Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Đọc "Đêm thu nghe quạ kêu" của Quách Tấn

Đọc "Đêm thu nghe quạ kêu" của Quách Tấn
Quách Tấn là bạn vong niên mà chí thiết của Chế Lan Viên, và Hàn Mặc Tử; khi Quách Tấn đã là thông phán thì Chế Lan Viên Chỉ là học sinh trung học đệ nhất cấp, Hàn Mặc Tử chỉ là một ký giả tầm thường ở Sài Gòn, nhưng họ rất thân nhau.
Ông Quách Tấn có kể một chuyện, hồi ấy “ông già Bến Ngự” tức cụ Phan Bội Châu khen thơ Hàn Mặc Tử hay.... Một bậc đại danh như cụ Phan khen ai thì tất thơ người ấy phải hay lắm. Mà Hàn Mặc Tử bấy giờ còn nhỏ quá. Cụ Phan hơn Hàn phải vài ba chục tuổi. Cụ Phan là Thái Sơn, Bắc Ðẩu của làng chữ nghĩa Việt Nam lúc bấy giờ. Cụ Phan khen, lại khen thơ của một anh chàng trẻ tuổi, theo Tây học cũng là một điều lạ.
Thời ấy đôi khi Hàn Mặc Tử có làm thơ Ðường, nhưng ít lắm . Thơ của ông là thơ mới. Thơ mới chưa có chỗ ngồi ổn định trong thi ca . Hàn Mặc Tử chỉ viết có một bài luật thi mà cụ vội khen, vậy mới biết con mắt của cụ khám phá thật phi thường.
Khi đó Quách Tấn làm thơ lại chỉ đặc biệt làm thơ luật. Cả làng thơ, làng báo ViệtNam ngỡ ngàng. Ông lội ngược giòng, nói như nhà thơ trào phúng Tú Mỡ . Nhưng thơ ông dần dần được thưởng ngoạn . Qua hai tập thơ Lá Mã Tiền và Mùa Cổ Ðiển ông đã nổi tiếng. Lá Mã Tiền toàn thơ tứ tuyệt và Mùa Cổ Ðiển toàn thơ luật. Lúc bấy giờ thanh niên mới tiếp xúc với văn minh Tây phương. Người ta thích những từ mới, ý mới. Quách Tấn không chịu mới. Ông thích dùng điển tích, thích dùng chữ Nho, là đùa úy kỵ của thời thế ! Bài Ðêm Thu Nghe Quạ Kêu là một chứng cớ.
Từ Ô Y hạng rủ rê sang
Ô Y Hạng là cái gì ? Ở đâu ? Ngõ Ô Y là ngõ của hai họ quyền quý xưa thường ở. Ở đó người nhà họ Vương, họ Tạ thường mặc áo đen. Cho nên nghe tiếng quạ kêu Quách Tấn nghĩ đến ngõ Ô Y.
Quách Tấn thừa biết đàn quạ không xuất phát từ ngõ Ô Y. Người mặc áo đen có màu lông con quạ, ai cấm thi nhân nghĩ vớ vẩn rằng đàn quạ kia chính là con cháu nhà họ Vương họ Tạ rủ rê sang!
Quạ bay về Nam vào đêm trăng sáng, (nguyệt minh tinh hy ô tước nam phi, thử phi Tào Mạnh Ðức khốn ư chu lung giả hồ ? = trăng sáng sao thưa quạ bay về phươngNam đó có phải là lúc Tào bị nguy khốn vì Chu Du không ?)
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng
Ðến đây tác giả đã nói rõ đề; Ðề là Ðêm Thu Nghe Quạ Kêu
Rồi đến hai câu thực:
Trời bến Phong kiều sương thấp thoáng
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng.
Tác giả nhắc đến Phong Kiều vì Trương Kế ở bài Phong Kiều Dạ Bạc rất nổi tiếng (Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên). Vậy thì Trương Kế đã ngủ ở bến Phong Kiều đầy sương, Quách tiên sinh tưởng như đang trong cảnh đó. Rồi ông nhớ đến Tào Tháo, Tào Tháo ngoài là một danh tướng ông còn là thi nhân. Ông đã thua lớn trong trận Xích Bích. Hỏa công đã đốt khiến ông chạy thục mạng mới thoát chết.Khổng Minh đã dùng hỏa công đốt đến vách núi bên sông thành màu đỏ, cái tên Xích Bích (vách đỏ) là do đó mà có. Trận đánh xảy ra vào mùa Thu. Cũng vào mùa thu, Tô Ðông Pha đi chơi thuyền trên sông Xích Bích có viết bài Thu Thanh Phú, Xích Bích Phú . Do một bài thơ mà nhắc đến vài bài thơ . Quách Tấn đối từng lời, từng chữ nhưng lời thơ vẫn tự nhiên, không gò bó.
Câu đù lấy ý trong bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế, cũng đêm trăng, cũng tiếng quạ trên bến Phong Kiều. Bến Phong Kiều đối với sông Xích Bích.
Tào Tháo thua trận ở sông Xích Bích. Trương Kế nổi tiếng vì bến Phong Kiều.
Thực đến như thế thật là tuyệt vời. Hai câu tả cảnh ấy làm sao thay thế được.
Ngày xưa họa sĩ Nguyễn Gia Trí có vẻ một bức tranh hoành tráng về Ngày Xuân.Có một khoảng trống ở dưới, có người hỏi cụ định vẻ gì ở đây ? - một bụi cỏ - Tại sao lại bụi cỏ ? - Cho đỡ trống , cụ trả lời.
Cũng vậy Quách Tấn nhắc đến sông Xích Bích nguyệt mơ màng , cũng như họa sĩ Lão thành Nguyễn Gia Trí với bụi cỏ. Giản dị thế mà thôi . Chúng ta tưởng là cầu kỳ nhưng những điển tích ấy, ở những gia đình cổ phong lưu, cha dạy con, khách nhắc chủ nhà, toàn chữ nghĩa thánh hiền, khiến người đọc không thấy bỡ ngỡ. Ai cũng hiểu , ai cũng biết.
Ðến cặp trạng:
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc,
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng.
Tại sao thương kẻ nương song bạc mà lại bồn chồn ? Vì người chinh phụ đang nhớ chồng. Mà chồng thì :”hiếu giao phu tế mịch phong hầu” (luống để chàng đi kiếm tước hầu)- Chàng thì còn nhớ đến công danh. Cho nên nàng buồn. Giai nhân buồn là nét đẹp muôn đời của bức tranh, cho nên Quách tiên sinh không thể bỏ qua .
Song bạc đối vói giếng vàng, thật không còn gì chỉnh hơn - Chính vì quá chỉnh nên đời sau có kẻ chê Quách tiên sinh không xuất xử tự nhiên, còn câu kỳ quá .
Tình ý đang lan man như thế thì :
Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi,
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang
Câu thơ chấm hết nhưng dư vị bài thơ vẫn còn. Tình còn hoang mang mà tứ cũng còn hoang mang. Hoang mang vì tiếng quạ kêu nửa đêm khi trăng sáng . Cái hay của bài thơ là vậy, uống cạn ly nước trà rồi mà vị ngọt của trà vẫn còn trong cổ họng.
Nói về tề chỉnh thì ít bài thơ được tề chỉnh đến thế. Có người cho đó là ưu điểm mà có người cũng cho đó là khuyết điểm của Quách Tấn, vì nó bằng phẳng quá !
Bài thơ này bảo cũ thì thật cũ mà bảo mới thì cũng rất mới. Tuy đầy chữ Hán nhưng thứ chữ Hán đã được Việt hóa, khiến những người ít học như chúng tôi vẫn hiểu và cảm nhận được.
Huệ Thu

1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...