại mười bài thơ mà Thúy Kiều đã làm cho Kim Trọng khi hai người gặp lại nhau sau 15 năm xa cách.
1. Nhớ năm xưa gặp chàng
Chưa biết gì về sống
Chỉ biết là nữ tính
Thì cũng có nữ tình
Nhớ lại năm xưa khi mới gặp Kim Trọng thì Thúy Kiều chưa biết gì về bản chất của sự sống, thế nào là sống và thế nào là chết. Thúy Kiều chỉ biết được một chuyện: mình là một người con gái thì tình của mình phải là nữ tình, đó cũng là điều kiện của con người (condition humaine)
2. Chiều chàng đủ mọi cách
Chỉ trừ chuyện gối chăn
Sợ rằng chỉ không thể
Tình chỉ chuyện ăn nằm
Trong buổi gặp gỡ đầu tiên Kim Trọng đòi cái gì Kiều cho cái đó. Trên tường có bức họa một cây thông mà Kim Trọng vừa vẽ xong và Kim Trọng xin Kiều làm một bài thơ đề lên bức họa thì Thúy Kiều cũng chiều ý. Khi Kim Trọng muốn Thúy Kiều đàn cho mình nghe thì Kiều cũng chiều theo Kim Trọng. Nhưng khi Kim Trọng đòi chuyện ăn nằm với nhau thì Kiều nhất định cự tuyệt. Kiếu nói: “Tình yêu không phải là nhục dục. Nếu mình làm chuyện đó thì tình yêu sẽ tan vỡ.”
Cách đây vài tuần có một ông bộ trưởng, có lẽ là bộ trưởng bộ văn hóa Ấn Độ, tuyên bố rằng: “Có liên hệ tình dục trước đám cưới là chuyện phi đạo đức". Ở Á Châu đây là một vấn đề quan trọng! Ngày xưa lễ giáo dạy chúng ta phải làm như vậy, tại vì nếu mình dễ dàng quá thì người kia sẽ khi dễ mình. Kiều đã làm được điều đó, Kiều nhất định không cho Kim Trọng đụng tới, tuy Kiều chiều tất cả mọi điều Kim Trọng yêu cầu. Kiều nói: “Nếu mình làm chuyện đó thì tình yêu tan nát và không còn sự kính nể nhau nữa. Rồi mình sẽ không nuôi dưỡng tình yêu được lâu dài.”
3. Thân này hứa cho chàng
Làm sao phản lời nguyện
Nhưng hoàn cảnh ngang trái
Vì hiếu phải phụ chàng
Một lời mình đã hứa rằng đời mình sẽ dâng cho người yêu của mình thì làm sao mình có thể đi ngược lại lời hứa đó. Nhưng vì hoàn cảnh ngang trái nên phải bán thân để cứu cha, vì vậy nên phải phụ chàng.
4. Bỏ mình để cứu cha
Cha cứu nhưng mình mất
Dù muốn vẹn khí tiết
Thì tiết có nghĩa không
Trong nguyên văn có hai chữ thân, chữ thân đầu là thâm tình, là cha còn chữ thân thứ hai là hình hài của mình. Cứu được thâm tình thì đánh mất hình hài của mình. Một bên là tiết, một bên là nghĩa. Khi bị Mã Giám Sinh làm nhục Kiều đã toan lấy dao tự tử. Nhưng tự tử lúc đó thì giữ được tiết của mình nhưng sẽ gây tai họa cho gia đình, tại vì mình cần một số vàng để chuộc cha ra khỏi tù tội. Nếu mình tự tử ngay lúc đó thì cha sẽ bị liên lụy, có tiết thì không thể có nghĩa . Vì vậy Kiều đã không tự tử lúc đó.
5. Bao năm tháng lênh đênh
Lạc loài trăm xứ lạ
Chết giữ được thanh danh
Nhưng chết nào quí hóa
6. Chốn thanh lâu ẩn nhẫn
Vui gì với bạo cường
Nếu chẳng biết chịu đựng
Thì thù xưa sao báo
7. Khuyên hàng là việc phải
Giết hàng là bất nhân
Mình làm theo chánh đạo
Ai ngờ chàng mệnh vong
Khuyên Từ Hải ra hàng là việc nên làm, là đúng với đạo lý, đúng với tâm từ bi. Nhưng khi người đã ra hàng mà mình vẫn giết người thì đó là việc làm vô đạo. Đó là lỗi của Hồ Tôn Hiến chứ không phải là lỗi của Thúy Kiều. Mình làm theo trái tim của chánh đạo nhưng tại vì người ta vô đạo nên Từ Hải phải chết.
8. Nào có ý giết chàng
Nhưng vì em chàng chết
Vì vậy sông Tiền Đường
Em quyên sinh giữ tiết
Đến sông Tiền Đường thì mình phải chết để giữ khí tiết của mình
9. Tự cam chịu phận mỏng
Trả xong nợ đoạn trường
Nhờ đức Bụt từ bi
Thân này còn giữ được
Cố gắng mà sống để trả xong nợ đoạn trường này. Nhưng nhờ ơn từ bi của đức Phật nên hình hài này chưa mất.
10. Hôm nay gặp lại chàng
Tử sinh em đã biết
Xin chàng hãy định tâm
Để trước sau như một
Em đã có kinh nghiệm, em biết thế nào là sống và thế nào là chết. Đứng về phương diện kinh nghiệm thì Thúy Kiều dày dặn, khôn ngoan hơn Kim Trọng rất nhiều. Thúy Kiều đã trải qua biết bao là khó khăn, khổ đau và đã học biết được thế nào là cái chết và cái sống.
Đêm đó là đêm oanh liệt nhất của Thúy Kiều, tại vì Thúy Kiều đã dạy cho Kim Trọng. Thúy Kiều hành động giống như đêm đầu. Cái gì Thúy Kiều cũng chiều Kim Trọng. Dù không muốn đàn nữa nhưng khi Kim Trọng muốn thì Thúy Kiều cũng đàn. Thúy Kiều làm tất cả những gì mà Kim Trọng yêu cầu trừ chuyện ngủ với Kim Trọng. Thúy Kiều nói:
- Thà chết thì thôi chứ em không thể nào ngủ với anh được. Như vậy thì sẽ giữ được tình yêu, còn nếu không thì anh sẽ trở thành kẻ thù của em. Nếu anh ép em phải ngủ với anh thì anh không phải là người thương của em nữa. Em đã đạt tới sự thanh tịnh. Tuy bây giờ em không tu dưới hình thức của một sư cô nhưng em tu dưới hình thức của một cư sĩ. Em phải giữ giới. Sở dĩ em được trong sáng, thanh tịnh trở lại là nhờ giới luật. Đứng về phương diện hình thức thì mình là vợ chồng cũng không đến nỗi nào, nhưng trong phương diện nội dung thì nếu làm chuyện đó thì mình thành kẻ thù của nhau. Anh phải chọn lựa!
Bài thơ cuối là một tối hậu thư:
- Ngày đầu gặp nhau như vậy thì hôm nay gặp nhau cũng như vậy. Như vậy thì mình có thể sống với nhau lâu dài.
Và khi nghe những lời đó thì Kim Trọng hoảng hồn nói:
- Như vậy thì em đâu phải là một người đàn bà tầm thường? Em là một vị nữ hào kiệt! Lâu nay anh đi tìm em đâu phải vì những chuyện trăng hoa mà là vì tình nghĩa.
Khi Kim Trọng chấp nhận điều đó thì Kiều đứng dậy sửa khăn áo và lạy xuống nói:
- Cám ơn anh, anh đúng là người tri kỷ của em!
Theo http://langmai.org/

1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...