Nơi gửi gắm niềm tin
Người nghệ sĩ ngoài đời sáng tác ra những bài thơ bản nhạc vì
họ có những niềm đau nỗi nhớ trong lòng. Khi một bài thơ đẹp hay một bản nhạc
hay của người nghệ sĩ được sáng tác ra thì sẽ có nhiều tâm hồn đồng cảm mượn nó
để ru những niềm đau nỗi nhớ của mình. Ai mà không có những nỗi nhớ niềm đau?
Cho nên người ta tiêu thụ thơ và nhạc nhiều lắm.
Trịnh Công Sơn từng viết nhiều bản tình ca rất hay, khiến cho
bao người sử dụng để vỗ về niềm đau của họ. Nếu mình không thích nhạc Trịnh
Công Sơn nghĩa là mình không có những nỗi nhớ niềm đau ấy trong lòng. Trịnh
Công Sơn đã trải qua nhiều nỗi đau. Những mối tình của ông thường rất ngắn ngủi.
Đối với Trịnh Công Sơn thì tình yêu vốn mong manh
sương khói và dễ chết yểu, trong khi đó thì tình bạn lại bền vững, đem đến cho
mình niềm vui và sức khỏe. Niềm vui của Trịnh Công Sơn là được ngồi hát cùng bạn
bè. Cái mà ông được thừa hưởng trong cuộc đời chính là tình bạn. Trịnh Công Sơn
cũng từng có cơ hội được gần gũi với các vị xuất gia, từng được nghe kinh nên
thỉnh thoảng trong nhạc Trịnh có phảng phất âm hưởng của tiếng kinh.
Thời bấy giờ, người thanh niên Việt Nam có những thao thức mà
không nói lên được. Đó là ước muốn chấm dứt cuộc chiến tranh vô nghĩa mà trong
đó người Việt phải buộc lòng giết nhau bằng ý thức hệ và vũ khí nước ngoài.
Trong số những người thanh niên ấy có Trịnh Công Sơn. Thỉnh thoảng Trịnh Công
Sơn cũng nói ra được một vài điều, do đó có khi nhạc của ông được gọi là “nhạc
phản chiến”.
Những bài nhạc nổi tiếng thời tiền chiến như bài “Bến xuân” của
Văn Cao, cũng là để ru những nỗi nhớ niềm đau của mình. Trong bài “Bến xuân”,
Văn Cao tưởng tượng mình có một ngôi nhà bên bờ suối và có người yêu đến thăm
mình. Chuyện này chưa từng xảy ra. Ao ước trong đời thực không được thỏa mãn
nên nhạc sĩ phải đưa nó vào thi ca. Khi bài hát này ra đời, có rất nhiều người
sử dụng để ru những ước vọng của mình. Người thanh niên nào lớn lên mà không
khao khát yêu thương và được yêu thương? Nhưng người có hạnh phúc trong tình
yêu thì ít mà người gặp khổ đau trong tình yêu thì lại rất nhiều, tại vì cả
mình và người kia đều chưa biết cách yêu thương.
Hãy nghe bài thơ sau đây của nhà thơ Đàm Thị Lam Luyến:
Nếu ta gửi tình yêu vào một nơi chân thật
Thì tình yêu của ta sẽ thành hương thành mật
Gửi tình yêu vào đất được hoa trái đầy cành
Gửi lên trời cao rộng sẽ được ngọn gió xanh
Ta trao cả cho anh một tình yêu cháy bỏng
Như một cánh buồm xinh hiến mình cho biển rộng
Ta đã gửi cho anh cả con tim dào dạt
Và anh trả cho ta nỗi buồn đau tan nát
Ta muốn ôm cả đất, ta muốn ôm cả trời
Mà sao không ôm trọn trái tim một con người?
“Nếu ta gửi tình yêu vào một nơi chân thật”: Yêu nghĩa
là đầu tư trái tim của mình vào một nơi, nếu mình đầu tư lầm thì mình mất hết vì
mình chỉ có một trái tim. Bài thơ này đã được nhà thơ Thuận Yến phổ nhạc.
Đây là một bài thơ khác của nhà thơ Trần Quang Quý. Anh chàng
này may mắn hơn, không bị người yêu phụ bạc nhưng vẫn thấy tình yêu đó không đủ
cho mình. Là một chàng trai trẻ anh cần có không gian lớn hơn để vẫy vùng và
anh thấy tình yêu của mình giống như cái mạng nhện và con nhện chỉ đi quanh quẩn
trong mạng nhện đó mà không ra khỏi được, dù cái mạng nhện có trung kiên với
mình. Anh là người may mắn trong tình yêu nhưng anh vẫn chưa thỏa mãn với tình
yêu ấy:
Lối về nhỏ căn nhà ta bé nhỏ
Một tiếng guốc khua cũng
đủ chật rồi
Em nấu bếp nhìn anh trong mắt ướt
Thế là chiều Hà Nội bớt lang thang
Có lẽ là cô nàng đang nấu bếp và khói làm cho mắt ướt chứ
không phải là cô khóc. Mình là một trong số những người may mắn vì mình đang có
một tổ ấm, có một nơi để về, có một trái tim chờ đợi mình ở nhà. Nhưng điều ấy
đã đủ chưa?
Đâu những tòa nhà cao ánh đèn cao áp
Mái nhà con vừa khép đủ chúng mình
Ta bỗng thấy thương hơn từng con nhện
Đi suốt đời một mảnh tơ riêng
Em vất vả, gầy hơn, đêm ít ngủ
Lo cho anh chi chút lúc lên đường
Một viên thuốc năm ba lần căn dặn
ốm đau tan từ một lời thương
(Người vợ này rất chăm lo cho chồng, cô dặn đi dặn lại anh nhớ phải uống viên thuốc này nhé, dặn tới năm lần. Có lẽ hết bệnh không phải nhờ viên thuốc mà là nhờ cái ân cần của người kia.)
(Người vợ này rất chăm lo cho chồng, cô dặn đi dặn lại anh nhớ phải uống viên thuốc này nhé, dặn tới năm lần. Có lẽ hết bệnh không phải nhờ viên thuốc mà là nhờ cái ân cần của người kia.)
Anh nghèo lắm có gì đâu ngoài sách
Có gì đâu gia tài chẳng ngoài em
Ô cửa hẹp mặt trời thăm thẳm quá.
Một ngôi sao thả lỏng giữa xa mờ
Và đây, hai câu thơ cuối giống như một sự quyết định, không
biết cái gì sẽ xảy ra:
Anh bất chợt nhìn em bất chợt
Ô cửa này rộng mở anh đi.
Trong bài thơ của Đàm Thị Lam Luyến, mình cần ghi nhớ rằng
mình chỉ có một trái tim, làm sao để mình gửi trái tim ấy vào đúng nơi đúng chỗ,
tại vì thương yêu là một sự đầu tư lớn, đầu tư nhầm chỗ là mình sạt nghiệp, thế
nên phải cẩn thận lắm. “Nếu ta gửi tình yêu vào một nơi chân thật”, nhưng biết
đâu là nơi chân thật? Đôi khi lời nói kia rất đường mật nhưng có sự giả dối.
Anh chàng có thể đã nói điều đó với nhiều cô rồi, nhưng mình không biết, lại cứ
tưởng mình là người duy nhất được nghe câu nói đó.
Người đi xuất gia cũng muốn tìm nơi gửi gắm trái tim của
mình. Bài thơ “Tìm Nhau” cũng nói về tình yêu. Đi tìm ở đây là sự đi tìm chính
mình. “Con đã đi tìm Thế Tôn”, nhưng kỳ thực là con đã đi tìm chính con. Mình
chưa biết mình là ai. Đây là một quá trình đi tìm kiếm. Khi mình biết được mình
là ai thì mình có bình an, hạnh phúc. Trong bài thơ có câu “Con đã tìm ra Thế
Tôn. Con đã tìm ra con” có nghĩa là vậy. Khi mình tìm ra được mình là mình tìm
ra được Bụt và khi mình tìm ra được Bụt thì mình tìm ra được mình “Thế tôn với
con đã từng là một”, đây không phải là sự tìm kiếm bên ngoài mà là sự tìm kiếm
bên trong.
Đất Mẹ nhiệm mầu
Vào năm 1969, lần đầu tiên mọi người thấy được hình ảnh của địa
cầu nhìn từ mặt trăng tuyệt đẹp. Phi thuyền Apollo đưa ba phi hành gia lên trên
mặt trăng, giữa đường các phi hành gia đã nhìn về địa cầu và chụp ảnh trái đất.
Phi hành gia người Mỹ đầu tiên đặt chân lên mặt trăng là Neil Armstrong. Khi
ông đặt bước đầu tiên xuống mặt trăng thì ông rất ý thức. Ông đã nói:“Đây là một
bước nhỏ của con người nhưng là một bước rất lớn của nhân loại.” Sau khi được
nhìn thấy bức ảnh về trái đất này, tôi đã làm một bài thơ:
An tịnh tâm hành
Trên đường lên nguyệt cầu
Quay nhìn lại
Tôi thấy em
Và tôi không ngừng kinh ngạc :
Em xinh đẹp quá chừng
Em là một chiếc bong bóng nước
Nổi trên biển không gian mông mênh
Em là đại địa
Em là hành tinh xanh
Hiển nhiên và mầu nhiệm
Nhưng rất đỗi mong manh.
Tôi thấy tôi trong em
Đang bước đi những bước chân ý thức
Trên con đường đất
Hai bờ cỏ xanh
Chân nói lời nguyện ước với đất
Mắt ôm lấy bình minh
An trú trong giờ phút
Lá thu rơi, ngập cả nẻo thiền hành.
Có con sóc thập thò
Sau gốc cây
Nhìn tôi
Với một chút ngỡ ngàng trong ánh mắt
Rồi leo lên thoăn thoắt
Và ẩn mình sau một cụm lá xanh.
Tôi thấy dòng nước trong
Đang len chảy giữa khe đá trắng
Suối cười reo
Thông vi vút
Cùng ngợi ca một buổi sáng thanh bình.
Tôi cũng thấy những vùng đau nhức
Nơi con người đang kẹt thế giao tranh
Chúng ta đang làm khổ nhau
Và vung vãi tang thương
trên đất
Kỳ thị
Hận thù
Tham lam
Tạo thành bao thảm khốc
Gà một nhà đã rủ nhau bôi mặt
Tiếng kêu gào thảm thiết nạn đao binh
Đại địa quê hương ta chính là ta
Này các anh các chị
Quê hương ta xinh đẹp quá chừng
Tôi muốn ôm cả vì sao xanh
Áp vào lồng ngực nhỏ
Chúng ta hãy cùng nhau hòa nhịp thở
An tịnh tâm hành
Loài người chúng ta hãy chung lưng góp sức
Chấp nhận nhau
Thương yêu nhau
Vì ta cùng thương yêu trái đất
Bởi ta biết rằng
Tình ta là tất cả
Tình ta không phải chỉ là một mảnh nhỏ
Ta là những kẻ chịu chung trách nhiệm về hành tinh xanh.
Anh chị em ơi
Sáng nay hãy truyền được cho nhau
Cái Thấy
Làm sao cho
Tình yêu lớn tượng hình.
Chủ nghĩa dân tộc đã trở thành rào cản, sự đấu tranh của các
dân tộc với nhau không cho phép chúng ta có thời gian và năng lượng để thay đổi
sự sống và bảo vệ hành tinh này. Thế nên bài thơ này có câu: “Tình ta không phải
chỉ là một mảnh nhỏ. Ta là những kẻ chịu chung số phận của hành tinh xanh”. Mỗi
nước đều coi đất nước của mình là một bà mẹ. Ở Việt Nam ta nói là Mẹ Việt Nam. Ở
bên Pháp nói là La Mère Patrie. Nhưng những bà mẹ đó chỉ là một mảnh nhỏ trong
khi bà mẹ lớn của chúng ta là trái đất. Hiện bây giờ các bậc thiện tri thức
trên thế giới đã thấy rõ rằng sự tranh chấp giữa các nước với nhau là một rào cản
lớn khiến cho chúng ta không có cơ hội bảo vệ cho hành tinh của chúng ta. Vì muốn
bảo vệ nước mình nên mình cũng muốn nước mình có bom nguyên tử. Vì muốn bảo vệ
nước mình nên mình cũng muốn khai thác cho đất nước mình giàu mạnh để chống lại
những nước khác, vì vậy cho nên mình đang đi trên một con đường không thuận lợi
cho việc cứu hộ hành tinh.
Học hạnh của đất
Có một lần Đức Thế Tôn dạy chú tiểu La Hầu La: “Con hãy
học theo những đức tính của đất thì con sẽ có hạnh phúc.” Đất có tính kiên trì,
bền vững, luôn trung kiên mà không phản bội. Đất không kỳ thị, đất thương yêu
và ôm lấy tất cả mọi loài dù những đứa con mà trái đất sinh ra có thế nào đi nữa
thì đất mẹ vẫn luôn luôn đưa hai tay đón lấy khi nó trở về. Đất có năng lực
sáng tạo. Đất đã sáng tạo ra sự sống với sự hợp tác của mặt trời. Ta tự hào có
biết bao vị anh hùng, nhưng đất là vị anh hùng lớn nhất đã phải chịu đựng hàng
tỉ năm để tạo nên sự sống. Ta tự hào là có những nhạc sĩ tài ba, nhưng đất là
nhạc sĩ tài ba nhất, những tiếng hải triều là âm nhạc, tiếng gió, tiếng mưa, tiếng
lá xào xạc, tiếng chim líu lo đều là âm nhạc tuyệt vời. Chúng ta tự hào rằng có
những họa sĩ tài ba, nhưng chính đất đã tạo ra những bức họa đẹp nhất. Đông
sang tuyết phủ, xuân tới trăm hoa đua nở, có liễu lục đào hồng; hạ đến cây cối
xanh tươi; thu về lá rực rỡ muôn màu. Rõ ràng Bồ Tát Thanh Lương Đại Địa là một
họa sĩ lớn.
Vật chất và tinh thần
Trước đây khoa học cho rằng sự sống, trí tuệ và ý thức là do
vật chất sinh ra. Vật chất làm ra sự sống và sự sống làm ra trí tuệ nhưng bây
giờ khoa học lượng tử (quantum science) không còn thấy đất là vật chất nữa. Có
những nhà khoa học nói rằng: “Ý niệm trước đây của chúng ta về vật chất là một
sai lầm.” Người ta đã khám phá ra rằng vật chất là năng lượng, nó là những đợt
sóng và chính tâm thức của mình cũng là năng lượng, là những đợt sóng. Tâm thức
có sức mạnh rất to lớn.
Nhà bác học Albert Einstein không tin vào một đấng thượng đế
đứng trên trời điều khiển và kiểm soát những gì xảy ra dưới mặt đất. Ông nói rằng: “Là
một nhà khoa học tôi không tin rằng có một Thượng Đế đứng ở trên kia điều khiển
nhân sự dưới này. Nói như vậy không có nghĩa là tôi không cảm động khi nhìn vào
vũ trụ.” Ông nói rằng mỗi khi nhìn vào vũ trụ thì ông thấy một sự hòa điệu,
một vẻ đẹp tuyệt vời khiến cho ông rung động. Ông nói: “Nếu trong tôi có một
cái gì có tính cách tôn giáo thì chính là sự kính ngưỡng và rung động đó. Nếu
trong tương lai có một tôn giáo mà mọi người có thể theo được thì đó không phải
một tôn giáo thờ phụng một vị thần linh, sáng tạo ra vũ trụ mà đó là một tôn
giáo có tính cách vũ trụ, trong đó những gì mình tin phải được chứng thực bởi
những xét nghiệm của khoa học.”
Tịnh Độ hiện tiền
Tại Làng Mai chúng ta có thực tập pháp môn Tịnh Độ nhưng đối
với chúng ta thì Tịnh Độ là Tịnh Độ bây giờ và ở đây. Tịnh Độ là trái đất vì
khi ta lấy kính viễn vọng để soi chiếu thì chúng ta chưa tìm thấy được ở đâu một
tinh cầu đẹp đẽ như trái đất, thế nên chúng ta không dại gì bỏ trái đất để đi
tìm một Tịnh Độ vu vơ nào đó ở nơi khác mà chúng ta không biết có thật hay
không. Tịnh Độ của Làng Mai là bây giờ và ở đây. Nếu mình biết thở, biết đi thiền
hành, thì mỗi hơi thở và bước chân như vậy đem mình về với giây phút hiện tại để
khám phá ra bao điều kỳ diệu. Chánh niệm là ý thức mình đang có mặt để biết những
gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta, đó là Tịnh Độ Hiện Tiền. Nói rằng Tịnh
Độ Hiện Tiền nằm ngay trên trái đất thì khoa học có thể chấp nhận được. Không
ai có thể phủ nhận điều đó.
Chúng ta là một mầu nhiệm và tất cả những gì bao quanh chúng
ta đều là mầu nhiệm. Những mầu nhiệm đó là do đất Mẹ sinh ra. Chúng ta đều là
con của Mẹ. Các vị Bụt, các vị Bồ Tát cũng là con của trái đất. Chúng ta ai
cũng có một bà mẹ đã sinh ra ta thì người mẹ ấy cũng là con của trái đất, chúng
ta có một người cha sinh ra ta thì người cha ấy cũng là con của trái đất. Chúng
ta có một vị thầy thì vị thầy ấy cũng là con của trái đất. Chúng ta có một vị Bụt
thì vị Bụt ấy cũng là con của trái đất. Vì vậy chúng ta phải công nhận trái đất
là người mẹ chung của chúng ta. Đó là Bồ Tát Thanh Lương Địa, một vị Bồ Tát rất
xinh đẹp và mầu nhiệm.
Mỗi khi lao đao, hốt hoảng, buồn khổ chúng ta có thể trở về
tiếp xúc với đất Mẹ, đất Mẹ sẽ ôm lấy và truyền lại năng lượng cho chúng ta. Nếu
chúng ta quán chiếu cho giỏi thì chúng ta sẽ vượt thoát được sinh tử, chúng ta
sẽ không bao giờ chết. Khi quán chiếu thì chúng ta sẽ thấy đất Mẹ ở trong ta và
có ta trong Mẹ. Nếu Mẹ là vô sinh bất diệt thì ta cũng là vô sinh bất diệt.
Chúng ta từ Mẹ mà được biểu hiện ra, rồi chúng ta sẽ trở về với Mẹ, sau đó Mẹ lại
đưa chúng ta ra đời trở lại nên không có gì phải lo sợ. Quay về nương tựa trái
đất là một pháp môn rất thích hợp với Phật giáo. Albert Einstein cũng nói rằng
nếu có một tôn giáo có thể đóng vai trò một tôn giáo vũ trụ căn cứ trên những bằng
chứng xác thực có thể đi đôi với khoa học thì đó là đạo Bụt.
Ở Làng Mai có một bài kinh mới: “Kinh ca tụng Đất Mẹ”. Bài
này không những Phật tử mà cả những người không phải Phật tử cũng có thể tiếp
nhận được và thấy đây là một sự thật. Khi quán chiếu ta thấy đất Mẹ có trong ta
và ta có trong đất Mẹ. Ta phải thay đổi cách sống thì mới cứu được bà mẹ của
chúng ta.
Có một vị vua như thế
Ở Việt Nam có phái thiền Trúc Lâm, nguồn gốc từ núi Yên Tử. Vị
Tổ đầu tiên là Trúc Lâm Đại Sĩ, tức là Vua Trần Nhân Tông. Sau khi đánh tan quân
xâm lăng phương Bắc, vua Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử xuất gia, Ngài từng du
hành qua rất nhiều nơi trên đất nước để gặp gỡ dân chúng. Nhà vua đi chân đất
viếng thăm các miền quê để khuyên dân bỏ những tục lệ mê tín dị đoan quay về thực
tập theo chánh pháp. Dân chúng biết vị xuất gia này trước đây là vua của mình
nên rất cung kính và hết lòng nghe lời. Trong lúc vua con làm chính trị thì vua
cha làm đạo đức. Hai cha con phụng sự đất nước bằng hai cách khác nhau. Đó là
thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử Việt Nam, nhân dân sống có đạo đức nên đất
nước được thái bình hạnh phúc.
Nếu vị nào đã đọc sử Việt Nam hoặc đọc cuốn “Am Mây Ngủ” thì
đã biết rằng vua Trần Nhân Tông có một cô công chúa tên là Huyền Trân. Để giải
quyết tranh chấp biên giới với nước Chàm, vua đã đi bộ sang làm thượng khách của
vua Chàm và đã hứa gả con gái cho vua Chàm. Khi ấy công chúa mới có 14 tuổi.
Hồi đó trong triều có một vị quan rất giỏi về văn học tên là
Lý Đạo Tái có tài ngoại giao và ứng đối rất giỏi nhờ văn chương lỗi lạc của mình.
Lý Đạo Tái làm quan được hai ba năm thì đi xuất gia làm đệ tử của thầy Bảo Phác
với pháp hiệu là Huyền Quang. Thầy Bảo Phác cũng là đệ tử của vua Trần Nhân
Tông. Thầy rất yêu quý Huyền Quang, đi đâu cũng cho đi. Một hôm thầy Bảo Phác
cho thầy Huyền Quang cùng đi theo mình nghe vua Trần Nhân Tông giảng pháp. Nhà
vua nhận ra thầy Huyền Quang trước đây là Lý Đạo Tái nên đã đề nghị thầy Bảo
Phác cho Huyền Quang ở lại để vua nhờ biên tập những kinh điển và tác phẩm mà
vua muốn để lại cho hậu thế, nhờ vậy thiền sư Huyền Quang được ở lại với vua Trần
Nhân Tông, sau này trở thành tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm.
Thiền sư mê hoa cúc
Về già thầy Huyền Quang lên an dưỡng ở Côn Sơn. Lúc ấy thầy
đã 77 tuổi. Thầy không thích đi giảng dạy trong dân chúng mà chỉ thích giảng dạy
cho người xuất gia. Có lúc hàng ngàn tu sĩ tới theo học với thầy. Thầy Huyền
Quang rất yêu hoa cúc. Ngày xưa thầy Huyền Quang trồng nhiều hoa cúc tại Côn
Sơn. Trong lịch sử văn chương có những người thích hoa lan, có người thích hoa
mai, có người thích trúc, v.v… nhưng thầy Huyền Quang thì lại thích hoa cúc hơn
cả. Thiền sư Huyền Quang có làm một bài thơ về hoa cúc. Ông nói tuổi lớn rồi
không thấy có gì hấp dẫn hết. Ngoài thì giờ ngồi thiền, tụng kinh, thổi sáo, đi
chơi thì thầy trồng cúc, trồng khắp nơi, sân trước, sân sau, trên lầu, dưới lầu.
Sau mỗi buổi ngồi thiền, việc đầu tiên là ra thăm vườn cúc. Mỗi khi nghĩ tới
cúc là trong lòng ông rộn ràng như khi nghĩ tới người yêu vậy.
Đường nhà Tưởng Hũ tre reo gió
Vườn cảnh Tây Hồ đẹp nét mai
Nghĩa khí chẳng đồng tình chẳng hợp
Cúc hoa nở sáng khắp vườn ai
Ngàn sông không đủ thấm lòng già
Bách vịnh mai hoa vẫn kém xa
Đầu bạc ngâm hoài vần chưa ổn
Thấy hoa cúc nở rộn lòng ta.
Quên thân, quên thế, thảy đều quên
Thiền tọa giờ lâu, lạnh thấm giường
Trong núi năm tàn, không có lịch
Thấy hoa cúc nở biết Trùng dương.
Năm năm nở đúng tiết thu qua
Gió dịu trăng thanh ý mặn mà
Cười kẻ không hay hoa huyền diệu
Khi về mái tóc giắt đầy hoa.
Người ở trên lầu, hoa dưới sân
Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông
Hồn nhiên người với hoa thành một
Một đóa hoa vàng chợt nở tung.
Phương phi xuân sắc, trắng hay vàng
Thời tiết tùy loại, hợp sắc hương
Khi mọi loài hoa rơi chật đất
Dậu Đông, hoa Cúc vẫn chưa tàn.
I am in love
Tôi cũng hơi giống thầy Huyền Quang ở điểm là rất yêu hoa
cúc. Tuổi của tôi bây giờ lớn hơn tuổi của thầy Huyền Quang, nhưng đọc bài thơ
này tôi thấy rất hợp ý. Có những lúc trên Xóm Thượng, hay khi ở Phương Khê, làm
việc một hồi chợt nhớ tới ở ngoài kia có trăng, có trúc, có con đường thiền
hành thì trong lòng rộn lên, tôi đặt bút xuống, choàng áo và đi ra ngoài. Giây
phút ấy đem lại cho tôi rất nhiều hạnh phúc. Mỗi buổi sáng thức dậy, sau khi rửa
mặt, mặc áo khoác lên rồi đi bộ từ thất Ngồi Yên lên thiền đường, mỗi bước chân
như vậy giúp mình tiếp xúc với thiên nhiên, trăng sao, cây cối, hạnh phúc vô
cùng. Tôi có viết một bức thư pháp: “I am in love with Mother Earth”. Giống
như một chàng trai trẻ khi nghĩ tới người yêu thì lòng rộn ràng lên, tôi cũng vậy,
tôi đầu tư vào trái đất. Bồ Tát Thanh Lương Đại Địa đã đem đến cho tôi biết bao
hạnh phúc. Đầu tư vào vị đại Bồ Tát này là chắc ăn nhất.
Chúc các vị trong tăng thân một năm mới đầy bình an và hạnh
phúc.
Theo http://langmai.org/
hãng bay eva
Trả lờiXóamua vé máy bay đi mỹ hãng nào rẻ
phòng vé máy bay korean air
vé máy bay đi mỹ giá rẻ
mua vé máy bay đi canada
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thuc Du Lich