Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Một bài thơ - Một chân trời cảm xúc

Một bài thơ - Một chân trời cảm xúc
Nguyễn Mậu Hùng Kiệt
VanVN.Net - Lặng lẽ quan sát, lặng lẽ cảm nhận và lặng lẽ ghi lại những xúc cảm của mình trước sự đổi thay của đất trời, của đời sống sinh hoạt trong khoảnh khắc giao mùa, Phan Chín đã có được bài thơ Sang mùa thật đẹp và thật ấn tượng.
                        Sang mùa                                               
                        Ném chút nắng vàng cuối cùng
                        Thu chuyển sang đông
                        mây trắng thế
                        bất ngờ mọng nước
                        heo may lặng lẽ khai mùa!
                        Trời rây vài giọt mưa
                        phố bừng lên dù xanh dù đỏ
                        dường như thu còn rớt rơi đâu đó
                        trên phong phanh áo mỏng
                        qua đường...
                        Trong nhà
                        mẹ lục tìm trong từng chiếc rương
                        lôi ra những chiếc áo len đã cũ
                        Cha ngồi bên kỷ trà
                        tư lự
                        chốc chốc xoa tay lên các khớp xương gầy
                        nhăn nhó kêu đau...
                        heo may nhưng nhức
                        khai mùa!...
                        (Phan Chín, Mùa đã thu - NXB Văn học)
Với một cái nhìn phát hiện, anh đã nhận ra hay đúng hơn phát hiện ra sự chuyển dịch hết sức mầu nhiệm của đất trời. Thường khi miêu tả cái thời khắc giao mùa, thi nhân hay nói đến cái gì đó không rõ ràng, chưa định hình, dùng dằng, níu giữ,...Ví như: “có đám mây mùa hạ; vắt nửa mình sang thu” trong bài Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh hay “rào thưa tiếng ai cười gọi; trông ra nào thấy đâu nào; một mảng trời xanh leo lẻo; thình lình hiện lên ngôi sao” trong bài Khi mùa thu sang của Trần Đăng Khoa. Phan Chín đã bắt đầu bằng trực giác mà nhận ra “Thu chuyển sang Đông” bằng việc “ném chút nắng vàng cuối cùng” và từ những đám mây trắng “bất ngờ mọng nước”. Một sự chuyển đổi hết sức nhanh nhạy và dứt khoát. Khá là bất ngờ!.  Anh chọn đúng cái thời khắc đã điểm mà mô tả. Cái gì đến cũng đã đến. Phải chăng đất trời đã có sự chuyển giao từ trước đó để bây giờ chỉ còn lại mỗi một việc “ném chút nắng vàng cuối cùng” là “Thu chuyển sang Đông”?.  Hay đây là sự chuyển mùa của dải đất miền Trung vốn chỉ có hai mùa mưa, nắng. Hết nắng rồi mưa. Cứ hết mưa lại nắng. Thôi thì “nắng mưa là bệnh của trời” ấy mà! Dẫu sao thì Phan Chín chỉ với năm dòng thơ cũng đã “khai mùa” trong cái lặng lẽ của heo may.
Và... đây là không gian phố khi Đông sang:
                        Trời rây vài giọt mưa
                        Phố bừng lên dù xanh dù đỏ
Đông đến một cách lặng lẽ như không hề báo trước thế mà vẫn làm “phố bừng lên dù xanh dù đỏ”. Vâng, “bừng lên” như một sự vỡ oà. Sự vật, sự việc như đã được sắp đặt sẵn chỉ chờ “trời rây vài giọt mưa” khai mùa là chuyển đổi, thay sắc.  Đông đã có sắc màu!.
Đã thế rồi, nhưng Phan Chín vẫn cứ lia ống kính của mình về phía “phong phanh áo mỏng / qua đường” để nhận ra chút “thu còn rớt rơi đâu đó”. Quả là anh có cái nhìn rất “tinh”(*)!
Nhặt chút Thu phai còn rơi rớt lại như để nói lời chia tay. Anh đưa ta về với cảnh sinh hoạt của gia đình khi trời đã sang mùa. Có lẽ, anh muốn thu hẹp không gian lại để cho người đọc có thể nhìn cận cảnh những đổi thay :
                        Trong nhà
                        mẹ lục tìm trong từng chiếc rương
                        lôi ra những chiếc áo len đã cũ
                        cha ngồi bên kỷ trà
                        tư lự
                        chốc chốc xoa tay lên các khớp xương gầy
                        nhăn nhó kêu đau...
Có thể nói đây là khổ thơ anh viết khá thành công. Đoạn thơ thể hiện tài quan sát, khả năng phát hiện, vốn kiến thức, sự trải nghiệm và hơn thế nữa là một trái tim mẫn cảm. Nhịp thơ ở đây không gấp gáp, ngôn từ không mạnh mẽ dứt khoát như hai khổ thơ mà ta vừa nói đến. Dường như đã có có một phong thái khác được bộc lộ. Chậm rãi, đĩnh đạc, những dòng thơ như được mở ra nhiều chiều để người đọc có thể cảm nhận những đổi thay của đời sống. Sự vật, sự việc, con người được miêu tả cụ thể hơn, có sức gợi hơn. Không là truyện song những chi tiết lại gợi về cảnh sinh hoạt của gia đình Sơn - nhân vật trong truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam - khi đón nhận những cơn gió lạnh đầu mùa. Mặc dù không gian nghệ thuật có sự khác nhau thế nhưng hình ảnh “mẹ lục tìm trong từng chiếc rương ; lôi ra những chiếc áo len đã cũ” làm ta liên tưởng đến người mẹ “Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội; áo đỏ người đưa trước giậu phơi” trong bài Nắng mới của Lưu Trọng Lư.
Với một dung lượng vừa đủ, Phan Chín đã biết chọn lựa, sắp xếp mà làm “sống” lát cắt hiện thực. Hình ảnh mẹ tất tả “lục tìm”, “lôi ra” những gì đã cũ để chuẩn bị đón nhận cái lạnh của mùa đông và dáng ngồi “tư lự” của cha bên kỷ trà “chốc chốc xoa tay lên các khớp xương gầy; nhăn nhó kêu đau...”khi thời tiết chuyển mùa vừa thật vừa gợi trong ta một niềm thương cảm.
Khi “tình cảm đã trao cho cảnh vật”(*) cũng là lúc anh khép lại những gì mình ghi nhận được để “Heo may nhưng nhức/ khai mùa !...” mở ra một chân trời cảm xúc mới
(*) Chữ dùng của Hoài Thanh.



1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...