Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Những cánh thiên nga đậu lại bên hồ

Những cánh thiên nga đậu lại bên hồ
Lê Đình Bích
Chữ tu khắc bằng kiếm
Nhạn bay ngang trời
Bóng chìm đầm lạnh
Nhạn không có ý để lại dấu tích
Nước không có ý lưu giữ bóng hình
Hàng năm, cứ vào dịp sau Tết Nguyên đán, tôi lại đưa sinh viên Văn khoa Đại học Cần Thơ đi thực tế dọc miền Trung. Một lần khi viếng chùa Từ Đàm, chúng tôi có duyên may được gặp Hòa thượng Thích Thiện Siêu - áng mây tự tại bên trời Hương giang, một nhà dịch thuật kinh điển Đại thừa lỗi lạc còn ung dung nơi rừng trúc.
Lần đầu tiên gặp thầy tôi cảm nhận được thế nào là hương vị của sự giải thoát. Thiện duyên này đã dẫn tôi tới bản dịch kinh Pháp Cú trác tuyệt của Thầy: chữ Tu khắc bằng kiếm. Một văn phong dũng mãnh, đại hùng, đại lực. Chỉ một câu kinh thôi, ngay ở trang thứ nhất, đã làm thay đổi quan niệm lối sống của đời tôi: Người kia không hiểu rằng: "Chúng ta sắp bị hủy diệt" (nên mới phí sức tranh luận hơn thua). Nếu họ hiểu rõ điều đó thì chẳng còn tranh luận nữa. Bản dịch Dhammapada của thầy trở thành kim chỉ nam trong đời sống thường nhật của tôi. Những khi bối rối trong cuộc sống, tôi thường giở sách ra và làm theo lời kinh dạy : Nếu không gặp bạn đồng hành hiền lương giàu trí lự, hãy sống một mình, như vua tránh nước loạn, như voi sống ở rừng.
Tôi có một nguyện ước sẽ rèn luyện chữ viết của mình, một ngạnh bút quốc ngữ, cùng với người bạn chuyên tâm thư pháp Hán văn viết lại toàn bộ bản dịch của Thầy - một chút lòng biết ơn và cũng để tự đào luyện tâm mình: Được sinh làm người là khó, được sống còn khó hơn; được nghe chánh pháp là khó, được gặp Phật ra đời là khó.
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy...
Mùa Hè này, mùa Vu Lan báo hiếu, kỷ niệm tròn 3 năm 3 tháng tuổi Phật, hai cha con lại lên tàu về thăm quê nội - con đường đầy hương hoa đặt giữa lòng đời !
Cắt đứt khúc đoạn trường
Bụt là vầng trăng mát
Đi ngang trời thái không
Hổ tâm chúng sanh lặng
Trăng hiện bóng trong ngần
Có một dòng nước trong, mát rượi đã truyền vào trái tim tôi qua từng trang sách: An lạc từng bước chân, Phép lạ của sự tỉnh thức, An trú trong hiện tại, Thiền hành yếu chỉ...và một giọng nói vang vọng từ làng Mai, vi diệu hơn mọi âm thanh của âm nhạc...
Ngày mãi mãi ghi nhớ đối với tôi là ngày tôi được nghe băng ghi âm bài giảng phú Cư trần lạc đạo của vua Trần Nhân Tông. Một hôm, khi nghe đến câu:
Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý
Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm
Tới đó, bỗng nhiên tôi vui hẳn lên, tôi mỉm cười một mình. Có một thứ âm nhạc nào trong lòng tự nhiên trỗi dậy. Tôi tắt máy ghi âm, đứng lên đi đến cửa sỗ nhìn ra ngoài vườn, hoa dừa trỗ bông vàng ướm. Giây phút đó quanh tôi tràn ngập tình thương và hạnh phúc. Tôi nhìn đâu cũng thấy cuộc sống kỳ diệu và nhiệm mầu : có tiếng hát nào như tiếng chim yến chim oanh ca hát trong lòng. Từ đó âm nhạc bên ngoài không còn quyến rũ tôi như xưa nữa.
Niềm vui đó ngày ngày đến trường, theo tôi vào lớp. Tình thương có mặt ngay cả khi tôi phải đối diện với những gai góc của cuộc đời. Cũng viên phấn trắng, cũng tấm bảng đen mà hôm nay đã khác.
Đi dưới hàng bằng lăng trổng trong sân trường đã mười bảy năm, mà chiều nay tôi mới nhận ra bông bằng lăng màu tím.
Rồi một ngày Rằm tháng Giêng đầy nắng, tôi nhận được từ Đại đức Từ Nghiêm tác phẩm Kiều và văn nghệ đứt ruột. Chao ôi ! Bất tri tam bách dư niên hậu ! Sau ba trăm năm, Hòa thượng làng Mai bằng thi pháp Thiền tông đã giải mã thông điệp của thi hào Nguyễn Du, dội một gáo nước lạnh, rửa sạch những hạt giống đoạn trường trong tôi :
Ma đưa lối, quỷ dẫn đường
40 năm những đoạn trường mà đi
Quê mình tử biệt sinh ly
Quê người thôi có tiếc gì ngày xanh
Sáng nay, hoa nở trên cành
Hoa chúm chím nở lung linh sân nhà !
Chèo tiếp bảy trăm năm
Bồ đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhá trần ai ?
Cứ mỗi lần thành kính ngắm nhìn bức chân dung Lục Tổ Huệ Năng tôi lại nghĩ đến con đường gầy dựng Thiền tông Việt Nam của HT. Thích Thanh Từ. Dường như Điều ngự Giác hoàng đã chống ba sào, bước lên bờ, rổi đưa mái dầm cho thầy chèo tiếp, vượt thoát bảy trăm năm về phương Nam - phương của những người nông phu bình dị, phương của trí vô sư. HT. Tuyên Hóa nói:
Muốn tôi lên trời: chẳng khó gì. Giáo hóa người Mỹ là khó nhất.
Muốn tôi độn thổ: chẳng khó gì. Giáo hóa người Mỹ là khó nhất.
Muốn gà trống đẻ trứng : chẳng khó gì. Giáo hóa người Mỹ là khó nhất.
Cũng thế, muốn hoằng pháp ở thời kỳ hữu sư, kiêu mạn - người chèo đò phải mặc áo tơi, đi thuyền lá : đại từ, đại xả, đại bi.
Lần đầu tiên tiếp xúc với pháp môn Thiền đốn ngộ, công phu kỳ đặc của thầy, tôi hiểu rằng đó là con đường duy nhất để đi vào thế giới xan tham, chấp ngã, đấu tranh: người trí, kính mà ghen ghét ; người dũng, kính mà lo sợ; người bi, kính mà thân cận, chẳng dè dặt đề phòng! Tạo dựng 10 thiền viện nghiêm minh bằng đôi tay chai sạn, làm nền móng, làm gốc rễ sâu bền cho tòa nhà văn hóa Trúc Lâm - một bức tranh thiền có thực ngoài đời chứ không phải trong tranh lụa - là vạch một đường chim từ hai đỉnh núi. Giờ đây, cứ mỗi lần về Đà Lạt, tôi lại lặng lẽ ngồi trong khuôn viên Rừng Trúc nhìn xuống hồ Tuyền Lâm tĩnh lặng. Và trong nắng mai ấm áp, trong tiếng thông reo, tôi nghe vang vọng lời dặn của Thầy: Một cá nhân tu Thiền là một người tự do tự tại, một gia đình tu Thiền là một gia đình hạnh phúc, một xã hội tu Thiền là một xã hội văn minh, tự chủ, hùng cường.
Mùa Vu Lan năm 2000 - PL.2544, những bông hoa Ưu đàm bừng nở, những cánh thiên nga về lại bên hồ. Đường quê, nắng dọi ao thơm...


1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...