Thích nhạc, mê nhạc, ghiền
nhạc không hề đứng gần khả năng am hiểu âm nhạc, lại càng không thể phát sinh
chuyện điều khiển, sắp xếp những nốt nhạc, nói ngắn gọn là sáng tác. Đa số
chúng ta nghe nhạc bởi sự cảm nhận tự nhiên. Sự cảm nhận này rất ít đến với
chúng ta bằng sự lẻ loi của các nhạc cụ, dù chúng có cùng nhau cất tiếng. Âm
nhạc vốn là cõi cao xa, thường vượt tầm hiểu biết của nhiều
người. Cứu được nhược điểm này, lời ca đã đóng một chức năng chủ yếu. Riêng
với người Việt Nam,
ca từ đúng là một nhu yếu phẩm cho tâm hồn, cho tinh thần. Ngày còn nằm
nôi, ca dao, tục ngữ theo giọng hát ru con,
ru em đến với chúng ta. Ấu thơ bây giờ có thể thiếu hẳn nguồn bổ dưỡng
này, nhưng bù lại có những máy phát êm dịu đưa giấc ngủ. Nói chung lời
ca chính là chìa khóa, là cây cầu đưa chúng ta đến gần âm nhạc hơn. Dĩ nhiên phần
nhiều chúng ta vẫn mang đôi tai điếc đặc ngồi trong thính đường một
buổi trình tấu nhạc cổ điển tây phương. Nhưng ít ra chúng ta cũng đã dễ dàng đến
với những Chiều Về Trên Sông của Phạm Duy, Thu Vàng của Cung Tiến, Biệt Ly của
Dzoãn Mẫn, Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn, Tóc Mây của Phạm Thế Mỹ, Cô Đơn của
Nguyễn Ánh 9, Hòn Vọng Phu của Lê Thương, Dư Âm của Nguyễn Văn Tý, Ngọc Lan của
Hoàng Trọng, Quê Mẹ của Thu Hồ, Khúc Ca Ngày Mùa của Lam Phương, Ghé Bến Sài
Gòn của Văn Phụng, Xóm Đêm của Phạm Đình Chương, Trăng Mờ Bên Suối của Lê Mộng
Nguyên, Nụ Cười Sơn Cước của Tô Hải, hay Sơn
Nữ Ca của Trần Hoàn... Dĩ nhiên còn rất nhiều, rất nhiều ca khúc vẫn sống
tiềm ẩn trong lòng chúng ta. Có thể nói những ca khúc này, tám phần mười
vượt thời gian nhờ ở ca từ. Đây quả thật là trình độ thưởng ngoạn âm nhạc
của đại chúng người Việt chúng ta. Và từ những lời nỉ non, véo von không cần
mất nhiều sự suy nghĩ này, một số trong chúng ta lần theo trình độ học
vấn yêu thích những ca khúc trau chuốt, giàu hoa mỹ đượm chút ít triết lý về cuộc
đời. Vẫn giữ căn bản giản dị, trong sáng, nhưng rõ ràng từ bàn tay của Từ công
Phụng, Lê Uyên Phương, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Cung Tiến... ca khúc của
họ có cái vẻ sang cả, trí thức hẳn lên.
Tôi
cũng là người yêu nhạc bình dân, không có khả năng am hiểu những trường canh,
tiết tấu, hợp âm...gì gì đó. Tôi chỉ vịn lời ca mà đi cho cuộc đời mình
thêm chút ít nhẹ nhàng, thanh thản. Hôm nay ngồi buồn, chẳng phải vì trời
mưa, chẳng phải vì thất tình hay nhớ cố hương, mà bỗng thấy buồn khan thế mới lạ. Có
lẽ có sự trống vắng nho nhỏ trong tâm hồn. Để nỗi bâng khuâng vô cớ không
trở thành cô đơn, tôi mở nhạc. Và rất tình cờ, tôi nghe ông Từ
Công Phụng tỏ tình.
Hình
như Thiếu nữ và mùa Thu thường có những nét tương đồng. Từ sự lộng lẫy,
thanh tú của nhan sắc, đến cái dịu dàng, man mác
lạnh của tính chất, đã hàng nghìn năm qua, hai đối tượng này vốn là đầu nguồn của
nhiều dòng sáng tác. Nhiều nhạc sĩ, thi sĩ, thậm chí đến cả văn sĩ, họa sĩ đã từng
vịn vào mùa thu, hoặc vịn vào một bóng hồng để đẩy những suy tưởng lẫn nhớ
nhung của mình thoát xác thành những hình ảnh mới. Nhạc sĩ Từ công Phụng cũng
không đi lệch con đường có sẵn này. Nhưng với ông, trong ca khúc Bài Cho Em, ranh giới giữa mỹ nhân và mùa thu chợt được xóa nhòa. Để nhường
chỗ cho tình yêu và nỗi nhớ quấn quít bên chân những nốt nhạc tha thiết, trôi nổi,
vang xa mong tìm lại một thời hoa bướm có đủ vui buồn. Tất cả dành cho em,
gởi về em mênh mang như một dòng sông, chúng ta hãy cùng Từ Công Phụng dựa tình
lên dòng sông, và để lòng trôi cùng âm nhạc:
Chiều nay ngồi viết riêng cho
em
Cho em bài hát êm đềm, trôi theo từng
tiếng tơ mềm
Cho em ngàn lời yêu thương,
trôi trên nụ cười phong kín
Mùa Thu chợt đến trong cô
đơn
Buồn bay lên mờ lấp khung trời
chiều lạnh lùng
Trời còn gọi tiếng mưa đêm
nay
Mưa ơi! Đừng làm buồn mắt em
thơ ngây
Ô hay! Mùa Thu đến bao giờ
Mưa bay buồn giăng mắc khung
trời
Người về từ trên đó để nhìn
làn môi thắm
Cớ sao em còn buồn để mùa
Thu đến rồi đi
Giòng sông nào vắng xa chưa
em
Ru lên hồn tuổi thơ này,
thêm một lần chuốc u buồn
Hồn lên ngàn phím tơ vương
êm
Ru em bằng lời ca đêm, ru lên
tuổi buồn em mang
Giòng sông rồi vắng xa thôi
em
Đời trôi theo ngày
tháng, mang nhiều kỷ niệm buồn
Tuổi thơ còn có mơ không em
Hay trôi miệt mài ngày tháng
trong cô liêu
Khi
yêu chúng ta thường mất đi ý niệm về thời gian, hoặc ngược lại, từng giờ từng
khắc có thể gói gọn được rất nhiều kỷ niệm. Ở ca khúc Bây giờ tháng mấy,
nhạc sĩ Từ Công Phụng, có lẽ có cả hai trạng thái khác nhau này. Trong ca
khúc, ông có ít nhất 3 lần lên tiếng hỏi người yêu mình về một cái móc thời
gian, không cần phân định là đang yêu nhau, gần nhau hay sắp sửa một cuộc chia
xa. Hỏi cho có hỏi vậy thôi. Cái vẩn vơ thật thi sĩ của Từ
công Phụng chỉ là cái bàn đạp để ông vẽ lại nỗi nhớ thương, cùng những nét đẹp
độc đáo, tiêu biểu của người yêu mình. Em hờn dỗi đủ để cho anh phải đi
tìm một loài hoa. Mắt em đẹp đủ cho anh thấy cả mùa xuân. Và ngay
trong cái lạnh lẽo của mùa đông, tâm hồn những người yêu nhau cũng không lẻ
loi. Cái thời gian Từ Công Phụng muốn hỏi, hay đúng hơn là muốn nhắc tới,
chính là cái ổ tình, một thời ông đã cùng ấm áp bên một người, để có cơ hội mở
ra một dòng tình ca rất gần với sự thưởng ngoạn của đại chúng :
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi
em?
lênh đênh ngàn mây trôi
êm đềm
Chiều nay nếu em đừng hờn dỗi,
trách nhau một lời thôi
Tâm hồn mình đâu lẻ đôi.
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi
em?
Anh đi tìm màu hoa em cài
Chiều nay nhớ em rồi và nhớ
áo em đẹp màu thơ,
môi tràn đầy ước mơ
Mai đây
anh đưa em đi về,
mưa giăng chiều nắng
tàn
cho buốt lạnh chúng
mình.
Em ơi, thôi đừng hờn anh nữa,
nhìn nhau buồn vời vợi,
để mùa đông buốt giá bờ vai mềm.
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi
em?
Anh đi tìm mùa xuân trên đời
Mùa đông chết đi rồi mùa
xuân
mắt em đẹp trời sao
cho mình thương nhớ
nhau.
Trong
một đồng tình gần như tuyệt đối với nhà thơ Du Tử Lê, khi xác nhận, minh định vị
trí của người phụ nữ bên cuộc đời mình, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã biến những lời
thơ của ông Lê Cự Phách thành những dòng nhạc chân thành, tha thiết. Cảm tạ
ơn em không phải là một thỏa thuận riêng rẻ giữa nhạc sĩ và thi sĩ, mà còn là sự
đồng thuận của đám đông, của chúng ta khi lắng nghe.Giữ Đời Cho Nhau, như một lời
dặn dò, nhắc nhở đơn giản, nhưng chân tình. Một hơi thở thoáng ấm chỗ nằm. Một
vóc áo hờ hững bất ngờ, đã có thể là một sự ban ơn cho chúng ta, nếu tình cờ
chúng ta được hạnh phúc biết rung cảm, biết nắm bắt, dù một thoáng. Hãy nghe Du
Tử Lê và Từ Công Phụng nói hộ những gì đã lâu chúng ta muốn nói, mà chưa thành
lời, chưa công khai:
Ơn em thơ dại từ trời
Theo ta xuống biển vớt đời
ta trôi.
Ơn em dáng mỏng mưa vời
Theo ta lên núi về đồi yêu
thương.
Tạ ơn em
Tạ ơn em.
Ơn em ngực ngải môi trầm
Cho ta cỏ mặn trăm lần lá
ngoan.
Ơn em hơi thoảng chỗ nằm
Dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn
một nơi.
Tạ ơn em
Tạ ơn em.
Ơn em tình những mù lòa
Như con sâu nhỏ bò qua giấc
vùi.
Ơn em hồn sớm ngậm ngùi
Kiếp sau xin giữ lại đời cho
nhau.
Tạ ơn em
Tạ ơn em
Trong
cuộc sống, gần như không có gì vĩnh cửu. Riêng tình yêu, sự đánh giá cũng
chẳng bao giờ giống nhau. Nhạc sĩ Từ Công Phụng, với một cảm hứng ông tìm
thấy, ghi lại, đã phơi bày chút nào sự bi quan của ông. Những không vui
này được lồng trong những nhận định không xa lạ và phảng phất những nét triết
lý vốn đã có. Đã sống tất phải chết. Đã hợp ắt sẽ tan. Cuộc tình
tuyệt vời đến đâu cũng sẽ kết thúc. Tất cả chỉ tùy thuộc vào sự phôi pha của
tháng năm. Lặp lại và diễn đạt ý tưởng này bằng âm nhạc, không phải là việc
dễ dàng. Nhưng Từ Công Phụng, không những chỉ làm được việc này. ông còn
chứng tỏ được khả năng sử dụng ngôn ngữ rất thơ.“Rót cho đầy hồn nhau, đắp cho
đầy đời nhau” Không bí hiểm, xa lạ, nhưng không phải ai cũng dùng được những
động từ đắc ý, giàu hình ảnh như họ Từ. Như một que diêm là một ca khúc đã có
khoảng cách khá xa với những thể loại phổ thông:
Như Chiếc Que Diêm
Đời anh sớm muộn gì
Đời em sớm muộn gì
Tình ta sớm muộn gì ...cũng
hấp hối
Thôi cũng đành một kiếp trăm
năm đời người sẽ qua
Cũng đành một thoáng
chiêm bao tình người cũng xa
Cũng phôi pha những
điêu ngoa, theo vết môi cười tàn tạ
Thôi cũng đành một kiếp
phong ba lệ tình cũng xa
Xuống đời ta những
nguôi ngoai rồi người cũng xa
Cũng xa ta, cũng xa ta theo dòng
nghiệt ngã mù lòa
Vì lời em sớm muộn gì cũng một
lần gian dối
Tình anh sớm muộn gì
cũng đưa vào tăm tối
Đời anh sớm muộn gì, đời
em sớm muộn gì
Tình ta sớm muộn gì
cũng hấp hối
Rót cho đầy hồn nhau,
đắp cho đầy đời nhau
Những men nồng tình
sâu rã rời
Thôi cũng đành như chiếc
que diêm một lần lóe lên
Thắp đời em sáng lung
linh, buồn một cõi riêng
Những đêm sâu, những
canh thâu
Nghe nước mắt nặng giọt
sầu
Thôi cũng đành như kiếp
rong rêu một lần hóa thân
Cuốn về phong kín tim
ta một đời chói chang
Những đam mê, những
ngô nghê
Với tình người nhỡ lời
thề
Thôi cũng đành như tấm gương
tan mờ phai vết xưa
Xót dùm cho tấm thân
ta ngựa bầy đã xa
Những đêm mơ thấy tan
hoang
Hương tình vừa chớm muộn
màng
Nhạc
sĩ Văn Cao từng thú thật ông đã yêu mùa thu rất đậm đà, vượt trên ba mùa còn lại
của đất trời. Một nhạc sĩ khác, ông Đoàn Chuẩn cũng rất hết lòng với mùa thu. Từ
Công Phụng chẳng thua gì những người viết nhạc có tuổi đời cao hơn.Ông đã dành
cho mùa thu nhiều ca khúc. Chúng ta thử nghe Mùa thu mây ngàn của tác giả. Buồn
vương trên mây, trên tóc mỹ nhân. Mưa bay vừa ướt áo, vừa đủ cho một con phố chợt
giàu những đôi vai, những gót chân. Tất cả những hình ảnh đó không có gì mới.
Nhưng qua từng ký âm của Từ Công Phụng, chúng ta hẳn sẽ thấy được ông cho những
cảnh sắc, hình vóc ước lệ muôn đời thở sống như thế nào:
Chiều nay có mùa thu đi về
Buồn vương mây ngàn giăng khắp
lối
Mùa thu bơ vơ đến bên trời
Ru tóc em suối nguồn
Gọi hồn hong gió thu buồn
Ngày mai chúng mình xa nhau
rồi
Cầm tay em nhìn
sao không nói
Chiều nay mưa bay khắp phố
nhỏ
Mưa ướt đôi vai mềm
Bùn lầy lấm gót chân em
đk:
Thu nay mây ngàn còn giăng
mãi bên trời
Mùa thu lưu luyến
bóng dáng anh đi
Đêm nay bên thềm cầm tay em
khẽ nói
Ngày mai anh đi rồi
Anh có buồn gì không
Buồn không hỡi người đã đi rồi
Tìm đâu những ngày vui êm ấm
Người đi theo năm
tháng không cùng
Thương mắt em hay buồn
Nhìn mùa thu chết
bên sông
Hình
ảnh là một trong những yếu tố quan trọng trong chức năng làm trưởng thành một
sáng tác. Dựa vào mùa thu để làm giàu thêm gia tài âm nhạc của mình,
Từ Công Phụng đã rất thành công trong việc dùng hình ảnh để nói lên tâm cảm của
mình. Nội dung ca khúc vẫn không ngoài tình yêu. Nhưng tình yêu sẽ có thể được
mới ra, thi vị hơn với một người thơm tay và có trình độ diễn đạt, đã được đánh
giá cao như Từ Công Phụng. Hãy lắng nghe Như Ngọn Buồn rơi thánh thót qua dòng
nhạc Từ Công Phụng.
Như mùa thu trút
lá vàng
ngậm ngùi em khóc cho
tuổi thơ qua mau
hồn nhiên cũng rơi khỏi
tầm tay với xa
trên từng thung lũng buồn
em lệ nhòa trên tóc
Trên từng thung lũng buồn
từng thung lũng buồn
mùa thu đã trở mình
trên gót nhỏ
dìu em đến người
bằng vòng tay nâng niu
hạnh phúc
Trên từng cơn lốc mềm
hồn em đã ngủ vùi trong
tiếng thở
tình tôi cũng mù theo
cơn lũ nào
là lần em đã khóc cho
tình yêu
Em như ngọn buồn rơi
tuổi thơ ngây đã xếp
chân môi hồng
em rơi vào đời tôi
tình yêu em khôn lớn
trong dịu dàng
ôi nỗi dịu dàng nào đã
ngời sáng
trên môi người
trên từng cơn lốc xoay
đời
thuyền tình đã đắm
trong vòng tay u mê
dù ta có đi trên nghìn
thu đắng cay
trên từng nỗi khốn cùng
nhưng tình đôi ta biết
bao giờ nguôi...
Mắt
Lệ Cho Người Tình là một ca khúc góp phần tạo một chỗ ngồi khá riêng biệt cho Từ
Công Phụng, trong gia đình âm nhạc Việt Nam. Vẫn long lanh những giọt bi
quan về nhân sinh, về tình yêu. Nhưng cái buồn của tác giả, của những người
đồng điệu với ông vẫn đứng cách xa với vực thẳm bi thảm. Chúng ta có cảm
tưởng như tác giả biết buồn để làm tăng thêm sự đậm đà của tình yêu. Cuộc đời
vô vọng và em đã đi qua đời tôi, nhưng những dấu vết cuộc tình để lại luôn luôn
cần thiết cho một cuộc sống đầy đủ thi vị, nó sẽ bất tử như đôi mắt em, đôi mắt
chúng ta cùng biết nhớ nhung:
Mưa soi dấu chân em
qua cầu
Theo những cánh rong trôi
mang niềm đau.
Đời em đã khép .. đi vội
vàng
Tình ta cũng lấp lối thiên
đàng
Như cánh chim khuất ngàn,
như cánh chim khuất ngàn
Còn mong còn ngóng chi ngày
yêu dấu.
Mưa soi dấu chân em qua cầu
Theo những cánh rong trôi
mang niềm đau
Thời nào yêu hết trái tim buồn,
lời nào yêu hết trái tim buồn
Xin giữ trong mắt lệ, xin giữ
trong mắt lệ
Nhòa theo từng gót
chân người xa vời.
Mưa âm thầm buổi chiều thổn
thức
Sẽ nhạt nhòa từ ngàn năm nữa
như em khóc hồn nhiên
Nỗi muộn phiền ngày tàn hơi
thở
Em thấy không cõi đời vô vọng.
Xin em hãy cho tôi tạ tình,
khi em đã đi qua khoảng đời tôi.
Và lệ em rớt trên môi nhạt
Đôi mắt em rất buồn, đôi
chúng ta rất buồn
Vạn câu tình cũ, xin gửi cho
đời.
Chẳng
phải Ngồi Lại Bên Cầu Thương Dĩ Vãng như nhà thơ Hoài Khanh, Từ Công
Phụng ngồi xuống và khẩn khoản mời người yêu ngồi bên cạnh mình để nghe mùa
xuân tình tự. Mùa Xuân, mùa của hy vọng, của đổi mới, chẳng ở đâu xa. Nó
nằm giữa đất trời và ở ngay trong lòng những người biết yêu nhau, đang yêu
nhau. Hoa lá cỏ cây là tiếng nói của mùa xuân đang tình tự. Âm nhạc
là tiếng thở giải bày tâm sự của người nhạc sĩ biết yêu. Chúng ta hãy thử
nghe trong thời khắc tuyệt vời của đất trời, người nhạc sĩ nói những gì với người
yêu của mình. Biết đâu chính mỗi chúng ta là một người yêu của nhạc sĩ.
Em, lại đây với anh
ngồi đây với anh
trong cuộc đời này
nghe thời gian lướt qua
mùa xuân khẽ sang
chừng như không gian
đang sưởi ấm những giọt tình nồng
tay này tay nắm tay
nhìn nhau đắm say
như chưa bao giờ
nghe chừng trong mắt
nâu
hồn anh đã tan thành
mùa xuân ngọt ngào phủ ấm thiên đường đôi ta ...
Đã qua đi ngày tháng uá môi
sầu nhớ tình người buồn tênh ...
Em chút giọt lệ ấm, khóc mừng
một ngày hạnh phúc miên man ...
qua ... ngày buồn đã
qua
vì đã có em trong cuộc
đời này
em, ngồi đây với anh
cùng nhau lắng nghe
giòng sông đang thầm
thì trong đất những khúc nhạc tình ...
em, lại đây với anh
ngồi đây với anh
trong cuộc đời này
bên đàn chim hót ca
này em có hay
mùa xuân đang mờ toang
trong mắt người tình... mênh mang
Tuổi
Xa Người là một ca khúc mang nhiều tính chất bi quan của Từ Công Phụng. Sự hoài
nghi làm cho ông cảm thấy lạc loài.Tình yêu là điểm tựa tối cần cho đời người. Xa
vắng nó, sự cô đơn tức khắc vây bủa khắp nơi. Lòng người sẽ tê lạnh, dù
đâu đấy vẫn như nghe còn có người gọi tên. Nỗi buồn đi từ rộng lớn đến góc
độ hẹp nhất, như từng chân tóc mà vẫn có thể nhận ra sự hiện hữu vô cùng của
nó. Nỗi buồn không những phá phách vô tư trên dung nhan của tuổi thơ mong manh,
mà còn để dấu chân hằn sâu qua từng chặng đời. Mỗi ngày chúng ta thầm trừ
đi một khoảnh khắc cuộc sống của mình. Khoảnh khắc quí giá nhất vẫn là
thanh xuân. Khi tuổi trẻ bỏ xa người mỗi ngày một nhiều, chúng ta chắc sẽ
không giữ nguyên vẹn mọi ước muốn, ngoài một nỗi buồn. Hiểu như vậy chúng ta hẳn
thông cảm được với tác giả, và sự bi quan của ông cũng không có gì đáng ngạc
nhiên:
Một chiều êm tay đan
tay dìu nhau trên lối
Đưa em đi nhè nhẹ vào đời
Bằng vòng tay tôi
nâng niu mùa thu thức giấc
Đưa em vào ngày tháng vỗ về
Kể từ em đem cô đơn mọc lên
phố vắng
Khi em mang nụ cười khỏi đời
Từng chiều rơi nghe như cõi
lòng mình tê tái
Ngỡ như đời còn gọi tên nhau
Ngày đó khi một lần, một lần
tiếng hát
Đồng lõa đưa em vào vùng trời
lấp lánh
Bằng những cánh sao trời đầy
đôi mắt ngước trìu mến.
Em, em xa dần ngàn đời hoang
vắng
tôi đi về buồn chưng kẽ
tóc
bước chân này còn trọn
kiếp hoang vu
Một mình đi lang thang
trong mùa đông rét mướt
nghe bơ vơ hồn mình lạc
loài
Buồn dậy lên trên dung nhan
gầy xanh cuả tuổi
trên tháng ngày hằn vết
đời mình
Trời mùa Đông hong khô đi niềm
tin sỏi đá
trên đôi tay này mình
còn gì
Và giòng sông trôi đi vô
tình mang tất cả
cuộc đời này của người
hay tôi
Con
Sóng Tình Vỗ mãi một âm quen hay con sóng tình vỗ mãi một âm quên. Cả
hai chữ cuối cùng “quen” hay “quên” đều có cái hay riêng của nó. Vượt qua
tất cả những biến động bên mình để vỗ lại, hát lại một âm điệu quen thuộc, xưa
cũ đầy dấu yêu quả thật chân tình. Cũng gạt bỏ mọi chuyện để nhắc nhở lại
một âm điệu đã quên từ lầu, nay bất ngờ có cơ hội nhắc lại, lặp lại, vỗ lại,
như một thức tỉnh không phải thiếu thi vị. Chúng ta hãy lắng nghe Trên Ngọn
Tình Sầu, và tự chọn cho mình một chữ thích hợp, trong ca khúc mà có nhiều bản
viết không thống nhất hai từ Quen hay Quên
Hạnh phúc tôi hạnh phúc tôi
Từ những ngày con nước về
Ngoài trời mưa mau ngoài trời
mưa mau
Tay vuốt mặt không cùng
Bầy sẻ cũ hom hem
Chiều mái xám rêu xanh
Trời êm cao chân nhỏ
Cũng không về trên dòng sông
tội lỗi
Tôi nghe hắt hiu từ mắt em
ngắt tạnh
Môi thâm khô từ thuở định
hôn người
Ngày tháng hạ khi không mà
trở rét
Giọt nắng vàng lung linh màu
lạnh ngắt
Sao khi không người ngoảnh mặt
kiêu sa
đk:
Chiều qua đó chân ai còn ríu
rít âm thưa
Lời ai ru như mơ
cho trời xuống thật gần
Người trông ngóng hương đưa
mùi mái tóc đêm mưa
Nhẹ theo lá oan
khiên lả tả mái hiên người
Tôi nghe hắt hiu từ mắt em
ngắt tạnh
Còn dế buồn tự tử giữa đêm
sương
Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng
lẽ
Em ở đó bờ sông còn ẩm cát
Con sóng tình vỗ mãi một âm
quen
Trên
Ngày Tháng Đã Qua, như một hoan hỷ ca. Để chuẩn bị cho sự lạc quan, Từ
Công Phụng đưa ra những giọt lệ của những cuộc tình không trọn. Đây chính
là phó bản thường có của cuộc đời thường. Niềm tin lẫn âm nhạc sẽ là những
cứu cánh, người nhạc sĩ đã cổ võ một cách tích cực, rút từ vốn sống của ông.
Rung một cánh nhạc buồn
Phím có hay người khóc trên
cung đàn lẻ loi
Rơi một ngấn lệ sầu
Có ai hay người khóc cho
duyên tình bẽ bàng
Rung một cánh nhạc buồn
Rơi một ngấn lệ sầu
Có ai hay người khóc trong
tinh cầu lẻ loi
Ngoài kia mưa là
những giòng lệ rơi
Theo cuộc tình khi cơn bão
đi qua đời mình
Người ơi, người ơi tìm đâu
thấy nửa đời xuân thắm
Với tình yêu chúng ta như giọt
sương sớm mai
như giọt sương sớm mai
long lanh trên cánh hoa vàng
Gom môt chút nắng vàng
Hát lên soi hạnh phúc trên
tháng ngày đã qua
Em nhìn thấy chút gì
Có phải chăng rạn vỡ trong
tâm hồn chúng ta
thôi còn ngấn lệ này với
một chút nhạc buồn
Hát lên cho đời sống vơi đi
niềm đớn đau
Có
lẽ cuộc sống trở nên xinh xắn hơn, đậm đà hơn nếu đời người có những lần được
thất tình. Tôi ngờ rằng một số thi nhạc sĩ và những người sinh hoạt văn
nghệ khác thường mong mỏi cho mình gặp được những cảnh ngộ thấm thía như thế.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng được
bao nhiêu lần khóc vì người yêu. Có thể có và cũng có thể không. Nhưng
ông vẫn viết những ca khúc đau lòng, vì nhiều người, vì chính chúng ta có thói
quen tâm đắc với chuyện tan vở. Giọt Lệ Cho Ngàn Sau có lẽ sẽ còn được nhiều
thế hệ sau cho tiếp tục chảy.
Lối rêu xưa sẽ mờ dấu chân
người
người buồn cho mai sau, cuộc
tình ta tan mau
Thoáng như chiếc là vàng bay
mùa thu qua, mùa thu qua hững
hờ
Nhìn nhau cho thêm đau, nhìn
nhau cho mưa mau
Mưa trên nụ cười mưa trên
tình người
lệ nào em sẽ khóc ngàn sau
Với đôi tay theo
thời gian tôi còn
một trời mây lang
thang, một mình tôi lang thang
Lá vẫn rơi bên thềm vắng
từng thu qua, từng thu
qua võ vàng
Nhìn nhau cho thêm đau, nhìn
nhau cho mưa mau
Mưa trên cuộc đời mưa như
nghẹn lời
lệ này em sẽ khóc ngàn
sau ...
Một mai khi xa nhau
người cho tôi tạ lỗi
dù kiếp sống đã rêu
phong rồi
Giọt nước mắt xót xa
nhỏ xuống trái tim khô
một đời tôi tê tái
Lắng nghe muôn cung sầu hắt
xuống đời
Một trời tôi thương đau, một
trời em mưa mau
từng thu qua vời trông
theo đã mờ
Lệ rơi trên tim tôi,
lệ rơi trên đôi môi
Yêu nhau một thời xa nhau một
đời
Lệ này em nhỏ xuống hồn tôi
Yêu nhau một thời xa nhau một
đời
Lệ này em nhỏ xuống hồn
tôi...
Nội
dung của một bài thơ, một ca khúc có giá trị thật sự vốn không cần phải minh họa,
phụ diễn hoặc ăn ké vài lời đẩy đưa. Nhạc Từ Công Phụng nói chung hay
ca khúc Kiếp Dã Tràng nói riêng, có sức sống mạnh mẽ trong giới thưởng ngoạn. Nghe
những lời ba hoa bên lề ca khúc không thể nào tịnh tâm đi cùng âm thanh mà Từ
Công Phụng đã đem lại cho chúng ta. Lời giới thiệu lúc nào cũng đứng khiêm
nhường trong cái duyên phải có rất khiêm nhường của nó. Xin hãy nghe Từ
Công Phụng quan niệm về cuộc đời qua ca khúc Kiếp Dã Tràng:
Chiều vàng vương gót mỏi ta
dừng chân phiêu du
Lặng nghe sóng gọi ngọt ngào
Hàng dừa nghiêng bóng ru nhau
thầm thì lời âu yếm
Dìu nhẹ đôi cánh mềm rã rời
Đàn chim bé nhỏ ngập ngừng
Nhẹ hương gió đưa về khoảng
trời cũ
Một mình ta đứng nhìn mối
tình duyên tan theo
Ngàn con sóng gào bạc đầu
Nhẹ sầu lên dấu chân ghi cuộc
tình nhòa trên cát
Lời người nghe đã chợt lạc
loài
Trên thân dã tràng tủi phận
Hoài công tháng năm xe cát
biển Đông
Thời gian như ngừng trôi giữa
chiều tàn tạ
Thầm gọi tên người đã vắng
xa phương trời
Cuộc tình như cơn lốc mang theo hồn
người
vào trùng dương khép
kín u mê ngàn đời
Tình người đâu có thấu cho
ta?
Thân mang kiếp dã tràng đem
đời xe tơ duyên
Trên bãi cát vàng hão huyền
Chợt nghe lớp sóng xô lên đời
mình nhiều cay đắng
Cuộc tình trên tháng ngày muộn
phiền
Còn in vết hằn đời mình
Người ơi hãy ru tình
ta vùi quên
Thời gian như ngừng trôi giữa
chiều tàn tạ
Thầm gọi tên người đã vắng
xa phương trời
Cuộc tình như cơn lốc mang theo hồn
người
vào trùng dương khép
kín u mê ngàn đời
Tình người đâu có thấu cho
ta?
Thân mang kiếp dã tràng đem
đời xe tơ duyên
Trên bãi cát vàng hão huyền
Chợt nghe lớp sóng xô lên đời
mình niềm cay đắng
Cuộc tình trên tháng ngày muộn
phiền
Còn in vết hằn đời mình
Người ơi hãy ru tình
ta ... vùi quên
Với
cuộc đời, trong một khoảnh khắc buồn bất chợt, Từ Công Phụng chợt nhận ra Đời Bỗng
Phù Du. Và trên lưng của tháng ngày, có thể ông đã soi vào quá khứ lẫn
tương lai, để kịp phát hiện mình là một người mộng du. Rồi buồn chán lẫn sợ
hãi, ông nhìn chung quanh. Không gặp một cứu rỗi nào. Mà tìm thấy một
loài cỏ dại buồn tênh, an phận với cuộc đời chênh vênh thầm lặng. Ám
ảnh bởi sự sinh tồn mỏng mảnh của đời người, Từ công Phụng không thấy được sự
thong dong của cỏ cây. Trong liên tưởng, ông nhận ra sự đồng cảnh với mình
bởi những đam mê thường dẫn đến chia ly. Những cố gắng vươn sống cũng trở
thành công dã tràng.Thê thảm hơn, ông còn chợt nhận ra mình là một dòng sông cạn,
mệt nhoài bởi những nghiệt ngã của cuộc tình, cuộc đời. Rất may, trong
phút giây ngã lòng đó, người nhạc sĩ kịp nhận ra cái phù du cũng chính là cái
thiên thu của lẽ sống còn và không thể làm gì khác hơn là ký thác
lòng mình, tình mình vào âm nhạc:
Tôi như người mộng du
sống cuộc đời bềnh bồng
ngó quanh đời quạnh hiu
buồn rơi theo năm tháng
chết trên lưng tháng
ngày
tôi như loài cỏ dại
tôi như loài cỏ dại
suốt một đời chênh vênh
suốt một đời buồn tênh
em có thương thì xin
chút hiền ngoan thật
lòng
vì cõi đời này là những
đam mê
là những đớn đau lẻ loi
nên vẫn hoài công đi se
cát biển
nhớ mênh mông tình vẫn
như không đời...đời
tôi như dòng sông cạn
uốn quanh đời mệt nhoài
cuốn theo dòng nghiệt
ngã
buồn rơi theo năm tháng
úa trên lưng tháng ngày
tôi mang hồn cỏ dại
ngây ngô tự hỏi lòng
bỗng một ngày thiên thu
bỗng một đời phù du.
Tuy
vậy, cánh tay cứu rỗi của giai điệu, âm thanh... chưa và có lẽ còn rất lâu, mới
đủ khả năng loại bỏ con người bi quan, đang sống nhờ trong tâm hồn Từ Công Phụng.
Và vì thế, ông vẫn còn phải tiếp tục dựa vào âm nhạc để trôi trên lưng
ngày thángcủa ông. Nhờ đó từ năm 1995 đến năm 1997, giới yêu nhạc Việt Nam tiếp
tục sưu tập những ưu tư, phiền muộn của người nhạc sĩ sinh ra từ xứ trầm hương
này, qua các sáng tác Vẫn Một Đời Quạnh Hiu (1995), Một Góc Đời Phôi Pha
(1997), Bên Kia Đời Quạnh Quẽ (1997)...
Hình
như càng giàu tuổi đời, nỗi bi quan trước cuộc sống của Từ Công Phụng, càng
phong phú. Nó giống như “tóc bạc, càng cắt càng dài ra” chăng ?...Khó
có ai không thể không nghĩ về tuổi đời của mình. Ngày tháng trước mặt cứ
tiếp tục hao đi. Thịt da thầm lặng thay đổi trong từng tí tắc, nhưng đâu dễ
nhận ra. Càng ngó lui đời mình càng ngậm ngùi lo cho những ngày sắp tới. Cái
lo, cái sợ đẻ ra cái cô đơn. Nếu may có chút tài vặt, viết chơi một đôi dòng, vẽ
bậy vài hình ảnh... để lấp bớt khoảng trống. Còn không, đành phải đọc, phải
nghe, phải nhìn.., nói chung là phải bám lấy một cái thích tình cờ
nào đó.
Nằm
nghe Từ Công Phụng tỏ tình qua tiếng hát của chính tác giả và nhiều ca sĩ tên
tuổi khác, tôi chợt thấy thèm xem tận mắt những ca khúc họ Từ đã cho in, cho
phát hành. Dĩ nhiên, không quên tò mò tìm hiểu một chút tiểu sử của tác giả.
Qua
tài liệu của nhạc sĩ Trường Kỳ, và nhiều nguồn khác trên máy vi tính, tôi không
tìm thấy năm sinh của Từ Công Phụng. Ở Tác Giả Việt Nam, Lê Bảo Hoàng ghi năm
1943 là năm đất Vân Lâm Ninh Thuận (thuộc Phan Rang), có ấu tử Từ Công Phụng ra
đời trong nghi lễ Hồi Giáo hẳn hoi. Có thể chính xác và cũng có thể sai . Sai,
đúng từ nguồn cung cấp. Nhưng điều chắc chắn là năm lên 18, Từ Công Phụng
đã có ca khúc đầu tay. Và ca khúc trình làng đầu tiên rơi đúng vào năm thứ
nhất của thập niên 60 với tên Bây Giờ Tháng Mấy ?...Từ đó đến nay, anh
chàng tốt nghiệp cử nhân luật đại học luật khoa Sài Gòn, đã cho ấn hành bốn tuyển
tập nhạc: Tình Khúc Từ Công Phụng (1968, tái bản 1969), Trên Ngọn
Tình Sầu (1970, tái bản 1994), Giữ Đời Cho Nhau (1983 tái bản 1993), Một Góc Đời
Phôi Pha (1999).
Lần
mở từng tập nhạc có trong tay, chỉ cần dựa vào các tên bài (Bây gìờ tháng
mấy 1 &2, Mùa xuân trên đỉnh bình yên, Mùa thu mây ngàn, Trời về đêm mưa,
Còn một buổi chiều, Người về trên mây, Vùng trời kỷ niệm, Lời của thành phố,
Đêm độc thoại, Tuổi xa người, Ngồi bên nhau, Vào mưa - Trên ngọn tình sầu, Kiếp
dã tràng, Mưa trên ngày tháng đó, Từ khúc, Giọt lệ cho ngàn sau, Rời nhau, Như
ngọn buồn rơi, Xứ thâm trầm, Lời của mẹ, Đêm không cùng, Lời Cuối, Mòn mỏi - Giữ
đời cho nhau, Qua vùng biển nhớ, Hóa kiếp, Mắt lệ cho người tình, Nằm nghe em
hát trên vùng biển, Một thoáng nhìn nhau, Tình tự mùa xuân, Một mình trên đồi
nhớ, Thiên đường quạnh hiu, Trên tháng ngày đã qua, Như chiếc que diêm, Mùa
xuân và tình yêu em – Khi tôi đến nơi đây, Đời bỗng phù du, Vẫn một đời hiu quạnh,
Một góc đòi phôi pha, Bên kia đời quạnh quẽ, Mãi mãi bên em, Âm thầm mưa, Hóa
thạch, Mây hồng, Giận hờn, Lối mòn thiên cổ, Đừng nữa nhé chia lìa), chúng ta
quả có thể tin rằng: càng có thêm tuổi đời, Từ Công Phụng càng để mắt đến cuộc
đời. Có lẽ vì vậy sự lạc quan trước cuộc sống ở trong ông vơi đi nhiều. Nhà
thơ Ngu Yên, trong bài tựa cho tập Một Góc Đời Phôi Pha đã nghiệm thấy:
“...Đối
diện với sinh tồn mong manh, ly tán thường tình, người nghệ sĩ thỉnh thoảng vẫn
ngạc nhiên. Ngạc nhiên, có lẽ là một trong những điểm khác biệt giữa nghệ sĩ và
người thường. Hàng ngày, nghệ sĩ vẫn tiếp tục ngạc nhiên về những sự kiện chungquanh.
Nhờ ngạc nhiên, họ tiếp tục sáng tạo một cách nhìn mới, một ý nghĩa mới, hay một
cảm xúc cá biệt về một điểm rất quen thuộc, có khi rất nhàm chán. Ngạc nhiên là
tín hiệu của cô đơn. Bởi vậy, dưới bất cứ một góc nhìn nào, nghệ sĩ mãi mãi là
người cô đơn...”
Từ
Công Phụng càng ngày càng giàu cô đơn ra thật. Chuỗi cô đơn của ông có lẽ còn
kéo dài vô cùng tận. Bởi như xác quyết của nhà thơ Du Tử Lê:
“...Qua,
dòng sông âm nhạc mang tên Từ Công Phụng, tôi chợt hiểu, âm nhạc khởi đi từ những
trái tim tài hoa lớn, là một gắn bó vượt khỏi biên giới một không gian, xóa bôi
được mọi lằn ranh hữu hạn vắn vỏi năm, tháng...”
Du
Tử Lê không quên quả quyết đánh giá, Từ công Phụng đã biến đời thường của ông
thành “Đời nhạc Từ Công Phụng, khởi nguồn, đã tự mặc khoác lấy cho chúng
tính bất biến của định mệnh. Định mệnh của/ đời trăng không già/mặt trời
mãi thổn thức...”
Còn
rất nhiều nhận xét về nhạc Từ Công Phụng. Những nhận xét đã hiện thành chữ, đã
in lên giấy. Những nhận xét vĩnh viển tiềm ẩn trong đầu, có hoặc không thể
hiện thành động tác gật gù, nho nhỏ hát theo, hoặc trầm tư xa vắng...Những
cảm nhận mặc nhiên là những đánh giá. Cảm nhận của anh, cảm nhận của chị,
cảm nhận của tôi, cảm nhận của mỗi người trong chúng ta luôn luôn có thật, luôn
luôn xảy ra. Không có chúng, chúng ta sẽ không tìm nghe lại, không tìm
nghe thêm. Thích, mê, tâm đắc hay bất cứ một ràng buộc vô hình nào khác,
cũng khởi từ cảm nhận, đánh giá. Riêng với Từ Công Phụng, nghĩ và viết về
nhạc của ông còn rất nhiều người. Ở đây, tôi xin trích thêm một nhận xét,
mà tôi tin rằng tương đối gần với trình độ thưởng ngoạn âm nhạc của đại đa số
bình thường:
“...Khởi
đi từ Bây giờ tháng mấy, những tình khúc Từ Công Phụng như những đợt sóng biển
tiếp nối nhau vỗ về cõi lòng của những người trẻ thuộc nhiều thế hệ. Chẳng
có cuộc tình nào giống cuộc tình nào. Mỗi cuộc tình là một tế giới riêng lẻ. Mỗi
ánh mắt là một tín hiệu âm thầm. Mỗi nụ cười là một hân hoan nhớ đời. Mỗi
giọt nước mắt là một mất mát khó quên. Tình ca Từ Công Phụng
đã len lỏi vào từng thế giới thân thiết đó.Chúng không phải là những tình ca lướt
trên da thịt mà đã luồn lách vào từng giòng máu, từng hơi thở của những người
yêu nhau...Từ Công Phụng đã cho những tình nhân thứ ngôn ngữ đằm thắm, thâm trầm
đầy trí tuệ...”
Lời
bạt của nhà văn Song Thao dành cho tập Một Góc Đời Phôi Pha, trích trên,
quả thật sáng sủa và có giá trị chính xác cao.
Để
kết thúc những dòng tán gẫu này, thay vì cảm ơn Từ Công Phụng, tôi chợt quyết định
bán cái cho ông cái quyền ngỏ lời cùng chúng ta. Thế mới thật thú vị:
“Tình
ca như những dòng sông hiền hòa chảy hoài từ ngàn kiếp. Đó là thứ hạnh
phúc bắt gặp trong buổi sáng nắng dậy chan hòa, vcó bông hoa nở rộ và chim
muông ngợi ca một ngày mới bắt đầu bằng nụ hôn nồng ấm của đôi tình nhân''.
Tình
ca là những lời phủ dụ ngọt ngào của tình yêu như dòng suối róc rách từ thiên thu dành
cho đôi tình nhân của bao miên man thế hệ, như một kẻ đồng lõa cho sự tồn tại của
nhân loại.
Xin
cảm ơn Đấng tạo hóa đã ban cho loài người có trái tim biết rung động,
có tâm hồn biết thổn thức để tình yêu và cuộc đời còn được thăng hoa bằng những
bản tình ca.
Nếu
chim muông chỉ có một thời để ca hát, cỏ cây chỉ có một thời để xanh tươi, và
loài người chỉ có một thời để sống và một thời để chết, thì xin hãy hát lên những
bản nhạc tình để ngợi ca một thời để sống trước khi bước vào những nỗi khốn
cùng buồn thảm của cái chết lẻ loi.
Bởi
vậy, tình ca là con đường tôi đã chọn và cưu mang một đời. Dù tôi có là chứng
gian cho những cuộc tình không thực, nhưng ít ra tôi đã mang đến một chút hạnh
phúc nhỏ nhoi, một chút kỷ niệm khó phai mờ cho những kẻ tình nhân của một thời
yêu thương say đắm...
Xin
cảm ơn những kẻ tình nhân đã nâng niu những bản tình ca của tôi từ những thập
niên qua như là nhân chứng cho tình yêu của mình, dù chúng có mang những nỗi
hân hoan trong đôi mắt hay nụ cười, dù chúng có chứa chan những giọt lệ ngậm
ngùi cho một đời tình ngắn ngủi.
Xin
các bạn hãy mở những trang tiếp theo, và hãy hát cho nhau nghe những lời
tiếp tục ngợi ca tình yêu – cho tôi hay cho các bạn - vẫn mong là nỗi niềm của
chúng ta một đời thủy chung dâng hiến”.
Từ
Công Phụng 4/1999
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét